Cuộc tương phùng với Đức Thế Tôn
(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 16.11.1997 tại tu viện Rừng Phong, Phần 2)
Ngày xưa, có một Thầy tên là Vakkhali. Thầy Vakkhali thương Bụt vì Bụt đẹp quá về phương diện hình thức. Thấy vị đạo sư đẹp quá, tướng hảo quang minh quá, thành ra thương vậy thôi. Thầy kẹt vào bóng dáng của Bụt. Thầy ngồi đó, tuy nghe Pháp Thoại nhưng không nghe nhiều và chỉ để ngắm Bụt. “Yêu nhau tức là nhìn nhau” đó! Nhìn, nhưng thầy không nhìn sâu, chỉ nhìn bóng dáng bên ngoài thôi. Sau vài tháng, Đức Thế Tôn biết là Thầy bị kẹt và đi đâu Bụt cũng không cho Thầy đi theo. Ngày xưa cũng không khác ngày nay, có người không thật sự tu tập quán chiếu, chỉ muốn hưởng sự có mặt của một người khác và kẹt vào đó mà thôi.
Bữa đó, Thầy Vakkhali “thất tình”. Thất tình vì bị Bụt “hắt hủi” không cho đi theo. Bụt muốn giúp Thầy trị bịnh của Thầy. Thầy đã có lần muốn nhảy từ triền núi xuống để tự tử. Đức Thế Tôn biết trước cái gì sẽ xảy ra. Ngài tìm cách có mặt lúc đó để dạy cho Thầy Vakkhali. Sau này Thầy Vakkhali thoát khỏi tình trạng vướng mắc và đã thực tập đàng hoàng. Thầy Vakkhali cũng đã đi tìm một cái gì mà Thầy thấy thiếu, tìm cái đẹp. Nhưng sự đi tìm không sâu sắc lắm. Và Bụt đã giúp Thầy tìm đến một cái gì sâu sắc hơn. Thầy Vakkhali sau này bị một chứng bệnh nan y và cuối cùng Thầy đã phải tự tử bằng dao. Nhưng Bụt đã từ bi làm lơ để Thầy làm như vậy. Thầy chết trong nhà một người thợ gốm. Bụt có tới thăm Thầy hai hôm trước khi Thầy tịch. Quý vị muốn biết chuyện Thầy Vakkhali xin đọc trong “Đường Xưa Mây Trắng”.
Thời của Bụt cũng có một cô gái thuộc giai cấp hạ tiện, tên là Matanga. Cô này xinh lắm và cô yêu Thầy A Nan. Chuyện bắt đầu xảy ra hôm thầy A Nan đi khất thực, khát nước và ghé vào một cái giếng để tìm nước uống. Thầy thấy cô gái kia đang múc nước. Thầy nói: “Cô cho tôi uống một ngụm.” Cô trả lời: “Con là con gái giai cấp hạ tiện. Con đâu có quyền đưa nước cho Thầy uống.” Thầy A Nan thấy tội, nói: “Theo giáo lý của Đức Thế Tôn dạy, tôi không phân biệt và kỳ thị giai cấp. Cô cứ đưa gàu cho tôi uống.” Cô mừng quá, đưa gàu nước cho Thầy uống và từ đó cô tương tư Thầy.
Cô ngủ không được. Cô bị bệnh. Rồi cuối cùng cô bàn với bà mẹ mời Thầy tới để cô có dịp tỏ tình. Hai mẹ con đã dùng bùa chú, dùng một thứ lá cây nào đó làm nước trà mà khi uống vào Thầy A Nan mất cả sự tỉnh táo. Thấy Thầy A Nan quá giờ mà chưa về, Bụt sai các thầy khác đi tìm và may mắn kiếm được Thầy A Nan trước khi Thầy làm một cái gì sai với uy nghi và hại tới giới phẩm. Thầy A Nan uống xong thứ nước trà kia, biết là bị trúng độc, liền ngồi im vận dụng phép thở khí công. Thầy thở theo chánh niệm và đợi các thầy khác tới giải cứu đem về. Các thầy cũng đem luôn cả cô Matanga về. Tội nghiệp cho cô. Cô cũng cảm thấy thiếu một nửa và đi kiếm, vậy thôi. Lần này, cái nửa cô đi tìm là một ông thầy tu trẻ.
Bụt gọi cô vào hỏi: “Con thương Thầy A Nan lắm hả?” Cô trả lời: “Dạ, con thương Thầy A Nan lắm.” “Con thương cái gì nơi Thầy A Nan?” Bụt hỏi. Ngây thơ, cô trả lời: “Cái gì của Thầy con cũng thương. Con mắt Thầy con cũng thương, cái mũi Thầy con cũng thương. Cái gì của Thầy con cũng thương hết.” Bụt nói: “Nhưng mà thương như vậy con chỉ mới thương được một chút xíu của Thầy A Nan thôi. Con chưa biết gì nhiều về Thầy A Nan. Ví dụ như chí nguyện của Thầy A Nan, con đã thấy gì đâu. Một người trẻ như vậy mà đi xuất gia là vì chí nguyện rất lớn, chí nguyện độ đời, giúp cho bao nhiêu người thoát khổ. Con đâu đã thấy cái đó. Nếu thấy cái đó mà con cũng thương được thì con đã không cho Thầy A Nan uống thứ nước trà kia.
Thầy A Nan có một tình thương rất đẹp. Tình thương của Thầy A Nan là Bồ Đề Tâm, là chí hướng muốn làm hạnh phúc cho nhiều người khác. Nếu con thấy được tình thương đó thì con cũng sẽ thương. Và nếu con thương được thì không bao giờ con muốn chiếm Thầy A Nan cho riêng một mình con.” Bụt dạy từ từ như vậy để cho cô thấy được cái đẹp của thầy A Nan trong chiều sâu của nó. Bụt nói tiếp: “Con cũng vậy, con cũng có cái tình thương ấy trong con.Thương được Bồ Đề Tâm của Thầy A Nan thì con cũng có thể thương được Bồ Đề Tâm trong con.” Ngạc nhiên, cô Matanga hỏi: “Đức Thế Tôn muốn nói là con cũng xuất gia được? Con cũng sống được một đời có lý tưởng như Thầy A Nan sao?” Bụt cười: “Tại sao không?” Và rốt cuộc cô Matanga cũng được Bụt cho phép xuất gia, làm Tỳ kheo ni.
Cho nên cuộc tương phùng giữa ta với Đức Thế Tôn là một cơ hội để ta tìm ra được là ta cũng có tiềm tàng trong ta khả năng vững chãi và thảnh thơi. Khi ta tiếp xúc được với cái vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc đó trong ta, ta bắt đầu có đức tin nơi tự thân và hạnh phúc mới thật sự có được. Nếu không, thì ta vẫn đầy mặc cảm. Ta nghĩ ta không có giá trị gì và ta vẫn tiếp tục đi tìm cầu nơi một kẻ khác. Ban đầu ta tìm cầu một cái vung để đậy lên cái nồi của mình, nhưng sau thấy đậy vung rồi mà nồi vẫn còn lạnh, vẫn còn trống trải, ta mới đi tìm tới một vị đạo sư. Có người đã may mắn gặp được vị đạo sư đích thực, bởi vì đạo sư giả cũng rất nhiều. Vị đạo sư đích thực là vị đạo sư có khả năng chỉ cho mình thấy được cái mà mình đi tìm đang nằm trong bản thân của mình. Cho nên tôi luôn luôn nhắc quý vị: Một ông thầy giỏi là một ông thầy giúp cho mình thấy được ông thầy trong bản thân mình” (The best teacher is the teacher who can help you to find the teacher within yourself). Quí vị nên nhớ lời căn dặn này.
Mình không thể làm như Thầy Vakkhali, ngày nào cũng tới ngồi kè kè bên Bụt và không bao giờ có thể tự chủ được. Ngồi ngắm Thầy, ngồi bên vị đạo sư có sự vững chãi, thảnh thơi và tiếp tục tin rằng không bao giờ mình có được chất liệu của sự vững chãi, thảnh thơi trong mình hết, và kẹt vào cách hành xử này, đó là một thói quen của nhiều người. Người thương của ta có thể là Đức Thế Tôn, có thể là Thầy A Nan. Người thương của ta cũng có thể là bất cứ ai mà bản thân biểu hiện được cái Chân, cái Thiện và cái Mỹ chân thật. Khi thương một người và nhận diện được chất liệu vững chãi, bình yên, thảnh thơi và từ bi nơi người ấy là ta đã có một cơ hội rồi. Ta có quyền thừa hưởng những yếu tố ấy. Nhưng sau khi học nhận diện những yếu tố ấy, khen ngợi những yếu tố ấy và học nuôi dưỡng những yếu tố ấy nơi người đó, ta phải trở về bản thân mà tìm cách làm phát hiện những yếu tố ấy trong ta, vì ta cũng có những hạt giống tốt tiềm tàng trong tâm thức. Đây là tính Bụt, đây là kho tàng Như Lai, đây là kho tàng bảo sở tự tâm. Thương cũng là giúp người mình thương trở về tìm lại kho tàng ấy, phát hiện kho tàng ấy.
Thương yêu không phải là vấn đề cá nhân
Bây giờ ta hãy tìm tới một khía cạnh khác của tình thương. Mình thường nói tới thương yêu như một vấn đề cá nhân, nhưng không biết thương yêu cũng là một sản phẩm tập thể. Mình có thể thương chung (Love is a collective practice). Khi thương Đức Thế Tôn, mình có cơ hội tìm ra được Phật tánh trong chính mình. Mình nói: “Đức Thế Tôn, xin Ngài cho phép con thương chung với Ngài”. Mình muốn tham dự vào sự nghiệp thương yêu của Đức Thế Tôn. Mình muốn làm đệ tử của Đức Thế Tôn, làm con của Đức Thế Tôn và tiếp tục công trình của Ngài. Đó gọi là “cùng nhìn về một hướng”. Ban đầu thì mình nhìn nhau trước. Nhìn nhau để thấy có tôi ở trong anh và có anh ở trong tôi. Sau đó chúng ta cùng tập thương chung.
Khi mình đã có lý tưởng, mình phải giúp cho người thương của mình có lý tưởng đó. Đức Thế Tôn thương mình cho nên Ngài chỉ cho mình thấy cái đó, cái Bồ Đề Tâm trong mình. Thành ra mình không thương đơn độc. Cả hai đứa mình đều có cái đó hết và vì vậy mình có thể thương chung. Khi hai người cùng thương chung thì hai người có hạnh phúc như nhau. Tại sao anh đi một đường mà tôi lại đi một đường khác? Tại sao tôi có lý tưởng của tôi, còn anh có lý tưởng của anh? Mình với Đức Thế Tôn là như vậy đó, là “associés” của nhau (Associated lovers). Người anh, người chị, người mẹ, người cha của mình cũng có thể cùng đi trên con đường mình đi. Người hôn phối của mình cũng vậy. Nếu người kia chưa đi chung với mình thì mình phải làm cho người đó có thể thương được như mình. Và như vậy sẽ không có sự trách móc, rằng: “anh cứ đi con đường lý tưởng của anh nhiều quá, anh không dành cho tôi thì giờ. Anh không “nhìn tôi” anh cứ nhìn về hướng “của anh” thôi.” (You don’t look at me, you only look at the direction of your love. I am not included). Cái nhìn đó vẫn là cái nhìn lưỡng nguyên (dualistic view), phải không?
Khi mình thương và biết cách thương thì người kia cũng thương được như mình. Và “chúng ta” luôn luôn có nhau trên bước đường lý tưởng, trên bước đường thương. Tại sao cứ phải trách móc là anh cứ lo cái lý tưởng của anh nhiều quá và anh không để ý tới tôi? Chuyện nhìn nhau và chuyện cùng nhìn về một hướng phải là một. Chúng ta đã bắt đầu bằng câu nói của Antoine de St. Exupéry: “Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng.” Đến đây ta có thể trả lời rằng: “Ông nhà văn ơi, ông nói lại đi: Thương nhau cũng là nhìn nhau để nhận diện rằng chúng ta có trong nhau, để chúng ta cũng có thể cùng nhìn chung về một hướng.” Phần chót là để quý vị quán chiếu và phát hiện.