Bếp lửa hồng
(Trích từ buổi bình thơ đêm Giao thừa Quý Tỵ – 10.02.2013 tại xóm Mới, Làng Mai)
Kính thưa đại chúng! Hôm nay là ngày ba mươi Tết (thật ra là hăm chín Tết do năm nay không có ba mươi). Bây giờ là 15h30’ chiều (giờ nước Pháp). Chỉ 2h30’ nữa Việt Nam đón giao thừa. Buổi bình thơ này là một buổi thực tập cho chúng ta có cơ hội nhìn trở lại. Có thể là trong năm chúng ta bận rộn. Và chúng ta không có thì giờ để nhìn lại chính chúng ta và cách sống của chúng ta. Giờ cuối năm là giờ linh thiêng. Chúng ta cần phải buông bỏ hết. Ngồi yên để nhìn lại, để chúng ta có một cơ hội sẽ làm hay hơn trong năm tới. Đề tài của chiều hôm nay là Bếp Lửa Hồng.
Bếp lửa hồng tượng trưng cho sự đoàn tụ, cho sự ấm áp, cho tình thương, cho hạnh phúc. Bếp lửa đó nằm ở đâu? Nó nằm ở đây (Pháp) hay ở bên nhà (Việt Nam)? Có những người trong chúng ta thật sự không có một bếp lửa. Nghĩ tới nhà thì chúng ta không có hạnh phúc. Tại vì chúng ta không có một bếp lửa hồng. Chúng ta chưa thật sự có một bếp lửa. Có thể trong gia đình còn có đủ mẹ cha và anh chị. Nhưng mà liệu tối hôm nay mọi người có nhìn mặt nhau được hay không, có nói chuyện với nhau được hay không? Có đủ tình thương không? Có đủ hạnh phúc không?
Bếp lửa là một hình ảnh thân quen. Chúng ta ai nấy đều mong muốn có một bếp lửa hồng, có một tổ ấm. Chính người xuất gia cũng vậy. Chúng ta cũng mong muốn có một chỗ ấm áp, ngồi chung với nhau trong tình huynh đệ. Huống hồ những người ở ngoài đời cuộc sống bận rộn, đi ngang qua bao khổ đau thì họ rất mong ước có một chỗ quay về để có thể cảm thấy ấm áp và hạnh phúc. Chúng ta đã hiểu rằng, chúng ta đã biết rằng nếu không có hiểu nhau thì chúng ta không thể thương nhau, chấp nhận nhau được. Mà trong đạo Bụt, Đức Thế Tôn dạy rất rõ. Nếu mình không hiểu được mình và thương được mình thì mình không thể hiểu được và thương được người khác, dù người đó là bố của mình, mẹ của mình hay là anh chị em của mình hay là người đồng bào của mình. Vì vậy cho nên từ Hiểu và từ Thương rất quan trọng.
Chất lửa phải từ trong trái tim đi ra. Đạo Bụt dạy chúng ta làm ra lửa, làm ra tình thương, làm ra sự hiểu biết. Và khi chúng ta học giáo lý đạo Bụt thì chúng ta có thể chế tác được lửa, ngọn lửa ở trong trái tim của chúng ta. Đó là ngọn lửa của thương yêu, của hạnh phúc. Và nếu chúng ta có ngọn lửa đó rồi thì chúng ta mới châm cho trái tim của những người khác.
Gánh nước đêm ba mươi
Đối với văn hoá Việt Nam, hình ảnh ngọn lửa đi đôi với hình ảnh của gánh nước. Gánh nước đêm ba mươi. Có nhiều địa phương ở Việt Nam, đêm ba mươi gánh nước là một nghi lễ. Dù cho mấy cái chum, cái lu trong nhà đầy rồi thì mình vẫn phải đi gánh nước ở giếng như thường. Và đêm ba mươi người ta gặp nhau ngoài giếng, gánh một gánh cuối cùng và người ta kể chuyện cho nhau nghe. Người ta nói hy vọng của nhau đối với năm mới sắp tới. Do đó gánh nước đêm ba mươi trở thành một đề tài thi ca.
Nếu chúng ta sinh ra trong thời đại mới này thì chúng ta nên biết là ở trong nhà ngày xưa có người em gái, người mẹ đi ra giếng gánh cho đầy chum, đầy lu, đầy vại. Đó là chuyện phải làm trong ngày Tết. Cũng như tây phương người ta đổ xăng, đổ dầu cho đầy. Lu nước, chum nước tượng trưng cho những tiện nghi về vật chất. Nếu trong nhà đầy nước thì có nghĩa là chúng ta có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc, chúng ta có lương bổng đàng hoàng. Chúng ta có ruộng vườn, trâu bò, ao cá. Vì vậy tối ba mươi thế nào cũng phải có những chum nước đầy, vại nước đầy. Điều này người nào làm cũng được. Không cần phải là người giàu. Bất cứ người nào dù nghèo cách mấy cũng có thể lấy thùng đi gánh một đôi nước về. Đó là điều bình đẳng. Và giếng trong làng đóng vai một vị Đại Bồ Tát cung cấp nước cho tất cả dân ở trong làng mà không hề kỳ thị. Người giàu cũng nước đó. Người nghèo cũng nước đó. Người già cũng nước đó. Người trẻ cũng nước đó. Người sang cũng nước đó và người hèn cũng nước đó. Vậy nên nhìn vào cái giếng chúng ta có thể thấy đó là một vị Bồ Tát không kỳ thị, không phân biệt, là một nguồn sống, nguồn hạnh phúc cho cả làng.
Thi sĩ Nguyễn Nhã Tiên có viết bài thơ Khúc Quê nói về chuyện đi gánh nước đêm 30. Có thể là chúng ta chưa từng thấy, chưa từng nghe, chưa từng làm. Nhưng chúng ta phải biết được chuyện ngày xưa cha ông của chúng ta ăn Tết như thế nào. Và lệ đi gánh nước đêm ba mươi là một nghi lễ. Dầu cho nước trong nhà đã đầy rồi thì vẫn phải đi gánh như thường. Nó có nghĩa là mối quan tâm hàng đầu của mình là làm thế nào để có được điều kiện vật chất đầy đủ để mà sống. Đó là mối quan tâm đầu tiên của con người.
Khúc quê
“Thắp tim lên” là cách dùng từ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.
Ai là người sẽ thắp trái tim của mình lên?
Ai là người giúp cho mình hiểu, mình thương để mình có thể hiểu và thương người khác?
Đó là ngôi chùa ở trong làng.
Ngôi chùa, trung tâm thực tập là nơi người ta tinh luyện, tu tập để người ta chế tác ra cái hiểu và cái thương. Những khoá tu của chúng ta ở Làng Mai đã được tổ chức ở khắp Âu châu, Mỹ châu và các châu khác. Những khoá tu đó đem lại rất nhiều niềm tin cho người ta về tương lai. Có nhiều người khi mới tới với khoá tu họ rất là đau khổ. Họ có nhiều tuyệt vọng, chia rẽ, hận thù, kỳ thị. Họ không có đủ chất liệu thương yêu và tin cậy. Nhưng mà sau một khoá tu năm ngày, bảy ngày thì tự nhiên họ thấy có sự chuyển hoá. Và họ mỉm cười được. Mắt họ sáng lên. Như vậy chúng ta – những người tổ chức khoá tu, hướng dẫn tu học – chúng ta đã châm (mồi) lửa vào trong trái tim của họ để cho họ đem về nhà. Vì vậy cho nên trung tâm tu tập là một vị Bồ Tát.
Nếu mình được tham dự vào chuyện giữ bếp lửa hồng đó thì mình là người có hạnh phúc. Mình giữ bếp lửa hồng đó không phải cho chính mình mà thôi. Mình giữ cho dân cả xóm, cả tỉnh, cả nước. Do đó việc có cơ duyên tới với nhau, sống chung trong tình huynh đệ làm nên một bếp lửa hồng để mình có dư lửa cho chính mình, để có dư lửa phân phát cho người chung quanh là hạnh phúc của những người tu.
Xem thêm >>Pháp thoại bình thơ đêm Giao thừa- Bếp lửa hồng 2013<<