Trước năm 2016

Thư gửi Gà con (2)

Gà con thương,

Chị lại viết tiếp cho em đây. Chị nhận được nhiều lá thư gửi về trang nhà Làng Mai của những em còn rất trẻ chia sẻ là thấy cuộc sống thật buồn chán dù có những bạn đã có học hành, có công việc và có một cuộc sống đầy đủ. Chị lại thấy là mình thật may mắn vì đã tìm thấy hướng đi cho cuộc đời mình. Từ hồi chị học cấp III, chị đã hay tự hỏi mình: “Mình còn trẻ, mình có sức khoẻ và trí thông minh, mình phải làm cái gì đó cho cuộc đời chứ?”  Chị thấy xung quanh chị có nhiều người khổ quá và tình trạng suy thoái đạo đức và ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề. Hình như con người ta chỉ ham làm giầu thôi. Và xã hội thì đi theo hướng tiêu thụ ngày càng nhiều. Ngay cả khái niệm “Phát triển bền vững” cũng không thoả mãn được ưu tư của chị. Phải cho tới khi chị gặp Thầy chị (Sư Ông Làng Mai) năm 2005 thì chị mới thấy có một hướng đi để thoát ra khỏi tình trạng bế tắc đó. Thầy đã trả lời cho chị những băn khoăn trong lòng mà chị không biết hỏi ai. Chị quyết định xuất gia, chọn lối sống THIỂU DỤC – TRI TÚC. Hay nói một cách giản dị là sống đơn giản lại, giảm tiêu thụ lại. Trong khi mỗi cặp vợ chồng có một căn hộ riêng – xe riêng – tủ lạnh – máy tính – Tivi… thì cả xóm chị 60 người ở chung, dùng chung 1 nhà bếp, 3 cái máy giặt… Sống chung đỡ ô nhiễm môi trường lắm em ạ. Chùa chị lại áp dụng nhiều cách để bảo vệ môi trường nữa. Và phật tử, thiền sinh Tây phương về đây họ cũng tập sống như vậy. Sống có “chánh niệm”, hay có ý thức về những gì mình tiêu thụ thì đỡ xả rác nhiều lắm. Mặc áo nâu, đầu không tóc, không son phấn, không máy tính riêng và không điện thoại riêng… chị thấy nhẹ nhàng lắm em ạ.

Thảnh thơi

Ngoài việc làm Web, chị còn đang thử nghiệm một phương pháp trồng vườn, tiếng Anh gọi là Permaculture. Không biết em có biết không? Chị học được do một cô thiền sinh người Nhật Bản tới chia sẻ vào năm đầu tiên chị qua Làng. Hồi đó tiếng Anh còn bập bõm nên không hiểu gì nhiều. Chỉ biết đây là một phương pháp có thể trồng rau mà không cần xới đất, không cần tưới nước, không làm cỏ, không bỏ phân bón… Chị nghe thật là hấp dẫn nên mày mò làm theo nhưng không thành công vì cô ấy chỉ qua làng tu học đúng một tuần rồi về lại Nhật Bản. Chị cũng không có tài liệu, không có ai hướng dẫn mà lại chưa có kinh nghiệm về thời tiết, khí hậu và cây trồng ở đây gì cả. Điều thu hút chị là họ đã làm rất thành công ở Nhật Bản và còn trồng cả lúa nước nữa. Năng suất rất cao. Chị nghĩ tới những cánh đồng ở Việt nam nhiễm độc nặng nề vì phân bón hoá học. Nếu làm được ở Việt nam thì hạnh phúc biết mấy. Có lẽ chính nhờ học về môi trường mà chị hiểu được mặt trái của khoa học kỹ thuật. Đi tu chị hiểu thêm về những độc tố trong tâm nữa. Chị nhớ mình có một môn gọi là độc học. Hầu hết những độc tố đều do con người gây ra. Nếu không có những độc tố trong tâm: tham lam, ganh tị… thì làm sao con người có thể tạo ra những độc tốc cho bên ngoài được. Chị vừa học cách thanh lọc tâm ý mình vừa học cách chữa lành những thương tích cho trái đất. Thật khó tin là con người đã làm tổn thương đất mẹ nhiều đến như thế nào?

Năm thứ hai chị quyết định trồng bí ngô thôi, mình phải thành công theo phương pháp cũ đã rồi mới áp dụng cách mới được. Chị được một sư cô lớn đã làm vườn từ hơn 20 năm nay ở làng chỉ dẫn tận tình. Sư cô cho chị hạt giống, chỉ chị cách gieo hạt, bón phân, làm cỏ, tưới nước. Những ngày làm biếng sau khóa An Cư Kiết Đông, chị thường cùng các chị em thích làm vườn qua xới đất gieo hạt. Khu vườn được hình thành trong tiếng cười và niềm vui. Có nhiều sư cô chưa từng làm vườn bao giờ nên đi tu có cơ hội được tiếp xúc với đất mẹ. Làm vườn cũng giúp trị liệu nhiều đau nhức trong mình lắm em nhé. Mỗi ngày chị đều qua ngắm hàng trăm cây bí đang nảy mầm thêm lá, điều đó cho chị nhiều niềm vui. Với sự góp sức của rất nhiều bàn tay, nhiều yêu thương nên bí bó lúc lắc đầy vườn. Ngày thu hoạch bí, quý sư cô phải lái xe sang chở về đấy em  ạ. (Chị chưa có kinh nghiệm nhiều nên bí không lớn và không chắc lắm), nhưng vì là bí trồng ở vườn chùa nên khi ăn mình hạnh phúc hơn nhiều so với bí mua ở chợ phải không em. Và chùa có bí ngô để dành ăn dần trong suốt mùa đông năm ngoái. Năm nay thì khu vườn Permaculture đã hình thành. Do hai sư chị người Pháp cùng yêu thích làm vườn theo phương pháp sạch chăm sóc (hai sư chị bằng tuổi chị nhưng xuất gia trước). Hai chị lại vừa được tập huấn thêm nhờ tham dự một khóa tu do các bạn trẻ tổ chức về đề tài Permaculture và Hệ thống sinh thái (Eco System). Các chị được một thầy giáo có kinh nghiệm làm vườn theo phương pháp Permaculture hơn 20 năm từ Hà Lan qua dạy. Thầy chỉ rất cụ thể từ phương pháp cho tới thực hành. Cách làm một khu vườn trồng rau thơm như thế nào, làm thế nào để làm phân hữu cơ, cách trồng xen kẽ các loại cây như thế nào để các cây có thể hỗ trợ cho nhau. Đó là lý do mà không cần tưới nước và dùng phân bón nhiều. Dự khóa tu đó về, chị hăm hở lắm. Điều làm chị hạnh phúc nhất là ngọn lửa nhiệt tình trong lòng chị được thắp lại nhờ được gặp các bạn trẻ cùng lý tưởng, cùng ước mong sống một đời sống lành mạnh và có ý nghĩa. Các bạn đó đều đã nhận Năm giới và thực tập sống đời sống chánh niệm. Và em biết không cuối khóa tu chị đã đắp y để dự lễ truyền năm giới cho chính thầy giáo dậy chị làm vườn đấy. Thầy chia sẻ là: Hơn hai mươi năm nay, thầy đã hướng dẫn cho rất nhiều người phương pháp làm vườn này nhưng trong tim thầy vẫn có một khối nặng nề vì lo lắng cho tình trạng ô nhiễm của trái đất và những suy thoái khác. Nhưng nhờ được mời tới dự khóa tu mà thầy hiểu được đời sống của quý thầy quý sư cô Làng Mai. Và đây thực sự là một sự thay đổi lớn trong cuộc đời thầy. Thầy thấy là mình đã đặt được gánh nặng trong tim mình xuống và phát nguyện sẽ sống một đời sống mới trong chánh niệm.

 

Gia đình làm vườn trong khóa tu mùa hè

Trở về làng, các chị lên kế hoạch để làm khu vườn cho xóm chị ở. Tuy nhiên, tới mùa xuân này thì khu vườn mới đầy đủ nhân duyên để biểu hiện. Các chị vừa làm vừa học. Có nhiều thiền sinh tới làng tu học, họ có nhiều kinh nghiệm làm vườn nên họ giúp rất nhiều cho khu vườn mới. Các chị gọi đó là Khu vườn Tăng thân vì có nhiều bàn tay góp sức. Vườn chưa thu hoạch được nhiều, chỉ có cà rốt, khoai tây, củ dền, dâu tây, bắp, cà chua, cà tím, ớt tây, xà lách… mỗi thứ một ít vì mấy chị chưa có kinh nghiệm nhiều nhưng năm sau chắc sẽ khá hơn. Chị còn dự định sẽ làm thử nghiệm hệ thống gom nước mưa để tưới vườn, như vậy sẽ không phải dùng nguồn nước ngầm và  làm phân bón hữu cơ tất cả các rác hữu cơ thải ra (compost), hiện tại mới chỉ làm compost được một phần rác dễ phân huỷ như vỏ rau củ thôi, còn vỏ trái cây, thức ăn đã nấu chín… vẫn chưa làm được vì sợ sẽ thu hút chuột và nhiều loại côn trùng khác. Rồi còn dự định làm hệ thống xử lý nước thải nữa chứ. Đời sống của Tăng thân cho chị nhiều cảm hứng để áp dụng những gì đã học được ở trường học và với kinh nghiệm thực tế, khỏi nói là chị học được rất nhiều từ các thầy, các sư cô cũng như thiền sinh tới làng.

Tặng phẩm của đất trời

Chị rất thích đời sống cộng đồng, đi tu cho chị nhiều không gian và thời gian lắm. Học hỏi thêm về văn hoá các nước khác để lòng mình cởi mở hơn, chấp nhận được nhiều người hơn, sống hạnh phúc và bình an hơn. Thời gian này, chị nghĩ về bạn bè rất nhiều. Khi thấy được hướng đi chị đã lấy cuộc sống của chị ra thử nghiệm. Chị có một cuộc đời và chị muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa. Và chị nói chị sẽ chia sẻ và giải thích cho bạn bè và gia đình sau. Ước gì có các em ở đây để phụ chị một tay nhỉ? Nhu yếu tu học ở Tây Phương cũng như Châu Á rất nhiều. Hàng năm số người về Làng tu học càng tăng nên xóm chị 60 sư cô vẫn thấy thiếu. Chị ước gì có nhiều người thấy được con đường và đi tu thì sẽ giúp được nhiều người hơn. Qua bên này chị càng thấy, có nhiều người họ khổ đau lắm em ạ. Mà không phải vì họ nghèo đâu. Chị thấy mình khổ vì mình chưa biết tu học thôi, chứ gia tài của Bụt để lại cho mình nhiều lắm. Thầy chị đã dành cả cuộc đời để hiện đại hoá đạo Phật, để đạo Phật có thể đáp ứng được những nhu yếu của cuộc sống hàng ngày. Về Làng sống gần Thầy chị mới hiểu thêm về những khó khăn mà Thầy đã đi qua. Chị thật hạnh phúc vì còn được gặp Thầy và được làm đệ tử của Thầy.

Đến giờ chị đi thiền hành rồi, chị dừng ở đây em nhé, còn nhiều điều chị muốn chia sẻ với em lắm. Hẹn em thư sau.

Chị Minh Tâm