Trước năm 2016

Người thương ơi!

Ngày 14/12/2012 vừa qua một cuộc thảm sát  thương tâm đã xảy ra tại trường tiểu học Sandy Hook thuộc thị trấn Newtown của nước Mỹ. Câu chuyện  Adam dùng súng bắn vào mẹ ruột của mình rồi đến hai mươi em học sinh tiểu học trong sáng, ngây thơ  cùng với  sáu thầy cô tại trường Tiểu học ấy và cuối cùng là tự bắn vào đầu của mình đã khiến mọi người dân Mỹ ngơ ngác, bàng hoàng, bất an, đau xót.

Thi trấn Newtown là nơi thầy Pháp Lưu, (vị tu sĩ trẻ hiện đang tu học tại Làng Mai), đã sinh ra và lớn lên với nhiều kỉ niệm, ngôi trường Tiểu hoc Sandy Hook cũng là nơi thầy đã từng được học trong thời ấu thơ. Cho nên khi biết được tin ấy  thầy đã viết lá thư này gởi đến cho Adam và  cho tất cả những người dân ở đó bằng trái tim thương yêu của mình.

Bài viết này đã được BBT chuyển dịch từ bản Anh ngữ.

 

 

Thứ Bảy, ngày 15 tháng 12 năm 2012.

Chùa Pháp Vân, Làng Mai

Thương gửi Adam,

Điều đầu tiên tôi muốn nói với em là tôi mong cho em tìm lại được sự bình an trong chính mình. Thật là đơn giản khi gọi em là ác quỷ và phỉ báng em thậm tệ hơn thế nữa, nhưng tôi không nghĩ điều đó có thể giúp ích gì cho em và cho bất kỳ ai trong chúng ta. Tôi biết bình an là điều em không dễ gì tìm thấy sau tất cả những gì em đã làm. Chỉ trong một giây phút bị trấn ngự bởi căm giận, mê mờ và sợ hãi – mà theo tôi có lẽ sự sợ hãi là lớn nhất – em đã nghĩ rằng phải tiêu diệt tất cả, đó là lối thoát.  Chính cái cảm xúc dữ dội ấy đã đẩy em đi đến hành động bắn chết mẹ của mình,  tàn sát những đứa trẻ và thầy cô giáo của trường Sandy Hook, và rồi cuối cùng quay mũi súng vào chính mình. Em quyết định: thế là hết, trò chơi đã kết thúc.

Nhưng trò chơi đó chưa hề kết thúc, cho dù em đã chết. Em đã không tìm ra được một lối thoát cho nỗi cô đơn và căm giận trong lòng mình. Em vẫn tiếp tục sống dưới những hình thái mới, trong nỗi đớn đau và tuyệt vọng của những gia đình có người thân bị em sát hại, trong sự mất mát niềm tin vào con người, trong vết thương sâu thẳm của cộng đồng, của người dân Newtown, cũng như trong hàng loạt các bài báo và tin tức đang truyền đi trên khắp đất nước và trên thế giới.

Và em cũng đang hiện hữu trong chính tôi. Tôi cũng từng là một cậu bé lớn lên từ thị trấn Newtown, mặc dù bây giờ tôi đã là một người xuất gia theo truyền thống đạo Bụt. Ngay lúc này đây, tôi thấy em đang có mặt rất rõ trong tôi, em đang được tiếp nối bởi những hậu quả của hành động mà em đã gây ra, và tôi cũng thấy rằng em chưa thoát khỏi nỗi khổ, niềm đau trong lòng dù em đã chết.

Em biết không, khi còn ở độ tuổi của những đứa trẻ mà em bắn chết, tôi đã từng chơi đá bóng ở cái sân vuông phía ngoài căn phòng nơi em đã chết. Đội của chúng tôi khi đó có tên là Đại bàng, và chúng tôi đã giành chiến thắng trong cuộc thi của trường năm đó. Đến bây giờ chiếc cúp bạc giành được năm nào vẫn được mẹ tôi cất giữ cẩn thận trong một chiếc hộp. Phải thú thật là tôi chưa bao giờ là một cầu thủ thứ thiệt. Tôi cũng từng chiến thắng mà cũng từng thất bại, cũng thường là cầu thủ dự bị để thay thế phút chót cho một vị trí thiếu hụt nào đó trong đội.

Tôi nghĩ là em cũng biết những cảm giác này – cảm giác bị chối bỏ, bị cô lập và trên hết là cảm giác cô đơn, một cảm giác mà ta khó có thể chịu đựng được. Nhiều người trong chúng ta chứ không chỉ riêng em đã và đang ở trong tình cảnh đó. Khi cô đơn, chúng ta thường có xu hướng đi tìm chỗ trú ẩn trong thế giới vi tính và phim ảnh. Nhưng liệu rằng những thế giới đó có thực sự giúp chúng ta bớt cô đơn hay chỉ làm tăng thêm sự cô lập và xa cách? Thế giới ngày nay đang không ngừng tạo ra các phương tiện để gắn kết mọi người lại với nhau hơn, nhưng phải chăng chúng ta đang đánh mất mối liên hệ và truyền thông đích thực!

Tôi thật lòng muốn biết em đã làm gì với niềm cô đơn trong lòng mình. Em có bao giờ làm giống tôi, ôm ấp niềm cô đơn đó bằng cách đi dạo chơi trong những cánh rừng bao phủ thị trấn nhỏ của chúng ta? Tôi biết rất rõ con dốc dẫn từ trường học ra bờ suối, được bao bọc bởi những hàng dẻ gai (beech) và tùng trắng (white pine). Khung cảnh đó đã đi vào trong tôi và làm nên khung cảnh của tâm hồn tôi.

Tôi nhớ như in cái cảm giác thích thú khi được một mình đi bộ dọc theo con đường mòn uốn lượn dẫn đến công viên Treadwell! Đối với tôi lúc đó, con đường này là một con đường huyền bí, một phép lạ và cũng là một trong rất nhiều những con đường bí mật xuyên qua các cánh rừng mà tôi đã tự mình khám phá ra. Đến bây giờ vẫn còn một vài con đường như vậy chưa từng ai biết đến.

Adam, đã bao giờ em thử áp mặt mình vào lớp vỏ xù xì của một cây sồi để cảm nhận sự rắn chắc của lõi cây đằng sau lớp vỏ, và lắng nghe nhựa sống đang âm thầm tuôn chảy trong lòng cây? Đã bao giờ em chơi với dòng suối, đắp đập ngăn dòng bằng những tảng đá để làm nên những cái hồ giữa lòng sông và cảm giác như mình là chúa tể nơi đây?

Những khoảnh khắc như vậy có thể mang lại cho mình rất nhiều bình an, làm cho mình gắn bó thân thiết với thế giới xung quanh và nhờ vậy nỗi cô đơn trong mình được chữa lành. Em có bao giờ trải nghiệm điều đó như tôi không? Hay nỗi cô đơn trong em chỉ biết đến màn hình với những nhân vật ảo đang nhảy múa theo ý muốn  của em trong các trò chơi điện tử? Em đã trải qua bao nhiêu cuộc đời, đã bắn bao nhiêu phát súng, nổ bao nhiêu trái bom và tiêu diệt bao nhiêu mạng người trong những trò chơi điện tử và những phim ảnh mà em đã xem?

Tự lấy đi mạng sống của chính mình ở tuổi 20, em đã không cho mình cơ hội để lớn lên, để thấy được rằng những mầu nhiệm của sự sống có thể mang lại cho em rất nhiều hạnh phúc. Tôi biết khi còn ở độ tuổi như em, tôi cũng chưa thấy được điều đó.

Giờ đây tôi đã 37 tuổi, độ tuổi mà Bụt – vị thầy tâm linh của tôi – đã giác ngộ, đã tìm ra được con đường thoát khổ. Còn tôi, tôi vẫn chưa giác ngộ. Sáng hôm nay khi nghe tin tức và đọc những dòng chia sẻ của những người bạn cũ đang bị sốc vì những gì vừa xảy ra tại quê hương mình, trong một vài phút tôi cảm được một nỗi đau dâng lên trong lòng như một cơn sóng và tôi khóc.

Sau đó tôi đi bộ một mình vào khu rừng nhỏ bao quanh tu viện. Trong cái lạnh ẩm ướt của mùa đông nước Pháp, bên cạnh cây nguyệt quế, tôi lại khóc. Tôi khóc cho những đứa trẻ vô tội, những thầy cô giáo và gia đình của các em. Và tôi cũng khóc cho em, Adam, bởi vì tôi nghĩ rằng tôi biết em, cho dù chúng ta chưa bao giờ gặp nhau. Tôi nghĩ là tôi biết khung cảnh trong tâm hồn em, bởi vì đó cũng chính là khung cảnh của tâm hồn tôi.

Tôi không cho là em căm ghét những đứa trẻ mà em đã bắn chết, cũng như người mẹ đã sinh ra em. Tôi nghĩ điều mà em căm ghét chính là nỗi cô đơn trong lòng mình.

Tôi khóc vì tôi đã không làm được gì để cứu em. Tôi đã không chỉ cho em làm thế nào để khóc, để nói lên niềm đau, nỗi khổ trong lòng mình. Tôi đã không thể ngồi để lắng nghe em mà không phán xét hay phản ứng. Cũng như những người bạn đồng trang lứa, tôi đã rời thị trấn nhỏ Newtown ở tuổi 17, tràn đầy tự tin và ước vọng, với những lời chúc tụng của bạn bè và sự yểm trợ của gia đình.

Tôi là một trong nhiều người trẻ đã rời thị trấn nhỏ Newtown, để lại sau lưng những người thân yêu, trong đó có em – dù khi đó em chỉ vừa mới chào đời. Điều đó có nghĩa là tôi cũng là một phần của cộng đồng, của một nếp sống mà đã làm em thất vọng và không giúp gì được cho em. Khi đó tôi cũng chưa biết thế nào là một cộng đồng và cũng chưa ý thức rằng mình là một phần không thể tách rời của cộng đồng đó. Chỉ đến khi tôi không còn được sống trong cộng đồng đó nữa thì tôi mới nhận ra mình cần một môi trường như vậy biết nhường nào.

Tôi đã không thể làm một trong những người có thể ngồi bên em và lắng nghe em. Tôi đã không có mặt đó để giúp em, chỉ cho em cách thở và chăm sóc những cảm xúc mạnh trong lòng, cũng như giúp em thấy rằng đó chỉ là một cảm xúc, nó đến rồi đi, cảm xúc đó không phải là em, là của em. Nhưng tôi có thể chắc chắn rằng những người khác trong thị trấn Newtown rất quan tâm và thương em. Em có biết điều đó không?

Hồi còn là một học sinh lớp 8, tôi rất sợ một người bạn cùng lớp, nhất là khi người đó giận lên. Đó là lần đầu tiên tôi biết thế nào là sự hung dữ. Khi đó tôi không có màn hình vi tính hay tivi để khỏa lấp nỗi sợ hãi trong lòng, tôi chỉ có trí tưởng tượng và những quyển sách. Tôi đã từng mơ ước trở thành một siêu nhân với nhiều phép thần thông, có thể ném những trái banh lửa xuống hành lang của trường để người bạn đó khiếp sợ và không bao giờ dám bắt nạt tôi nữa. Em có bao giờ mơ như vậy không?

Tôi đã nhận ra rằng trở thành một kẻ hủy diệt không phải là lối thoát cho tình trạng đó. Dù nỗi cô đơn trong em lớn đến nhường nào, dù cho em có đau khổ và tuyệt vọng đến đâu đi nữa thì trong em vẫn còn có khả năng tỉnh thức, khả năng sống hạnh phúc và tự do mà không gây đau khổ cho bất kỳ ai. Vì không biết điều đó, hay không thể thấy được điều đó nên em đã chọn cách hủy diệt tất cả. Chúng tôi đã không đủ khéo léo để giúp em tìm ra một lối thoát cho chính mình.

Với những gì em đã gây ra, em muốn cho chúng tôi biết điều đó. Giờ đây tôi đang lắng nghe em, tất cả chúng tôi cùng đang lắng nghe tiếng kêu bi thương của em, tiếng kêu từ địa ngục của những tri giác sai lầm. Giờ đây em không còn cô đơn một mình nữa, và em cũng chưa rời bỏ chúng tôi.

Có lẽ em sẽ không thể tìm lại được bình an chừng nào chúng tôi còn chưa dừng lại những lo toan, bận rộn, những ham muốn chạy theo quyền hành, tiền tài hay sắc dục, cũng như những sợ hãi và lo lắng, để có thể thực sự lắng nghe em, để là một người bạn, một người anh em thực sự của em. Nếu có được một người bạn tốt như vậy thì có lẽ em đã không bị nhấn chìm bởi nỗi cô đơn trong lòng mình.

Nhưng Adam thương, chúng tôi cũng cần em giúp đỡ. Lẽ ra em cần cho chúng tôi biết em đang khổ đau, nhưng tôi biết làm được điều đó quả là không dễ dàng. Nó đòi hỏi chúng ta phải vượt qua lòng kiêu hãnh và tự hào về chính mình, mà làm được như vậy thì phải rất cam đảm và khiêm nhường. Em đã không làm được điều đó, và vì vậy mà em đã để lại những hậu quả nặng nề cho các thế hệ tương lai.

Tôi biết niềm oán giận trong em sẽ tiếp tục biểu hiện trở lại dưới những hình thức mà không ai có thể đoán trước được nếu chúng tôi không học được cách truyền thông với em để hiểu niềm cô đơn, giận hờn và tuyệt vọng trong em,  những cảm xúc này cũng đang nằm sâu và đôi khi ẩn tàng trong mỗi chúng tôi.

Sự truyền thông mà tôi muốn nói không phải là thông qua Facebook hay Twitter hay email, điện thoại mà bằng hành động ngồi yên có mặt thật sự cho em và mở trái tim mình để lắng nghe em.

Giờ đây chúng tôi biết rằng em đang có mặt đó. Hành động của em không phải là ngẫu nhiên hay một sự điên rồ. Hành động đó đang thúc đẩy chúng tôi – những người đang sống – phải tìm ra một con đường để thoát khỏi ngục tù của cô đơn trong lòng mình. Bản thân tôi đã học cách sử dụng hơi thở ý thức để nhận diện và chuyển hóa những cảm xúc mạnh trong tự thân, nhưng điều tôi mong ước là mọi người, dù nam hay nữ, dù trẻ hay già cũng đều có cơ hội học hỏi được phương pháp thực tập này mà không cần phải đi nửa vòng trái đất và trở thành một người tu như tôi mới có thể làm được.

Tôi nghĩ rằng khi sống trong một cộng đồng, chúng ta cần phải ngồi lại và cùng nhau chia sẻ, học hỏi cách thức trân quý và bảo vệ sự sống, nhưng không phải bằng những luật lệ và quy định về kiểm soát súng đạn, mà chính bằng sự có mặt đích thực cho nhau. Đối với tôi, đây là giải pháp để phục hồi lại sự hòa hợp và gắn kết trong cộng đồng.

Thầy Pháp Lưu (Douglas Bachman).