Trước năm 2016

Con đường vui

Một vài cảm nhận sau khóa tu xuất sĩ tại Xóm Thượng từ ngày 20 đến ngày 27.02.2014

Biết ơn Con Đường Vui

Thầy ơi, con biết ơn thầy đã cho con nhiều sư anh sư chị sư em quá dễ thương. Tất cả đã và đang nâng bước cho con đi êm trên lộ trình đầy những khai phá thú vị. Đã có thời con đi tìm cái gì là bản tâm chân thật của con. Những kiến thức về tự nhiên, về xã hội, những vốn sống ít ỏi giữa cõi đời phù tạm, những hiểu biết về tâm lý học chưa đủ thỏa mãn khát khao đi tìm kiếm chính mình trong con những mong mang lại lợi lạc cho người khác.

Con hay nhìn quá khứ và cũng hay tưởng tới tương lai. Nhìn quá khứ để thấy rằng hiện tại con được lớn lên nhiều từ dưỡng chất mà Thầy và tăng thân đã chăm bón cho con. Tưởng tới tương lai, con ấp ủ nhiều mơ ước tu học, nhiều công trình cần dựng xây cho nội lực thêm vững vàng. Những ước mơ của con phải là những ước mơ có khả năng thành hiện thực- con luôn tự nhắc mình như vậy. Con nhớ mình đã phải khổ công như thế nào để tập ngồi thiền, ngồi được yên lắng về thân, chứ chưa nói gì tới yên lắng cái tâm. Ấy thế mà bây giờ, một khi ngồi xuống, con đã có thể chế tác hỷ lạc cho mình bằng hơi thở thật sự là hơi thở của con. Đó là bài học kiên nhẫn mà con thực chứng được.

Con biết ơn lắm vũ khúc tình đệ huynh đẹp như bản hùng ca trác tuyệt. Con như chấn động khi sư em Pháp Biểu dạo đàn mở đầu cho bản Khúc Hải Triều (The Sound of the Rising Tide) do thầy Pháp Linh sáng tác. Khúc Hải Triều cũng là khúc đệ huynh giao hòa giữa người hát, người đàn, người đánh trống. Tất cả phối hợp nhịp nhàng, hòa điệu. Phải chăng đây là khúc diệu đem ra cử xướng? Đêm văn nghệ duy nhất trong khóa tu xuất sĩ này đã trả lại cho con luồng gió mới trong lòng mà con cứ ngỡ như nó đã ngủ yên lâu lắm rồi, từ ngày rời phố lên núi, từ ngày rời núi phiêu bạt khi Bát Nhã chỉ còn trong kí ức. Tất cả những tiết mục trình diễn trong đêm văn nghệ này, đối với con đều là khúc diệu cả! Mỗi bài mỗi vẻ, độc đáo, thấm đượm tình nghệ sĩ tâm linh trong mỗi người xuất sĩ trẻ.

Mỗi bước chân con đi thiền hành tựa như những nốt nhạc mà con gởi vào lòng đất. Dù đường có bùn lầy, gai góc nhưng Thầy đã đi trước, dọn đường cho đàn hậu lai chúng con bước theo. Con thương lắm những con đường lấm bùn ở Làng mình, làm con nhớ tới lời dạy của Thầy “không có bùn thì làm sao có sen”. Bước tới trong hơi thở ý thức con thấy rõ ràng trước mặt con là một ngày mới với mỗi giây phút đều mới tinh, trước mặt con đây là Con Đường Vui, như chủ đề của khóa tu xuất sĩ lần này vậy.

Chúng con, 245 xuất sĩ trẻ từ các nơi như Pari, Đức, Làng, hội tụ về đây cùng đi trên Con Đường Vui ấy, được tu, học, làm việc, chơi trong tình thầy, tình đệ huynh.

Những bàn tay khéo léo, những tấm lòng đã làm nên sân chơi Đường Về Làng lần 2, với những câu hỏi từ dễ đến khó, từ xa tới gần, từ nội điển tới ngoại điển. Dù cách thức tương tự như những sân chơi trí tuệ mà con từng dự như Bảy Sắc Cầu Vòng, Đường Lên Đỉnh Olympia nhưng đến với sân chơi này con không có cảm giác phải chiến thắng, phải chinh phục đỉnh cao của tri thức mà con thấy mình rất thư thả, sự gắn kết đồng đội mới là quý bởi tinh thần vui chơi là chính, còn quà thì đội nào cũng có quà và phần quà nào thì cũng như nhau cả.

Con mang trong con tình thương của tăng thân, niềm tin yêu hi vọng của Thầy, của gia đình huyết thống, của cuộc đời. Những lời pháp Thầy trao cũng là thao thức của Thầy với tất cả những kinh nghiệm mà thầy đã nếm trải trong hơn bảy mươi năm tu hành. Thầy bảo ban, vỗ về chúng con bằng mưa pháp. Những vấn đề thường gặp của người tu trẻ, làm sao chế tác được hỷ lạc trong đời sống hàng ngày qua bước chân hơi thở, làm sao để bảo hộ mình và bảo hộ tăng thân, làm sao giữ gìn cho đoàn thể được thanh tịnh, không nhiễm ô bằng những thực tập uy nghi, giới luật. Biết bao khó khăn, thắc mắc đã được tháo gỡ.

Tình Thầy ngọt ngào như trái chín cây. Và con cũng có chút ngậm ngùi vì biết rằng Thầy tuổi đã cao mà chúng con còn quá thơ dại, cho nên con luôn trân quý, hết lòng với những gì Thầy đang gởi gắm cho thế hệ trẻ chúng con.

Con Đường Vui vang vọng mãi tiếng hát tiếng cười của Thầy và huynh đệ chúng con khi cả nhà mình cùng nhịp thở, cùng chung ước mơ.

Tâm Phước Hải.

 

Trái tim người xuất sĩ

(Thương gửi các sư em Trăng ở Diệu Trạm)

Các sư em thương!

Hôm nay, một trong mười ngày làm biếng sau khóa tu xuất sĩ. Khóa tu đi qua từ mấy ngày nay rồi mà sư chị thấy như mới hôm qua. Cũng như khi nghĩ về các sư em, sư chị thấy hiện ra trước mắt mình nụ cười thiên thần của các sư em. Qua khóa tu, sư chị thấy rõ hơn trái tim của người xuất sĩ. Trái tim ấy mới mạnh mẽ làm sao. Sự mạnh mẽ đáng kính nể được thể hiện qua những đóng góp anh chị em huynh đệ đã hiến tặng cho đại chúng. Khóa tu đúng là một ngày hội của gia đình xuất sĩ. Sư chị kể vài chuyện vui cho các sư em nghe nhé.

Ban đầu, nghe nói sẽ lên xóm Thượng ở một tuần, sư chị không muốn đi. Sư chị không hiểu, lên đó thì chỗ ngủ nghỉ sẽ như thế nào. Sư chị soạn ba lô mà lòng buồn rười rượi. Cuối cùng sư chị nghĩ: Thôi kệ, để tăng thân đưa đi. Thế mà, sư em biết sao không? Ngày về sư chị lại không muốn về. Vui quá. Nghĩ về chị lại thấy buồn. Sư chị buồn cười cho cái tâm của mình.

Vì là khóa tu xuất sĩ nên xóm Thượng không có bóng dáng cư sĩ nào cả. Thiền sinh dài hạn chuyển xuống Sơn Hạ, nên đi đâu cũng gặp người áo nâu. Huynh đệ của mình đông lắm. Bên Đức về, thiền đường Hơi Thở Nhẹ trên Pari về; rồi xóm Hạ, xóm Mới, xóm Trung, tất cả tập trung về xóm Thượng. Thì ra xóm Thượng rất rộng. Các dãy nhà dành cho thiền sinh thì nay dành cho quý sư cô. Quý sư chị cây Hướng Dương là hạnh phúc nhất. Vì đông nên cả cây được ở chung trong thiền đường Chuyển Hóa. Ấm cúng lắm các sư em ạ. Còn sư chị cũng được ở cùng gia đình Sen Trắng ở dãy nhà Bamboo, gần nhà ăn xóm Thượng. Các cây khác cũng vậy. Có cơ hội được ở chung với nhau thì còn gì vui bằng, các sư em nhỉ.

Giờ ngồi thiền sáng và tối, năng lượng của đại chúng mới thật hùng. Thiền đường Nước Tĩnh rộng thế mà nay chị cũng thấy hẹp. Sư Ông khi nào cũng là người đi sớm nhất. Công phu sáng không có tụng kinh. Thay vào đó là Sám Pháp Địa Xúc bằng hai thứ tiếng Anh và Việt. Người hô canh và người đọc Địa Xúc, ai cũng có giọng đọc rất hay, truyền cảm. Công phu chiều có tụng kinh.

Trong khóa tu xuất sĩ, gần như ngày nào đại chúng cũng được nghe pháp thoại, đặc biệt là có hai buổi vấn đáp với Sư Ông, được Sư Ông chỉ dạy hết lòng về những điều thiết yếu trong đời sống của người xuất sĩ. Sư chị nhớ nhất là lời Sư Ông dạy: “…Mình không cần thành Bồ Tát, thành Phật mới có thể độ đời. Mình chỉ cần có nghệ thuật chuyển rác thành hoa là mình có tư cách độ đời. Và mình phải độ đời trên kinh nghiệm của mình. Kinh nghiệm gì? Kinh nghiệm chuyển rác thành hoa trong bản thân và trong đại chúngMình không nên sợ rác, chỉ sợ là không biết chuyển rác thành hoa mà thôi…Mình phải làm thế nào để đi từng bước chân cho có hạnh phúc. Đó là một sự thách thức, đó là chuyện mình phải làm hàng ngày, đó là một sự đầu tư, là vốn liếng của mình.” Chị em mình cùng ghi nhớ những điều này để thực tập mỗi ngày một hay hơn, các sư em nhé!

Các em biết không, khóa tu xuất sĩ năm nay có một chương trình đặc biệt, đó là chương trình Đường Về Làng. Là Đường Về Làng 2 vì mùa thu vừa qua, khi Sư Ông cùng tăng đoàn đi Mỹ thì chúng ở nhà có chơi rồi. Vì hay quá nên bây giờ chơi tiếp. Mà vui thiệt. Rất hay và nuôi dưỡng. Sư chị thầm cám ơn ban tổ chức. Ban tổ chức đã làm việc rất giỏi, hy sinh hết cả giờ cá nhân của mình để cống hiến cho tăng thân. Cảm giác chơi cũng hồi hộp, không khác gì chương trình Đường Lên Đỉnh Olimpia trên vô tuyến truyền hình. Sau những lần chơi như vậy sư chị thấy mình ham học hơn. Các câu hỏi được đưa ra ở mọi lĩnh vực, cả về nội điển và ngoại điển. Vui nhất là quý sư cha sư mẹ cũng lên chơi mà chơi rất hết lòng. Anh chị em huynh đệ cùng chơi, không hề phân biệt tuổi tác, màu da, quốc tịch. Sư chị rất hạnh phúc khi nghe huynh đệ người tây phương nói tiếng Việt. Dễ thương lắm sư em à. Không biết chị em mình khi nói tiếng Anh có dễ thương như vậy không.

Trong khóa tu này sư chị làm thị giả Sư cô Chân Không nên được phép không tham gia đội luân phiên nhưng nhìn các huynh đệ của mình cùng nhau làm việc chị hạnh phúc lắm. Đại chúng cùng nhau nấu ăn, rửa dọn, lau nhà ăn, làm vệ sinh, sắp xếp thiền đường… và cùng chơi bóng bàn. Phòng chị ở gần ngay chỗ chơi bóng bàn, đi ra đi vô chị đều thấy đại chúng chơi bóng bàn cùng nhau. Vui quá chừng. Nhiều khi các sư em chơi còn quý sư cha, sư mẹ ngồi coi các sư em của mình chơi với nhau thôi cũng đủ hạnh phúc rồi.

Các bữa ăn trong khóa tu cũng phong phú về món. Vì tăng thân mình đến từ nhiều nước khác nhau nên đại chúng được thưởng thức nhiều món của nhiều miền. Những buổi ăn trưa cũng được Ban Tổ chức khéo sắp xếp để anh chị em có cơ hội chơi và hiểu thêm về nhau. Vì vậy có khi đại chúng được ăn trưa cùng Sư Ông trong thiền đường Nước Tĩnh, có bữa thì ăn theo tuổi, rồi theo cây, rồi theo gia đình pháp đàm. Viết đến đây sư chị mới nhớ, nhờ có khóa tu xuất sĩ mà sư chị có cơ hội được nghe tiếng nói của huynh đệ người tây phương. Những ngày quán niệm bình thường, vì có thiền sinh nữa nên khi nào cũng pháp đàm theo ngôn ngữ. Ban tổ chức đã khéo sắp xếp để có người phiên dịch. Có những người, nhìn bề ngoài thì có vẻ như rất khó gần nhưng sự thực không phải là như vậy các sư em ạ. Khi nghe người đó chia sẻ sư chị hiểu thêm về người đó hơn.

Mấy ngày đầu của khóa tu có mưa nhưng không nhiều. Ngày gần cuối trời bỗng dưng nắng đẹp. Hình như ông trời cũng hiểu ý của đại chúng. Hoa thủy tiên nở rồi, đẹp quá. Vậy nên đại chúng có một buổi, gọi là lễ hội hoa Thủy Tiên. Cũng giống như lễ hội hoa Mâng ở chùa Tổ đó các sư em. Ngày đó, sau giờ pháp thoại Sư Ông dẫn đại chúng xuống vườn hoa Thủy Tiên. Hoa nở vàng rực cả mặt đất. Sư Ông ngồi giữa, đàn con ngồi quây quần xung quanh. Những nhạc sĩ, nghệ sĩ của tăng thân được thể hiện tài năng của mình để cúng dường Sư Ông và đại chúng. Có bánh, trà, nước trái cây. Sư em biết không. Sư chị thấy rằng dù ngồi ở đâu, làm gì, hễ có tăng thân thì nó đều trở thành rất đẹp. Sư chị nhớ những lần đi làm ruộng ở Huế. Đẹp làm sao khi cả một cánh đồng lúa vàng rực thấp thoáng tà áo nâu, nón lá. Cả những lần đi nhổ mạ nữa. Dù trời rất lạnh nhưng vui thiệt là vui.

Đêm cuối cùng của khóa tu là đêm thật khó quên. Đó là chương trình văn nghệ. Khác những đêm văn nghệ trong dịp tết hay noel. Văn nghệ lần này là văn nghệ monastic nên không có thiền sinh. Đúng thực là tăng thân. Mầu nhiệm quá. Văn nghệ hay quá chừng. Sư Ông có mặt cho các sư con và xem đến tận 10g, Sư Ông mới về. Hôm sau Sư Ông còn khen trong pháp thoại nữa. Sư chị thấy mình còn mê nữa là các bạn trẻ ở ngoài. Nếu sư chị là người chưa xuất gia, chỉ cần coi văn nghệ đó thôi sư chị cũng đi xuất gia liền.

Các sư em thương!

Mỗi khi nghĩ về các sư em sư chị thấy mình đang được tiếp thêm năng lượng. Các sư em tuổi còn nhỏ mà tu tập thật giỏi giang, thật dễ thương. Nhìn vào tăng thân sư chị thấy mình yêu màu nâu hơn bao giờ hết. Ngày xưa, khi còn học phổ thông, mỗi tuần có hai ngày mặc đồng phục quần xanh, áo trắng. Bây giờ đây ngày nào mình cũng được mặc đồng phục. Khỏi phải chọn lựa, khỏe quá sư em nhỉ. Mình ăn mặc thì giản đơn mà trái tim phụng sự thì không biết mệt mỏi là gì.

Làng đang mùa xuân. Những cây như cây khô mà giờ đây nở đầy hoa. Sư chị cũng không hiểu là hoa từ đâu ra nữa. Mà chỉ có hoa thôi. Cây nó ra hoa trước rồi mới ra lá sư em ạ. Hay vậy đó. Bây giờ đã là tháng ba. Ở Huế có lẽ đang nhiều nắng, cái nắng giống cái nắng mùa hè. Cây bồ kết trước ni xá đã ra hoa chưa hở các sư em.  Sư chị nhớ tiếng ve sầu, nhớ hương bồ kết. Mùi của trái bồ kết khi đốt cháy thật dễ chịu. Nó thoang thoảng mà không gắt.

Vài dòng tâm sự cùng các sư em cho vui. Sắp hết kỳ làm biếng rồi. Làng lại bắt đầu khóa tu nối tiếp khóa tu nhưng có tăng thân thì sư chị chẳng lo gì. Mình là người xuất sĩ mà. Người xuất sĩ có trái tim của người xuất sĩ. Sư chị có viết mấy câu thơ như thế này:

Cây bút nhỏ viết nên đời tu sĩ

Gởi vào đây tất cả mọi tâm tình

Người tu sĩ cũng là người thi sĩ

Và cũng là người chiến sĩ anh hùng

Thư  sư chị viết chưa dài nhưng sư chị xin phép được dừng bút tại đây. Thương chúc các sư em mãi giữ được nụ cười thiên thần của mình để mang lại hạnh phúc cho đại chúng. Tạm biệt các sư em.

Xóm Mới, ngày  9 tháng 3 năm 2014

Chuẩn Nghiêm.

Con đường vui