Trước năm 2016

Ân tình với Bụt

Mở cửa nhìn pháp thân

Ngày ngày vào trang nhà, nhìn cành hoa mận rồi mở cửa bằng động tác bấm vào dòng chữ “Thở vào là hoa”  lòng con như được thắp lên niềm vui:

“Mở cửa nhìn pháp thân
Đời mầu nhiệm không cùng
Lòng dặn lòng tỉnh thức
Dòng nước tâm trong ngần.”

Cái vòng xoay nối mạng trên góc màn hình xoay tít lúc nhanh lúc chậm, đôi mắt con như chờ đợi một điều gì dù con biết rất rõ đằng sau cánh cửa “Thở vào là hoa” sẽ có Sư Ông đang biểu hiện, có đôi bàn tay của một thầy nâng quả địa cầu cùng hình ảnh tăng thân Bụt dưới buổi hoàng hôn như trong bài kệ hô canh mà mỗi chiều chúng con thường được nghe:

“Vững thân ngồi dưới cội bồ đề
Ba nghiệp lắng rồi hết thị phi
Thu nhiếp thân tâm vào chánh niệm
Rõ soi diện mục thoát bờ mê.”

Ba ơi! Đây là một bài hát ru trong đời sống tu học của con. Trong đó con luôn nhận được niềm vui được ngồi yên như Bụt, như  Thầy… Niềm vui dần dà đã trở thành niềm tin yêu gần gũi khi con hiểu được con nhiều hơn, thương Ba, Mẹ, chị em và thương Bụt nhiều hơn.

Thông điệp con người

Ba biết không! Cứ mỗi lần được nhìn tăng thân Bụt ở rừng sồi Sơn Hạ là con lại thấy như thể chúng con đã từng cùng Thầy ngồi đó, nghe gió và tiếng chim hòa trong không gian yên lắng (Thầy con chọn những vị Bụt có dáng ngồi rất thẳng và diện mạo rất trẻ làm con liên tưởng đến khuông mặt trẻ tuổi của những sư em như  Nguyệt Nghiêm, Phương Nghiêm, Đôn Nghiêm, Phượng Nghiêm… )

 

Con gái của Bụt

Trên thảm lá thu, Bụt làm nhân chứng cho những chiếc lá reo vui trong nắng và gió rồi lá rụng xuống đầy lối đi và hòa vào lòng đất. Bụt vẫn ngồi đó đón bình minh lên và ngắm hoàng hôn xuống trong khí thái an lạc, nụ cười thanh thản và đôi mắt trong, trẻ trung, tươi tĩnh lạ thường! Hình ảnh đẹp đó đã dần dần đi vào lòng con, thay thế những tượng Bụt, Bồ Tát bằng đất cốt đã từng ngồi, nằm rải rác quanh sân nhà mình. Có vị khiếm khuyết chỗ này, có vị khiếm khuyết chỗ kia… Thật tình mới nhìn vào tăng thân bằng tượng Bụt con thấy bất an và không muốn đến gần. Nhưng rồi Thầy đã ngồi xuống bình yên trong khi tiếng chuông quen thuộc được Thầy thỉnh lên, con cũng đã ngồi yên lắng nghe tiếng chuông, tiếng gió, tiếng chim và tiếng nói sâu thẳm trong lòng mình sau những bước chân ý thức trên con đường quen thuộc. Khi mở mắt ra, con nhận ra một thông điệp mới từ vị Bụt trẻ đang ngồi bên cạnh mình: “thông điệp con người”.

Đồi Bụt – Xóm Thượng

Và cứ thế, sau những ngày Quán Niệm tại xóm Thượng, con lại được Thầy dẫn xuống rừng sồi, ngồi cùng Tăng thân Bụt, thấp thoáng bóng người, bước chân, tiếng lá, đôi khi là hình ảnh các em bé quanh quẩn chơi đùa bên những tượng Bụt… Những điều bình dị như tín hiệu gửi vào tàng thức con làm con nhớ lại những bước chân kinh hành, những lời hộ niệm quanh một vị Bụt, hay một quả chuông mới ra đời. Đôi mắt ngây thơ của con ngày bé thức giấc bởi tiếng kinh râm ran, tiếng kinh nghe như lời nguyện cầu bí ẩn buồn buồn mà con không hiểu hết. Con đã đứng nhìn cảnh ấy và tự hỏi “Vì sao có tượng Bụt, sao Bụt lại chỉ có trong chùa, trên bàn thờ, trước khi thành ông Bụt thì Bụt là ai, Bụt có phải là con người không?” Con đã đọc lui đọc tới chuyện cổ Phật giáo nhưng vẫn không thỏa mãn được những câu hỏi trẻ con của mình. Vậy mà giờ đây, khi những hình ảnh, âm thanh lưu lại trong tàng thức con qua bao năm tháng bộn bề bên cuộc đời đã nhờ Thầy tạo dựng một khung cảnh tương đồng cùng ý thức, giúp con gạt đi những đối tượng vẩn vơ để con được thấy và gặp lại Bụt thật đẹp, thật hiền và thân quen. Con bắt gặp nụ cười tươi nguyên của con ngày trước, nó tháo tung những khúc mắc của một tuổi thơ huyền bí. Con gặp lại nụ cười của Bụt trong nụ cười của con và sư anh, sư chị, sư em sống quanh con. Con thường ra vườn Bụt xóm Mới ngắm nụ cười bình an của Bụt. Nét mặt thanh thản ấy, ánh mắt bình an ấy lôi cuốn sự  khám phá kho tàng tu học ở Làng, ở Thầy, ở Ba Mẹ và mọi người sống chung quanh con.

Mỗi lần vào thiền đường, nhìn Bụt ngồi đó, mỉm cười, những bài thiền hướng dẫn, những lời kinh đã được Thầy con Việt hóa rất  dễ hiểu và gần gũi trong đời sống tu học như một cuốn sách giáo khoa mà con học hoài không chán. Cho nên ngày ngày con vẫn thích thú được cắp sách đến trường khi tham dự vào thời khóa của Đại chúng.  Cuốn sách học vần, trong đó Thầy đã tạc tượng và an vị nhiều vị Bụt và Bồ Tát trong hai thời công phu, trong những lời chúc tán, Dâng Hương, Lạy Bụt… mà mỗi lần được nghe, được học con đều thấy vui và cần thiết. Và cũng ở đó, lần đầu tiên con tiếp xúc được Bụt là đất, đất là Bụt cùng quá trình đúc chuông tượng bằng đồng.

Nhớ những ngày còn bé, con thường theo Ba giúp Ba những việc vặt. Con thật ngạc nhiên khi một thầy chùa, hay một Phật tử đến trao cho chú của con tấm hình Bụt. Chú cầm tấm hình qua gặp Ba và chú Út. Ba anh em ngồi chụm đầu vào nhau bàn tán kế hoạch làm ra một tượng Bụt như mẫu đề nghị. Có hôm có cả các ôn, các bác, các chú trẻ, thông minh cũng cùng tham gia. Hoạt động ở làng đúc đã làm con thấy dần dần văn hóa của Làng Mai khi Thầy cứ ngày ngày nhắc nhở việc xây dựng tình huynh đệ trong đời sống hằng ngày. Con thấy lại những hình ảnh thân quen của làng đúc ngay trong  đời sống hiện đại này. Từ việc tổ chức một ngày giỗ Tổ, tổ chức một khóa tu, một buổi đi chơi, hay lễ hội ngày Tết… Tất cả đều quen thuộc với hình ảnh cả nhà quây quần kể chuyện cho nhau nghe, những sáng kiến mới của Ba, của chú, của anh em họ hàng đều làm cho không khí gia đình thêm ấm áp. Có hôm chú Út phải mày mò ôn lại chữ Hán và dịch lấy ý một đoạn kinh được khắc sau lưng một vị Bụt cho cả nhà hiểu, còn Ba và chú tính toán cách tra đồng, làm khuông và rót đồng sao cho thành công. Công việc của chúng con là cùng nhau đạp đất. Những tảng đất sét kho to đùng từ ruộng, từ biền được chở về lù lù quanh sân nhà. Chúng con đập nhỏ ra, dội nước vào và dùng chân trần cùng nhau đạp cho nhuyễn, và gọi đó là trò chơi “đua xe tại chỗ”. Những cái chân to nhỏ thi nhau chạy lúc nhanh, lúc chậm theo tín hiệu: “đèn xanh: chạy nhanh”,  “đèn vàng: chạy chậm” và “đèn đỏ: dừng lại”. Khi đất đã nhuyễn thì từ đất đó làm ra dáng hình Bụt như mẫu. Đứa này bê một miếng đất vá vào chỗ lõm, đứa khác lấy bớt đất ở chỗ dư… Dáng hình Bụt từ từ biểu hiện từ đất cát. Bụt ngồi dưới nắng cho cứng lại, còn chúng con ngày ngày vẫn ra thăm Bụt, chơi với Bụt  và sửa lại dáng hình Bụt cho đẹp, vạt áo cho mềm, bàn tay cho thật…  Khó nhất là làm diện Bụt, đôi mắt cho có thần, cái miệng cho uy nghiêm.v.v… Bụt hình thành như vậy đó. Bao nhiêu năm tháng nhìn Bụt, làm ra những tượng Bụt theo mẫu con vẫn chưa trả lời được những câu hỏi trong mình và chưa bao giờ thấy một tượng Bụt giống con người như hôm nay.

Có lẽ tàng thức con đã quen định nghĩa Bụt có một khuông diện trang nghiêm, uy nghi mà con người không có được. Bụt giống một ông thần có quyền phép nhiều hơn là một con người bằng xương bằng thịt có thương yêu và khổ đau… Cái định nghĩ đó làm con cứng đơ ra khi tượng Bụt bắt đầu hình thành và hoàn tất. Để rồi chia tay Bụt cùng tiếng hộ niệm, cùng lời khấn vái và đến khi gặp lại Ngài trong chùa cùng hương khói thì con với Bụt như là hai con người hoàn toàn xa lạ. Dù đôi lúc Ba con kể rằng: Đây là tượng Bụt do ông Nội con, ông Cố con, hay chú con đã đúc vào tháng này… năm nọ… Lời kể chỉ còn đọng lại dấu ấn của thời gian cùng niềm tự hào mà không mang hương vị cuộc sống. Cho nên con nhớ đó rồi quên ngay vì thấy chẳng liên hệ gì tới đời sống hiện tại của mình. Đôi lúc ý thức con cũng chạm được một chút vào niềm vui cỏn con khi nhớ lại hình ảnh một cục đất trở thành một vị Bụt, nhưng rồi khi nhìn khói hương nghi ngút, khấn vái, lau chùi thì lại thấy Bụt sao mà xa cách quá!!!

Thế mà hôm nay nhờ đi tu, gặp tăng thân, có pháp môn  dưới sự dẫn dắt của Thầy, nhất là trong những tháng ngày quán chiếu về Đất Mẹ là một vị Bồ Tát thì tình thương của con như sống lại, con được trở về khu vườn tuổi thơ của mình với những bản thiện ban đầu, không bon chen, toan tính, so đo nhiều … Con yêu tuổi thơ, dù thuở đó nhà mình khó khăn nhưng con có được tình thương của Ba, Mẹ, Ông Bà, chòm xóm…  Bao nhiêu năm đi học, đi làm con vẫn cố gắng hết sức để giữ gìn tình yêu thương, nhưng con thấy như thể mình không bao giờ chạm tới được.

Bụt là một con người

Vậy mà những ngày tháng gần đây ở Làng, trong những lúc quanh quẩn bên Bụt, dạo quanh sân chùa, ngồi trong thiền đường… Con nhận ra con bắt đầu truyền thông được với Bụt, lúc xa lúc gần, lúc quen lúc lạ, lúc nhớ lúc quên, và cả lúc vui lúc buồn nữa… Và con nhận ra rõ ràng Bụt là một con người, không còn nghi ngờ gì nữa. Con khóc.

Thật ra, lần đầu tiên chấp nhận Bụt là một con người con thấy rất khó, con thấy con lo sợ như thể mình đang làm một điều gì sai quấy mà chính bản thân con, và ý thức hệ trong con chống đối, trả đũa, xúi giục không yểm trợ hành động này. Nhưng rồi nhờ có Thầy động viên, khai sáng và dẫn dắt cùng bước chân thiền hành đã khích lệ con mạnh dạn bước qua sự chọn lựa trong tâm thức và chấp nhận Bụt là một con người thật thụ.

Lạ thay khi chấp nhận được điều này thì con thấy con dễ thiết lập truyền thông với con, với các sư mẹ, sư chị và sư em con hơn. Khi tụng và chúc tán Bồ tát Thanh Lượng Đại Địa thì con như tiếp thêm năng lượng từ học đường, được thừa hưởng những khám phá bí ẩn của tiến trình khoa học trên con đường sáng đẹp này. Con như được tiếp thêm năng lượng để tháo tung cái ngại ngùng để Bụt thật sự trở về gần gũi bên con, thân quen và an lành.

 

Nhờ vậy con nhận ra Bụt là ý niệm an lành có trong vầng trăng sáng, trong bông hoa tươi mát, trong thế ngồi vững chãi, trong bước chân bình an… Bụt không còn là hình dáng đó mà Bụt là sự sống nhiệm mầu tương tức giữa con và vạn hữu… mà Bụt cũng là Tăng thân nữa đó Ba. Bởi bước chân của một mình con sẽ không bao giờ chỉ là bình an không thôi, những khi bước chân con bất an thì sẽ có sư anh, sư chị, sư em khác còn giữ được bước chân bình an của Bụt, dáng ngồi, giọng nói, tuệ giác, hay niềm vui  của Bụt. Và con rất trân quý điều đó Ba à!

Hôm nay Bụt đã tung cánh bay vào không gian thênh thang phải không Ba Mẹ? Bởi tăng thân đã có mặt khắp nơi, đã có trong trường học, nhà tù, vườn rau rồi… Bụt đã hóa trăm ngàn hóa thân rồi mà con không nhận ra đó thôi. Khi con nhận ra được điều này thì con không còn lo sợ nhiều nữa. Con đã mĩm cười như những ngày còn bé con thấy Bụt bay trên chiếc xích và ròng rọc mà chú làm xà lan để di chuyển Bụt. Con sẽ không còn buồn khi phải chia tay với Bụt, khi thấy Bụt được nâng lên trên không trung rồi đặt lên xe và Bụt sẽ ngồi mãi trên bàn thờ. Giờ đây Bụt của con đã ở ngoài bãi cỏ, trên núi cao, trong công sở, ngoài nhà ga… Bụt đã di chuyển trên xà lan chánh niệm làm thành hệ quy chiếu thiết thực cho Bụt và cho chúng con được đi cùng nhau. Chiếc xà lan này không cần sức của hàng chục thanh niên lực lưỡng của làng mới nhất nổi một tượng Bụt bằng đồng lớn (khi mọi người thường nghĩ: tượng Bụt càng lớn càng gần với con người). Xà lan hôm nay con cải tiến bằng hơi thở ý thức và  bước chân chánh niệm để di chuyển một vị Bụt nhỏ nhưng biết nói, biết cười như một người bạn.

Điểm gặp Bụt

Mấy hôm học Quán Sở Duyên Duyên Luận, Thầy đã khai mở cho con bằng những kiến thức phổ thông về hình học không gian như: “Điểm là sự gặp nhau của hai đường và đường là sự di chuyển của một điểm”.  Thật là rõ ràng phải không Ba khi họ hàng nhà mình đã áp dụng định lý này để di chuyển không biết bao nhiêu là chuông, là tượng đi khắp nơi. Con vui là vì con cũng đang áp dụng nó để cẩn trọng di chuyển một vị Bụt đang tượng hình trên một đường là bước chân ý thức và một đường là hơi thở ý thức để rồi điểm gặp Bụt là điểm ý thức của hai đường này khi gặp nhau.

Ba thấy không, con cũng đang áp dụng công nghệ hiện đại của kỷ nguyên mới vào sự nghiệp của Tổ đó Ba à! Rất là khoa học Ba hí? Mẹ và mọi người thường nói Ba là người chịu khó, thông minh và có óc sáng tạo… Con thấy hình như con cũng được Ba cho một ít để áp dụng vào công nghệ tu cho vui thì phải. Con rất biết ơn Ba Mẹ vì được làm con của Ba Mẹ và được thừa hưởng những hạt giống lành từ Ba Mẹ, ông bà và tổ tiên. Đi tu là con có cơ hội vui xới và gieo trồng cho khu vườn tâm linh của nhà mình xanh tốt phải không Ba?

 

Công nghệ đúc tượng hiện đại

Mấy hôm trước, con gọi điện về nhà và Ba khoe: nhà chú con đang áp dụng công nghệ sạch cho công nghệ đúc chuông, tượng bằng đồng. Tự nhiên con cảm thấy vui vui vì con cũng đang đi trên tiến trình đó, tiến trình bảo vệ môi sinh và bảo vệ con người sạch đẹp. Ở Làng đang sản xuất ra những ông Bụt con, và tăng thân là một ông Bụt lớn… mà theo con nghĩ đây một công nghệ đúc tượng hiện đại nhất mà con của Ba đang tham gia, ông Nội con chắc sẽ vui lắm Ba nhỉ?

Ngày trước, mỗi lần lật cuốn album lưu những hình ảnh ông Nội con đi ngược về xuôi, vào Nam ra Bắc đúc chuông tượng trong những ngày dưới bom đạn, con thấy Ông không thực tế tí nào. Nhưng khi đọc nhật ký của Thầy con, con mới hiểu trong cảnh tan thương của đất nước, người dân lành cần một nơi nương tựa, đó là mảnh đất tâm linh. Chỉ cần nghe được tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh, chỉ cần nhìn thấy sự bình an của Bụt là thấy mình được chở che, được hiểu, được thương…

Và thời nay, chúng con cũng vậy, cũng cần một nơi nương tựa khi thế giới tràn ngập thông tin không lành mạnh và khổ đau. Ánh mắt nghiêm định và sự sống đầy quyết tâm của Ông đã giúp con đi qua những chặng đường tu khó khăn. Để mỗi khi hát bài “Bong, Bong tôi là chuông đại hồng…” thì con thật sự xúc động khi nghĩ mình là một quả chuông mà tổ tiên huyết thống và tâm linh đã hết lòng hun đúc, một quả chuông sống có âm thanh vơi nhẹ niềm thương đau.

 

Con cảm ơn Ông Bà, Ba Mẹ và cả nhà thật nhiều. Con kính gửi về nhà sự bình an của tăng thân.
Con của Ba Mẹ
Một Mùa An Cư 2011-2012 thật ấn tượng!