Xin nguyện làm dòng sông
Pháp thoại ngày 13-1-2000, tại chùa Cam Lộ, xóm Hạ trong khóa tu mùa Đông
Năm 1962, đang dạy học ở trường Columbia, New York, tôi có đi thăm một cặp vợ chồng trẻ ở New Brunswick, tiểu bang New Jersey và tôi đã ở lại nhà của họ hai ngày. Họ là học trò của tôi, người vợ tên là Đào Giao Tiên, con gái của học giả Đào Đăng Vỹ, người làm từ điển, và người chồng tên là Ung Trần Quang Mân trước đó thuộc tăng thân Phan Thiết. Mân làm nghề nghiên cứu chế tạo máy điện tính. Thời đó chưa có máy vi tính cá nhân trên thị trường. Công việc của Giao Tiên là ở nhà chăm sóc nhà cửa và đứa con nhỏ. Chỉ có một cái nhà và một em bé nhỏ xíu vậy mà Giao Tiên dường như bận rộn suốt ngày. Giao Tiên không phải lo tổ chức khóa tu, không phải lo nấu ăn cho hàng trăm người hay làm việc văn phòng, hoặc đi đón thiền sinh từ nhà ga, lại không phải đi ngồi thiền buổi sáng và tối như các thầy, các sư cô ở đây, vậy mà cô ta vẫn cứ bận rộn suốt ngày. Giao Tiên bận rộn không phải là vì bị người khác bắt phải làm việc nhiều, mà tại vì thấy rằng đây là cái nhà của mình, đây là đứa con nhỏ của mình và vì muốn cho nhà cửa được gọn gàng sạch sẽ, và em bé có hạnh phúc nên Giao Tiên cứ phải lăng xăng, bận rộn hoài. Giao Tiên cũng muốn làm hết mọi việc đâu vào đó để khi về Mân được nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc ở sở. Nhưng mỗi khi đi làm về thấy việc nhiều quá Mân cũng xót xa. Hôm đó đi vào phòng bếp và thấy một đống chén bát chưa rửa, chàng liền xắn tay áo lên để rửa. Trong khi đó Giao Tiên đang ngồi tiếp chuyện với tôi ở phòng khách. Nghe tiếng động của đĩa bát ở dưới bếp, Giao Tiên hỏi: “Anh đang làm gì đó?”, Mân ngượng nghịu đáp: “Anh đang rửa vài cái chén”. Có ý muốn giúp vợ bớt cực nhọc nên Mân đã lén rửa chén, vì chàng biết rằng đó không phải là bổn phận của mình. Nếu Giao Tiên biết, chắc chắn cô ta sẽ không cho Mân rửa. Giao Tiên nói: “Đó là chuyện của em. Anh đi nghỉ chút cho khỏe để lát nữa ăn cơm.” Có ai bắt rửa chén đâu, vậy mà chàng cũng tự mình muốn làm. Mân thấy việc rửa chén không phải là việc mình làm cho người khác mà là cho chính mình. Kỳ thực Mân rất hạnh phúc mỗi khi được làm những công việc như vậy và hạnh phúc hơn nữa là được chia sẻ trách nhiệm với Giao Tiên.
Nhìn vào họ, ta thấy rằng họ không còn là ba người riêng biệt nữa mà là một cơ thể. Nếu ta sống được như họ vậy thì tự nhiên sự kỳ thị, so đo, phân chia người này làm cái này người kia làm cái kia không còn là vấn đề nữa. Lúc đó ta sẽ nắm tay nhau để cùng chăm lo cho hoàn cảnh trong đó ta đang sống, mà không cần phải phân công rõ ràng. Giỏi cái gì thì làm cái đó, còn nếu ta không giỏi về cái đó mà thấy chưa có ai làm thì ta cũng cố gắng xông xáo để làm, không cho rằng việc đó là việc của người khác như thế thì có hạnh phúc nào bằng. Đó là tinh thần tự giác tự nguyện, chị ngã em nâng. Làm được như vậy là nhờ chúng ta có được một cái thấy về tăng thân, về vô ngã và tương tức. Một tiểu gia đình cũng là một tăng thân. Cặp vợ chồng và một đứa con trong một nhà cũng là một tăng thân. Mỗi khi làm việc gì ta đều làm cho tất cả tăng thân chứ không phải làm cho riêng ta. Sự thực tập này cần được áp dụng ngay trong phạm vi của một tiểu gia đình. Nếu nhận thức được rằng hạnh phúc của gia đình là hạnh phúc chung, hạnh phúc của chồng là hạnh phúc của vợ và hạnh phúc của con là hạnh phúc của tất cả, thì ta sẽ lấy đi được cái tâm phân biệt rằng việc này là của người này, việc kia là của người kia. Nhà cửa mà sạch sẽ thơm tho thì tất cả mọi người đều được hưởng chung. Giữa họ không còn có sự phân công và phân biệt nữa. Mọi người trong gia đình nhìn vào và thấy rõ ràng đây là tăng thân của mình. Tăng thân là một thân thể. Những người lập gia đình luôn luôn ước ao và nguyện cầu cho gia đình của mình được an lành, hạnh phúc và người vợ luôn luôn nghĩ rằng tương lai của chồng là tương lai của mình. Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ. Đó là khung cảnh ở Việt Nam ngày xưa. Người vợ quay tơ để có tơ lụa bán mà mua gạo nuôi chồng ăn học. Thành ra cả hai người đều cùng học. Người vợ học bằng cách quay tơ.
Nhường chàng một đĩa dầu con
Kề trăng quên ngủ tay dòn quay tơ
(thơ Bàng Bá Lân)
Đêm khuya rồi mà nàng vẫn còn quay tơ và chàng thì đọc sách: Em nhường anh cây đèn để anh đọc sách, còn em thì em có thể quay tơ dưới ánh trăng bên cửa sổ. Thật là một khung cảnh dễ thương. Như vậy quay tơ cũng là để cho chàng mà đọc sách cũng là để cho nàng. Không có sự kỳ thị, vì cả hai đều thấy được hai người là một, tương lai của người vợ là tương lai của người chồng, tương lai của người chồng là tương lai của người vợ. Không có cái gì gọi là riêng cả.
Ngày xưa, Siddhatta có một gia đình tâm linh nhỏ gồm sáu người cùng tu chung với nhau. Họ tu tập như một tăng thân. Nhưng sau sáu năm tu tập, thấy Siddhatta từ bỏ đường lối tu khổ hạnh và bắt đầu ăn uống để có sức khỏe mà tu tập thì năm người kia không hiểu, cho là Siddhatta đã hư hỏng, đã thối chí. Vì vậy họ đã rủ nhau đi tu riêng, từ bỏ Siddhatta, không còn kính nể Siddhatta nữa. Siddhatta không vì vậy mà sinh tâm buồn giận. Siddhatta nghĩ rằng mình phải tu cho thành rồi sẽ trở về giúp họ. Và quả thực Siddhatta đã làm đúng như tâm nguyện của Người. Trong giờ phút giác ngộ, tìm ra được chân lý, Siddhatta liền nghĩ ngay tới năm người bạn tu của mình và sau đó không lâu, Siddhatta lên đường đi tìm họ. Thấy Siddhatta đang đi về phía mình, họ không thèm tiếp đón, vẫn giữ thái độ không phục đối với Siddhatta. Nhưng khi Siddhatta tới gần thì tình trạng đổi khác. Họ thấy phong thái của Siddhatta thật đẹp, thật bình an, vững chãi và thảnh thơi, đúng là phong thái của một người có tu chứng, giác ngộ, tự nhiên họ tỏ lòng cung kính Siddhatta trở lại. Trong khi nghe bài thuyết pháp đầu tiên của Bụt tại vườn Nai, tức là Chuyển Pháp Luân Kinh, tâm thức của A Nhã Kiều Trần Như được khai mở, bừng sáng. Lần lượt các vị khác cũng được giác ngộ và gia đình đoàn tụ trở lại. Đó là khởi điểm của tăng thân nguyên thỉ. Từ đó Siddhatta trở thành con chim đầu đàn, tại vì ánh sáng của giác ngộ nơi Siddhatta tỏa chiếu và khai mở được tâm trí của năm con chim kia. Họ bắt đầu công nhận Siddhatta là con chim đầu đàn của họ vì sự hiểu lầm của họ đối với Siddhatta đã tan biến.
Hãy thử so sánh một gia đình tại gia như là gia đình của Giao Tiên và Quang Mân với gia đình xuất gia ta sẽ thấy có nhiều sự khác biệt. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì ước muốn của một gia đình nhỏ thì chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ, còn ước nguyện của một tăng thân lớn thì cố nhiên là lớn lao và cao quý hơn. Đó là ước nguyện và lý tưởng cứu độ chúng sinh. Gia đình của đức Thế Tôn ngày xưa chỉ có sáu người nhưng bây giờ đã trở thành một đại gia đình tâm linh, có vô số người xuất gia cũng như tại gia đang có mặt khắp nơi để tu tập và hành đạo, đem ánh sáng của hiểu biết, thương yêu và tự do tới cho đời. Sáng nào cũng có tăng thân của Bụt ngồi thiền, ngồi nghe pháp, đi thiền, làm việc trong chánh niệm, độ người… ở khắp mọi nơi. Đó gọi là “tăng thân khắp chốn”. Sự khác nhau đầu tiên là về số lượng. Gia đình kia chỉ có ba người hoặc năm, sáu người mà thôi, trong khi đó thì gia đình tâm linh của Bụt đông vô số kể. Lý tưởng, ước nguyện và sự thành đạt cũng lớn không thể nghĩ lường được. Về phương diện phẩm chất của tăng thân thì ta cũng thấy có sự khác biệt. Trong một tiểu gia đình tuy có thể có thương yêu và hạnh phúc, nhưng vì chưa có những pháp môn tu tập, cho nên có nhiều gia đình bị đổ vỡ tan nát, và những đứa con được sinh ra trong gia đình đó có thể trở thành những người đi vất vưởng như những con ma đói. Tuy lúc ban đầu cả hai đều có cái tâm nguyện rất tốt là muốn xây dựng một tổ ấm hạnh phúc và có những đứa con ngoan, học hành thành tài, nhưng vì không có những phương pháp tu học, không có đủ kiên nhẫn và tuệ giác nên có những gia đình không thành công và do đó bị rạn nứt hay tan vỡ. Trong khi đó tăng thân xuất gia lại có những pháp môn tu tập cụ thể như những pháp môn làm mới, sử dụng ngôn ngữ từ ái, lắng nghe và phối hợp ý kiến khác biệt để đi tới sự đồng tình (ý hòa đồng duyệt) để thực tập và có giới luật uy nghi bảo hộ và che chở, có tăng thân yểm trợ, nên gia nhập vào một tăng thân thì ta có nhiều cơ hội để thành công hơn. Người con trai hay người con gái khi bước vào con đường lập gia đình có thể cảm thấy lo sợ, ngại ngùng, vì người đó chưa biết những gì đang chờ đợi mình ở bên kia sông khi mình đã sang bên nớ. Trong nhiều trường hợp, bà mẹ là nguồn tư liệu duy nhất để trao truyền kinh nghiệm cho con gái. Có thể có một đêm khuya nào đó mẹ gọi con đến và dặn dò những điều thiết yếu của đạo làm dâu để khi sang bên kia sông không bị bỡ ngỡ, v.v.. Mẹ muốn trao truyền cho con tất cả những kinh nghiệm của mẹ để con đừng lặp lại những lỗi lầm vụng dại của mẹ hay là của bà ngoại ngày xưa. Có những bà mẹ không có thì giờ để trao truyền gì cả. Biết bao nhiêu thiếu nữ đã chìm nghỉm ở trong biển tuyệt vọng và khổ đau. Theo chế độ ngày xưa khi đi lấy chồng con cái không có được quyền chọn lựa, nhất là con gái. Cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó, tất cả đều do cha mẹ định đoạt. Cha mẹ chọn lựa trên căn bản nhận xét của kinh nghiệm cha mẹ. Lệ này tuy xưa nhưng cũng có nhiều cái hay, vì vậy là người trẻ ta cần phải nghiên cứu học hỏi. Bây giờ người trẻ không chấp nhận chế độ này và vì vậy họ không được thừa hưởng những kinh nghiệm xương máu của cha mẹ. Vì không có sự trao truyền và tìm hiểu nhau cho nên sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái dễ trở nên bế tắc. Còn khi ta đi tu thì cha mẹ không chọn lựa tăng thân cho ta, cha mẹ ta cũng không ép buộc ta phải tu chỗ này hay chỗ nọ. Ta có quyền chọn lựa. Ta có thể tới ở tại một ngôi chùa nào đó trong một thời gian và nếu thấy thích nghi được thì ta mới ngỏ ý xin xuất gia tại chùa đó. Ngày trước có những sư chú, sư cô đã tới Làng Mai như là một trong những chùa mà mình đi quán sát, xem thử ở chùa này, mình có thể có hạnh phúc hay không, có tương lai không. Sau một thời gian tìm hiểu họ mới chịu dừng chân.
Khi quyết tâm ở lại với tăng thân, ta làm một quyết định lớn lao của đời ta; ta giao phó hết tất cả thân mạng mình cho tăng thân. Cũng như người con gái đi lấy chồng là giao phó thân mạng và tương lai mình cho người chồng. Lấy chồng mà không đặt niềm tin nơi chồng thì làm sao có hạnh phúc? Vậy thì chọn lựa tăng thân thích hợp, có khả năng chuyên chở ta, đưa ta tới đích của sự chuyển hóa, trị liệu và giải thoát là điều cần thiết. Và khi biết ta sẽ có được cơ hội để thành công và đã quyết ở lại tức là ta đã chấp nhận đây là tăng thân của ta rồi thì ta phải lấy tương lai của tăng thân làm tương lai của mình. Chúng ta phải tháo ra cái ranh giới cá nhân, lấy cái khổ vui của tăng thân làm cái khổ vui của mình. Ta không còn hành xử như một cá nhân nữa mà phải bắt đầu thực tập hành xử như một tăng thân. Ta có thể đưa ra ý kiến của riêng ta, nhưng ta phải đặt nó vào trong biển ý kiến của tăng thân. Như vậy là ta đang thực tập giáo lý vô ngã và tương tức. Còn nếu ta sống trong tăng thân mà không thấy được tăng thân là cái thân của ta, không thấy được tương lai, hạnh phúc và lý tưởng của tăng thân chính là tương lai, hạnh phúc và lý tưởng của ta, nghĩa là nếu ta không hòa hợp được với tăng thân, nếu ta còn bị nhốt ở trong cái vỏ của bản ngã thì ta thực sự chưa bước được bước nào trên con đường lý tưởng mà ta đã phát nguyện. Ta chưa thật sự quy y tăng. Khi hai người kết hôn với nhau rồi thì người con gái phải thấy rằng tương lai của người chồng là tương lai của chính mình và tất cả những thao thức và khổ vui của chồng đều là những thao thức và khổ vui của mình. Người chồng cũng phải thấy như vậy. Hạnh phúc của vợ mình chính là hạnh phúc của mình. Không có tương lai riêng, không có sự khác biệt giữa người quay tơ và người đọc sách. Hai cái tương quan tương duyên với nhau. Nếu không có sự quay tơ thì không có sự đọc sách, nếu không có sự đọc sách thì sự quay tơ trở thành vô nghĩa.
Trong tăng thân cũng vậy, có nhiều công việc phải làm, nhưng ta nên thấy rằng làm những công việc đó là làm cho ta, và ta làm với tất cả tình thương. Làm theo tinh thần ấy thì càng làm ta càng có hạnh phúc. Ta thực hiện được lý tưởng thương yêu của ta. Vì vậy tăng thân là khung cảnh để ta thực hiện sự nghiệp lý tưởng hiểu biết (đại trí) và thương yêu (đại bi) của ta. Thành công với tăng thân thì ta mới thành công được với mọi người, mọi nơi. Nếu không có lòng thương lớn thì ta sẽ chán chường và đau khổ trong khi làm việc, và ta sẽ có cảm tưởng là ta bị làm việc, hoặc sẽ than phiền rằng taị sao đi tu rồi mà phải làm việc nhiều quá, không có thì giờ riêng để tu, để “thảnh thơi” và ta nghĩ có lẽ ta phải tìm một chỗ khác an nhàn hơn, có nhiều thì giờ để “tu”.
Nên khi nào ta thấy được tăng thân chính là thân của ta, khi nào ta thấy được lý tưởng và hạnh phúc của tăng thân là lý tưởng và hạnh phúc của ta, khi nào ta đi chung được với tăng thân như một dòng sông mà không phải là một giọt nước riêng rẽ, thì hầu hết những đau khổ của ta sẽ được rơi rụng hoặc chuyển hoá một cách rất mau chóng. Đó là sự thực tập quay về nương tựa tăng. Ngày xưa khi mới vào tu, tôi chưa hiểu được như vậy, tôi cho rằng “con về nương tựa tăng” chỉ là một sự cam kết, một lời tuyên bố, là sự biểu lộ kính ngưỡng mà thôi. Tôi chưa biết rằng quay về nương tựa tăng là một sự thực tập, và sự thực tập đó sẽ làm phiền não của ta rụng rơi. Phiền não được phát hiện trên ý niệm ngã và chấp ngã của ta. Khi cái ngã trong ta được đánh tan và ta hòa hợp vào được với tăng thân thì những phiền não ấy tan biến rất mau lẹ. Còn nếu không hòa hợp được thì ta vẫn tiếp tục mang theo những cái buồn, giận, thất vọng, tại vì ta vẫn còn là một giọt dầu không hòa tan được trong bát sữa. Không hòa được với tăng thân thì sự xuất gia, sự thực tập của ta không bao giờ thành công được. Vì vậy sự thực tập của ta là làm sao mỗi ngày ta nhìn, nghe, cảm và làm việc như thế nào để thấy được rằng tăng thân và thân ta chỉ là một thân. Làm được như vậy thì hạnh phúc là cái mà ta không thể không có. Đức Thế Tôn thường nói rằng tăng thân phải hòa hợp được như là nước với sữa thì mới là tăng thân đích thực, mới làm chỗ nương tựa được cho hải chúng mười phương.
Có những người tu tới năm năm, mười năm, hai mươi năm mà vẫn còn là một giọt dầu trong bát sữa, cái ranh giới giữa ngã và phi ngã vẫn còn nguyên vẹn, vẫn chưa là một được với tăng thân, như vậy ta không thể nói rằng những người ấy đã thành công trong sự tu học. Vì họ chưa xóa được cái bản ngã để trở thành một với tăng thân, nên những khối buồn đau, lo sợ và ganh tỵ vẫn còn nguyên trong lòng họ.
Ta hãy quán tưởng một đàn ngỗng trời, cứ mỗi năm trước khi mùa Đông đến, phải di cư từ miền Bắc xuống miền Nam để dễ bề sinh sống. Nếu có cơ hội để quán sát, ta sẽ thấy rất thú vị. Có khi đàn ngỗng trời có tới hàng ngàn con. Tuệ giác và linh cảm của chúng cho chúng biết là đã đến lúc phải di cư về phương nam và có khi chuyến bay cần phải mất nhiều ngày nhiều tháng. Có những đàn chim phải bay tới ba ngàn dặm hoặc mười ngàn dặm mới về đến phương nam. Mỗi năm chuyện đó đều xảy ra. Khi quan sát thì chúng ta thấy rõ ràng rằng những con ngỗng trời con nào cũng duỗi cái cổ thẳng về phía trước và ép hai chân ra phía sau, trông như một mũi tên đang lao về phía trước và mỗi con đều nằm trong vị trí của nó, rất đẹp. Quan sát cho thật kỹ ta thấy chúng thể hiện sự hòa điệu thật kỳ diệu, chúng giống như một cái màng lưới và mỗi một con chim có vẻ như không cần cố gắng gì cả nhưng sự giao tiếp và truyền thông giữa chúng với nhau đang xảy ra một cách rất tuyệt diệu và tự nhiên. Con chim cũng có mắt, có tai, có linh tính và khi bay lên, nó ý thức rất rõ rằng xung quanh nó có những con chim khác và chúng bay thành một đàn rất hòa điệu. Có những lúc cần phải xoay chiều, thì sự chuyển đổi xảy ra một cách rất tự nhiên, nhịp nhàng và hòa điệu, không hề có sự lộn xộn, thật là mầu nhiệm. Tại sao chúng có thể làm hay như vậy? Tất cả những con chim kia đều có cách phát ra và tiếp nhận những tín hiệu truyền thông rất tuyệt diệu, do đó dù chúng phải bay hàng ngàn cây số mà chúng vẫn không bị lạc nhau. Chúng không cần phải lao tác nặng nhọc. Mỗi một con chim nương vào đàn chim để cho đàn chim chuyên chở đi, chỉ cần có mặt, mở mắt, mở tai ra và bay theo một cách tuyệt đối thì tự nhiên nó ở được vào trong cái vị trí của nó. Trong khi bay như thế, vị trí của một con chim giữa những con chim khác, vị trí của con chim đối với trời, đối với đất là vị trí tuyệt hảo. Chúng ta biết rằng nếu đi một mình, con chim không thể nào đi về miền nam được. Chúng phải đi một đàn, nương tựa vào nhau một cách tuyệt đối thì mới có thể về được miền nam an toàn. Ta hãy để cho thuyền tăng thân chuyên chở ta đi như con chim để cho đàn chim đưa đi vậy. Ta không nên cựa quậy, phản kháng hay vùng vẫy. Phải tập thuận theo tăng thân. Tài năng và sự thành công không phải là tài năng và sự thành công của một con chim mà là của cả đàn chim. Trong đàn chim có tới hàng ngàn con, có những con chim lớn hơn và những con chim nhỏ hơn, nhưng luôn luôn có một con chim đầu đàn và có một số con chim khác có khả năng dẫn đạo phụ giúp. Trong khi quan sát, chúng ta sẽ nghe được tiếng kêu ‘honk! honk!’ của con chim đầu đàn và những con chim bay theo sau cũng đáp lại bằng tiếng ‘honk! honk!’ và tiếng kêu của cả đàn chim biến thành một bản nhạc rất sống động và vui tươi giống như mỗi buổi sáng khi người duy na xướng lên: “Ngưỡng mong đại chúng tinh tấn nhiếp tâm thiền tập. Nam Mô Bụt Thích Ca Mâu Ni.” thì tất cả đại chúng đồng trả lời: “Nam Mô Bụt Thích Ca Mâu Ni.” Có một con chim đầu đàn xướng lên và tất cả những con chim khác đáp ứng lại. Đàn chim di động rất đẹp. Buổi sáng hoặc buổi tối khi ngồi thiền trên bồ đoàn, ta hãy quán tưởng ta là một con chim trong đàn chim, đàn chim ta là tăng thân, ngồi một vòng, hai vòng, ba vòng và tất cả đều là những con chim đang bay về hướng an lạc, vững chãi và thảnh thơi. Mỗi người ngồi trên bồ đoàn của mình, mở lòng ra thì sẽ cảm thấy được năng lượng của tăng thân đang đi vào trong từng thớ thịt, từng tế bào của ta. Điều ta cần làm trong khi ngồi thiền, là phải thật sự có mặt với tăng thân và khi ta thật sự có đó với tăng thân thì niềm vui của ta được tăng tiến rất nhiều và ta cảm thấy được bảo hộ và nâng đỡ. Ta theo dõi hơi thở và thầm nói rằng: Hạnh phúc quá! Ta đang được ngồi với tăng thân, được đóng góp sự có mặt của mình cho tăng thân và được tăng thân chuyên chở về hướng an lạc, tự do và hạnh phúc. Ta chỉ cần ý thức như vậy là niềm vui và hạnh phúc đã bắt đầu trào dâng. Được ngồi với tăng thân là một hạnh phúc lớn. Nhiều khi ta không cần làm gì hết, không cần quán tưởng gì hết, ta chỉ ngồi đó mà theo dõi hơi thở, buông thư và giao phó thân mạng của ta cho tăng thân là ta cũng được đi theo tăng thân rồi. Tăng thân không bao giờ bỏ ta ở lại nếu ta biết nương tựa vào tăng thân. Danh từ mà chúng ta thường hay nói là cho phép tăng thân chuyên chở ta.
Trong bài tụng Phòng Hộ Chuyển Hóa, có câu:
Con nhất tâm nguyện sống đời lành
Đem thân mạng nương nhờ Tam Bảo
Khi người con gái đi lấy chồng, cô ta phải đem thân mạng mình giao phó cho chồng, có phải vậy không? Đối với người con trai cũng vậy. Tăng thân luôn luôn phải bắt đầu bằng bốn người trở lên, một người thì không thể gọi là tăng thân được. Cũng vậy, đứng về phương diện cá nhân chúng ta không phải là những con người toàn hảo. Không ai trong chúng ta là một con người toàn hảo cả, nhưng khi chúng ta tới với nhau, thành lập một tăng thân thì tăng thân đó có thể tạo tác ra những cái mà không ai trong chúng ta với tư cách cá nhân có thể tạo tác ra được. Cũng như một đàn chim, cái tài năng đó, cái đẹp đó không phải là tài năng riêng hay cái đẹp riêng của một con chim. Một con chim không thể nào làm ra được cái đó, không thể làm ra được cái khung cảnh nhiệm mầu như thế. Mỗi khi tôi quan sát đàn ngỗng đang bay tôi thấy cảm động gần như chảy nước mắt. Một tăng thân cũng vậy, tăng thân có thể làm hiển bày những cái đẹp và lành, hiển bày khung cảnh nhiệm mầu của sự tươi vui, hòa điệu, những cái rất thánh thiện có khả năng trị liệu và chuyển hóa mà với tư cách cá nhân, ta không thể nào làm được. Các bậc giác ngộ luôn luôn là những người biết xây dựng tăng thân. Đức Bổn Sư cũng đã để rất nhiều thì giờ và năng lực xây dựng tăng thân, đức Bụt A Di Đà cũng vậy. Bất cứ người nào trong chúng ta cũng thấy rằng tăng thân là con đường thoát duy nhất. Với tư cách của anh hùng cá nhân thì ta không thể nào đi xa được. Chỉ có tăng thân mới có thể đem lại an lạc, vững chãi và hy vọng cho tương lai, và giúp ta thực hiện được lý tưởng cao cả của ta mà thôi. Vì vậy ta phải đem hết thân mạng của ta để đầu tư vào công việc xây dựng tăng thân.
Chúng ta ngồi trên thuyền với nhau như một tăng thân và phải giao phó thân mạng của ta cho chiếc thuyền. Khi quán sát một đàn ong thì chúng ta cũng thấy như vậy. Đàn ong kia có rất nhiều tài năng, rất nhiều trí tuệ trong kỹ thuật xây dựng cái tổ ong của chúng. Cái tổ của chúng rất đẹp. Các con ong thợ chăm sóc con ong chúa và dự trữ thức ăn cho mùa Đông một cách tuyệt diệu. Chúng phân chia trách nhiệm rất đồng đều; một số bay đi bốn phương để đem nhụy hoa về và số còn lại thì lo việc xây cất và chăm sóc. Các nhà nghiên cứu về đời sống của loài ong thấy được những mầu nhiệm đó. Họ công nhận rằng những tài năng đó, những công trình tuyệt vời như thế không phải là công trình của cá nhân con ong, mà đó là sự thực hiện của cả tập thể đàn ong. Các nhà khoa học bây giờ nghiên cứu về não bộ cũng vậy, họ thấy rằng não bộ có hàng tỷ tế bào gọi là nơ-ron, những nơ-ron đó với tư cách cá nhân thì không thể làm được gì hết, nhưng khi phối hợp với nhau, hoạt động với nhau như một tăng thân thì thật là nhiệm mầu, chúng luôn luôn cởi mở và tiếp nhận những tin tức, những dữ kiện từ các nơ-ron khác và nhờ vậy chúng làm biểu hiện ra những cái vô cùng mầu nhiệm. Giáo lý vô ngã và tương tức được ứng dụng một cách thiết thực và cụ thể và hiển lộ rõ rệt trong những đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học thời nay. Những tế bào trong cơ thể ta cũng vậy, chúng hoạt động trên cơ bản của vô ngã và tương tức; những tế bào luôn luôn mở lòng ra để thiết lập liên hệ truyền thông và tiếp xúc với những tế bào khác và không có tế bào nào nói rằng tôi là số một, là chúa tể, là “ngã” cả. Sự hòa điệu của các tế bào làm ra sự an toàn vững mạnh của cơ thể. Cho nên người ta nói rằng khoa học bây giờ có thể đóng một cái dấu chứng thực được cho giáo lý vô ngã và tương tức của đạo Bụt. Bây giờ khoa học mới chứng nhận giáo lý vô ngã là đúng, phù hợp với thực tại của chân lý. Tiếc thay các nhà khoa học tuy thấy được chân lý vô ngã, nhưng chưa áp dụng được chân lý vô ngã vào trong đời sống hàng ngày của mình. Đối với gia đình vợ con, họ vẫn còn buồn giận, vẫn thấy họ khác với con, khác với vợ, với chồng và vẫn chưa phá bỏ được những xung khắc. Đứng về phương diện lý thuyết thì họ thấy được tính vô ngã của vạn vật nhưng đứng về phương diện thực tế thì họ chưa áp dụng được cái thấy vô ngã đó vào trong đời sống hàng ngày, vì vậy họ vẫn tiếp tục khổ đau và tạo ra khổ đau cho những người chung quanh. Trong khi đó thì đạo Bụt không ưa nói về chân lý vô ngã như một học thuyết để phô trương mà đưa ra những phép áp dụng chân lý vô ngã trong đời sống hàng ngày. Làm việc gì ta cũng tập làm với tư cách vô ngã. Giải quyết vấn đề nào chúng ta cũng tập giải quyết theo đường hướng vô ngã. Làm mới hay soi sáng cũng đều được thực hiện trên căn bản vô ngã. Còn nếu làm mới và soi sáng hoặc hành xử trên căn bản của ngã thì ta vẫn chưa thực tập giáo lý vô ngã của đạo Bụt. Khi nào ta thực tập và thực chứng được tinh thần vô ngã thì ta mới thật sự có hiểu biết và thương yêu. Cho nên làm mới hay soi sáng cũng đều phát xuất từ lòng thương lớn của ta. Khi chùa tổ chức một khóa tu năm ngày hay bảy ngày, thì người xuất gia và người cư sĩ có cơ hội tu tập chung với nhau; người cư sĩ có thể học hỏi được những điều mà trong xã hội họ không có cơ hội học hỏi. Và người xuất gia cũng học hỏi được về bản chất của những tâm tư, thao thức và khổ đau nơi người cư sĩ. Trong ngày tu, người cư sĩ cũng được ăn cơm trong im lặng, được ngồi thiền, tụng kinh và nghe pháp và như vậy là tham dự được vào một phần đời sống của người xuất gia.
Đức Thế Tôn dạy: “Này các thầy, các thầy phải chăm sóc cho nhau như anh em một nhà. Chăm sóc cho nhau tức là các vị chăm sóc cho tôi vậy”. Chắc quý vị còn nhớ chuyện đức bổn sư và thầy A Nan đi thăm một tu viện nhỏ. Khi tới đó, các thầy đã đi khất thực hết, chỉ có một thầy bị bệnh kiết nằm ở nhà mà thôi. Vì bị bệnh nặng, lại không có người hộ bệnh, một mình thầy không đi ra ngoài được nên mỗi khi thầy cần đi đại tiểu tiện thầy đi ngay ở trong phòng và y áo của thầy bị dính đầy phân và nước tiểu. Thấy vậy Bụt thương quá nên bảo thầy A Nan đi kiếm một chậu nước. Người tự tay tắm rửa và thay áo cho thầy ấy. Bụt hỏi: “Các thầy khác không chăm lo cho thầy sao?” Thầy ấy trả lời: “Bạch đức Thế Tôn, có. Nhưng vì con nghĩ mình bị bệnh lâu quá mà cứ để các thầy phải chăm sóc thì thật là cực nhọc cho họ nên con rất ngại. Do đó con đã xin các thầy cho phép con tự chăm sóc. Mấy ngày hôm nay là con tự lo liệu lấy.” Nghe vậy, đức Thế Tôn liền dạy: “Như vậy không được. Thầy nên để cho các thầy khác chăm sóc cho đến khi hết bệnh mới thôi”. Khi các thầy đi khất thực về, đức Thế Tôn cho gọi lại và Người dạy: “Này các thầy! Khi đã đi tu rồi thì ta đâu còn cha mẹ, anh, chị, em bên cạnh để lo cho ta nữa. Nếu quý vị không chăm sóc cho nhau thì ai chăm sóc cho quý vị? Chúng ta là một gia đình, chúng ta phải lo cho nhau như anh em ruột thịt. Tôi biết trong các thầy, thầy nào cũng muốn làm thị giả cho tôi, muốn lo lắng, chăm sóc cho tôi. Tôi xin nói rằng: Lo cho nhau tức là lo cho tôi vậy. Người nào muốn chăm sóc cho Như Lai thì hãy chăm sóc cho những người bạn tu của mình. Đó mới thật sự là chăm sóc cho Như Lai.” Bụt cũng dạy: “Khi những người cư sĩ tới tu viện thì người xuất gia chăm sóc cho họ vì họ cũng là đệ tử của Như Lai.” Cố nhiên chúng ta cũng nên tổ chức như thế nào đó để người xuất gia có thể chăm sóc cho người xuất gia đã đành rồi, mà người xuất gia cũng chăm sóc được thêm cho người cư sĩ và người cư sĩ cũng có thể thực tập chăm sóc cho nhau. Làng Mai đã chế tác ra pháp môn đệ nhị thân để áp dụng tinh thần này và đang thực tập rất thành công. Những người cư sĩ tới đây tu tập đều cũng được thực tập theo tinh thần này. Người cư sĩ chăm sóc cho người cư sĩ và người cư sĩ cũng chăm sóc cho người xuất gia. Mỗi khi ta tổ chức khóa tu thì ta nên khai thị tinh thần đó.
Chúng ta nên tự nói rằng: Những người cư sĩ tới tu với ta cũng là đệ tử của đức Như Lai và ta với tư cách những người anh lớn, những người chị lớn, phải chăm sóc cho họ. Có được cái thấy như vậy rồi thì những công việc như nấu cơm, dọn phòng hoặc đi đón thiền sinh từ nhà ga không còn là những công việc nặng nhọc nữa và ta không cảm thấy buồn chán. Ta có thể làm những công việc đó với tất cả tình thương. Cũng như chàng Mân xuống bếp rửa chén mà không thấy đau khổ gì cả, vì Mân thấy rằng rửa vài cái chén là đỡ cho Giao Tiên bớt phần nặng nhọc. Hơn nữa rửa chén chính là niềm vui. Đó là tình thương đích thực. Cũng vậy, ta phải tập làm với tình thương thì ta mới thật sự có hạnh phúc. Trong chúng ta có những thầy, những sư cô đã làm với tinh thần đó và họ cảm thấy rất hạnh phúc. Được phục vụ cho đại chúng cũng hạnh phúc mà được có cơ hội chăm sóc cho các sư anh, sư chị, sư em và cho thiền sinh cũng là hạnh phúc. Nhưng trong chúng ta cũng có một vài người ưa than mệt. Các vị ấy nói: “Trời ơi, mệt quá! Cứ hết khóa tu này lại tới khóa tu khác, không có thì giờ rảnh. Phải có một khóa tu riêng cho người xuất gia mới được”. Tôi rất hiểu và rất thông cảm nhu yếu đó. Chúng ta quả thực đã tổ chức nhiều khóa tu, nhưng vì lòng thương nên ta mới cố gắng tạo cơ duyên cho người ta đến tu tập. Tôi biết cũng có nhiều người trong chúng ta rất muốn mở cửa để cho nhiều người tới thực tập. Họ thực tập được chừng nào thì đỡ cho họ chừng đó. Thường thường ta có hai khuynh hướng: khi mệt thì ta không muốn làm gì hết, nhưng lòng từ bi trong ta cứ muốn ta mở cửa để đón nhận các thiền sinh tới tu tập để cho họ bớt khổ. Chúng ta phải cùng đàm luận về chuyện này. Ta phải làm việc như thế nào, chăm sóc cho nhau như thế nào, độ người cư sĩ như thế nào để vẫn duy trì được sự thoải mái, thảnh thơi mà không bị căng thẳng.
Những người cư sĩ tới đây cũng thực hành theo giáo lý của đức Thế Tôn. Họ tới đây một phần là để yểm trợ cho người xuất gia, một phần là để yểm trợ cho những người bạn tu cư sĩ khác. Họ chăm sóc lấy nhau và họ chăm sóc luôn cả người xuất gia. Cũng như người xuất gia chăm sóc cho nhau và chăm sóc luôn cho những người cư sĩ. Có như vậy chúng ta mới có được một đoàn thể gọi là tứ chúng gồm xuất gia nam, xuất gia nữ, tại gia nam và tại gia nữ. Chúng ta phải đi tới một phương thức trong đó bốn chúng có thể sống hòa hợp, có hạnh phúc, một phương thức trong đó người nào cũng được tu tập chuyển hóa và mọi người có cơ hội nâng đỡ nhau tu tập để chuyển hóa.
Nói tóm lại, trong đời sống tu tập của chúng ta, sự thực tập quay về nương tựa tăng thân đã trở thành một chủ đề lớn. Chúng ta không cần thực tập quá nhiều, chỉ cần thực tập được ba chữ quy y tăng thôi là đã có thể thành công. Quy y tăng là sự thực tập mà các loài ong, loài chim và loài cá, chúng đã và đang làm. Con người là loài sinh vật có tính xã hội, do đó con người phải tập làm cho được như những loài ong, loài chim và loài cá thì nhân loại mới có hòa bình, mới có tương lai. Chúng ta phải vượt thoát ý niệm về ngã và thực tập quay về nương tựa tăng thân. Chúng ta phải thấy hạnh phúc của tăng thân chính là hạnh phúc của mình, lý tưởng của tăng thân chính là lý tưởng của mình, sự thành đạt của tăng thân là sự thành đạt của mình. Cũng như cặp vợ chồng trẻ kia, người vợ quay tơ là không phải chỉ quay tơ cho người chồng mà cô cũng quay tơ cho chính mình, tại vì mình với chồng mình chính là một.
Chúng ta mở rộng hai cánh tay để ôm ấp hết tất cả mọi người vào lòng, tại vì tăng thân là thân của ta. Chúng ta có Phật thân, có pháp thân, có tăng thân. Nếu giữ gìn được ba cái thân đó, sống được với ba cái thân đó một cách thiết thực trong đời sống hàng ngày thì những phiền não của ta sẽ rụng rơi rất mau chóng.
________
Pháp thoại ngày 13-1-2000, tại chùa Cam Lộ, xóm Hạ trong khóa tu mùa Đông