Pháp thoại theo chủ đề

Tôn giáo và sự lành mạnh hóa xã hội

Xin kính mời Đại Chúng thở theo tiếng chuông. Thở vào tôi biết đây là pháp thoại cuối mà thầy Nhất Hạnh nói ở Huế. Thở ra tôi muốn được tận hưởng sự có mặt của tăng thân trong giờ phút này.

Kính thưa Đại Chúng.

Hôm nay là ngày 13 tháng 03 năm 2005, tức là ngày 04 tháng 02 năm Ất Dậu. Chúng ta đang ở chùa Từ Hiếu, thiền đường Trăng Rằm. Đề tài của bài pháp thoại hôm nay là “Tôn giáo có thể đóng góp được vai trò gì trong sự làm lành mạnh hóa trong xã hội, đem lại an lạc, hòa bình và hạnh phúc cho xã hội”. Bài pháp này không những chỉ được nói riêng cho các Phật tử ở Thừa Thiên mà còn được nói cho cả nước. Không chỉ nói cho cả nước mà còn nói cho quốc tế, vì đây là một đề tài rất là thực tế. Đây không phải là đề tài có tính cách ước mơ, vì đây là những điều chúng ta có thể làm được.

Ngày hôm nay cũng là ngày giỗ của Hòa Thượng Thanh Quý. Và đại chúng được mời ở lại để làm lễ giỗ Tổ. Hôm nay lễ giỗ Tổ sẽ được tổ chức theo nghi thức Làng Mai. Sẽ có nhiều nội dung, nhiều kỷ niệm để tưới tẩm hạt giống hạnh phúc của mình, những kỷ niệm của mình có với tổ Thanh Quý.  Phần nghi lễ sẽ rất ngắn gọn, sau đó chúng ta sẽ ngồi ăn cỗ với nhau. Nếu có thể được chúng ta sẽ ngồi ở dưới đất thành những vòng tròn như là ăn giỗ ở tại thôn quê. Và sư ông Thanh Quý sẽ ngồi ăn giỗ với chúng ta.

Tôi nói rằng đây là pháp thoại cuối, nhưng quý vị có thể vẫn tiếp tục đi theo thầy Nhất Hạnh trong những pháp thoại nói ở Hà Nội, ở Bình Định, rồi sau đó ở Ý, ở Đức, rồi ở Mỹ,… Nếu quý vị vào thăm trang nhà của Làng Mai thì sẽ vẫn tiếp tục được nghe pháp thoại của thầy Nhất Hạnh dài dài, hoặc bằng tiếng Việt, hoặc bằng tiếng Anh, hoặc bằng tiếng Pháp. Tháng bảy và tháng tám ở Làng Mai là khóa Mùa Hè. Mỗi tuần có sáu bài pháp thoại, hai bài bằng tiếng Pháp, hai bài bằng tiếng Anh và hai bài bằng tiếng Việt. Quý thầy, quý sư cô Làng Mai không những chỉ đưa lên mạng những bài nguyên văn bằng tiếng Pháp, bằng tiếng Anh mà còn đưa lên cả bản dịch bằng tiếng Việt. Thành ra tuy xa cách mà không có sự xa cách, nếu mình có thì giờ ngồi lại và thực tập.

Nhìn nhận thực trạng

Trong xã hội chúng ta hiện thời có những tệ trạng gây ra rất nhiều khổ đau. Xã hội Tây phương cũng vậy mà xã hội Á Đông cũng vậy. Số người trẻ đi tự tử hàng ngày rất đông. Số người trẻ bỏ gia đình, trốn gia đình, đi tìm quên lãng ở ngoài, sa vào hầm hố của băng đảng, tội phạm, xì ke ma túy, sắc dục và mãi dâm càng ngày càng đông. Những tệ trạng xã hội này đã bắt đầu thấm vào trong chùa và trong chùa đã có dấu hiệu của những tệ nạn đó trong hàng ngũ của những người xuất gia. Đây là một tiếng chuông báo hiệu rất lớn. Nếu chúng ta không thanh lọc, không lành mạnh hóa được nội bộ của tôn giáo, thì tôn giáo sẽ không đóng được vài trò nào cả trong việc giúp cho xã hội được thanh lọc, được lành mạnh và có được hạnh phúc, an vui. Cho nên vấn đề là mình phải trở về với đoàn thể của mình, tu tập như thế nào để mỗi ngày thực hiện được sự thanh lọc. Thanh lọc trong tâm ý, trong lời nói và trong tư tưởng của chúng ta.

Những tệ nạn trong xã hội đang gia tăng với đà phát triển của kinh tế và công nghiệp hóa. Nhiều người trong xã hội chúng ta đang đi tìm hạnh phúc về hướng tiêu thụ, sống hối hả, theo lối sống gọi là hiện đại. Đây là một tai nạn rất lớn cho đất nước và cho xã hội chúng ta.

Vấn đề bạo động và vấn đề tội phạm là một vấn đề quốc tế. Các xã hội Tây phương hiện giờ có rất nhiều bạo động. Bạo động trong gia đình, bạo động trong trường học, bạo động trong thành phố. Trong gia đình người ta phải gọi cảnh sát đến để can thiệp giữa chồng với vợ, giữa cha với con. Trong trường học cũng vậy, học sinh đem súng vào để bắn thầy giáo, để bắn các bạn. Ở ngoài đường phố, bạo động và căm thù cũng xảy ra rất nhiều. Hiện tượng đó không phải chỉ là hiện tượng riêng của các nước Tây phương mà đang bắt đầu là hiện tượng chung của cả thế giới, kể cả của các nước Á châu. Sự sụp đổ, sự tan rã của cấu trúc gia đình là một tai nạn lớn vì trong gia đình ít có truyền thông, không có hạnh phúc, người trẻ không cảm thấy phấn khởi khi nghĩ tới gia đình và vì vậy họ có khuynh hướng đi tìm sự quên lãng bên ngoài và do đó sa vào hầm hố của sự hư hỏng. Cuối cùng, không bít lấp được những khổ đau, họ đi tự tử.

Tham nhũng là một quốc nạn. Người ta hay nói tới tham nhũng trong xã hội, trong bộ máy chính quyền, trong đảng, nhưng chúng ta cũng có thể nói đến tệ trạng tham nhũng đó trong các giáo hội và ngay trong đoàn thể Phật giáo. Ngay khi mình là một người học tăng, muốn đi vào trường Phật học, ngoài việc phải đóng học phí, muốn được chấp nhận, đôi khi mình cũng phải lo lót với những người trong văn phòng. Khi đi thọ giới cũng vậy hoặc khi cần xin giấy chứng nhận để có thể có hộ khẩu thì cũng phải có sự lo lót. Khi có chức vụ trong giáo hội thì mình có một chút quyền hành. Và dựa trên chút quyền hành đó mình muốn có thêm đồng ra đồng vào. Đó là tình trạng tham nhũng trong giáo hội. Khi mình là một đảng viên, viên chức hay cán bộ thì mình dựa vào vị thế đảng viên, viên chức hay cán bộ của mình để có thể làm cho nếp sống kinh tế của mình dễ thở hơn, thoải mái hơn. Đó là trình trạng chung. Trong đảng không ai muốn có sự tham nhũng, trong chính quyền không ai muốn có sự tham nhũng, trong giáo hội không ai muốn có sự tham nhũng, nhưng nạn tham nhũng vẫn có và vẫn càng ngày càng lớn. Trong giáo hội có những bậc trưởng thượng giới luật nghiêm minh không vướng vào những tham nhũng đó, nhưng có những vị khác đã, đang vướng vào và sẽ vướng vào. Và vì vậy khi bầu ban thường vụ, ban thường trực, ban tri sự thì có hiện tượng tranh giành, loại trừ, giống hệt như ở ngoài đời, trong một đảng chính trị hay trong một chính quyền. Người ta loại trừ nhau, tranh giành lẫn nhau. Hiện tượng đó đang có trong đảng và trong chính quyền. Và vì vậy đây là quốc nạn, không phải là nạn riêng của đảng hay của chính quyền. Đây là vấn đề của tất cả chúng ta trong xã hội và ngay cả trong tôn giáo. Tôn giáo muốn phục vụ được thì trước hết phải thanh lọc hàng ngũ của mình, thanh lọc thân, khẩu, ý của mình thì mới có thể đóng được một vai trò nào đó để giúp xã hội thanh lọc hóa.

Vốn liếng của chúng ta

Hôm nay tôi muốn nói chuyện một cách rất cụ thể! Chúng ta có thể làm gì với tư cách một người tu xuất gia hay một người tu tại gia để có thể góp phần thực hiện được sự thanh lọc hóa đó trong đời sống cá nhân, đời sống cộng đồng, đời sống tăng thân, trong giáo hội và trong đại gia đình những người xuất gia, những người tại gia của mình?

Như ta đã biết, những tệ nạn ở ngoài xã hội đã bắt đầu đi vào trong giáo hội, trong nội bộ tổ chức của Phật giáo. Nếu chúng ta không có biện pháp ngăn ngừa bảo hộ thì chúng ta cũng sẽ trở thành nạn nhân. Nếu ở ngoài đời, trong đảng và trong chính quyền có hiện tượng tranh giành, loại trừ, lợi dụng để có thể nắm được những vai trò then chốt của quyền uy, thì trong giáo hội, trong cộng đồng Phật giáo cũng đã bắt đầu có những hiện tượng này. Nếu trong giáo hội còn có những thành phần trong sạch và nghiêm minh thì trong đảng hay trong chính quyền cũng có những người như vậy, đáng làm gương cho mọi người. Nhưng than ôi, đó không phải là đa số. Vấn đề ở đây không phải là trách móc hay lên án mà là vấn đề tìm ra biện pháp cụ thể để có thể giúp được bản thân, giúp được đoàn thể của mình và giúp được xã hội, trong đó có chính quyền, có đảng.

Nói đến tôn giáo thì chúng ta nói đến đức tin, hy vọng và sự cầu nguyện. Nhưng đạo Phật không phải chỉ là một tôn giáo. Đạo Phật không phải chỉ có đức tin, niềm hy vọng vào tương lai và sự cầu nguyện. Đạo Phật là một kho tàng tuệ giác với những phương pháp rất cụ thể có thể giúp chúng ta tháo gỡ, chuyển hóa những khó khăn, những khổ đau trong bản thân, thiết lập lại được truyền thông với thầy, với đệ tử, với huynh đệ và giúp cho những người ngoài đời thiết lập lại được truyền thông trong gia đình, trong cộng đồng, khôi phục được hạnh phúc, ngăn được sự sa đọa của giới thanh niên cũng như những người lớn tuổi. Và vì vậy đề tài này đối với Phật giáo rất đặc biệt. Bởi vì truyền thống chúng ta không phải chỉ có hy vọng và cầu nguyện mà chúng ta lại có những biện pháp thực tập trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Tôn giáo và đạo đức

Trước hết chúng ta phải phân biệt giữa tôn giáo và đạo đức. Hai cái có thể đi đôi với nhau, nhưng tôn giáo chưa hẳn là đạo đức. Có thể có trường hợp tôn giáo không có đạo đức. Mà không có đạo đức thì tôn giáo sẽ phá sản, có hại cho xã hội, ví dụ như cuồng tín. Khi theo một tôn giáo mà trong bản thân mình lại có chất cuồng tín thì mình sẽ gây rất nhiều khổ đau cho chính mình và cho những người chung quanh. Mình nói rằng mình giữ độc quyền chân lý và những người nào không theo mình tức là đi lạc vào đường ma quái, cần phải loại trừ hay tiêu diệt. Khi có sự cuồng tín như vậy thì ngôn ngữ, hành động, cũng như tư tưởng của mình không còn là đạo đức. Suy nghĩ, nói năng và hành động như vậy tạo ra sự chia rẽ, kỳ thị. Và đó là một nguyên do đưa đến chiến tranh, tranh chấp. Và vì vậy một tôn giáo mà chủ trương cuồng tín thì tôn giáo đó không có đạo đức. Một tổ chức tôn giáo chuyên sử dụng quyền hành và tiền bạc để đạt tới những mục tiêu phát triển, xây dựng, sử dụng những phương tiện tham nhũng để xây chùa hay xây nhà thờ, mua chuộc tín đồ, mua chuộc con chiên là áp dụng những biện pháp bá đạo chứ không phải là vương đạo. Phát triển nền tảng tôn giáo của mình như vậy là không có đạo đức. Và vì vậy chúng ta không nên lẫn lộn giữa hai danh từ tôn giáo và đạo đức. Tôn giáo mà không có đạo đức tức là sự phá sản, gây khổ đau rất nhiều cho xã hội. Và nếu trong nội bộ tôn giáo mà có sự tranh giành quyền bính để có địa vị, lợi lộc trong những chức vụ hội trưởng, trưởng ban trị sự, cha xứ,… thì tất cả những sự tranh giành địa vị, quyền bính đó chứng tỏ rằng người ta đang lợi dụng tôn giáo của chính họ để phục vụ cho tham vọng, quyền lợi, uy quyền của mình. Như vậy đạo đức vắng mặt và tôn giáo phá sản. Mà một khi đã phá sản thì tôn giáo có thể đóng góp được gì cho sự lành mạnh hóa xã hội? Cho nên bài pháp này không phải chỉ được nói cho những người Phật tử mà được nói cho tất cả các tôn giáo. Và trước hết chúng ta nên nhớ phân biệt giữa tôn giáo và đạo đức.

Đạo đức là nền tảng

Tôn giáo có khả năng chuyên chở đạo đức. Thương mại cũng vậy. Thương mại là một ngành hoạt động rất quan trọng trong kinh tế. Nếu thương mại không có đạo đức thì sẽ có sự phá sản. Phát triển kinh tế mà không có đạo đức thì sẽ tiêu diệt sinh môi, sẽ tiêu diệt các chủng loại có mặt trên trái đất, sẽ làm ô nhiễm không những chỉ thiên nhiên mà còn cả tâm người, sẽ đem độc tố vào trong thân và trong tâm của những người sản xuất và tiêu thụ. Và vì vậy doanh nghiệp, thương mại, phát triển kinh tế phải có đạo đức, nếu không có đạo đức thì sẽ có sự phá sản. Chúng tôi đã từng mở những khóa tu học hướng dẫn cho những giới kinh doanh, các nhà kinh tế và chúng tôi biết rất rõ những khổ đau, những thao thức của họ. Chúng tôi thấy rất rõ là trong đời sống của kinh doanh, người ta rất cần một chiều hướng đạo đức và tâm linh. Trong giới chính trị cũng vậy. Nếu chính trị mà không có đạo đức thì chính trị cũng phá sản. Người làm chính trị mà không có đạo đức thì không thể thiết lập được liên hệ tốt giữa những người trong gia đình của họ và gây khổ đau cho chính những người trong gia đình của mình. Cha có thể không nói chuyện được với con, chồng có thể không nói chuyện được với vợ. Và những người lâm vào tình trạng đó thì khổ đau đè nặng trên trái tim họ, họ làm sao để giúp nước giúp dân? Và vì vậy nhà chính trị phải có đời sống tâm linh và đạo đức để trước hết có thể lành mạnh hóa, hạnh phúc hóa bản thân và gia đình của mình rồi đem sự thực tập đó áp dụng vào trong đoàn thể chính trị của mình, để thiết lập sự truyền thông giữa những người cùng một khuynh hướng chính trị, cùng một tổ chức chính trị, để có sự tin nhau, hiểu nhau, để cùng đi trên con đường lý tưởng phục vụ dân, phục vụ nước. Vì vậy nhà chính trị dứt khoát phải có một nếp sống đạo đức và tâm linh.

Ôn cố tri tân

Ngày xưa vua Trần Thái Tông lúc hai mươi tuổi đã phải chịu đựng rất nhiều khổ đau rồi. Thái sư Trần Thủ Độ là một nhà chính trị gần như không có trái tim. Năm đó Trần Thái Tông mới có hai mươi tuổi, hoàng hậu là Lý Chiêu Hoàng mới có mười chín tuổi mà Trần Thủ Độ nói rằng nếu không có con gấp thì thế nào cũng bị loại ra, không được làm hoàng hậu nữa. Phải có con gấp để nhà Trần có thể bảo đảm được sự tiếp nối. Trần Thủ Độ đã ép vua Trần Thái Tông phế Chiêu Thánh, giáng Chiêu Thánh xuống chức công chúa để gả cho một người khác và phải cưới liền vợ của anh ruột mình là Trần Liễu. Người chị dâu đó là công chúa Thuận Thiên, chị ruột của Chiêu Thánh. Lý do là Thuận Thiên đã có mang, nếu cưới thì trong bảy, tám tháng sẽ có con nối dõi. Một nhà chính trị không có đạo đức thì có thể hành động một cách dã man như vậy. Chàng thanh niên hai mươi tuổi đó vì có quá nhiều đau khổ, không muốn làm vua nữa và đã bỏ cung điện tìm lên núi Yên Tử để đi xuất gia. Ngày hôm sau, Trần Thủ Độ lên núi buộc vua phải về làm vua. Vua khóc và đem tâm sự ra nói với quốc sư Viên Chứng, trú trì trên núi. Thầy Viên Chứng nói: “Bây giờ đã là vua rồi thì mình đâu thể làm theo ý riêng của mình được? Mình phải theo ý dân. Dân muốn mình về làm vua thì mình phải về để làm vua thôi. Nhưng tôi có vài lời muốn nhắc với hoàng thượng: “Dù làm vua mình vẫn có thể tu học được! Vậy xin bệ hạ đừng có ngày nào mà không học hỏi và thực tập đạo lý giải thoát”. Vì nghe lời an ủi đó của quốc sư, vua Trần Thái Tông đã chấp nhận về lại kinh đô để làm vua. Đêm nào vua cũng thức khuya để học thêm. Học thêm đạo Nho để giỏi thêm về chính trị, học thêm đạo Phật để có một chiều hướng tâm linh đạo đức đủ để ôm ấp và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau của mình – một người trai trẻ mới có hai mươi tuổi. Nếu vua đã thành công như một nhà chính trị giỏi, một nhà cầm quyền giỏi đó là nhờ có chiều hướng tâm linh và tu học. Lịch sử ghi lại nhà vua đã hành trì theo một nghi thức bái sám gọi là Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi. Mỗi ngày vua thực tập bái sám và ngồi thiền sáu lần mà vẫn còn thì giờ để làm chính trị và làm quân sự. Trong khi đó người anh ruột của vua là Trần Liễu phẫn uất vì đã bị cướp vợ đã triệu tập binh sĩ, tổ chức hải quân để chống lại triều đình. Nhưng vì vua Trần Thái Tông đã biết tu học rồi nên vua đã tìm những phương pháp bất bạo động để giúp cho anh mình đầu hàng mà không bị trị tội. Cuối cùng thì Trần Liễu được ân xá, được cấp ruộng đất để về sống một cách yên lành và được ban cho tước hiệu An Sinh Vương. An Sinh Vuơng Trần Liễu có ba người con. Trước khi qua đời An Sinh Vương gọi ba con tới bên giường và dặn các con phải trả thù cho cha, mối thù không thể nào quên được. Nhưng cả ba người con đó vì đã tu theo đạo Phật nên tất cả không nghe lời cha mà trái lại đã dùng đạo đức để hóa giải với gia đình của người chú. Người con lớn là Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung đã từng tham dự vào việc cầm quân chống lại cuộc xâm lăng của quân Nguyên và cũng đã từng tu học thành công để trở thành một vị thiền sư cư sĩ gọi là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ông không những đã đóng góp cho chế độ bằng chiến công cứu nước, dựng nước của mình mà còn đóng góp cho đất nước bằng chiều hướng tâm linh của mình. Tuệ Trung Thượng Sĩ đã trở thành một vị thiền sư giảng dạy trong triều đình và làm thầy dạy kèm cho vua Trần Nhân Tông sau này. Trần Nhân Tông sau này sẽ đi xuất gia, trở thành Trúc Lâm Đại Sĩ. An Sinh Vương Trần Liễu có một người con gái sau này trở thành hoàng hậu của Trần Thánh Tông, đó là hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Một người anh đóng góp về phương diện quốc sự và đạo đức, một người em gái đóng góp về phương diện bồi đắp gia đình, sinh con cho chế độ. Có một người em trai nữa sau này là một vị đại tướng có công đánh quân Nguyên, đó là tướng quân Trần Hưng Đạo Đại Vương. Trần Hưng Đạo Đại Vương là em trai của thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ. Sở dĩ cả ba anh em đã không báo thù mà còn đem hết tất cả sức mình để yểm trợ cho nhà nước vì họ đã được đạo đức của vua Trần Thái Tông cảm hóa và chinh phục. Nếu không tu học thì vua Trần Thái Tông làm sao cảm hóa được ba anh em? Ba anh em con của An Sinh Vương Trần Liễu cũng đã được hướng dẫn tu học rất sâu sắc. Cho nên yếu tố đạo đức, yếu tố tâm linh đã làm cho vững mạnh triều đại nhà Trần cũng như đã từng làm vững mạnh triều đại nhà Lý. Những nhà chính trị trong đời Lý, đời Trần đều có nếp sống tâm linh rất sâu sắc. Chúng ta mong rằng những vị lãnh đạo chính trị ngày nay của chúng ta trong đảng hay trong chính quyền cũng sớm có một nếp sống đạo đức tâm linh để cho mọi người thấy và có thêm niềm tin.

Ngày xưa vua A Dục, ba trăm năm trước Thiên Chúa giáng sinh, đã thống nhất được toàn cõi Ấn Độ và tiếp theo đó đã thống nhất được nhân tâm của toàn cõi Ấn Độ nhờ sự tu tập của ngài. Ngài đã quy y, thọ năm giới và phát tâm yểm trợ tất cả các truyền thống tôn giáo và đạo học có mặt thời ấy trong toàn cõi Ấn Độ không hề kỳ thị phân biệt. Dầu bản thân vua là người Phật tử, vua không phải chỉ yểm trợ cho Phật giáo mà còn yểm trợ cho tất cả các truyền thống đạo đức và đạo học khác. Vua A Dục – Asoka đã thành công một cách rực rỡ trong việc thống nhất nhân tâm. Chính vua đã thực tập giới không sát sinh và đã ra lệnh không được giết hại các loài sinh vật, cầm thú, cỏ cây và đất đá. Những lời khuyến nhủ của vua được khắc trên những trụ đá. Hiện bây giờ người ta khám phá ra hàng năm mươi trụ đá như vậy trong toàn cõi Ấn Độ. Có một trụ đá hiện vẫn đứng rất vững là trụ đá ở vườn Lâm Tỳ Ni, chứng minh rằng Đức Thích Ca là một nhân vật lịch sử chứ không phải là một huyền thoại.

Chúng ta biết rằng tướng Võ Nguyên Giáp hiện bây giờ đang ngồi thiền mỗi ngày và cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng tới quy y ở chùa Đậu, nhưng các vị đã phải chờ đợi đến tuổi già mới được tu tập. Chúng ta ước ao rằng các nhà chính trị trong đảng và trong nhà nước có thể có một nếp sống đạo đức và tâm linh sớm hơn. Vua Trần Thái Tông năm hai mươi tuổi đã biết tu và nhờ đó mới hóa giải được những khó khăn trong bản thân, trong gia đình và trong nội các của chính mình, và như vậy đã có thể đối phó với những sự hận thù, chia rẽ và tham nhũng. Chúng ta làm gì để có thể yểm trợ cho đảng và cho nhà nước có được một nếp sống đạo đức và tâm linh? Đó là một câu hỏi! Nếu chúng ta không tự thanh lọc, nếu chúng ta không thiết lập được truyền thông và hạnh phúc trong chính ngôi chùa của chúng ta, trong giáo hội của chúng ta, nếu chúng ta không có khả năng đem lại hạnh phúc, an lạc và tình huynh đệ cho nhau thì chúng ta có gì để chia sẻ với xã hội bên ngoài

Con đường đã tỏ

Trong khóa tu dành cho người xuất gia vừa rồi, chúng ta đã thấy rõ rằng ngôi chùa phải đóng vai trò hướng dẫn tinh thần và đạo đức trong thôn xóm. Trong ngôi chùa đó phải có tình huynh đệ, hạnh phúc, hòa điệu và những pháp môn tu học có công năng xây dựng tình thầy trò, tình huynh đệ. Biến ngôi chùa và tăng thân thành một nơi nương tựa cho tứ chúng thì lúc đó ngôi chùa mới có công năng giúp cho xã hội và thôn xóm trở nên lành mạnh và có hạnh phúc. Điều quan trọng nhất mà một tôn giáo phải làm là phục hồi được phẩm chất đạo đức trong nội bộ của chính mình. Có đạo đức rồi thì có sự hòa điệu, có sự truyền thông, có hạnh phúc và sẽ không còn những tệ nạn của sự loại trừ và tranh giành. Do đó niềm tin của chúng ta nơi truyền thống lớn lên rất nhanh và rất mạnh. Khi chúng ta có hòa điệu, truyền thông, hạnh phúc và tình huynh đệ thì chúng ta bắt đầu có tư cách để can thiệp vào xã hội. Can thiệp không phải bằng đường lối pháp trị mà bằng đường lối đức trị. Với những giảng dạy thích ứng và những pháp thực tập hữu hiệu chúng ta giúp cho chồng truyền thông lại được với vợ, cha truyền thông lại được với con, đem hạnh phúc và sự hòa điệu trở về với gia đình. Và lúc đó người trẻ sẽ không bỏ nhà ra đi nữa. Ngôi chùa phải biết rõ khu vực của mình có bao nhiêu gia đình và tình trạng của từng gia đình, như một vị y sĩ có hồ sơ của tất cả các bệnh nhân. Gia đình nào có những hạnh phúc nào, những ưu điểm nào, gia đình nào có những khó khăn, những bức xúc nào, ngôi chùa phải biết. Nếu không biết thì làm sao mình phụng sự được? Và vì vậy trách nhiệm và công việc của các thầy, các sư cô rất lớn. Các thầy, các sư cô không phải chỉ trú trì ở đó để cung cấp các nhu yếu về nghi lễ, tuy nghi lễ là một trong những công tác quan trọng. Nhờ nghi lễ mà chúng ta có thể đưa nhiều người vào trong nếp sống đạo đức và tâm linh, giúp cho họ có cơ hội quy y và thực tập năm giới. Nghi lễ không phải là những phương tiện làm kinh tế cho chùa mà có thể là những phương tiện độ đời và hành đạo rất mầu nhiệm. Nhưng ngoài ra chùa phải cung cấp những ngày tu chánh niệm, những ngày tu Bát Quan Trai, những khóa tu cuối tuần, những khóa tu năm ngày hoặc bảy ngày để cho người cư sĩ có cơ hội tới tiếp thu sự học hỏi giáo lý và những pháp môn thực tập nhắm tới sự chuyển hóa những khổ đau, khó khăn trong tự thân, thiết lập lại truyền thông và hạnh phúc trong gia đình. Những giảng dạy và những pháp môn của chúng ta phải phù hợp với căn cơ, phải có tính hữu hiệu, phải có công năng tháo gỡ được những khó khăn và giúp tái lập được truyền thông. Càng cung cấp giáo lý và những pháp môn như vậy chúng ta càng ngày càng học thêm kinh nghiệm. Và đó là đóng góp thật sự của chúng ta cho xã hội.

Vi trùng tham nhũng

Nói về những tệ nạn trong xã hội chúng ta phải kể trước hết nạn tham nhũng. Như một căn bệnh kinh niên, một cái gì thâm căn cố đế, sự tham nhũng đi vào máu huyết, đi vào đời sống hàng ngày. Chúng ta phải nhận diện nó. Chúng ta tự hỏi là mình có đang có lợi dụng địa vị của chúng ta trong chùa, trong giáo hội để đi tìm một đời sống thoải mái hơn về kinh tế, về danh vọng hay không? Nếu có thì chúng ta đang là một nạn nhân của vi trùng TN. Vi trùng TN tức là vi trùng tham nhũng. Con vi khuẩn đó đang tàn phá đất nước. Con vi khuẩn đó đang nằm ở trong, chứ không phải ở ngoài. Con sư tử có sức mạnh đối chọi với tất cả những con thú khác, có thể chiến thắng được mọi loài. Nhưng nếu con sư tử đó có những con vi khuẩn ở trong thân thể của nó, thì chính những con vi khuẩn đó sẽ làm cho con sư tử chết. Giáo hội cũng vậy. Nếu cơ thể giáo hội có con vi khuẩn tham nhũng trong tự thân thì giáo hội sẽ chết. Đảng có con vi khuẩn tham nhũng trong tự thân thì đảng cũng sẽ chết. Và chính quyền nếu có con vi khuẩn tham nhũng trong tự thân thì chính quyền cũng sẽ chết. Chúng ta phải công nhận sự thật là trong giáo hội có con vi khuẩn đó, trong đảng có con vi khuẩn đó và trong chính quyền cũng có con vi khuẩn đó. Vấn đề là vấn đề chung. Vấn đề không phải là lên án buộc tội, mà vấn đề là phải tìm cách giải cứu. Trước hết mình phải giải cứu cho mình rồi mới có thể giúp giải cứu cho người. Tham nhũng như ta biết đang là một quốc nạn. Đảng cũng đang muốn đánh phá, giải trừ tham nhũng. Chính quyền cũng muốn đánh phá, giải trừ tham nhũng. Nhưng không phải muốn là làm được. Trong nội bộ giáo hội, trong nội bộ Phật giáo chúng ta có thể làm được chuyện ấy hay không? Với tất cả những giáo lý và sự thực tập đang có, chúng ta có thể tiêu diệt được con vi trùng tham nhũng ở trong nội bộ của chúng ta hay không?

Dứt khoát với phong bì

Nhìn vào cấu trúc của giáo hội, chúng ta thấy tham nhũng là một chuyện đang có thật. Tuy chứng bệnh chưa thâm căn cố đế lắm, nhưng con vi trùng đang thật sự có mặt. Và nếu chúng ta cứ muốn cho được việc mà xoè tiền ra, đưa ra những cái bao thơ để cho công việc chóng thành thì chúng ta đang trực tiếp và gián tiếp nuôi những con vi trùng đó. Mình phải tự hỏi: mình là thầy, là sư cô, là Phật tử, mình có đang nuôi dưỡng con vi trùng đó bằng cách sử dụng những phương tiện tham nhũng để muốn cho việc được mau thành hay không? Tham nhũng nằm ở trong tự thân mình chứ không phải chỉ nằm ở ngoài mình mà thôi đâu.

Trước khi phái đoàn Làng Mai về Việt Nam, chúng tôi đã lập nguyện là chúng tôi sẽ không đi tìm sự dễ dãi, suôn sẻ bằng cách sử dụng bì thơ. Chúng tôi biết rằng điều này rất khó. Chúng tôi phát nguyện rằng nếu gặp khó khăn thì chúng tôi cũng phải ráng chịu chứ chúng tôi không thể theo con đường tham nhũng để cho chuyến đi được dễ dàng hơn. Tại vì nếu làm như vậy chúng tôi đã không đóng góp được gì cho đất nước mà còn làm hại cho đất nước nữa. Chúng tôi biết nếu sử dụng bì thơ thì chuyến đi có thể thành công trên phương diện hình thức, nhưng thất bại ngay ở trong nội dung từ lúc ban đầu. Chúng tôi cũng đã bày tỏ những ưu tư này với các vị ở sứ quán Việt Nam tại Pháp. Một viên chức ở đây đã nói: “Khi nào có dấu hiệu của tham nhũng, xin quý vị báo cáo liền cho chúng tôi biết”. Chúng tôi trong chuyến đi đã gặp những khó khăn, trì trệ, nhưng chúng tôi đã cắn răng chịu đựng. Chúng tôi không sử dụng những cái bao thơ. Đó là phần đóng góp của chúng tôi. Chúng tôi muốn sự giảng dạy và những pháp môn của chúng tôi cống hiến cho đồng bào Phật tử phải đi theo với sự thực hành của chúng tôi. Nếu chúng tôi sử dụng những phương pháp tham nhũng thì chúng tôi phản lại chính chúng tôi.

Chúng tôi nghe nói cũng có những nhà chính trị liêm khiết. Chúng ta phải tìm cách yểm trợ cho những người như vậy để họ có thêm sức mạnh, tại vì họ cũng đang gặp những khó khăn. Xung quanh các vị ấy có những người không được liêm khiết như thế và các vị cũng đang tìm đủ mọi cách để đừng bị những con vi trùng đó hoành hành trong nội bộ. Vấn đề, tôi xin nhắc lại lần nữa, không phải là vấn đề lên án hay buộc tội mà vấn đề là làm sao để giúp giải cứu cho được. Trong giáo hội cũng vậy. Có những nước bạn thấy được tệ nạn tham nhũng, đã và đang giúp Việt Nam những ngân khoản để bài trừ tham nhũng. Nhưng làm sao có thể bài trừ tham nhũng bằng những ngân sách? Chúng ta có thể đóng góp được bằng gì? Bằng đạo đức! Chúng ta phải thực tập cái mà trong truyền thống gọi là “an bần thủ đạo”. Thà rằng tiêu thụ ít, thà rằng nghèo, thiếu đồng ra đồng vào, nhưng mình giữ được cái đạo liêm khiết. Trong đảng cũng có những người thực tập được “an bần thủ đạo”, trong chính quyền cũng có những người thực tập được “an bần thủ đạo” và trong giáo hội cũng có những người thực tập được “an bần thủ đạo”. Nhưng không phải ai cũng thực tập được hết. Chúng ta, những người có khả năng an bần thủ đạo, phải tới với nhau, yểm trợ cho nhau để chúng ta có sức mạnh. Chúng ta không xen vào nội bộ của nhau, nhưng có thể yểm trợ cho nhau. Nhà chính trị không nên xen vào nội bộ của nhà tôn giáo. Nhà tôn giáo không nên xen vào nội bộ của nhà chính trị. Nhưng hai bên có thể giúp nhau. Nhà tôn giáo phải tuân phục theo pháp luật của nhà nước, nhà chính trị cũng phải tuân phục theo pháp luật của nhà nước. Những con hạm tham nhũng lớn, vì có nhiều tiền, nhiều uy lực nên không vướng vào lưới của pháp luật. Trong khi những người tham nhũng nhỏ bị bắt, bị trừng phạt thì những con hạm lớn, vì uy lực quá lớn, nên phá rách lưới pháp luật mà không bị hề hấn gì. Đó là một trong những khó khăn lớn nhất mà đảng, chính quyền và quốc dân đang phải đối phó.

Đối trị từ gốc

Chúng ta tu để làm gì? Chúng ta tu không phải là để trốn tránh cái thực tại của xã hội, của đất nước như một con đà điểu chúi đầu xuống cát để tưởng tượng rằng không có con sư tử đang đứng trước mặt mình. Tu là để đối diện với thực tại. Thực tại ở đây là thực tại của những tệ nạn xã hội rất lớn mà chúng ta có thể gọi là quốc nạn. Sự hư hỏng của người thanh niên, sự hư hỏng của giới thanh niên tăng ni là một pháp nạn, là một quốc nạn. Sự sụp đổ của cơ cấu gia đình, gia đình không có hạnh phúc, không có hòa điệu, sự vắng mặt của tình huynh đệ trong tăng chúng là một pháp nạn, một quốc nạn. Tình trạng người thanh niên đi tìm quên lãng trong xì ke ma túy, sắc dục, tự tử, băng đảng là quốc nạn. Có lần tôi nghe nói có một số các thầy, các sư cô trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh vương vào một vụ buôn bán ma túy bị đưa ra tòa. Đó là một sự xấu hổ rất lớn cho cộng đồng Phật giáo. Ngày xưa đâu có những hiện tượng như vậy. Đâu có hiện tượng một sư cô phải đi nạo thai, đâu có hiện tượng một số các thầy, các sư cô trẻ vương vào vụ buôn bán xì ke ma túy để có thể có tiền đi học – tội nghiệp quá! Đó là những vấn đề có thật. Đó là những vấn đề chúng ta phải can đảm đối diện và phải tìm ra những giải pháp. Mà nếu chúng ta, mỗi người bị mắc kẹt trong đời sống bận rộn của mình với tư cách một vị trụ trì, với tư cách một người tác viên xã hội thì mình có thì giờ đâu để lo cho đại sự, để đối diện và đối phó với những quốc nạn, những pháp nạn đang thật sự có mặt. Chúng ta thường nghĩ tới pháp nạn như một sự đàn áp của chính quyền đối với Phật giáo. Nhưng chúng ta không nghĩ tới pháp nạn dưới dạng sự hư hỏng của người tăng ni, của những người đang đi tìm quyền bính, địa vị ở ngay trong nội bộ tổ chức Phật giáo của mình. Chúng ta không nghĩ đến những sự vi phạm giới luật và uy nghi của người xuất gia. Đó là những pháp nạn rất lớn. So với pháp nạn gây ra từ giới chính trị thì những pháp nạn này nguy hiểm hơn, vì đó là những con vi trùng đang có ở ngay trong chính cơ thể của mình.

Tôi thấy ở trong đảng và trong nhà nước đã có những người giác ngộ, thấy được những tệ nạn xã hội đó. Chính sách thiết lập những khu phố văn hóa, thôn văn hóa, tổ văn hóa chứng tỏ rằng trong đảng, trong nhà nước có ý hướng muốn bài trừ những tệ nạn đó của xã hội. Trước hết là tham nhũng, rồi đến tội phạm, bạo động, rồi đến tệ nạn ma túy, xì ke, băng đảng và mãi dâm.

Chúng ta đã nhận diện ra được sự thật thứ nhất trong Bốn Sự Thật của Tứ Diệu Đế là Khổ Đế. Bây giờ chúng ta phải nhìn cho kỹ để nhận diện sự thật thứ hai là Tập Đế. Tại sao những tệ nạn xã hội đó đang có mặt và đang phát triển? Chúng ta đã bắt đầu tìm thấy những nguyên do xa và gần. Trước hết là cái hố ngăn cách giữa thế hệ cha mẹ và con cái. Cha mẹ có thể đang sống một thế giới hoàn toàn khác với cái thế giới mà con cái đang sống. Tuy rằng sống chung dưới một mái gia đình nhưng kỳ thực có hai thế giới riêng biệt. Cha mẹ không biết cái gì đang xảy ra ở trong đời sống của con mình và con cái không cần biết cha mẹ đang sống trong thế giới nào. Không có sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái. Con cái trách móc cha mẹ và cha mẹ trách móc con cái. Hố chia rẽ tuổi tác, hố chia cách văn hóa. Không có sự truyền thông. Bên này trách cứ bên kia. Rốt cuộc không khí gia đình trở thành địa ngục khó thở và người ta không có cảm hứng muốn trở về với gia đình nữa. Đó là một sự thất bại rất lớn. Gia đình là cấu trúc căn bản của xã hội. Nếu gia đình tan vỡ thì xã hội cũng sẽ tan vỡ mà thôi. Trong đạo pháp thì chùa là một gia đình và vị sư trưởng là cha, là mẹ, là chú, là bác, những người đệ tử là huynh đệ với nhau. Mà nếu không có sự cảm thông, sự truyền thông, tình thầy trò, tình huynh đệ, nếu không có hạnh phúc thì đó là một sự thất bại của giáo hội. Tại vì cấu trúc cơ bản là chúng xuất gia của từng chùa. Nếu chúng của từng chùa thất bại, không có hạnh phúc, không có tình huynh đệ thì làm sao? Chúng ta phải thấy được diện mục của sự thật thứ hai là Tập Đế. Chúng ta đã không được trao truyền những giáo lý và những phương pháp hành trì có khả năng tháo gỡ những khó khăn giữa thầy trò, giữa huynh đệ. Chúng ta phải lập tức học hỏi và thiết lập những giáo lý và thực tập đó.

Nếu người thanh niên học tăng hư hỏng, thì lý do cũng giống như những thanh niên ngoài đời không tìm thấy hạnh phúc trong gia đình. Họ không tìm thấy hạnh phúc trong mái gia đình tâm linh của mình ở chùa, với thầy, với huynh đệ. Họ đi tìm hạnh phúc bên ngoài. Nếu có hạnh phúc trong chùa rồi thì đâu cần đến một chiếc mô-tô, một chiếc xe Dream để mỗi ngày lái đi tìm những khuây khỏa bên ngoài. Đâu cần đi vào tiệm Internet, đâu cần phải đi làm kinh tế riêng để có trương mục ngân hàng riêng, có tivi riêng, có nhạc vàng riêng, có bạn gái riêng, có bạn trai riêng. Tất cả những hư hỏng đó bắt nguồn từ một nguyên do sâu xa là không có tình thầy trò, tình huynh đệ, không có sự truyền thông với thầy và huynh đệ. Sự học hỏi của mình rất lý thuyết, sự thực tập của mình không có nội dung, không có tính hữu hiệu. Vậy mà mình cứ hãnh diện nói đó là “truyền thống”, trong khi sự thực tập hoàn toàn chỉ có tính hình thức, không có nội dung. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi lời nói, mỗi cái nhìn không đem lại hạnh phúc và tình huynh đệ. Hai buổi công phu được hành trì một cách máy móc. Mỗi ngày ta không tưới tẩm được hạt giống của hạnh phúc, của ân tình. Mỗi ngày ta lại tưới tẩm hạt giống của thèm khát, của sự cô đơn, của sự thiếu niềm tin. Đó không phải là sự thực tập có nội dung. Và vì vậy, những khóa tu, những buổi pháp đàm, những ngày chánh niệm tới với nhau phải là những cơ hội để mình ngồi xuống tìm ra sự thật thứ hai. Tìm ra sự thật thứ hai thì sự thật thứ tư là Con Đường mới hiển lộ. Điều này đúng trong phạm vi của giáo hội và cũng đúng trong phạm vi của chính quyền.

Những người giác ngộ ở trong đảng, trong chính quyền thấy rằng phải thành công trong sự xây dựng những tổ văn hóa, những khu phố văn hóa trong ấy không có những tệ nạn xã hội. Nhưng trên thực tế thì pháp luật và sự kiểm soát chỉ có thể đóng được vai trò nào trong việc xây dựng những tổ văn hoá như vậy? Những biện pháp pháp trị, kiểm soát và trừng phạt, những thứ ấy chỉ có thể đối trị với cái ngọn mà chưa đối trị được với cái gốc. Cái gốc nằm ở chỗ sự sụp đổ của cơ cấu gia đình, của sự thiếu truyền thông giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta mời các thầy, các sư cô và các đạo hữu cư sĩ ngồi xuống để cùng tìm ra những biện pháp giúp cho các gia đình thiết lập lại được truyền thông giữa cha con, vợ chồng, phục hồi được tình thâm, đem lại được hạnh phúc. Đó mới đích thật là giáo lý của Đức Như Lai, đó mới là những pháp môn thực tập của Đức Như Lai. Thực tập tổ chức những khóa tu một ngày, những khóa tu cuối tuần, những khóa tu bảy ngày, những ngày Bát Quan Trai, trong đó chúng ta có can đảm đối diện với sự thật của những khó khăn trong từng gia đình một, trong từng ngôi chùa một. Đó là điều tôi tha thiết nhắn nhủ với Quý Vị, những người thao thức muốn đóng góp để lành mạnh hóa xã hội, mang lại hạnh phúc và an lạc cho xã hội.

Trở lại mạch nguồn

Các thầy ở chùa Từ Hiếu hiện đang họp với nhau để cải tổ cấu trúc của Tổ đình, để biến sự thực tập thành một sự thực tập có nội dung, không bị kẹt vào cái bẫy thực tập hình thức. Các thầy đang nghiên cứu về chuyện thành lập một chúng chủ trì, một chúng nòng cốt cho Tổ đình Từ Hiếu, trong đó có tình huynh đệ, có sự truyền thông giữa thầy trò và huynh đệ. Những người thuộc về chúng chủ trì sẽ là những người phát nguyện cùng đi với tăng thân như một dòng sông: sống chung với nhau, tu học chung với nhau, làm việc, độ đời chung với nhau, không có ý định ra lập cơ sở riêng, chỉ sử dụng những tiện nghi của tu viện, buông bỏ những tiện nghi cá nhân, không ai có trương mục ngân hàng riêng, không ai cất giữ tiền bạc riêng, không ai có xe hơi, xe mô-tô, máy vi tính, điện thoại, địa chỉ điện thư riêng, khi đi ra ngoài phải ít nhất có hai thầy cùng đi, đi đâu thì phải cho chúng biết đi từ mấy giờ tới mấy giờ với mục đích gì. Tất cả những phương tiện như xe cộ, điện thoại, máy vi tính là đều do tăng thân cung cấp, nếu xét thấy trong khi phục vụ tăng thân mình cần tới những thứ đó. Mục đích của mình là xây dựng, là đào tạo những vị giáo thọ xuất gia và tại gia có khả năng thực tập, có khả năng tháo gỡ, giúp cho xã hội bên ngoài, trước hết là giúp các gia đình tháo gỡ những khó khăn, thiết lập được truyền thông. Tất cả những công việc đó đều được làm chung với nhau như một tăng thân, như một bầy ong. Khi có được một chúng chủ trì cốt lõi như vậy rồi và ngày nào cũng tu tập xây dựng tình huynh đệ, tình thầy trò để làm lớn lên hạnh phúc trong chúng thì mình sẽ có thể buông bỏ rất dễ dàng những tiện nghi mà lâu nay mình đi tìm. Vì không có hạnh phúc trong chúng cho nên mình mới đi tìm những tiện nghi, những giải trí đó bên ngoài. Nếu có hạnh phúc của tình thầy trò, tình huynh đệ, của lý tưởng (ngày nào cũng được làm công tác giúp cho đàn hậu thế và độ đời) thì hạnh phúc sẽ rất lớn. Hạnh phúc đó giúp cho mình buông bỏ những thú vui, những tiện nghi tầm thường mà lâu nay mình đã vướng vào. Có một số các thầy ở ngoài Bắc, trong Trung và trong Nam đã thấy được điều đó. Và cũng giống như những người trong chính quyền muốn xây dựng những khu phố văn hóa, ở đây mình muốn xây dựng những cộng đồng tu học, trong đó không có những con vi trùng của sự tham nhũng, của sự hư hỏng, của danh lợi, của sự tranh giành. Tôi đã từng ngồi với các thầy và các sư cô để bàn tính chuyện này. Đây là những phương thức, những câu giải đáp đích thực cho tình trạng của chúng ta để đối phó với những tệ nạn ở trong đạo và ở ngoài đời.

Những nhành lá mới

Đạo lý của Đức Thế Tôn đã phục vụ cho thế gian trên hai mươi lăm thế kỷ. Trong suốt lịch sử đó của đạo Phật, chư Tổ thỉnh thoảng đã đổi mới cách giảng dạy và hành trì. Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, Đề Bà, Lâm Tế, Liễu Quán,… các vị Tổ sư đó đều đã có khả năng làm mới truyền thống, thổi vào những luồng sinh khí mới, đưa ra những giáo lý và những phương pháp thực tập có tính cách hữu hiệu, có khả năng chuyển hóa được xã hội đương thời. Chúng ta phải tiếp nối sự nghiệp của chư Tổ. Chúng ta phải thường xuyên làm mới, đổi mới sự giảng dạy và những phương pháp thực tập của chúng ta để đáp ứng được với những nhu yếu hiện thời của xã hội, nhất là của giới trẻ và giới trí thức.

Tôi muốn nói lời kêu gọi những người trẻ có mặt hôm nay. Chúng ta cần rất nhiều vị xuất gia để có khả năng cống hiến những pháp môn và những giáo lý hiện đại, phù hợp với xã hội bây giờ, có tính hữu hiệu, có công năng tháo gỡ được những khó khăn, những bức xúc nội tâm của cá nhân, có khả năng giúp cho sự thiết lập truyền thông giữa cha con, vợ chồng, đem lại hạnh phúc, sự hòa điệu trong gia đình. Chúng tôi cần những người trẻ như vậy để được đào tạo thành những vị giáo thọ xuất gia và những giáo thọ tại gia. Trong truyền thống ở Huế, rất nhiều người tu đã bắt đầu từ tuổi rất nhỏ, làm những chú điệu. Nhưng hiện bây giờ chúng ta đã có phương pháp, có một nền giáo dục mới, đã có thể tiếp nhận được thanh niên sinh viên, đã có thể tiếp nhận được những người đã tốt nghiệp đại học, có học vị tiến sĩ. Và ngay trong những tháng đầu của sự tu tập, những người trẻ này đã có thể cảm thấy mình có ích lợi cho đoàn thể xuất gia và những người tại gia qua cách đi, đứng, nói, cười trong chánh niệm. Không phải đợi đến bốn năm hay tám năm, tốt nghiệp rồi mới có thể phục vụ được cho xã hội, cho đồng bào, đất nước, mà ngay trong những tháng đầu đã có thể tiếp thu được những pháp môn rất thực tế, đầy tính nội dung và hữu hiệu và mình đã có hạnh phúc ngay trong những tháng đầu của sự thực tập. Hiện bây giờ chúng ta có những trung tâm tu học như vậy đang được thành lập. Từ Hiếu là một, Bát Nhã là hai, Pháp Vân là ba và các thầy ở ngoài Bắc cũng đang có ý xây dựng những tu viện như vậy. Những tu viện này có khả năng tiếp nhận được những người trẻ trí thức đã tốt nghiệp đại học hay gần tốt nghiệp đại học. Những vị đã có bằng cấp, có học vị tiến sĩ đều có thể dấn thân, phát nguyện đi vào con đường này để có thể phục vụ cho nội bộ của truyền thống và đem giáo lý và thực tập này áp dụng vào trong cuộc đời. Không những họ giúp được cho những người Phật tử mà giúp luôn cho cả những người không thuộc truyền thống Phật giáo. Đó là những điều đã thực hiện được ở Tây phương trong bốn mươi năm hành đạo.

Đi như một dòng sông

Đây là lời phát nguyện gia nhập vào chúng chủ trì của Tổ đình Từ Hiếu hay bất cứ chùa nào theo mô thức này.

“Tôi xin phát tâm gia nhập vào chúng chủ trì của Tổ đình Từ Hiếu, làm nền tảng xây dựng Tổ đình thành một đạo tràng đào tạo những vị giáo thọ xuất gia và tại gia có khả năng sống với nhau, tu tập và độ đời trong tinh thần đi như một dòng sông. Tôi nguyện không đi tìm một tương lai riêng, một sự nghiệp riêng và xem tương lai và sự nghiệp của tăng thân là tương lai và sự nghiệp của chính mình. Tôi ý thức rằng lý tưởng giải thoát và độ đời của tôi được dựa trên nền tảng xây dựng tăng thân và xây đắp tình huynh đệ. Biết rằng không có tình thầy trò và tình huynh đệ thì không có đủ chất liệu để được nuôi dưỡng, trị liệu và không đủ hạnh phúc để đi xa, đi trọn và thành công lâu dài trong đời sống lý tưởng xuất gia của mình, tôi nguyện hoàn toàn nương tựa vào tăng thân, chỉ sử dụng những tiện nghi của tăng thân cung cấp và buông bỏ mọi tiện nghi cá nhân để có được điều kiện tự bảo hộ, bảo hộ cho tăng thân và làm gương cho đàn hậu tấn. Tôi nguyện không cất giữ tiền bạc riêng, không có trương mục ngân hàng riêng, tivi riêng, xe cộ riêng, điện thoại riêng, máy vi tính riêng, địa chỉ điện thư riêng, ăn uống riêng,… Và nguyện có mặt với tăng thân trong mọi sinh hoạt tu tập, tổ chức và độ đời. Tôi nguyện chấp hành theo mọi quyết định của chúng chủ trì, trong đó tôi là một thành viên”.

Tại Mai Thôn Đạo Tràng có các thầy và các sư cô đủ các quốc tịch, có vị đã từng tốt nghiệp đại học, đã từng làm kỹ sư, luật sư, y khoa bác sĩ,… đã từng có lương lớn, nhà lớn, đã từng tiêu thụ nhiều, nhưng đã phát tâm xuất gia và đã có khả năng buông bỏ tất cả. Và bây giờ họ thực tập những điều này rất dễ: không có tivi riêng, điện thoại riêng, địa chỉ điện thư riêng, máy vi tính riêng, trương mục ngân hàng riêng, xe riêng,… Đối với họ, đây là một sự nhẹ nhàng, một sự bảo hộ. Nếu mình làm được như vậy thì mình mới làm gương cho đàn em của mình. Nếu mỗi thầy có một cái tivi riêng và xem những chương trình mình thích bất cứ lúc nào thì làm sao mà dạy được đệ tử của mình? Nếu tất cả các thầy, các sư chú đều có quyền có tivi riêng (do bổn đạo cúng dường) thì còn ra cái gì nữa! Cho nên buông bỏ những tiện nghi cá nhân như vậy không phải chỉ để bảo hộ cho mình, cho tăng thân mà còn để làm gương cho các đàn hậu tấn. Nếu các vị thấy mình có ý chí, có khả năng, muốn gia nhập vào một chúng chủ trì như vậy, muốn đem cuộc đời của mình đi con đường lý tưởng này thì quý vị có thể phát nguyện trở thành một người xuất gia hay trở thành một vị giáo thọ cư sĩ yểm trợ cho các thầy, các sư cô, những người xuất gia, để làm công việc này. Và chúng ta không cần phải trải qua một thời gian năm năm hay mười năm mới bắt đầu có hạnh phúc, mới bắt đầu làm việc độ đời. Ngay trong tuần đầu của sự học hỏi, thực tập mình đã có pháp lạc, đã được nuôi dưỡng bằng tình huynh đệ và tình thầy trò và mình đã có thể đóng góp vào sự tổ chức tu học của các thầy, các sư cô lớn. Mình học cách hướng dẫn, chuyển hóa và tháo gỡ từ cách giảng dạy, thực tập, hướng dẫn của các thầy, các sư cô lớn.

Riêng về Huế thì có những điểm đặc biệt. Lề lối sinh hoạt trong chùa đã bị ảnh hưởng của vua chúa, phong kiến. Và vì vậy đưa vào tinh thần dân chủ, lề lối dân chủ sẽ cần thời gian nhiều hơn ở những nơi khác. Các vị sư trưởng, các vị trụ trì có khó khăn nhiều hơn trong những sự buông bỏ quyền hành của mình để cho chúng chủ trì nắm lấy vận mệnh của chùa, của tu viện. Phải buông bỏ đứng về phương diện kinh tế cũng như phương diện quyền hành để chúng chủ trì có thể nắm lấy quyền điều hành theo lối dân chủ. Đó là yếu tố dân chủ được đưa vào trong sinh hoạt của thiền viện mà chúng tôi đã thực tập thành công ở Tây phương. Hiện bây giờ ở các tu viện Thiên Chúa giáo, các vị tu viện trưởng cũng được bầu lên chứ không phải là được chỉ định từ đời này sang đời khác.

Đậm đà, giản dị

Hôm nay trong lễ giỗ Tổ Thanh Quý, chúng ta sẽ được ngồi vòng tròn ở trong thiền đường như một gia đình. Chúng ta sẽ được nghe các thầy, các sư cô, những người có kinh nghiệm trực tiếp với sư tổ, mỗi người sẽ nói những kỷ niệm, những hạnh phúc của mình với Tổ trong năm phút hay bảy phút. Sẽ có năm, bảy vị chia sẻ như vậy để chúng ta thấy được hình ảnh của Tổ Thanh Quý hiện ra rất rõ trong đại chúng và để cho các cháu có dịp biết Tổ là ai, hạnh nguyện của Tổ và đức độ của Tổ như thế nào. Trong khi chúng ta chia sẻ như vậy, chúng ta sẽ nhận diện được những hạt giống của từ bi, của khiêm cung, của trí tuệ, của đức hạnh mà Tổ đã trao truyền cho chúng ta, những người đệ tử trực tiếp và gián tiếp của Tổ. Đó là phần quan trọng nhất của buổi lễ, có tính cách gia đình, chia sẻ rất thân mật. Xong chúng ta sẽ xướng lên bài tri ân chư Tổ, phát nguyện sống với nhau như anh chị em ruột thịt trong gia đình để xứng đáng với ân đức của chư Tổ. Sau đó chúng ta sẽ xướng bài cúng dường. Tất cả chúng ta, từ đầu tới cuối đều ngồi yên tại chỗ. Sau khi nghi thức cúng dường đã hoàn tất rồi, chúng ta đều đứng dậy, tất cả đồng thời lạy Tổ ba lạy trước khi chúng ta đi ăn cỗ. Và hy vọng kỳ này chúng ta được ăn cỗ theo kiểu truyền thống, không ngồi bàn mà ngồi xệp xuống đất thành vòng tròn như là con cháu của Tổ. Mình ăn cơm im lặng vào khoảng mười lăm phút, đến giờ chót thì có thể trao đổi với nhau một vài câu nói, một vài kỷ niệm, trong tình huynh đệ. Chư Tổ sẽ rất lấy làm hạnh phúc thấy con cháu ngồi với nhau, ăn cơm với nhau và xây dựng tình huynh đệ.

Mô thức làm lễ giỗ Tổ như thế này rất nhẹ về nghi lễ nhưng sẽ có rất nhiều nội dung. Chúng ta có cơ hội tiếp xúc được với Tổ một cách rất hiện thực và chúng ta có cơ hội nhìn nhau như những huynh đệ, con cháu của Tổ một cách trực tiếp hay gián tiếp.

Xin chúc Quý Thầy, Quý Sư Cô và Quý Vị Phật tử có một ngày giỗ Tổ rất hạnh phúc, cơ hội để chúng ta thấy rằng tất cả đều là con cháu của Tổ, đều là anh chị em trong một nhà.

_____________________
( Pháp thoại của thiền sư Nhất Hạnh vào ngày 13.03.2005 tại Tổ đình Từ Hiếu, Huế)