Pháp thoại theo chủ đề

Tình nghĩa

Pháp thoại ngày 2.8.1998 tại xóm Hạ, Làng Mai

 

Sư Tử Tìm Con

Đức Thế Tôn kể chuyện: Có một con sư tử đang mang thai một em bé sư tử. Đã gần đến ngày sinh, nhưng sư tử mẹ vẫn phải đi kiếm mồi. Sư tử cha phải làm công việc che chở bảo vệ, không cho những gia đình sư tử khác xâm chiếm vùng gia đình nó đang sinh sống. Sư tử cha xây dựng hàng rào lãnh địa của mình bằng cách đi tiểu xung quanh. Cái hàng rào được làm bằng mùi nước tiểu. Và bất kỳ con sư tử nào, dù lớn hay nhỏ, nếu bước vào lãnh địa này, sư tử cha liền tìm cách cản lại.

Hôm đó, trong khi săn mồi, sư tử mẹ đuổi theo một con nai. Bụng sư tử mẹ đã lớn nên nó rất mệt, lại vì đang đói nên không thể nào chạy nhanh được. Đến gần một thung lũng, con nai nhẹ nhàng nhún mình nhảy qua. Sư tử mẹ phải dùng hết sức lực rướn mình nhảy theo. Trong khi nhảy từ bên này qua bên kia sườn núi thì sư tử mẹ sảy thai. Sư tử con rơi từ trong lòng sư tử mẹ, rớt xuống thung lũng. Mất con, sư tử mẹ đau buồn, tuyệt vọng, không muốn đuổi theo con nai nữa. Nó nghĩ rằng: “Con ta rớt xuống thung lũng chắc chắn đã tan xương nát thịt rồi”.

Hơn một năm sau, đang đi trong rừng, sư tử mẹ thoáng thấy một con sư tử con. Con sư tử con này có điệu bộ của một con khỉ. Nó cũng leo cây, cũng kêu chét chét, cũng ăn trái cây. Thường thì sư tử không ăn trái cây, nó không ăn chay. Nhưng con sư tử con này không những leo cây và nói tiếng khỉ giỏi mà ăn trái cây cũng rất giỏi. Sư tử mẹ nhận ra ngay đứa con của mình. Biết con mình còn sống, nó mừng lắm. Nhưng sư tử con không có cảm giác gì hết khi nhìn thấy sư tử mẹ. Nó không thấy sư tử mẹ có dính líu gì tới nó và nó còn muốn lẩn trốn sư tử mẹ nữa. Nó nghĩ: “Bà này buổi sáng đi ngang qua đây không biết tại sao cứ nhìn mình quá trời! Mình không thích!” Sư tử con chơi với bầy khỉ, leo lên cây, nói chuyện chét chét bằng ngôn ngữ khỉ, và làm đủ mọi trò giống hệt như khỉ. Cách nó nhìn, cách nó chơi, cách nó nói, cách nó hái và nhai trái cây đều giống hệt như khỉ.

Sư tử mẹ nghĩ rằng mình nên kiên nhẫn một chút, nên đi lại vùng này thường xuyên, chọn những lúc sư tử con không bị bao bọc bởi những con khỉ khác để tới làm quen. Một hôm, sư tử mẹ thấy sư tử con một mình đi tới, nó nói: “Con của mẹ ơi, đi chơi với mẹ đi!” Sư tử con nghĩ: “Cái bà này vô duyên thiệt, mình là con của bà hồi nào! Mẹ mình là khỉ. Mẹ rất dễ thương. Mẹ kể rằng: Hơn một năm cách đây, mẹ đang hái trái cây trong một cái thung lũng thì tự nhiên có một cục gì từ trên trời rơi xuống. Sẵn tay mẹ hứng lấy thì thấy đó là một sinh vật rất mềm, dễ bị thương tích. Mẹ mình đem mình về nuôi và cho mình bú, cho học nói tiếng khỉ, cho ăn trái cây và tập cho leo cây. Mẹ mình dễ thương chứ cái bà này vô duyên quá! Bà có dính líu gì tới mình mà dám gọi mình bằng con, xưng là mẹ và còn rủ mình đi theo nữa. Thật là vô duyên”.

Sư tử con có vẻ giận. Nó nói: “Thôi đi bà! Bà đi ngay đi, đừng nói nữa. Tôi ghét bà lắm!” Sư tử mẹ học được một bài học. Nó biết rằng nó phải kiên nhẫn nhiều. Đứa con của mình không biết nó là sư tử, cứ tưởng nó là khỉ. Nó đã tưởng như vậy bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng. Bây giờ, mình nói nó không phải là khỉ, nó là sư tử, nó sẽ không chấp nhận, và như vậy mình không bao giờ khôi phục lại được đứa con này.

Một lần khác sư tử mẹ gặp lại sư tử con. Nó nói: “Cô ơi, tôi xin lỗi cô nhé! Hôm trước tôi khờ dại quá! Tôi lầm, tôi tưởng cô là con của tôi, tôi tưởng cô là sư tử, ai dè tôi nhìn lại, tôi thấy cô là khỉ. Tại sao mà tôi lại nói cô là con của tôi được! Cho tôi xin lỗi nghe, từ rày về sau tôi sẽ không làm như vậy nữa” Sư tử con đáp: “Đúng! Tôi là khỉ mà bà kêu tôi là sư tử, là con của bà, như thế là sai. Nhưng bà đã biết lỗi thì tôi tha lỗi cho bà”. Sư tử mẹ hỏi: “Vậy thì mình đi chơi với nhau được không?” Sư tử con đáp “Ừa”. Hai mẹ con đi chơi.

Tới một bờ suối, chỗ đó nước trong và lắng, có thể soi bóng được, sư tử mẹ cúi xuống soi mình vào. Sư tử con thấy bạn mình soi bóng ở trong nước cũng lại gần và soi, nó rất ngạc nhiên thấy ở dưới nước có bóng một con sư tử lớn bên cạnh một con sư tử con. Sư tử mẹ le cái lưỡi ra, ở trong nước con sư tử lớn cũng le cái lưỡi. Sư tử mẹ đưa chân trước ra, sư tử lớn trong nước cũng đưa chân trước ra. Người bạn mới cũng bắt chước làm theo và con sư tử nhỏ trong nước cũng le lưỡi, cũng đưa chân ra.

Nó bắt đầu nghi ngờ rằng, có thể sư tử mẹ đã nói đúng. Sư tử con còn đang trong tâm trạng như vậy, thì sư tử mẹ gầm lên một tiếng vang dội. Tự nhiên sư tử con cũng ngứa cổ và cũng bắt chước gầm lên. Lạ thay miệng nó không phát ra âm thanh chét chét của khỉ nữa mà phát ra tiếng gầm của loài sư tử, mãnh liệt vô cùng. Sư tử mẹ nhìn sư tử con mỉm cười. Nó nhảy một cái qua bên suối, đi vào rừng. Sư tử con cũng mỉm cười lại, rồi nhảy một cái vượt qua suối, theo sư tử mẹ vào rừng. Nó giác ngộ rằng, nó không phải là loài khỉ mà là loài sư tử. Từ đó, hai mẹ con được đoàn tụ, hạnh phúc lâu dài.

Sau khi kể câu chuyện này, Đức Thế Tôn nói rằng con người chúng ta cũng như vậy. Mình có Phật tính, mình là con của Bụt mà mình không biết. Mình tưởng rằng mình là con của ma. Mình có mặc cảm mình thấp kém, xấu xa, tội lỗi, hư hỏng, yếu đuối. Mình không đáng giá một đồng xu. Mình đã đánh mất niềm tin nơi chính bản thân. Trong khi đó mình có Phật tánh. Nếu nhìn cho kỹ thì thấy rằng trong mình có những hạt giống của từ, bi, hỷ, xả, hạnh phúc, niềm tin, hiểu biết và tuệ giác. Vì vậy ta đừng nghĩ rằng Phật là một cái gì ở ngoài mình, còn ở trong ta không có gì hết, chỉ có khổ đau thôi. Giống như sư tử con nghĩ nó không phải là sư tử. Do đó, nó đã từ chối khi mẹ nó tới kêu nó, gọi nó là con.

Trong những ngày đầu của mùa hè năm nay, chúng ta đã được học: chúng ta thuộc về truyền thống thiền của Tổ Lâm Tế. Tổ Lâm Tế đã dạy chúng ta nhiều lần: đừng có đi tìm Phật ở bên ngoài, Phật đang nằm ở ngay trong tâm của mình, mình chính là Phật, mình chính là con Phật. Mình có thể là Phật được nếu mình muốn. Phật là gì, Bụt là gì? Bụt là khả năng tha thứ, khả năng thương yêu, khả năng hiểu biết, khả năng từ bi, khả năng trí tuệ. Con người có những hạt giống đó. Con người có khả năng làm được chuyện đó. Ngày xưa Đức Thế Tôn cũng là một con người, nhờ có niềm tin rằng con người có thể giác ngộ được mà Đức Thế Tôn đã thực tập phát triển được Phật tánh trong người của Ngài, phá tan tất cả mọi mặc cảm. Đức Thế Tôn không đi tìm cái Chân, Thiện, Mỹ ở ngoài, mà tìm ngay trong lòng mình. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh:“Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”.

Nếu mỗi ngày chúng ta tưới tẩm được những hạt giống tha thứ, bao dung, thương yêu và hiểu biết thì càng ngày chúng ta càng thấy rõ rằng chúng ta thuộc về dòng giống Phật, chúng ta không còn mặc cảm tội lỗi nữa. Chúng ta sẽ không đi kiếm Phật ở ngoài nữa, chúng ta có thể tiếp xúc với Phật ngay ở trong lòng của chúng ta.

Bụt thở cho con

Ngày xưa khi mới đi xuất gia, lúc mười sáu tuổi, tôi có học bài kệ thỉnh chuông:

“Văn chung thanh, phiền não khinh.
Trí tuệ trưởng, bồ đề sanh.
Ly địa ngục, xuất hỏa khanh.
Nguyện thành Phật, độ chúng sanh”.

Nghĩa là: Nghe tiếng chuông thì cảm thấy những phiền não trong lòng mình trở nên vơi nhẹ, trí tuệ trong mình phát triển, lìa khỏi những khổ đau của địa ngục, tức là những ngọn lửa thiêu đốt của tham dục, sợ hãi và hận thù. Con nguyện sẽ trở thành một vị Phật để độ cho chúng sanh. Và sau mỗi thời công phu, tôi cũng được đọc câu:

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

Nghĩa là: Tất cả chúng sanh đang đau khổ số lượng đông đảo không thể đếm được, con muốn cứu độ tất cả, không bỏ sót một ai. Phiền não nhiều vô tận, con nguyện chuyển hóa hết. Những lời dạy thâm sâu của đức Phật và những pháp môn Ngài đưa ra nhiều không thể đo lường hết được, con nguyện tu tập hết. Con đường thành Phật cao viễn tột cùng, con nguyện đi tới tận cùng để thành Phật. Những bài kệ đó cho thấy rõ ràng mục đích của người tu là được thành Phật. Thành Phật là chuyện có thể làm được. Lý tưởng của người tu là để thành Phật, chứ không phải để làm những chuyện khác như là làm chùa lớn, hay lập hội để làm chủ tịch, làm hòa thượng pháp chủ, hay làm trụ trì.

Mục đích tu là để trở thành Phật thôi, đâu có thể nào khác được. Hồi mười sáu tuổi mình đã được học rất rõ ràng như vậy rồi. Nhưng lúc đó, mình còn nghĩ rằng thành Phật chắc lâu lắm mới được, phải từ kiếp này sang kiếp khác, đời này qua đời khác. Nếu có người tự xưng tôi là Phật Di Lặc giáng sinh, tôi là Phật Thích Ca, hay tôi là Bồ tát Quán Thế Âm đây, thì mình nghĩ: Ông này chắc là điên rồi. Mình còn là chúng sanh sờ sờ, tham, sân, si còn nhiều, tự ái còn nhiều, xưng là Phật thì ai mà tin được.

Nhưng có một hôm, đang đi thiền hành, đi rất hay, sự nhất tâm rất cao, có niệm, có định, và có tuệ, hạnh phúc rất lớn, tự nhiên tôi có cảm tưởng rằng đây đâu phải là một chúng sanh đang đi, đây là một đức Phật đang đi. Trong con người mình lúc đó có một người đang đi thiền hành và một người đang quán sát. Người quán sát đó nói rằng: “Đây đâu phải là một chúng sanh đang đi, đây là một vị Phật đang đi”, tại vì mình thấy rõ ràng mỗi bước đều có niệm, có định, có tuệ, có hạnh phúc và có giải thoát, không luyến tiếc quá khứ, không mơ ước tương lai. Trong con người của mình có một quán sát viên và một diễn viên. Diễn viên này không có ý muốn trình diễn để cho người ta coi, mà thực sự đang đi với tất cả hạnh phúc. Đi không với mục đích để dạy người ta, để làm mẫu cho người ta đi theo, mà đi giống như một đức Phật đang đi vậy.

Nhớ lại năm đó, tôi và một số các vị xuất gia ở Làng Mai qua hoằng pháp ở Đại Hàn. Hôm đó, cảnh sát đã chặn đường một đại lộ lớn tại Hán Thành để cho mấy ngàn người đi thiền hành. Khởi đầu buổi thiền hành, tôi đứng trên cái bục cao để hướng dẫn mọi người thiền hành làm sao cho có an lạc trong từng bước chân. Sau khi hướng dẫn xong, bước xuống bục để bắt đầu đi thì tôi không có lối để đi. Thiên hạ bao quanh rất đông. Hàng trăm ống kính của máy chụp hình, máy quay phim bao quanh tôi. Không chỉ có những nhà báo mà thôi, người thường cũng có máy ảnh và máy quay phim rất nhiều.

Lúc đó, tôi thấy khó quá! Đi thiền hành như vậy làm sao đi được! Tôi tự nhủ rằng mình chịu thua thôi, mình để Bụt đi giùm mình. “Bụt ơi, con chịu thua rồi! Xin Ngài đi giùm con!” Tự nhiên trong tôi Bụt hiện ra, Bụt bước xuống, Bụt đi một bước, hai bước rất chánh niệm, rất vững chãi. Rừng người từ từ rẽ ra, nhường lối cho Bụt đi. Thật hay. Mình không yêu cầu quý đạo hữu rẽ ra để có đường cho mình đi, mình không phải nói với ai như vậy hết. Bụt ở trong mình lãnh trách nhiệm này. Ngài chỉ cần bước một bước, hai bước là tự nhiên hoàn cảnh trở nên rất thuận lợi. Nhìn cho kỹ thì đức Bụt đó không phải ở ngoài mình, đức Bụt đó ở trong mình. Mình đã tập luyện lâu ngày rồi. Khi Bụt đi thiền hành thì ngài không có cố gắng gì hết, Bụt đi thật tự nhiên, thảnh thơi, thật giải thoát.

Trong mỗi người của chúng ta có Bụt và có ma. Ma nói rằng: “Đi thiền hành mệt quá! Bây giờ mình muốn về nằm trên cái giường của mình cho khỏe”. Mình trốn đi thiền hành, đó là do ma ở trong con người mình xúi. Nhưng trong con người mình cũng có Bụt. Tại vì khi đi thiền hành, Bụt đi rất hay, rất hạnh phúc, đầy năng lượng. Mỗi bước chân đem tới an lạc, thảnh thơi, chuyển hóa, trị liệu, nuôi dưỡng. Trong con người mình có hai yếu tố: một là yếu tố Bụt, hai là yếu tố ma. Ma này cũng hiền thôi. Đó là ma làm biếng, ma nghi ngờ, ma mặc cảm cho rằng mình không giỏi, ma trốn đi công phu, ngủ nướng thêm mười lăm phút nữa… Ma đó cũng dễ thương thôi. Bụt đối với ma không hề có khiển trách, không đánh đập, không trừng phạt. Bụt rất dễ thương, Bụt luôn luôn nói: “Thôi mà! Dậy đi cho rồi, ma!” Bụt cư xử với ma như một người anh với người em của mình. Trong những tuần của khóa hè này, các thiền sinh của chúng ta đã được học rằng trong con người mình, Bụt luôn ôm lấy ma như một người anh ôm lấy đứa em vậy.

Làng Mai có nhiều thầy giỏi về máy tính, trong đó có thầy Pháp Ấn, hễ thấy sư em nào có khó khăn về máy vi tính thì sư anh Pháp Ấn tới giúp và giải quyết rất nhanh. Mình loay hoay với cái máy vi tính hơn một giờ đồng hồ rồi mà không làm gì được. Thấy sư anh đi ngang qua, mình mừng quá! Sư anh nói xích qua bên kia một chút. Sư anh ngồi vô mới có một hai phút đã xong. Rất hay. Sư anh đó tức là Bụt trong người của mình. Mỗi khi mình làm biếng, mình mệt nhọc, mình nghi ngờ, mình thấy khó khăn, thì mình nói: “Sư anh ơi, làm giùm em đi!” Sư anh giúp đỡ đó tức là Bụt ở trong mình.

Nếu mình thực tập khôn khéo thì mình để cho Bụt làm hết mấy chuyện mà mình làm biếng làm. Và tôi đã thực tập như vậy. Cho nên trong khóa này quí vị có một bài kệ mới để sử dụng trong khi đi thiền hành: “Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi”. Mà Bụt luôn luôn thở rất hay và đi rất hay. Trong khi Bụt thở, trong khi Bụt đi thì mình có thể làm biếng được. Bụt như một người anh luôn luôn ôm lấy em mình, thở và đi cho em mình. Trong khi Bụt thở, Bụt đi thì mình được hưởng cái thở và cái đi. Câu đầu là: “Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi”. Mầu nhiệm quá!

Sau khi thực tập được chừng vài ba phút, mình thực tập đoạn kệ thứ hai: “Bụt đang thở, Bụt đang đi, mình được thở, mình được đi”. Trong mình có phần làm biếng và có phần siêng năng. Phần siêng năng ôm lấy phần làm biếng để đi giùm, và phần làm biếng được thừa hưởng. Quý vị cứ thực tập đi rồi biết. Khi nào thấy khó khăn, chán nản, làm biếng thì mình nói: “Thôi Bụt ơi, Bụt làm giùm con đi!” Bụt sẽ chấp nhận làm liền. Bụt làm rất hay.

“Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi”. Sướng lắm, mình đâu có cần làm gì đâu, Bụt làm hết. Công nhận là Ngài đi thiền hành rất là hay! Và Ngài ở trong mình chứ không phải ngoài mình. Hạnh phúc lắm, được đi với Bụt và được Bụt làm cho hết, mình chỉ hưởng thụ thôi. “Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi”. Kế tới là: “Bụt đang thở, Bụt đang đi, mình được thở, mình được đi”. Sau một ngày học hỏi hoặc làm việc mệt nhọc, mình được tắt đèn đi ngủ, nằm trên giường có nệm êm, chăn ấm, mình phải hưởng cái đó. Mình có thể nói: “Bụt nằm thở, Bụt nghỉ ngơi, mình được nằm thở, mình được nghỉ ngơi”. Nằm xuống, đừng suy nghĩ vớ vẩn, ý thức là mình đang có dịp được nghỉ ngơi, được nằm trên giường của mình, khỏi phải làm gì hết, chỉ thở cho nhẹ để hơi thở đưa mình vào giấc ngủ. Mình cũng mời Bụt thở, mời Bụt nghỉ ngơi, và mình cũng thở theo, nghỉ ngơi theo. Mình sẽ đi vào giấc ngủ rất dễ dàng.

Hôm ấy đi thiền hành, tôi đã đi thật hay, tại vì tôi đã mời Bụt đi và Bụt đã đi quá hay. Mình nhờ Bụt làm cái gì Bụt cũng làm hay cả. Có nhiều lúc tôi đánh răng, tôi mời Bụt đánh răng, thì Bụt đánh răng rất hay, đánh răng rất chánh niệm, rất hạnh phúc. Có một bữa, tôi viết thư pháp, vẽ vòng tròn, vẽ vòng tròn thì mình muốn vẽ cho thật tròn và cho tự nhiên. Bữa đó tôi nói:“Thôi để Bụt vẽ, mình vẽ làm chi cho mệt”. Bụt vẽ rất hay. Mình vẽ thì mình còn sợ đẹp hay không đẹp, còn Bụt vẽ, Bụt chẳng sợ gì hết. Và vì không sợ cho nên rất đẹp. Mình cứ thử đi. Mầu nhiệm lắm.

Bụt luôn luôn có mặt hai mươi bốn giờ đồng hồ một ngày cho mình. Vậy mà mình cứ đi kiếm Bụt ở đâu đâu. Kiếm ở trên trời, kiếm ở bên Tây phương, kiếm ở trên bàn thờ, kiếm ở trong chùa. Không phải. Bụt ở trong chùa là Bụt bằng đồng, Bụt bằng xi măng, còn Bụt ở trong mình là thật, là trí tuệ, từ bi, giải thoát, tha thứ, bao dung. Khi gặp một người khó chịu, mình thấy mệt quá, mình chịu thua. “Bụt nói chuyện gì với người này đi cho con khỏi nói”. Thì Bụt sẽ nói và sẽ nói rất hay, rất từ bi. Quý vị nên nương tựa vào Bụt ở trong mình. Bụt ở trong mình hay lắm. Mỗi lần mình nương tựa như vậy, mình giao phó cho Bụt làm thì Bụt càng ngày càng sáng, càng rõ trong mình. Đó là thực tập quy y Phật một cách rất thực tế. Nói con về nương tựa Phật, đó chỉ là nói thôi, chưa phải là quy y thật. Quy y thật là phải để cho Bụt có mặt trong mỗi giờ phút của đời sống hàng ngày.

Tôi đã quyết định rồi, đến giờ tôi chết thì tôi sẽ nói: “Bụt ơi chết giùm con”. Và Bụt sẽ chết một cách rất an nhiên, hạnh phúc. Mình được chết theo cái kiểu đó thì rất khỏe. Vấn đề thành Phật không phải là vấn đề xa xôi, kiếp sau hay là ngàn muôn kiếp sau. Vấn đề thành Phật là vấn đề bây giờ, ở đây. Mình thành Phật trong mỗi giây phút. Khi mình nương tựa Phật là mình để cho Bụt làm, để cho Bụt thở, để cho Bụt đi. Mình đang từ từ thành Phật đó. Và khi mình nói rằng mình là Phật, thì không phải là mình điên đâu. Trước đây, mình thấy ai tự xưng là Phật thì mình nghĩ người đó điên rồi. Nhưng theo đúng pháp môn này thì thành Phật là vấn đề mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút.

Phật sanh bất nhị

Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mình đều phải thành Phật. Tổ Lâm Tế nói Phật và chúng sanh không phải hai thực thể riêng biệt: “Phật sanh bất nhị”. Căn bản của giáo lý Lâm Tế là “Phật sanh bất nhị”. Phật và chúng sanh không phải là hai thực thể tách rời nhau. Ở trong chúng sanh có Phật. Nếu chúng sanh thông minh thì chúng sanh biết rằng trong mình có Bụt. Cho nên dầu mình có lo lắng, buồn khổ, mặc cảm, làm biếng cũng đừng lo. Để Bụt lo thì tự nhiên những phần Bụt trong mình phát hiện và những phần chúng sanh ở trong mình sẽ được hưởng. Nếu mình lười đi thiền hành thì: “Để Bụt thở, để Bụt đi, mình khỏi thở, mình khỏi đi”. Trong khi Bụt đi thì mình hưởng: “Bụt đang thở, Bụt đang đi, mình được thở, mình được đi. Bụt là thở, Bụt là đi, mình là thở, mình là đi. Chỉ có thở, chỉ có đi, không người thở, không người đi. An khi thở, lạc khi đi, an là thở, lạc là đi”. Mình phải học thuộc các bài đó. Đó là bài kệ đặc biệt của khóa tu mùa hè năm nay mà quí vị có thể sử dụng trong khi đi thiền và ngồi thiền.

Ban đầu thì thấy giống như có hai người: một là Bụt, hai là mình. Nhìn từ từ một hồi thì hai người là một. Mình với Bụt là một. Chúng sanh là Phật, Phật là chúng sanh. Có một nhà văn nọ viết cuốn sách với đề tài “Tìm Phật ở đâu?” Dễ ợt, đâu cần phải viết tới một cuốn sách, chỉ một bài kệ là đủ rồi. Rất nhiều người Phật tử nghĩ rằng mình là con số không, mình chỉ là khổ đau, thất bại, ganh tỵ, giận hờn, tội lỗi. Mình tới chùa để kiếm xin chút xíu từ Bụt: “Bụt ơi, ngài là toàn vẹn, ngài là tuyệt hảo, còn con là con số không”, và mình lạy xuống để ăn mày một chút công đức. Phần lớn chúng ta đều hành trì như vậy cả. Nhưng Tổ Lâm Tế hét một cái: “Đồ ngu! Con là Phật đó!” Đừng có làm kiếp ăn xin, đừng có tưởng mình là dòng giống khỉ. Mình là dòng giống sư tử.

Và vì vậy, Đức Thế Tôn với câu chuyện sư tử con và câu mắng “đồ ngu” của Tổ Lâm Tế, hai cái đó đi đôi với nhau. Mình là đồ ngu tại vì mình tưởng mình chỉ là khổ đau, là con số không, là chúng sanh tội lỗi, còn Phật là cái gì ở ngoài mình, rất xa vời. Trong truyền thống Cơ Đốc giáo có ý niệm lưỡng nguyên: tạo hóa và tạo vật (creator & creature). Thượng đế là tạo hóa, làm ra cái thế giới loài người. Mình chỉ là tạo vật, mình không phải là tạo hóa. Trong lịch sử hai ngàn năm của Thiên chúa giáo, các tín hữu Thiên Chúa giáo bị kẹt vào ý niệm lưỡng nguyên đó rất nhiều. Nhưng không có nghĩa là tất cả các tín hữu Thiên Chúa giáo đều bị kẹt. Có nhiều người vượt thoát được, họ tự do.

Trong truyền thống Thần bí (Mystic) của Thiên Chúa giáo, cũng như trong giáo hội Chính thống (Orthodox), người ta cũng thấy được rằng mình là thiêng liêng, và Thiên chúa chính là mình. Cũng có người thấy được như vậy, nhưng họ chỉ là số ít thôi. Cũng như sóng và nước, chúng ta hãy tưởng tượng một đợt sóng đi tìm nước. Đợt sóng nghe nói rằng nước không bị lên xuống, nước là không sinh, không diệt, không tới, không đi. Còn sóng cứ lên xuống, tới đi, thành ra sóng phải đi tìm nước. Tìm hoài chẳng thấy nước. Ai dè sóng chính là nước. Chúng sanh cũng vậy, chúng sanh đi tìm Phật giống như một đợt sóng đang đi tìm nước. Buồn cười đến như vậy. Cho nên Đức Thế Tôn mới kể câu chuyện sư tử con. Và sư tử mẹ phải dùng nhiều phương tiện khéo léo mới giúp được cho sư tử con biết rằng mình chính là sư tử, thuộc về dòng giống sư tử.

Chuyện người cùng tử

Trong kinh Pháp Hoa cũng có câu chuyện người cùng tử. Có một ông nhà giàu mất đứa con trai. Một ngày nọ, ông gặp lại đứa con trai trong tình trạng tha phương cầu thực, làm đủ mọi nghề để kiếm ăn. Đứa con trai về tới quê mà không biết được gốc tích của nó, tới xin công ăn việc làm tại gia đình ông nhà giàu đó. Nó xin làm những công việc như đi đổ thùng phân, hay đi đổ rác. Ông phú hộ nhìn thấy đứa con, biết đây là con của mình, nhưng bảo nó tới gần thì nó sợ. Và nếu ông nhận nó là con thì nhất định nó không tin. Vì vậy ông mới ra lệnh cho những người phụ tá ra gặp đứa con. Họ đã giao cho nó một việc rất tầm thường và ít lương và nó đã bằng lòng. Ít lâu sau, người con đó được cất nhắc từ từ lên những chức vụ cao hơn. Dần dần nó được làm hầu cận, rồi làm phụ tá ông. Đến khi thân cận rồi thì ông mới tiết lộ rằng nó là con của ông. Lúc ấy nó mới chấp nhận. Nếu như hai cha con mới gặp nhau lúc đầu mà nói: “Này con, con là con của ba. Con tới đây”, nó sẽ không bao giờ tin và sẽ bỏ chạy. Đó là câu chuyện người cùng tử ở trong kinh Pháp Hoa. “Hỡi người giàu sang bậc nhất, tha phương cầu thực xưa nay. Hãy thôi làm thân cùng tử, về đây tiếp nhận gia tài”. Gia tài đó là bản tánh.

Tình Nghĩa

Trái tim màu xanh

Trong tiếng Việt có chữ tình lại có chữ nghĩa. Chữ Nghĩa là chữ rất khó dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh. Chữ tình (amour, love) viết ra chữ Hán (情), bên trái có bộ tâm (心) tức là trái tim, bên phải có chữ thanh (青) là màu xanh lục. Trái tim màu xanh. Trái tim ban đầu thì màu xanh, sau có thể biến màu thành màu khác, nhưng làm sao để nó đừng thành màu đen. Cái tình lúc ban đầu thì rất bồng bột, nóng bỏng, có tính chất đam mê. Đó là bản chất của tình. Khi đang bị năng lượng tình chiếm cứ thì mình không được an ổn lắm. Ăn không an, mà ngủ cũng không an, giống như bị đốt cháy vậy. Đó là ngọn lửa. Người nào có đi qua rồi thì biết. Khó an trú trong hiện tại lắm, cứ nghĩ tới cái giây phút mình sẽ được gặp người đó, được ngắm nhìn người đó, chỉ ngồi ngắm không là đủ no rồi, khỏi cần ăn. Càng nhiều trở ngại chừng nào thì đam mê càng lớn chừng nấy. Sự trở ngại là một chất liệu làm cho tình yêu càng lớn mạnh (lễ giáo, công ước xã hội, v.v…). Hoàn cảnh dễ dàng quá thì nó không lớn mạnh.

Ngày xưa chưa có điện thư, điện thoại, đôi khi đợi một lá thư tình phải chờ từ tuần này sang tuần khác. Và mỗi ngày bồn chồn tự hỏi: Đáng lý ngày hôm qua lá thư đó phải tới rồi, nhưng sao nó chưa tới? Mình đợi cả hai mươi bốn giờ đồng hồ, cho tới cái giờ mà ông phát thư đi ngang qua trước ngõ. Ông phát thư thường đi qua lúc mười giờ sáng, lúc chín giờ mình đã bắt đầu đợi. Ông phát thư sáng nay sao mà đi trễ quá, đi chậm quá! Mình đếm từng bước của ông ta. Và nếu ông đi ngang qua mà không dừng lại thì mình buồn lắm. Phải đợi hai mươi bốn giờ đồng hồ nữa. Khi bị tình yêu chiếm cứ, mình không có khả năng an trú trong hiện tại.

Ai có qua cầu mới hay. Nó có sự bồng bột, sự đốt cháy. Nó không có được sự an ổn. Cho nên ở Tây phương, người ta nói khi yêu tức là mình bị té, bị ngã (tomber amoureux, falling in love). Đang đi bình thường tự nhiên té xuống. Người Việt Nam thay vì nói té thì nói ốm, nói cảm. Tây phương cũng nói ốm (love sick). Nguyễn Bính có viết hai câu thơ: “Gió mưa là bệnh của trời, tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. Trời tốt đẹp thì không bị bệnh, mà hễ có gió, có mưa là bị bệnh. Tương tư tức là cứ ngồi đó mà nhớ nhau, không làm ăn được gì hết. Và càng nhiều trở ngại chừng nào, thì cái tình càng mạnh chừng đó. Nó rất bồng bột, nó làm cho mình bất an. Nếu không được thỏa mãn, nó sẽ làm cho mình sầu, mình ốm tương tư. Ốm tương tư là nhớ quá thành bệnh, như nàng Mỵ Nương với chàng Trương Chi. Thành ra, tình yêu là một cơn bệnh (C’est une maladie). Tình yêu bùng lên rất mạnh nhưng nếu được dễ dàng thỏa mãn thì nó chết cũng rất mau. Đam mê như một ngọn lửa lên rất cao, khi tàn lụi cũng rất là mau.

Keo sơn ơn nghĩa

Một cặp vợ chồng ở được với nhau lâu dài, đó không phải là nhờ tình yêu mà nhờ cái thứ hai là nghĩa (義) Nếu mình biết yêu cho đàng hoàng, thì tự nhiên từ cái tình đưa tới cái nghĩa. Và chính cái nghĩa đó là keo sơn gắn chặt hai người, để hai người có thể sống được lâu dài với nhau. Cho nên phải nuôi cái nghĩa. Người ta không thể sống trăm năm với nhau bằng tình được. Tình là một đam mê (passion), tàn lụi rất mau. Nghĩa là một cái gì bền chặt hơn nhiều. Nghĩa đi đôi với chữ ơn – ơn nghĩa. Ơn đầu tiên mình cảm nhận được của người kia là khi ý thức rằng: Có biết bao nhiêu người, tại sao anh ấy không chọn, mà lại chọn mình? Có biết bao nhiêu người con trai có bằng cấp, có địa vị, tại sao nàng không chọn, mà nàng chọn ta? Đó là cái ơn mà mình ý thức được. Ý thức đó làm mình có thể biết ơn suốt đời.

Và tình nghĩa này không phải chỉ giới hạn trong vấn đề nam nữ thôi. Cái nghĩa giữa bạn bè, cha mẹ, thầy trò cũng vậy. Mình sinh ra một đứa con, đứa con đã chọn mình làm mẹ, chọn mình làm cha. Tại sao nó không sinh ra ở nhà khác mà chọn nhà mình để sinh ra? Thành ra cha mẹ có thể biết ơn đứa con. Sự ra đời của đứa con nó có thể đem lại ánh sáng và hạnh phúc cho cặp vợ chồng đó. Vì vậy, cha mẹ có thể biết ơn đứa con. Tại sao có nhiều  người đến quy y với vị thầy này mà không tới quy y thầy khác? Thầy cũng phải biết ơn người đệ tử. Sự biết ơn là một yếu tố của hạnh phúc.

Chọn người tri kỷ

Tại sao anh đã không chọn người khác mà chọn mình? Sự lựa chọn đó do đâu mà có? Sự ham muốn bóng sắc tự nó không đủ. Phải có cái gì đó. Ở bên Mỹ, có anh chàng kia rất đẹp trai, tài ba, tốt nghiệp đại học thuộc hàng ưu tú, có việc làm lương rất lớn, và có rất nhiều cô bạn gái thật xinh đẹp. Bà mẹ rất ngạc nhiên khi thấy anh rất thân với một cô gái không phải là đẹp nhất. Cô này hơi thấp, nước da hơi đen, mà sao con trai mình có vẻ thích cô này hơn các cô khác? Bà cũng tò mò. Bữa đó hai mẹ con ngồi riêng với nhau, bà nói: “Má thấy mấy đứa kia ngó được quá mà sao con không chọn, con lại đi chọn con nhỏ này hơi đen mà lại thấp nữa?”Anh chàng không biết trả lời làm sao hết. Anh chàng chưa suy nghĩ thành ra bị hỏi bất ngờ quá không trả lời mẹ được.

Nhưng sau ba bốn ngày quán chiếu, anh ta tìm ra câu trả lời. Cái cô này mỗi khi anh nói chuyện, cô biết lắng nghe. Anh là nhà khoa học nhưng anh cũng ưa làm thơ. Mỗi khi anh đọc thơ, cô lắng nghe, và cô hỏi những câu hỏi chứng tỏ cô hiểu được thơ của anh. Còn những cô khác cũng nghe, nhưng nghe do lễ phép, bắt buộc phải nghe thơ nhưng không thích. Thành ra cái đặc biệt của cô này là cô thích thơ, cô hiểu thơ, cô lắng nghe thơ. Và cô trở thành tri kỷ của anh.

Tri kỷ là người hiểu được mình. Trên cuộc đời này mà tìm được một người có thể hiểu được mình thì mình là người có hạnh phúc. Món quà quý nhất mà người kia có thể tặng cho mình là khả năng hiểu được mình. Có những người sống trong cuộc đời này mà chưa bao giờ tìm được một người có thể gọi là hiểu mình cả. Dù là con trai hay con gái, trong cuộc sống này nếu mình có thể tìm được một người có khả năng lắng nghe mình, có thể hiểu được những khó khăn, những khổ đau, những ước vọng của mình thì tức là mình tìm thấy nơi người đó một tâm hồn tri kỷ. Tri kỷ là biết nhau, là hiểu nhau.

Con người đi tìm trong đời này một tri kỷ, một người biết được mình. Tìm ra được người đó thì hạnh phúc. Ngày xưa có một vị quan lớn chơi đàn thập lục huyền cầm rất tuyệt diệu. Trong giới quan quyền, bạn hữu không có ai hiểu được nghệ thuật, tài năng của ông cả. Vì vậy mỗi lần đánh đàn ông thường đem theo một vài người hầu cận lên trên núi, tìm một chỗ đẹp. Ông trải chiếu, pha trà rồi đốt trầm lên. Trong không khí trang nghiêm ông chơi đàn. Rất hạnh phúc. Và ông có cảm tưởng là chỉ có suối, cây, núi, mây mới hiểu được tiếng đàn của ông. Bữa đó, đang đàn thì tự nhiên một dây đàn bị đứt. Ông ta tháo dây đàn đứt đó ra, thay một dây mới. Vừa đàn thêm một câu nữa thì dây đàn bị đứt nữa, và cứ đứt như vậy ba lần. Ông ta nghĩ: “Chắc có người đang nghe trộm mình”. Ông đứng lên, nói lớn: “Có vị tri kỷ nào đang nghe trộm tiếng đàn của tôi xin cho gặp mặt”.

Tự nhiên có một anh tiều phu xuất hiện. Anh tiều phu này đã nghe lén, đã cảm được tất cả những cái hay, cái đẹp, cái tài ba của người đàn. Và vì vậy cho nên dây đàn đứt. Ông quan đánh đàn tên là Vương Bá Nha, người tiều phu tên là Chung Tử Kỳ. Hai người nói chuyện rất tâm đầu ý hợp. Bá Nha lần đầu tiên tìm ra được một tri kỷ, một người hiểu được nghệ thuật của mình. Tử Kỳ chấp nhận làm bạn tri kỷ của Bá Nha, nhưng không muốn về kinh đô nhận những cái chức như là thư ký văn phòng. Tử Kỳ chỉ muốn làm tiều phu thôi. Lâu lâu, Bá Nha nhớ tới bạn, sắp đặt công việc trong triều rồi hẹn với bạn, hai người cùng uống trà. Bá Nha hạnh phúc vô cùng vì Bá Nha đã tìm ra được một người tri kỷ, tri âm. Tình bạn đó lưu truyền cho tới ngày hôm nay.

Hồi mới mười tám tuổi, tôi đã làm một bài thơ ca tụng tình bạn của Bá Nha và Tử Kỳ. Trong cuộc đời mà có một người nghe được mình, hiểu được mình thì mình là một trong những người may mắn nhất ở trên đời rồi. Cho nên anh chàng ở Cali, ba ngày sau gặp lại mẹ, mới trả lời câu hỏi của mẹ: “Hôm trước má hỏi tại sao con thương cô đó. Tại sao má biết không? Tại vì người đó hiểu con. Thành ra dầu có hơi đen một chút, hơi thấp một chút, con thương cô đó hơn tất cả những cô xinh đẹp, cao ráo, sang trọng kia”.

Đời người mà tìm ra được một người hiểu mình đó là hạnh phúc vô cùng. Con mà hiểu cha, đệ tử mà hiểu thầy thì cũng làm cho cha, cho thầy rất hạnh phúc. Đó là nói ra từ kinh nghiệm. Thành ra mình biết ơn người đã hiểu được mình. Cảm ơn em đã hiểu được anh, cảm ơn con đã hiểu được cha, cảm ơn cha đã hiểu được con. Tu tập là làm thế nào để có thể có được cái hiểu. Muốn hiểu thì phải lắng nghe, phải quan sát mới hiểu được. Khi mình sống với một người có khả năng hiểu mình thì mình có hạnh phúc lắm. Vì cái hiểu là nền tảng của cái thương. Không hiểu thì không thể nào thương. Trong tình yêu đôi lứa người ta phải cẩn thận. Mình chỉ cần thử nghiệm vài cái là biết người đó có hiểu mình hay không. Mà nếu người đó không hiểu mình thì dù người đó có bằng cấp cao, lương nhiều, xe đẹp, nhà cửa sang trọng, bảnh trai, hay sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành đi nữa, khi cưới người đó thì mình cũng sẽ khổ suốt đời, như là khổ sai chung thân. Và tình yêu đó là một cái nhà tù.

Cái người mà khi mình nói cứ cắt lời mình, không để cho mình nói, cứ khoe cái của họ, không có khả năng hiểu được những khó khăn, những khổ đau của mình, không biết lắng nghe mình… muốn nhận ra người đó rất dễ, chỉ cần vài ba phút là được. Đừng để cho mình bị hấp dẫn bởi những cái bên ngoài: Sắc đẹp, địa vị, danh lợi, xe hơi, nhà cửa, lương tiền, bằng cấp… Đừng để cho những cái đó làm cho mình mờ mắt. Hai con mắt mình hãy tỉnh táo để có thể nhận rằng người con gái đó, hay người con trai đó là một người có thể hiểu được mình, và hiểu được mình thì có thể có khả năng thương mình. Rất rõ ràng như vậy. Đó là tiêu chuẩn của đạo Phật về hạnh phúc, về tình yêu. Những người yếu đuối thường bị hấp dẫn bởi những cái phù phiếm bên ngoài.

Trong xã hội Việt Nam mới phát triển, một cô gái có thể đánh mất tiết trinh của mình để đánh đổi lấy một chiếc xe gắn máy. Thật dễ sợ! Đạo đức đã suy đồi tới mức đó. Mình muốn thoát ra khỏi cái thân phận nghèo khổ, mình muốn có một chiếc xe giống như người ta, và mình đánh mất cái quý giá nhất của đời mình. Chuyện đó đã và đang xảy ra. Thành ra những cái hấp dẫn của vật chất, của bề ngoài phù phiếm mình không thể coi thường được. Mình sẽ dấn thân vào những nẻo đời khổ đau nếu mình không cẩn thận.

Có hiểu mới thương

Ở trong đạo Phật chúng ta thấy rất rõ cái thương đích thực được làm bằng cái hiểu, không có hiểu thì không có thương. Không hiểu con thì cha càng thương, con càng khổ. Vợ không hiểu chồng thì càng thương chồng, chồng càng khổ. Hiểu là nền tảng của tình thương. Sống với nhau như thế nào để càng ngày mình càng hiểu được nhau nhiều hơn và để cho người kia càng ngày càng hiểu được mình nhiều hơn. Nếu cái hiểu không lớn lên, thì cái thương cũng không lớn lên mà dậm chân tại chỗ. Nếu quý vị thấy tình thương của mình đang dậm chân tại chỗ thì quý vị biết rằng quý vị thiếu tu.

Cái hiểu không lớn thêm và cái thương không lớn thêm thì chúng có thể từ từ co rút. Tình yêu có thể co rút lại cho đến khi thành ra một cục cứng ngắc không còn sinh khí. Tình yêu có thể chết nếu mình không biết nuôi dưỡng nó bằng cái hiểu và cái thương. Và khi người kia hiểu mình thì mình biết ơn người đó, biết ơn suốt đời. Chính sự biết ơn đó là chất liệu nuôi dưỡng liên hệ giữa mình và người đó cho đến suốt đời. Đó là nghĩa, không phải là cái bồng bột lúc ban đầu nữa, không phải là ngọn lửa nhất thời nữa.

Kinh nghiệm nuôi lửa

Ở Việt Nam ngày xưa người ta không nấu cơm bằng gas hay bằng điện mà nấu bằng rơm. Ngày xưa tôi cũng đã từng nấu cơm bằng rơm. Rơm cháy rất mau. Có cách để làm cho rơm cháy chậm lại: mình đặt một nắm rơm vào và lấy cái đũa bếp đè xuống thì nắm rơm sẽ cháy từ từ, được lâu hơn. Ở nhà quê Việt Nam ngày xưa còn nấu bằng trấu. Trấu tức là vỏ lúa. Không có hộp quẹt vì vậy người ta phải nuôi lửa. Nuôi lửa hay nhất là nuôi bằng lửa trấu: mình đổ vào một vài bát trấu, thì trấu cháy ngún rất lâu. Lửa trấu không cháy phừng phừng như lửa rơm mà cháy chầm chậm. Chầm chậm thôi mà cháy cả đêm. Sáng dậy mình khơi ra thì còn lửa trong bếp.

Tình là ngọn lửa rơm mau tàn. Còn Nghĩa là lửa trấu, cháy suốt đêm. Ngày xưa Việt Nam có truyền thống đi xin lửa, vì không có hộp quẹt, cũng không có đèn dầu. Mỗi khi nấu cơm, nếu nhà mình không có trấu để giữ lửa thì mình phải qua hàng xóm xin lửa. Các cháu có thể là chưa bao giờ thấy Con Cúi. Con Cúi không phải là một sinh vật mà mình vẫn gọi là con. Mình lấy rơm bện lại thành một con rắn bằng rơm thật chặt, đốt một đầu và nó cứ cháy ngún từ từ, được năm bảy giờ đồng hồ. Mỗi khi cần lửa nấu cơm thì mình tới Con Cúi lấy lửa. Nếu mình không có Con Cúi và cũng không có lửa trấu thì mình phải đi xin thôi. Thế hệ của quý vị bây giờ không biết đi xin lửa là gì. Ngày xưa tôi có làm một bài thơ về chuyện đi xin lửa:

Xóm Mới

Sáng hôm nay hộp diêm của tôi hết rồi
Bếp lạnh như trời cuối thu ướt lạnh
Tác phẩm dở dang còn đó
Tôi qua nhà láng giềng xin lửa
(hồi bé chúng tôi thường hai đứa chạy xin)
Em hỏi tôi sẽ làm sao nếu nhà láng giềng không còn lửa
Chúng tôi sẽ họp hai người hát ca
Nhớ lời em dặn “là những bông hoa”.
Chúng tôi sẽ cầm đuốc đi bên nhau hướng về Xóm Mới
Em cũng cứ hát ca đi, trong khi chờ đợi,
Thế nào trong xóm ta cũng có nhà còn lửa
Thôi tôi xin mọi người đưa tay nói thực:
Có phải tất cả chúng ta
Đang tin ở điều đó như đang tin hôm nay
Ở hiện hữu nhiệm mầu?
Tôi biết có những nhà nghèo,
nhưng trấu hồng ngún cháy
ngày đêm trong bếp hồng âm ỉ
Tôi sẽ nhớ lời em không khuấy động bếp lành
Một nắm rơm đặt vào
Đợi khói tỏa mầu xanh,
Em nhìn xem:
chỉ một hơi thở nhẹ của hồn tôi thôi
Cũng đủ gọi về lửa đỏ.

Đi xin lửa mình phải cầm một nắm rơm dài. Tới bếp của người ta thì mình đừng nên quấy động cái bếp, vì người ta đang nuôi lửa trong đó. Mình lấy nắm rơm của mình, dúi vào chỗ lửa trấu đang còn cháy, và mình đợi độ chừng hai, ba chục giây. Trong khi đó mình thở. Từ từ khi thấy khói lên thì mình biết nắm rơm của mình đã được lửa bén vào rồi. Khi đó mình chỉ cần thổi một hơi thở nhẹ là lửa cháy lên. Mình lấy một nắm rơm khác, nắm nó lại, đem về thì nó tiếp tục cháy. Ngày xưa đi xin lửa là chuyện mỗi ngày.

Lửa rơm cháy mau được ví dụ cho tình yêu. Lửa trấu ngún cháy cả ngày đêm được tượng trưng cho Nghĩa. Ân Nghĩa là cái phải tiếp nối cái Tình. Tình phải được bắt đầu cho khéo để từ từ đưa tới cái Nghĩa. Ân Nghĩa là cái nuôi dưỡng một cặp vợ chồng cho tới khi đầu bạc răng long. Răng long thì đi làm răng giả, còn đầu bạc thì đi mua thuốc nhuộm. Và nuôi dưỡng Nghĩa là nuôi dưỡng thương yêu. Mỗi ngày mình phải làm cho cái tình của mình lớn lên và biến thành nghĩa. Mình phải biết lợi dụng cái ngọn lửa đầu tiên. Ban đầu mình dúi nắm rơm vô lửa trấu là để cho ngún cháy, khói đi lên, mình thổi phù nhè nhẹ thì lửa bốc lên. Nhưng mình đem lửa đó về nhà không được, nửa đường sẽ tắt. Và vì vậy khi lửa rơm cháy lớn rồi thì mình phải ủ nó vào trong nắm rơm khác cho lửa cháy ngún từ từ mà đem về.

Mỗi ngày mình phải xây dựng cái ơn và cái nghĩa. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ săn sóc đều là tạo ra ơn và nghĩa. Chính cái đó nó là keo sơn giúp cho một cặp vợ chồng sống với nhau suốt đời. Tình bạn cũng vậy. Tình bạn thì không có sự cháy bùng, đam mê như là tình yêu, cho nên tình bạn dễ hơn nhiều. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói rất rõ là tình bạn thì lâu dài, bền chắc, và nuôi dưỡng mình nhiều hơn tình yêu. Cho nên bí quyết là mình phải biến tình yêu lúc ban đầu trở thành tình bạn. Hai người ban đầu là hai người yêu, nhưng từ từ sẽ trở thành hai người bạn.

Khi trở thành hai người bạn thì đó là tình yêu đang còn. Còn nếu tình yêu không trở thành được tình bạn thì nó sẽ chết, nó không thành công. Mà sở dĩ tình yêu trở thành tình bạn được là vì mình phát khởi được cái ơn và cái nghĩa. Cái ơn nghĩa đó bắt đầu từ chỗ ý thức được rằng tại sao giữa bao nhiêu người mà người đó lại chọn mình. Và mình biết ơn người đó đã chọn mình. Cái chọn của mình không phải là nhất thời. Sự chọn này phải xảy ra trong một quá trình nào đó, với trí tuệ chứ không phải chỉ với đam mê mà thôi. Nếu chỉ có đam mê thì mình sẽ hối hận. Phải có trí tuệ và phải biết lắng nghe, Lắng nghe bạn bè của mình, lắng nghe cha mẹ của mình, lắng nghe các em của mình. Vì họ cũng có cái thấy, mà cái thấy của họ đôi khi khách quan hơn, chắc chắn là khách quan hơn mình, tại vì mình chủ quan quá. Mình đam mê rồi thì mình không thấy được sự thật rõ ràng bằng những người khác.

___________________
(pháp thoại trong khóa tu mùa hè 31.7.2007 tại Làng Mai)