Pháp thoại theo chủ đề

Thực tập như thế nào khi thấy trống trải trong lòng

Trích từ pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 2/02/2012 tại Xóm Thượng, Làng Mai.

Trong mỗi chúng ta ai cũng điều có cảm giác trống trải và cô đơn. Vì vậy ta luôn cần một người thương ta để bớt đi cảm giác lạnh lẽo và cô đơn ấy. Vì không biết cách xử lí “khoảng trống ”trong lòng nên ta có khuynh hướng muốn tìm một người để lấp vào khoảng trống đó. Có khi người kia chấp nhận để lấp vào khoảng trống ấy và trở thành cái bóng của ta. Như vậy người đó cũng mất đi tự do. Nhưng nếu người kia không chịu thì ta giận, cho rằng người đó không thương mình và trừng phạt bằng cách nói rằng: “Anh không thương tôi”. Như vậy thì không được gọi là thương yêu.

Có câu chuyện kể về một dòng sông suốt ngày chỉ để hết thời gian của mình đuổi chạy theo những đám mây trên trời, hết đám mây này đến đám mây khác. Nhưng đám mây thì vô thường, bây giờ nó ở đây nhưng đến chiều thì nó đi mất. Vì không thấy được mình là đám mây nên dòng sông cứ mãi đuổi chạy theo đám mây, không bao giờ thấy thoả mãn. Nếu như dòng sông có thể trở về được với chính mình thì sẽ thấy rằng mình toàn là mây thôi. Cái thấy đó sẽ làm cho dòng sông không còn cô đơn, trống trãi nữa. Những gì mà mình đi tìm cầu thì đã có sẵn hết rồi. Cái thấy này có thể đạt được khi mình có Niệm, Định và Tuệ. Niệm tức là khả năng ý thức được những mầu nhiệm xảy ra trong giây phút hiện tại. Định có nghĩa là gìn giữ được cái thấy đó lâu dài và Tuệ là cái thấy làm cho mình vượt qua những lo lắng, buồn khổ, trống trải đó. Khi chúng ta ngồi yên, thở và ý thức về sự có mặt của Bụt, Pháp, Tăng, của tâm bồ đề trong mình thì ta sẽ cảm thấy rất đầy đủ và không còn muốn tìm cầu gì nữa.

 

 

Mình là người tu thì phải biết chế tác những nguồn năng lượng của NIệm, Định, Tuệ trong đời sống hằng ngày. Nếu mình không cảm thấy an lạc, đầy đủ thì sẽ không có gì để cống hiến cho người khác. Vì không ôm ấp được nỗi trống trải cho nên mình tìm một ai đó để lấp vào khoảng trống ấy. Đó là nhu yếu của sự chiếm hữu mà không phải là tình yêu đích thực. Tình yêu đích thực là sự cống hiến và người đầu tiên được đón nhận điều ấy chính là bản thân mình mà không phải là một ai khác. Mình có thể cho bản thân sự tươi mát, niềm vui, bình an, thảnh thơi và tự do bằng sự thực tập chánh niệm. Nếu như thực sự để tâm thực tập thì chỉ với một vài phút, vài giờ hay là một ngày thì đã thấy khác rồi. Đó được gọi là hạ thủ công phu, tức là thực tập thiệt. Sự thực tập này không mang tính nặng nhọc mà ngược lại rất dễ chịu. Thiết lập chánh niệm qua những sinh hoạt hằng ngày như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, rửa bát, giặt áo,… Để mình đích thực trở về có mặt cho thân và tâm. Giúp nhận diện, ôm ấp và chuyển hoá năng lượng của sự trống trải, sợ hãi và lo lắng. Để có thêm bình an và sự vững chãi.

Như những cái nồi mà chưa có nắp đậy lên, nên ta đi kiếm một cái nắp và nghĩ rằng sau khi nồi đã có nắp rồi thì sẽ được bình an. Nhưng không phải như vậy. Sau khi đậy nắp rồi thì nước lại trào ra làm cho tắt lửa, tắt luôn cả cái bếp.

Trong chúng ta, ai cũng có sự trống trải, sợ hãi và có những ước mong. Sợ hãi vì nghĩ rằng trên đời này sẽ không có người nào làm chỗ nương tựa và chăm sóc cho ta. Đó là những tình cảm nảy sinh từ thời thơ ấu. Khi mới sinh ra, tuy đã có tai, mắt, tay, chân nhưng chúng ta chưa dùng được. chúng ta không có khả năng để tự lo cho mình. Một em bé ba tháng, sáu tháng hay một năm làm sao có thể tự lo cho mình được. vì vậy em bé rất trống trải, rất sợ hãi. Nếu không có một người mẹ hay người vú em có mặt khi đói, khi lạnh thì em bé không biết phải làm thế nào để vượt qua những giây phút khó khăn đó. Sinh nở là một chuyện nguy hiểm, nhất là ngày xưa. Cho nên giây phút được chào đời là một khoảnh khắc hiểm nguy và có thể đi theo chúng ta đến lúc trưởng thành.

Dù là con trai hay con gái. Ta có cảm tưởng mình là cái nồi chưa có nắp nên cố đi tìm cho được cái nắp. Khi tìm được một người rồi thì ta mừng quá và cảm thấy yên tâm. Ta quên rằng nguồn gốc của sự tìm kiếm đó được phát sinh từ thời thơ ấu. Đối tượng mà ta tìm kiếm đó chính là một người cha, người mẹ, người vú em. Ngồi bên người yêu ta nói: “Như vậy là được rồi, yên tâm rồi, bây giờ đã có người lo cho mình”. Người yêu đó cũng chính là sự tiếp nối hình bóng người cha, người mẹ và người vú em thôi. Nhưng rồi sự yên tâm đó chỉ được vài tháng hay vài năm. Người kia thay vì chăm sóc thì lại gây ra bao nhiêu khó khăn cho ta. Khi người đó không còn là cha, mẹ hay người vú em nữa thì mình lại đi tìm một nắp nồi khác. Thành ra em bé với nhiều sợ hãi trong ta vẫn còn sống. Chúng ta cần phải quán chiếu và dùng năng lượng của Niệm, Định, Tuệ để ý thức ta không còn là một em bé nữa. Chúng ta bây giờ đã lớn rồi. Đã có thể tự thở và chăm sóc cho bản thân được. Ta không cần một người cha, người mẹ hay người vú em nữa. Chúng ta cần nhắc mình như vậy nếu không thì ta vẫn tiếp tục đi tìm một cái nắp nồi như thường.

Khi chúng ta cảm thấy được đầy đủ thì không cần tìm cầu gì nữa. Vì vậy câu linh chú của ta là “i am here for you”. Chữ “you” ở đây có nghĩa là chính mình. Nếu ta có mặt được cho chính mình thì nồi đã có nắp rồi nên không cần phải sợ hãi nữa. Trong chúng ta ít người có khả năng có mặt cho chính mình lắm. Vì vậy mình muốn một ai đó có mặt để khoả lấp sự trống trải ấy. Tự mình không làm được công việc đó nên ta đi tìm một người khác làm giúp. Đó là sự thật. Không cần có cái nắp, không cần tìm một người cha, người mẹ, người vú em là tuệ giác mà ta cần đạt được. Chúng ta đã lớn rồi, không còn là một em bé bất lực nữa. Chúng ta  có thể tự lo cho mình. Sự thật là ta có hai chân còn khoẻ và tự đi lấy cơm, nước uống được. Ta có thể làm việc để có thực phẩm, có chỗ ở. Vì vậy chúng ta cần trở thành một người lớn thực sự.

Có mặt cho mình để làm gì?

Đầu tiên ta cần có  mặt và mang thân, tâm về lại với nhau. Nuôi dưỡng bản thân bằng cách nhận diện những mầu nhiệm của cuộc sống đang có mặt ở trong ta và xung quanh ta. Đó là vai trò của chánh niệm. Khi thở hay đi trong chánh niệm thì mình đem thân về lại với tâm, có mặt được cho giây phút hiện tại và cho chính mình. Khi đó ta sẽ có khả năng nuôi dưỡng, trị liệu thân tâm bằng những yếu tố mầu nhiệm của cuộc sống. Đó là sự có mặt để tự nuôi dưỡng, chăm sóc chính mình.

Điều thứ hai. Nếu có những tâm hành lo lắng, buồn khổ, sợ hãi đi lên thì mình có mặt để nhận diện, ôm ấp, nhìn sâu và chuyển hoá những tâm hành đó. Không nên đi tìm một ai khác để làm chuyện đó cho mình. Sự thực tập ở đây là có mặt và phải biết chăm lo cho chính mình. Trước hết là tiếp xúc và nuôi dưỡng thân tâm bằng những yếu tố tích cực, sau đó là có mặt nhận diện những khổ đau, thiếu thốn, buồn tủi. Nhìn sâu để tìm thấy gốc rễ sâu xa và thoát ra được. Nếu như sự trống trãi không được làm tan biến bằng cách có mặt cho chính mình mà lại cố tìm kiếm một ai đó để lấp vào khoảng trống ấy thì cả hai điều mất đi tự do và lại không giúp được gì cho nhau. Khi  không có khả năng tự lo cho chính mình thì làm sao có thể lo cho người khác. Nếu như người kia không chăm sóc cho mình được như mong đợi thì mình giận và nói rằng: “Tôi đem anh tới để lo cho tôi mà anh không lo được”. Sự thật là như vậy cho nên chúng ta phải nhìn cho sâu sắc để thấy được bản chất đích thực của tình yêu là gì.