Thông Điệp Của Tình Huynh Đệ
Mục đích khóa tu
Khóa tu của chúng ta có bốn mục đích, và chúng ta sẽ nỗ lực đạt cho được sự thực hiện bốn mục đích đó.
Mục đích thứ nhất là làm sao thấy được rõ con đường tương lai của cá nhân mình, như một người xuất gia, và của Phật giáo Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Điều này chúng ta có thể đạt được nếu chúng ta ngồi xuống cùng quán chiếu và chia sẻ với nhau.
Mục đích thứ hai là làm sao nhận ra được chân diện mục của nhau như những người huynh đệ để có thể chấp nhận, thương yêu nhau và xây dựng lại tình huynh đệ đã bị sứt mẻ vì những nguyên do nội tại và ngoại tại. Sự sứt mẻ này, tuy chúng ta không muốn, nhưng đã có. Tuy khóa tu của chúng ta chỉ có năm ngày, nhưng chúng ta tin tưởng có thể đạt tới mục tiêu này, nếu chúng ta tu học cho tinh chuyên.
Mục đích thứ ba là làm sao tiếp nhận và áp dụng được một số pháp môn tu học hữu hiệu có khả năng chuyển hóa thân tâm, tái lập được truyền thông giữa ta với thầy, giữa ta với huynh đệ, giữa ta với cộng đồng để chúng ta có đủ tư lương đi trọn con đường lý tưởng của một người xuất gia.
Mục tiêu thứ tư là làm sao tìm ra được những biện pháp hữu hiệu để đối phó lại với tệ nạn hư hỏng của những người tăng ni trẻ trong nước. Nếu chúng ta ngồi với nhau với trái tim huynh đệ thành thật, thì chúng ta có thể tìm ra được những biện pháp để đối phó với những tệ trạng đang xảy ra trong những người xuất gia trẻ, bên nam cũng như bên nữ ở khắp nơi trên đất nước.
Chúng ta không tham vọng quá đâu. Bốn mục tiêu này, nếu hết lòng thì chúng ta có thể đạt được.
Tất cả những sinh hoạt của khóa tu như thiền ngồi, thiền đi, thiền ăn cơm, pháp đàm, thiền trà đều được sử dụng để đạt tới bốn mục tiêu đó. Xin Quý vị Tôn Đức, các anh chị em trong đại gia đình những người xuất gia ghi nhớ bốn mục tiêu này để cho sự thực tập của chúng ta không dừng lại ở ngoài hình thức mà đi vào nội dung. Nghĩa là chúng ta làm gì cũng cốt để quán chiếu, tìm ra giải pháp cho bốn vấn đề, tôi xin nhắc lại ở đây:
Thứ nhất: thấy được con đường tương lai của mình và của cộng đồng Phật giáo mình.
Thứ hai: nhận ra được mặt mũi chân thật của nhau để có thể chấp nhận nhau như huynh đệ và xây dựng lại tình huynh đệ đã bị sứt mẻ vì thời cuộc, vì sự chia rẽ do những lý do nội tại và ngoại tại. Thứ ba: tiếp thu và áp dụng được một số các pháp môn tu học hữu hiệu để có thể sử dụng hằng ngày mà chuyển hóa thân tâm, thiết lập được liên hệ tốt trở lại với thầy, với huynh đệ, để có đủ tư lương đi trọn cuộc đời xuất gia của mình. Thứ tư: tìm ra những biện pháp tập thể hữu hiệu để đối phó với những tệ nạn hư hỏng của người xuất gia trẻ trong thời đại chúng ta.
Vượt qua nhãn hiệu
Trong buổi hướng dẫn hôm nay, tôi đặc biệt chú trọng đến điểm thứ hai: “Nhận ra được mặt mũi chân thật của nhau để có thể chấp nhận nhau như huynh đệ và xây dựng lại tình huynh đệ đã bị sứt mẻ vì thời cuộc, vì sự chia rẽ do những lý do nội tại và ngoại tại”. Sau này chúng ta sẽ có thì giờ đi sâu hơn để tìm đến những lý do gần và xa, cội nguồn của vấn đề.
Theo uy nghi của người xuất gia thì mình đâu được đọc tiểu thuyết kiếm hiệp, nhưng nếu Quý vị đã có đọc bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ. Ai đọc rồi giơ tay? Quý Vị sẽ thấy Tiếu Ngạo Giang Hồ cũng có bài học cho chúng ta tiếp thu. Tiếu Ngạo Giang Hồ là tên của một bản nhạc tuyệt diệu của hai người nhạc sĩ rất có tài và có lòng. Họ không được quyền chơi với nhau, không được quyền tới với nhau để hòa nhạc, vì hai người thuộc về hai môn phái khác nhau. Một bên là chánh phái, một bên bị coi là bàng môn tả đạo. Hai người thương nhau lắm, như là anh em ruột. Chính nghệ thuật âm nhạc đã đưa hai người tới với nhau. Thương nhau như anh em ruột, nhưng trên hình thức thì không được tới với nhau, không được chơi với nhau và hòa nhạc với nhau. Và vì vậy mỗi năm họ phải hẹn với nhau đến một chỗ thâm sơn cùng cốc nào đó, nơi không ai bước chân tới được, để đốt hương lên, hòa tấu bản nhạc đó với nhau. Lệnh Hồ Xung, nhân vật chính của tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ, là một người được coi như thuộc chính phái, đệ tử của một kiếm khách nổi tiếng quân tử là Nhạc Bất Quần. Nhạc Bất Quần được mệnh danh là Quân Tử Kiếm, nghĩa là võ thuật của ông rất quân tử, không bao giờ dùng những biện pháp tiểu nhân để thắng người. Nhạc Bất Quần là người đại diện tiêu biểu cho chính phái. Theo nguyên tắc, nếu mình là chính phái thì mình phải hoàn toàn quân tử. Nhưng rốt cuộc Lệnh Hồ Xung, một người trẻ trong chính phái, đã khám phá một sự thật là trong chính phái có rất nhiều người tà. Chính sư phụ mình, Nhạc Bất Quần, Quân Tử Kiếm, rốt cuộc đã lòi ra bộ mặt tiểu nhân của mình. Và vì vậy trong chánh có tà. Trong khi chơi với những người thuộc môn phái bên kia, Lệnh Hồ Xung lại nhận ra có rất nhiều quân tử bên đó. Doanh Doanh, tuy thuộc về phái gọi là bàng môn tả đạo nhưng lại là một con người rất tốt. Rốt cuộc, người thương và sống chết cho Lệnh Hồ Xung nhất không phải là Nhạc Linh Sơn, con gái của thầy học, mà là Nhậm Doanh Doanh, cô con gái của tà phái. Bộ tiểu thuyết Tiếu Ngạo Giang Hồ lột trần cho chúng ta sự thật là: Nếu chúng ta không nhìn nhau cho thật kỹ để thấy được con người của nhau, nếu chúng ta để cho mình bị những danh từ và nhãn hiệu che lấp, thì chúng ta không thấy được người anh em của mình. Chúng ta sẽ có những thái độ không dễ thương, chúng ta sẽ có những thái độ từ khước. Và như vậy chúng ta đánh mất chúng ta, đánh mất người huynh đệ. Rất nguy hiểm. Do đó, những danh từ, những tổ chức có thể là những chướng ngại.
Nhận ra người anh em
Khi chúng ta gặp người anh em ngoài đường, thì trước hết đó là người anh em mặc chiếc áo tu. Mỗi khi tôi thấy một người mặc áo tràng hay áo nhật bình thì tự nhiên trong trái tim tôi có một niềm thương dâng lên. Tôi không biết người này thuộc chùa nào, theo tổ chức nào, chỉ thấy mặc áo nhật bình hay áo tràng thì thấy rõ ràng đó là người anh em của mình. Có thể người đó giới hạnh rất vững chãi, có thể người đó giới hạnh không đàng hoàng, nhưng người đó vẫn là anh em của mình, là người trong đại gia đình xuất gia của mình. Nếu người đó giới hạnh đàng hoàng thì mình mừng cho người đó. Nếu người đó giới hạnh không đàng hoàng thì mình sẽ tìm cách giúp người đó tu cho đàng hoàng. Mình không nói người này đàng hoàng thì tôi chấp nhận, người kia không đàng hoàng thì tôi không chấp nhận. Tình anh em, tình huynh đệ là như vậy.
Không phải chỉ khi người kia toàn hảo thì mình mới chấp nhận là người anh em. Khi người kia có những khuyết điểm, mình cũng chấp nhận là người anh em và mình phải để tâm tư, thì giờ, công sức ra để giúp cho người đó. Đối với người anh em, đừng bao giờ có thái độ khinh thường, chối bỏ, hay phủ nhận. Người anh em mặc áo nâu, áo vàng hay áo lam thì cũng vẫn là người anh em. Điều này là một sự thực tập của chúng ta.
Nhất thiết vô ngại
Cố nhiên, đôi khi chúng ta gặp những người đứng ở những địa vị quan trọng trong đoàn thể tu học của mình. Nếu người đó có giới hạnh nghiêm minh, có tài năng, có trái tim phục vụ thì chúng ta mừng rỡ. Người đó mà đứng ở địa vị đó thì gây được rất nhiều niềm tin cho tất cả cộng đồng Phật giáo chúng ta. Và chúng ta tìm cách làm cho người đó đứng ở địa vị đó lâu dài. Bởi vì niềm tin rất là quan trọng. Chúng ta yểm trợ người đó, dù người đó thuộc về môn phái nào, tổ chức nào hay giáo hội nào. Chúng ta trở nên giàu có, bởi vì tất cả đều là huynh đệ, đều là các bậc đàn anh, đàn chị của chúng ta. Khi chúng ta có một người có giới hạnh nghiêm minh, có đạo đức cao viễn, có trái tim đầy ắp chí hướng của Bồ Đề thì tất cả chúng ta đều được hưởng và chúng ta mong muốn vị ấy đứng ở một địa vị mà mọi người đều có thể thấy để có thể noi theo. Không phải vì chúng ta muốn riêng gì cho người đó, mà bởi vì chúng ta thấy rằng: Nếu người đó đứng và ngồi ở vị trí đó thì lợi lạc cho tất cả mọi người, nhất là cho các thế hệ tương lai.
Nhưng giả sử có một người đứng ở vị trí quan trọng mà giới hạnh còn rất khiếm khuyết, khả năng không đầy đủ để hướng dẫn, thì chúng ta phải làm như thế nào? Chúng ta hãy tìm đủ mọi cách để giúp cho người đó. Trực tiếp và gián tiếp giúp cho người đó chỉnh đốn lại, có giới hạnh nghiêm minh trở lại và ý thức được nhiệm vụ của mình trong địa vị kia. Và nếu cần thì chúng ta đem tài năng ra phụ tá cho người đó làm việc, nếu không thì người đó sẽ gây ra sự đổ nát trong niềm tin của quần chúng. Nhưng nếu người kia không chuyển hóa, không chịu học hỏi mà lại ham củng cố và bám víu địa vị thì chúng ta phải làm thế nào? Chúng ta phải bằng mọi cách xin với người kia đừng ngồi ở chỗ đó nữa. Không phải vì ta ghét bỏ, mà vì người này ngồi ở chỗ đó thì không đúng. Chúng ta phải cùng nhau ngồi lại, tìm một vị huynh trưởng, một vị cao đức và lạy để mời vị này lên ngồi ở địa vị kia. Bởi vì, có người này ngồi ở địa vị kia thì an lòng tất cả đại chúng. Thay thế một vị không xứng đáng không có nghĩa là chúng ta ruồng bỏ, loại trừ người đó. Chúng ta thực tập cái mà trong đạo Bụt gọi là hành xả, nghĩa là không kỳ thị, không phân biệt, không loại trừ bất cứ một ai ra khỏi cộng đồng của chúng ta. Chúng ta không muốn người kia ngồi đó là vì chúng ta thấy người kia ngồi ở chỗ đó thì mất niềm tin của đa số. Và vì vậy, chúng ta xin người kia đừng ngồi ở chỗ đó nữa, để người khác lên ngồi. Chúng ta sẽ tìm đủ mọi cách để giúp cho người này có cơ hội chỉnh đốn lại và không bao giờ có tâm loại trừ. Đó là hành xử theo tình huynh đệ.
Chấn chỉnh đạo đức
Trong buổi diễn thuyết tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh ở Sài Gòn, tôi có nói rằng có sự khác nhau giữa tôn giáo và đạo đức. Nhưng tôn giáo và đạo đức cũng có thể đi đôi với nhau. Tôn giáo có đạo đức thì tôn giáo mới không phá sản. Cũng như thế, chính trị có đạo đức thì chính trị mới không phá sản. Và vì vậy, trong tôn giáo phải có đạo đức.
Tuy có thể hàm chứa đạo đức nhưng tôn giáo chưa hẳn là đạo đức. Có những tổ chức tôn giáo dùng những biện pháp ma giáo để phát triển, để củng cố địa vị, quyền hành. Họ dùng những biện pháp không vương đạo để đạt tới danh lợi và địa vị. Đó rõ ràng là tôn giáo, nhưng không có đạo đức. Vắng bóng đạo đức thì tôn giáo có thể phá sản. Sự thực tập là làm sao đem đạo đức trở về với tôn giáo, cũng như với chính trị.
Cố nhiên, nói đến chuyện cứu vớt chúng sanh, phụng sự xã hội, phụng sự đất nước, phụng sự dân tộc thì đòi hỏi chúng ta phải có đạo đức. Nếu không có đạo đức thì chính trị không thể phụng sự được xã hội và đất nước. Tôn giáo cũng vậy. Nếu chúng ta không thực tập để phục hồi những giá trị đạo đức truyền thống trong nội bộ chúng ta, nếu những lời ta nói, những tư duy và hành động chúng ta phát ra không chuyên tải những giá trị đạo đức, thì chúng ta không thể đóng góp được gì trong việc chuyển hóa những tệ nạn xã hội và xây đắp một xã hội lành mạnh cho các thế hệ tương lai.
Ra ngoài cách ngăn
Và vì vậy, sự tu tập của chúng ta trong nội bộ đại gia đình Phật giáo rất quan trọng. Sự tu tập đó, trước hết là sự xây dựng tình huynh đệ. Nếu chúng ta không chấp nhận nhau như người anh em, nếu chúng ta vì những danh từ, những nhãn hiệu mà để bị chia rẽ và trở nên những người thù hận nhau, nhìn nhau bằng con mắt khinh thường, không biết quý mến nhau thì đó là sự thất bại. Trong bốn mục đích của khóa tu này, xây dựng lại tình huynh đệ là mục đích thứ hai. Làm sao để chúng ta có cơ hội ngồi lại với nhau và nhìn ra người kia là người anh em của mình. Người kia có thể thuộc về một môn phái khác, tổ chức khác, nhưng người kia vẫn là anh em của mình. Những danh từ kia, nhãn hiệu kia sẽ không đủ khả năng để chia rẽ mình, tạo ra những hiềm khích, hiểu lầm. Cố nhiên có những điều kiện ngoại tại gây ra sự hiểu lầm và chia rẽ. Nhưng cũng có những điều kiện nội tại: Chúng ta còn yếu kém trong nhận thức, chúng ta dễ bị lừa gạt cho nên mới lâm vào tình trạng không nhìn được mặt nhau, không nhận ra nhau như anh em một nhà.
Trong khóa tu này, chúng ta sẽ ăn cơm chung, chúng ta sẽ đi thiền hành chung, chúng ta sẽ pháp đàm chung. Mỗi giây phút là một cơ hội để chúng ta nhận ra chân diện mục của nhau, để chấp nhận nhau, coi nhau là người huynh đệ. Đó là sự thành công lớn. Nếu không có sự thành công đó thì không có gì đáng gọi là thành công cả.
Thông điệp tình huynh đệ
Về nước chuyến này tôi chỉ có một thông điệp thôi. Thông điệp đó là: Không có gì cao hơn tình huynh đệ. Chúng ta không thể nhân danh bất cứ một cái gì, bất cứ một tổ chức nào, một lý tưởng nào mà chà đạp lên tình huynh đệ. Bởi vì chà đạp lên tình huynh đệ tức là không còn gì nữa cả. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”. Tôi thì tôi nói: “Không có gì quí hơn tình huynh đệ”. Đó là đại từ và đại bi.
Mục đích thứ hai của khóa tu là xây dựng tình huynh đệ. Tình huynh đệ xây dựng được là do chúng ta nhận ra nhau như người anh em chứ không phải là kẻ thù, là những trở ngại cho nhau. Nhận ra nhau là người anh em rồi thì mình sẽ nhìn người kia được bằng con mắt yêu mến, bằng con mắt thương kính. Nếu khóa tu làm được nội một chuyện này thôi thì đã là một thành công rực rỡ rồi, chứ đừng nói là thành công được trong các điểm kia.Chúng ta nhất định không lý thuyết suông. Chúng ta nói là chúng ta làm. Khi mãn khóa tu, ra đường gặp bất cứ một người xuất gia nào chúng ta cũng chắp tay vái chào. Chúng ta nhìn người đó bằng con mắt của người huynh đệ. Chúng ta mỉm nụ cười của người huynh đệ. Đó là điều chúng ta làm được chứ tại sao không?! Mỗi khi tôi gặp một em bé chắp tay thì tôi cũng chắp tay lại, huống hồ là khi gặp một sư cô hay một sư chú, huống hồ là khi gặp một vị trưởng thượng. Đối với một em bé tôi đã không có thái độ khinh khỉnh nó là con nít, biết gì! Tôi không có thái độ đó, bởi vì em bé đó có Phật tính. Em bé chắp tay với lòng cung kính đối với mình, nếu mình chắp tay lại với lòng cung kính đối với em bé, thì em bé sẽ lớn lên rất mau trên đời sống tâm linh của em. Ước mơ của tôi là sau khóa tu này, khi chúng ta gặp nhau giữa đường, ánh mắt, nụ cười và hai bàn tay chắp thành búp sen của chúng ta sẽ chứng tỏ được rằng chúng ta có khả năng công nhận nhau là người huynh đệ, dù người đó thuộc về môn phái nào, tổ chức nào, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Tăng Đoàn, thì cũng đều như vậy. Tất cả những danh xưng đó không có khả năng chia rẽ và làm mờ mắt chúng ta.
Học và thực hành trong khóa tu
Trong khóa tu này, chúng ta sẽ tập thiền đi. Mỗi khi bước chân đi thì chúng ta đi những bước chân có ý thức. Chúng ta đi thong dong, không gấp gáp. Đi như đi trong cõi Tịnh Độ. Chúng ta phối hợp hơi thở với bước chân. Khi thở vào, chúng ta có thể bước một hay hai bước. Khi thở ra, chúng ta bước một hay hai bước. Chúng ta nói: “Con đã về, con đã về” (thở vào), “Con đã tới, con đã tới” (thở ra). Nếu trong khi đi chúng ta không nghĩ tới quá khứ, tương lai và bàn chân chúng ta giẫm lên trên miếng đất của thực tại thì chúng ta trở thành một con người tự do. Mình bước trên Tịnh Độ trong giờ phút hiện tại. Ở đây cũng có những mầu nhiệm của sự sống như ở bên Cực Lạc Thế Giới. Ở đây cũng có thông reo, chim hót, mây bay, dòng sông, ngọn núi,… Tất cả những cái đó đều là mầu nhiệm. Nếu lắng nghe thì chúng ta cũng có thể nghe tiếng thuyết pháp từ cây thông, từ tiếng gió. Trở về với giây phút hiện tại, bước những bước vững chãi, thảnh thơi, chúng ta có thể tiếp xúc đuợc với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt bây giờ và ở đây. Chúng ta sẽ nghe giảng bày kỹ lưỡng hơn về thiền đi.
Chúng ta sẽ tập thiền ngồi. Ngồi như thế nào để có được bình an, hạnh phúc. Ngồi mà không cần phải gồng, phải cố gắng hay đấu tranh gì hết. Ngồi thảnh thơi, an lạc như ngồi trên tòa sen. Điều đó chúng ta có thể làm được. Chúng ta sẽ tiếp nhận những chỉ dẫn làm sao để ngồi trong an lạc, trong thảnh thơi. Mười lăm phút ngồi là mười lăm phút hạnh phúc. Hai mươi phút ngồi là hai mươi phút hạnh phúc. Không có sự bỏ phí thì giờ. Ngồi không phải để cho tương lai, ngồi là có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại.
Chúng ta sẽ tập ăn cơm. Ngồi ăn cơm như thế nào mà trong hai mươi, ba mươi phút ăn cơm, chúng ta có hai mươi, ba mươi phút hạnh phúc. Trong khi ăn có thảnh thơi, an lạc. Ăn cơm để nuôi dưỡng thân, nhưng đồng thời cũng nuôi dưỡng tâm. Được ngồi ăn với các thầy, các sư cô, các anh, các chị trong đạo, được ngồi ăn như một gia đình tâm linh cùng lý tưởng, đó là một hạnh phúc. Ngày xưa đức Thế Tôn và các đệ tử cũng đã từng ngồi ăn cơm với nhau như vậy. Từ đầu bữa ăn cho đến cuối bữa ăn, chúng ta tiếp xúc với thức ăn, tiếp xúc với tình huynh đệ. Một buổi ăn như vậy có tính chất nuôi dưỡng rất nhiều. Nuôi dưỡng thân thể, nuôi dưỡng trái tim và hạnh phúc của mình. Chúng ta sẽ tiếp nhận những chỉ dẫn để có thể ngồi ăn cơm như vậy. Trong khóa tu chúng ta sẽ chia ra thành từng gia đình, ngồi vòng tròn cùng ăn cơm với nhau. Sẽ có khoảng hai bữa cơm, trong đó mọi người cùng ngồi ăn chung với nhau trong thiền đường như cách ngày xưa đức Thế Tôn và các thầy đã từng ngồi ăn cơm với nhau. Không cần đắp y, chỉ cần ngồi cho thoải mái và ý thức rằng mình đang có may mắn được ngồi với các sư huynh, sư đệ, sư em của mình trong một khóa tu. Ăn cơm như thế nào để có hạnh phúc và thảnh thơi thì bữa ăn đó có tính chất rất nuôi dưỡng.
Chúng ta sẽ được thực tập sám hối với nhau. Chúng ta có một Sám Pháp mới rất hiệu nghiệm, gọi là Sám Pháp Địa Xúc. Mỗi ngày chúng ta sẽ thực tập Sám Pháp này. Sám Pháp này trả lời tất cả những thắc mắc, những khó khăn chúng ta gặp trong cuộc đời của một người xuất gia. Chúng ta không lạy nhiều. Mỗi lần chỉ lạy ba lạy, nhưng lạy rất sâu và rất lâu. Mỗi lạy như vậy giúp chúng ta đổi thành một con người mới. Chúng ta sẽ được tiếp nhận những chỉ dẫn để thành công trong sự thực tập bái sám.
Chúng ta sẽ thực tập thiền trà. Học ngồi uống trà như thế nào mà trong ba mươi phút uống trà chúng ta có hạnh phúc và xây dựng được tình huynh đệ. Chúng ta sẽ học thực tập pháp đàm. Pháp đàm như thế nào để có thể chia sẻ được những kinh nghiệm tu tập, những tuệ giác, cũng như xây dựng được tình huynh đệ, thấy rõ được con đường tương lai của mình và của cộng đồng Phật giáo mình.
Chúng ta sẽ học phương pháp soi sáng. Soi sáng để có thể thấy được rõ hơn người huynh đệ mình, với những điểm còn yếu kém và những điểm tích cực của người đó. Chúng ta có thể giúp cho người đó những pháp môn tu tập để người đó có thể phát triển thêm những điểm tích cực và làm vững chãi lại những điểm còn yếu kém. Trong quá trình soi sáng như vậy, tất cả chúng ta đều được học hỏi để thấy rõ mình hơn, thấy rõ được người huynh đệ của mình hơn. Chúng ta sẽ biết mình nên làm gì và không nên làm gì để giúp được cho người huynh đệ đó, cũng như những người huynh đệ khác trong vòng tròn của chúng ta.
Chúng ta sẽ được cơ hội học hỏi phương pháp Làm Mới. Khi có sự hiểu lầm, sự buồn giận lẫn nhau, chúng ta sẽ ngồi xuống thực tập như thế nào để tháo gỡ những hiểu lầm, những buồn giận đó? Đó là một phương pháp hết sức cụ thể chúng ta phải nắm cho được. Nếu không biết những phương pháp đó thì chúng ta không thể tạo dựng một chúng tu học có hạnh phúc. Khi giữa thầy với trò, giữa huynh với đệ mà không có sự truyền thông, không có sự hiểu nhau. Không có tình thầy trò, huynh đệ thì chúng ta sẽ không có chất liệu nuôi dưỡng, chúng ta không muốn trở về chùa, chúng ta muốn đi ra thành lập một cơ sở riêng. Đó là đầu mối cho tất cả những tệ hại khi mình xa lìa tăng thân. Tất cả những điều đó chúng ta đều có cơ hội đề cập, học hỏi và thực tập trong khóa tu này.
Chúng tôi đã từng tổ chức khóa tu cho người xuất gia rất nhiều lần. Có những khóa tu dài ba tháng, có khi hai mươi mốt ngày. Khóa tu nào cũng thành công tới một mức độ nào đó. Khóa tu của chúng ta chỉ có năm ngày hay ít hơn năm ngày một chút, nhưng nếu đặt hết trái tim của mình vào trong khóa tu, thì chúng ta cũng có thể đạt tới những thành quả rất đáng kể. Khóa tu của chúng ta hơi ngắn, nếu Quý Vị không phải là thường trú ở đây phải về ăn cơm chiều lúc sáu giờ thì rất uổng. Xin Đại Chúng sắp đặt như thế nào để tất cả có thể ăn cơm chiều ở đây, sơ sơ cũng được, để mình có thể tu từ sáng cho đến chín giờ thì rất hay.
Xin chúc Đại Chúng có một khóa tu thật hạnh phúc, thật thành công, nuôi dưỡng và làm lớn được tình huynh đệ.
____________
(Pháp thoại đầu tiên của thiền sư Nhất Hạnh trong khóa tu dành cho tăng ni vào ngày 07-11.03.2005 tại Tổ đình Từ Hiếu, Huế)