Pháp thoại theo chủ đề

Thắt dây an toàn

(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 20.07.2003 tại xóm Hạ, Làng Mai)

Làng Mai có một bài kệ để nhắc cho chúng ta là mỗi khi lên xe hơi phải buộc dây lưng lại và phải lái cho cẩn thận. Bài kệ đó như thế này:

 “Hai phần ba tai nạn
Xảy ra ở gần nhà
Biết vậy tôi cẩn trọng
Dù không đi đâu xa”
 

Khi mình đi ra chợ có mấy cây số, mình cần gì phải cột thắt dây lưng làm gì cho mất công và mình lái cũng không cẩn thận lắm. Mình nghĩ là chạy đường trường 5 giờ đồng hồ, 8 giờ đồng hồ mới cần phải thắt dây lưng đúng không? Nhưng mà kỳ thực khi người ta thống kê thì hai phần ba những tai nạn xảy đến cho mình trong những lúc mình đi những quãng đường rất ngắn. “Hai phần ba tai nạn, xảy ra tại gần nhà” đó là tiếng chuông chánh niệm “biết vậy tôi cẩn trọng, dù không đi đâu xa.” Rồi đi hai ba cây số cũng vậy, cũng phải thắt dây lưng lại và cũng phải lái cho thật đàng hoàng, đó là sự thực tập chánh niệm để bảo hộ cho cái thân của mình.

Khi chúng ta thực tập theo phương pháp Bụt dạy thì chúng ta cũng phải làm tương tự như vậy. Chúng ta phải thắt sợi dây lưng của chúng ta lại và sợi dây lưng này tức là “chánh niệm.” Sợi dây an toàn của chúng ta là chánh niệm. Nếu chúng ta có chánh niệm thì chúng ta tránh được rất nhiều tai nạn khi mình nói, khi mình cười, khi mình suy tư, khi mình hành động. Nếu mình có chánh niệm thì tai nạn nó ít xảy tới. Khi mình nói, mình biết rằng mình đang nói cái gì và nói điều đó có hại gì hay không? Tại vì khi nói chúng ta có thể làm tan nát hết tất cả. Chúng ta có thể gây ra sự xáo trộn trong gia đình, tạo ra sự khổ đau trong bản thân của chúng ta và gây ra những nỗi khổ niềm đau cho người khác. Nếu có chánh niệm chúng ta không có những cử chỉ gây ra đổ vỡ trong gia đình và trong đoàn thể của mình. Mỗi khi không có chánh niệm thì mình có thể làm những điều tạo ra sự bất hòa, tạo ra sự đổ vỡ. Vì vậy chánh niệm đích thực là sợi dây lưng an toàn của người tu và muốn có chánh nhiệm thì phải biết thực tập hơi thở và bước chân. Hơi thở và bước chân đích thực là hai sợi dây. Mỗi khi ta thở thì ta chú ý tới hơi thở, ta đừng để tâm phóng đi chỗ khác. Người nào mà biết chú ý tới hơi thở thì tâm luôn luôn ở với thân và khi tâm luôn luôn ở với thân thì tâm biết cái gì đang xảy ra, đó là chánh niệm.

Một sợi dây thứ hai nữa đó là bước chân của mình. Nếu mỗi khi bước đi, mình để ý vào từng bước chân của mình thì mỗi bước chân đó đều bước trong chánh niệm. Phần lớn chúng ta đi như bị ma đuổi, đi mà không biết là mình đang đi, đi như kẻ mộng du, cho nên tâm rong ruổi đi chỗ khác. Trái lại nếu mình biết bước từng bước chân trong chánh niệm thì tâm mình luôn luôn ở với thân và mình có sự an toàn. Bước chân chánh niệm cũng là một sợi dây an toàn thứ hai, theo kinh nghiệm của Thầy. Nếu tu mà không có biết nắm lấy hơi thở và nắm lấy bước chân thì khó có thể thành, khó có thể chuyển hóa được. Không phải lâu lâu mới nắm hơi thở một lần, lâu lâu mới nắm bước chân một lần. Nếu quyết tâm tu học để chuyển hóa thì phải suốt ngày nắm lấy hơi thở và suốt ngày nắm lấy bước chân.

 

Nguồn hình ảnh: Rob Walsh
Nguồn hình ảnh: Rob Walsh

 

Ở Làng Mai sự thực tập là như vậy đó, không phải chỉ khi nào ngồi thiền thì mình mới theo dõi hơi thở, không phải chỉ khi nào nấu ăn thì mình mới theo dõi hơi thở. Mỗi khi mình dọn dẹp thiền đường, tưới rau hay giặt áo, mình cũng phải theo dõi hơi thở. Nếu không theo dõi hơi thở tức là mình không có sợi dây an toàn buộc mình lại, đó gọi là thất niệm tức là không có chánh niệm. Người tu là người phải cột sợi dây an toàn vào 24 giờ đồng hồ một ngày và sợi dây an toàn thứ nhất là hơi thở; luôn luôn phải trở về hơi thở, hơi thở là pháp bảo hộ thân tâm. Nếu không có hơi thở thì cái tâm nó chạy đi chỗ khác và không còn ai, không còn cái gì để bảo hộ cho thân và tâm mình.

Sợi dây an toàn thứ hai là bước chân. Mỗi ngày chúng ta đi thiền hành với đại chúng một lần và những bước chân của chúng ta, bước nào cũng đi trong chánh niệm. Cái đó rất tốt nhưng chừng đó không đủ. Vì vậy cho nên suốt ngày mỗi khi cần di chuyển từ một chỗ này sang một chỗ khác dầu chỉ ba bước hay năm bước thì chúng ta cũng phải áp dụng phương pháp thiền đi, nghĩa là cột sợi dây chánh niệm đó lại. Bước nào cũng bước trong chánh niệm và bước nào cũng đi như người tỉnh thức mà không đi như bị ma đuổi, không đi như những người mộng du. Những người học trò giỏi của Thầy là những người làm được như vậy, có thể không thuyết pháp hay, không hiểu kinh điển. Những bước chân không có chánh niệm và hơi thở không có chánh niệm thì những người đó không phải là học trò giỏi của Thầy. Những người đó có thể làm máy vi tính rất giỏi, tổ chức khóa tu rất hay, tổ chức ngày Phật đản rất thành công nhưng không phải là đệ tử giỏi của Thầy. Đệ tử giỏi của Thầy là người suốt ngày nắm được hơi thở và nắm được bước chân. Khi mình nắm được hơi thở và nắm được bước chân thì chắc chắn thế nào cũng được chuyển hóa. Nắm được hơi thở, nắm được bước chân tức là luôn luôn có sợi dây an toàn. Không những mình sẽ được chuyển hóa, mà trong hiện tại mình biết nói những gì và không nên nói những gì, mình biết làm gì và không nên làm gì. Có những điều mình nói ra có thể tạo nên sự đổ vỡ trong lòng mình và trong lòng người kia; khi có chánh niệm thì mình sẽ không nói như vậy, mình sẽ không làm như vậy.

Hầu hết chúng ta thông minh, ta biết nhưng đến lúc sự việc xảy ra, mình vẫn cứ nói và làm hành động đó như thường. Ta gây ra đổ vỡ rồi ta bứt tóc, đánh ngực, ta nói: “Mình đã biết nói câu đó thì nó tan nát hết, mà tại sao mình cứ nói. Mình biết rằng làm hành động đó sẽ tan nát hết, tại sao mình cứ làm?”. Mình cúi xuống lạy Bụt và phát nguyện từ sau con sẽ không nói như vậy, sẽ không làm như vậy. Mình rất thành thật, mình rất thật lòng khi sống với Bụt. Nhưng 3-4 ngày sau hoặc là tháng sau, mình lại nói và hành xử trở lại giống hệt như vậy. Tại sao? Mình có dư thiện chí, mình có dư thông minh nhưng vì tập khí, thói quen của mình.

 

 

Đó gọi là tập khí, habit energy, là thói quen “ngựa theo lối cũ” và chỉ có một phương pháp để đối trị với nó, là chánh niệm. Nếu mình biết hơi thở chánh niệm, biết bước chân chánh niệm thì mỗi khi tập khí đó sắp lên,“trời ơi tập khí nó tới, nó đang đẩy tôi, nó xúi tôi nói cái đó nữa đây, nó xúi tôi làm cái đó nữa đây”. Nhưng mà kỳ này tôi không chịu xua nó đâu, đó là nhờ có chánh niệm. Chánh niệm là câu trả lời duy nhất. Thành ra muốn bẻ gãy vòng luẩn quẩn thì chỉ có chánh niệm. Chánh niệm không phải mình muốn là nó có liền. Chánh niệm cần phải thực tập, thực tập hơi thở và bước chân. Hơi thở và bước chân là hai sợi dây an toàn, cung cấp cho mình sự an ninh. Mỗi khi tập khí đó bắt đầu trồi lên và mình bắt đầu nói, bắt đầu làm những điều có thể gây tan vỡ thì chánh niệm có đó, phải không? Mình có khả năng không nói và không làm. Ba má nhiều khi gây lộn nhau cũng vì chuyện nhỏ xíu à. Má nói câu đó, ba phản ứng giống hệt như vậy rồi hai bên làm khổ nhau. Rồi hai ba tháng sau, má nói câu đó, ba phản ứng như vậy và hai bên làm khổ nhau. Không phải là má không biết, ba không biết; má biết rất rõ, hễ nói câu đó và phản ứng như vậy thì gia đình sẽ lục đục. Ba má biết rất rõ và không muốn làm như vậy mà vẫn cứ làm như thường. Và khi ba má làm khổ nhau thì đồng thời mình làm khổ con. Cho nên ba má phải thực tập hơi thở và bước chân.

Xin nhắc lại, mỗi ngày thực tập thiền đi một lần không đủ. Mỗi ngày thực tập một giờ đồng hồ, theo dõi hơi thở một giờ đồng hồ không đủ. Hăm ba giờ đồng hồ còn lại làm gì? Hăm ba giờ đồng hồ còn lại để cho thất niệm kéo mình đi và mình chỉ có chánh niệm một giờ đồng hồ thôi thì đâu có đủ. Cho nên trong một đạo tràng như là đạo tràng Mai Thôn, các thầy các sư cô và các phật tử thực tập hơi thở hăm bốn giờ một ngày, thực tập thiền hành hăm bốn giờ một ngày, nghĩa là mình phải thắt sợi dây an toàn suốt ngày. Ở chùa cũng vậy, ở Mai Thôn cũng vậy, ở Đình Quán cũng vậy, ở Từ Hiếu cũng vậy. Các thầy, các sư cô phải thực tập hăm bốn giờ đồng hồ một ngày mới chuyển hóa được, còn thực tập một giờ thì đâu có thấm thía gì, đó là vấn đề thứ nhất. Vấn đề thứ hai là tất cả mọi người đều phải thực tập chứ không phải chỉ một vài người thực tập. Ví dụ trong một đại chúng một trăm người mà chỉ có hai mươi người thực tập thiền hành, còn tám mươi người kia đi như bị ma đuổi thì hai mươi người này thực tập rất là khó. Tất cả mọi người đều thực tập đi thiền trong chánh niệm, người này nhắc người kia, thì chỉ trong vòng một tháng, hai tháng là không khí của đạo tràng đã thay đổi liền. Người nào cũng đi trong chánh niệm, không chỉ trong giờ thiền hành mà đi chánh niệm trong tất cả mọi trường hợp. Hễ mình di chuyển từ cư xá của mình tới nhà bếp là mình áp dụng phương pháp thiền đi hay từ phòng ở đi tới phòng rửa mặt, mình cũng áp dụng phương pháp thiền đi. Mỗi bước chân phải đi vào trong Tịnh độ, mỗi bước chân không thể nào bước ra khỏi Tịnh độ, phải quyết tâm như vậy thì mới có thể chuyển hóa được. Không phải chỉ một số người trong chúng quyết tâm như vậy là đủ, tất cả mọi người trong chúng đều phải làm như vậy thì mới tạo ra được năng lượng lớn bảo hộ cho cả chúng. Mình tu mà tu khơi khơi thì nó chỉ có hình thức và không đạt tới sự chuyển hóa và sự an toàn. Mình phải làm cho hết lòng, mình phát nguyện hễ mỗi khi bước một bước chân thì bước trong chánh niệm. Mỗi khi thở một hơi thở thì con nguyện rằng hơi thở đó nằm trong chánh niệm.

 

 Nguồn hình ảnh: Rob Walsh