Hành trì sám hối và phát nguyện
Buổi công phu chiều Chủ nhật trong sách Nhật Tụng Thiền Môn Năm 2000 bắt đầu bằng bài tụng Sám Nguyện. Sám Nguyện gồm có hai phần là sám hối và phát nguyện. Sám nghĩa là làm mới trở lại, bắt đầu trở lại, cam kết rằng ta sẽ không làm như ngày xưa nữa, sẽ không gây ra thêm những lỡ lầm và vụng dại như đã gây ra trong quá khứ. Sám được dịch là bắt đầu trở lại, làm mới trở lại. Nguyện nghĩa là quyết tâm không làm những điều đã từng gây ra đổ vỡ, và quyết tâm làm những điều có thể hàn gắn, thay đổi và đưa tới sự chuyển hóa, gây an lạc cho ta và cho người khác. Nguyện là mong ước, là quyết tâm thực hiện được điều ta mong ước. Mong ước nối lại tình thâm, làm mới và chuyển hóa những khổ đau, tạo ra hạnh phúc. Trong khi tụng bài Sám Nguyện, ta có thể đi ngang qua một quá trình chuyển hóa, tại vì tụng bài này không phải là để cầu xin một đấng tối cao làm cho chúng ta những điều mà ta không làm được. Bài tụng này sẽ hướng dẫn cho chúng ta thực tập. Chúng ta sẽ thấy rằng đây là ánh sáng chiếu vào tự thân và vào hoàn cảnh hiện tại của ta để ta thấy rõ được tình trạng. Khi đã thấy được hiện tại và đã có tuệ giác thì ta biết được con đường đi, tức là biết nên làm gì và không nên làm gì để có thể bắt đầu làm mới. Chúng ta luôn bắt đầu trở lại, nhất định không chịu thua. Bài tụng này là một cơ hội để chúng ta rọi ánh sáng chánh niệm vào tự thân và hoàn cảnh để thấy được những vụng dại và những lỡ lầm trong quá khứ của chính ta. Ta sẽ thấy được con đường tương lai của ta, một con đường trên đó ta sẽ không lặp lại những lỗi lầm và vụng dại ngày xưa. Đây là sự thực tập và ta đừng nghĩ rằng đây là lời cầu xin đối với các đấng thần linh. Sám là công nhận với bản thân là ta đã có những hành động vụng dại, thiếu chánh niệm vì thế đã gây nên đổ vỡ. Nguyện là mong muốn quyết tâm hành động để thay đổi. Bài Sám Nguyện được bắt đầu bằng một đoạn sáu câu giúp ta có thể quán tưởng, hình dung ra một khung cảnh thuận lợi cho sự thực tập sám và nguyện. Đó là khung cảnh mà trong đó chúng ta có thể thiết lập được sự truyền thông:
Trang nghiêm đài sen ngự tọa
Đại hùng từ phụ Thích Ca
Đệ tử lắng lòng thanh tịnh
Bàn tay chắp thành liên hoa
Cung kính hướng về Điều Ngự
Dâng lời sám nguyện thiết tha.
Chúng ta quán tưởng đức Thích Ca đang ngồi trên tòa sen. Có bàn thờ hoặc không có bàn thờ, có tượng Bụt hoặc không có tượng Bụt thì ta vẫn quán tưởng được. Đức Thích Ca đối với chúng ta như là một vị thầy, một vị cha tinh thần đầy thương yêu nên ta gọi là từ phụ. Người cha lành ấy có rất nhiều sức mạnh, sức mạnh của trí tuệ, của thương yêu và hiểu biết, chứ không phải là sức mạnh của quyền bính hay tiền bạc. Sức mạnh của đức Từ Phụ đã phát sinh từ hiểu biết và thương yêu lớn, từ sự không sợ hãi khổ đau và lỗi lầm. Sức mạnh này giúp ta biết là ta có thể vượt được khổ đau và lỗi lầm, sẽ không bị chết đuối trong đại dương của đau khổ. Đó gọi là đại hùng, là can đảm lớn. Chúng ta thường ca ngợi Bụt Thích Ca là bậc đại hùng, đại lực và đại từ bi. Chúng ta quán tưởng Đức Thích Ca hiện đang ngự tọa trên một đài sen đẹp, trang nghiêm có nghĩa là đẹp. Đài sen đó là đài sen trong trái tim chúng ta và đức Thích Ca cũng đang ngự tọa trên đài sen ấy. Ngồi bên cạnh đức Thích Ca có một vị Bụt khác cũng đang ngồi trên tòa sen, như trong kinh Pháp Hoa, Bụt Đa Bảo đang ngồi trên tòa sen và xích ra một bên để mời đức Thích Ca cùng ngồi. Hai Bụt ngồi chung. Trong trái tim ta hiện giờ cũng có hai Bụt ngồi chung, đó là Bụt Thích Ca và Bụt của chính ta, tại vì trong mỗi chúng ta đều có sẵn một vị Bụt tương lai. Tất cả chúng sanh đều là Bụt tương lai. Hai vị Bụt là một, không phải ở trong mà cũng không phải ở ngoài. Chúng ta siêu việt ý niệm trong và ngoài. Bụt Thích Ca chính là Bụt của ta, Bụt của ta chính là Bụt Thích Ca. Tọa là ngồi, ngự là chỉ sự có mặt của những bậc đại nhân, như vua hay Bụt. Khi có chánh niệm thì ta cũng đang ngự, ngự trên một tảng đá, một bãi cỏ hay trên chiếc gối ngồi thiền của ta, ngồi một cách rất đẹp đẽ, uy hùng.
Đệ tử lắng lòng thanh tịnh
Nhờ quán tưởng như vậy mà tâm ta lắng xuống, không còn bận rộn bởi những lo âu, thổn thức và giận hờn. Tâm tư ta an tịnh trở lại. Lắng lòng tức là có sự bình an, trong lòng không dậy sóng. Lắng lòng thanh tịnh là cả một sự thực tập. Chúng ta ngồi thiền, tụng kinh, thực tập hơi thở chánh niệm và lễ Bụt là để lắng lòng thanh tịnh. Tất cả những sự thực tập đó là để trái tim chúng ta lắng xuống, thanh tịnh lại. Làm cho êm dịu lại, tập trung lại, đó là chỉ, là samatha.
Gần Wasington DC, tại Oakton, có một trung tâm thực tập chánh niệm (Mindfulness Practice Center) nằm ngay trong thành phố. Các vị giáo thọ bên đó cho biết là mỗi khi họ tổ chức một khóa tu ở xa thành phố thì thiền sinh phải lái xe ra khỏi thành phố và đi khoảng một hai giờ đồng hồ mới tới địa điểm của khóa tu. Từ chỗ đậu xe đi vào khóa tu để ghi tên họ phải đi bộ. Khi tới được chỗ khóa tu thì tâm của họ đã lắng lại được nhiều rồi, họ đã rũ bỏ bớt được một số những lo âu phiền muộn. Họ chứng nghiệm được một ít ly sinh hỷ lạc, nghĩa là đã rời bỏ được một ít những phiền muộn trên con đường từ thành phố tới khóa tu. Những bụi bặm trong tâm đã rơi rớt ở dọc đường trong hai giờ lái xe và trong lúc đi bộ, nhờ đó cho nên khi tới nơi tâm họ đã lắng lại, đã thanh tịnh được khá nhiều. Nhưng tại MPC, Trung Tâm Thực Tập Chánh Niệm trong thành phố, thiền sinh đi thẳng từ cửa xe vào ngay trong thiền đường. Sự căng thẳng của thân thể cũng như sự căng thẳng của tâm hồn còn nhiều, vì thế họ mang vào trong thiền đường rất nhiều bụi bặm của tâm. Khi đang ngồi trong thiền đường mà có chừng năm người như vậy đi vào thì ta thấy không khí đột nhiên trở nên nặng nề ra một cách rõ ràng. Chúng ta phải thực tập lắng lòng thêm, họ cũng thực tập lắng lòng thêm thì trong vòng mười hay mười lăm phút sau, không khí thiền đường mới nhẹ ra như trước được. Tôi có đề nghị là khi tổ chức một trung tâm tu học ta phải làm thế nào để cho thiền sinh đậu xe xa thiền đường. Đậu xe rồi thiền sinh sẽ được hướng dẫn đi thiền hành ngay trên con đường từ bãi đậu xe đến thiền đường. Đi bộ thong thả theo kiểu thiền hành chừng mười lăm phút thì họ đã làm rơi rụng ở dọc đường khá nhiều những bụi bặm của cuộc sống hàng ngày, những lo lắng, những sự căng thẳng trong thân tâm họ. Con người ta nhẹ ra và ta không làm phiền đến những người đang ở trong thiền đường. Quý vị nào đang thiết kế tổ chức một trung tâm tu học, thì nên nghĩ tới điều này, rất quan trọng.
Lắng lòng thanh tịnh là để cho những bụi bặm của phiền não, của sự căng thẳng rơi rụng bớt và tâm ta yên lại. Khi tâm đã thanh tịnh thì ta mới có định và mới tiếp xúc được với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn ở trên bàn thờ và đức Thế Tôn ở ngay trong lòng chúng ta.
Đệ tử lắng lòng thanh tịnh
Bàn tay chắp thành liên hoa
Khi chắp tay lên, hai bàn tay của chúng ta trở thành một đóa sen. Bao nhiêu chuyện quá khứ, tương lai, và dự án đều được bỏ đi hết. Chúng ta trở về đối diện với chính mình, với đức Thế Tôn. Đó là sự thực tập. Chúng ta thực tập buông bỏ trong khi chúng ta tụng mười hai chữ ấy với hai bàn tay chắp thành liên hoa. Chúng ta làm thành búp sen và dâng lên đức Thế Tôn một đóa hoa đàng hoàng chứ không phải dâng lên một lò lửa. Chúng ta có được đóa sen đó là do sự thực tập lắng lòng mà có. Nhờ sự thực tập mà lò lửa đã biến thành hoa sen. Lò lửa biến thành đóa sen hồng, liên phát lô trung, là một hình ảnh trong thi ca Phật giáo, bông sen phát sinh từ lò lửa. Chúng ta có một lò lửa ở trong tâm nhưng cũng có một đóa sen thật tươi, thật mát trong tâm. Nếu ta biết thở và biết đi thiền hành thì lò lửa sẽ biến thành hoa sen. Đóa sen của trái tim này không héo được, vì nó không phải được mua ở ngoài chợ hay là hái ở hồ, đóa sen này sinh ra từ sự thực tập của chúng ta. Đóa sen đó làm bằng sự lắng lòng thanh tịnh. Khi muốn có một đóa sen để dâng cúng đức Thế Tôn thì chúng ta liền có.
Đệ tử lắng lòng thanh tịnh
Bàn tay chắp thành liên hoa
Cung kính hướng về Điều Ngự
Dâng lời sám nguyện thiết tha
Điều Ngự là một danh hiệu của Bụt, nói đủ là Điều Ngự Trượng Phu. Trượng Phu là loài người, Bụt có khả năng điều phục con người trong đó có những thành phần cứng đầu, hung dữ, khó trị.
Bài tụng này là về sám và về nguyện, là một cuộc đối thoại giữa chúng ta và đức Thế Tôn. Vì vậy sáu câu tụng đầu tiên này là để giúp chúng ta tạo ra được khung cảnh trang nghiêm và thanh tịnh trong đó sự đối thoại giữa chúng ta với đức Thế Tôn có thể bắt đầu được tự nhiên và dễ dàng. Ngay sáu câu đầu chúng ta đã phải thực tập cho thành công. Đó là khả năng của quán tưởng. Chúng ta quán tưởng có tòa sen, có đức Từ Phụ đang ngồi. Sự quán tưởng đó tạo ra sự thanh tịnh của trái tim, và búp sen này chính là trái tim của chúng ta để dâng lên đức Từ phụ.
Đoạn thứ hai của bài là một đoạn sám. Đây là đoạn sám đầu nên chúng ta có thể đánh dấu S1 (sám một). Trong đoạn này chúng ta sám tổng quát, chúng ta nhìn lại tổng quát rồi sau đó chúng ta sẽ nhìn lại những chi tiết trong những đoạn sám khác.
Đệ tử phước duyên thiếu kém
Sống trong thất niệm lâu dài
Không được sớm gặp chánh pháp
Bao nhiêu phiền lụy đã gây
Bao nhiêu lỡ lầm vụng dại
Vô minh che lấp tháng ngày
Vườn tâm gieo hạt giống xấu
Tham, sân, tự ái dẫy đầy
Những nghiệp sát, đạo, dâm, vọng
Gây nên từ trước đến nay
Những điều đã làm, đã nói
Thường gây đổ vỡ hàng ngày.
Bao nhiêu não phiền nghiệp chướng
Nguyện xin sám hối từ đây.
Đó là sự thực. Sự thực là chúng ta thiếu phước và thiếu duyên cho nên đã được gặp chánh pháp và đức Thế Tôn hơi trễ. Gặp trễ là vì phước còn ít. Duyên là những điều kiện thuận lợi đưa chúng ta tới chánh pháp. Chúng ta đã thiếu duyên rồi lại còn thiếu phước nữa. Vì thiếu duyên thiếu phước nên ta đã sống trong thất niệm một thời gian khá lâu. Chúng ta đã ngủ một giấc ngủ khá lâu, một giấc ngủ dài có thể từ năm này sang năm khác, hay là từ kiếp này sang kiếp khác. Cho đến khi được gặp chánh pháp thì giấc mơ đã quá dài, và trong giấc mơ thất niệm đó bao nhiêu lỡ lầm vụng dại đã được tạo ra, gây đau khổ cho chúng ta và cho bao nhiêu người khác. Cái không may của chúng ta là thiếu phước và thiếu duyên không gặp được chánh pháp. Ta nhận thấy rõ ràng nguyên do sâu xa nhất của đau khổ là thất niệm. Phiền lụy là phiền não và hệ lụy. Phiền não là những tâm tư đốt cháy con người và làm cho chúng ta điêu đứng như tham dục, giận hờn, si mê, ganh tỵ, sợ hãi, lo lắng và buồn phiền. Hệ lụy là những hoàn cảnh khó gỡ, những tình huống chìm đắm, vướng mắc, không thoát ra được. Hệ lụy là bị kẹt. Phiền não là những tâm hành trói buộc.Vụng dại là không khôn khéo. Dù ta không có ác ý làm cho người kia khổ, không muốn làm cho tự thân ta khổ nhưng vì vụng dại ta đã vẫn gây nên đổ vỡ. Ta không biết cách hành xử, nói năng khéo léo, chưa biết dùng lời ái ngữ cho nên đã làm đổ vỡ và gây khổ đau cho ta và cho những người khác. Lỡ lầm là những điều sai lạc ta đã làm, có khi biết là không nên làm nhưng mà vẫn cứ làm. Ai cũng vậy, ai cũng đã có những lần lầm lỡ. Bây giờ đây, trong khi tụng đọc đoạn này, ta công nhận một cách tổng quát rằng trong quá khứ ta đã có những lầm lỡ và những vụng dại.
Vô minh che lấp tháng ngày
Cái gốc của tất cả những lỡ lầm, vụng dại là vô minh, nghĩa là sự thiếu sáng suốt. Vô minh cũng là thất niệm, là bóng đêm, là sự thiếu thốn ánh sáng. Minh là ánh sáng, vô là không. Chúng ta đã sống trong bóng tối, đã sống không chánh niệm và đã bước những bước vấp ngã. Chúng ta đã để bóng tối bao trùm ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác.
Vườn tâm gieo hạt giống xấu
Tham sân tự ái dẫy đầy
Trong tự thân của mỗi chúng ta đều có một khu vườn với cây lành trái ngọt. Vì vô minh chúng ta đã để cho những hạt giống xấu rơi xuống vườn tâm và mọc lên quá nhiều gai góc khổ đau. Ta đọc sách, tiểu thuyết, coi ti vi, chuyện trò, giải trí và để cho vườn tâm của ta bị xâm chiếm bởi những độc tố và phiền não. Máy vô tuyến truyền hình được chúng ta tiêu thụ mỗi ngày nhiều giờ. Con cháu chúng ta còn tiêu thụ nhiều hơn. Trong thời gian đó những hạt giống xấu của những chương trình kia đi vào trong tâm thức của trẻ thơ và của chúng ta, những hạt giống bạo động, căm thù và thèm khát cứ tiếp tục được gieo và tưới tẩm. Ta không biết giữ khu vườn của ta, không biết thực tập Năm giới, cứ để vườn tâm gieo hạt giống xấu. Đó là chuyện đang xảy ra cho hàng triệu người trên thế gian. Là người có tu học ta không nên cho phép những hạt giống xấu đó gieo vào ruộng tâm thức của mình. Ta phải là những người làm vườn có ý thức. Tham, sân và tự ái là ba trong những hạt giống xấu nhất.
Những nghiệp sát, đạo, dâm, vọng
Gây nên từ trước đến nay
Trong quá khứ, ta cũng đã gây ra những lỗi lầm, những nghiệp xấu. Cha ăn mặn thì con khát nước, điều này cũng nằm trong lý nhân quả. Cha với con không phải là hai, cha với con cùng thuộc về một dòng sống liên tục, cha làm lành thì con được hưởng, cha làm dữ thì con cũng lãnh hậu quả. Những gì tổ tiên đã làm thì chúng ta thừa tự. Trong quá khứ những nghiệp sát, đạo, dâm, vọng đã được tạo ra. Sát nghĩa là giết hại, giết hại con người và những loài khác. Đạo là tham lam, trộm cướp, sử dụng và chiếm hữu những cái không phải của mình làm ra, giành quyền lợi cho riêng mình và để cho những người khác đói khổ. Không phải chỉ trong kiếp này mà trong những kiếp trước chúng ta đã có những hành động sát, đạo, dâm và vọng. Dâm tức là tà dâm, những liên hệ tà dục tạo ra sự đổ vỡ trong gia đình, làm khổ người kia, làm tan nát đời người kia và làm tan nát chính đời mình. Có thể ông bà cha mẹ của ta đã từng làm điều đó và bây giờ ta lãnh hậu quả. Vọng là nói dối, nói thêu dệt. Lời nói dối cũng có thể giết người được, cũng có thể làm cho người ta đau khổ đến phải đi tự tử. Phần lớn khổ đau được gây ra do cái miệng. Giữ gìn được cái miệng thì hạnh phúc tăng tiến rất lớn. Trong quá khứ ta đã từng gây nghiệp vọng ngữ, đã nói năng không khéo léo, đã vụng dại gây ra những xáo trộn, nghi ngờ, đã nói những điều không cần thiết làm mất niềm tin. Tu học với nhau ta phải sử dụng chánh niệm trong lúc nói năng. Riêng chuyện giữ gìn được cái miệng và đừng bao giờ nói ra một câu nói ác ngữ đã có thể đem lại hạnh phúc nhiều lắm rồi. Chúng ta hãy thực tập nói những câu chuyện xây dựng, tạo thành những niềm vui.
Những điều đã làm đã nói
Thường gây đổ vỡ hàng ngày
Bao nhiêu não phiền nghiệp chướng
Nguyện xin sám hối từ đây
Những điều đã làm đã nói gây đổ vỡ là chuyện thường xảy ra. Chúng ta muốn thương yêu, muốn cho người kia có hạnh phúc, nhưng chúng ta vẫn nói và vẫn làm những điều làm cho người đó đau khổ liên miên. Chúng ta gây ra đổ vỡ. Liên hệ giữa ta với người kia càng ngày trở nên khó khăn. Khó khăn là do chúng ta đã nói và làm không chánh niệm. Ta đã gây ra những phiền não cho chính mình và cho những người khác. Những chướng ngại đó bít lấp sự truyền thông làm mất đi hạnh phúc trong đời sống hàng ngày. Ta nhận diện tất cả những thiếu kém, vụng dại, lỡ lầm, vô minh, nghiệp chướng và đổ vỡ. Nhận rõ chúng là nguyên do của khổ đau, ta sám hối với đức Thế Tôn và nguyện không làm như vậy nữa từ giờ phút này.
Bây giờ chúng ta đi sang phần kế tiếp gọi là S2. Đoạn này quán chiếu về liên hệ giữa ta và người khác. Phần lớn khổ đau của ta phát sinh từ liên hệ giữa ta với người thân và những người chung quanh ta. Người đó có thể là bạn hôn phối của ta hay là con của ta, hoặc cha, mẹ, anh, chị, em, thầy, hay là huynh đệ của ta. Đó là liên hệ giữa người và người.
Đệ tử thấy mình nông nổi
Con đường chánh niệm lãng xao
Chất chứa vô minh phiền não
Tạo nên bao nỗi hận sầu;
Nông nổi là sống cạn cợt, không tuệ giác, không tiếp xúc sâu sắc trong từng giây phút của đời sống hàng ngày, nghĩa là không có năng lượng của chánh niệm. Ta đã không có chánh niệm khi nhìn, nghe, nói và làm việc trong đời sống hàng ngày. Lãng xao là quên lãng, là không duy trì chánh niệm, không thực tập miên mật. Vì sống trong thất niệm lãng quên như vậy cho nên trong mỗi giây phút ta đều chất chứa thêm vô minh và phiền não, tạo ra thêm những nỗi oán hận và sầu đau cho ta và cho người khác. Hận là sự giận hờn, sự oán thù, và sầu là nỗi buồn đau của ta và của người kia.
Có lúc tâm tư buồn chán
Mang đầy dằn vặt lo âu
Có những lúc tâm tư ta bị tràn ngập bởi cái buồn và cái chán. Buồn vì không thấy niềm vui trong sự sống, ta sinh ra chán nản không còn nghị lực để đi tới. Buồn và chán là những năng lượng tiêu cực làm ta khổ đau và không còn muốn sống. Sự liên hệ giữa ta và người kia đã trở nên quá xấu, quá khó khăn và ta cảm thấy bất lực. Ta thấy hết hy vọng và tự thấy không có khả năng sống hạnh phúc nữa. Tâm tư ta buồn và chán. Chán ở đây cũng có nghĩa là hết hy vọng, muốn bỏ cuộc. Dằn vặt là hối hận, thứ hối hận không có ích lợi. Trong 51 tâm sở có tâm sở gọi là hối. Tâm sở hối này là một tâm sở bất định, vì nó có thể hoặc tốt hoặc xấu. Hối có thể là một tâm sở thiện hoặc một tâm sở bất thiện. Nó là tâm sở thiện khi nó có nghĩa là sám, là khả năng nhận diện được những lỗi lầm và quyết tâm sẽ không lặp lại. Còn nếu chỉ là mặc cảm tội lỗi đeo sát mình làm cho ta mất hết năng lượng thì nó là một tâm sở bất thiện. Mặc cảm tội lỗi làm cho ta không còn năng lượng để tu tập. Dằn vặt ở đây là sự đau khổ gây ra do mặc cảm tội lỗi. Dằn vặt là sự dày vò. Ta bị dằn vặt bởi những lỗi lầm trong quá khứ mà không vượt thoát lên được, không làm mới lại được. Lo âu cũng là một tâm hành xấu gọi là ưu. Ta sợ hãi về tương lai, ta sợ rằng những cái không tốt đẹp, không hạnh phúc sẽ xảy ra cho ta mà ta không biết làm sao để có thể ngăn chúng xảy ra. Vì không biết cách làm mới, không biết cách chuyển hóa nghiệp cũ cho nên ta cứ mãi sống trong lo âu.
Vì không hiểu được kẻ khác
Cho nên hờn giận oán cừu
Không hiểu được tức là không thấy được những khó khăn, những khổ đau và ước vọng của người kia. Theo giáo lý Bụt dạy, ta chỉ có thể thương khi ta đã hiểu. Hiểu biết là chất liệu cho thương yêu. Ta chưa bao giờ có thì giờ để nhìn kỹ người kia để hiểu được những khó khăn, những tập khí của người ấy. Ta không thấy được môi trường giáo dục và sinh hoạt gia đình của người ấy trong quá khứ cho nên ta mới giận hờn, buồn bực người ấy về những gì người ấy đã nói, đã làm, đã phản ứng. Muốn thương ta phải thấy và phải hiểu những khó khăn, những khổ đau và những tập khí của người ta thương. Ta phải quán chiếu để thấy tại sao người ấy có những khó khăn, những khổ đau, những tập khí đó và khi hiểu rồi thì ta có thể chấp nhận được, và ta sẽ không còn phản ứng một cách giận dữ nữa. Người kia cũng vậy, vì không hiểu được ta nên cũng đã hờn giận và oán cừu. Vì vậy thương nhau trước hết là hiểu nhau. Phải cùng nhau tu tập, phải nhờ tăng thân soi sáng để có thể hiểu được nhau. Thực tập được như vậy thì ta chấp nhận được nhau và tha thứ cho nhau rất dễ.
Lý luận xong rồi trách móc
Mỗi ngày mỗi chuốc khổ đau
Chia cách hố kia càng rộng
Đó là cái vòng luẩn quẩn trong liên hệ giữa ta với người kia. Ta thường hay lý luận để đổ lỗi cho người ấy. Ta lý luận rất hay nhưng lý luận không đưa tới kết quả gì. Vậy mà ta vẫn tiếp tục lý luận. Ta chỉ muốn dùng lý luận để giải quyết liên hệ giữa ta với người kia, dù ta biết lý luận chỉ làm cho cái hố ngăn cách giữa hai bên càng ngày càng rộng. Chúng ta phải tự nói với mình là hãy chấm dứt lý luận. Ta đã lý luận bao nhiêu năm rồi mà không thành công. Chỉ có chấp nhận và tha thứ mới có thể giúp ta thay đổi và giúp được người kia. Nếu ta chuyển hóa được thì ta sẽ bớt khổ đi nhiều lắm và người kia cũng nhờ đó mà bớt khổ. Cho nên ta quyết tâm là không lý luận nữa, và nhất là không trách móc. Muốn chuyển hóa liên hệ giữa ta với người kia, muốn thiết lập lại sự truyền thông, ta phải quyết tâm bỏ cái phương pháp lý luận và trách móc. Đó cũng là một trong năm điều nguyện ước trong nghi thức đám cưới của sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn. “Chúng con nguyện tự nhắc nhở rằng sự trách móc, sự hờn giận và lý luận chỉ làm hao tổn hòa khí và không giải quyết được gì. Chúng con biết chỉ có sự hiểu biết và lòng tin cậy mới bồi đắp được hạnh phúc và sự an lạc.” Đó điều ước nguyện thứ tư. Không phải những người đang cưới nhau mới cần phát nguyện như vậy. Là những người sống chung với nhau, muốn có hạnh phúc, chúng ta cũng phải làm giống hệt như vậy. Không lý luận, không trách móc nữa vì mỗi lần lý luận, mỗi lần trách móc là mỗi lần tạo thêm khổ đau. Sở dĩ cái hố chia cách càng ngày càng rộng là vì lý luận và trách móc.
Có ngày không nói với nhau
Cũng không muốn nhìn thấy mặt
Gây nên nội kết dài lâu;
Điều này xảy ra rất thường. Thấy cái mặt dễ ghét quá, ta không muốn nói và không muốn nhìn nữa. Ta đã có nội kết với nhau. Trước kia ta đã nguyện thương yêu nhau, sống chung với nhau, chia xẻ tất cả với nhau, nhưng giờ đây cả hai không còn muốn nhìn thấy mặt nhau nữa, không muốn nói chuyện với nhau nữa. Đó là vì chúng ta đã gây quá nhiều khổ đau cho nhau. Rồi vì khổ đau quá nhiều nên ta có khuynh hướng trách móc, đổ lỗi cho nhau. Tôi khổ quá và tôi nghĩ rằng tất cả những cái khổ của tôi là do anh gây ra cho nên tôi ghét, tôi thù anh. Người kia cũng vậy. Sự chán ghét được thể hiện rõ ràng trên nét mặt mỗi người, vì vậy không muốn nhìn mặt nhau là điều tất nhiên. Nhìn nhau mà không hạnh phúc thì ta đâu muốn nhìn nữa. Không biết sử dụng ái ngữ nên khi nói với nhau ta cũng không có hạnh phúc và do đó ta không muốn nói nữa. Hai người cùng thầm lặng đồng ý với nhau là nên cùng nhìn về phía máy vô tuyến truyền hình cho đỡ khổ. Có một nhà văn Pháp tên là Antoine de Saint Exupery nói: ỀThương nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng.” Nhưng khi cả hai đều nhìn về hướng vô tuyến truyền hình và không muốn nhìn nhau nữa tức là tình trạng đã trở nên quá khó khăn. Đó là thảm kịch của không biết bao nhiêu gia đình. Có một phóng viên của tờ báo Elle, một tờ báo của phụ nữ tại Paris, tới Làng Mai sống một thời gian với các sư cô để học về phương pháp thực tập. Báo Elle bán rất chạy trong giới phụ nữ Pháp. Tôi có gặp vị ký giả này và đề nghị bà nên viết một bài thực tập để giúp cho phụ nữ Pháp. Tôi đề nghị rằng ở phòng khách của gia đình, trong khi bà với ông đang nhìn máy truyền hình, tức là cùng nhìn về một hướng, bà hãy quay về phía ông, nhìn ông và nói: “Này anh yêu của em! Anh có thể tắt cái máy truyền hình vài phút không? Em có một vài chuyện cần muốn nói với anh.” Bà phải bắt đầu sự thực tập. Cố nhiên là ông sẽ tắt máy truyền hình vì bà đã nói một cách dịu dàng khác với thường ngày. Bấy giờ, trong sự yên lặng bà nhìn ông và hỏi: “Này anh, chúng ta có phải là một cặp có hạnh phúc không?” Câu hỏi đó đã có thể được gọi là thiền rồi. Thiền là can đảm nhìn vào sự thật để tìm ra nguyên do của sự thật đó. Nhìn trực tiếp, không sợ hãi. Nhìn lại thì thấy hai vợ chồng có nhà, có xe, có tủ lạnh, có trương mục tiết kiệm, có đủ thứ, mỗi tuần có thể đi ăn tiệm một hai lần, có thể đi coi hát, vậy mà tại sao họ không có hạnh phúc? Tại vì sự liên hệ giữa hai vợ chồng đã hư xấu mất rồi, đã chứa đầy những khổ đau. Họ đã làm khổ cho nhau, đã gieo vào trong khu vườn của nhau những hạt giống rất xấu. Vì nhìn nhau và nói với nhau không có hạnh phúc cho nên cả hai phải cùng nhìn vào cái máy truyền hình cho đỡ khổ. Người đàn bà có thể hỏi một câu hỏi như thế. Này anh, chúng ta còn trẻ, chúng ta có nhiều điều kiện hạnh phúc, nhưng có thật là ta đang có hạnh phúc hay không? Nếu chúng ta không có hạnh phúc là tại vì sao? Hai chúng ta hãy thử quán chiếu lại để tìm ra những nguyên nhân của tình trạng. Nếu cả hai đồng ý rằng câu chuyện này quan trọng hơn việc coi truyền hình thì họ trở thành một cặp gọi là đồng minh trong chuyến đi tìm sự thật. Nếu thấy được sự thật là họ đã hành xử vụng dại với nhau, đã chỉ biết lý luận trách và móc nhau là họ đã thành công và họ có thể sám nguyện để bắt đầu làm mới. Làm như vậy tức là nhìn sâu để có được hiểu biết về sự thật. Có biết hiểu là có thể giúp nhau được. Nếu hai vợ chồng không có khả năng làm chuyện đó thì họ phải cần đến một người thứ ba, một người bạn. Một người bạn đã từng thực tập chánh niệm, đã từng thực tập thiền quán, đã từng thực tập hòa giải, sẽ giúp được cho hai vợ chồng trong việc thực tập làm mới. Người kia đóng vai trò của Bụt, vai trò của thầy, của thiện trí thức để giúp cặp vợ chồng này. Đôi khi không nhất thiết là cả hai vợ chồng cùng phải thực tập, có thể đọc xong bài báo là người đàn bà có thể tự mình thực tập, cộng với sự giúp đỡ khéo léo của một người bạn tu. Bởi vì sự chuyển hóa của chính mình sẽ dẫn đến sự chuyển hóa nơi người kia. Tự mình giác ngộ và từ sự giác ngộ đó mình giúp cho người bạn hôn phối của mình giác ngộ để hai vợ chồng có thể làm mới trở lại. Phải bắt đầu từ chính mình, phải học phương pháp lắng nghe với hiểu biết với từ bi, học phương pháp sử dụng ngôn từ hòa ái để có thể thiết lập lại truyền thông tại vì cả hai đều đã đánh mất khả năng lắng nghe và nói năng bằng ngôn ngữ từ ái.
Gây nên nội kết dài lâu
Nội kết là một khối đau khổ ở trong lòng. Nếu ta nhận diện được nội kết và thấy được nguyên do phát sinh ra nội kết thì đó đã là một sự giác ngộ rồi, và ta sẽ tiếp tục đi tới từ giác ngộ đó.
Nay con hướng về Tam Bảo
Ăn năn khẩn thiết cúi đầu.
Ăn năn là hối hận, là tâm sở thiện, là muốn làm mới. Con không muốn làm như vậy nữa, con muốn làm mới. Làm mới với tất cả trái tim của con. Con cúi đầu để phát nguyện với Bụt và với chính con rằng con muốn làm mới. Đó là kết thúc đoạn thứ ba nói về sám hối, làm mới về quan hệ giữa người với người.
Bây giờ chúng ta đi tới đoạn thứ tư có thể gọi là S3. Đoạn này có công năng giúp ta thấy được sự cần thiết của sự thực tập chánh niệm và sự nhận diện tập khí của riêng ta.
Đệ tử biết trong tâm thức
Bao nhiêu hạt tốt lấp vùi
Ban đầu ta nghĩ rằng trong ta chỉ có đau khổ, nhưng thật sự ta cũng đang có những hạt giống của hạnh phúc. Điều này rất là quan trọng. Đây là tuệ giác của Duy Biểu Học. Trong ta có những hạt giống xấu nhưng cũng có những hạt giống tốt, trong đó có hạt giống của đại từ, đại bi, đại hùng và đại lực.
Hạt giống thương yêu, hiểu biết
Và bao hạt giống an vui.
Nhưng vì chưa biết tưới tẩm,
Hạt lành không mọc tốt tươi.
Đây là một sự giác ngộ khác. Giác ngộ rằng trong ta có hạt tốt mà trong người kia cũng có hạt giống tốt. Người kia cũng có thể hiểu, có thể thương và cũng có thể có hạnh phúc. Nhưng trong quá khứ ta chưa bao giờ tìm cách để tưới tẩm những hạt giống ấy để chúng mọc lên và đơm hoa kết trái. Và những hạt giống tốt trong ta cũng chưa được ai tưới tẩm. Chính ta cũng không biết tưới tẩm, cho nên cả hai đều đã không có hạnh phúc. Ở Làng Mai, pháp môn tưới hoa được chỉ dạy rất thường. Ta phải tưới tẩm những hạt giống tốt mà đừng tưới tẩm những hạt giống xấu nơi ta và nơi người kia. Hai bên phải ngồi lại với nhau để ký một hiệp ước, hiệp ước sống chung an lạc. Này anh yêu của em, nếu anh thương em thì xin anh đừng tưới những hạt giống xấu nơi em. Đừng tưới tẩm hạt giống ghen tuông của em, nếu không sẽ em trở thành ra một bà chằng rất khó chịu. Không những em khổ mà em sẽ làm cho anh khổ. Trái lại, xin anh tưới giùm cho em mỗi ngày những hạt giống tốt trong em, hạt giống hiểu biết và thương yêu, những hạt giống của hạnh phúc. Em cũng có thể hiểu, có thể thương, có thể có hạnh phúc và như vậy anh cũng sẽ có hạnh phúc. Phương pháp này gọi là phương pháp tưới tẩm hạt giống một cách khôn khéo (selective watering). Ta biết là ta đang tưới hạt giống nào. Mỗi cái nhìn, mỗi hành động, mỗi lời nói đều có thể có tác dụng tưới tẩm hạt giống tốt nơi người khác. Chú ý để đừng tưới tẩm những hạt giống xấu nơi người kia. Chỉ tưới tẩm những hạt giống nơi người ấy tốt thôi, ta sẽ có hạnh phúc ngay. Nếu tưới tẩm có chánh niệm thì chỉ cần một ngày hoặc hai ngày người kia cũng đã thay đổi. Tôi xin cam kết rằng tưới tẩm một giờ đồng hồ cũng đủ cho quý vị thấy được kết quả tốt. Khi trồng hướng dương, trồng bưởi, trồng quít ta phải tưới nhiều tháng nhiều năm mới có hoa trái. Nhưng người kia rất nhạy cảm, ta chỉ cần tưới một giờ hoặc hai giờ đồng hồ là ta đã có hoa trái. Chúng ta tưới hoa bằng những lời nói dịu dàng, những hành động săn sóc, bằng ánh mắt thương yêu, bằng tuệ giác của ta. Tưới hoa ở đây không có nghĩa là nịnh nọt. Đây là nói lên sự thật, nói ra những điều tốt đẹp nơi người kia. Người kia thế nào cũng có những hạt giống tốt, những tài năng và khả năng làm hạnh phúc cho người và cho mình. Ta chỉ công nhận những hạt giống đó và tưới tẩm những hạt giống đó.
Tôi nhớ có lần một cặp vợ chồng ở Bordeaux về dự Phật Đản ở đây. Trong buổi pháp thoại, tôi đã giảng về phương pháp tưới tẩm hạt giống. Bà vợ khóc, hai con mắt đỏ hoe. Sau pháp thoại và thiền hành, tôi nói riêng với ông ấy “Bông hoa của anh héo rồi, anh phải tưới mới được.” Sau lễ Phật Đản, hai vợ chồng trở về Bordeaux. Người đàn ông nghe lời thầy vừa lái xe vừa thực tập tưới tẩm. Từ Làng Mai về Bordeaux đi xe hơi chỉ cần chừng một giờ hai mươi phút. Về tới Bordeaux, người đàn bà trở thành rất tươi mát. Mấy đứa con ngạc nhiên quá vì khi mẹ đi thì héo như thế mà đến khi về thì tươi như thế. Ba đưa mẹ đi và đem về cho các con một bà mẹ rất mới, rất tươi mát và hạnh phúc. Chỉ có hơn một giờ tưới hoa thôi mà kết quả đã tốt như vậy. Ta chỉ cần nói sự thật tích cực. Ta tưới hoa cho người đó và ta cũng đồng thời phải tưới hoa cho ta. Trong khi đi thiền, ngồi thiền, nấu cơm, giặt áo, tụng kinh, niệm Bụt, lễ lạy, nghe pháp và nói chuyện chúng ta hãy tưới tẩm những hạt giống tốt của chính mình và của người khác. Mỗi khi phát hiện rằng hạt giống xấu đang được tưới tẩm và phát triển, ta phải tìm cách ngăn chặn và quay sang tưới tẩm và chăm sóc những hạt giống tốt liền lập tức. Trong ta cũng có khả năng hiểu biết, thương yêu và hạnh phúc. Ta cần phải tưới mỗi ngày. Sự tưới tẩm đó ta áp dụng cho người kia và áp dụng cho ta. Ta phải có can đảm ngăn chặn sự tưới tẩm những hạt giống xấu và ngăn chặn một cách khéo léo, bằng lời ái ngữ kèm theo sự thương yêu. Cả hai vợ chồng đều cần tưới hoa cho nhau. Bởi vì nếu người này có hạnh phúc thì người kia cũng sẽ có hạnh phúc. Cả hai bên cùng ký với nhau một hiệp ước. Ta cũng ký hiệp ước với sư chị, với sư anh, với sư em của ta. Ký hiệp ước với cha, với mẹ ta và với người bạn hôn phối của ta. Đó có phải là lời nguyện mà chúng ta đã nói trong buổi ban đầu hay không?
Cứ để khổ đau tràn lấp
Làm cho đen tối cuộc đời
Quen lối bỏ hình bắt bóng
Đuổi theo hạnh phúc xa vời
Tâm cứ bận về quá khứ
Hoặc lo rong ruổi tương lai
Quanh quẩn trong vòng buồn giận
Xem thường bảo vật trong tay
Dày đạp lên trên hạnh phúc
Tháng năm sầu khổ miệt mài.
Những câu trên đây nói về sự tu tập. Ta sống như thế nào để có hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Đây là trái tim của sự thực tập chánh niệm. Trong quá khứ ta cứ nghĩ là hạnh phúc không thể nào có mặt trong hiện tại. Ta phải đi tìm hạnh phúc trong tương lai. Vì nghĩ rằng những điều kiện của hạnh phúc bây giờ chưa có đủ nên ta mới chạy đi tìm chúng trong tương lai. Hoặc là ta tiếc nuối quá khứ. Trong khi đó giáo lý của Bụt dạy là hiện pháp lạc trú. Nếu chúng ta trở về giây phút hiện tại để nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt thì tự nhiên hạnh phúc tới liền lập tức. Nếu ta không có khả năng an trú trong hiện tại thì ta sẽ dày đạp lên những điều kiện của hạnh phúc đang có mặt. Ta sẽ quanh quẩn trong vòng buồn giận, xem thường bảo vật trong tay. Bảo vật tức là những điều kiện quí báu mà ta đang có, như tuổi trẻ, như hai mắt còn sáng, đôi chân còn khỏe mạnh của mình. Tất cả những cái đó đều có khả năng giúp ta có hạnh phúc. Trở về giây phút hiện tại, ta nhận ra những yếu tố của hạnh phúc đang có mặt chung quanh ta. Nếu ta nhận diện được những điều kiện hạnh phúc đang có mặt trong hiện tại thì ta sẽ không dày đạp lên trên những điều kiện hạnh phúc đó và tháng năm sẽ không sầu khổ miệt mài như trong quá khứ. Vì vậy những câu này là ánh sáng chiếu soi cho ta để ta biết chấm dứt chuyện bỏ hình bắt bóng, kẹt vào quá khứ, rong ruổi về tương lai, biết trở về với hiện tại để nhận diện hạnh phúc đang có thật trong hiện tại.
Gìờ đây trầm xông bảo điện
Con nguyện sám hối đổi thay.
Sám hối cũng có nghĩa là đổi thay, đổi thay cũng có nghĩa là sám hối. Tóm lại trong đoạn S3 này, chúng ta được học là phải thực tập như thế nào, phải làm như thế nào để không gây ra khổ đau nữa. Dùng ánh sáng chánh niệm chiếu vào để thấy rõ ràng rằng là chúng ta cần phải thực tập tưới tẩm những hạt giống tốt đẹp ở trong ta và trong người kia. Chúng ta cần phải trở về để học sống trong giây phút hiện tại, nhận diện được những điều kiện hạnh phúc đang có mặt để có thể sống theo phương pháp Bụt dạy là hiện pháp lạc cư, sống hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, không cần phải có thêm một điều kiện nào nữa. Những điều kiện chúng ta đang có là đủ để có hạnh phúc rồi.
Hai đoạn tiếp theo chúng ta gọi là N1 và N2. N tức là nguyện. Sau khi đi qua phần thực tập sám, ta đi tới phần nguyện. Trong hai đoạn này ta sẽ thấy rõ cái gì cần phải làm, ta mở lời thề nguyện cam kết với ta, cam kết với Bụt, cam kết với người kia, dầu người kia không có mặt ở đó, là ta sẽ làm theo lời nguyện này. Phần thứ nhất có thể gọi là N1 và phần thứ hai gọi là N2. Phần thứ nhất N1 chú trọng về năng lượng của tha lực và N2 chú trọng tới năng lượng của tự lực. Nguyện tức là mong ước, là quyết tâm, là cầu thỉnh. Trong phần N1 này chúng ta mong ước và cầu thỉnh Tam Bảo Bụt, Pháp và Tăng yểm trợ để chúng ta có thể làm mới được một cách hữu hiệu. Nguyện là một năng lượng rất lớn trong con người chúng ta, với năng lượng đó chúng ta có thể làm được rất nhiều chuyện. Khi ta đã thấy được con đường và quyết tâm đi trên con đường đó, trong người chúng ta sinh ra rất nhiều năng lượng. Sám có công năng làm phát sinh năng lượng của Nguyện trong ta. Thực tập sám mà năng lượng của nguyện tràn đầy trong con người thì đó là thực tập thành công.
Đệ tử tâm thành quy ngưỡng
Hướng về chư Bụt mười phương
Cùng với các vị Bồ Tát
Thanh văn, Duyên giác, Thánh hiền
Chí thành cầu xin sám hối
Sự thực tập sám hối của chúng ta được đặt trong khung cảnh của sự chứng minh, hộ niệm và nâng đỡ của chư Bụt và chư Bồ tát. Các vị Bụt và các vị Bồ tát ngày xưa cũng đã từng làm ra lầm lỡ và các vị cũng đã biết ngưng lại, làm mới và phát nguyện đi trên con đường sáng ngời. Chúng ta hôm nay cũng làm như thế. Đã từng gây ra những lầm lỡ, bây giờ chúng ta quyết định chấm dứt những lầm lỡ đó và bắt đầu làm mới. Chúng ta cũng làm như chư Bụt và chư Bồ tát ngày xưa đã từng làm, sự kiện đó đưa chúng ta lại gần Bụt và Bồ tát, vì chúng ta là đương sự. Trong khung cảnh sám hối, ta thiết lập được liên hệ truyền thông với tất cả vị Bụt và Bồ tát trong ta và chung quanh ta. Năng lượng của ta là năng lượng cá nhân nhưng đồng thời cũng là năng lượng của tập thể, hai loại năng lượng nương vào nhau mà hình thành cũng giống như là cộng nghiệp và biệt nghiệp. Một cá nhân đang thực tập trong Tăng thân có thể chế tác năng lượng, nhưng Tăng thân cũng đang chế tác năng lượng. Nếu phối hợp được năng lượng của cá nhân vào năng lượng của Tăng thân và thừa hưởng được năng lượng ấy thì sự thành công sẽ rất lớn lao. Ta đóng góp vào năng lượng của Tăng thân bằng sự thực tập cá nhân và ta thừa hưởng năng lượng Tăng thân để cho năng lượng cá nhân được lớn. Tự lực luôn luôn đi đôi với tha lực, trong tự lực có tha lực, trong tha lực có tự lực. Vì vậy đoạn N1 tuy nói về tha lực nhưng cũng có phần tự lực và đoạn N2 tuy nói về tự lực nhưng cũng có phần tha lực; tự lực và tha lực ôm lấy nhau.
Cùng với các vị Bồ tát
Thanh văn, Duyên giác, Thánh hiền
Chúng ta đang hướng về chư Bụt mười phương. Các bậc giác ngộ bằng xương bằng thịt đang có mặt. Bụt là một vị Bồ tát và Bồ tát là một vị Bụt hiện tại hoặc tương lai. Bồ tát là những hữu tình, những chúng sanh, những con người đang thực tập giác ngộ, đang đi tới quả vị giác ngộ. Giác hữu tình hay hữu tình giác. Bồ tát là tiếng gọi tắt của Bồ Đề Tát Đỏa, Bodhisattva, có hai nghĩa: giác hữu tình và hữu tình giác, một chúng sanh đã giác ngộ và đang giúp người khác giác ngộ. Thanh văn tức là đoàn thể của những người xuất gia được trực tiếp nghe Bụt giảng dạy và hướng dẫn tu học. Duyên giác là các bậc tu hành không cần nghe giảng dạy khai thị mà vẫn có thể tự mình quán chiếu nguyên lý duyên sinh mà giác ngộ, có khi gọi là độc giác, tức là tự giác ngộ không cần có sự khai thị giúp đỡ của người khác. Thánh hiền tức là những bậc giác ngộ nằm trong phạm trù bốn đôi và tám bậc giải thoát. Đó là những người đã và đang đi trên con đường tới quả thứ nhất hay là đã đạt được quả thứ nhất, những người đang đi trên con đường đi tới quả thứ hai và những người đã đạt tới quả thứ hai, những người đang đi trên con đường tới quả thứ ba và những người đã đạt tới quả thứ ba, những người đang đi trên con đường tới quả thứ tư và những người đã đạt tới quả thứ tư tức là quả A La Hán. Đó gọi là bốn đôi, chia ra thành tám bậc thánh quả, tất cả đều gọi là Thánh hiền. Quả gần nhất là Nhập Lưu hay là Dự Lưu, tham dự vào trong dòng thánh. Khi thọ giới, bắt đầu thực tập niệm, định và tuệ thì ta đã được tham dự vào dòng thánh quả, tuy chưa đạt được quả thứ nhất nhưng đang đi trên con đường tới quả thứ nhất. Dự Lưu là tham dự vào dòng sông giác ngộ đang tuôn chảy về biển giác ngộ. Dự lưu cũng được gọi là Nhập lưu. Dự là tham dự. Nhập là đi vào. Chúng ta ít nhất cũng là những người đã tham dự vào dòng giác ngộ và đang được gọi là nhập lưu hướng. Khi đã hoàn toàn có mặt trong dòng sông đang xuôi chảy về biển cả thì ta sẽ đạt tới quả Dự lưu. Ai cũng là dự lưu hướng cả, nhưng có người đã đạt thành dự lưu quả, biết rõ ràng mình không bao giờ còn đi lui trở lại. Ví dụ chúng ta đi ra Ga St Foy la Grande, để lấy vé tàu TGV đi Paris. Chúng ta có nguyện là đi tới Paris, tuy chưa leo lên tàu nhưng ta biết rằng ta sẽ leo lên tàu, tại vì ta đã có vé rồi và có chủ định muốn đi Paris. Nếu có ai mời ở lại uống trà hoặc đi chơi ta cũng không ở lại. Không ai kéo ta ra khỏi việc đi Paris được là vì trong ta đã có nguyện và có năng lượng đi Paris. Khi đã leo lên tàu TGV, ta biết xe lửa này sẽ tới Paris trong vòng ba giờ đồng hồ và khi xe bắt đầu chuyển bánh thì ta đã bắt đầu nhập lưu nghĩa là sẽ không trở lui nữa. Tham dự vào rồi thì sớm muộn gì cũng tới. Nhập lưu hướng thế nào cũng đưa tới nhập lưu quả. Với quyết tâm đó chúng ta tham dự vào dòng thánh. Nếu tu học tinh chuyên ta sẽ đạt tới cả bốn quả. Tăng thân gồm những người thuộc về bốn đôi và tám bậc thánh quả, có những người đã đạt tới quả A La Hán. Ở đây chữ Thánh hiền có nghĩa là những bậc nằm trong bốn đôi và tám quả. Thanh văn, Duyên giác, Thánh hiền cũng là những người đã từng làm ra lầm lỗi và đã từng sám hối, đã từng phát nguyện và đã tu học thành công. Chúng ta giờ đây cũng đi theo bước chân họ.
Chí thành cầu xin sám hối
Chí thành là với tất cả sự thành thật và sự khẩn thiết ở mức độ cao nhất. Xin các vị chứng minh cho con. Ngày hôm nay con nguyện làm mới, nguyện không làm lặp lại những điều lỡ lầm ngày xưa, xin quý vị hãy chứng minh và yểm trợ cho con. Chúng ta cầu tới năng lượng của Thánh hiền và của Tăng thân để chúng ta có thể làm trọn việc này. Tăng thân của chúng ta là một thực tại, không phải là một ý niệm mơ hồ, gồm có những người đã từng làm lầm lỡ nhưng đã từng sám hối, phát nguyện và đang đi trên con đường chuyển hóa và giác ngộ, Tăng thân là chuyện có thật. Nương vào năng lượng này không phải là chuyện cầu xin mê tín. Ngồi trong Tăng thân ta thấy vững chãi hơn là khi ngồi một mình. Tại sao vậy? Tại vì Tăng thân phát ra năng lượng và khi ngồi trong Tăng thân ta tiếp nhận được năng lượng đó. Chúng ta có Tăng thân địa phương và cũng có Tăng thân mười phương. Trong Tăng thân địa phương có thể có những người đã đạt tới thánh quả và trong Tăng thân mười phương chắc chắn có rất nhiều người đạt tới thánh quả trong đó có quả vị La Hán, quả vị Bồ tát, quả vị Bụt. Chúng ta phải biết lợi dụng sự có mặt của Tăng thân trong mười phương, nương vào năng lượng của Tăng thân ấy để ta có thể đi mau trong việc chuyển hóa và trị liệu. Cũng như khi ta có quyết tâm đi Paris, ta sẽ đi Paris bằng cách này hay cách khác. Có những chiếc tàu chợ có thể dừng tại nhiều ga nhưng có những chiếc tàu như TGV đưa chúng ta tới rất mau chóng. Tăng thân cũng như vậy, trong Tăng thân có những vị Bụt và Bồ tát có khả năng giúp đỡ ta tới được mục đích giác ngộ và giải thoát rất mau. Bụt, Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác và Thánh hiền là những thực tại có thật trong cuộc đời, là những người đã từng đau khổ, đã từng sám hối và phát nguyện. Vì vậy trong sự thực tập chúng ta phải biết lợi dụng năng lượng của các vị ấy trong mười phương. Đó là ý nghĩa của phần N1 này; nương vào năng lượng của tha lực để thực tập. Trong ánh sáng của năng lượng đó ta muốn được chứng minh là ta đã quyết tâm làm mới lại và sẽ không lặp lại những lỗi lầm ngày xưa. Ta cần sự chứng minh của Tăng thân và của chư Bụt, chư Bồ tát và chư Thánh hiền. Điều này rất là quan trọng, vì tuy một mình ta, ta cũng có thể làm mới và có thể phát nguyện được, nhưng khi ta phát nguyện và làm mới trong sự có mặt của một Tăng thân lớn gồm có Bụt, Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác và Thánh hiền thì năng lượng sẽ tăng lên gấp bội. Cũng như khi chúng ta tiếp nhận Năm Giới quý báu với sự có mặt và chứng minh của một Tăng thân đông đảo thì năng lượng của Năm Giới phát hiện hùng hậu ở trong ta. Ở ngoài đời mỗi khi làm đám cưới người ta mời bạn bè tới để chứng kiến sự phối hợp. Sự có mặt của đông đảo bạn bè và gia đình hai bên là năng lượng giúp cho sự cam kết của họ được vững mạnh. Ở đây cũng vậy, sự tu hành, sự phát nguyện của ta cần được đặt dưới sự chứng minh và hỗ trợ của chư Bụt, Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác và Thánh hiền. Vì vậy sám hối và phát nguyện trong khung cảnh của Tăng thân thì ta mới dễ thành công. Tăng thân địa phương và Tăng thân mười phương có mặt cùng khắp ở trong vũ trụ cho chúng ta.
Chí thành cầu xin sám hối
Bao nhiêu lầm lỡ triền miên
Xin lấy cam lồ tịnh thủy
Tưới lên dập tắt não phiền
Triền là trói lại, buộc lại, miên là kéo dài. Trong quá khứ ta đã gây ra lầm lỡ nhưng không phải một lần, mà nhiều lần. Vì ta đơn độc nên thất bại này đã đi theo thất bại khác. Bây giờ nhờ có Tăng thân nên ta được nâng đỡ, ta có thể chấm dứt được những lầm lỡ đó và chúng sẽ không còn kéo dài. Chư Bụt, chư Bồ tát, La hán, Thanh văn và Duyên giác có sự thanh tịnh, có lòng từ bi; đó là chất liệu cam lộ tịnh thủy ở trong lòng của quý vị. Đó là đại trí và đại bi, đó là nước mầu nhiệm. Chúng ta mở trái tim mình ra để xin chư Bụt, chư Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác, Thánh hiền rưới vài giọt nước cam lộ ấy vào trong trái tim đang nóng hổi bốc cháy của ta. Trái tim ta tự nhiên dịu lại. Cam lồ tiếng Phạn là amrta, có khả năng dập tắt phiền não, có khả năng làm cho cây khô héo trở thành cây xanh tươi, làm cho một người chán chường trở nên người có năng lượng, biến sự chết thành sự sống. Thiền đường trong đó chúng ta đang ngồi tên là thiền đuờng Cam Lộ.
Xin lấy con thuyền chánh pháp
Đưa con vượt nẻo oan khiên
Chúng ta thường chìm đắm trong biển khổ đau và sinh tử. Tăng thân và đoàn thể các vị Bụt, Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác và Thánh hiền là chiếc thuyền giúp ta vượt biển khổ đau và sinh tử đó. Khi có thuyền, ta chắc chắn sẽ không còn bị chìm đắm trở lại. Chừng nào còn nương vào Tăng thân thì chừng đó ta còn có thuyền.Giờ phút ta rời Tăng thân là ta rời bỏ chiếc thuyền, đánh mất năng lượng bảo hộ vững chắc và những nguy hiểm chìm đắm có thể xảy ra. Vì vậy ai cũng phải quay về nương tựa Tăng thân.
Tăng thân đang thực tập theo chánh pháp, vì vậy Tăng thân cũng là con thuyền chánh pháp. Sự thực tập của ta mà yếu đi thì ta có thể chìm đắm, nhưng con thuyền Tăng thân có đủ vững chãi để chuyên chở ta. Trong quá khứ ta đã đi về những nẻo khổ đau oan ức, nhiều khi ta không mở miệng mà diễn tả được những oan khổ ấy; bây giờ nhờ có con thuyền Tăng thân mà ta ra khỏi vùng tủi nhục, oan ức và hệ lụy để đi tới nơi hạnh phúc và tự do. Vì vậy tha lực trước hết được ví như cam lộ tịnh thủy có khả năng dập tắt những não phiền trong tâm, rồi lại được ví như một chiếc thuyền chở chúng ta ra khỏi nẻo hệ lụy và oan khiên. Tất cả chúng ta ai cũng đều cần tới tha lực ấy.
Xin nguyện sống đời tỉnh thức
Học theo đạo lý chân truyền
Đây là lời hứa của chúng ta. Ta đem tự lực này cầu tha lực kia. Cũng như đài phát thanh đang phát ra những chương trình, và tín hiệu của đài phát thanh có mặt khắp nơi trong không gian, nhưng ta phải có một máy thu thanh mở đúng luồng sóng điện thì mới nhận được tín hiệu và nghe được những buổi phát thanh. Ở đây cũng vậy, năng lượng của chư Bụt, chư Bồ tát và chư Thánh hiền đang phát ra rất hùng hậu và chúng ta phải đem máy thu thanh của chúng ta ra, tức là sự thực tập tự lực, thì mới có thể tiếp thu được những nguồn năng lượng ấy. Do đó phần tự lực rất quan trọng. Không có chút tự lực nào thì ta không thể nào hưởng được năng lượng của Bụt và Bồ tát. Niệm Bụt, đi thiền hành, thực tập chánh niệm là ta đặt ta vào trong vùng năng lượng của Bụt và Bồ tát để tiếp nhận được năng lượng lớn của Bụt và Bồ tát. Bụt và Bồ tát không phải là những thần linh trong tưởng tượng, đó là những người bằng xương bằng thịt đã và đang sống quanh ta, những người đã từng đau khổ, đã từng tu tập và đã thoát ra khỏi những khổ đau đó. Mỗi khi ta có niệm, định, tuệ và hướng về nguồn năng lượng của các vị thì ta tiếp nhận được năng lượng ấy. Nhờ tự lực ta tiếp nhận được tha lực, và tha lực ôm lấy tự lực, do đó tha lực với tự lực nương vào nhau mà có mặt.
Xin nguyện sống đời tỉnh thức
Học theo đạo lý chân truyền
Vì lâu nay sống thất niệm nên ta đã bỏ rơi rớt mất đi những gì quý báu đã được tổ tiên trao truyền lại. Có một nền đạo lý đã được truyền lại cho ta từ 2600 năm về trước, đạo lý đó là truyền thống của Bụt Thích Ca Mâu Ni. Đạo lý ấy đã được nhiều thế hệ truyền lại một cách chân chính, không bị bóp méo, không bị biến hình. Cốt tủy của giáo lý đó vẫn còn nguyên vẹn, không bị hiểu lầm và xuyên tạc, nên gọi là chân truyền.
Thực tập nụ cười hơi thở
Sống đời chánh niệm tinh chuyên
Thực tập hơi thở và nụ cười chánh niệm trong đời sống hàng ngày là chuyện mà tất cả chúng ta đều có thể làm. Trong những tư thế đi, đứng, nằm, ngồi và làm việc ta đều có thể đặt ta vào trong chánh niệm. Có niệm có định thì thế nào cũng có tuệ. Nhờ vậy mà chúng ta dự được vào dòng thánh, tiếp nhận được năng lượng của Bụt và Bồ tát. Tinh chuyên có nghĩa là không lười biếng.
Bây giờ chúng ta đi sang đoạn chót của bài Sám Nguyện, đoạn N2, là sự thực tập phát nguyện nương nhiều vào tự lực. Chúng ta sẽ thấy rõ ràng những điều mà chúng ta phát nguyện, làm theo và sống theo.
Đệ tử xin nguyền trở lại
Sống trong hiện tại nhiệm mầu
Đây là lời phát nguyện muốn buông bỏ những luyến tiếc hay ray rứt về quá khứ, những lo lắng và sợ hãi về tương lai. Có những lúc ta sống mà cứ luyến tiếc về quá khứ, tự hỏi tại sao mặt trời trong quá khứ đẹp hơn bây giờ, đời sống trong quá khứ đẹp hơn bây giờ. Đó là tâm trạng của những người luyến tiếc quá khứ, không tin rằng sự sống trong giây phút hiện tại cũng đẹp và cũng đáng sống. Thái độ sống đó không phải là thái độ sống của người có chánh niệm. Lại có lúc ta nghĩ rằng chỉ có trong tương lai ta mới hy vọng có hạnh phúc, ta chạy đi tìm hạnh phúc ở tương lai. Đó cũng là một thái cực khác mà chúng ta cần phải buông bỏ. Sự thực tập của chúng ta là hiện pháp lạc trú (drstadharma sukhavihara). Nguyên tắc đầu tiên là phải trở lại sống trong giây phút hiện tại. Nếu ta trở về được trong giây phút hiện tại, thân tâm nhất như, thì ta sẽ tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống có mặt trong giờ phút hiện tại. Mặt trời cũng còn sáng rỡ, bầu trời vẫn xanh, chim vẫn hót và những phép lạ của sự sống vẫn còn có trong ta và chung quanh ta. Ta trở về với hiện tại thì ta tiếp xúc được với sự sống. Ta phải làm chuyện đó trong mỗi giây phút của đời sống hàng ngày. Đây không phải là một sự hứa hẹn. Ngồi trong thiền đường, ta phải có an lạc hạnh phúc ngay trong khi ngồi trong thiền đường. Khi ăn cơm ta phải có an lạc ngay trong khi ăn cơm. Làm thức ăn sáng cho Đại chúng hay rửa bát, ta phải có mặt trong những giây phút đó để cho giây phút đó trở thành niềm vui. Bất cứ ngày nào cũng phải là một ngày hội, bất cứ giờ nào trong đời sống hàng ngày cũng là để ca ngợi, để ăn mừng sự sống, thì hạnh phúc sẽ có mặt liền lập tức. Tiếp xúc với sự sống, đó là phương pháp của chúng ta. Chúng ta tiếp xúc với sự sống trong khi ngồi thiền, khi đi thiền hành, rửa bát, nấu cơm, giặt rửa, trong khi thở, trong khi nói cười. Mỗi giây phút ta đều tiếp xúc được với sự sống. Đây là điều ta có thể làm được với điều kiện là ta buông bỏ được quá khứ, buông bỏ được những nỗi sợ hãi lo lắng và hy cầu về tương lai. Chỉ có khi nào hiện tại khổ quá ta mới hy cầu về tương lai mà thôi, nếu hiện tại có hạnh phúc thì tại sao ta phải hy cầu tương lai? Bỏ hiện tại tức là bỏ sự sống, tại vì sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại mà thôi.
Vườn tâm ươm hạt giống tốt
Vun trồng hiểu biết thương yêu
Tâm ta là một khu vườn và trong khu vườn phì nhiêu đó mỗi ngày ta nên ươm trồng hạt giống tốt, hạt giống của hiểu biết, của thương yêu, của tha thứ. Chuyện này ta thực tập hàng ngày. Ta đọc sách là để vườn tâm của ta được tiếp nhận những hạt giống tốt, còn nếu đọc sách mà để cho những hạt giống của nghi ngờ, chán nản và buồn bã rơi vào trong tâm thức thì đó là chúng ta đã làm không đúng. Nói chuyện cũng vậy, trong khi nghe một người bạn nói chuyện mà những hạt giống của sự bực bội, chán nản và nghi ngờ được gieo vào trong tâm thức là ta không làm đúng theo phương pháp vườn tâm ươm hạt giống tốt. Nói chuyện thị phi của người khác rất dễ gieo vào tâm thức ta những hạt giống xấu. Trong khi sử dụng máy vô tuyến truyền hình, sách vở, nghe những câu chuyện hàng ngày, ta có thể gieo vào tâm những hạt giống xấu hoặc những hạt giống tốt. Chúng ta quyết tâm chỉ gieo những hạt giống tốt mà thôi. Hai hạt giống tốt quan trọng nhất có trong ta là hạt giống hiểu biết và hạt giống thương yêu. Chúng ta phải tưới tẩm chúng mỗi ngày.
Ta thực tập như một người làm vườn, chịu trách nhiệm về khu vườn của mình. Ta nhất định không gieo vào vườn tâm những hạt giống của sự nghi ngờ, buồn phiền và ganh tị. Mỗi lời nói, mỗi hành động của người kia có thể gieo vào trong vườn tâm của ta những hạt giống xấu. Chúng ta là những người cùng thực tập với nhau, ta phải cam kết với nhau là sẽ chỉ gieo cho nhau những hạt giống tốt, trước hết là hạt giống hiểu biết và thương yêu. Em sẽ giúp chị vun trồng những hạt giống hiểu biết và thương yêu nơi chị, chị sẽ giúp em vun trồng và tưới tẩm những hạt giống hiểu biết và thương yêu nơi em. Hai chị em thực tập như vậy là hai chị em làm ra hạnh phúc cho tất cả mọi người. Nguyên tắc thực tập là thế.
Xin nguyện học phép quán chiếu
Tập nhìn tập hiểu thật sâu
Thấy được tự tánh các pháp
Thoát ngoài sinh tử trần lao
Bốn câu này nói về pháp nhìn sâu, là bản chất và cốt lõi của thiền tập. Thiền tập gồm có hai phần, chỉ và quán; chỉ là dừng lại, quán là nhìn sâu vào đối tượng để thấy được bản chất đối tượng thiền quán của mình. Hai câu đầu trong phần N2 là hiện pháp lạc trú:
Đệ tử xin nguyền trở lại
Sống trong hiện tại nhiệm mầu
Đó là lời phát nguyện, là một quyết tâm thực hiện, quyết tâm sống sâu sắc trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. Sống tỉnh thức, còn nếu để cho quá khứ ám ảnh, tương lai lôi kéo thì chúng ta không đi theo được lời phát nguyện và sự hành trì của chúng ta. Hai câu kế tiếp:
Vườn tâm ươm hạt giống tốt
Vun trồng hiểu biết thương yêu
Nói về phép tưới tẩm hạt giống tốt, đặc biệt là hạt giống thương yêu và hiểu biết. Bốn câu tiếp theo:
Xin nguyện học phép quán chiếu
Tập nhìn tập hiểu thật sâu
Thấy được tự tánh các pháp
Thoát ngoài sinh tử trần lao
Thuộc về quán chiếu: tập trung tâm ý và nhìn sâu. Khi thực tập sống mỗi giờ phút trong chánh niệm ta chế tác năng lượng của chỉ. Và khi dùng định lực và ánh sáng chánh niệm chiếu vào đối tượng là ta thực tập nhìn sâu. Đó là quán. Sự thực tập chánh niệm giúp cho chúng ta sống từng giây phút của đời sống hàng ngày một cách sâu sắc. Tưới cây, làm vườn, ăn cơm, giặt áo, lau nhà đều phải làm trong chánh niệm để chúng ta có thể sống được sâu sắc những giây phút trong đời sống hàng ngày. Thực tập như vậy thì niệm lực và định lực của ta sẽ mạnh. Khi niệm và định mạnh rồi thì chúng ta có thể nhìn sâu để thấy rõ được tự tánh của các pháp. Tự tánh của các pháp là vô thường, vô ngã và niết bàn. Nhìn vào bất cứ hiện tượng nào như là cơ thể của ta hay là cái buồn, cái giận, bông hoa hay đám mây mà có niệm và định thì ta có thể thấy được tự tánh của các pháp. Trước hết là tự tánh vô thường, rồi tới tự tánh vô ngã và sau hết là tự tánh niết bàn. Niết bàn tức là tự tánh không sinh không diệt. Chỉ khi nào thấu hiểu được, tiếp xúc được với tự tánh không sinh không diệt thì ta mới đạt tới giải thoát hoàn toàn. Bốn câu này nói rõ chương trình tu học của ta. Đó là quán chiếu. Chúng ta quán chiếu không phải chỉ trong giờ ngồi thiền. Chúng ta thực tập quán chiếu khi ta nấu cơm, rửa bát, giặt áo hoặc tưới cây. Tại vì chính trong những hành động đó mà chúng ta thực tập niệm và định. Có niệm và có định thì thế nào cũng có tuệ nghĩa là có kết quả của sự quán chiếu. Tuệ là hoa trái của quán chiếu. Tuệ giác là cái thấy sâu sắc về tự tánh của các pháp. Đó là lý do căn bản để chúng ta sống cuộc đời của người tu. Thấy được tự tánh các pháp rồi thì mới thoát ngoài sinh tử trần lao. Trần là bụi bặm. Lao là sự khổ nhục, sự giam giữ làm ta mất hết năng lượng, gây ra mệt mỏi và ràng buộc. Giam hãm trong cuộc đời đầy bụi bặm gọi là trần lao. Ta trôi lăn trong sinh tử. Mục đích của sự tu học là thoát ngoài vòng sinh tử, vòng ràng buộc, đạt tới hiểu biết lớn và thương yêu lớn. Thấy được tự tánh các pháp rồi thì tự nhiên ta sẽ thoát ra khỏi vòng sinh tử và trần lao.
Nguyện học nói lời ái ngữ
Thương yêu chăm sóc sớm chiều
Đem nguồn vui tới mọi nẻo
Giúp người vơi nỗi sầu đau.
Bốn câu kế tiếp này nói tới kết quả của sự thực tập của ta đối với những người khác, nói tới chí hướng độ người và gây hạnh phúc cho người. Xin nguyện nói lời ái ngữ. Ai cũng có thể nói lời ái ngữ được, nói lời ái ngữ thì tự nhiên đời sống tươi đẹp lên liền lập tức, giống như một phép lạ vậy. Trong ca dao Việt Nam có câu:
Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Ta không cần mất công sức gì nhiều, chỉ cần học nghệ thuật nói lời ái ngữ là đã có thể tạo ra không biết bao nhiêu hạnh phúc ở trong gia đình, trong xã hội hoặc trong đoàn thể tu học của mình. Ta phải viết vào trong nhật ký, phải phát nguyện là mỗi ngày sẽ nói lời ái ngữ bao nhiêu lần. Nếu liên hệ giữa ta với người kia không được tốt lắm thì nhất định ta phải tập nói ái ngữ với người ấy nhiều hơn cho đến khi mối liên hệ trở nên tốt đẹp. Chuyện này ai cũng có khả năng làm. Thương yêu người khác không phải là chỉ nói ở ngoài miệng. Thương yêu còn phải được biểu lộ trong sự chăm sóc hằng ngày nữa. Ta thương anh, thương em, thương chị ta thì phải tỏ lộ được sự thương yêu và sự chăm sóc ấy. Ta phải quán chiếu để hiểu những khổ đau của người kia và nếu ta hiểu được những khổ đau của người ấy rồi thì ta sẽ không còn vô tình hoặc dại dột mà cứ chạm vào những hạt giống khổ đau của người ấy. Tránh không động chạm vào những khổ đau, trái lại ta phải giúp người ấy tiếp xúc với những hạt giống hạnh phúc có mặt trong chiều sâu tâm thức của người ấy.
Đem nguồn vui tới mọi nẻo
Giúp người vơi nỗi sầu đau.
Đây là chuyện hiện tại, không phải là chuyện tương lai. Ta đang thực tập trong hiện tại. Nhiều khi ta không cần phải đi đâu xa vì những người khổ đau đã tìm tới với chúng ta. Khi có một người khổ đau tìm tới thì ta lại có một cơ hội để giúp người bớt khổ. Đừng nghĩ rằng những người khổ toàn là những người dễ thương, nói rất dễ thương và làm rất dễ thương. Bởi vì nếu họ đã biết nói dễ thương và làm dễ thương thì họ đâu đã bị khổ đau đến nước ấy. Tại vì họ đã nói không dễ thương và làm không dễ thương cho nên họ mới có nhiều khổ đau. Nhiều khổ đau cho nên họ mới tìm tới chúng ta. Vì vậy chúng ta cần giúp họ. Những người nói dễ thương và làm dễ thương đâu cần ta giúp, tại vì thân, khẩu và ý của họ đều tốt và cuộc đời của họ đã có hạnh phúc rồi. Vì vậy khi tới với ta mà người ấy khó chịu, nói năng không dễ thương, hành xử không dễ thương thì ta biết đó chính là cơ hội để ta giúp người vậy. Có như thế ta mới đóng được vai trò của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, đem nguồn vui tới mọi nẻo, không phân biệt. Ta tu học, ta có niềm vui và muốn đem chia xẻ với mọi người. Tu như thế nào để ta trở thành một hồ nước trong. Ta gặp sư anh thì sư anh vui, gặp sư chị thì sư chị vui, gặp sư em thì sư em vui, tại vì ta là hồ nước trong và nước trong hồ của ta được phân phát cho tất cả những con rạch xung quanh. Không nên nói rằng tôi chỉ để dành nước trong cho con rạch này thôi, còn các con rạch kia dễ ghét quá tôi không muốn cho nước trong của tôi chảy về phía đó. Phải phân phát đồng đều và làm sao để nước trong có thể chảy vào được hết tất cả các con rạch.
Đền đáp công ơn cha mẹ
Ơn thầy, nghĩa bạn dày sâu.
Hai câu này nói về sự thực tập báo ân. Chúng ta thực tập báo ân ngay trong hiện tại. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi nụ cười của ta đều là một hình thức đền đáp lại ơn thầy, ơn cha mẹ, ơn bè bạn. Chúng ta có bốn ơn là ơn cha mẹ, ơn thầy, ơn bạn và ơn chúng sanh. Ta đừng nghĩ rằng sau khi tu học thành tài rồi ta mới đền đáp được ơn đức ấy. Không! Ta có thể đền ơn ấy ngay trong đời sống hàng ngày bằng sự thực tập của ta. Ta tu hành cho vững chãi thì tự nhiên gia đình của ta vững ra và có hạnh phúc liền lập tức. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở của ta là một sự đầu tư vào hạnh phúc của bốn giới đó. Giới thầy, giới cha mẹ, giới bạn hữu và giới chúng sanh. Thành ra ta là một người đầy ân tình, sống có ân có tình và chỉ cần thực tập cho vững chãi và có hạnh phúc thì tự nhiên ta đền đáp được công ơn của cha mẹ, của thầy, của bạn và của chúng sanh trong mỗi giây phút của đời sống.
Mười bốn câu trên biểu lộ công trình tu tập gọi là tự lực. Trong chúng ta không ai mà không làm được những điều này. Hễ muốn là làm được và làm với sự yểm trợ của những người cùng tu với ta, rất cụ thể. Ta biết bài sám nguyện này không phải là một bài cầu xin, không phải là sự thực tập xin tội hay rửa tội mà là một bài quán chiếu để ta có cơ hội nhìn rõ tình trạng và thấy rõ được con đường đi của mình. Con đường của chư Bụt, Bồ tát và các vị Thánh hiền đã đi. Sau khi đọc xong bài này năng lượng trong ta tăng tiến rất nhiều. Và ta sẽ đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng và tiếp xử thế nào để có thể thực hiện được chương trình đó.
Tín thành tâm hương một nén
Đài sen con nguyện hồi đầu
Tâm hương là hương giới, định và tuệ. Hương mà chúng ta dâng lên phải là hương đốt từ trái tim mới được. Hương đốt từ trái tim không phải hương trầm, hương chiên đàn mà ta mua ở ngoài chợ. Tâm hương này tức là sự thực tập hàng ngày của chúng ta. Trong đời sống hàng ngày mà có giới, có định và có tuệ thì chúng ta mới có tâm hương để dâng lên chư Bụt và chư vị Bồ Tát. Tâm hương đó là nén tâm hương tín thành. Tín là niềm tin rất vững chãi. Thành là sự thành khẩn của mình. Chúng ta tin tưởng một cách vững chãi và thành thật là con đường mà ta đã chọn là con đường sáng và ta dâng lên Tam Bảo nén tâm hương giới, định và tuệ của ta. Dâng lên bằng tất cả niềm tin và sự chí thành. Ta không tin Bụt như một vị thần linh ban phúc và trừ tai họa, mà tin Bụt là thầy của mình. Chúng ta tin pháp như là con đường đưa tới hạnh phúc. Tin chắc rằng nếu làm được những điều đã nguyện thì hạnh phúc sẽ có được ngay hôm nay và cũng sẽ có trong ngày mai. Đó gọi là tín, chánh tín, không phải là mê tín. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng và thật lòng nghĩ như vậy. Với niềm tin vững chãi và lòng chí thành, chúng ta hướng về đài sen, tức là về hướng Bụt đang ngự tọa, cũng chính là nơi trái tim của mình. Chúng ta muốn quay về đài sen chứ không muốn trở lại hầm lửa. Hầm lửa là địa ngục còn đài sen là nơi tươi mát. Hồi đầu tức là quay đầu trở lại.
Nguyện đức từ bi che chở
Trên con đường đạo nhiệm mầu.
Nguyện xin chuyên cần tu tập
Vuông tròn đạo quả về sau.
Chúng ta có niềm tin nơi con đường, đang đi trên con đường và xin đức Thế Tôn che chở cho chúng ta. Đó là con đường đạo rất nhiệm mầu. Chúng ta hứa sẽ tu tập một cách tinh chuyên, để cho hoa trái của sự giác ngộ và hạnh phúc được thực hiện một cách viên mãn, tròn đầy. Chữ Hán là viên thành, viên thành đạo quả. Viên là tròn. Thành tựu một cách trọn vẹn gọi là viên. Thành tức là thực hiện. Ở đây chúng ta không dùng chữ viên, mà dùng chữ vuông. Vuông tròn cũng là một hình ảnh của sự toàn mỹ. Vuông thì thật là vuông, tròn thì thật là tròn. Đạo quả tức là hoa trái của sự thực tập. Chúng ta tin rằng hoa trái của sự thực tập sẽ tròn đầy trong tương lai. Đây là niềm tin vững chắc của chúng ta. Tin vững chắc là vì những điều ta kể ra đó toàn những điều ta có thể làm được.
Tiếp theo bài này là bài chú Diệt Tội. Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn, Chân Ngôn Diệt Tội Của Bảy Đức Bụt. Bảy đức Thế Tôn đem năng lượng vĩ đại của các vị để ôm lấy ta và giúp ta chuyển hóa. Sau đó tới bài kệ sám hối:
Con đã gây ra bao lầm lỡ
Khi nói khi làm, khi tư duy
Đam mê, hờn giận và ngu si
Nay con cúi đầu xin sám hối
Một lòng con cầu Bụt chứng tri
Bắt đầu hôm nay nguyền làm mới
Nguyền sống đêm ngày trong chánh niệm
Nguyền không lặp lại lỗi lầm xưa.
Bài kệ này tóm tắt lại tất cả những điều ta đã quán chiếu trong bài sám nguyện. Ta công nhận một sự thật. Sự thật về những gì ta đã gây ra khi nói, khi làm, khi tư duy. Đó là ba nghiệp: thân, khẩu và ý. Sự thật về đam mê, hờn giận và ngu si của chính ta. Ta nhận diện đó là động lực chính gây ra những lầm lỡ. Ta muốn chấm dứt, muốn thật sự làm mới. Ta cầu Bụt chứng tri cho ta. Chứng và biết gọi là chứng tri, Bụt làm chứng cho ta và biết cho ta. Cũng vì vậy mà ta đã tới trước bàn thờ Bụt, trước tăng thân để sám hối. Một lòng là nhất tâm, tức là thân tâm được thu nhiếp vào trong định. Ta nguyện làm mới, nhất định làm mới. Chữ nguyền đồng nghĩa với chữ nguyện. Chữ nguyện là tiếng Hán Việt, chữ nguyền là tiếng Việt. Sự làm mới đó chúng ta bắt đầu ngay hôm nay, ngay từ giờ phút này và liên tục để không lặp lại lỗi lầm xưa. Đó là trái tim của sự thực tập, đó là sự cam kết. Chúng ta làm được sự cam kết này là nhờ có tăng thân giúp đỡ. Ngày xưa ta đã từng cam kết rồi nhưng ta đã không làm được tại vì không có tăng thân giúp đỡ, ngày hôm nay thì khác vì ta đang có Tăng thân cùng thực tập và nâng đỡ cho ta.
Nam mô Bồ Tát Cầu Sám Hối.
Hành động làm mới đó là bản chất của một vị Bồ Tát, là tên của một vị Bồ Tát. Chúng ta chính là vị Bồ Tát đó.
Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm
Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm
Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong.
Đây là tuệ giác rất cao của đạo Bụt về vấn đề làm mới. Tất cả những lầm lỗi đều do tâm mà ra. Tâm không chánh niệm gây ra đam mê, hờn giận, ganh ghét, ngu si v.v… Giáo lý này cho ta thấy rõ rằng tất cả những lầm lỗi và những vọng tưởng đều xuất phát từ tâm ta. Nếu đã do tâm mà sinh ra thì những lỗi lầm đó cũng có thể do tâm mà chuyển hóa, cũng như vấp ngã ở đâu thì ta chống ở chỗ đó mà đứng dậy. Những lỗi lầm nào do tâm gây ra thì sẽ từ tâm mà chuyển hóa. “Tội tùng tâm khởi tương tâm sám”. Tội tức là những lầm lỗi. Tội từ tâm sinh ra thì đem tâm mà làm mới. Làm mới trong đạo Bụt không giống như làm mới trong những truyền thống khác. Trong các truyền thống khác có thể là cầu một đấng thần linh tha tội hoặc rửa tội cho ta, nhưng ở đây ta không cầu một đấng thần linh nào làm chuyện đó. Ta biết rằng tội lỗi từ tâm mà ra, nếu ta trở về để chuyển hóa nội tâm thì tự nhiên tội lỗi sẽ tiêu biến. Ta cầu Bụt, cầu Bồ Tát và Tăng thân có mặt là để chứng tri cho ta, để cho sự thực tập trở nên vững chãi. Chứng tri và yểm trợ cho ta, nhưng do chính tâm của ta mới có thể chuyển hóa được tội. Tội tùng tâm khởi tương tâm sám. Tương tức là đem ra. Đây là một giáo lý rất mầu nhiệm. Khi tâm đã chuyển hóa rồi thì tội lỗi tan biến hết như khi mặt trời chiếu trên tuyết thì tuyết sẽ tan. Ta sẽ không còn mặc cảm tội lỗi nữa. Có những người ăn năn, hối hận suốt đời, họ không có niềm vui là vì họ không biết rằng muốn làm cho những lầm lỗi đó tiêu tan đi thì phải chuyển hóa tâm mình. Chuyển hóa tâm, làm mới tâm thì lầm lỗi sẽ tan. Điều này các nhà tâm lý trị liệu cần phải học để có thể giúp cho các bệnh nhân. Làm mới sẽ phát hiện một nguồn năng lượng rất lớn trong con người của ta và chính nguồn năng lượng đó sẽ làm tiêu tan những mặc cảm tội lỗi của quá khứ. Ta sẽ có rất nhiều niềm vui tại vì bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi ta tạo được niềm vui cho không biết bao nhiêu người. Người đã bị ta làm khổ sẽ mỉm cười ở trong ta, sẽ tha thứ cho ta. Những dấu vết lỗi lầm không còn nữa và lòng ta nhẹ nhõm. Làm mới xong thì tâm ta nhẹ nhàng. Có những người làm mới một buổi, có những người làm mới luôn bảy ngày, có người làm mới luôn 21 ngày và sau thời gian thực tập họ trở thành một con người mới có nhiều tự do. Tự do như mây trên trời. Hình ảnh ở đây rất đẹp. “Bạch vân tự khứ lai”: Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong. Một đám mây bay thảnh thơi trên không gian, tự mình đi hay tới, thong dong không ai xô đẩy hoặc kềm thúc. Đó là trạng thái của tâm ta sau khi đã làm mới.