Nhà máy năng lượng của đạo Bụt
(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 14 tháng 9 năm 1994)
Ngũ căn, ngũ lực
Đạo Bụt có một dụng cụ rất mầu nhiệm để cày bừa, để gieo hạt, để tưới tẩm, để vun bón, gọi là Chánh Niệm. Chánh niệm là cái năng lượng mà ta có thể phát khởi trong đời sống hàng ngày. Nói chung năng lượng có nhiều thứ: Năng lượng để phá hoại, năng lượng để xây dựng, để thanh lọc v.v…
Khi bỏ củi vào lò để đốt, ta làm phát xuất một loại năng lượng gọi là nhiệt lượng. Nhiệt lượng đó sưởi ấm căn phòng, giúp cho ta có thêm hạnh phúc. Đó là một loại năng lượng mà mùa đông ta rất cần đến. Trong con người cũng vậy, ta cần phải có sức nóng thì mới sống được. Vì vậy ta phải ăn cơm. Ăn cơm là đưa những nguyên liệu vào trong cơ thể để các tế bào tạo nên một loại năng lượng gọi là thân nhiệt. Sức nóng chữ Hán là “noãn”. Khi giận trong người ta phát ra một loại năng lượng gọi là “giận”, và cái năng lượng đó cũng làm cho ta nóng, nhưng nóng khó chịu hơn là cái nóng của lò sưởi mùa đông. Năng lượng giận làm cho cơ thể ta bốc cháy, đau khổ, và ta vung vẩy niềm đau nỗi khổ của ta lên những người và vật chung quanh.
Nghi ngờ cũng là loại một năng lượng. Khi tưới tẩm hạt giống nghi ngờ, trong ta phát sinh ra một năng lượng làm ta uể oải, mất hết sức sống, nhìn gì cũng thấy không có ý nghĩa! Năng lượng đó là loại năng lượng tiêu cực, có tính cách phá hoại. Tương tự như thế, năng lượng giận cũng chứa rất nhiều tiêu cực, và sức phá hoại của nó cũng rất trầm trọng.
Hiện nay ta có những trung tâm sản xuất năng lượng để thắp đèn, để chạy máy. Các trung tâm này có thể dùng những loại nhiên liệu như thác nước, dầu xăng, than đá v.v… Họ cũng có thể dùng nhiên liêu nguyên tử Uranium để làm ra năng lượng hùng hậu hơn.
Đạo Bụt dạy về “Ngũ căn và ngũ lực”. Ngũ căn là năm địa điểm để phát sinh ra năm năng lượng. Ngũ lực là năm nguồn năng lượng phát sinh từ năm địa điểm đó. Ngũ căn có thể ví với năm nhà máy phát sinh ra năng lượng. Căn tức là gốc, như trong các danh từ căn bản, căn cứ v. v… Hình ảnh mà ta ví với hình ảnh của một nhà máy phát điện.
Nhà máy điện đầu tiên trong đạo Bụt là Tín. Tín là niềm tin. Nếu có niềm tin thì tự nhiên ta có rất nhiều năng lượng. Khi có một đối tượng tốt để tin tưởng thì tự nhiên ta có một nguồn năng lượng tích cực. Ba đối tượng để tin của ta là Chân (một cái gì là Thật), Thiện (một cái gì Lành) và Mỹ (một cái gì Đẹp). Thật có nghĩa là không phải giả, vì đạo đức có khi là giả! Ban đầu ta có thể tin vào đạo đức giả, nhưng sau một thời gian cái thần tượng đó nó đổ, nó rớt xuống và lúc đó niềm tin trong ta tan biến. Lâm vào tình trạng này là vì ta đã nhận giả làm chân, nhận ác làm thiện, nhận ố làm mỹ. Tất cả vì ta vô minh! Khi niềm tin không được thắp sáng bởi trí tuệ thì nó dễ bị tan vỡ, và từ chỗ tin tưởng, ta có thể lâm vào trạng thái nghi ngờ. Khi năng lượng của nghi ngờ phát sinh trong tâm thức, ta sẽ uể oải, rã rời, hết muốn làm gì nữa! Do đó theo giáo lý đạo Bụt, mọi niềm tin phải được làm bằng chất liệu của trí tuệ. Tin mà không quán chiếu thì niềm tin đó rất nguy hiểm. Bụt dạy “Tín ta mà không hiểu ta tức là bài báng ta”. Do đâu mà có niềm tin? Do cái hiểu, vì vậy nhà máy năng lượng thứ hai trong đạo Bụt là nhà máy Tuệ.
Tuệ là cái thấy của hiểu. Năng lượng của niềm tin (Tín) được chế tạo từ nguồn năng lượng của trí tuệ. Có quán chiếu ta mới thấy rõ được sự thật. Thấy rõ được sự thật thì ta mới có thể xa lìa những cái giả ngụy trang bằng vỏ chân, những điều ác ngụy trang bằng vỏ thiện, và những việc xấu xa ngụy trang bằng vỏ tốt đẹp. Lúc đó niềm tin sẽ được gọi là Chánh Tín. Muốn có trí tuệ, tức là muốn có cái thấy sâu sắc (deep insights), ta phải biết nhìn. Nhìn cho sâu sắc tức là quán chiếu bằng năng lượng của chánh niệm. Vì vậy nhà máy phát sinh năng lượng thứ ba trong đạo Bụt là nhà máy Niệm.
Trung tâm tu học là nơi cung cấp vật liệu để tạo ra nhà máy Niệm. Tại các trung tâm tu học, ta được dạy nhiều phương thức để thiết lập nhà máy biến chế một loại năng lượng tích cực gọi là năng lượng Chánh Niệm. Đây là một thứ năng lượng rất cần thiết để chúng ta có thể nhìn sâu và thấy được sự thật tiềm tàng trong sự sống. Khi biết ăn cơm trong chánh niệm, biết rửa nồi trong chánh niệm, biết đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc và thở trong chánh niệm thì tâm của ta hướng về một phía, nó tập trung, không bị tán loạn. Trạng thái đó gọi là Định (Concentration).
Định là nhà máy năng lượng thứ tư trong đạo Bụt. Người không có định thì không làm được gì cả. Muốn giải quyết một vấn đề cho riêng mình hoặc cho đại chúng mà không có định thì không đi tới kết quả nào. Khi soạn một bài giảng hay thực tập quán chiếu để tìm sự thật của một vấn đề, ta phải có định tâm. Vì vậy nhà máy Định rất cần thiết, nếu không có nhà máy định thì không bao giờ ta có tuệ cả. Nếu không tập trung thì làm sao thấy được giải pháp, tìm được sự thật?
Khi có bốn nguồn năng lượng kể trên, đời sống của ta là một đời sống tinh chuyên, không uể oải, không bệ rạc. Nếu ta uể oải, rã rời, không có niềm vui, không thiết sống là vì ta không có năng lượng tinh chuyên. Đó là nhà máy thứ năm trong đạo Bụt, nhà máy Tấn. Tấn tức là sự siêng năng, sự chuyên cần.
Năm nhà máy đó gọi là năm căn. Căn ở đây là nhà máy phát sinh ra năng lượng. Với năm nhà máy đó, khi chúng bắt đầu hoạt động thì chúng phát sinh ra năm loại năng lượng gọi là năm lực. Vì vậy ngũ căn cũng là Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ mà ngũ lực cũng là Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ. Căn tức là hình thức của nhà máy, những trang bị của nhà máy. Lực là năng lực phát xuất từ sự vận hành của các nhà máy đó. Ngày xưa khi mới học tôi thường thắc mắc: “Đã có năm căn Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ tại sao còn phải có năm lực nữa?” Lúc đó tôi chưa hiểu năm căn là năm nhà máy, và năm lực là năm loại năng lượng do năm nhà máy đó phát xuất và biến chế ra.
Nếu trong thân và tâm ta không có đủ năng lượng, hoặc năng lượng yếu ớt, ta phải biết xét tìm trong năm nhà máy đó, xem những bộ phận nào bị hư hỏng để lập tức tìm cách chữa trị. Xem xét và chữa trị thường xuyên mới đúng là đời sống tu tập tinh chuyên.
Tính tương tức mầu nhiệm của các chủng tử
Nếu năm nhà máy chế tạo năng lượng toàn hảo thì chúng sẽ phát sinh ra năm nguồn năng lượng rất cần thiết cho sự tu tập và chứng ngộ của ta. Bụt dạy tâm ta có hai phần: tàng thức và ý thức. Tàng thức là nơi chứa tất cả các hạt giống của năng lượng. Ý thức là nơi các hạt giống biểu hiện, đơm hoa, kết trái. Có những điều mà khi nhìn vào vùng ý thức ta không thấy, nên ta quả quyết ta không có điều đó. Thực tế điều đó có trong tâm ta, nó nằm trong tàng thức dưới dạng những hạt giống, và chưa phát hiện ra mà thôi. Nếu trang bị đầy đủ phương tiện và chăm bón các hạt giống này, chúng sẽ phát sinh ra những năng lượng trên vùng ý thức. Ví dụ khi quý vị nói: “Bây giờ tôi không giận ai hết”. Điều đó đúng. Bây giờ có ai đỏ mặt tía tai, có ai sân si la mắng ai đâu mà có người giận phải không? Thật ra thì cái giận chỉ không có mặt ở trên phần ý thức, nhưng nó vẫn có mặt ở dưới phần tàng thức. Chúng ta ai cũng đều đang có cái giận trong lòng, nhưng nó đang ở trong trạng thái hạt giống và đang ngủ yên trong tàng thức của ta. Người tu học, phải khôn ngoan, phải biết lợi dụng lúc những hạt giống tiêu cực đang ngủ yên để lo vun bón gieo trồng những hạt giống tích cực. “Thiền sinh ru nội kết” là một bài thực tập ru ngủ các hạt giống tiêu cực. Nội kết là những niềm đau, nỗi khổ, ở trong lòng ta. Nếu ru cho chúng ngủ thì ta sẽ rảnh rang để cày bừa, gieo trồng, tưới tẩm những hạt giống tốt. Đừng nghĩ rằng khi lấy hết những hạt giống xấu xa rồi thì ta mới có thể tu được. Nếu những hạt giống xấu được lấy ra hết rồi thì ta đã là toàn mỹ, và đã là toàn mỹ thì có gì sai đâu mà phải sửa, phải tu nữa?!
Hạt giống của nghi ngờ cũng có trong tất cả chúng ta. Nếu ta không tu tập Tín, Tấn, Niệm, Định, và Tuệ thì hạt giống nghi ngờ sẽ phát sinh, nó sẽ bao trùm hết cả con người ta, và năng lượng tiêu cực đó sẽ làm tiêu mòn đời ta. Nó sẽ làm cho ta khổ, và những người chung quanh ta cũng sẽ khổ theo. Khi một người có niềm tin, tin vào một điều thật lành, thật đẹp thì tự nhiên đôi mắt người đó sáng long lanh, và người đó có rất nhiều năng lượng. Người đó sống có định tâm, có chánh niệm và có sự hiểu biết.
Tu học là cày bừa mảnh đất tàng thức và gieo vào những hạt giống tốt, tưới tẩm và gieo vào đó những hạt giống tốt, tưới tẩm để chúng nảy mầm rồi mọc thành cây trên phần ý thức. Khi mọc, những cây đó sẽ đơm hoa, kết trái rồi trở thành những hạt giống lành cùng loại và rơi trở xuống mảnh đất tâm. Duy thức học gọi đó là Dẫn tự quả, nghĩa là một hạt giống có thể sanh ra nhiều hạt giống có cùng một tính chất. Đây là một trong sáu tính chất của chủng tử. Muốn một hạt giống tốt phát hiện trên phần ý thức, làm đẹp cuộc đời rồi gieo xuống tàng thức những hạt giống tốt cùng loại, ta cần một điều kiện gọi là Đãi chúng duyên. Đãi là đợi, chúng là những, và duyên là điều kiện. Đãi chúng duyên là đợi những điều kiện thuận lợi. Hạt giống nào ở dưới tàng thức cũng cần những điều kiện thuận lợi mới phát hiện được trên phần ý thức, kể cả hạt giống chánh niệm. Những điều kiện thuận lợi đó gồm có điều kiện tăng thân, điều kiện thầy, điều kiện thiền đường, điều kiện pháp thoại, điều kiện thực tập v.v… Khi ta trang bị đầy đủ những điều kiện đó thì hạt giống tốt tiềm tàng dưới tàng thức sẽ có cơ hội để nảy mầm và phát sinh, làm đẹp cho cuộc sống của ta và gieo lại những hạt giống đồng loại vào đất tâm, làm cho rạng rỡ môi trường sinh sống của ta.