Người yêu ơi, em là ai?
Pháp thoại ngày 07.5.2000 tại xóm Thượng, Làng Mai
Con nuôi mẹ
Trước giờ khai mạc khóa tu ở Hòa Lan ngày 28.4.2000, phóng viên nhật báo Trow đã phỏng vấn tôi. Câu hỏi như thế này: “Đã trên bảy mươi tuổi, Thầy còn muốn làm gì trước khi tịch?” Nếu đây là câu hỏi của một vị thiền sinh thì câu trả lời sẽ rất dễ dàng. Nhưng vì đây là câu hỏi của một nhà báo, chưa hiểu Phật pháp nên tôi thấy khó trả lời. Tôi đã có thể trả lời: “Tôi đâu có chết”, nhưng như vậy thì nhà báo sẽ không hiểu được. Cho nên tôi đã nói: Tôi có muốn làm gì trước khi tôi chết đâu! Rồi tôi mỉm cười nói tiếp: “Tôi đã đi tới bản môn rồi, giây phút nào tôi cũng làm cái tôi thích cả, tôi có chết đâu mà phải hối hả làm một cái gì?”
Tôi không ráng tìm cách để giải thích cho nhà báo đó hiểu một chút về tâm tư của mình. Tại vì người đó chưa từng nghe Phật pháp, chưa bao giờ được thực tập pháp môn, vì vậy họ khó mà chấp nhận được những điều ta nói. Nếu nhìn lại, ta có thể tự đặt câu hỏi: “Bây giờ đây ta bao nhiêu tuổi?” Và thử trả lời: Bảy mươi hay bảy mươi lăm? Hay là mới có năm mươi? Hoặc mới có hai mươi lăm? Không chắc chắn là người bảy mươi tuổi sẽ chết sau người hai mươi lăm tuổi! Người hai mươi lăm tuổi có thể bị tai nạn mà chết trước người bảy mươi lăm tuổi. Câu hỏi này mỗi người nên tự đặt để tự mình trả lời. Giả dụ tuần sau ta chết, thì ta muốn làm cái gì trước ngày chết đó? Có thể có người sẽ trả lời rằng trước khi chết, tôi muốn đất nước tôi trở thành một đất nước có dân chủ. Có thể có người sẽ trả lời rằng trước khi chết, tôi muốn các con tôi thành lập gia đình đàng hoàng, có việc làm, để tôi có thể chết an tâm hơn. Sẽ có nhiều những câu trả lời khác nhau.
Là người tu, chúng ta sẽ trả lời câu hỏi kia như thế nào? Chúng ta có còn muốn thực hiện cái gì trước khi chết hay không? Có phải là một cái chùa cần xây cho xong, hay là một tu viện, hoặc là một cái gì đặc biệt khác nữa? Đây là một sự thỉnh mời quán chiếu. Nếu ngồi xuống và quán chiếu về điều này thì chúng ta có thể tìm ra được những cái rất hay. Tôi có nói với nhà báo là: “Những điều tôi muốn làm, tôi đã làm và đang làm. Đó là những điều rất nhỏ thôi. Từ hồi còn là một thầy tu trẻ cho đến bây giờ, tôi đã từng làm chuyện đó và chưa bao giờ tôi ngưng làm chuyện đó, những chuyện rất nhỏ. Vì vậy tôi không thấy có chuyện gì đặc biệt muốn làm cho xong trước khi tôi chết”.
Chúng ta thấy rằng khi rễ cây hút nước đưa lên cho lá cây thì đó mới chỉ là nhựa nguyên, nhựa nguyên chưa đủ sức để nuôi lá và nuôi cây, cho nên chiếc lá phải tiếp thu ánh sáng mặt trời, tiếp thu những chất hơi ở trong không gian và biến nhựa nguyên thành nhựa luyện. Khi nhựa nguyên đã được biến thành nhựa luyện thì mới có chất dinh dưỡng và chiếc lá gửi nhựa luyện trở lại để nuôi thân cây và nuôi những cành cây. Tất cả những chiếc lá đều có phận sự tự nuôi mình và đồng thời nuôi mẹ, nuôi cha và nuôi ông bà của chiếc lá, tức là nuôi cả thân cây và rễ cây. Thường thường ta cứ nghĩ là thân cây nuôi lá cây và rễ cây, nhưng kỳ thực nhìn cho kỹ, chúng ta thấy lá cây cũng nuôi thân cây, rễ cây và cành cây. Không những mẹ nuôi con mà con cũng nuôi mẹ. Điều này cũng đúng trong trường hợp của tôi. Tôi có nhiều đệ tử. Tôi thấy đệ tử nuôi tôi rất nhiều và cho tôi rất nhiều niềm vui mỗi ngày. Các học trò của tôi nếu thực tập sống cho có hạnh phúc, làm hạnh phúc cho nhiều người và giúp nhiều người bớt đau khổ, đó cũng là thực phẩm cho tôi hằng ngày. Sự thật là lá cây và cây nuôi dưỡng lẫn nhau. Lá cây nuôi cây từ hồi nào? Không phải là sau khi đã lớn lên lá cây mới nuôi cây mà đã nuôi cây ngay từ thời còn ấu thơ.
Khi nghe lời đức Thế Tôn để thực tập thì chúng ta đã bắt đầu nuôi dưỡng giới thân, huệ mạng của mình, nhưng đồng thời chúng ta cũng nuôi dưỡng Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn là cây và chúng ta là những chiếc lá. Nếu Đức Thế Tôn còn tồn tại được trên đời và tiếp tục giáo hóa là cũng do chúng ta, những đệ tử của Ngài.
Mỗi giây phút ta thở có chánh niệm, bước đi có chánh niệm đều là những giây phút để nuôi mình và nuôi Đức Thế Tôn. Giáo pháp của Đức Thế Tôn còn trường cửu được và đi về tương lai được để độ được nhiều người là do sự sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta thường gọi giáo pháp của Đức Thế Tôn là sữa, là pháp nhũ. Chúng ta nghĩ Đức Thế Tôn là mẹ, là cha, nhưng chúng ta chưa biết rằng chính chúng ta cũng là mẹ, là cha. Thực tập thiền hành, thiền tọa, mỉm cười, chuyển hóa thân tâm và độ đời tức là ta đang nuôi dưỡng Đức Thế Tôn. Con nuôi mẹ, nuôi cha. Từ khi còn ấu thơ, từ khi xuất gia cho đến bây giờ, không có ngày nào chúng ta không làm chuyện đó. Và để trả lời câu hỏi mình muốn làm cái gì trước khi chết, thì ta sẽ nói là tất cả những điều ta muốn làm ta đã bắt đầu làm từ lâu rồi, không có một cái gì đặc biệt khác nữa cần phải làm trước khi chết. Từ đây cho đến khi chết ta cũng tiếp tục làm chuyện đó, nghĩa là nuôi mình và nuôi Đức Thế Tôn.
Nuôi Đức Thế Tôn nghĩa là nuôi cuộc đời. Cuộc đời có nhiều đau khổ, có nhiều nứt rạn, có nhiều đổ vỡ. Sự nghiệp của Đức Thế Tôn là hàn gắn, chữa trị và nuôi dưỡng cuộc đời. Chúng ta là sự tiếp nối của Đức Thế Tôn, chúng ta cũng làm những việc đó, nghĩa là cũng làm công việc hàn gắn, chữa trị và nuôi dưỡng cuộc đời. Và đó không phải là việc ta chưa làm. Đó là việc ta đã từng làm trong quá khứ. Nếu còn sống được một năm thì ta làm thêm một năm, nếu còn sống hai năm thì ta làm thêm hai năm. Không có việc gì đặc biệt khác mà ta phải làm trước khi chết. Những việc ta phải làm, ta đã làm, đang làm và sẽ làm cho tới khi không còn làm được nữa. Khi mình không trực tiếp làm được nữa thì các con các cháu của mình sẽ tiếp tục làm cho mình. Nhìn cho sâu, mình là các con mình, mình là đệ tử của mình và như vậy mình không chết, mình không bao giờ chết. Mình đã đi vào trong các đệ tử của mình rồi, và đệ tử mình sẽ mang mình đi vào tương lai và do đó công việc hàn gắn, nuôi dưỡng và chữa trị kia mình sẽ tiếp tục làm sau khi mình chết, làm với hai bàn tay của con mình, của cháu mình, của đệ tử mình. Như vậy, tôi có thể đã nói là tôi sẽ không chết, nhưng nhà phóng viên kia vì chưa học Phật pháp nên sẽ không hiểu được câu đó. Tu học cho đàng hoàng, quán chiếu cho sâu sắc, thì ta sẽ thấy được bản chất của ta là vô sinh và bất diệt. Sinh diệt là cái bề ngoài mà thôi.
Mặt mũi đích thực
Trong truyền thống Thiền, công tác căn bản của người tu là phải tìm cho ra được mặt mũi đích thực của chính mình. Mặt mũi đích thực của chính mình là dịch từ chữ Hán bản lai diện mục. Mục tức là con mắt. Diện tức là khuôn mặt. Diện mục tức là mặt mũi của mình. Bản lai là từ xưa cho tới nay. Trong bài hô canh buổi chiều có câu: Rõ soi diện mục thoát bờ mê. Quán chiếu để thấy được mặt mũi chân thật của mình, và khi thấy được là giải thoát, là không còn sợ hãi và khổ đau nữa. Nếu chưa thấy được mặt mũi đích thực của ta, thì ta chưa thành đạt được chí nguyện của người tu. Mục đích của người tu không phải là để xây một ngôi chùa rất lớn, hay là thành lập một trung tâm tu học phồn thịnh, hay là để làm hòa thượng, làm pháp chủ, hay làm một vị tam tạng pháp sư nổi tiếng. Mục đích của người tu không phải là những cái đó. Mục đích đích thực của người tu là phải tìm ra cho được mặt mũi chân thật của mình. Tôi là ai? Đó là công án. Đó là câu hỏi.
Phần lớn trong chúng ta không biết mình là ai và sống để làm gì. Nếu ta là bác sĩ thì mỗi ngày đi tới phòng mạch, là nhà buôn thì mỗi ngày mở cửa tiệm và ngày nào ta cũng làm công việc đó. Ta không có cơ hội để tự hỏi là chúng ta làm như vậy để làm gì cho đến khi nằm xuống. Có người sẽ trả lời: “Chúng ta phải làm ăn, nếu không làm thì không có ăn”. Nhưng mục đích của sự sống có phải là để làm ăn hay không, hay còn là một cái gì cao siêu hơn và cần thiết hơn. Nếu sống chỉ là để sống sót, đừng bị lạnh, đừng bị đói, đừng bị cô đơn, thì như vậy mục đích của sự sống quá nhỏ hẹp. Chúng ta có cơ hội, có thì giờ để tự đặt cho mình câu hỏi này hay không? Ta có mặt để làm gì? Có phải là để thỏa mãn những đòi hỏi về danh, về lợi, về tài, về sắc hay về thân xác hay không? Câu hỏi đó động tới bồ đề tâm của ta, động tới niềm thao thức sâu sắc nhất của ta. Ta phải có thì giờ để đặt câu hỏi đó: “Mục đích tối hậu của sự có mặt của ta là cái gì?” Nói theo danh từ Phật học là cái mặt mũi đích thực của mình là gì? Ta là ai? Tới đây để làm gì? Rốt cuộc ta sẽ đi về đâu? Những câu hỏi đó, người đời thấy giống như là vô ích, không đem lại tiền bạc gì hết, nhưng đó là những câu hỏi chính của một kiếp người.
Giới triết học và thần học hay dùng chữ Ultimate Concern. Thiền sư Lâm Tế có một lần khai thị như thế này: “Này các vị Phật tử, trong mỗi chúng ta có một con người thật không có vị trí (vô vị chân nhân), thường hay đi ra đi vào trên cái đống thịt đỏ au này. Các vị muốn biết con người thật không có vị trí đó là ai thì hỏi lão tăng đây”. Đó là một công án của thiền sư Lâm Tế. Đống thịt đỏ au là cái xác thân này. Vô vị tức là không có vị trí nhất định. Chân nhân là con người thật. Con người thật không có vị trí, không có hình tướng. Ngôn ngữ thiền hơi đặc biệt. Khai thị về đề tài vô vị chân nhân, rồi lại hỏi nếu ai không biết cái đó là cái gì thì hỏi lão tăng đây! Đó là cái bẫy của thiền sư đang giăng ra! Cái vô vị chân nhân đó, con người thật đó không phải do giải thích mà thấy được. Ta phải tìm kiếm, phải quán chiếu, phải hạ thủ công phu mỗi ngày thì mới tìm ra được. Nếu có kinh nghiệm thì ta biết đây là cái bẫy rồi. Nhưng cũng đã có người mắc bẫy. Vị đó đứng dậy hỏi: “Bạch thầy, con người thật không có vị trí đó là ai vậy?” Lúc đó thiền sư thất vọng vô cùng. Ông nói: “Vô vị chân nhân là gì hả? Là giấy vệ sinh trong nhà cầu chứ là gì!”. Đó là chuyện được ghi lại trong Lâm Tế Ngữ Lục.
Ta không biết ta đích thực là ai. Khi có ai xin ta cái hình, ta cố tìm một cái hình nào hồi ta còn trẻ và đẹp để đưa cho người đó và nói: “Đây là tôi”. Những cái hình xấu hơn hoặc già hơn thì ta cho rằng không phải ta. Như vậy, tôi là cái hình đó hả? Tôi, là khi mình còn là một chàng thanh niên hai mươi hai tuổi, hay một cô thiếu nữ hai mươi tuổi xinh đẹp. Đó có phải là mặt mũi đích thực của chúng ta không? Không phải! Nếu đó là mặt mũi đích thực của chúng ta thì tại sao nó chỉ được như vậy vài năm thôi rồi đổi thành những mặt mũi khác? Chúng ta đã biết rằng hình ảnh chàng trai hay cô thiếu nữ xinh đẹp hồi hai mươi tuổi đó không phải là mặt mũi đích thực của mình. Hình ảnh đích thực của chúng ta khác lắm! Nó vượt thoát tất cả những bóng dáng bên ngoài.
Ngày trước có một bà người Anh, tên là Ethelwin Best, theo đạo Anh quốc giáo, rất ưa thích hoạt động cho hòa bình. Bà tới làm việc tự nguyện trong văn phòng của phái đoàn Phật Giáo Việt Nam tại Paris. Bà làm văn thơ tiếng Anh rất giỏi. Lúc đó, bà đã hơn bảy mươi tuổi nhưng sức khỏe của bà còn rất khá. Mỗi ngày bà leo lên tới tầng lầu thứ năm, nơi văn phòng làm việc để giúp cho chúng tôi. Bà có một niềm tin là hễ bà chết là thế nào bà cũng đi vào thiên đường. Niềm tin rất đơn giản, rất chắc nịch. Bà còn tin là khi vào thiên đường bà sẽ gặp ông trở lại. Ông mất vào lúc ông hai mươi ba tuổi. Như vậy, bà vẫn còn giữ được hình ảnh rất đẹp của ông hồi còn trai trẻ. Bây giờ thì bà trên bảy mươi. Có một hôm, lấy tư cách của một thiền sư tôi hỏi bà: “Này Ethelwin, khi bà chết, đi vào thiên đường và gặp lại ông, thì bà muốn gặp ông lúc ông bao nhiêu tuổi? Hai mươi tám tuổi hả? Bây giờ bà già quá rồi mà gặp một người trẻ như vậy thì đâu có xứng đôi vừa lứa nữa”. Câu hỏi đó làm bà giật mình. Hay là khi chết, đi vào thiên đường thì mình trẻ lại? Mà trẻ lại chừng bao nhiêu? Bà hơi lúng túng là vì niềm tin của bà rất đơn sơ. Bà nghĩ rằng khi lên thiên đường thì sẽ gặp lại người cũ, trong khi đó bà đã là một bà già rồi. Có lẽ đêm hôm đó bà mất ngủ, vì chưa bao giờ bà biết đem niềm tin của mình ra để đặt câu hỏi.
Mặt mũi đích thực của mình là ai? Trong thiền môn đôi khi người ta đưa ra những công án để quán chiếu, như là: “Cái mặt mũi của anh ra sao trước khi bà nội, bà ngoại anh ra đời”. Nó có nghĩa là lúc đó anh đã có mặt chưa? Nếu anh có mặt thì anh đã có mặt dưới hình thức nào? Những câu hỏi như vậy rất điển hình trong thiền môn. Đó là những lời mời gọi để cho chúng ta khởi hành đi tìm chính mình. Tu hành, nhất là trong truyền thống thiền, là lên đường để đi tìm chính mình. Còn tất cả những việc khác như làm chùa, xây dựng tu viện, đi hoằng pháp, viết sách, dạy học…, tất cả đều là phương tiện. Mục đích chính là khám phá ra được cái bản lai diện mục của mình. Nếu ta không thành công trong việc này thì những người ở ngoài đời bận bịu công ăn việc làm, làm sao mà thành công được? Những người sáng đi, tối về, bận bịu nơi công sở, về nhà còn phải lo nấu cơm cho con, chăm sóc cho chồng thì làm sao có thì giờ để làm những chuyện ấy?
Là người tu chúng ta làm gì hàng ngày? Buổi sáng thức dậy đi ngồi thiền lúc năm giờ. Trên gối ngồi thiền, chúng ta làm cái gì? Chúng ta có cơ hội buổi sáng được ngồi thiền, buổi chiều được ngồi thiền, là để làm gì? Nếu không phải là để tìm ra cái mặt mũi đích thực của mình? Chúng ta phải sử dụng thì giờ đó để làm công việc mà đa số trên cõi đời này không có cơ hội để làm. Khi đi xuất gia là ta có nhiều cơ hội hơn những người ở ngoài đời. Tất cả những điều kiện thuận lợi được cung cấp bởi nếp sống trong tu viện là để cho chúng ta có thể làm được công việc đó. Trong tu viện, ta có được cơ hội rửa chén trong im lặng, làm vườn, chấp tác trong im lặng, có cơ hội ngồi thiền và đi thiền hành. Đó là những cơ hội rất lớn để chúng ta có thể làm được công việc quan trọng nhất của mình, là tìm cho ra được cái bản lai diện mục, thấy được cái tự tánh của mình, tức là kiến tánh. Thấy được tự tánh thì tự nhiên ta đạt tới tự do, tự do đối với sống chết, tự do đối với sự sợ hãi. Kiến tức là thấy. Tánh tức là tự tánh. Nếu người tu mà không thành công được thì khi chết cũng trở thành cô hồn như bất cứ ai. Trong thập loại cô hồn có loại cô hồn thầy tu. Cô hồn thầy tu nghĩa là thầy tu không thành công.
Chúng ta được đức Thế Tôn dạy là thọ mạng của một đức Như Lai là vô lượng, tức là Như Lai không chết. Đức Di Đà cũng có thọ mạng vô lượng, và tên của ngài là A Di Đà có thể được dịch là Vô Lượng Thọ. Vô Lượng Thọ tức là sống hoài không chết. Nếu chúng ta đọc kinh Kim Cương một cách sâu sắc thì sẽ thấy rằng không những thọ mạng của các Đức Như Lai là vô lượng, mà thọ mạng của mỗi chúng ta cũng là vô lượng. Vì không biết điều đó cho nên ta cứ nghĩ rằng ta chỉ sanh ra trong năm đó, sẽ chết vào năm kia và thọ mạng của chúng ta chỉ có mấy chục năm, nhiều lắm là 100 năm.
Kinh Kim Cương dạy cho chúng ta là phải vượt thoát bốn ý niệm. Ý niệm thứ nhất là ý niệm về Ngã. Ngã ở đây ngược với phi ngã. Đây là tôi, còn tất cả những cái khác không phải là tôi. Những người khác, những hiện tượng khác như cây cối, đất đai, chim chóc, thú vật, người nước này, người nước khác đều không phải là tôi. Ý niệm thứ hai là ý niệm về người. Người là đối với những hiện tượng khác không phải người như cầm thú, cỏ cây và đất đá. Thứ ba là ý niệm về chúng sanh, ngược với ý niệm phi chúng sanh tức là các loại vô tình. Chúng sanh tức là các loài hữu tình, tức là có thọ, tưởng, hành và thức. Còn ngược lại là những loài vô tình như cỏ cây và đất đá. Và ý niệm thứ tư mà mình phải vượt cho thoát ý niệm thọ mạng, tức là ý niệm ta sanh ra, có mặt trên cuộc đời này một thời gian nào đó thôi, sau đó ta sẽ không còn nữa, sẽ không có mặt nữa. Ngược lại với ý niệm thọ mạng là ý niệm vô lượng thọ, thọ mạng vô lượng. Kinh Kim Cương giúp chúng ta có một dụng cụ để đi tìm chúng ta. Kinh Kim Cương dạy chúng ta nhìn thật kỹ vào cái gọi là ta để thấy được những cái không phải là ta trong đó.
Tại Làng Mai thì chúng ta hay nói là nhìn vào trong chiếc lá thì thấy những cái không phải là lá nằm trong đó. Đạo Bụt không nói triết lý vẩn vơ. Chúng ta có những phương pháp rất cụ thể để đi tìm. Ta nói đây là chiếc lá. Thường thường cái ta gọi là lá thì không phải là hoa, không phải là cây, không phải là đất, không phải là đá. Nhưng kỳ thực nhìn kỹ vào trong chiếc lá thì chúng ta sẽ thấy rằng nó có đủ những yếu tố không phải lá. Ví dụ như đám mây. Trong chiếc lá có đám mây, tại vì nếu không có đám mây thì không có mưa, không có mưa thì không có lá. Vì vậy cho nên lá cũng có nghĩa là mây. Những cái không phải là lá nó nằm ngay trong lá. Những cái không phải là ta nằm ngay trong ta. Mặt trời cũng vậy, mặt trời không phải là lá, nhưng nếu lấy ánh sáng mặt trời ra khỏi lá thì lá không thể nào tồn tại được. Lá được làm bằng ánh sáng mặt trời. Vì vậy nhìn kỹ trong cái ta, ta sẽ thấy cái không phải là ta trong đó. Nếu không biết nhìn theo phương pháp này thì không bao giờ ta tìm thấy được cái bản lai diện mục của mình.
Trong ta, ta thấy có cha mẹ, có ông bà và tổ tiên. Ta thấy văn hóa, ta thấy nền giáo dục, ta thấy tổ tiên huyết thống, tổ tiên tâm linh và con cháu… Nhìn vào ta cho thật kỹ, thì tự nhiên ta biết ta là ai. Cái đó là cái bản lai diện mục của mình. Ví dụ như đợt sóng trên biển cả. Nhìn cạn cợt bên ngoài thì thấy rằng có một lúc nó biểu hiện, vươn lên rồi đổ xuống, có lúc giống như là nó không còn nữa. Nhìn như vậy ta thấy có sanh, có diệt, có cao, có thấp, có có có không. Nhưng nhìn cho kỹ, nhìn cho thật sâu trong đợt sóng thì ta thấy sóng được làm bằng nước. Thời gian biểu hiện cũng như thời gian không biểu hiện, tầm to lớn, chiều cao của con sóng được hoàn toàn điều kiện hóa bởi những đợt sóng khác và bởi nước. Nếu quán chiếu cho kỹ lưỡng thì chúng ta sẽ thấy rằng một đợt sóng đã được làm bằng tất cả những đợt sóng khác. Nhìn vào trong một đợt sóng thì thấy được tất cả các đợt sóng khác, và thấy được nước. Khi đợt sóng thấy được rằng mình là tất cả các đợt sóng khác, là nước thì nó có thể vượt thoát được tất cả các ý niệm sanh, diệt, có, không, cao, thấp, lớn, nhỏ, trước, sau, tới và đi. Lúc đó đợt sóng tìm ra được mặt mũi chân thật của nó và nó không còn sợ hãi nữa. Đợt sóng không còn bị điều kiện hóa, không bị kẹt vào sanh, vào tử, không phải vì sanh mà nó có, không phải vì tử mà nó không. Đó cũng là chuyến đi quan trọng nhất của đời mình. Một chuyến đi để tìm ra con người thật của mình, và kinh Kim Cương là một trong những kinh có thể làm tư lương cho chúng ta để lên đường.
Tư lương tức là lương thực, những điều kiện để mình đi. Kinh Kim Cương là một thứ tư lương mà chúng ta mang theo để có thể thành công trong chuyến đi tìm chính mình; đi tìm chính bản thân ta. Ngày xưa, có những hành giả đi từ núi này sang núi khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác tìm đạo. Những hành giả đó mang một đôi giày rất cũ, chiếc áo thì bạc màu. Họ không bằng lòng với sự sống tiện nghi ở trong chùa. Ngày nào cũng được ăn sáng, ăn trưa và ăn chiều, có phòng riêng, có phòng tắm, có cầu tiêu, có đủ thứ, nhưng họ không bằng lòng với những thứ đó. Họ muốn đi tìm cái gì quan trọng cho đời họ, vì vậy họ trở thành một vị du tăng, vân thủy. Vân thủy là danh từ Phật học, danh từ thiền. Vân là mây, thủy là nước. Chỉ vì muốn đi tìm cái quan trọng nhất cho nên mình đã trở thành một người vân thủy. Vân thủy là ông thầy tu đi tìm đạo. Cái áo nâu bạc phếch, cái nón lá tả tơi, đôi dép đã cũ mòn, nhưng trong cái túi mà ông mang theo đôi khi lòi ra một mẩu bìa và người ta đọc được: Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh. Nhiều vị vân thủy ngày xưa thường đem theo cuốn kinh Kim Cương. Kinh Kim Cương là tư lương của họ, đi tới đâu xin ăn chỗ đó và dùng cuốn kinh Kim Cương làm cái cuốc để đào lên giếng nước thơm trong ở trong trái tim của mình mà đạt tới sự giác ngộ. Ngày xưa có những bậc du tăng như thế, họ tự gọi họ là vân thủy, là mây là nước. Mây nước thì không dừng lại ở bất cứ chỗ nào, không bị trói buộc bởi những tiện nghi hàng ngày. Cũng vì lý do đó mà kinh Kim Cương có một địa vị rất quan trọng trong truyền thống thiền. Kinh Kim Cương hay là kinh Bát Nhã đều là những dụng cụ rất bén nhạy giúp cho chúng ta tìm lại chính mình.
Trăng trong mây bạc
Mỗi người chúng ta đều có ba thân: thân Bụt, thân Pháp và thân Tăng. Chúng ta phải nhận diện cho được Phật thân, Pháp thân và Tăng thân của chúng ta. Chính nhờ tiếp xúc được với thân Bụt, thân Pháp và thân Tăng của ta trong đời sống hàng ngày mà ta tìm được chính ta. Báo thân còn có nghĩa là Pháp thân, Báo thân và Ứng thân (Hóa thân). Chúng ta phải tiếp xúc cho được pháp thân của mình. Mỗi người trong chúng ta, dù mới đi tu, cũng có pháp thân của mình. Nếu không có pháp thân thì ta đâu phải là người tu nữa. Biết đi thiền hành, biết thở chánh niệm, biết ăn cơm im lặng, biết lắng nghe với chánh niệm thì ta đã bắt đầu có pháp thân. Mà pháp thân thì bất diệt. Nếu biết cách thì ta sẽ làm cho pháp thân đó hiển lộ, càng ngày càng sáng rõ. Pháp thân đó không phải là do thầy mình trao cho mình, không phải do Bụt trao cho mình, pháp thân đó có sẵn trong ta và nhờ hào quang của Bụt mà nó biểu hiện ra được. Ta phải thức dậy để thấy được nó.
Cũng như một đợt sóng, vì đợt sóng nghĩ là nó có sinh có diệt, có cao có thấp, nên nó buồn sợ và đi tìm cái không cao thấp, không sinh diệt, đi tìm nước. Nhưng nó đâu cần phải đi tìm nước, tại vì nó đã chính là nước rồi. Đợt sóng không cần phải chết đi mới thành nước. Trong khi đợt sóng là đợt sóng thì nó cũng đã là nước. Đợt sóng không biết điều đó nên mới lo sợ, mới ganh tỵ Chúng ta cũng vậy. Chúng ta đã là pháp thân rồi, thế nhưng chúng ta không biết. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy để chúng ta thấy được chúng ta đã là pháp thân ngay trong giây phút hiện tại. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy để chúng ta sống như thế nào, thở như thế nào và đi như thế nào để cho pháp thân biểu hiện. Tiếp xúc được với pháp thân thì ta có vững chãi và thảnh thơi do đó ta không còn sợ hãi. Món quà lớn nhất của người tu là thấy được pháp thân.
Báo thân là hình hài đẹp nhất của chúng ta. Khi có báo thân rồi thì tất cả những biểu hiện của chúng ta đều trở nên đẹp đẽ: sinh cũng đẹp, trú cũng đẹp, dị cũng đẹp mà diệt cũng đẹp… Như chiếc lá, khi sinh ra còn nhỏ xíu, nó đã đẹp, lớn lên nó cũng đẹp và khi trở nên vàng, đỏ, nó cũng đẹp, cho đến khi rụng xuống nó cũng đẹp. Báo thân của ta không phải là cái hình chụp được khi ta còn trẻ và đẹp. Ta đẹp hai mươi bốn giờ một ngày, đẹp từ kiếp này đến kiếp khác: đó gọi là báo thân. Ta phải thấy cho được báo thân của ta. Nếu tiếp xúc được với pháp thân thì ta thấy được báo thân của ta khắp nơi, đẹp đẽ vô cùng, tại vì nó là biểu hiện của pháp thân. Khi thì một đóa hoa vàng hé nở, khi thì một cành trúc tím xuất hiện; lúc này thì mây bạc bay qua, lúc kia thì trăng trong xuất hiện… Tất cả những cái đó đều là biểu hiện của pháp thân.
Chữ Pháp thân (dharmakaya) lúc đầu chỉ có nghĩa là thân giáo pháp. Đức Thế Tôn có nói rằng sau khi nhục thân của Ngài tan rã thì pháp thân của Ngài vẫn còn tồn tại với chúng ta. Pháp thân của Ngài tồn tại mãi, không những trong tam tạng kinh điển mà còn ở trong những người đệ tử của Ngài, tại vì các thầy, các sư cô và các Phật tử vẫn tiếp tục sống và thực tập theo pháp. Sau đó pháp thân còn có nghĩa là tự tánh, vì khi tiếp xúc được với pháp thân thì ta tiếp xúc được với tự tánh của mình. Giống như đợt sóng tiếp xúc được với nước là tiếp xúc được với tự tánh của đợt sóng. Tự tánh của nước là không cao không thấp, không sinh không diệt, không có ta cũng không có không ta. Pháp thân là cửa ngõ để cho chúng ta đi vào tự tánh. Nhờ pháp thân mà ta tiếp xúc được với tính bất sinh bất diệt, không đến không đi, không còn không mất, không có không không của mình. Trong cửa thiền, chúng ta thường nghe những câu như: hoa nở, trăng trong, mây bạc và tuyết rơi đều là những biểu hiện của pháp thân. Vì vậy nếu nhìn hoa đào, nhìn tuyết trắng, nhìn trăng trong hay mây bạc cho kỹ, chúng ta sẽ thấy tính bất sinh bất diệt của chúng. Đừng nghĩ rằng hoa đào là mong manh, ánh trăng trong là mong manh.
Tự tánh của chúng là bất sinh bất diệt, vì trăng trong mây bạc hiện toàn chân. Nguồn thi ca trong cửa thiền vốn rất sâu thẳm, rất mầu nhiệm và khởi thủy từ pháp thân. Trong bài thơ Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng, hay bài Trường Ca Avril ta cũng thấy được pháp thân và những biểu hiện của pháp thân như là bông hoa, trăng trong và mây trắng. Tử trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh, bạch vân minh nguyệt hiện toàn chân, nghĩa là trúc tím, hoa vàng không phải là cái gì khác với pháp thân mà chính là biểu hiện của pháp thân. Pháp thân là tự tánh bất sinh bất diệt và mục đích của người tu là làm thế nào để tiếp xúc được với tự tánh ấy.
Hóa thân vô lượng
Chúng ta đi tìm chính mình và đồng thời cũng đi tìm thầy của chúng ta, bởi vì chúng ta ai cũng có thầy và biết thương thầy của mình. Và khi tìm được chính mình thì cũng đồng thời ta tìm được thầy của mình. Thầy của chúng ta là Đức Thế Tôn và là vị bổn sư đã truyền giới cho ta. Khi ta thương một ai thì đó là cơ hội để ta đi tìm người đó, nếu không tìm cho ra thì chỉ là thương cái bóng dáng, cái hình ảnh của tâm thức mà thôi, chứ chúng ta chưa thật sự thương người đó. Con đã đi tìm Thế Tôn, từ hồi còn ấu thơ. Thế Tôn không phải là một cái tượng bằng đồng hay bằng ngọc thạch trên bàn thờ, đó chỉ là một biểu hiệu. Nếu Thế Tôn chỉ là người con trai sinh ra ở thành phố Ca-tỳ-la-vệ, lớn lên lập gia đình, có con nhỏ rồi đi xuất gia, thành đạo, hành đạo trong bốn mươi mấy năm và nhập diệt ở Kusinagara, thì đó chưa hẳn là Đức Thế Tôn. Đó chỉ là hình bóng của Đức Thế Tôn biểu hiện cũng như hình bóng của trăng trong, mây trắng, chưa phải là pháp thân. Nếu bị kẹt vào cái tướng đó, cho rằng đó là Đức Thế Tôn thì ta sẽ đánh mất bản tánh của Đức Thế Tôn, không thấy được Đức Thế Tôn. Trong kinh Kim Cương có câu: “Nếu tìm ta qua hình sắc, kiếm ta qua âm thanh thì ngươi đang đi trên con đường tà, sẽ không bao giờ thấy được ta (nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai).
Khi tìm ra được pháp thân của Đức Thế Tôn thì ta sẽ không còn đồng nhất Thế Tôn với con người đó, cái tên đó, xứ sở đó và như vậy ta tìm ra được pháp thân của chính mình. Hình dáng người con trai thành Ca-tỳ-la-vệ chỉ là một hóa thân của Bụt mà thôi. Tiếp xúc được với một hóa thân, đó chính là cơ hội để ta tiếp xúc được với pháp thân. Trong bài Tìm Nhau có câu: Thế Tôn là tình yêu đầu, Thế Tôn là tình yêu tinh khôi. Cuộc đi tìm đó là mục đích chính của đời ta, bởi vì tìm ra được Thế Tôn là ta tìm ra được chính ta. Con đã tìm ra Thế Tôn, con đã tìm ra con. Hai câu đó đi liền với nhau, nếu không có câu thứ hai ta sẽ không hiểu được câu thứ nhất. Nói ngược lại cũng đúng. Con đã tìm ra con, tức là con đã tìm ra Thế Tôn. Khi thương ta có thể bị đánh lừa. Nếu ta bị kẹt vào trong một hình bóng nào đó, thì khi hình bóng không còn biểu hiện nữa ta sẽ than khóc, ta sẽ khổ đau, ta sẽ còn mãi mãi đi tìm cái hình bóng đó. Ta không biết rằng những người thương đang có mặt trong biểu hiện mới mà bởi vì bận đi tìm hình bóng cũ nên ta đi ngang qua mà ta không nhận biết, ta làm lơ. Kỳ thực Đức Thế Tôn đang biểu hiện dưới nhiều hình thức cho ta, chỉ tại ta bị kẹt vào âm thanh, vào hình sắc nên không thấy được.
Trong kinh Pháp Hoa có một chương rất hay, đó là chương Bảo Tháp của Bụt Đa Bảo. Đức Thế Tôn đang thuyết kinh Pháp Hoa thì tự nhiên ở giữa hư không xuất hiện một cái tháp rất lớn, lơ lửng trên trời và trang điểm rất lộng lẫy. Từ trong Bảo Tháp có tiếng rất thanh tao phát ra: “Mầu nhiệm quá! Mầu nhiệm quá! Bụt Thích Ca Mâu Ni đang nói kinh Pháp Hoa, mầu nhiệm quá!”. Tất cả đại chúng trên núi Linh Thứu đều nhìn lên và nói: Lạ quá! Có một bảo tháp hiện ra giữa trời, rất lộng lẫy và lại có tiếng nói rất thanh tao từ trong tháp vọng ra. Tất cả đại chúng đều muốn hỏi Bụt Thích Ca lý do gì mà có bảo tháp này. Tất cả đều quay về Đức Thế Tôn, về Thầy mình (đối tượng của tình thương của mình) mà hỏi. Bụt Thích Ca mới nói: “Này các con, có một vị Bụt tên là Bụt Đa Bảo ngồi trong bảo tháp đó. Đây là một vị Bụt đã có mặt từ lâu lắm rồi. Một trong những lời nguyện của vị Bụt này là mỗi khi trên thế gian xuất hiện một vị Bụt và vị Bụt đó bắt đầu giảng kinh Pháp Hoa thì tôi nguyện sẽ hiện tới với bảo tháp và sẽ mở lời ca ngợi. Cho nên hôm nay, khi Thầy bắt đầu giảng kinh Pháp Hoa thì Bụt Đa Bảo hiện tới. Tiếng nói thanh tao ca ngợi Thầy và ca ngợi kinh Pháp Hoa đó là âm thanh của Bụt Đa Bảo”.
Trong khi đó thì cửa tháp đóng kín, ai nấy đều muốn thấy mặt của Bụt Đa Bảo nhưng họ không biết làm sao, họ chỉ biết trông cậy vào thầy của họ mà thôi. Tất cả đều hướng về Bụt Thích Ca Mâu Ni và nói: “Thầy ơi, bạch Thầy, làm sao cho con thấy được mặt của Bụt Đa Bảo con mới thỏa”. Đức Thế Tôn lắc đầu. Điều này hơi khó. Nhưng nếu ta cố gắng thì cũng có thể tạm giúp các con được. Mở cửa Bảo Tháp ra để mọi người thấy được mặt mũi của Bụt Đa Bảo, đức Bụt ngàn xưa đã lập lời nguyện lớn là mỗi khi có một đức Thế Tôn xuất hiện ở đời và nói kinh Pháp Hoa thì sẽ xuất hiện để mở lời ca ngợi. Tất cả các vị đệ tử thanh văn, duyên giác, bích chi và bồ tát đều chắp tay lại hướng về phía Đức Thế Tôn, chờ đợi và cầu khẩn. Đức Thế Tôn nói: Cửa tháp này chỉ có thể mở ra được khi mà tôi gọi được tất cả các hóa thân của tôi về đây. Lúc đó các đệ tử mới bắt đầu thấy và biết được là Đức Thế Tôn còn nhiều hóa thân lắm. Thân hình ngồi trên tảng đá núi Linh Thứu này chỉ là một hóa thân trong số đó mà thôi. Lúc đó, Đức Thế Tôn dùng ánh sáng trên trán và quét một vòng xung quanh tam thiên đại thiên thế giới. Tức thì tất cả các hóa thân của Bụt Thích Ca đang hành đạo từ các cõi nước đều trở về. Hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu hóa thân của Bụt Thích Ca đang trở về. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên. Lâu nay ai cũng tưởng rằng Thầy của mình chỉ là con người đó, với cặp mắt đó và khuôn mặt đó. Có người bị kẹt vào hình ảnh đó, bị vướng vào hình hài đó của Thầy mình và tưởng rằng Thầy mình chỉ là cái đó thôi, không ngờ Thầy mình có mặt khắp trong hoàn vũ, có bao nhiêu là hóa thân đang làm việc độ sinh trong vũ trụ. Lúc đó các đệ tử Bụt mới buông bỏ được hình ảnh Thầy mình chỉ là hình hài mình quen biết. Nếu chúng ta không đọc kinh Pháp Hoa bằng trí tuệ, bằng định lực của mình thì chúng ta sẽ không thấy được điều này. Đức Thế Tôn đã làm đủ mọi cách để lấy ra khỏi các đệ tử cái quan điểm nhỏ bé của họ về Thầy họ, về Bụt. Thầy của họ vĩ đại hơn cả triệu lần. Mời quý vị đọc lại kinh Pháp Hoa.
Đi tìm thầy
Khi thương một người nào, ta phải nên cẩn thận. Ta có một cơ hội để tìm ra người đó là ai. Khi tìm ra được chân tướng của người đó và pháp thân của người đó thì đồng thời ta cũng tìm ra được ta. Nếu không, ta vẫn quanh quẩn trong khung cảnh nhỏ hẹp của một kiếp người. Trong truyền thống Tây Tạng có một tín ngưỡng rất dễ thương là sau khi thầy mình chết rồi nội trong vài ba năm mình có thể tìm thấy thầy mình trở lại ở dưới hình thức của một chú bé. Vài năm sau các đệ tử đi tìm, đem theo những dụng cụ mà thầy mình đã dùng trong quá khứ và trộn lẫn với những dụng cụ khác, nếu chú bé nhận ra được những cái mà thầy mình đã dùng ngày xưa thì họ cho rằng đây đích thực là hậu thân của thầy mình. Sau đó họ tìm cách đưa chú bé về chùa và tôn lên làm thầy kế tiếp của họ. Cái ý đó cũng rất cảm động, rất nên thơ. Nhưng như vậy là ta chỉ thấy người thương của mình theo một đường thẳng, chỉ thấy thầy mình đi về một hướng trong thời gian thôi, mà không thấy được thầy mình trong cả không gian. Ý niệm dễ thương và nên thơ đó cũng còn bị kẹt vào ý niệm chấp ngã. Sự thật là không có một cái gì chỉ đi đường thẳng. Tất cả đều đi khắp hết không gian và thời gian.
Nhìn vào cây chuối, ta thấy rằng lá chuối chị từ khi sinh ra đời, đã bắt đầu phô bày cái đẹp của nó, nó mở lòng ra hứng nắng, hứng mưa, tiếp nhận chất nước từ dưới lòng đất đưa lên. Nó là một lá chuối rất đẹp. Đừng nghĩ rằng nó chỉ sống cho một mình nó, mà nó đồng thời sống cho cây chuối và cho các lá chuối em, lúc đó chưa biểu hiện. Nó và các em nó là một. Những chất dinh dưỡng nó làm ra được là để nó tự nuôi nó nhưng đồng thời cũng là để nuôi cây chuối và nuôi các lá chuối em đang còn cuộn tròn trong thân chuối. Vào một ngày nào đó, lá chuối đầu (lá chuối chị) sẽ rách tơi tả, héo úa rồi vàng khô. Nhưng bao nhiêu năng lượng của nó đã được dồn hết cho cây chuối, dồn hết cho những đứa em của nó, lá chuối thứ ba, lá chuối thứ tư, lá chuối thứ năm và có thể còn là buồng chuối, trái chuối nữa. Nhìn vào lá chuối chị, ta thấy lá chuối em, và nhìn vào lá chuối em, ta thấy lá chuối chị. Như vậy, bản chất của lá chuối là vô sinh và bất diệt. Nhìn ngoài bề mặt thì dường như có sinh có diệt, nhưng nhìn vào bên trong thì lá chuối này không sinh không diệt. Nhìn vào lá chuối thứ ba, lá chuối thứ tư, v.v.. ta thấy lá chuối đầu. Không những nó chỉ nuôi một lá chuối em mà còn nuôi tất cả những lá chuối sau này. Chính nó đang tiếp tục nuôi những bông chuối và những trái chuối mới.
Bụt là ai, ta là ai?
Trở lại với câu hỏi của nhà báo: “Thầy muốn làm cái gì trước khi chết?”. Câu trả lời là: Tôi không muốn làm một gì khác! Tôi chưa bao giờ từng ngưng làm điều tôi muốn làm cả. Đó là tôi nuôi tôi, nuôi tổ tiên tôi, nuôi cha mẹ tôi, nuôi thầy và nuôi con cháu của tôi. Đó là bổn phận của chúng ta. Chính nhờ có tuệ giác và nếp sống đó mà chúng ta trở thành vô sinh và bất diệt. Có điều khác với ý niệm dễ thương trên kia là với cái thấy này ta không cần phải chết đi rồi mới tái sinh được. Trong giờ phút này tôi đã tái sinh rồi. Nếu nhìn cho kỹ, quý vị sẽ thấy tôi đang ở khắp nơi. Không cần đợi tôi chết rồi, ba năm sau mới đi kiếm một chú bé để nhận ra hậu thân của tôi. Tại vì hậu thân của tôi đã có kia rồi, đã có ngay trong giây phút hiện tại. Những điều này rất rõ. Tìm Thầy phải đi tìm như vậy.
Hậu thân đó tương đương với những hóa thân của Bụt Thích Ca Mâu Ni. Những cuốn sách của tôi đã được in ra. Trong những nhà tù đã có nhiều người đọc và đã bắt đầu thực tập thiền tọa, bắt đầu thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười. Đó cũng là pháp thân của tôi đang sống ở trong tù. Sách được in ra rất nhiều thứ tiếng, có những cuốn sách đi vào trong những tu viện kín của các vị tu sĩ Công giáo. Họ không có cơ hội gặp Thầy, nhưng trong tu viện kín họ đã đọc sách, họ đã hiểu thêm được sâu sắc về đạo Bụt, họ đã hiểu thêm được về giáo lý Cơ Đốc. Nụ cười và hóa thân của tôi cũng có mặt trong những tu viện kín ấy. Mắt phàm của chúng ta không thấy được nhưng mắt thánh của chúng ta có thể thấy được. Đó gọi là Phật nhãn. Hóa thân là những cuốn sách, những cuộn băng, những người học trò xuất gia, những người học trò tại gia đang hành đạo và làm tỏa sáng pháp thân của Bụt khắp nơi khắp chốn. Không thể thấy hết được hằng hà sa số hóa thân đó! Nếu nói rằng ba năm nữa hay mười năm nữa tôi chết thì điều đó không đúng. Câu trả lời đúng là tôi chưa bao giờ từng sinh và sẽ không bao giờ từng diệt.
Khi thương Thầy ta phải đi tìm Thầy và phải thấy cho được chân tướng của Thầy như vậy. Và đến khi hóa thân này ẩn đi thì ta không buồn gì cả, tại vì ta có thể thấy Thầy đang có mặt dưới vô số hóa thân khác, đồng thời ta cũng thấy được pháp thân, báo thân và hóa thân của ta. Pháp thân của ta cũng vô sinh bất diệt như pháp thân của Thầy, hóa thân của ta cũng vô lượng vô số như hóa thân của Bụt hay của Thầy vậy. Phải thấy được như thế, thì tình thương của ta mới là tình thương của tự do, mới là thứ tình thương trong chánh pháp. Còn nếu ta bị kẹt vào một hình bóng, còn sợ hãi, còn khóc than thì ta chưa tiếp xúc được với pháp thân, chưa tiếp xúc được với vô số những hóa thân của ta và của Thầy ta. Chúng ta phải quán chiếu để thấy rõ điều này.
Trong cửa thiền có những dụng cụ gọi là công án. Công án dịch ra tiếng Anh là public cases. Đó là những dụng cụ để tiếp xúc được với chân tính của mình. Ví dụ như câu: “Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?” (Cái tất cả quay trở về cái một, vậy thì cái một đó quay về cái gì?). Đó là một lời mời gọi để chúng ta đi tìm cái bản lai diện mục của mình. Hiện bây giờ ở các thiền viện Trung Quốc có một công án khác rất nổi tiếng đó là: “Niệm Phật thị thùy?” (Ai là người đang niệm Phật?). Trong niệm Phật đường ngày nào người ta cũng niệm Bụt A Di Đà. Thiền sư đi vào và hỏi: Ai đang niệm Phật đó? Cái gì là chủ từ của động từ niệm Phật? Đó cũng là một sự mời gọi. Có hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu hành giả đang hành theo phương pháp niệm Bụt. Ta cứ tin rằng ta là người niệm Phật, nhưng ta là ai?
Có hai đối tượng: một là Bụt và hai là người niệm Bụt. Bụt là ai mà ta niệm? Ta là ai mà niệm Bụt? Ta nghĩ rằng ta biết Bụt là ai rồi, ta biết ta là ai rồi, nhưng cái biết chắc mẻm đó là nền tảng sai lầm của sự thực tập. Trong khi đó thì ta chưa biết Bụt là ai, ta cũng chưa biết ta là ai. Cho nên ta phải đi tìm cho ra cái bản lai diện mục của Bụt, để tìm ra bản lai diện mục của mình; hoặc tìm ra bản lai diện mục của mình thì đồng thời ta cũng tìm ra được bản lai diện mục của Bụt. Con đã tìm ra Thế Tôn, con đã tìm ra con. Vì thương Bụt, nhớ Bụt, cần Bụt cho nên ta mới niệm, nhưng nếu đối tượng của cái niệm trong ta chỉ là ý niệm thì đó không phải là tự thân của Bụt. Vì vậy sự thực tập căn cứ trên ý niệm là sự thực tập chưa sâu sắc. Nếu biết được chân tướng, bản chất của Bụt thì lúc đó ta biết được chân tướng, bản chất của mình, và như vậy Tịnh Độ tông sẽ không có khác gì với Thiền tông.
Công án “Niệm Phật thị thùy” (Người niệm Bụt là ai?) là một cái cầu nối liền giữa tịnh và thiền, nó làm cho không có khoảng cách nào nữa giữa thiền và tịnh. Nếu người Tịnh Độ tông mà giải quyết được công án đó thì sẽ trở thành thiền sư. Ta phải tự hỏi mình là ai? Đôi khi ta nghĩ đó là một câu hỏi triết học rất uyên áo. Nhưng không khó khăn lắm đâu, chúng ta hãy thực tập theo lời Bụt dạy, hãy sử dụng vô thường quán và vô ngã quán thì sẽ thấy rõ. Vô thường quán và vô ngã quán là hai chìa khóa rất mầu nhiệm có thể mở cửa thực tại và giúp ta tiếp xúc được với pháp thân. Nhìn sâu vào trong ta thì ta thấy rõ ràng: A! Mình cũng là cha mình, mình cũng là mẹ mình. Sự thật rất khoa học là: ta chính là cha ta, là mẹ ta, là thầy ta, là con, là cháu ta, là Đức Thế Tôn. Quan niệm của ta về chính ta thường là một quan niệm sai lầm. Ta là người thương hay ta là người được thương? Tất cả những ý niệm đó cần phải được quán chiếu. Chừng nào thấy rõ ràng tính bất nhị giữa ta và người ta thương thì lúc đó ta sẽ có tự do rất lớn.
Sự thực tập trong đạo Bụt đưa ta tới tự do lớn để ta có hạnh phúc, thứ hạnh phúc vĩ đại nhất mà có thể đạt tới được. Còn nếu không thì ta chỉ tìm sự trú ẩn trong những tình thương nho nhỏ cho đỡ cô đơn, đỡ bơ vơ một cách nhất thời mà thôi. Mục đích của chúng ta không phải là đi tìm một chỗ trú ẩn nho nhỏ để cho bớt bơ vơ, lạc lõng trong một thời gian. Sứ mạng của chúng ta là đi tìm tự do lớn. Đi tìm cái thực chất, cái bản tánh, cái con người thật của mình. Sự thực tập nằm gọn trong hai chữ kiến tánh. Kiến tánh đưa tới sự thỏa mãn tuyệt đối cái khao khát lớn. Khao khát chỉ có thể thỏa mãn được khi ta đạt tới tự tánh vô sinh bất diệt của mình.
Tự tánh không có ta, không có không ta. Như vậy, với một mũi tên ta đạt tới hai cái đích, tức là vừa tìm ra được ta mà vừa tìm ra được Đức Thế Tôn (đối tượng thương yêu của ta). Con đã tìm ra Thế Tôn, con đã tìm ra con. Nếu hai câu đó không đi đôi với nhau thì có thể có sự hiểu lầm, nhưng nhờ chúng đi đôi với nhau cho nên không thể có sự hiểu lầm nữa. Chúng ta đi tu không phải là để đi tìm những tiện nghi nhất thời mà phải có can đảm vượt qua những tiện nghi nhất thời đó để đi tìm tự do lớn. Ngày xưa, Tất-đạt-đa đã thành công. Trong số những người học trò của Ngài qua các thời đại có những người đã thành công và đạt tới tự do lớn. Bây giờ đến thế hệ chúng ta, chúng ta cũng phải thành công. Đó là món quà lớn nhất mà chúng ta có thể hiến tặng cho Bụt, cho chư tổ và cho con cháu chúng ta trong tương lai.