Mối quan tâm tối hậu
Pháp thoại ngày 20.01.2013 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm hạ, Làng Mai trong khóa An Cư Kết Đông 2012-2013.
Khoảng ba tuần trước tôi có tiếp một ký giả của báo The Guardian tại Thất Da Cóc. Vị ký giả này hỏi tôi về vấn đề sinh môi vì ông hay viết về vấn đề sinh môi cho tờ báo The Guardian:
“Tại sao các nhà doanh thương lớn không làm gì cả để cứu hộ sinh môi? Họ là những người có quyền lực, có nhiều tiền, nếu họ tham dự vào vấn đề bảo hộ sinh môi thì đỡ biết mấy. Cho tới bây giờ, các nhà doanh thương lớn đóng góp quá ít vào vấn đề bảo hộ sinh môi”.
Thay đổi quan niệm về hạnh phúc
Tôi trả lời rằng không phải là các nhà doanh thương không biết vấn đề đang xảy ra. Họ biết chúng ta đang ở trong tình trạng nguy ngập. Có thể là họ cũng đang muốn làm cái gì đó để giúp cho địa cầu và loại người thoát khỏi tình trạng hiểm nguy. Họ là những người thông minh và họ có đủ thông tin. Không phải là họ không muốn làm, nhưng có thể là họ đang bị kẹt vào tình trạng không thể làm được. Những nhà doanh thương cũng có những khó khăn, những khổ đau trong đời sống hằng ngày cũng như trong tâm lý của họ.
Tuy họ có nhiều tiền, nhiều quyền lực nhưng tiền bạc và quyền lực không giải quyết được những bức xúc, khổ đau, trăn trở của nhà doanh thương. Họ có những nỗi khổ niềm đau, họ lúng túng trong đó không ra được nên họ không làm được gì để giúp chúng ta. Họ biết rất rõ về tình trạng của sinh môi, nhưng họ bị kẹt trong thế của họ, trong những bức xúc, khổ đau và trong quan niệm của họ. Các nhà doanh thương thường xử sự theo quan niệm: Nếu có nhiều tiền bạc, quyền hành thì mình sẽ có nhiều phương tiện để có hạnh phúc và giúp đời. Ta làm giàu không phải cho riêng ta mà để có công ăn việc làm cho những người khác. Sự thành công của doanh nghiệp là một sự thành công chung, cung cấp được việc làm cho nhiều người, làm cho mình và làm cho người có hạnh phúc. Nhà doanh thương cũng có lý tưởng của họ.
Tuy nhiên quan niệm về hạnh phúc đó có thể là một chướng ngại, không phải vì có công ăn việc làm mà ta có hạnh phúc. Nhiều người, ví dụ như các thầy tu, không có công ăn việc làm, không có lương tiền, không có nhà riêng, xe riêng nhưng họ không khổ đau gì mấy. Nghĩ rằng công ăn việc làm là điều kiện của hạnh phúc là không đúng lắm. Chính các nhà doanh thương, dù có biết bao nhiêu là tiền bạc, quyền hành nhưng họ cũng vẫn đau khổ. Các nhà doanh thương phải thay đổi quan niệm về hạnh phúc của họ.
Làm thế nào để họ thay đổi? Anh phải viết một bài báo để các nhà doanh thương thay đổi quan niệm của họ nhưng viết một bài báo thôi cũng chưa đủ, chúng ta phải làm thế nào để các nhà doanh thương nếm được mùi vị của hạnh phúc. Chỉ khi nào nếm được mùi vị của hạnh phúc đích thực, họ mới đi theo con đường đó. Còn nếu ta nói rất hay về con đường hạnh phúc mà người kia chưa nếm được mùi vị của hạnh phúc đó thì người kia cũng chưa bỏ được cái mà họ đang theo đuổi.
Chúa Jesus nói với những người đánh cá: “Các bạn đừng giăng lưới vớt cá nữa, hãy theo tôi, đi giăng lưới vớt người”. Chúa Jesus cho những người đánh cá một lý tưởng. Từ trước đến nay, người đánh cá nghĩ phải bắt được nhiều cá mới có hạnh phúc. Jesus cho họ một lý tưởng mới: “giúp được nhiều người thì có hạnh phúc hơn”. Và những người đánh cá đã bỏ nghề để theo Chúa. Lúc đó Chúa Kito còn rất trẻ nhưng đã có thể mở đường cho họ. Họ thấy rằng đây là con đường hạnh phúc và họ đã buông bỏ tất cả để được nhẹ nhàng mà giúp đỡ người khác.
Các doanh nhân cũng vậy, họ nghĩ rằng có tiền, có quyền hành là có hạnh phúc và có thể giúp đời. Trong khi họ không có hạnh phúc và những nhân viên của họ cũng không có hạnh phúc. Là một có thực tập ta biết thế nào là hạnh phúc chân thật. Chúng ta biết thở cho có bình an và hạnh phúc. Chúng ta tới đây để học phương pháp đó. Ai cũng thở, nhưng là một hành giả thì chúng ta phải học thở như thế nào để trong khi thở vào ta thấy mình vẫn còn sống, mà sự sống đã là một màu nhiệm. Chỉ cần thở vào, thở ra là ta có đủ hạnh phúc rồi. Ta không nói suông về hạnh phúc.
Tôi sợ nếu anh chỉ viết một bài nói về hạnh phúc thôi thì sẽ không giúp được cho người đó. Anh phải làm thế nào để người đó thực sự nếm được hạnh phúc. Từ bãi đậu xe tới văn phòng, nếu người doanh nhân biết đi thiền hành thì ông sẽ ngưng mọi suy nghĩ. Ông theo dõi hơi thở, để ý tới bước chân. Ông đi như thế nào để mỗi bước có an lạc, thảnh thơi, hạnh phúc; ông tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại. Chuyện này người doanh nhân có thể làm được nếu ông học pháp môn chánh niệm.
Nếu anh (ký giả) giúp cho những nhà doanh nhân nếm được sự thảnh thơi, an lạc đó thì họ mới bỏ con đường bây giờ của họ để tìm con đường khác, cũng như những người đánh cá đã bỏ nghề đánh cá để theo Chúa Jesus đi giúp người. Chỉ khi nào nếm được mùi vị hạnh phúc thật sự, ta mới hiểu ra là có một cách sống khác hơn, khỏe hơn, nhẹ hơn, hạnh phúc hơn và ta có can đảm bỏ được lối sống hiện tại, trước hết là buông bỏ được ý niệm về hạnh phúc của mình.
Có thể chúng ta vẫn tiếp tục làm doanh nhân nhưng làm doanh nhân một cách khác hơn. Nếu anh là một giám đốc doanh nghiệp có hạnh phúc thì nhân viên làm trong doanh nghiệp của anh cũng có hạnh phúc. Anh không chỉ trả lương cho họ mà anh còn làm gương cho họ. Là một nhà doanh nhân có quyền lực nhưng anh vẫn có hạnh phúc. Anh có thời gian để thở, để đi, để có mặt với những người thương, anh có khả năng xử lý những nỗi khổ niềm đau của mình để được nhẹ nhàng hơn. Chúng ta đi làm không phải chỉ để có lương mà chúng ta phải có hạnh phúc.
Hãy sắp xếp để mỗi ngày chúng ta có một giờ đồng hồ thực tập thiền buông thư.
Đã khi nào chúng ta nhìn thấy hình ảnh của một giám đốc doanh nghiệp ngồi hướng dẫn thiền buông thư cho 600, 800 nhân viên của mình chưa? Đó là một hình ảnh rất đẹp, đó chính là đạo Phật đi vào cuộc đời. Doanh thu lợi nhuận không phải là mối quan tâm hàng đầu của giám đốc mà là hạnh phúc của chính ông và của nhân viên công ty.
Không hẳn là phải cạo đầu, mặc áo người tu thì ta mới tu được. Là một doanh nhân ta cũng có thể tu được. Trong thời đại này, người ta xem thời gian là tiền bạc, vì vậy ngồi hai giờ đồng hồ không làm gì là ném tiền ra cửa sổ. Thời gian là để làm ra tiền, tại sao ta để hai giờ ngồi không không làm gì cả? Nếu đi rờ rờ từng bước thì tốn thời gian vô cùng. Tại sao phải ngưng suy nghĩ, ta phải suy nghĩ để tìm trăm phương ngàn kế để kiếm thêm tiền.
Anh (ký giả) phải viết bài như thế nào đề các những người doanh nhân có thể thay đổi được quan niệm sống của họ. Các thầy, các sư cô Làng Mai mỗi ngày ngồi thiền, đi chậm chậm như vậy nhưng họ làm việc rất nhiều. Họ tổ chức khóa tu này rồi tới khoa tu kia ở khắp nơi. Nhưng nếu không có những buổi ngồi thiền, những buổi thiền hành, những buổi làm mới, nếu không có những phương pháp chế tác hỷ và lạc, nếu không biết cách xử lý những nỗi khổ niềm đau của mình thì họ đã không làm được những công việc kia.
Câu trả lời là chúng ta phải làm sao cho doanh nhân nếm được hạnh phúc thật sự thì họ mới thay đổi được tư duy và nếp sống của họ. Họ vẫn có thể tiếp tục kinh doanh, nhưng theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Mối quan tâm tối hậu
Trong thời của Bụt cũng có những doanh nhân tìm tới Bụt để nghe pháp thoại và thực tập. Trong số đó có một người tên Anathapindika (Cấp Cô Độc). Ông đã cúng dường khu vườn mua được của thái tử Jeta ở thủ đô Savatthi để làm một trung tâm tu học cho các thầy.
Cấp cô độc đã có rất nhiều hạnh phúc khi là một doanh nhân. Ông cũng rất hạnh phúc khi yểm trợ cho Bụt và tăng đoàn. Ông cũng có một gia đình hạnh phúc. Ta có thể nói ông là một doanh nhân gương mẫu. Ông rất giàu và rất hào phóng. Ông giúp những hoàn cảnh khó khăn như: cô nhi, quả phụ, những người già cả, túng thiếu, cô độc không có nơi nương tựa. Vì vậy người ta đặt cho ông tên là Cấp Cô Độc (tức là cấp dưỡng cho những người cô độc, neo đơn). Ông có rất nhiều bạn là doanh nhân, mỗi khi bạn ông gặp khó khăn thì ông đều giúp đỡ. Có một lần doanh nghiệp của ông bị phá sản nhưng ông không khổ. Bạn bè ông đã giúp ông gây dựng lại sự nghiệp. Ông được người dân thương yêu hết mực. Ta có thể gọi ông là một doanh nhân kiểu mẫu.
Qua những bài pháp của Bụt nói cho Cấp Cô Độc, ta biết rằng ngay trong thời Đức Thế Tôn, Ngài đã đưa ra những giáo lý rõ ràng, chuẩn xác để dạy giới cư sĩ, trong đó có giới doanh nhân. Khi dạy cho cư sĩ, Đức Thế Tôn dạy rất thực tế tại vì cư sĩ có mối quan tâm khác hơn mối quan tâm của người xuất sĩ. Người xuất sĩ bỏ hết sự nghiệp, gia đình để đi tìm cái tối hậu hơn. Đó là cái thảnh thơi hoàn toàn. Mối quan tâm của người xuất sĩ, ta có thể gọi là mối quan tâm tối hậu (ultimate concern).
Mối quan tâm của người đời là làm sao để có sức khỏe, để làm ăn thành công, trong gia đình không có xào xáo, làm sao để hạnh phúc và sự an ninh của mình được kéo dài, làm sao để mua bán không lỗ lã. Đó là những mối quan tâm thường nhật rất con người, nhưng không phải là mối quan tâm tối hậu. Mối quan tâm tối hậu là những câu hỏi như: Ta là ai? Ta sinh ra đời làm chi cho khổ như vậy? Ta có con đường thoát ra hay không? Ta có thể đạt tới sự thảnh thơi, tới Niết bàn hay không? Ta có thoát khỏi được thân phận luân hồi sinh tử hay không? Là người xuất gia, ta thường có mối quan tâm tối hậu đó. Biết được mối quan tâm của người cư sĩ, Đức Thế Tôn cho họ một thứ giáo lý khác. Trong những bài thuyết pháp Đức Thế Tôn dạy cho Cấp Cô Độc, ta biết rất rõ là có một giáo lý đặc biệt dành cho cư sĩ.
Lúc mới thành đạo, Đức Thế Tôn giảng dạy phần lớn cho những xuất sĩ của nhiều tông phái. Thời đó đã có vài bộ Áo Nghĩa Thư đã ra đời. Trong Bà la môn giáo, đời sống của một người Bà la môn có nhiều giai đoạn, từ nhỏ tới 8 tuổi thì ở nhà với cha mẹ.
- Phạm hạnh (brahmacārin)
Khi được 8 tuổi người Bà la môn đi theo thầy học kinh Vệ Đà, học lời nguyện cầu và lễ nghi trong 12 năm, cho tới năm 20 tuổi. Đó là thời gian phạm hạnh, brahmacārin.
Ở Trung Quốc cũng vậy, học trò cũng chỉ học tôn giáo, học đạo Nho. Trong các trường đại tập ngày xưa ở Trung Quốc hay ở Việt Nam, chủ đề duy nhất để học là nho giáo, học và thi đàng hoàng thì được ra làm quan. Ở Tây phương ngày xưa trong các trường đại học lớn, người ta cũng chỉ dạy về Thiên Chúa giáo. Ở Ấn Độ cũng vậy, người trẻ đi học cũng chỉ được dạy về Bà la môn giáo, hay kinh Vệ Đà và Áo Nghĩa Thư. Ngày xưa trong các trường đại học người ta chỉ học về tôn giáo.
Trường đại học Nalanda, trường mà thầy Huyền Trang đã tới học vào thế kỷ thứ 7-8 thì môn học chính là Phật học, rồi sau thêm một ít các môn khác như y phương minh (dạy về y khoa), thanh minh (dạy về văn học), xảo minh (dạy về nghệ thuật), nhân minh (dạy về triết học). Bố của hòa thượng Minh Châu ngày xưa chỉ học về tư tưởng Khổng giáo trong đó có tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, và ông đã thi đậu tiến sĩ tức ông nghè. Tu thân là tu sửa thân tâm của mình, tề gia là làm cho gia đình có hạnh phúc, trị quốc là giúp cho nước và dân yên, bình thiên hạ là thiết lập hòa bình trong thiên hạ. Người ta chỉ học tôn giáo, thi đậu ra làm quan chứ không học các môn như kỹ thuật, hóa học, vi tính như bây giờ.
- Gia chủ (grha-stha)
Đến năm 20 tuổi thì người Bà la môn bắt buộc phải cưới vợ, sinh con, lo sự nghiệp, lo chuyện ruộng đất, trâu bò, mùa màng, doanh nghiệp.
- Lâm thê (vānaprastha)
Khi người này lớn tuổi thì rút lui đi vào rừng để sống khổ hạnh, bắt đầu học đạo, ngồi thiền, v.v…
- Độn thế (sammyāsin)
Độn thế là lánh đời. Người Bà la môn bỏ tất cả (kể cả việc hoằng hóa), đi du hành, mặc áo thô, đoạn tuyệt tất cả mọi sự giao tiếp và sống thảnh thơi. Người này sống với tư cách của một vị phạm chí, một vị sa môn hay tức tâm (śramana), một vị khất sĩ (bhiksu) hay một du sĩ (pariprājaki).
Không phải chỉ trong đạo Bụt mới có những người đi xin ăn mà trong các giáo phái khác cũng có khất sĩ. Trong kinh có nói tới các vị khất sĩ lạ mặt tức những vị khất sĩ không thuộc về truyền thống đạo Bụt. Trong rừng có rất nhiều vị độn thế thuộc về nhiều truyền thống. Vào khoảng thế kỷ thứ 6 truớc Thiên Chúa giáng sinh các vị này sống rất đông trong rừng. Họ không còn tin nơi sự thờ cúng hay nơi thế lực của các vị thần linh. Họ tin rằng mình phải tự tu, phải tịnh hóa mới có thể chuyển hóa và đạt tới giác ngộ.
Những người sammyāsin này có mối quan tâm tối hậu. Họ không còn những mong muốn thông thường mà muốn đi tìm cái tuyệt đối, sự giải thoát, giác ngộ. Và khi họ tới với Bụt thì Bụt dạy cách khác, những điều Bụt dạy cho họ nằm trên bình diện của sự thật tuyệt đối tức thắng nghĩa đế (the ultimate truth), trong đó có vô ngã, Niết bàn, trung đạo. Nhưng đối với những người đang sống trong cuộc đời với những mối quan tâm thông thường thì Bụt dạy khác, Bụt sử dụng những sự thật nằm trên bình diện thế tục đế, trong đó có: ta khác với người, sinh khác với diệt, khổ khác với vui. Đức Thế Tôn đã sử dụng thế tục đế để dạy đạo cho người cư sĩ, nhưng Ngài dạy như thế nào để từ từ thế tục đế có thể dẫn người cư sĩ đi tới thắng nghĩa đế.
Hai loại sự thật đều có thể ứng dụng
Trên bình diện thế tục đế người cư sĩ cũng có thể học được Tứ Đế tức khổ, tập, diệt, đạo. Nhưng bốn đế khác nhau, khổ không phải là tập, tập không phải là diệt, diệt không phải là đạo. Ta có một mục tiêu (diệt) và một con đường (đạo) để tới mục tiêu, mà con đường không phải là mục tiêu. Nhưng xuống tới bình diện thắng nghĩa đế thì con đường và mục đích ta đi tới không phải là hai cái khác nhau. Ta không thể lấy đạo ra khỏi diệt hay lấy diệt ra khỏi đạo, không thể lấy Niết bàn ra khỏi con đường hay lấy con đường ra khỏi Niết bàn. Đó là thắng nghĩa đế. Tụng Tâm Kinh đã 30 năm nay thì chúng ta phải thấy được điều đó. Ta phải hiểu con đường và mục đích không phải là hai, ta không thể lấy cái này ra khỏi cái kia cũng như không thể tách mặt trái ra khỏi mặt phải của tờ giấy. Đó gọi là tương tức.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là thế tục đế sai. Thế tục đế là những sự thật mà ta có thể ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày. Đầu khóa tu chúng ta đã được học rằng hiện nay người ta phân biệt ra hai nền khoa học: khoa học cổ điển, mà người đại diện là Newton và khoa học mới gọi là khoa học lượng tử.
Khoa học cổ điển đã đưa ra những định luật vật lý có thể áp dụng trong kỹ thuật và trong đời sống hằng ngày. Nhưng khoa học lượng tử đã khám phá ra những sự thật khác có vẻ như chống đối lại với những sự thật của khoa học cổ điển. Trong khoa học cổ điển, bất cứ vật nào cũng có vị trí chính xác của nó trong không gian và thời gian. Nhưng trong khoa học mới thì một vật có thể có mặt khắp nơi cùng một lúc. Chúng ta không thể nói điện tử nằm đúng ở chỗ đó hay trong thời gian đó. Nó có thể có mặt một lúc trong hiện tại, quá khứ, tương lai và có thể có mặt một lần ở khắp nơi. Nó có tính cách phi cục bộ (non locality). Chất điểm (elementary particle) có khi là một hạt và có khi là một đợt sóng. Hạt thì có một vị trí nhất định, còn đợt sóng thì không có một vị trí nhất định nào. Một điện tử, khi ta nhìn cách này thì nó có đặc tính của hạt nhưng khi ta nhìn cách khác thì nó có đặc tính của sóng. Trong khoa học mới có những quy luật mà ta có thể áp dụng được, tuy có vẻ như trái chống lại với những quy luật của khoa học cũ.
Không có con đường đi đến Niết bàn, Niết bàn chính là con đường
Trong đạo Bụt cũng vậy, trong bình diện sự thật ước lệ cũng có những sự thật có thể ứng dụng được. Nhưng đi sâu vào tiếp xúc với sự thật tuyệt đối thì ta tìm ra được những chân lý khác, và những chân lý khác đó ta cũng có thể áp dụng được. Ví dụ như ta đang ngồi đây, ta thấy chắc chắn là phía trên đầu ta là phía trên và dưới chân ta là phía dưới. Ta sẽ không đồng ý nếu có người nói ngược lại. Nhưng những người ngồi ở bên kia bán cầu thì thấy ngược lại: phía trên của ta là phía dưới của họ. Sự thật là không trên không dưới, cái dưới của anh là cái trên của tôi và cái dưới của tôi là cái trên của anh.
Chúng ta có thể áp dụng được cả hai loại sự thật. Nếu không áp dụng sự thật có trên có dưới thì ta không thể làm kiến trúc sư, vì ta phải xây tầng dưới trước rồi mới xây được tầng thứ hai. Nhưng sự thật không trên không dưới cũng có thể ứng dụng được. Ta cứ nghĩ là mình đi thẳng, thật ra là ta đi đường vòng rồi trở lại chỗ ban đầu của mình vì quả địa cầu tròn. Có hai loại sự thật mà loại nào ta cũng có thể ứng dụng được. Trong khóa tu này chúng ta phải rất cẩn thận, nghe một câu kinh hay một giáo lý ta phải có khả năng nhận diện câu kinh đó hay giáo lý đó thuộc loại sự thật nào.
Trên bình diện của sự thật ước lệ thì có khổ đau và hạnh phúc nhưng xuống bình diện của sự thật tuyệt đối thì khổ đau và hạnh phúc không thể tách rời nhau được. Cũng như ta không thể tách bùn ra khỏi hoa sen, lấy bùn đi thì cũng không còn sen. Trên bình diện sự thật tương đối ta có thánh và phàm, thánh thì khác phàm. Có người muốn thành thánh hoàn toàn nên muốn tiêu diệt chất phàm còn dư lại. Đó là cách suy tư và hành động theo tiêu chuẩn của sự thật ước lệ. Nhưng xuống tới bình diện sự thật tuyệt đối thì nếu không có chất phàm thì ta không thể nào làm ra chất thánh. Ta luôn luôn cần chất phàm để làm ra chất thánh. Không bao giờ ta có thể có 100% chất thánh mà không có chất phàm nào. Cũng như ta chỉ muốn có tay phải mà không có tay trái, nhưng hễ có tay phải thì có tay trái. Đó là luật tương tức, là cái thấy của bản môn: còn phàm thì còn thánh, hết phàm thì thánh cũng không còn.
Trên bình diện sự thật ước lệ thì diệt và đạo khác nhau nhưng xuống dưới bình diện sự thật tuyệt đối thì diệt (chỗ đến) và đạo (con đường) không phải là hai cái khác nhau. Ví dụ như chúng ta thường nói: There is no way to peace, peace is the way. Không có con đường đưa tới hòa bình, hòa bình chính là con đường. Ban đầu ta nghĩ có hòa bình và có một con đường đưa tới hòa bình, hòa bình khác với con đường. Đó là bình diện của thế tục đế. Xuống tới bình diện của thắng nghĩa đế thì hòa bình chính là con đường. Câu nói “không có con đường đưa tới hòa bình, hòa bình chính là con đường” rất quan trọng. Chúng ta phải áp dụng được câu nói đó thì mới có hòa bình thật sự. Tại vì nếu dùng những biện pháp bạo động, bá đạo để có hòa bình thì ta sẽ thất bại ngay từ trong trứng nước. Bất cứ một tư tưởng, một lời nói hay một hành động nào ta sử dụng cho hòa bình thì chính nó phải là hòa bình. Hòa bình chính là tư tưởng, là lời nói, là hành động của ta. Ta có hòa bình ngay trong giây phút hiện tại. Phương tiện và cứu cánh là một, không thể lấy phương tiện ra khỏi cứu cánh, cũng không thể lấy cứu cánh ra khỏi phương tiện. Đời sống của ta chính là hòa bình.
Niết bàn và con đường đi tới Niết bàn cũng vậy, trên bình diện thế tục đế ta thấy có Niết bàn và có con đường đi tới Niết bàn nhưng nhìn kỹ thì Niết bàn chính là con đường. Nếu ta thật sự sống theo Bát chánh đạo thì mỗi giây phút sống là Niết bàn. Ví dụ như từ Bordeaux đi Paris, nếu ở ga Saint Jean (Bordeaux) ta lên đúng xe lửa đi Paris thì lúc ta bước lên xe lửa đã là Paris rồi. Nhưng nếu lên nhầm xe lửa đi Marseilles thì ta sẽ không bao giờ tới được Paris. Paris nằm ở mọi điểm trên con đường Bordeaux-Paris, Paris có trong mỗi bước chân đi, còn như nếu ta đi ngược lại Paris-Bordeaux thì bước nào cũng là Bordeaux, Bordeaux hay Paris là tùy theo hướng của ta đi. Từ Bordeaux ta muốn đi Paris, nếu đi đúng hướng thì mỗi bước là Paris, còn nếu đi ngược hướng thì mỗi bước là Bordeaux. Vì vậy con đường và nơi đến là một. Nếu Bát chánh đạo được thực tập một cách đúng đắn thì mỗi giây phút đều có Niết bàn, mỗi giây phút đều có lắng dịu, thảnh thơi, an lạc, tự do. Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, v.v… nếu thực tập đúng thì mỗi giây phút đều là an lạc, hạnh phúc, tự do, lắng dịu. Đó là con đường, là Niết bàn. Con đường chính là Niết bàn.
Không có sự vật khách quan nằm ngoài tâm thức
Trên bình diện thế tục đế thì tâm và vật là hai cái khác nhau. Vì vậy chúng ta có môn sinh học để nghiên cứu về hình hài và môn tâm lý học để nghiên cứu về tâm. Hai ngành khác nhau, một ngành nghiên cứu về thân và một ngành nghiên cứu về tâm. Nhưng ở bình diện thắng nghĩa đế thì ta không thể lấy tâm ra khỏi vật. Trong Phật giáo Đại Thừa có hai hệ thống triết học: pháp tướng và pháp tánh.
Theo pháp tánh không tuệ học, tâm không có tự tánh riêng biệt, tâm được làm bằng những yếu tố không phải tâm, có nghĩa là trong tâm có thân, lấy thân ra thì không còn tâm. Thân cũng được làm bằng những yếu tố không phải thân. Cả thân và tâm đều không có tự tánh 自 性, svabhāva (own nature), tâm được làm bằng những yếu tố không phải tâm và vật được làm bằng những yếu tố không phải vật.
Đám mây hay ngọn núi kia, ta cho nó là vật, không có linh hồn. Ta suy nghĩ trên bình diện sự thật tương đối, ta phân biệt vật chất khác với linh hồn. Nhưng đi sâu xuống thì ta thấy khác. Pháp tướng tông nói rất rõ: Đám mây hay ngọn núi mà ta thấy đó, trước hết nó là đối tượng của tâm ý ta. Theo đạo Bụt thì pháp là đối tượng của tâm ý, pháp không có mặt độc lập ngoài tâm ý.
Tưởng 想 hay tri giác có hai phần: sở tri 所 知 và năng tri 能 知. Một tri giác xảy ra chỉ trong một sát na, trong đó có chủ thể (năng tri) và đối tượng (sở tri). Khi thấy một vật ta đừng nghĩ là vật đó có ở ngoài. Triết học và khoa học đều đồng ý với nhau rằng: Rất khó có được vật ngoài tâm. Khoa học và triết học đều không chứng minh được có một sự vật khách quan nằm ngoài tâm thức. Duy thức học nói:
Thị chư thức chuyển biến
Phân biệt sở phân biệt
Do thử bỉ giai vô
Cố nhất thiết duy thức
Phân biệt là năng tri, sở phân biệt là sở tri. Tâm thức luôn luôn biểu hiện dưới hai mặt, năng tri (sujet) và sở tri (objet), và hai mặt cùng có đồng thời. Tây phương nói: Conscience est toujours conscience de quelque chose (ý thức thì luôn luôn phải ý thức về một cái gì). Có tâm thức là có đối tượng tâm thức. Vì vậy đám mây mà ta thấy, ta đừng cho nó là vật chất không có linh hồn, đám mây đó là tâm thức. Đó là cách nói của duy biểu học.
Từ từ khoa học cũng đã khám phá ra điều này. Ta đừng tưởng đám mây không có cái biết. Đám mây cũng có cái biết của nó, nó biết cách làm ra mưa, ra tuyết, nó có thể làm ra sấm sét. Cho rằng đám mây là vật chất vô tri là không đúng. Nhìn một hạt bắp ta thấy nó là vật chất hay là tinh thần? Ta ươm một hạt bắp trong 10 ngày thì hạt bắp bắt đầu nẩy mầm rồi làm ra lá bắp, cây bắp, hoa bắp và trái bắp. Hạt bắp có cái biết, vì vậy cho hạt bắp chỉ là vật chất thôi là không đúng. Các loài thực vật như bông hoa, cây cỏ đều có cái biết của nó. Cây kia biết làm ra bông hoa có màu sắc hấp dẫn để thu hút loài bướm, loài ong. Nếu không có bướm ong tới thăm thì nó không thể làm ra trái. Bướm ong tới thăm, đem nhụy của hoa đực tới nhụy của hoa cái để làm thành trái. Những loài hoa ăn thịt phát ra mùi thơm để lôi kéo ruồi muỗi. Ruồi muỗi tới bị dính vào, hoa úp lại rồi từ từ tiêu hóa con mồi để lấy chất bổ nuôi cây. Không có gì là không có tâm thức, vì vậy chúng ta phải rất cẩn thận. Trên bình diện sự thật tương đối thì ta phân biệt tâm và vật, khổ và vui, mục đích và con đường. Nhưng dưới bình diện sự thật tuyệt đối thì không có sự phân biệt. Tâm Kinh dạy chúng ta vượt thoát cái thấy của thế tục đế và đi sâu vào cái thấy của thắng nghĩa đế. Khoa học lượng tử hiện nay tìm ra được rằng những điện tử cũng có cái biết. Người ta gửi hai điện tử bạn đi hai hướng khác nhau cách xa hàng chục ngàn cây số. Nhưng những gì xảy ra cho điện tử này thì điện tử kia cũng cảm nhận được. Vì vậy phân biệt vật chất khác với tinh thần là một sai lầm.
Ngay đầu khóa tu chúng ta đã nói có hai loại khoa học. Hai loại khoa học này đã tìm ra được hai loại sự thật ứng dụng được vào đời sống. Trong khoa học hiện nay người ta đang tìm con đường để nối hai loại khoa học đó lại. Nhưng trong đạo Bụt thì đã có con đường, đó là con đường tùy thuận trí, dùng tuệ giác duyên sinh, tương tức và trung đạo để từ từ đưa người ta từ sự thật ước lệ tới sự thật tuyệt đối.
Bụt giáo hóa người cư sĩ bằng tuệ giác mà không phải bằng sự tín mộ
Đứng về phương diện những mối quan tâm thì ngay từ thời Bụt còn tại thế, Ngài đã cung cấp cho giới cư sĩ những sự thực tập rất căn bản. Có người cho rằng đạo Bụt là dành cho người xuất sĩ, còn cư sĩ thì chỉ cúng dường, yểm trợ để làm phước và thực tập tín mộ mà thôi. Điều này không đúng. Tín mộ là bhakti (devotion). Đọc kinh Bụt dạy cho ông Cấp Cô Độc, ta thấy rất rõ là người cư sĩ không chỉ thực tập tín mộ, Bụt dạy tự giác rất nhiều, còn tín mộ thì phát sinh ra sau này. Trong khóa tu này chúng ta sẽ học hai kinh dành cho cư sĩ. Hai kinh này là kinh Bụt giảng cho ông Cấp Cô Độc:
Kinh Người Áo Trắng
Hôm đó doanh thương Cấp Cô Độc tới thăm Bụt đem theo 500 nhà doanh thương. Ông tới thăm thầy Xá Lợi Phất trước. Giữa ông Cấp Cô Độc và thầy Xá Lợi Phất có một mối giao tình rất thân mật. Ngày ông từ trần chính thầy Xá Lợi Phất đã ngồi bên giường bệnh giúp cho ông ra đi một cách thoải mái, an lạc.
Ông Cấp Cô Độc lần đầu tiên gặp Bụt trong một chuyến đi giao dịch từ Sravasti tới Rajagaha. Hôm đó, Ông Cấp Cô Độc tới ở trọ nhà của người em dâu. Mỗi khi ông tới thì người ta tiếp đón niềm nở nhưng hôm đó thì người ta có vẻ lơ là với ông. Ông hỏi:
- Nhà có đám cưới hay sao mà sửa soạn đẹp vậy? Sao tôi lại bị bỏ lơ vậy?
Người em nói:
- Tụi em đang chuẩn bị để cúng dường Đức Thế Tôn, cúng dường Phật.
Nghe chữ Phật tự nhiên ông Cấp Cô Độc rúng động:
- Phật ở đâu, cho tôi đi thăm đi.
Ông Cấp Cô Độc cũng có mối quan tâm tối hậu. Ông đã giàu, đã thỏa mãn và ông muốn tìm một cái gì đẹp hơn.
Người em nói:
- Ngày mai Đức Thế Tôn và giáo đoàn sẽ tới đây anh sẽ được gặp.
Nhưng tối đó ông Cấp Cô Độc không ngủ được, ông thức dậy và tìm đường tới chỗ Bụt ở tức vườn Trúc Lâm. Buổi sáng, khi còn sương mờ ông đã gặp được Đức Thế Tôn đang đi thiền hành. Hai người đã nói chuyện và ông đã trở thành một đệ tử rất thân thiết của Bụt. Chính ông đã mời Đức Thế Tôn về thành phố Sravasti và cúng dường sở đất mua được của thái tử Kỳ Đà để Đức Thế Tôn làm tu viện.
Ông xin Bụt cho phép một người đi với ông về xứ sở của ông để chuẩn bị cho Bụt tới viếng thăm và giáo hóa đất nước của ông. Và Bụt đã cho thầy Xá Lợi Phất đi tiền trạm để chuẩn bị cho chuyến du hành giáo hóa đầu tiên của Bụt tại thành phố Sravasti. Ông Cấp Cô Độc và thầy Xá Lợi Phất đã đi với nhau mấy tuần lễ từ thủ đô Rajagaha về thủ đô Sravasti nên họ đã nói chuyện nhiều với nhau và trở nên thân thiết.
Khi ông Cấp Cô Độc đem 500 doanh thương tới thì vào thăm thầy Xá Lợi Phất trước, rồi thầy mới dẫn mọi người vào gặp Bụt. Vì vậy trong kinh Người Áo Trắng thay vì nói “này ông Cấp Cô Độc” thì Bụt nói “này thầy Xá Lợi Phất”. Ý của Bụt là thầy Xá Lợi Phất phải giáo hóa người cư sĩ theo chiều hướng này (Này Xá Lợi Phất, thầy nên dạy giới cư sĩ thực tập theo phương pháp này), tại vì thầy Xá Lợi Phất được coi như cánh tay phải của Đức Thế Tôn. Thầy tổ chức sự tu học cho người cư sĩ và cho các thầy, các sư cô trong giáo đoàn xuất sĩ. Trong kinh thay vì gọi thẳng tên của nhà doanh thương thì Bụt gọi tên của thầy Xá Lợi Phất. Bụt nói:
Những người áo trắng không cần phải đi tìm cầu hạnh phúc trong tương lai. Họ có thể có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại nếu họ thực tập theo những điều tôi chỉ dẫn.
Vì vậy cụm từ “hiện pháp lạc trú”, sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại, (drshtādharmasukhavihara) xuất hiện sáu lần trong kinh. Ở thế kỷ của chúng ta, nhà doanh thương đi tìm hạnh phúc trong sự thành công của mình. Bụt dạy nhà doanh thương phải làm việc như thế nào để có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Bụt muốn gửi gắm cho thầy Xá Lợi Phất phương pháp giáo hóa người cư sĩ, phải nói với họ là họ không cần phải tìm hạnh phúc trong tương lai. Điều này rất quan trọng, tại vì trong một kinh ngắn như kinh Người Áo Trắng mà cụm từ “hiện pháp lạc trú” được lặp lại sáu lần. Trong nhiều chùa, người xuất sĩ cũng như người cư sĩ đều không được học giáo lý quan trọng đó mà cứ đi tìm Niết bàn và giải thoát trong tương lai. Người ta đi tìm cái đích, còn con đường là một cái khác.
Bụt đưa ra hai phương pháp thực tập:
- Thực tập năm giới
Thực tập bốn phép tùy niệm
Nếu một người áo trắng thực tập năm giới và bốn phép tùy niệm thì người đó sẽ có hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Trong kinh Đức Thế Tôn đã dùng danh từ thánh đệ tử 聖 弟, tức vị đệ tử có chất thánh (the aryan disciple). Không phải chỉ có người xuất gia mà người cư sĩ cũng có chất liệu linh thiêng, thánh thiện trong mình. Nếu ta thực tập theo năm giới và bốn phéo tùy niệm thì ta có chất liệu thánh trong con người của mình, ngay trong thời còn tại thế Bụt đã dạy như vậy rồi. Không phải chỉ có Đức giáo hoàng, Đức Dalai Lama hay các thầy các sư cô mới có chất thánh mà người cư sĩ cũng có chất thánh nếu người cư sĩ biết thực tập năm giới và bốn phép tùy niệm, tại vì năm giới bảo đảm sự tự do và an ninh của con người. Nếu đã từng thọ năm giới và sống theo năm giới thì chúng ta biết rằng năm giới bảo hộ cho ta và cho ta rất nhiều tự do, hạnh phúc. Hạnh phúc và tự do đó ta không cần phải đi tìm trong tương lai, nó có thể có ngay trong giây phút hiện tại.
Hơn nữa, nếu người thánh đệ tử áo trắng thực tập bốn phép tùy niệm tức niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới thì sẽ làm tăng thêm chất thánh trong mình và người đó có hạnh phúc ngay lập tức. Cách giải thích của Bụt không có chút mê tín nào. Khi tâm ta chuyên chú vào những đối tượng cao đẹp như Bụt, Pháp và Tăng thì tâm của ta sẽ nhẹ nhàng, thư thái, hạnh phúc. Ta không suy nghĩ tới những chuyện tiêu cực, khổ đau, đam mê, giận hờn. Bốn phép tùy niệm tịnh hóa thân và tâm của mình.
Xin các thầy, các sư cô, các Phật tử cư sĩ đọc kinh Người áo Trắng cho biết phương pháp Bụt dùng để giáo hóa người cư sĩ. Bụt giáo hóa người cư sĩ bằng tuệ giác mà không phải bằng sự tín mộ. Một tôn giáo làm sao lớn mạnh và sống còn nếu chỉ có người xuất gia mà không có người cư sĩ? Người cư sĩ cũng có thể thực tập một cách sâu sắc.
Kinh giáo hóa người bệnh
Kinh kể lại giờ phút sắp chết của ông Cấp Cô Độc. Trong kinh chúng ta thấy một điều rất hay: Khi ông Cấp Cô Độc sắp từ trần thì thầy Xá Lợi Phất và thầy A Nan ngồi một bên. Thầy Xá Lợi Phất đã khôn ngoan dạy cho ông Cấp Cô Độc một sự thật không nằm trên bình diện của sự thật tương đối mà thuộc về bình diện của thắng nghĩa đế. Đó là sự thật không sinh không diệt, không tới không đi, không có không không, không còn không mất. Chỉ với tuệ giác đó thì người chết mới có thể ra đi nhẹ nhàng, thoải mái. Thầy Xá Lợi Phất đã khôn khéo cung cấp cho ông Cấp Cô Độc một bài thiền tập hướng dẫn. Trong vòng 30 phút ông Cấp Cô Độc đã tiếp thu được và thực tập thành công. Thầy Xá Lợi Phất đã hướng dẫn như thế nào để ông Cấp Cô Độc mở lòng ra, thấy được tự tánh không sinh không diệt, không có không không và ông được giải thoát ngay trong giây phút đó. Nước mắt của ông chảy ròng ròng. Thấy ông khóc thầy A Nan tưởng rằng ông còn tiếc nuối điều gì nên hỏi:
– Cư sĩ, tại sao ông khóc, ông còn tiếc nuối gì không?
– Tôi không tiếc nuối gì cả.
– Ông thực tập không thành công sao?
– Thưa thầy, tôi thực tập rất thành công.
– Vậy tại sao ông khóc?
– Thưa thầy, tôi khóc tại vì tôi cảm động quá. Tôi phụng sự đức Như Lai và tăng đoàn trên 30 năm nay mà chưa bao giờ tôi được nghe giáo lý thâm diệu, mầu nhiệm như vậy. Giáo lý không sinh không diệt, không có không không, không còn không mất làm cho tôi hoàn toàn không còn sợ hãi nữa.
Thầy A Nan ngây thơ nói: Cư sĩ, ông không biết chứ giáo lý này chúng tôi nghe hầu như mỗi ngày.
Trong ba tháng của mùa An Cư, trong buổi giảng tôi luôn luôn bắt đầu bằng những pháp môn thực tập trên bình diện của thế tục đế, rồi còn thì giờ tôi mới từ từ đi xuống bình diện của thắng nghĩa đế. Ngày xưa các thầy cũng dạy cho cư sĩ những phép thực tập đáp lại mối quan tâm thường nhật của họ. Nhưng đến khi họ chết thì những phép thực tập đó không đủ để giúp cho họ.
Sau khi nghe thầy A Nan nói như vậy, ông Cấp Cô Độc nói:
Bạch thầy A Nan, xin thầy về thưa lại với Đức Thế Tôn rằng những cư sĩ áo trắng như chúng con phần lớn đều rất bận rộn, họ có những mối quan tâm rất thường nhật. Nhưng cũng có một số chúng con có thể có khả năng tiếp nhận và thực tập được giáo lý vi diệu này. Sau khi thành công trong sự nghiệp chúng con cũng muốn được học giáo lý mà các thầy đã học. Người cư sĩ chúng con cũng có mối quan tâm tối hậu, tại vì chúng con rất cần nó trong lúc đi vào tình trạng sắp lìa đời. Chúng con cũng muốn biết mình sẽ đi về đâu.