Ly sinh hỷ lạc
(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 09.01.2014 tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai, trong khóa An Cư Kết Đông 2013-2014)
Pháp thân phải có khả năng xử lý những khổ đau, trước hết là những cảm thọ đau buồn (khổ thọ). Ta tới Làng Mai để học làm chuyện đó. Nếu giỏi ta có thể học được rất nhiều trong một ngày, không phải chỉ học trong bài pháp thoại mà còn phải học trong sự thực tập. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở đều có thể chế tác hỷ, lạc và an. Không chỉ trong mùa xuân pháp thân của ta lớn nhanh mà trong mùa đông, nếu có chí thì pháp thân của ta cũng lớn rất mau. Mỗi ngày pháp thân ta đều lớn lên. Người Pháp có câu: “Silence, ça pousse!” (Im lặng đi, nó đang lớn lên).
Trong kinh dạy cho chúng ta phương pháp chế tác hỷ, lạc và an. Là người tu chúng ta phải chế tác được hỷ 喜, lạc 樂 và an 安. Không chế tác được thì ta chưa phải là người tu, ta chưa có pháp thân mạnh. Kỹ thuật, cách luyện tập để chế tác hỷ, lạc trong kinh đã dạy rất rõ. Trước hết là:
Ly sinh hỷ lạc
Buông bỏ, chữ Hán là ly 離. Buông bỏ có khả năng đem lại hỷ, lạc và an.
Ly sinh hỷ lạc 離 生 喜 樂. Hỷ là niềm vui (joy), lạc là hạnh phúc (happiness). Hỷ và lạc có thể được sinh ra bởi sự buông bỏ (By the practice of letting go you can create joy and happiness). Ly sinh hỷ lạc, câu này xuất hiện rất nhiều trong các kinh Phật giáo. Ta không có hỷ, lạc tại vì ta chưa có khả năng buông bỏ. Ta đang ghì chặt, ta nghĩ không có cái đó thì ta sẽ chết. Ví dụ ta đang ở thành phố Los Angeles, ta quá bận rộn. Thành phố vừa ồn vừa bụi, ta muốn có hai ngày cuối tuần ra khỏi thành phố đi về miền quê. Ta đang ở Frankfurt, ta muốn về Làng Mai nhưng nói hoài mà ta không đi được vì ta không có khả năng buông bỏ. Cũng như nhiều người không bỏ được Paris, dù họ biết rằng ở Paris rất ồn ào, bụi bặm và ít khi thấy được ánh trăng hay các ngôi sao. Hôm đó một người bạn tới nói:
– Thôi, ngày mai chiều thứ sáu mình đi về Làng Mai đi. Tôi có xe hơi, tôi sẽ chở anh đi.
Người đó thuyết phục rất hay và ta chịu đi. Xe chạy độ 45 phút là ra khỏi Paris. Ta bắt đầu thấy miền quê, cảnh vật rất xanh và tươi mát. Ta có niềm vui lâng lâng, niềm vui đó có được là nhờ ta bỏ lại Paris phía sau lưng. Đó gọi là ly sinh hỷ. Ta tới Làng Mai và ngồi được ở đây là nhờ ta buông bỏ được cuộc sống của ta ở Paris. Có nhiều người vùng vẫy năm này sang năm khác cũng không tới được Làng Mai. Ta tới được Làng Mai có nghĩa là ta có khả năng buông bỏ. Nhưng ta phải buông bỏ cái gì? Đó là vấn đề. Ta phải lấy một tờ giấy và ngồi viết xuống những gì ta có thể buông bỏ được. Ta bị kẹt vào rất nhiều thứ và sở dĩ ta không có niềm vui và hạnh phúc là vì ta chưa buông bỏ được những thứ đó.
Trước hết là ý niệm của ta về hạnh phúc. Mỗi người chúng ta đều có một ý niệm về hạnh phúc. Chúng ta nghĩ phải có cái đó hoặc phải loại trừ cái kia thì mới có hạnh phúc. Ta nghĩ phải có cái nhà đó, cái xe đó, phải có người đó sống với mình thì mới có hạnh phúc. Ta đặt ra những điều kiện, những quan niệm về hạnh phúc của mình. Những người theo đảng cộng sản nghĩ chỉ có chủ nghĩa Mác-xít mới đem lại hạnh phúc cho mình và cho dân. Những người theo tư bản chủ nghĩa thì nghĩ chỉ có kinh tế thị trường mới đem lại hạnh phúc. Chúng ta có một ý niệm về hạnh phúc mà ta không buông bỏ được. Vì vậy ta phải ngồi xuống để xét lại ý niệm về hạnh phúc của mình. Có thể lâu này ta chưa có hạnh phục là vì ta chưa buông bỏ được ý niệm về hạnh phúc đó. Letting go ist the source of happiness. Trong Kinh có ví dụ thả bò: Hôm đó Đức Thế Tôn ngồi với các thầy trong một khu rừng. Sau khi đi khất thực về, thầy trò sắp sửa ăn cơm trong chánh niệm thì một bác nông dân đi ngang qua. Bác hớt hơ hớt hải hỏi:
– Các thầy ơi, các thầy có thấy mấy con bò của tôi đi qua đây không? Không biết tại sao sáng nay mấy con bò của tôi chạy đi đâu mất hết! Không có mấy con bò thì làm sao tôi sống được? Chắc là tôi phải chết quá!
Thấy Bụt lắng nghe, bác than phiền thêm:
– Tôi có mấy sào đất trồng hột mè, nhưng không biết tại sao năm nay lại bị sâu ăn hết, không gặt hái được gì. Như vậy thì làm sao tôi sống được? Chắc là tôi tự tử quá!
Đức Thế Tôn nói:
– Bác ơi, tôi ngồi đây đã hơn nửa giờ mà chưa thấy con bò nào đi ngang qua. Chắc bác phải đi tìm phía bên kia.
Sau khi bác nông dân đi rồi, Bụt quay lại nhìn các thầy mỉm cười và nói:
– Mấy thầy ơi, mấy thầy hên quá, mấy thầy đâu có bò đâu mà sợ mất.
Mục đích của câu chuyện là: Nếu có bò thì phải thả đi. Ý niệm về hạnh phúc là một con bò. Chính vì ý niệm đó mà ta chưa bao giờ có hạnh phúc (Your idea about happiness may be the main obstacle to your happiness). Liên bang Xô viết (the Soviet Union) cứ tin rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại sự cường thịnh của đất nước, và ngoài chủ nghĩa Marx-Lenin ra thì không có con đường nào đưa tới hạnh phúc cho nước Nga. Họ đã bị kẹt vào vào ý niệm đó trong 70 năm. Nếu người công dân nào chống đối lại ý niệm đó thì bị bỏ tù. Họ đã gây ra khổ đau rất nhiều. Chủ thuyết đó là một trong những con bò mà họ chưa thả được.
Tu là phải có thì giờ ngồi xuống, lấy giấy viết ra tất cả tên của những con bò mà ta chưa thả được, trong đó có ý niệm về hạnh phúc của mình. Ta cứ vướng víu, khổ đau, chật vật, bức xúc với chúng. Ta không có khả năng buông bỏ chúng ra. Ta ngồi xuống, hồi tưởng và viết ra trên một tờ giấy tên của những con bò. Có khi một trang giấy cũng chưa đủ vì ta có quá nhiều bò. Sự thật là thả được một con bò thì ta nhẹ đi rất nhiều, thả được hai con thì ta nhẹ đi thêm nữa. Thả hết những con bò thì ta sẽ có rất nhiều hạnh phúc.
Trong thời của Đức Thế Tôn, ông thống đốc của một tiểu bang đi xuất gia. Một đêm ngồi thiền ông cảm thấy hạnh phúc quá tại vì ông đã thả hết những con bò của mình. Ông hứng chí nói lên: “Ôi hạnh phúc! Ôi hạnh phúc!” (Oh, my happiness!) Một thầy khác ngồi cách đó vài thước có tri giác sai lầm, nghĩ rằng ông thầy này chắc tiếc thời kỳ làm thống đốc, tại vì làm thống đốc thì có quân đội, có tiền nhiều, có kẻ hầu người hạ. Thầy ra mách lại với Đức Thế Tôn:
– Bạch Đức Thế Tôn, hồi hôm ngồi thiền con nghe sư anh đó la lên hai lần trong khi ngồi thiền: Ôi, hạnh phúc của ta! Ôi, hạnh phúc của ta! Con không biết tâm lý sư anh ra sao? Chắc là sư anh hối tiếc.
Bụt biết thầy này có tri giác sai lầm nhưng Ngài cứ gọi thầy Badya và một số các thầy tới. Bụt hỏi:
– Này thầy Badya, có phải tối hôm qua trong giờ ngồi thiền thầy đã thốt ra hai câu: “Ôi, hạnh phúc của ta” không?
– Dạ! Bạch Đức Thế Tôn, có. Đêm qua trong khi ngồi thiền con có thốt hai lần câu đó.
– Tại sao thầy làm như vậy, thầy nói cho chúng tôi nghe đi!
Thầy Badya nói:
– Bạch Đức Thế Tôn, hồi còn làm thống đốc con có đủ hết, có lính gác, có chức tước, có người hầu hạ, có châu báu, tiền bạc rất nhiều, nhưng con luôn luôn sống trong sợ hãi. Con sợ người ta lén vào giết con để lấy những thứ đó. Con thật sự không có hạnh phúc. Bây giờ đi xuất gia con buông bỏ hết. Ngồi thiền con thấy rất rõ là mình có tự do rất lớn, mình có sự vô úy, mình không còn sợ ai tới giết mình. Trong trạng thái hạnh phúc, có nhiều tự do đó con chịu không nổi nên đã thốt ra hai lần câu: “Ôi, hạnh phúc của ta”.
Bây giờ các thầy khác mới hiểu hạnh phúc của thầy Badya không phải là gom góp, tích lũy thêm tiền bạc, của cải, danh vọng, mà là buông bỏ. Trong kinh có nói: Buông bỏ là phương pháp đầu tiên để tạo dựng hỷ, lạc và an.
Quý vị có thể hỏi: “Tôi cũng muốn buông bỏ, nhưng bây giờ tôi phải buông bỏ cái gì đây?” Chúng ta phải nhận diện những con bò của mình rồi mới thả chúng được. Vì vậy chúng ta phải viết xuống tên của những con bò mà lâu nay ta không có can đảm để buông bỏ. Buông được một con thì hạnh phúc tăng lên mấy mươi phần trăm. Đó là phương pháp đầu tiên: Ly sinh hỷ, ly sinh lạc, ly sinh an. Thầy Badya có rất nhiều an nên thầy có nhiều hỷ và lạc.
Khi sư chú hay sư cô đi xuất gia thì có người bảo là sư chú hay sư cô dại dột. Nhưng thật ra thì sư chú hay sư cô rất khôn, tại vì mình buông bỏ hết để được cái quý nhất là an, lạc và hỷ. Mình nhẹ lâng lâng, không còn sợ hãi hay lo lắng gì nữa.
(Phần 2: Nghệ thuật xây dựng hạnh phúc)