Leo đồi thế kỷ
Hôm nay trong pháp hội có sự có mặt của tăng thân Làng Sen Búp ở Úc Châu. Ở Pháp chúng ta đang sống giữa mùa Đông. Ở Úc bây giờ là giữa mùa Hạ. Không gian và thời gian hai nơi đã được phối hợp lại trong buổi pháp thoại này. Tuy đại chúng Làng Mai đang ngồi tại thiền đường Cam Lộ nhưng cũng đang ngồi trong khuôn viên Làng Sen Búp. Tuy tăng thân Làng Sen Búp đang ngồi bên Úc nhưng cũng đang có mặt tại thiền đường Cam Lộ với chúng ta hôm nay.
Đầu năm 1996, Làng Mai bắt đầu chế tác một loại pháp thoại gọi là pháp thoại viễn liên (telecom dharma talk). Pháp thoại đầu đã hướng dẫn về chùa Từ Hiếu ở Việt Nam. Tăng thân Làng Mai đã được về chùa tổ trong giờ pháp thoại và đại chúng chùa Từ Hiếu cũng đã có dịp ngồi ở Làng Mai. Đây là pháp thoại viễn liên thứ hai, hướng về châu Úc.
Chúng ta hãy tự hỏi là chúng ta có thì giờ để thương yêu hay không, và chúng ta có thương yêu ai hay không? Nếu chúng ta không thương ai thì trái tim chúng ta sẽ khô cằn. Tình thương đem lại hạnh phúc cho ta và cho những người ta thương. Chúng ta muốn thương những trẻ em đói, bị khuyết tật, bị hiếp đáp chẳng hạn. Chúng ta ôm ấp tình thương ấy trong lòng, mong mỏi một ngày nào đó sẽ có thể có cơ hội trực tiếp làm việc giúp đỡ cho chúng. Nhưng khi thực sự tiếp xúc với các em, ta có thể khựng lại, ta có thể phát giác ra rằng có những trẻ em rất khó thương. Chúng có thể thô bạo, chúng nói dối, chúng ăn cắp. Sau một thời gian tiếp xúc với chúng, tình thương của chúng ta có thể bị xoi mòn. Trước kia ta nghĩ thương trẻ em nghèo đói và khuyết tật là dễ, là ngọt ngào, là an ủi, là mầu nhiệm, bây giờ đây tiếp xúc với thực tế, ta có thể hết thương. Khi ta khám phá ra rằng đối tượng thương yêu của ta không ngọt ngào, không dịu hiền, không dễ thương thì ta thất vọng, chán nản, chua chát, bực bội. Nếu ta không thương được một em bé nghèo khổ và khuyết tật thì ta có thể thương được ai?
Trong chúng ta ai cũng có một hình ảnh nhiệm mầu về Bụt, một tri giác về Bụt. Ta tin là nếu được gặp Bụt bằng xương bằng thịt thì ta có thể thương ngài liền. Bụt thế nào cũng dễ thương, vì Bụt có đầy chất liệu từ bi và trí tuệ. Nhưng nếu các nhà khoa học tìm được cách để cho ta thấy được hình ảnh thật của Bụt đang ngồi trên núi Thứu cách đây 2.600 năm, liệu ta sẽ thương Bụt như ta đang thương không? Chúng ta nhìn lên trời và thấy được những ngôi sao đã tắt cách đây đến nhiều ngàn năm ánh sáng. Hình ảnh du hành trong không gian có thể là không đi bằng đường thẳng mà đi bằng đường cong. Khi bay từ Paris qua Los Angeles, máy bay đâu có đi đường thẳng. Hình ảnh của Bụt và các thầy trên núi Thứu cũng đã lên đường và đang đi vòng quanh. Nếu ta có dụng cụ khoa học tinh vi, ta có thể đuổi kịp và đón bắt những hình ảnh ấy, và nghe được Bụt đang thuyết pháp bằng tiếng Magadhi. Và nghe Bụt, ta có thể đính chính được những điều sai lầm ghi chép trong kinh điển, kể cả những điều Bụt không nói mà người ta gán cho Bụt. Một sư chú ở xóm Thượng nói: ‘‘Hình ảnh Bụt trong con rất đẹp. Nếu bây giờ con thấy Bụt bằng xương bằng thịt, con cứ sợ là ngài sẽ không đẹp bằng Bụt trong tâm ý con. Thầy ơi, thầy nghĩ Bụt giống ai?’’ Tôi trả lời: ‘‘Có thể Bụt hơi giống Mahatma Gandhi.’’ Sư chú hơi thất vọng. Theo sư chú nghĩ thì Bụt đẹp hơn thánh Gandhi nhiều. Tôi đã từng thăm viếng một số các gia đình dòng họ Thích Ca quanh miền Lâm Tỳ Ni và Ca Tỳ La Vệ, tôi đã có một ý niệm về tầm vóc, nước da và dáng dấp của Bụt.
Chúng ta ai cũng xây dựng nên những hình ảnh thật đẹp về Bụt và về Chúa. Chúng ta yêu mến những hình ảnh ấy, nhưng nếu chúng ta gặp Bụt ngoài ga xe lửa Sainte Foy hay gặp Chúa Ki Tô ngoài siêu thị Leclerc thì liệu chúng ta có yêu mến được các vị như ta đã từng yêu mến trong tâm tưởng ta không? Tri giác của ta về Bụt và về Chúa có thể rất khác với Bụt và Chúa trong thực tại.
Trong thời đại của Bụt, có người đã không yêu mến Bụt mà còn ghét bỏ người. Có những vị đệ tử xuất gia của Bụt đã bỏ Bụt ra thành lập những giáo đoàn chống đối. Có những người vu khống cho Bụt. Thương yêu không phải là vấn đề hưởng thụ những ngọt ngào. Thương yêu cần phải có hiểu biết. Không hiểu thì không thể thương. Đối tượng thương yêu không dễ thương mà ta thương được, ấy mới gọi là tình thương. Trong chúng ta có nhiều vị muốn về nước để giúp đỡ trẻ em, để đem lại niềm tin và sự đoàn kết giữa người với người. Chiến tranh đã tạo ra bao nhiêu hận thù, thành kiến, chia rẽ và nghi ngờ. Cho nên chúng ta muốn về, bước những bước chân thân yêu trên đất nước quê hương, ôm lấy mọi người, không phân biệt giàu nghèo, đức tin, để làm vơi đi nỗi khổ và giúp người tìm lại an lạc. Nhưng trước khi trở về, chúng ta phải chuẩn bị tu tập. Những người ta muốn thương có thể là không dễ thương chút nào. Những người ấy có thể nghi kỵ chúng ta, thù hận chúng ta, và muốn tiêu diệt chúng ta. Nếu trước khi về mà các vị không thực tập về hiểu và thương thì khi về tới các vị sẽ có thể ghét những người mà quý vị muốn thương.
Khi ta đã đánh mất khả năng thương yêu là ta cũng đánh mất đời ta. Ta phải có tinh thần thực tiễn. Đừng nghĩ rằng khi về tới là ta có thể ngồi lại với những thành phần chống báng nghi kỵ nhau và có thể thiết lập ngay được sự truyền thông giữa họ và ta. Ta có thể nói rất hay về sự cần thiết của hòa điệu và hòa giải, nhưng ta có thể không áp dụng được những điều ta nói vào thực tế.
Tại Làng Mai, chúng ta sống với nhau hăm bốn giờ đồng hồ một ngày. Chúng ta có thực tập với nhau, nâng đỡ nhau để cùng tạo hạnh phúc cho nhau hay không? Chúng ta có vượt thắng được những quan điểm khác nhau để thực hiện kiến hòa đồng giải hay không? Chúng ta có sử dụng ngôn ngữ từ ái để thực hiện khẩu hòa vô tránh không? Nếu chúng ta thành công được trong những thực tập này, thì ta cũng sẽ thành công được khi về tới quê hương.
Có rất nhiều vị thuyết pháp hay về các đề tài hòa giải và sống trong tinh thần hòa hợp. Nhưng không phải ai nói được thì cũng làm được. Chúng ta không nên chỉ nói suông mà không làm. Nếu chúng ta không thực tập được những điều ta nói, thì ta có thể hiến tặng được gì, và hiến tặng cho ai? Nếu các vị giáo thọ như Chân Truyền và Chân Lương không nắm tay nhau, sống và làm việc trong hòa hợp, thì thử hỏi các cháu làm sao có niềm tin nơi tương lai? Chúng ta phải mỗi ngày cố công thực tập kiến hòa đồng giải và khẩu hòa vô tránh. Kiến hòa đồng giải là tổng hợp những cái thấy để cùng nhau hiểu được vấn đề sâu hơn. Khẩu hòa vô tránh là sử dụng ái ngữ đểngười này không làm tổn thương tự ái của người kia. Đó là những gì chúng ta phải thực tập hàng ngày. Nếu chúng ta thất bại trong phép thực tập này thì thử hỏi làm sao con cháu chúng ta có tương lai? Thử hỏi làm sao để các bạn của chúng ta, tuổi trẻ ở Việt Nam, có được một tương lai? Cho nên chúng ta chưa cần phải vội vã đi về cái phía phụng sự; ngay trong khi chúng ta ở đây sống với nhau, đi thiền hành, ăn cơm, pháp đàm, pháp thoại, chúng ta đã có thể thực hiện thương yêu rồi. Tại vì nếu tôi có thể nhìn được người sư em của tôi với con mắt thương yêu, nếu tôi có thể thở và mỉm cười khi người sư anh tôi nói một câu nói không được dễ thương lắm thì đó là tôi đã bắt đầu thương yêu và phụng sự cho những người tôi nguyện thương yêu và phụng sự ở quê hương tôi. Chúng ta không cần phải đi về tương lai, chúng ta không cần phải đi qua bên nớ thì chúng ta mới thương yêu được, chúng ta mới có thể phục vụ họ được. Ngay tại bên này, đi từng bước chân thiền hành, mỉm từng nụ cười chánh niệm, nhìn từng cái ánh mắt thương yêu và chấp nhận, đó đã là những hành động thương yêu đích thực mà chúng ta hướng về quê hương và những người khổ đau cùng khắp trên thế giới.
Chúng ta học được của Bụt, của thầy và của tăng thân rất nhiều, và chúng ta thao thức muốn đi ra ngoài để có thể chia sẻ cho người khác những gì chúng ta đã học. Chúng ta muốn đi dạy. Nhưng chúng ta sẽ dạy gì? Nếu ta không có khả năng thở và đi thiền hành, để tháo gỡ những nỗi khổ niềm đau của chúng ta như cái giận, cái buồn, cái ganh, cái tức, thì chúng ta có thể dạy được gì cho kẻ khác? Không lẽ chúng ta chỉ đem tới cho họ những bài pháp thoại, những bài pháp thoại mà chính chúng ta cũng chưa thực sự thâm nhập và chưa đem áp dụng được vào trong đời sống hàng ngày của cá nhân và của tăng thân? Chúng ta phải tự hỏi là nếu đi ra ngoài dạy thì chúng ta sẽ dạy gì. Chúng ta chỉ có thể dạy được bằng kinh nghiệm của chúng ta thôi. Chúng ta không phải là một cái máy thâu thanh và phát thanh. Máy thâu thanh và phát thanh có thể được mua ngoài chợ, và những cuốn băng cũng có thể được mua ngoài chợ. Những người thương của chúng ta cần những gì quan trọng hơn một cái máy phát thanh và một cuộn băng pháp thoại. Họ cần cái kinh nghiệm trực tiếp của chúng ta. Khi chúng ta có khả năng hóa giải được những khổ đau, những hận thù, những ganh tỵ, những buồn bực của chúng ta bằng những phương pháp thực tập rồi thì chúng ta sẽ có đức tin lớn nơi chính ta. Và khi ta nói pháp và chia sẻ pháp môn, lời nói của chúng ta có năng lượng mạnh, bởi vì những gì chúng ta chia sẻ không phát xuất từ những lý thuyết và kinh điển, mà từ khổ đau và sự thực tập của chúng ta. Vì vậy cho nên ở tại Làng Mai tôi thường nhắc nhở quý vị rằng chúng ta chỉ nên dạy những gì mà chúng ta đã làm mà thôi. Ví dụ như chúng ta dạy về cái lạy thứ nhất. Lạy xuống, ta phải thấy được tổ tiên của ta, tổ tiên tâm linh và tổ tiên huyết thống. Trong số các tổ tiên của chúng ta có những vị gần như là tuyệt hảo, nhưng cũng có những vị còn yếu kém, còn bê bối, nhưng vì họ là tổ tiên của chúng ta nên chúng ta phải chấp nhận họ. Nếu chúng ta không gọi họ là tổ tiên thì chúng ta gọi họ là gì? Trong phương pháp thực tập ba lạy, tất cả những người sinh ra trước ta đều là tổ tiên của ta cả. Ta có những tổ tiên rất trẻ, mới có hai mươi tuổi cũng đã là tổ tiên của ta rồi. Đó là sư anh của ta, sư chị của ta. Ta cũng có những tổ tiên rất già, hai ngàn tuổi, hai ngàn năm trăm tuổi. Có những vị rất hay, rất giải; có những vị còn non yếu, nhưng tất cả đều là tổ tiên của chúng ta. Cha mẹ của chúng ta có thể hư hèn, cha mẹ của chúng ta có thể nghiện ngập, có thể đã làm khổ cho nhau, có thể đã làm khổ ta, nhưng họ vẫn là cha mẹ của ta. Ta phải chấp nhận họ là cha mẹ của ta trước, và chấp nhận được rồi thì ta sẽ có sự bình an. Lúc đó ta mới có thể làm được một cái gì để giúp cho anh ta, chị ta, cha ta, mẹ ta và tổ tiên ta. Còn nếu chúng ta nói rằng người đó không xứng đáng, ta không thể gọi người đó là cha, là mẹ, thì ta sẽ kẹt vào thế bí suốt đời. Ta phải học chấp nhận họ. Sau đó, trong cùng một cái lạy ta tiếp xúc với con cháu của ta, các em của ta, học trò của ta. Có những đứa gần như tuyệt hảo, nhưng cũng có những đứa còn trồi lên trụt xuống, chúng cãi lại ta, chúng không dễ thương với ta, hận thù ta, không chịu thực tập gì cả. Trong cái lạy thứ nhất, ta cũng phải học chấp nhận chúng. Ta chấp nhận tất cả con cháu của ta, những đứa giải và cả những đứa yếu kém. Chỉ khi nào ta chấp nhận được hết thì ta mới có sự an bình và sự tươi mát, và ta mới có thể giúp được con, được cháu của ta mà thôi. Cái lạy thứ nhất là cái lạy chấp nhận.
Thực tập ba cái lạy không phải là quỵ lụy cầu xin mà là quán chiếu. Trong cái lạy thứ nhất ta thấy ta hòa đồng vào dòng sinh mạng huyết thống và tâm linh, và ta xóa được cái bản ngã của ta, chính đó là một thực tập căn bản của đạo Bụt. Khắp nơi người ta nói tới vô ngã nhưng những ngôn từ về vô ngã ấy có thể không dính líu gì với đời sống hàng ngày của chúng ta cả. Những pháp môn thực tập tại Làng Mai thực sự là vô ngã quán. Tập quán chiếu cho ý niệm về ngã tan biến đểmình thấy được mình là một với tổ tiên mình, và đã là tổ tiên của mình mình cũng chấp nhận tất cả, dầu hư hèn hay tuyệt diệu. Ta chấp nhận hết tất cả con cháu của ta, dầu con cháu hư hèn hay tuyệt diệu, và tự nhiên ta thấy trào dâng cái hòa bình và cái hạnh phúc ở trong lòng ta trước. Nếu mỗi ngày ta lạy như cái máy mà ta không thực hiện được tuệ giác qua những cái lạy ấy thì đến khi ra dạy người, ta sẽ dạy gì? Nếu ta vẫn còn là một cá nhân biệt lập, một cái ngã tách biệt ra khỏi tăng thân, thấy ta không phải là sư anh của ta, không phải là sư chị của ta, không phải là thầy của ta, nơi này không phải là nơi của mình, thì làm sao ta có thể đi dạy ai được? Tuệ giác về vô ngã ta chưa có, ta chỉ mới có một mớ lý thuyết về vô ngã mà thôi.
Pháp môn tại Làng Mai là an trú trong hiện tại. Chỉ có an trú trong hiện tại chúng ta mới khỏi chạy vòng quanh và do đó ta bắt đầu có hạnh phúc. Nếu thực tập quán chiếu, ta sẽ nhận ra rằng những điều kiện để ta có hạnh phúc đã có sẵn ngay trong ngày hôm nay, trong ta và chung quanh ta. Không khí ta thở, những con đường thiền hành ta đi, nước ta uống, sư anh của ta, sư chị của ta, sư em của ta, thầy của ta…, tất cả những điều kiện thuận lợi có đó. Mỗi ngày ta có cơ hội thực tập ngồi thiền chung với tăng thân, đi thiền hành chung với tăng thân, ngồi ăn cơm chánh niệm với tăng thân…, đó là những điều kiện dư dã để ta có hạnh phúc. Nếu ta không biết lợi dụng những điều kiện ấy, không biết thưởng thức chúng mà lại đi tìm những điều kiện hạnh phúc khác thì chúng ta đâu có thể được gọi là người đang sống đúng theo nguyên tắc của sự thực tập. Ở Việt Nam chúng ta thường nói đứng núi này trông núi nọ (standing on the top of one mountain, you look and envy the top of an other mountain). Mình đứng trên một đỉnh núi đẹp mà không biết thưởng thức, lại nhìn sang đỉnh núi kia và nói: ‘‘Trời! Giả dụ ta sang được bên đỉnh núi kia thì đẹp biết mấy.’’ Đây là cái lỗi của rất nhiều người trong chúng ta. Một người vợ có thể thấy ông chồng của một gia đình khác dễ thương hơn ông chồng của mình. Một đứa con có thể nói phân bì là mẹ của bạn mình ngọt ngào hơn mẹ của mình. Có một em bé Hòa Lan đi qua nhà hàng xóm chơi, thấy cái bếp của nhà bên kia rất đẹp, đẹp hơn cái bếp ở nhà, và thấy mẹ của bạn sao mà dễ thương và ngọt ngào hơn mẹ nó. Về nhà nó nói: ‘‘Má ơi, con muốn đổi cái nhà bếp của mình lấy cái bếp bên kia, con cũng muốn đổi mẹ nữa. Mẹ bên kia có vẻ dễ thương hơn.’’ Em bé ấy bây giờ đã tốt nghiệp đại học rồi. Tôi đã gặp nó hồi nó sáu tuổi.
Nếu chúng ta cứ đứng núi này trông núi nọ là vì chúng ta không có khả năng sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại và trong hoàn cảnh này. Chúng ta không có khả năng nhận diện những yếu tố của hạnh phúc, bây giờ và ở đây, và vì vậy chúng ta thấp thỏm muốn nhảy sang chỗ khác. Trong tăng thân chúng ta, có những người có khả năng sống hạnh phúc trong hiện tại. Điều đó là một điều rất đáng mừng, trong số những người đó có những người rất trẻ. Và cái đó là một vốn liếng rất quý giá của mình.
Nếu có khả năng nhận diện được những điều kiện hạnh phúc đang có mặt ngày hôm nay thì ta đã không có thái độ đứng núi này trông núi nọ. Ta có thể ngồi rất yên ổn trên tòa sen và ta không còn có cảm tưởng ngồi trên một đống lửa, luôn luôn muốn phải thế này, phải thế khác. Nếu an trú được trong hiện tại và có khả năng hạnh phúc ngay bây giờ thì khi là giáo thọ ta cũng có hạnh phúc, mà không phải giáo thọ ta cũng có hạnh phúc. Những người có khả năng an trú trong hiện tại, có khả năng có hạnh phúc thì nói rằng: ‘‘Là giáo thọ hay không là giáo thọ tôi vẫn có hạnh phúc như thường.’’ Tại Làng Mai có nhiều người như vậy. Còn nếu mà không có khả năng hạnh phúc thì dù làm giáo thọ vẫn không có hạnh phúc như thường. Có những người làm sa di, chưa thọ Giới Lớn nhưng vẫn sung sướng với cái địa vị là sa di của mình. Nếu ta bồn chồn, nếu ta ngồi không yên trên cái chỗ ngồi của ta đó là tại vì ta đang có thái độ đứng núi này trông núi nọ. Ta phải chứng tỏ khả năng sống hạnh phúc của ta. Tất cả những điều kiện có trong tôi và xung quanh tôi đã dư dã để cho tôi có hạnh phúc. Một điều may mắn cho chúng ta là trong tăng thân của chúng ta có những người có khả năng như vậy. Khi thấy được những người như thế thì chúng ta sẽ có đức tin nơi chánh pháp, nơi Bụt và nơi tăng thân.
chúng ta hãy vẽ trên bảng hình của một trái đồi thoai thoải
_2050
2000 2100
Thế kỷ thứ hai mươi mốt được ví với một ngọn đồi, và chúng ta chỉ cần bước bốn bước nữa thì chúng ta tới cái mốc năm 2000. Chúng ta đang chấm dứt thế kỷ thứ hai mươi và chúng ta sẽ bắt đầu trèo lên cái ngọn đồi của thế kỷ thứ hai mươi mốt. Tôi đã lớn tuổi rồi, không biết là có đi tới được chân đồi hay không, nhưng tôi rất quan tâm tới ngọn đồi của thế kỷ, và ngày nào tôi cũng hình dung tới các con cháu của tôi đang cùng nhau leo lên cái ngọn đồi ấy. Chắc chắn là các vị sẽ có tôi cùng leo. Tôi sống được mấy năm nữa, hai năm, ba năm, bốn năm năm hay là mười năm, điều đó ta không có thể biết trước. Có một điều ta có thể biết trước là tôi sẽ cùng leo ngọn đồi đó với con cháu của tôi. Tôi không bằng lòng với dự tính kế hoạch ba hay bốn năm. Tôi muốn làm dự tính kế hoạch cho mấy ngàn năm. Ta hãy tưởng tượng sư em Pháp Cảnh lúc sư em leo tới đỉnh đồi, đó là vào năm 2050, lúc ấy sư em đã bảy mươi bốn tuổi. Đứng trên đỉnh đồi sư em thấy gì? Nhìn lại sư em thấy con đường tu học của mình và nhìn xuống phía trước mặt sư em thấy tăng thân sẽ cùng leo xuống đồi với nhau. Lúc đó, bảy mươi bốn tuổi rồi cố nhiên sư em sẽ có nhiều đệ tử xuất gia và tại gia, và người ta đã gọi sư em là Sư Ông. Cái điều mà tôi muốn nói đây là chúng ta phải cùng leo ngọn đồi của thế kỷ với tư cách một tăng thân chứ không phải với tư cách một cá nhân. Bí quyết của sự thực tập chúng ta là ở nơi đó. Đi với tư cách một tăng thân thì chúng ta sẽ tới đích, còn nếu đi với tư cách một cá nhân thì chúng ta sẽ không đi tới đâu hết. Và vì vậy cho nên tôi đã quyết định từ lâu rồi là chúng ta sẽ cùng leo ngọn đồi thế kỷ với tư cách một tăng thân. Nghĩa là chúng ta phải xóa đi cái bản ngã của chúng ta và hòa mình vào trong dòng sinh mạng của tăng thân. Sư Ông của các vị, pháp danh là Thanh Quý, đang có mặt với chúng ta ngày hôm nay, trong pháp hội này. Sư Ông đã truyền đăng cho tôi với một bài kệ. Sư Ông đã đưa tôi trên một đoạn đường với tất cả những thương yêu và chăm sóc, và bây giờ tôi cũng đang mang Sư Ông trong con người của tôi để đi và cũng đã trao truyền Sư Ông lại cho quý vị để quý vị mang theo. Nếu không có Sư Ông thì làm sao có tôi? Nếu không có tôi thì làm sao có quý vị? Chúng ta là một dòng sinh mạng, và chỉ khi nào chúng ta thiết kế được như một tăng thân thì đó mới thật sự là một thiết kế, còn thiết kế của cá nhân là điều không đáng cho chúng ta mất thì giờ và tâm lực, bởi vì một cá nhân không là gì, trong khi một tăng thân là tất cả. Tăng thân của Bụt đã chưa bao giờ từng đứt đoạn. Tăng thân của Bụt đã leo hai mươi lăm ngọn đồi thế kỷ, và hôm nay chúng ta mang trong trái tim của chúng ta cái giáo đoàn đã được 2600 tuổi. Chúng ta còn trẻ nhưng mà chúng ta cũng đã rất già.
Vậy thì tăng thân của chúng ta không phải chỉ đang ngồi trong pháp thoại này tại thiền đường Cam Lộ hay trong cộng đồng Làng Sen Búp, mà là tăng thân khắp chốn. Tăng thân của chúng ta rất lớn, rất rộng. Các vị đã từng có cơ hội tham dự vào những chuyến đi hoằng pháp trong các năm qua thì quý vị đã bắt đầu có được một ý niệm về tăng thân của chúng ta, tăng thân muôn mầu muôn vẻ. Mỗi thành phần của tăng thân tìm cách phát triển và nuôi dưỡng cho tăng thân bằng những phương tiện khác nhau. Và bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào Sư Ông của các vị cũng có mặt, tôi cũng có mặt, và con cháu của các vị cũng có mặt. Đó là một cái thấy mà chúng ta phải khám phá ra cho kỳ được, đó là cái thấy vô ngã, và chỉ khi nào có được cái thấy đó ta mới bước được một bước thật vững chãi trên đường đời.
Các bạn ở bên Sen Búp cũng vậy. Chúng ta không phải là những mảnh nhỏ rời nhau, khổ đau, tách ra ngoài đại thể. Chúng ta là một tăng thân. Chúng ta nương vào nhau, chúng ta biết rằng khi một con ngựa đau thì cả tàu không ăn cỏ. Chúng ta phải thấy rằng khổ đau của người này là khổ đau của người kia. Chúng ta phải thấy nụ cười và niềm vui của người này là nụ cười và niềm vui của người kia. Chỉ khi nào ta sống được như vậy thì giáo lý vô ngã của Bụt mới trở thành sự thật sống động.
_____________
pháp thoại 28-1-1996, thiền đường Cam Lộ ở xóm Hạ, trong khóa tu mùa Đông