Pháp thoại theo chủ đề

Đức Bụt của thế kỷ chúng ta

(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai ngày 13.02.2005 tại Chùa Hoằng Pháp, Việt Nam)

Kính thưa Ðại chúng! Hôm nay là ngày 13 tháng 2 năm 2005. Chúng ta đang vào ngày thứ ba của khóa tu dành cho người cư sĩ, được tổ chức tại chùa Hoằng Pháp, hôm nay chúng ta nghe bài pháp thoại cuối của khóa tu. Đề tài của bài pháp thoại là Đức Phật của thế kỷ chúng ta, Đức Phật của thương yêu. Theo cái thấy của tôi thì Đức Từ Thị, Đức Di Lặc đã giáng sanh rồi, Ngài đã hạ sanh và Ngài hiện bây giờ chắc khoảng năm hay sáu tuổi. Khi quý vị nghe như vậy thì quý vị muốn hỏi rất nhiều câu hỏi.

Ngài Giáng Sanh rồi hả? Thiệt không thầy? Con trai hay con gái và sinh ra ở nước nào?  Con có thể gửi phẩm vật tới cúng dường được hay không? Con có thể tới thăm Ngài hay không? Cố nhiên là quý vị sẽ có những câu hỏi như vậy và tôi sẽ tìm cách trả lời những câu hỏi của quý vị.

 

 

Trước hết tôi muốn nói rằng, kỳ này Đức Như Lai giáng sanh có thể không phải là trong hình thức của một cá nhân mà hình thức của một tập thể, một tập đoàn, một cộng đồng, một tăng thân. Thế kỷ thứ 20 là thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân, individualism và chủ nghĩa cá nhân đã lộng hành tạo ra biết bao nhiêu chia rẽ, bao nhiêu hận thù, một thế kỷ đẫm máu. Và chúng ta biết rằng nếu thế kỷ thứ 21 vẫn tiếp tục theo chủ nghĩa cá nhân thì chúng ta sẽ có sự tiêu diệt. Vì vậy cho nên thế kỷ thứ 21 phải là thế kỷ tâm linh, thế kỷ của tình thương, nếu không thì sẽ có sự hoại diệt của trái đất này. Sự Giáng Sinh của Bụt Di Lặc, Bụt Từ Thị trong thế kỷ này là một điều rất thiết yếu, nếu Ngài không giáng sinh trong thế kỷ này thì chắc chắn trái đất này sẽ tan tành vì chiến tranh, vì hận thù, vì chủ nghĩa cá nhân. Ngài đã giáng sinh không phải dưới hình thức của một cá nhân mà Ngài sẽ giáng sinh dưới hình thức của một cộng đồng tu tập. Một tứ chúng trong đó có người xuất gia nam, người xuất gia nữ, người tại gia nam và người tại gia nữ. Nếu chúng ta biết chuẩn bị thì chúng ta sẽ trở thành một thành phần của tứ chúng đó. Mỗi chúng ta sẽ là một tế bào trong cơ thể của Đức Bụt tương lai. Bụt Từ Thị tên là Maitreya, Maitreya ta dịch là Di Lặc hay là Từ Thị, mà “Từ” tức là thương yêu, cho nên Đức Bụt của thế giới chúng ta là Đức Bụt của thương yêu.

Hôm nay bài giảng này nói về bản chất của thương yêu để cho chúng ta có thể chuẩn bị thực tập. Thực tập thương yêu tức là chuẩn bị để đón tiếp Đức Bụt của thế kỷ chúng ta, Bụt Từ Thị. Bụt Di Lặc là một sự nối tiếp của Bụt Thích Ca tại vì Ngài cũng đã là đệ tử của Đức Thích Ca.

Ngày xưa có một chàng trai tên là Maitreya. Trong thời Đức Thế Tôn còn tại thế có một chàng trai tên là Maitreya cùng tới thăm Đức Thế Tôn với một số các nhà triết học và đạo học khác. Sau khi những nhà triết học và đạo học khác đặt những câu hỏi cho Đức Thế Tôn thì chàng trai Maitreya cũng đặt những câu hỏi. Chàng trai Maitreya đã đặt những câu hỏi rất thông minh. Sau này Bụt của chúng ta, thầy của chúng ta, tức là Bụt Thích Ca đã tiên đoán rằng Maitreya sẽ là Đức Bụt kế tiếp. Vì vậy Maitreya cũng là đệ tử của Đức Thích Ca và cũng là sự tiếp nối của Đức Thích Ca.

 

 

Maitreya dịch là con người của thương yêu, Đức Bụt của tình thương. Chữ Maitreya phát sinh ra từ gốc chữ Maitri. Maitri có nghĩa là Từ, Từ tức là khả năng ban phát hiến tặng hạnh phúc. Đức Thích Ca đã giảng dạy về phương pháp thương yêu và Ngài đã nói tới Từ, Bi, Hỷ và Xả, đó là bốn chất liệu, bốn khía cạnh của tình thương đích thực. Maitreya, Từ Thị từ chữ Maitri mà ra, mà chữ Maitri có nghĩa là Từ, và chữ Maitri cũng có gốc từ chữ Mitra. Mitra tức là bạn, tức là tình huynh đệ. Đức Bụt mới của chúng ta là Đức Bụt của tình huynh đệ. Tại vì chữ Maitri cũng nghĩa là tình huynh đệ. Chúng ta không có thể nhân danh một tôn giáo hay một chủ nghĩa nào để giẫm nát tình huynh đệ. Tình huynh đệ là cái cao quý nhất. Vì vậy chúng ta đừng nhân danh một công trình nào, một sự nghiệp nào, một tôn giáo nào hay một chủ thuyết nào để làm tan nát tình huynh đệ. Tại vì tình huynh đệ là cao nhất, đó là tự thân của Bụt Thích Ca.

Trong bài thơ Lửa Từ Bi của Vũ Hoàng Chương, ca ngợi Hòa Thượng Thích Quảng Ðức, có hai câu mà tôi rất là thích, hai câu đó như thế này:

“Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt

  Ta nhìn nhau tình huynh đệ bao la.”

Những khối sân si ở trên thế gian nó gây chiến tranh, gây đau khổ, gây kỳ thị, gây chia rẽ. Và khi Đức Bụt Di Lặc xuất hiện thì tất cả những khối sân si đó đều mở mắt và đều có khả năng thấy được tình huynh đệ. Ngọn lửa của thầy Quảng Ðức là ánh sáng giúp cho những khối sân si hay muôn vạn khối sân si mở mắt ra để thấy được tình huynh đệ bao la. Thấy được tình huynh đệ bao la tức là thấy được Bụt Di Lặc.

Hôm trước tôi có viết thư cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tôi có đề nghị thành phố nên xây một cái tháp chín tầng để kỷ niệm Hòa Thượng Thích Quảng Ðức. Ngày xưa tôi rất thân quen với Hòa Thượng Quảng Ðức từ Nha Trang cho tới chùa Long Vĩnh ở Sài Gòn. Khi tôi đi ngang qua ngã tư Phan Đình Phùng thì thấy có một cái tháp rất là nhỏ, không xứng đáng với tầm vóc vĩ đại của Hòa Thượng Quảng Ðức. Cho nên tôi đã viết thư cho ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu nghĩ tới chuyện nên xây một toà tháp chín tầng để kỷ niệm một vĩ nhân của đất nước Việt Nam. Hòa Thượng Thích Quảng Ðức không phải chỉ là người của đạo Phật, Hòa Thượng là người của dân tộc Việt Nam và ánh sáng của Hòa Thượng đã làm lay chuyển, đã mở mắt cho không biết bao nhiêu khối sân si trên thế giới. Câu chót của bài thơ Lửa Từ Bi của Vũ Hoàng Chương là câu:

“Đồng loại chúng con nắm tay nhau tràn nước mắt

Tình thương hiện tháp chín tầng xây”

Tình thương hiện thành một bảo tháp có chín tầng, vì vậy tôi đã đề nghị với ông Chủ tịch là phải xây một cái tháp chín tầng cho Hòa Thượng Quảng Ðức. Ở tầng trệt chúng ta sẽ có một tấm bia khắc bài thơ đó của Vũ Hoàng Chương.

Nhạc sĩ Phạm Duy cũng có làm một bài thơ để ca tụng Hòa Thượng Quảng Ðức. Bài này là một bài Âu Ca, chỉ sáu hay bảy dòng thôi và đó là bài kết thúc của trường ca “Mẹ Việt Nam”. Phạm Duy viết như thế này:

 “Việt Nam trên đường tương lai

Lửa thiêng soi toàn thế giới,

Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho người.

Tình yêu đây là khí giới,

Tình thương đang về muôn nơi.”

Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người.

Câu lửa thiên soi toàn thế giới tức là nói về ngọn lửa của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức.

Ta tranh đấu cho thế giới, không phải bằng võ khí nguyên tử, võ khí hạt nhân mà ta tranh đấu bằng khí giới của tình yêu. Đó là sứ mạng của Bụt Di Lặc. Chúng ta phải có bổn phận yểm trợ Đức Di Lặc và giúp cho Ngài thành lập, tạo dựng một Tăng thân gồm có Tứ Chúng, biểu lộ được tình thương trong tinh thần Từ, Bi, Hỷ và Xả.

 

 

Trước hết tôi xin nói về “Từ”. Từ tức là ước muốn và khả năng hiến tặng hạnh phúc. Thương yêu nghĩa là hiến tặng hạnh phúc, nếu không hiến tặng được hạnh phúc thì tình thương đó không phải là tình thương đích thực. Theo tinh thần Phật giáo, ta phải hiến tặng hạnh phúc cho cha và cho mẹ trong đời sống hàng ngày. Đôi khi ta có ý chí muốn làm cho cha mẹ hạnh phúc nhưng trên thực tế ta không có khả năng làm cho cha mẹ ta có hạnh phúc. Ý chí đó, ước muốn đó chưa phải là tình thương. Cho nên phải học các phương pháp làm thế nào để cha mẹ có hạnh phúc. Nếu ta yêu con trai hay con gái thì ta phải làm sao cho ngày hôm nay con ta có hạnh phúc. Ta nói thương con thôi thì chưa đủ, ta tin rằng ta thương con, ta tin rằng trong trái tim ta có rất nhiều tình thương dành cho con. Nhưng nếu ta không biết cách thì con ta vẫn đau khổ như thường. Khả năng có thể dâng tặng hạnh phúc mới gọi là Từ, mới gọi là thương yêu. Chúng ta phải thực tập làm thế nào để cho mỗi ngày ta có thể hiến tặng được hạnh phúc cho người ta thương.

Chúng ta muốn hiến tặng hạnh phúc cho người ta thương trước hết ta phải có sự tươi mát. Nếu ta không có tươi mát thì sự có mặt của ta không làm cho người kia hạnh phúc được. Trước hết ta phải thực tập như thế nào để ta có sự tươi mát. Ở Làng Mai có một bài thực tập là hoa tươi mát. Mỗi người trong chúng ta đều có hạt giống của sự tươi mát, dễ chịu, dễ thương trong mỗi người. Nhưng nếu chúng ta không sống theo phương pháp Bụt dạy thì sự tươi mát của chúng ta càng ngày càng ít đi và chúng ta trở thành khô cằn, héo hon, bực bội và chúng ta không có gì để hiến tặng cho người chúng ta thương yêu. Phải thực tập thở, thực tập mỉm cười, thực tập thư giãn, thực tập như thế nào để phục hồi sự tươi mát cho cơ thể  và tâm hồn ta.

Chúng ta biết rằng con người khi sinh ra đẹp như một bông hoa. Con người là một bông hoa trong vườn hoa nhân loại. Nhưng có những người trong chúng ta mất đi sự tươi mát đẹp đẽ, tại vì chúng ta không biết cách nuôi dưỡng bông hoa tươi mát ở trong chúng ta. Ta vốn có tính tươi mát của bông hoa. Ta vốn có tính đẹp đẽ của một bông hoa. Nhưng tại vì ta giận hờn, ta trách móc, ta sầu thương, ta lo lắng nhiều quá cho nên tính hoa của chúng ta càng ngày càng khô cằn và ta không có được sự tươi mát, sự đẹp đẽ đó để hiến tặng cho người ta thương. Trong bài thơ gửi cho chị Trúc, thi sĩ Nguyễn Bính có hứa với chị rằng sang năm mới em sẽ không than nữa, không rầu nữa, không khóc nữa. Và em hy vọng nếu em làm được như vậy thì hai mắt của em sẽ trong và sẽ tươi ra.

“Em không khóc nữa, không than nữa.

Đây một bài thơ hận cuối cùng

Không than chắc hẳn hồn tươi lại,

Không khóc tha hồ đôi mắt trong.”

Cho nên ta phải thực tập như thế nào để phục hồi tính tươi mát, tính trong sáng của thân thể và của tâm hồn ta. Đó là món quà quý giá nhất mà ta có thể tặng cho người thương của ta. Và là món quà quý nhất mà chúng ta có thể tặng cho cha, cho mẹ, cho con của ta.

 

 

Tôi đã từng nói chuyện với những người trẻ. Một trong những hạnh phúc lớn của đời tôi là chưa bao giờ bị xa cách với người trẻ, người trẻ rất tin tôi và tôi rất tin người trẻ. Cho nên không có cái hố ngăn cách về tuổi tác cũng như về văn hóa giữa tôi với người trẻ tuổi, dù là người trẻ tuổi xuất gia hay là người trẻ tuổi tại gia. Tôi đã viết rất là nhiều sách cho người trẻ tuổi, như là nói với tuổi 20, tuổi trẻ tình yêu và lý tưởng… nếu quý vị muốn đọc thì quý vị lên mạng của Làng Mai và quý vị sẽ đọc được những lời thương yêu đó, những lời tâm tình đó với tuổi trẻ. Đối với người xuất gia tôi đã viết quyển nói với người xuất gia trẻ với giọng điệu rất là thương yêu, rất là tâm tình. Tôi đã nói chuyện với những người trẻ và họ đồng ý với tôi một điểm rằng món quà quý nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con cháu là sự hạnh phúc của cha mẹ. Cha mẹ thương nhau, cha mẹ hiến tặng cho con cháu niềm vui hạnh phúc. Những người trẻ không cần cha mẹ để lại cho họ tiền bạc, nhà cửa, xe hơi. Họ chỉ muốn cha mẹ sống với nhau hạnh phúc. Đó là gia tài quý nhất của cha mẹ có thể tặng cho con cái. “Từ” tức là maitri, còn “Bi” là karuna. “Bi” có nghĩa là ước muốn và khả năng lấy đi nỗi khổ niềm đau trong người ta thương. Người ta thương có những nỗi đau, những nỗi khổ, những khó khăn. Nếu ta là một người thương đích thực, có khả năng thì ta có thể  giúp chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau, những bế tắc, những mắc kẹt của người ta thương, đây mới thiệt là thương. Người nào mà không có những khó khăn, người nào mà không có những bức xúc trong lòng, người nào mà không có những khổ đau, người nào mà không có ước vọng. Chúng ta là người thương đích thực thì phải nhìn sâu vào người đó để thấy những nỗi khổ đau của người đó. Đôi khi những khổ đau đó chồng chất từ hồi ta còn ấu thơ mà chưa có ai lắng nghe cả, ta giúp cho người kia nói ra được tất cả những khổ đau mà người kia chưa có dịp nói với ai hết, thì đó gọi là Bi. “Bi” tức là làm cho nhẹ những nỗi khổ niềm đau của người ta thương. Cho nên trong khi thực tập Từ cũng như thực tập Bi, chúng ta phải nhìn sâu vào đối tượng thương yêu của ta. Đối tượng đó có thể là con trai hay con gái của ta. Ta phải thực sự có mặt một cách tươi mát để lắng nghe, để hiểu và đó là Từ và Bi. Người nào cũng có thể thực tập được Từ và Bi mỗi ngày. Người xuất gia cũng vậy, người tại gia cũng vậy. Quý vị đừng nói là quý vị không thực tập Từ và Bi được, tại vì mỗi vị ngồi ở đây đều có hạt giống của Từ và Bi. Hạt giống đó có thể còn nhỏ nhưng nó luôn có mặt đó. Nếu mỗi ngày ta thực tập Từ và thực tập Bi thì hạt giống đó sẽ lớn lên. Khi hạt giống Từ và Bi trở thành quan trọng, lớn mạnh thì hạnh phúc của ta sẽ nhiều lắm. Người hạnh phúc là nhờ có nhiều Từ và Bi. Sở dĩ tôi có hạnh phúc nhiều là tại vì tôi có rất nhiều Từ, tôi có rất là nhiều Bi. Tôi có thì giờ để hiến tặng sự có mặt của tôi cho những người thương của tôi, những người đang gặp khó khăn, những người đang có những cái bức xúc trong lòng, có những khổ đau, có những ước vọng chưa thành tựu.