Pháp thoại theo chủ đề

Địa xúc – tuệ giác vô ngã

Pháp thoại ngày 20.12.2012 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, chùa Cam Lộ, xóm Hạ, Làng Mai trong khóa An Cư Kết Đông 2012-2013.

Tiếp xúc với tự tính vô ngã

Vô ngã là một cái định (concentration) mà không phải là triết học hay ý niệm. Nếu chỉ sử dụng trí năng thì chúng ta sẽ không chứng đạt được vô ngã. Phải thực tập định thì ta mới chứng được vô ngã, tại vì có thể ta nói về vô ngã rất hay nhưng cái ngã của ta vẫn còn rất lớn. Cái ngã càng lớn thì ta càng đau khổ và càng làm cho những người khác đau khổ. Vấn đề không phải là nói về vô ngã mà ta phải thực tập như thế nào để vượt thoát được ý niệm về ngã.

Trong khi thực tập địa xúc (thiền lạy), chúng ta quán tưởng tới đất Mẹ. Chúng ta nhắc lại lúc Bụt Thích Ca sắp thành đạo. Ngài có linh cảm rằng trong 24 giờ đồng hồ nữa thì Ngài sẽ đạt được đạo nên Ngài rất phấn khởi. Lúc đó ma vương Ba Tuần hiện ra nói với Ngài:

  • Ông có chắc là trong 24 giờ đồng hồ nữa ông sẽ chứng đạo không? Ông đừng nên lạc quan nhiều như vậy. Ai sẽ làm chứng là ông đã làm được chuyện đó? Làm sao mà ông đạt được đạo? Thế giới nằm dưới quyền của tôi, quyền của u mê, quên lãng. Làm sao ông có thể vượt thoát ra sự kiểm soát của tôi?

Bụt làm ấn địa xúc, dùng tay trái sờ vào đất Mẹ và nói:

  • Có đất này làm chứng cho tôi là tôi đã từng thành công và tôi sẽ thành công trong 24 giờ đồng hồ nữa.

Khi được Siddharta chạm tới thì đất Mẹ đã rung động bảy lần. Ma vương biết mình đã thua liền biến mất. Trong khi thực tập địa xúc chúng ta biết Đức Thế Tôn đã thành đạo nhiều lần trên trái đất này. Ngày xưa đức Konāgamana (Câu Na Hàm Nâu Ni) cũng là Bụt. Ngày mai khi đức Di Lặc ra đời thì cũng là Bụt. Đất Mẹ vẫn tiếp tục cho ra những vị Bụt. Thấy được điều đó ta sẽ quay về nương tựa nơi đất Mẹ. Ta sẽ không bao giờ chết, ta luôn luôn trở về đất Mẹ và ta sẽ được đất Mẹ đưa ra trở lại cho tới khi ta có thể thành công được như Đức Thế Tôn, thầy của chúng ta.

Nguồn: An cư kết đông 2013-2014 tại Làng Mai, Pháp

Sau khi quán tưởng, đại chúng thực tập địa xúc ba lần. Mỗi khi tôi thực tập địa xúc, hoặc một mình hoặc cùng với đại chúng, lúc chắp tay lạy, trong quá trình năm vóc gieo xuống, tôi luôn quán tưởng rằng đây không phải là một cá nhân đang lạy xuống mà là cả một dòng họ, một đất nước, một dòng tâm linh và huyết thống đang lạy xuống. Và trong suốt thời gian gieo xuống năm vóc như vậy thì mình được giải thoát, giải thoát ra khỏi ý niệm mình là một cái ta riêng biệt tách rời. Sự thật thì chúng ta không có một cái ta riêng biệt. Nhìn vào năm uẩn tôi thấy sự có mặt của cha mẹ, của ông bà tổ tiên tâm linh và huyết thống, tôi thấy đại chúng và tôi cùng lạy xuống như một tập thể, như một dòng họ, như một truyền thống. Tôi không lạy xuống như một cá nhân riêng lẻ.

Chỉ cần có một chút niệm và định thì ta thấy được, tức là ta có tuệ. Trong khi gieo năm vóc xuống mà có niệm, định và tuệ thì ta trở thành một con người tự do, ta không còn bị tư tưởng về cái ngã khống chế nữa. Định lực “không có cái ngã“ có mặt trong suốt thời gian gieo xuống năm vóc. Khi trán tiếp xúc với đất thì ta cũng tiếp xúc luôn với tổ tiên tâm linh, với các vị Bụt và các vị Bồ tát. Mấy năm nay tôi thường quán chiếu:

Chúng con (tăng thân xuất sĩ, cư sĩ và cả dòng họ, ông bà, tổ tiên) xin Tam bảo (Bụt, Pháp và Tăng) gia hộ cho chúng con có đủ sức mạnh, đủ kiên nhẫn để vực dậy một nền đạo lý toàn cầu ứng dụng để làm cho thế gian này bớt khổ.

Đây không phải là lời nguyện của một người mà là lời nguyện của cả tăng thân, dòng họ. Ta được tuệ giác vô ngã tiếp tục soi sáng trong thời gian ta thở ba hơi thở vào và ra. Theo sự thực tập của Làng Mai thì trong khi năm vóc lạy xuống, ta thở vào và thở ra ba lần. Vị tri chung phải để cho đại chúng đủ thì giờ để thở vào và thở ra ba lần trong khi quán chiếu. Trong khi thở vào và thở ra ba lần, ta duy trì được định vô ngã. Ta thấy ta cũng là dòng họ, là tổ tiên tâm linh huyết thống, là cả một đất nước mà không phải là một cá nhân.

Khi nghe tiếng chuông nhấp thì ta đứng dậy, không phải với tư cách một người mà ta đứng dậy với tư cách của tăng thân, của dòng họ quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi hy vọng đại chúng cũng thực tập địa xúc như vậy.

Khi nhìn một người, người đó có thể là sư anh, sư chị, sư em của ta, một thiền sinh cư sĩ hay một em bé, ta cũng phải thực tập nhìn với tuệ giác vô ngã. Ta không nhìn người đó như một cá nhân đơn độc tách rời mà ta phải thấy được cả dòng họ của người đó. Sự thật người đó không phải là một cá nhân biệt lập. Trong người đó có tất cả tổ tiên huyết thống và tâm linh, không chỉ tổ tiên loài người mà còn có các loài khác, tại vì các loài khác đã có mặt trước khi loài người xuất hiện. Trước khi có loài động vật thì đã có các loài thực vật và khoáng vật. Vì vậy ta có tổ tiên loài người, nhưng ta cũng có tổ tiên động vật, thực vật và khoáng vật. Nhìn một người ta phải thấy cả quá trình tiến hóa của sự sống. Ta thấy được lịch sử của sự sống trong con người đó. Người đó từ khoáng, từ khí, từ sương, từ cây cỏ, từ động vật mà trở thành con người homo sapiens. Thấy được như vậy thì ta mới thấy được người đó, nếu chưa thấy như vậy thì ta chưa thấy được người đó. Thấy được người đó là thấy được tính vô ngã của người đó. Người đó có đức hạnh, tài năng nhưng cũng có những khiếm khuyết và những tật xấu. Đức hạnh, tài năng hay khiếm khuyết, tật xấu không phải là của người đó mà là của cả một dòng tiếp nối. Thấy được như vậy là ta thấy được người đó, nếu không thì ta chỉ có ảo tưởng về người đó mà thôi.

Khi thương một người ta nghĩ là ta đã biết người đó là ai và ta đã nắm được người đó rồi. Ta đã lầm, ta chưa biết gì nhiều về người đó đâu, ta bị hình thức bên ngoài của người đó làm chóa mắt. Khi thương một người ta phải thực tập, ta phải thấy rằng người này là một mầu nhiệm mà ta chưa biết rõ được. Ta chỉ có một quan niệm, một cái thấy rất cạn cợt về người này mà thôi. Ta phải quán chiếu theo lời Bụt dạy thì mới thật sự thấy được người này. Ta phải thấy cha, mẹ, ông, bà, tổ tiên huyết thống và tâm linh, thấy quá trình lịch sử diễn biến trong sự sống thì ta mới thấy được người đó. Nếu thấy được như vậy thì ta cũng thấy được ta ở trong người đó.

Cũng như một vị tổng thống tiếp nhận một vị đại sứ mới, viên đại sứ khi mới tới phải gặp tổng thống hoặc vua hoặc thủ tướng để trình ủy nhiệm thư, vị tổng thống không nhìn viên đại sứ với tư cách của một cá nhân mà phải thấy viên đại sứ là đại diện cho cả một nước, một dân tộc, một quốc gia. Nói với người đó một câu là nói với cả đất nước, dân tộc của người đó. Trách cứ người đó một câu là trách cứ cả dân tộc, đất nước của người đó.

Khi nhìn một người, dù người đó là người ta thương hay là người ta không thương thì ta cũng đừng nhìn người đó với tư cách một cá nhân đơn độc, lẻ loi. Ta phải thấy trong người đó, sau lưng người đó là cả một dòng họ, một đất nước với tất cả những cái hay, cái tốt và cái yếu kém của họ. Nhìn như vậy là thấy được cái vô ngã trong người đó. Người ta thương ta phải nhìn như vậy mà người ta giận ta cũng phải nhìn như vậy. Nếu nhìn được sâu thì ta sẽ thấy rõ ràng là ta đang ở trong người đó và người đó cũng đang ở trong ta. Ví dụ như bông hoa này, ta nghĩ là ta đã biết bông hoa này rồi. Nhưng nhìn kỹ thì ta thấy trong bông hoa có đám mây, mặt trời, đại địa, v.v. Ta đã nhìn kỹ mảnh đất nuôi bông hoa hay chưa? Nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy trong đất có xương của các loài động vật, những loài thực vật và cũng có thể có xương của ông bà tổ tiên và cả xương của mình. Có thể trong kiếp trước ta đã sống và xương thịt của ta đã tiêu hoại thành đất. Nhìn bông hoa, không những ta thấy tổ tiên ta mà ta còn thấy ngay cả ta trong đó. Ta có trong hoa và hoa có trong ta. Ta đã dùng thực vật làm thức ăn, ta đã ăn trái, ăn lá và ăn cả hoa. Thấy được như vậy thì ta mới thật sự thấy được bông hoa, thấy được người kia, có nghĩa là thấy trong tuệ giác vô ngã.

Vậy từ nay, khi gặp người thương hay người ta đang giận thì ta hãy nhìn họ với con mắt của niệm, định và tuệ, ta sẽ thấy cái thương ghét của ta được thay đổi. Ta sẽ được giải thoát nhờ tuệ giác vô ngã.

Hình hài là một cộng đồng

Trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ta phải quán chiếu để thấy hình hài ta là hình hài của tổ tiên và con cháu. Phải thấy rằng ta chính là một cộng đồng của cả hàng trăm tỷ các tế bào trong cơ thể đang cùng chung sống. Không chỉ là tế bào của con người mà còn là tế bào của hàng tỷ sinh vật đơn tế bào khác đang sống chung trong cơ thể, nhất là trong hệ thống tiêu hóa của ta có nhiều loài vi sinh rất cần thiết cho sự sống của cơ thể.

Mỗi khi nhìn vào một người đang ngồi trước mặt hoặc đang từ xa đi tới, ta cũng có thể quán chiếu để thấy được người đó không phải chỉ là một cá nhân, mà người đó đại diện cho cả một dòng họ, một đất nước và một dân tộc. Thấy được như thế thì ta mới thực sự thấy được những tài năng của người ấy, những tài năng mà tổ tiên người ấy đã trao truyền cho người ấy mà nhiều khi chính người ấy cũng không nhận diện được. Thấy được như thế ta mới có thể giúp cho người ấy vượt thoát khỏi mọi mặc cảm, trong đó có mặc cảm thua người, hơn người hoặc bằng người. Thực tập nhìn ta và nhìn người như thế, ta có cơ hội chứng đạt được chân lý vô thường và vô ngã. Vô thường và vô ngã không còn là những ý niệm để học hỏi nữa mà đã trở thành tuệ giác đích thực có thể giải phóng cho ta và cho người.

************************

Về sự thực tập địa xúc (thiền lạy), đại chúng được nhắc nhở là mỗi khi lễ lạy, ta không nên chỉ lạy xuống với tư cách một cá nhân mà nên lạy xuống như một dòng chảy có đầy đủ tổ tiên và con cháu của cả hai dòng tâm linh và huyết thống. Như vậy trong khi lạy, mình tiếp xúc được tự tính vô ngã trong thân tâm mình. Khi đi cũng vậy, mình có thể quán chiếu là mình bước đi một lần và với tất cả tổ tiên và con cháu tâm linh và huyết thống. Ta có thể đi bằng chân của Bụt, của Tổ, của ông bà, cha mẹ và con cháu chúng ta. Ta có thể bước như thế nào để tất cả dòng họ đều được tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, để tất cả được nuôi nấng và trị liệu trong từng bước chân. Sáng nào, sau khi ngồi thiền, đại chúng cũng có thực tập địa xúc, sử dụng Sám Pháp Địa Xúc và lạy xuống trong tuệ giác vô ngã.