Con đường hạnh phúc
(Pháp thoại ngày 24.11.2013 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ , Làng Mai trong khóa An Cư Kết Đông 2013-2014)
Thế Tôn là tình yêu đầu
Thế Tôn là tinh yêu tinh khôi
Nghĩa là sẽ không bao giờ
Sẽ cần tình yêu cuối
Người là dòng sông tâm linh
Tuy đã từng chảy qua
Hàng triệu kiếp luân hồi
Nhưng luôn luôn còn mới.
Tìm nhau (thơ Nhất Hạnh)
Mục đích của sự tu tập
Mục đích của sự tu tập là: trước hết để chế tác an, hỷ và lạc và sau đó là để xử lý, chăm sóc khổ đau. Ta phải học làm cho được hai việc đó. Chế tác là làm ra (generating, producing, fabricating). Cái đó không có thì ta phải làm ra, giống như nếu không có lúa thì nhà nông phải làm ra lúa, nếu không có đậu hũ thì ta phải chế tác ra đậu hủ. Là người tu ta phải chế tác được an 安, hỷ 喜và lạc 樂. Muốn chế tác an, hỷ và lạc thì phải có nguồn năng lượng niệm 念, định 定 và tuệ 慧. Vì vậy trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc, ta phải chế tác được niệm, định và tuệ và với năng lượng đó ta có thể chế tác được an, hỷ và lạc. Trong khi quét nhà ta quét như thế nào để có niệm, định và tuệ. Trong khi chải răng ta phải chải như thế nào để có niệm, định và tuệ. Trong khi đi cầu hay đi tiểu ta cũng phải có niệm, định và tuệ. Có ba loại năng lượng đó thì tự nhiên ta có hỷ, lạc và an. Có những người tu nhiều năm nhưng không thay đổi, không có an lạc, hạnh phúc tại vì họ không biết chế tác niệm, định, tuệ. Nếu ta là người biết tu thì mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi hành động đều có thể chế tác được niệm, định và tuệ và vì vậy an, hỷ và lạc có mặt.
Mục đích thứ hai của sự thực tập là xử lý khổ đau, bức xúc và bế tắc của mình. Muốn xử lý khổ đau ta phải nhận diện, ôm ấp, nhìn sâu vào khổ đau và bắt đầu chuyển hóa khổ đau, cho nên ta cũng cần phải sử dụng ba loại năng lượng niệm, định và tuệ. Có thể nói niệm, định, tuệ là nguồn suối của hạnh phúc. Niệm, định, tuệ là năng lượng có thể giúp ta xử lý và chuyển hóa khổ đau.
Hạnh phúc chính là con đường
Học Tứ Diệu Đế ta có quan niệm về mục đích và con đường để đi tới mục đích. Sự thật thứ nhất của Tứ Diệu Đế là khổ 苦, sự thật thứ hai là tập 集. Có một lối sống tạo ra khổ đau, đó là cách sống bừa bãi không có chánh niệm, không có định và tuệ. Cách sống đó đưa tới khổ đau. Có thể nói tập là con đường đưa tới khổ đau. Sự thật thứ ba là diệt 滅 tức là sự vắng mặt của khổ đau, sự chuyển hóa của khổ đau. Sự chuyển hóa của khổ đau là sự có mặt của an lạc. Diệt là lạc 樂. Sự thật thứ ba là an lạc, hạnh phúc. Cho rằng Tứ Diệu Đế chỉ nói về khổ là không đúng, Tứ Diệu Đế nói về đau khổ và hạnh phúc. Hai sự thật đầu nói về khổ và con đường đưa tới khổ đau. Sự thật thứ ba nói về hạnh phúc tức khổ diệt và sự thật thứ tư nói về con đường đưa tới hạnh phúc tức là đạo 道. Đạo cũng là một con đường, nhưng là con đường đưa tới hạnh phúc thay vì đưa tới khổ đau. Làng Mai không dùng chữ con đường đưa tới khổ đau (the way leading to suffering) và con đường đưa tới hạnh phúc mà dùng chữ con đường khổ đau và con đường hạnh phúc, tại vì chữ đưa tới phản ảnh đường lối tư duy lưỡng nguyên. Ta tưởng tượng ra một con đường rất xa, rất dài, đi rất cực nhọc để tới một mục đích gọi là hạnh phúc, an lạc. Trong cách suy tư của ta thì con đường chỉ là con đường và hạnh phúc chỉ là hạnh phúc, vì vậy trong khi đi trên con đường ta chưa có hạnh phúc, phải đi hết con đường rồi ta mới có hạnh phúc. Con đường là một cái khác và hạnh phúc là một cái khác. Con đường là phương tiện (means), còn hạnh phúc là cứu cánh (the end). Đó là một sự sai lầm. Ta cứ tưởng tượng con đường phải có chông gai, đau khổ, khó nhọc rồi mới đi tới được chỗ có hạnh phúc. Đó là cách suy tư lưỡng nguyên như trong câu ca dao:
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc tới ngày phong lưu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Nói vậy là trong khi đi cấy đi cày ta không có hạnh phúc. Trong khi đó thì đi cấy đi cày ta có thể có hạnh phúc, tại vì ta có ruộng, vợ chồng đang còn ở chung với nhau, ta có con trâu để đi cày. Chồng vợ làm việc chung và có con trâu để cày là có hạnh phúc. Trong khi cày cấy mình đã có hạnh phúc rồi. Nhiều người không có vợ hay chồng ở chung, không có ruộng, không có con trâu để cày. Câu “bây giờ khó nhọc đến ngày phong lưu” là không đúng. Đây là cách tư duy lưỡng nguyên.
Con đường chính là hạnh phúc. Con đường Bát Chánh Đạo không phải là con đường gian khổ, khó khăn, khổ hạnh. Đó là con đường mà trên đó mỗi bước chân đều có hạnh phúc. Hạnh phúc tức là con đường. Đó là giáo lý của Làng Mai. Hạnh phúc đi tới tột cùng gọi là Niết bàn, là diệt (niroda). Theo cách nhìn của Làng Mai thì đạo là diệt, con đường hạnh phúc tức là hạnh phúc, con đường khổ đau tức là khổ đau. Chúng ta có câu thư pháp: Không có con đường đưa tới bình an, bình an chính là con đường (There is no way to peace, peace is the way). Những phương tiện đưa tới hòa bình phải chính là hòa bình. Sử dụng bạo động và súng đạn để đưa tới hòa bình là sai tại vì phương tiện sử dụng không phải là hòa bình. Phải bỏ bom, phải bắn giết thì mới có hòa bình là không đúng, tại vì nếu phương tiện bạo động thì mục đích cũng là bạo động. Không có con đường nào đưa tới hòa bình, hòa bình chính là con đường. Mỗi bước chân đi trên con đường phải là hòa bình. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi hành động của ta phải có tính chất hòa bình trong đó. Nếu ta phải đau khổ cạnh tranh để có hạnh phúc là không đúng. Trên con đường để có hạnh phúc mỗi bước chân phải là hạnh phúc. Cứu cánh và phương tiện phải là một.
Nói tới Tứ Diệu Đế cũng vậy: Không có con đường đi tới Niết bàn, Niết bàn chính là con đường (There is no way to Nirvana, Nirvana is the way). Niết bàn là bản tính không sinh không diệt, không có không không. Tiếp xúc được với tính không sinh không diệt, không có không không, ta còn sợ hãi nữa. Mỗi bước chân đi trên con đường có thể tiếp xúc được với tính không sinh không diệt, không có không không. Hòa bình, hạnh phúc, Niết bàn có trong từng bước chân mà không phải đến cuối đường mới có. Khi học về Bát Chánh Đạo, Làng Mai nói: Đạo đế chính là diệt đế. Tập đế chính là khổ đế.
Ngồi thiền là hạnh phúc, là giác ngộ
Chúng ta đừng nghĩ rằng ngồi thiền là để có hạnh phúc, giác ngộ. Ta phải thấy ngồi thiền là hạnh phúc, là giác ngộ rồi. Ngồi thiền mà phải gồng mình khổ đau là không đúng. Ta phải ngồi như thế nào mà trong khi ngồi ta có an, có hỷ, có lạc. Ta phải thành công trong khi ngồi thiền. Nếu không thì không phải là ngồi thiền mà là ta đang chịu trận, ta đang ngồi trong hầm tối. Đây là một sự thách thức: Trong khi ngồi thiền ta phải có an lạc, giải thoát. Ngồi thiền là thời gian dễ có an lạc, giải thoát nhất. Ta ngồi như thế nào, thở như thế nào, mỉm cười như thế nào để trong nửa giờ ngồi thiền giây phút nào ta cũng có an, hỷ và lạc. Đó là sự thực tập, nếu chưa làm được thì ta phải ráng làm cho được. Ngồi thiền là một cơ hội. Sau này anh, chị sẽ thấy ngồi thiền là một ân huệ tại vì nhiều người không có cơ hội được ngồi yên trong cuộc đời để chăm sóc thân và tâm của mình. Trong khi ngồi thiền ta có thì giờ để ngồi yên và chăm sóc thân và tâm của mình.
Trong khi ngồi thiền ta phải chế tác được an, hỷ và lạc. Nếu có khổ đau đi lên ta phải biết xử lý khổ đau. Ngồi thiền là một cơ hội, là quyền lợi của người tu. Là người tu ta phải đòi cho được cơ hội đó. Tôi đi tu để làm gì? Không lẽ để làm việc suốt ngày? Tôi phải có giờ để ngồi thiền. Đó là quyền lợi của ta nên ta phải trân quí giờ ngồi thiền. Ta ngồi thiền như thế nào để có an, hỷ và lạc. Nếu chưa biết cách thì ta phải học từ sư anh, sư chị, sư em. Ta phải làm cho được, nếu không thì uổng một đời tu. Ta không thể nói: Tôi xuất gia là để phục vụ tăng thân chứ không phải để ngồi thiền hay đi thiền hành. Phục vụ tăng thân cũng hay nhưng mục đích chính của người tu là tu để có hạnh phúc, để xử lý được khổ đau của mình.
Khi đi thiền cũng vậy, ta đi thiền để làm gì? Đi thiền để không làm gì cả, ta phải tìm thấy hạnh phúc trong khi đi thiền. Mỗi bước chân là hạnh phúc, ta phải làm cho được. Niệm, định, tuệ giúp cho ta làm được điều đó. Leo dốc, xuống dốc hay đi trên cỏ, đi trên đá ta cũng có thể có hạnh phúc. Đi từ cư xá tới thiền đường hay tới nhà ăn ta đều có hạnh phúc. Hồi sáng tôi làm những động tác chánh niệm và nhờ có niệm những động tác đó đem hạnh phúc tới cho tôi: “A, mình còn đứng được một chân và chân kia đưa ra đưa vô được. Thầy Thanh Từ bây giờ không đứng được như vậy. Thầy đi phải có hai người đỡ hai bên”. Đó là niệm, thấy rằng mình còn may mắn, chân mình còn khỏe. Hòa thượng Minh Châu bây giờ đâu còn đi thiền được nữa, hình hài của Ngài đang nằm trong tháp. Đó là niệm, là nhớ lại. Ta còn trẻ, ta không thể tượng tượng được một ngày kia ta ngồi trên xe lăn. Sự thật là các sư chú, các sư cô mới 19, 20 tuổi nhưng thế nào cũng phải già, rồi một ngày nào cũng phải ngồi xe lăn. Thấy được điều đó là niệm, là tuệ. Thấy được thì tự nhiên có hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là có tiền ra siêu thị mua đồ, hạnh phúc là nhờ có niệm, định và tuệ.
Trong khi ngồi thiền, đi thiền mà có tuệ thì ta có thể chế tác hỷ, lạc và an rất dễ. Ta trân quí từng bước chân vì biết rằng mai mốt ta sẽ không có được như bây giờ. Ta đếm những ngày những giờ còn lại của mình, tại vì không phải những người già mới chết mà người trẻ cũng chết rất nhiều. Nhiều người trẻ trên thế giới mới 24, 25 tuổi đã chết rồi. Vô thường là một cái niệm, là một cái định, cái tuệ. Nhờ niệm vô thường nên ta trân quí những ngày giờ còn lại của mình và ta có hạnh phúc. Bí quyết của hạnh phúc rất đơn sơ. Có chánh niệm thì ta có định tâm, có định tâm thì ta có tuệ. Thấy được điều đó, ta biết trân quí hình hài của mình, biết trân quí hoàn cảnh và điều kiện mà ta đang có để được hạnh phúc.
Trong khi đi thiền mỗi bước chân đều có hạnh phúc, mỗi bước chân đều có thể nuôi dưỡng mình. Mỗi ngày có một giờ đi thiền chung với đại chúng là quyền lợi của người tu. Ta phải đòi cho được quyền lợi đó. Nếu ta trốn đi thiền thì đó là sự thiệt hại cho ta. Hơn nữa mỗi ngày ta không phải chỉ có một giờ để đi thiền. Theo nguyên tắc của Làng Mai thì đi đâu ta cũng phải đi theo kiểu thiền hành. Đi tới phòng tắm, đi về phòng ngủ hay đi tới thiền đường ta có quyền đi một cách thong dong, thảnh thơi để chế tác hỷ và lạc. Đó là quyền lợi của chúng ta. Vì vậy giải thoát, giác ngộ, Niết bàn không phải là những mục đích mà ta chỉ tới được trong tương lai. Nó phải có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Sau này chúng ta sẽ học: Phải tìm Niết bàn ngay trong sinh tử, phải tìm hạnh phúc ngay trong khổ đau và phải tìm thảnh thơi ngay trong sự bận rộn. Nếu có niệm, định và tuệ thì tự nhiên cái mà ta cho là bận rộn sẽ không còn là bận rộn nữa mà nó là niềm vui. Ta đang làm thiền đường, đang quét nhà hay đang nấu bếp, trước đây ta cho là bận rộn nhưng khi có niệm, định và tuệ thì công việc đó trở thành niềm vui của ta. Được nấu nước pha trà, được chuẩn bị thiền đường cho đại chúng, được ngồi thiền là hạnh phúc mà không còn là sự bận rộn nữa tại vì mỗi hơi thở, mỗi bước chân, mỗi hành động đều có chánh niệm. Ở Làng Mai chúng ta nói con đường hạnh phúc. Khi đã thọ Năm Giới thì chúng ta đi trên con đường Bát Chánh. Con đường Bát Chánh là con đường hạnh phúc. Mỗi bước chân đều phải có hạnh phúc, còn nếu ta nghĩ rằng con đường Bát Chánh là một cái gì ta phải cực nhọc lao tác mới có được là không đúng. Đó là con đường hạnh phúc mà không phải là con đường đưa tới hạnh phúc. Con đường và hạnh phúc là một.