Có Bụt trong xe không?
Ở Việt Nam cũng như ở các nước Phật giáo, trong xe hơi người ta thường treo tượng Bụt, hoặc là treo một túi kinh trong đó có Bát Nhã Tâm Kinh,v.v., nhưng không có nghĩa rằng khi mình có treo tượng Bụt thì có Bụt ở trong xe. Dù tượng Bụt làm bằng plastic, hay làm bằng ngọc đi nữa thì cái đó cũng không phải là Bụt. Chỉ khi nào trong xe có người thở và nhìn trong chánh niệm thì khi đó mới có Bụt thật mà thôi.
(Trích pháp thoại của Thầy ngày 31/10/2013 tại xóm Thượng – phần I)
Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày 31 tháng 10 năm 2013. Chúng ta đang ở tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, trong khóa tu mùa thu. Sáng nay tại Phương Khê, khi thức dậy thì ở ngoài là 3 độ C. Làng Mai đang vào mùa thu, lá chưa vàng nhiều. Sáng nay có sương mù nhưng khi mặt trời lên thì sương cũng tan hết. Hôm nay Thầy có cơ hội kể lại một ít về chuyến đi vừa qua ở Bắc Mỹ. Chiều nay, có thể các vị khác sẽ tiếp tục kể. Thầy chỉ kể vài nét chính thôi.
Cầu nguyện Đất Mẹ cho một ngày mưa
Chuyến đi vừa qua kéo dài hai tháng hai mươi ngày. Trước khi lên đường, Thầy không được khỏe lắm, còn ho. Sang tới Canada vẫn còn ho. Nhưng chuyến đi này rất may mắn. Sau khóa tu Canada thì Thầy hết ho. Ở Mỹ, mình có ba tu viện: tu viện Bích Nham ở New York, tu viện Mộc Lan ở Mississippi và tu viện Lộc Uyển ở California. Ba nơi đều không có mưa; trời nắng kéo dài và trong rừng suối khô cạn. Nhưng khi tăng đoàn tới thì cả ba nơi đều có mưa. Ban đầu thì là Bích Nham. Thầy tới được chừng ba, bốn ngày thì trời bắt đầu mưa. Rất là hạnh phúc. Các loài chúng sanh, kể cả loài người nữa, đều hạnh phúc. Cây cối cũng rất là hạnh phúc.
Mộc Lan cũng vậy. Thiếu mưa rất lâu, nhưng sau khóa tu cho người Việt thì có mưa. Vì vậy mà khóa tu cho người nói tiếng Mỹ được hưởng cái sự mát mẻ đó, rất là hay. Tại tu viện Lộc Uyển, nắng lâu ngày quá nên nhiều cây sage đã bắt đầu chết. Vì vậy trước khi về Lộc Uyển, Thầy đã bắt đầu chú nguyện, gửi năng lượng cầu đất Mẹ và cha Trời cho mưa, nhưng đến khi xuống tới phi trường Los Angeles rồi thì nghe nói vẫn chưa có mưa. Vì vậy mà ngồi trên xe, Thầy tiếp tục chú nguyện. Thầy nói: Tăng đoàn Làng Mai xin đất Mẹ và trời Cha cho một ngày mưa hoặc một đêm mưa. Và đôi khi Thầy nghĩ đất Mẹ và cha Trời chưa thương Tăng đoàn Làng Mai đủ để trời mưa, cho nên Thầy cầu cứu với đất Mẹ là tất cả các loài chúng sanh ở trong rừng, kể cả các loài cây cối đang rất mong đất Mẹ cho một ngày mưa, một đêm mưa.
Và cuối cùng thì có mưa. Chiều hôm đó, Thầy ngồi thiền trong nhà và nhìn ra thấy mưa rất đẹp, trong lòng có rất nhiều hạnh phúc. Ngày hôm sau Thầy đi thăm cây, và thấy rõ ràng là cây cối đang rất hạnh phúc. Chỉ cần năm ngày sau là các cây sage lấy lại phong độ, bắt đầu cho ra những đọt non. Thành ra chuyến đi này rất may mắn, có ba trận mưa tại ba trung tâm của mình.
Chuyến đi này có rất nhiều khóa tu, nhiều ngày quán niệm, và nhiều buổi diễn thuyết công cộng. Phái đoàn làm việc rất nhiều. Các thiền sinh cũng như quần chúng được hưởng rất nhiều lợi lạc. Không những vậy mà các thầy các sư cô ở tại ba tu viện đều có cơ hội đi theo Thầy và tăng đoàn trong suốt chuyến đi. Thành ra thầy trò và huynh đệ có cơ hội làm việc chung với nhau, ngồi với nhau, đi với nhau, phụng sự với nhau, rất là hạnh phúc.
Bụt có ngồi trong xe không?
Có một hôm ngồi trên xe bus, Thầy hỏi vị thị giả của Thầy: “Con nghĩ là Đức Thế Tôn có ngồi trong xe với mình hay không?”. Thầy Pháp Nguyện trả lời: Dạ có. Thầy nói: có chắc hay không? Hôm ấy có tới ba chiếc xe bus. Thầy ngồi trong một chiếc, và còn hai chiếc kia… Muốn biết là có Bụt ngồi trong xe hay không, chuyện đó cũng dễ thôi.
Nếu trong xe năm chục người ngồi mà có một người thôi đang thở trong chánh niệm thì có nghĩa là Bụt đang ngồi trong xe. Mà nếu có hai người, ba người, năm người cùng thở, cùng ngắm phong cảnh trong chánh niệm thì sự có mặt của Bụt rất là rõ ràng. Và nếu tất cả năm chục người đều đang thở thì chuyện đó là chuyện rất mầu nhiệm. Thầy có nói rằng chỉ cần trong xe có một người thở trong chánh niệm thôi là đã có Bụt ở trong xe. Và có Bụt ở trong xe thì tất cả mọi người trong xe đều được bảo hộ bởi năng lượng đó và trong xe có an ninh hơn nhiều.
Ngồi trong xe, xe bus hoặc xe van hoặc xe thường, nếu quý vị muốn hỏi câu hỏi “có Bụt ngồi trong xe này hay không?” thì quý vị có thể tự trả lời được. Mình có quyền làm cho Bụt có mặt trong xe hay không? Nếu mình thở trong chánh niệm thì mình biết chắc là có Bụt đang ngồi trong xe và cả xe đều được bảo vệ.
Ngồi trên máy bay từ San Francisco về Paris, Thầy cũng có hỏi: Có Bụt ở trong máy bay này hay không? Câu trả lời rất rõ. Muốn có Bụt trong máy bay thì mình chỉ cần thở trong chánh niệm. Thành ra mình có một quyền năng rất lớn mà mình không biết. Nếu có hai người, ba người thở thì sự có mặt của Bụt càng rõ ràng hơn nữa. Cho nên Thầy muốn các vị, từ xóm Thượng đi xuống xóm Hạ hay đi về xóm Mới, khi ngồi trên xe nên hỏi: trong xe này có Bụt ngồi với mình hay không?
Thầy nhớ trong một chuyến đi Ấn Độ do giáo thọ Shantum Seth tổ chức, mình đi một phái đoàn tới 300 người, vì vậy cho nên mình có tới 11 chiếc xe bus. Và Thầy muốn là trên chiếc nào cũng có Bụt ngồi cả chứ không phải chỉ có chiếc của Thầy. Cho nên Thầy yêu cầu trên mỗi chiếc xe bus đều có một cái chuông, lâu lâu mình thỉnh một tiếng chuông cho mọi người thở. Và khi mọi người đều thở thì chắc chắn là có Bụt đang ngồi trong xe với mình. Bụt đang ngồi với mình thì mình có hạnh phúc nhiều hơn, có an ninh nhiều hơn. Thành ra muốn biết là Bụt có ở trong xe hay không, câu trả lời rất dễ.
Khắp nơi trên thế giới, tăng thân mình khi đi xe nên có chuông trên xe. Phải có một cái chỗ để chuông. Ở Việt Nam cũng như ở các nước Phật giáo, trong xe hơi người ta thường treo tượng Bụt, hoặc là treo một túi kinh trong đó có Bát Nhã Tâm Kinh,v.v., nhưng không có nghĩa rằng khi mình có treo tượng Bụt thì có Bụt ở trong xe. Dù tượng Bụt làm bằng plastic, hay làm bằng ngọc đi nữa thì cái đó cũng không phải là Bụt. Chỉ khi nào trong xe có người thở và nhìn trong chánh niệm thì khi đó mới có Bụt thật mà thôi. Cho nên Thầy đề nghị từ nay về sau, trong mỗi xe của tu viện đều phải dán lên câu: Có Bụt ngồi trong xe không? Và khi lên xe thấy câu đó thì mình có thể nói: thôi, để mình làm cho Bụt có mặt đi! Nếu những người khác đang bận lo lắng, bận suy nghĩ về những chuyện khác thì mình làm việc này cho họ.
Ngày hôm qua Thầy đã viết xuống câu thư pháp “Bụt có ngồi trong xe không?” hay là câu “Có Bụt trong xe không?”. Từ nay về sau trên mỗi xe, hoặc là xe bus, hoặc là xe van hoặc xe thường đều nên dán câu đó, và chúng ta cũng cần có thêm một cái chuông nhỏ nữa. Và vị nào lái xe thì khi đại chúng đã lên xe rồi, có thể nhắc: không biết có Bụt ở trong xe hay không? Và nhờ một người thỉnh chuông cho mọi người thở. Đó cũng là một phương pháp thực tập chánh niệm.
Có Bụt trong cuộc đời là chúng ta đã có hạnh phúc nhiều lắm! Nhưng đâu phải chỉ có Bụt trong cuộc đời, mà mình còn có nhau nữa, cho nên hạnh phúc đó rất là lớn! Vì vậy khi mình thỉnh chuông thì mọi người sẽ không nói chuyện, không suy nghĩ mà trở về với hơi thở và ý thức rằng mình đang có Bụt trong cuộc đời và mình cũng đang còn có nhau. Còn hạnh phúc nào lớn hơn thế nữa?
Đọc thêm: