Chữ ký của ta
Tôi không có con cái huyết thống, nhưng lại có rất nhiều con cháu tâm linh. Không có ngày nào tôi không trao truyền những gì mà tôi cho là hay nhất, đẹp nhất của cuộc đời tôi. Cho nên gia đình tâm linh của tôi là một gia đình rất lớn. Bất cứ một tư duy, một lời nói hay một hành động nào cũng đều là những phẩm vật để trao truyền.
Nếu tư duy của ta đi đôi với trí tuệ, từ bi, bao dung và hòa ái thì tư duy đó là phẩm vật trao truyền cho con cháu tâm linh. Nếu lời nói của ta đi đôi với sự hòa ái, tình thương và hiểu biết, có khả năng an ủi và tạo thêm hy vọng và thương yêu thì lời nói đó là một phẩm vật trao truyền. Nếu hành động của mình đi đôi với ý chí bảo vệ sinh mạng, muốn cứu đời, giúp người thì hành động đó là một phẩm vật trao truyền.
Mỗi tư duy của tôi đều mang chữ ký của tôi. Không thể chối cãi rằng tư duy đó không phải là của tôi khi rõ ràng nó đã mang chữ ký của tôi. Nếu tư duy đó mang tính tham, sân và si thì đó là tư duy tiêu cực mà tôi lại đi trao truyền lại cho con cháu thì quá tội nghiệp cho họ. Vì con cháu tôi là sự tiếp nối của tôi mà cũng chính là tôi. Tôi rất cẩn thận, phải để cho tư duy của tôi là chánh tư duy. Chánh tư duy là tư duy đi theo hiểu và thương, là sự bao dung. Mỗi lời nói của tôi đều mang theo chữ ký của tôi. Một khi đã nói ra thì ta không thể nói rằng đó là câu tôi đã không nói. Nếu lời nói đó có thể gây hoang mang và hận thù thì tôi không muốn trao truyền những lời nói như vậy; tôi không muốn được tiếp nối bằng những lời nói như vậy. Vì thế sự tu tập giúp cho tôi chỉ trao truyền những cái gì đi đôi với tinh thần từ bi, trí tuệ, hiểu biết, bao dung và thương yêu.
Hành động cũng như vậy. Mỗi hành động của tôi đều mang chữ ký của tôi và không thể nào chối bỏ được. Hành động đó phải là hành động bảo vệ sự sống, xây dựng tình huynh đệ thì đó mới là phẩm vật đáng trao truyền để được tiếp nối, và luân hồi. Luân hồi tức là được tiếp nối. Nếu mình muốn luân hồi cho thật đẹp thì mình phải chế tác những tư tưởng rất thiện, gọi là chánh tư duy.
Mình chế tác những ngôn ngữ rất đẹp gọi là chánh ngữ, những hành động rất cao cả gọi là chánh nghiệp. Chỉ có những người có tu thì mới biết là họ đang trao truyền chánh tư duy hay tà tư duy, trao truyền chánh ngữ hay tà ngữ, chánh nghiệp hay tà nghiệp.
Vì vậy có một đời sống tâm linh, một chiều chiều hướng tâm linh rất quan trọng cho những người làm cha làm mẹ; làm thầy cô giáo. Là thương gia hay chính trị gia cũng phải có chiều hướng tâm linh để trao truyền những gì tích cực và không phải là trao truyền những chiều hướng tiêu cực. Vì mình không muốn tiếp nối tính cách không đẹp đẽ, cho nên mình cương quyết chỉ trao truyền những gì có tính cách tích cực mà thôi.
Tôi nói với người thanh niên Âu Châu là anh hãy nhìn lại và đặt câu hỏi tại sao cha của anh có nhiều khổ đau, hận thù, bạo động và tuyệt vọng như vậy. Cha anh có muốn như vậy không hay tại vì ông cũng là nạn nhân của xã hội, của gia đình. Ông đã sinh ra và lớn lên ở nơi mà trong đó người ta không chế tác được chất liệu hiểu, thương và bao dung, nuôi dưỡng. Nếu ông ấy có may mắn gặp được một người bạn, một người thầy có đời sống tâm linh sâu sắc để chỉ dẫn cho cha anh phương pháp nhận diện, ôm ấp và chuyển hoá những nỗi khổ niềm đau thì ông ấy đã có thể chuyển hóa và đã không trao truyền những tiêu cực đó cho anh. Nếu cha anh chưa có may mắn đó thì anh nên biết nhìn ông ấy bằng con mắt xót thương và tội nghiệp; cha chưa bao giờ có cơ hội, chưa bao giờ được ai giúp đỡ. Ông bà nội đã làm khổ cha và không có khả năng để giúp cha, bạn bè của cha cũng chưa có cơ hội để giúp ông ấy, tội nghiệp cho cha. Riêng mình, mình may mắn hơn cha, vì mình đã có cơ hội để tiếp xúc những bậc đạo sư, những người anh, người chị, người bạn có chiều hướng tâm linh tốt giúp cho mình nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những khổ đau trong tự thân.
Vua Trần Thái Tông năm hai mươi tuổi, ôm ấp niềm đau đó; đã may mắn gặp được Viên Chính quốc sư ở trên núi Yên Tử. Chính Viên Chính quốc sư đã khai sinh ra đời sống tâm linh cho vua Trần Thái Tông, từ đó trở về sau vua Trần Thái Tông đã có con đường tu học và chiều hướng tâm linh trong đời sống của mình, của một vị vua và một nhà chính trị. Vì vậy vua Trần Nhân Tông (cháu của vua Trần Thái Tông) đã có cơ hội nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau trong tự thân. Nhờ đó vua Trần Nhân Tông đã tạo nên sự đoàn kết trong dòng họ, trong triều đình. Để thành công được như một ông vua lớn, chúng ta cũng cần một chiều hướng tâm linh.
Nếu cha chúng ta không có cơ hội, thì đó là vì ông ấy thiếu may mắn, điều đó không đáng để cho chúng ta giận dỗi hay thù hằn cha. Chúng ta phải thấy xót thương và tội nghiệp cho cha. Cha chưa bao giờ gặp được một vị thầy như vị thiền sư trên núi Yên Tử kia, chưa bao giờ được tiếp xúc với chánh pháp, với những pháp môn tu tập để giúp cho cha nhận diện, ôm ấp nỗi khổ niềm đau để mà trị liệu và chuyển hóa. Bây giờ mình phải giúp cha, phải thực tập cho được. Sau khi đã thực tập thành công thì hòa giải với cha trong từng tế bào của cơ thể mình. Theo cách đó, mình có thể giúp cho cha hóa giải và trị liệu dễ dàng.
Những người thanh niên ấy đã nghe theo lời tôi. Họ đã tu tập và chuyển hóa, sau đó trở về để giúp cho cha mẹ của họ. Khi mình giúp được cho những người trẻ chuyển hóa khổ đau và trở về hòa giải được với cha mẹ thì niềm vui và hạnh phúc đó rất lớn. Hạnh phúc không phải là có uy quyền và tiền bạc, danh vọng hay sắc dục; mà hạnh phúc vì mình thấy được cuộc đời có ý nghĩa, mình giúp được nhiều người hòa giải được với người thân.