Chánh kiến – trái tim của đạo Bụt
(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai trong khóa An Cư Kết Đông 2012-2013)
Chánh kiến là trái tim của đạo Bụt
Nền tảng thực tập giáo lý đạo Bụt không dựa trên niềm tin về luân hồi, về nghiệp và quả báo. Trái tim của đạo Bụt dựa trên một cái thấy rất sáng về Bốn sự thật, cái thấy đó là chánh kiến. Cái thấy đó rất sâu, ta phải đạt được bằng thiền quán. Niệm và định càng vững chãi thì cái thấy càng sáng.
Tuệ, có khi còn được gọi là chánh kiến 正 見 (right view, la vue correcte) tức là cái thấy đúng. Có cái thấy đúng thì tư duy của ta sẽ đúng gọi là chánh tư duy 正 思 惟. Muốn có cái thấy đúng chúng ta phải thực tập chánh định và chánh niệm. Sự thực tập trong đạo Bụt bắt đầu từ chánh niệm, chánh định và từ đó sẽ phát khởi ra chánh kiến. Đạo đức học của đạo Bụt căn cứ trên cái thấy sáng và đúng.
Thân, khẩu, ý là nghiệp
Phải có cái thấy đúng thì ta mới tư duy đúng và hành động đúng. Có cái thấy đúng (ý) thì ta có lời nói (ngữ) đúng tức chánh ngữ 正 語 , hành động (thân) đúng tức chánh nghiệp 正 業 . Thân, khẩu, ý là sự tạo nghiệp. Trong một ngày chúng ta tạo không biết bao nhiêu là nghiệp, nghiệp lành hay nghiệp dữ. Nếu phát khởi tâm niệm tha thứ, thương yêu thì ta tạo nghiệp tốt, còn nhưng nếu phát khởi tư tưởng giận hờn, hận thù, chán đời thì ta tạo nghiệp xấu. Mỗi ngày ta tạo nghiệp, nhưng nghiệp không có nghĩa là xấu. Nghiệp có thể tốt, có thể xấu.
Mỗi ngày chúng ta nói, viết thư hay gửi e-mail. Những điều chúng ta nói, viết có thể là nghiệp tốt hay nghiệp xấu. Những điều mình nói hay viết có thể làm cho mình và cho người khác có hạnh phúc.
Chúng ta sử dụng thân của mình để hành động. Hành động của cơ thể mình có tính cách bảo hộ, cứu độ, che chở thì đó là nghiệp tốt. Nếu hành động đó có tính cách phá hoại, giết chóc, tàn hại thì đó là nghiệp xấu. Thân, khẩu, ý là ba mặt của hành động.
Chiếc đũa thần chánh kiến
Thường thì chúng ta nghĩ rằng ta chỉ có thể làm hạnh phúc cho người khi ta có nhiều tiền, khi ta là triệu phú vì nếu có nhiều tiền thì ta có thể ban phát cho người. Ta mơ làm vua hay làm tổng thống, vì nếu có quyền trong tay thì ta có thể ban ân huệ cho người. Ta nghĩ nếu có tiền bạc, quyền lực, danh vọng thì ta có thể làm hạnh phúc cho mình và cho người khác. Đó là sự mê tín, tại vì nhìn chung quanh chúng ta thấy nhiều người có tiền bạc, quyền hành, danh vọng nhưng họ rất đau khổ và không giúp được cho ai. Chúng ta cảm thấy khó thở tại vì ta không có hạnh phúc và không làm được hạnh phúc cho người khác.
Nhưng theo giáo lý Tứ thần túc thì khác. Trong điều kiện của ta hiện bây giờ, dù không có một thước đất cắm dùi, dù không có trương mục hàng triệu đô la, ta vẫn có thể làm hạnh phúc được cho người khác. Ngay bây giờ và ở đây ta có thể làm phép thần thông. Ta là một bà tiên với chiếc đũa thần, ta có thể làm hạnh phúc cho người khác ngay bây giờ và ở đây. Khi người kia hạnh phúc thì ta cũng hạnh phúc. Người kia là ai? Người kia đang ở gần đây hay là đang ở bên Mỹ, đang ở Việt Nam? Mình có thể làm cho người đó hạnh phúc bằng cách phát ra một tư tưởng của sự tha thứ và thương yêu, có chất hiểu và thương. Mình đã từng phát khởi một tư tưởng thương, tha thứ để tư tưởng ôm lấy người kia hay chưa? Hay là mình chỉ tiếp tục trách móc người đó? Sở dĩ mình chỉ trách móc, hờn oán mà không thương, không đùm bọc, che chở được người đó là tại vì mình không có chánh kiến.
Chánh kiến là thấy được nỗi khổ niềm đau của người đó, nếu thấy được thì tự nhiên mình hết giận người đó. Mình muốn nói hay làm điều gì đó để người đó bớt khổ. Có được tư tưởng đó đã là một phép lạ, nó làm cho mình khoẻ ngay. Mình có thể gọi điện thoại hay viết một lá thư trong đó đầy tràn những lời hiểu biết thương yêu. Khi nói hay viết ra những lời như vậy thì mình rất khoẻ và người đó cũng khỏe khi nghe hay đọc những lời đó. Đó là phép lạ mà mình có thể làm được ngay bây giờ. Mình hãy làm ngay trưa hôm nay đi! Ngồi ăn cơm mình hãy nghĩ tới người đó, người đó có bao nhiêu là bế tắc, hệ lụy, khổ đau mà lâu nay không được ai giúp. Thấy được như vậy là mình có chánh kiến.
Có cái thấy đúng thì tự nhiên mình tư duy đúng. Tư duy đúng là tư duy có chất liệu hiểu và thương và khi chất liệu hiểu và thương được chế tác ra là ta cảm thấy khoẻ ngay. Một tư tưởng tha thứ, thương yêu, đùm bọc làm cho ta hết bệnh trong thân cũng như trong tâm. Nó là một năng lượng chữa trị mà ta được thừa hưởng trước cả người kia. Nhờ có tâm niệm thương yêu, tha thứ mà ta có thể và làm những điều giúp cho người kia bớt khổ ngay trong ngày hôm nay. Chỉ cần năm phút nhìn cho sâu để thấy được nỗi khổ niềm đau của người đó thì ta đã phát khởi được một tư tưởng từ bi. Đó là một phép lạ!
Ta ngồi xuống viết một là thư hay ta thở rồi điện thoại nói một câu thì tình trạng có thể thay đổi liền lập tức. Đó là gì nếu không phải là một phép lạ? Ta không cần phải có 100 triệu đô la trong trương mục, hay làm bộ trưởng, tổng thống mới có thể làm phép lạ. Với con người phàm này của ta, nhưng nếu có chất thánh ở trong thì ta đã có thể làm được phép lạ ngay bây giờ, ta có thể làm bà tiên hay ông tiên ngay trong ngày hôm nay. Mình phải thực tập cái gọi là bố thí, hiến tặng. Mình rất giàu nên mình phải thực tập hiến tặng (dāna), tiếng Anh là generosity. Vì trái tim của mình nhỏ bằng trái sim nên mình không thể làm hạnh phúc cho người kia. Bây giờ ta làm cho trái tim của mình lớn ra. Trước tiên là ta chấp nhận được mình. Trong chúng ta có người không tự chấp nhận được mình. Ta tự trách móc, khinh khi mình. Trái tim chúng ta nhỏ quá nên ta không tự thương được mình. Và nếu ta không thương được chính mình thì làm sao ta có thể thương được người khác?
Muốn làm cho trái tim lớn lên thì ta phải có cái thấy, thấy những nỗi khổ niềm đau của chính mình. Thấy được thì tự nhiên thương được. Thấy được nổi khổ niềm đau của chính mình thì mình thấy được nỗi khổ niềm đau của người kia. Vì vậy cái thấy rất quan trọng, nó có thể thay đổi tư duy của mình, khiến mình nghĩ, nói và làm những điều đưa đến hạnh phúc ngay lập tức. Trái tim của mình phải có lượng lớn (capacity) gọi là tâm lượng 心 量. Trong Truyện Kiều Kim Trọng nói: Lượng xuân dù có hẹp hòi, có nghĩa là cô hãy mở lòng ra để thương tôi. Một vị bồ tát là một người có tâm lượng rất lớn. Trong kinh, bài chúc tán ngày mồng một có câu ca ngợi Bụt Thích Ca:
Tâm bảo thái hư
Lượng châu sa giới
“Tâm bảo thái hư” có nghĩa là trái tim của Bụt ôm trọn cả thái hư. “Lượng châu sa giới” có nghĩa là lượng của Ngài bao trùm hết cả tam thiên đại thiên thế giới. Nếu có tâm lượng lớn, ta sẽ có rất nhiều không gian. Tâm lượng của mình có lớn hay không là do mình có cái thấy hay không. Tất cả nền đạo lý Phật giáo được xây dựng trên nền tảng gọi là tuệ giác (prajña) tức là cái thấy. Trên cái thấy đó chúng ta dựng lên sự thực tập chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp. Thực tập như thế thì chúng ta có hạnh phúc và có thể đem hạnh phúc cho người ngay lập tức.
Ta có thể làm phép lạ ngay bây giờ và ở đây nhờ ba chiếc đũa thần mà chiếc đũa thần đầu tiên là tư duy của ta. Ta có khả năng phát khởi ra một tư tưởng tha thứ và muốn giúp người, khi đó ta cảm thấy khoẻ và sự trị liệu thân tâm xảy ra liền. Tuy ta chưa làm gì cả nhưng người kia cũng đã bắt đầu hưởng được, tại vì những gì xảy ra trong ta có ảnh hưởng đến thế giới ngay lập tức. Ta có tư tưởng đen tối, hận thù thì thế giới sẽ tối sầm lại ngay. Nếu tư tưởng đó là từ bi, chấp nhận, thương yêu thì thế giới sẽ sáng lên lập tức.
Ta phải nhớ rằng không phải là ta không có quyền lực. Quyền lực chính trị, danh vọng hay tiền tài chưa phải là quyền lực thật sự, vì chúng có thể làm cho người ta hệ lụy, khổ đau. Nhưng ta có sức mạnh của thương yêu (the power of love). Trong ta có hạt giống của hiểu biết, từ bi. Nếu biết tiếp xúc với những hạt giống đó thì tự nhiên ta có được năng lượng thương yêu. Ta không có tiền, không có địa vị, quyền hành trong xã hội nhưng ta có quyền lực rất lớn là quyền lực thương yêu. Ta có quyền thương yêu mình và thương yêu người khác. Và mình có thể thực hiện được điều đó ngay ngày hôm nay. Sự thực tập hơi thở và bước chân có thể làm cho quyền lực thương yêu lớn lên.
Ngoài chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chúng ta có chánh mạng 正 命tức phương tiện sinh sống chân chánh và chánh tinh tấn 正 精進. Đó là bát chánh đạo tức con đường chuyển hóa khổ đau và đưa tới hạnh phúc. Đó mới là cốt tủy của giáo lý đạo Bụt mà không phải là giáo lý luân hồi, nghiệp hay quả báo. Tài năng của Bụt không phải ở chỗ sáng tác ra giáo lý về luân hồi, nghiệp và quả báo. Tài năng của Bụt là phát khởi ra và đưa cho chúng ta một con đường. Đó là con đường bát chánh dựa trên cái thấy Tứ diệu đế tức Bốn sự thật. Cái thấy này là cái thấy về Tứ đế 四 諦.
Bắt đầu từ giờ phút này quí vị, người xuất gia cũng như tại gia, đừng nên có mặc cảm, đừng nghĩ là mình không có quyền năng (helpless). Với niệm, định chúng ta có thể có được cái thấy, trước hết là thấy được khổ đau của mình. Hiểu được khổ đau của mình thì tình thương trào lên và mình chấp nhận được mình. Hiểu được khổ đau của mình rồi thì tự nhiên mình hiểu được khổ đau của người khác. Mình không còn buồn, giận, trách móc nữa. Mình muốn làm, muốn nói điều gì đó cho người đó bớt khổ. Chuyện đó có thể xảy ra ngay trong ngày hôm nay. Chúng ta đừng có mặc cảm là mình bất lực. Chúng ta có quyền lực, quyền lực của thương yêu. Khả năng của thương yêu dựa trên khả năng của hiểu biết, trước hết là hiểu khổ đau của chính mình và sau đó là hiểu khổ đau của người khác. Bắt đầu hôm nay chúng ta sẽ hành xử như một bà tiên hay một ông tiên có khả năng làm hạnh phúc cho mình và cho người khác. Chúng ta đừng chờ đợi một lực lượng bên ngoài. Trái tim của đạo Bụt là chánh kiến. Chánh kiến làm cho con người trở thành một vị Bụt, một người phàm trở thành ra một vị thánh. Tất cả sự thực tập trong đạo Bụt đều nhắm tới mục đích duy nhất là có được cái thấy (chánh kiến).
Chánh kiến là tuệ, là sự nghiệp của người tu
Chánh kiến (right view) là cái thấy đúng, xác thực. Louis de la Vallée Poussin, một học giả người Bỉ, đã dịch chữ chánh kiến là la bonne vue, nhưng bây giờ người ta dịch chữ chánh kiến là la vue juste.
Chánh kiến là cái thấy đúng với sự thật. Sự thật có hai tầng:
- tầng thứ nhất là sự thật ước lệ tức thế tục đế.
- tầng thứ hai là sự thật tuyệt đối tức thắng nghĩa đế.
Khi Đức Thế Tôn dạy “chánh kiến là một cái thấy vượt thoát có-không“ thì đó là chánh kiến thuộc thắng nghĩa đế. Câu nói “có sinh, có diệt, có có, có không, có người, có ta“ cũng là một loại sự thật, nhưng là sự thật ước lệ. Chánh kiến là tuệ 慧 (insight), là một cái thấy trực tiếp, là một trực giác không đi ngang qua lý luận, suy tư. Cái thấy trực tiếp là sự chứng ngộ được biểu hiện ra khi chúng ta có đủ chánh định và chánh niệm.
Tuệ là cái quan trọng nhất đối với người tu, là cái mà ta tìm cầu đêm ngày. Tuệ là sự nghiệp của người tu. Trong kinh như kinh Bát Đại Nhân Giác tức kinh Tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân có câu: Duy tuệ thị nghiệp (惟 慧 是 業). Tuệ là sự nghiệp mà ta đeo đuổi trong cuộc đời. Ta chỉ lấy trí tuệ để làm sự nghiệp của đời mình. Người đời thường chạy theo danh vọng thì danh là sự nghiệp của họ:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.” (Nguyễn Công Trứ)
Những doanh thương thì chạy theo sự giàu sang, sự nghiệp của họ là một gia tài đồ sộ; còn đối với những ông tướng thì sự nghiệp của họ là một cuộc chiến thắng vẻ vang. Sự nghiệp của người tu là tuệ, tại vì tuệ đem tới tự do, hạnh phúc. Ngày xưa trường đại học Vạn Hạnh ở Việt Nam do tôi góp sức tạo dựng lúc đầu đã lấy bốn chữ duy tuệ thị nghiệp làm phương châm sống và hành trì cho học tăng.
Chánh kiến đưa tới chánh tư duy
Khi có chánh kiến thì tất cả tư duy của ta là chánh tư duy 正 思 惟 (right thinking). Chánh tư duy là tư duy đưa tới tuệ , tới hiểu và thương, giúp cho ta bỏ đi những kỳ thị, so sánh, lo lắng, sợ hãi. Tư duy có hai phần: tầm 尋 (vitarka) và từ 伺 (vicāra).
Tầm, tiếng Phạn là vitarka. Khi có sự tiếp xúc ví dụ như mắt ta tiếp xúc với sắc, tai ta tiếp xúc với âm thanh, ý ta tiếp xúc với pháp, mũi tiếp xúc với mùi hương thì trong đầu ta phát sinh ra những ý niệm gọi là tưởng (notion), tiếng Phạn là samjñā. Tưởng là những hạt rất nhỏ như những hạt bụi, những hạt bụi nhỏ đó kết lại thành tư tưởng (thinking). Mắt ta xúc chạm với sắc làm sinh những cái tưởng, tai ta xúc chạm với âm thanh sinh ra những cái tưởng, hình hài ta xúc chạm với cảm xúc làm sinh ra những cái tưởng.
Tầm là bắt đầu suy nghĩ, bắt đầu kết hợp những cái tưởng lại với nhau, giống như những nguyên tử bắt đầu kết hợp lại để làm ra vật chất. Vật chất có những nguyên tử rất nhỏ, còn tâm linh có những cái tưởng rất nhỏ. Những cái tưởng đó phát sinh ra từ xúc tức là từ sự xúc chạm giữa sáu căn với sáu trần. Những nguyên tử kết hợp lại thành chất này hay chất khác, còn những cái tưởng kết hợp lại thành tư duy, tức tầm và từ. Các nguyên tử (atom) tới với nhau làm ra những phân tử (molecule), và những phân tử kết hợp lại với nhau làm thành vật chất (cell, tissue). Những cái tưởng kết hợp lại với nhau thành những tầm (initial thinking), và khi tầm đi sâu hơn nữa thì có sự phân biệt, so sánh, ước đoán gọi là Từ 伺 (discussive thinking)
Tầm và từ được ví như con ong tới thăm một bông hoa. Khi con ong vừa đáp xuống bông hoa thì gọi là tầm (initial thought), tư duy còn đang ở giai đoạn khởi đầu, chưa có sự phân biệt, so sánh. Đến khi con ong đi khám xét bông hoa để lấy được phấn hoa thì gọi là từ. Trong đầu của chúng ta luôn luôn có những nguyên tử, tâm của ta được làm bằng những hạt rất nhỏ gọi là tưởng. Những hạt tưởng tới với nhau làm thành tầm (initial thinking). Khi tầm đi sâu hơn, so sánh, ước lượng, tưởng tượng thì gọi là từ (discussive thinking). Một bên là vật chất còn một bên là tinh thần, vật chất thì do những hạt nguyên tử rất nhỏ làm ra và tinh thần thì do những hạt tưởng rất nhỏ làm ra. Trong một giây trong đầu của ta phát ra không biết bao nhiêu là tưởng. Tưởng do xúc và thọ làm phát sinh ra.
Xúc (sparśa), tiếng Anh là contact. Sự xúc chạm giữa sáu căn và sáu trần tạo ra những cảm thọ (vedanā). Và xúc, thọ tạo ra tưởng. Xúc cũng có thể tạo ra sự chú ý gọi là tác ý (manaskāra), tiếng Anh là attention. Ví dụ như đang suy nghĩ lung tung thì ta nghe có tiếng chuông, tai ta xúc chạm với tiếng chuông. Tự nhiên ta chấm dứt sự suy tư và tác ý tới tiếng chuông. Chú ý tới tiếng chuông, ta buông bỏ suy tư, nhiếp tâm vào hơi thở và thiết lập lại thân tâm trong giây phút hiện tại. Tác ý đó gọi là như lý tác ý tức là tác ý tốt (yoniso-manaskāra), tiếng Anh là appropriate attention. Nghe tiếng chim hót, tiếng thông reo, thấy hoa nở hay thấy một người bạn tu đang đi là những như lý tác ý. Nếu chú ý tới những cái làm cho tâm mình loạn, mình mất tự chủ, mình giận, mình buồn, mình sợ hãi, mình bị vướng mắc, thì đó là phi như lý tác ý (anyoniso-manaskāra), tiếng Anh là inappropriate attention. Người tu phải thực tập như lý tác ý để đừng bị kéo theo những cái không có lợi cho sự tu học của mình.
Ban đầu có những cái tưởng do sự xúc chạm, sự chú ý và do cảm thọ làm phát sinh ra. Những cái tưởng đó tới với nhau làm thành tầm và từ. Và chúng ta có thể đi tới một quyết định tức là tư 思 (cetanā), tiếng Anh là volition. Tư là ước muốn, ta quyết định chạy theo, quyết định chiếm đoạt hay quyết định lìa bỏ. Tác ý, thọ, tưởng đưa tới tư duy (thinking), và tùy theo tư duy đó là chánh tư duy (right thinking) hay là tà tư duy (wrong thinking) mà ta phản ứng khác nhau.
Ví dụ như khi ta xúc chạm với những cái không như ý mình thì ta thấy bực, ta giận, ta muốn tẩy chay cái đó, ta muốn bỏ chạy hay muốn trừng phạt. Đó là tư, tức là quyết tâm của ta muốn phản ứng lại, như chạy theo, hay trừng phạt, hay bám lấy. Nhưng nếu có niệm, định, tuệ xen vào thì ta sẽ có một thái độ khác. Người đó nói một câu hay làm một hành động không dễ thương, nhưng nếu ta thấy và hiểu được thì tự nhiên ta không còn có ý muốn bỏ đi, muốn trừng phạt hay trả thù mà ta muốn nói một câu gì, làm một điều gì đó để cho người kia bớt khổ. Tư (volition), xúc (contact), thọ (feeling), tưởng (notion, perception), tác ý (attention) là những hạt tâm lý luôn luôn có mặt trong bất cứ giờ phút nào của đời sống hằng ngày.