Pháp thoại theo chủ đề

Hãy lưu giữ những tờ lịch đẹp

(Trích pháp thoại ngày 25 tháng 05 năm 2003 tại xóm Thượng, Làng Mai Pháp)

 Những tờ lịch chúng ta lật mỗi ngày tượng trưng cho 24 giờ đồng hồ mà chúng ta vừa mới sống. Trên phương diện hình thức, tờ lịch đó đã là quá khứ, được vò lại để trong thùng rác nhưng trên phương diện thực tại thì tờ lịch đó là một biểu trưng rất cụ thể, rất chắc chắn và không thể nào tiêu diệt được.

Những tư duy, nói năng và hành động mà chúng ta đã tạo tác ra trong một ngày là những năng lượng đã chất chứa trong ta, trong vũ trụ và nó sẽ là sự tiếp nối của chúng ta. Ba loại năng lượng đó đi với nhau, gọi là Tam nghiệp. Nghiệp trong tiếng Phạn là karma, có nghĩa là “action” và khi nói tới nghiệp, chúng ta cần phân biệt nghiệp nhân và nghiệp quả. Nghiệp nhân là những điều đã tạo tác ra và nghiệp quả là những hoa trái mà nó đưa lại.

 Tờ lịch của ngày hôm qua chúng ta có thể vò và bỏ vào thùng rác được nhưng chúng ta không thể làm vậy với những ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp mà chúng ta đã tạo ra trong một ngày. Đó là những thực tại chúng ta phải mang theo và chúng sẽ có ảnh hưởng trên bản thân ta, trên những người gần gũi ta và trên cả vũ trụ vào ngày hôm sau. Chúng ta đã biết trong Cảnh sách có câu: “Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong” nghĩa là  những nghiệp ta tạo tác ra thì dù trăm ngàn kiếp về sau cũng không thể nào mất đi được.

Ngày hôm nay, những tư duy ta đang chế tác ra là những năng lượng có ảnh hưởng liền lập tức cho thân và tâm ta trong giây phút hiện tại. Ảnh hưởng đó mau còn hơn các tín hiệu của các đài truyền hình gửi lên trên vệ tinh nhân tạo rồi từ vệ tinh nhân tạo gửi về. Nghiệp của ta cũng vậy, mỗi tư duy, mỗi lời nói có ảnh hưởng liền trong ngày hôm nay và sẽ có ảnh hưởng ngày mai, ngày mốt và 100 năm sau nữa. 

 

 

Trong khoa học, người ta cũng nói tới Định luật bảo tồn năng lượng: “Nếu cô đọng năng lượng lại thì nó trở thành ra vật chất, nếu pha loãng vật chất ra thì nó trở thành năng lượng, không có gì mất đi”. Cho nên Lavoisier, nhà khoa học Pháp nói rằng: “không có gì  sinh ra và không có gì mất đi”. Điều đó cũng đúng theo tinh thần của đạo Bụt: không sinh không diệt. Ta có một tư duy chân chính, có tình thương và trí tuệ thì thân tâm khoẻ nhẹ, an lạc liền lập tức. Tư duy chân chính đó, lời nói chân chính và hành động chân chính đó cũng có ảnh hưởng liền lập tức tới những người đang sống bên ta ngày hôm nay. Người này có thể là anh chị em, cha mẹ, hay người bạn hôn phối của ta.

Mỗi tư duy của ta có công năng nuôi dưỡng, có thể chuyển hoá chính ta và những người sống với ta. Đồng thời, những tư duy của ta có thể gây khổ đau cho bản thân mình và những người thương của mình trong giây phút hiện tại. Kết quả hiện tiền. Có nghiệp nhân là có nghiệp quả, không thể nào từ có trở thành không được. Những gì chúng ta tạo tác ảnh hưởng không chỉ tác động vào hiện tại của bản thân và những người xung quanh ta mà còn ảnh hưởng đến cả tương lai nữa.  

Một lốc lịch chúng ta mua ở chợ có 365 ngày, hết lốc này thì chúng ta có thể mua lại lốc khác. Chúng ta nghĩ chúng ta có 100 năm, nhất là người trẻ, họ nghĩ rằng họ còn nhiều tháng rộng năm dài sau đó. Nhưng cuộc đời là vô thường, có những người trẻ chết rất  trẻ, có những người mình tưởng là chết trước mình, nhưng họ lại chết sau mình rất lâu. Cuộc đời này là con đường bất định, vô thường không thể biết được. Điều mà ta chắc chắn nhất chỉ có ngày hôm nay, còn ngày mai ta không thể biết chắc. Nếu một tai nạn xe hơi, tai nạn máy bay hay một cơn bệnh hiểm nghèo xảy đến, có thể chúng ta không tiếp tục lật tiếp được những tờ lịch kế. Chỉ có 24 giờ chúng ta vừa sống là điều chắc chắn nhất đã tồn tại và ta phải trân quý những giờ phút đó.

Muốn có những tờ lịch đẹp để trân quý thì phải sống đẹp trong từng khoảnh khắc của 24 giờ đồng hồ. Mỗi người chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về điều này. Chúng ta đã sống qua những ngày không được đẹp, đầy đau khổ, giận hờn, có những ganh tỵ, chán nản và tuyệt vọng. Chúng ta đã nghĩ, đã nói và đã làm những điều tiêu cực. Những ngày đó không phải là những gì quý giá để chúng ta trân quý và muốn lưu trữ.  

 

 

Sáng nay thức dậy, mình hãy mỉm cười, biết là mình có hăm bốn giờ tinh khôi trở lại và  đừng làm mất cơ hội đó. Chúng ta phải làm thế nào để sống thành công ngày hôm nay, mà phải là một nghệ sĩ thì mới thành công được. Sống là một nghệ thuật, tư duy là một nghệ thuật, nói năng là một nghệ thuật và hành động là một nghệ thuật. Chúng ta phải sống như một nhà nghệ sĩ để mọi thứ xung quanh được đẹp, lành và chân thật. Ta phải đem hết tâm lực chú trọng vào ngày hôm nay. 

Trước đây chúng ta đã từng dùng hình ảnh cây nến, cây nến cũng giống như lốc lịch. Khi nến cháy hết thì coi như nó không còn nữa. Nhìn khơi khơi trên bề mặt, ta thấy cây nến đã chấm dứt sự tồn tại của nó. Nhưng thật ra trong giây phút hiện tại, hào quang, năng lượng, ánh sáng và hương thơm của cây nến đã đi vào trong vũ trụ và đi về tương lai. Nếu ta thấy được điều đó thì ta không nói cây nến đã mất đi, cây nến vẫn tiếp tục dưới hình thức khác.

Cũng như đám mây, khi trời tạnh mưa, chúng ta không thấy đám mây ở trên trời nữa nhưng điều đó không có nghĩa là đám mây không còn. Bầu trời trong vắt, chúng ta không thấy mây nữa  nhưng mây vẫn có đó, còn dưới hình thức của mưa, dưới hình thức của cây. Cho nên phải có con mắt vô tướng thì ta mới nhận ra được sự tiếp nối của mây. Khi nói rằng cây nến không còn tồn tại nữa thì cũng ngây thơ giống như nói đám mây hoàn toàn không còn gì nữa. Thành ra không có gì từ không mà trở thành có, cũng không có gì mà từ có trở thành không.

Trưa hôm thứ năm, thị giả của Thầy là sư em Mẫn Nghiêm pha trà cho Thầy. Thầy hỏi sư em rằng: “Những tờ lịch của Thầy, Thầy rất trân quý, con có biết Thầy tàng trữ ở đâu không, cất giữ ở đâu không?”. Nếu sống được một ngày cho hết lòng, cho đẹp, có tình thương, hiểu biết và niềm vui thì đó là một cái thẻ tín dụng mà ta cất chứa, lưu trữ trong ta. Ngày mai chưa chắc đã có mà hôm nay ta đã sống trọn vẹn được một ngày nên đó là một tác phẩm nghệ thuật của ta và ta phải bỏ vào trong viện bảo tàng cất giữ, đừng để hư. Thầy cất giữ những tờ lịch, những ngày của Thầy ở trong kho tàng tâm thức. Mỗi ngày Thầy đều trao cho con và nhờ con cất giữ chúng. Tại vì con là sự tiếp nối của Thầy, con là Thầy.