Ngồi cho an
Chăm sóc thân tâm
Mục đích của sự tu học là đem lại sự lắng dịu và niềm vui. Người tu (hành giả) phải có khả năng chế tác được an và lạc. An 安 là sự lắng dịu và lạc là niềm vui. Nếu trong thân có sự bất an thì ta phải thực tập như thế nào để sự bất an lắng dịu xuống và an có cơ hội biểu hiện ra. Bất an 安 là restlessness tức là không có sự an ổn, không có sự nghỉ ngơi. Phạm Duy có viết một bài hát về trăng:
Trăng ơi, trăng ở muôn đời
Mà sao ta cứ đứng ngồi không yên
Nhìn lên ta thấy mặt trăng yên quá, mà sao ta lại không yên, đứng không yên mà ngồi cũng không yên. Sự không yên (bất an) đó có thể kéo theo những phiền não (afflictions) khác như lo lắng (worries), giận hờn (anger), bực bội (irritation), sợ hãi (fear). Những phiền não đó là những ngọn lửa làm cho ta bất an. Ngoài bốn ngọn lửa kia còn có những ngọn lửa khác như thèm khát (craving), tuyệt vọng (despair), nghi ngờ (doubt), v.v…Vì có những phiền não mà ta bất an. Là người tu ta phải học được cách đối trị lại với sự bất an, với những phiền não trong lòng.
Phiền não có gốc rễ của nó, và khi nó biểu hiện trong tâm thì thân cũng bị ảnh hưởng, hay khi nó biểu hiện trong thân thì tâm cũng bị ảnh hưởng. Ta không chăm sóc thân ta đàng hoàng, ta ăn uống không cẩn thận thì thân bị phiền não. Ta hành hạ thân ta, ta làm việc quá nhiều, ta để thân ta mệt mỏi, ta muốn có đồng ra đồng vào nhiều, có một tiệm rồi ta muốn có tiệm thứ hai, có một chiếc xe rồi ta muốn có thêm chiếc xe thứ hai, ta muốn tìm một sở làm trả lương nhiều hơn nên ta đày đọa thân của mình. Bị đày đọa thì thân ta bất an, mà thân bất an thì sinh ra tâm bất an. Thân tâm nương vào nhau, sự bất an của cái này đưa tới sự bất an của cái kia. Vì vậy ta phải biết chăm sóc vừa thân vừa tâm.
An là làm lắng dịu, trước hết là làm lắng dịu những lo lắng, giận hờn, bực bội, sợ hãi, thèm khát, tuyệt vọng, nghi ngờ đó. Chúng ta phải học được những phương pháp. Ví dụ như muốn làm đậu hũ thì ta biết mình phải có đậu nành, có nước, có cối xay, có lửa để nấu, có lọc. v.v…Khi đã biết làm đậu hũ, nếu có đủ những vật liệu thì ta có niềm tin là thế nào ta cũng làm được đậu hũ. Tôi cũng biết làm scrambled eggs mà không cần trứng. Nếu cho tôi một ít đậu hũ, sữa đậu nành, dầu, tiêu, rau thơm thì tôi có thể làm scrambled eggs trong vòng 15 phút. Tu tập cũng vậy, nếu hội đủ những điều kiện thì ta có thể chế tác được an, hay ít nhất là ta có thể làm bớt đi sự bất an trong thân và trong tâm. Ta phải tự cứu lấy mình, đợi người khác tới giúp mình an lại thì hơi khó.
Trong khi ngồi, ngồi thiền hay ngồi chơi, nếu biết cách ngồi thì ta sẽ có an. Theo tôi thì ngồi thiền là một thứ ngồi chơi nếu ta thấy ngồi thiền không phải là chuyện bị ép buộc hay phải cố gắng mệt nhọc để đạt tới an, lạc hay sự giác ngộ nào đó trong tương lai. Ngồi thiền không phải là phương tiện để đi tới cứu cánh là giác ngộ. Ngồi thiền chính là sự an. Một khi ngồi xuống là ta an ngay, như vậy mới gọi là biết ngồi thiền. Ngồi mà chưa an là ta chưa biết ngồi. Ngồi yên là an tọa 安 坐. Ngồi yên là một nghệ thuật, ta tới Làng Mai để học ngồi yên. Ngồi không phải là để đạt được một cái gì, chính khi ngồi ta đã có an rồi. Muốn ngồi an thì ta phải biết sử dụng những yếu tố như thân, lưng, hai lá phổi, lỗ mũi của ta, sử dụng không khí và gối ngồi thiền. Khi có những yếu tố đó thì khi ngồi xuống ta có an ngay trong hơi thở đầu. Trước tiên ta phải bỏ đi ý niệm ngồi thiền là một hành động cực nhọc để đi tới một kết quả nào đó, mà ngồi thiền là một cơ hội để có sự bình an trong thân và trong tâm. Trong khi ngồi thiền ta phải sử dụng cơ thể và tâm của mình. Giữa cơ thể và tâm của ta có hơi thở. Hơi thở nối kết thân với tâm. Ta phải học cho được cách ngồi và thở như thế nào để ngay trong hơi thở đầu tiên ta đã bắt đầu có sự lắng dịu. Trong đại chúng thế nào cũng có người biết ngồi, nhìn người đó ta biết ngay là người đó có an. Người đó không gồng, không tranh đấu, ngồi như một đức Phật ngồi trên cỏ. Nếu ngồi được ở Làng Mai thì khi về lại thành phố ta cũng sẽ ngồi được, ngồi trên bãi cỏ, ngồi trên ghế hay ngồi trên gốc cây ta cũng ngồi được.
Chúng ta có bài kệ:
Vào thiền đường
thấy chân tâm
Một ngồi xuống
Dứt trầm luân
Một phen đã ngồi xuống thì những chìm đắm, trôi lăn cũng chấm dứt, tại vì trầm luân có nghĩa là chìm và lăn. Trong đời sống hằng ngày ta bị cuốn theo, trôi lăn, chìm đắm. Mở cửa thiền đường, bước vào là ta thấy được chân tâm (tâm bồ đề) của mình, thấy ý chí muốn tu học của mình.
Ta chìm đắm trong gì? Ta chìm đắm trong suy tư, lo buồn, giận, hờn tủi. Đó là những đợt sóng làm cho ta vùi dập, lên xuống gọi là trầm luân. Biết ngồi thiền thì ta giống như một nhà ảo thuật sử dụng hai lá phổi, sóng lưng, nụ cười của mình, ta không đánh phá mà tự nhiên những đợt sóng kia yên lại. Ta bắt đầu thấy pháp lạc khi thở vào, thở ra. Giờ ngồi thiền của ta rất quí, ta đừng xem ngồi thiền là một sự bắt buộc mà là cơ hội để ta làm lắng dịu thân và tâm của mình.
Nelson Mandela, cựu tổng thống Nam Phi đã ở tù trong thời gian rất lâu. Sau này ông được thả ra và được bầu làm tổng thống. Trong một dịp viếng thăm nước Pháp, lúc đó tổng thống Pháp là François Mitterrand đã đón tiếp ông Mandela rất nồng nhiệt và báo chí ở Paris đã tới hỏi ông Mandala:
- Thưa tổng thống, bây giờ tổng thống thích làm việc gì nhất?
Ông Mandela trả lời:
- Việc tôi thích nhất là được ngồi yên, không làm gì cả. Từ khi bị làm tổng thống tới giờ tôi không có thì giờ để ngồi thở. Cái tôi thích nhất là ngồi xuống và không làm gì hết.
Lúc đọc bài báo đó tôi nghĩ:”Ông này không được ngồi, trong khi đó mình được ngồi nhiều lần trong ngày, thật sướng quá, vậy làm sao mình cho ông ta mỗi ngày một giờ đồng hồ để ngồi. Nhưng giả sử người ta cho ông mỗi ngày một giờ để ngồi thì liệu ông có biết cách ngồi hay không? Tại vì có học thì mới ngồi được, nếu không thì cũng không biết làm sao để ngồi. Ta ngồi đó nhưng ta nghĩ mình phải làm gì, mình phải đi đâu, phải nói chuyện với ai, vì vậy trong khi ngồi ta cũng vẫn không có an.
Sống ở ngoài đời chúng ta cũng có vài tuần lễ nghỉ trong năm. Ta cũng muốn an, muốn nghỉ ngơi nhưng nhiều người không biết làm thế nào để nghỉ ngơi. Vì vậy sau khi nghỉ xong ta lại còn mệt hơn trước nữa. Vấn đề là ta có biết nghỉ ngơi, biết làm lắng dịu thân và tâm hay không, vì vậy cho nên ta cần phải học thiền.
Ngồi yên
Niết bàn là sự lắng dịu, sự an ổn mà ta không cần phải chết đi mới đi vào được. Trái lại ta phải sống mới có được Niết bàn. Santaṃ nirvāṇam là Niết bàn tịch tĩnh. Tịch tĩnh là lắng dịu, yên lặng, không rộn ràng, bốc cháy. Nirvana is peace. Khi ta ngồi xuống, biết cách điều phục thân và điều phục tâm thì tự nhiên ta có an. An đó là Niết bàn. Trong khi ngồi ta có Niết bàn. Không phải chết đi rồi ta mới có Niết bàn, trái lại chết đi chưa chắc ta đã có Niết bàn. Có cơ hội về Làng một tuần, trong một tuần đó ta phải học cho được cách ngồi. Các thầy, các sư cô ở Làng một năm mà không nắm được phương pháp thì rất là uổng, ở trong núi châu báu mà ta vẫn là người nghèo khổ. Ngồi trên một tảng đá, trên bãi cỏ, trên gốc cây hay trên tọa cụ ta phải ngồi như thế nào để có an ổn. Những người bận rộn, đầu tắt mặt tối suốt năm không có cơ hội đã đành, nhưng ta có cơ hội mà ta không làm thì quá uổng.
Ta có an thì bố mẹ, tổ tiên trong ta cũng có an và ta là đứa con có hiếu nhất. Không phải là đem nhiều tiền về cho bố mẹ là có hiếu nhất, mà có hiếu nhất là ta có an lạc, hạnh phúc tại vì bố mẹ nào cũng mong cho con có an lạc, hạnh phúc. “Bố ơi, con là một đứa con có hiếu tại vì con biết cách làm cho con có an và lạc”.
Trong khi ngồi thiền ta đừng nên cố gắng để thành Phật, ta phải có an trước rồi những chuyện khác hãy nói sau. Ta phải ngồi cho thoải mái, ngồi giùm cho ông Nelson Mandela, cho ông François Mitterrand; ta ngồi cho cha mẹ, cho đất nước, cho dòng họ, cho dân tộc của mình. Ta tiếp nối sự nghiệp của Bụt, ta ngồi cho Bụt.
Khi đi ta cũng đi như thế nào để có an trong từng bước chân. Ta không hấp tấp, vội vã, ta không đi như những người mộng du, đi mà không biết là mình đi. Ta đi như thế nào để có sự tỉnh thức. Mỗi bước chân đi trong chánh niệm cho ta thấy là mình được làm người, mình đang còn có mặt ở đây và đang bước những bước thong dong trên hành tinh xinh đẹp này. Đó là một hạnh phúc rất lớn.