Pháp thoại theo chủ đề

Trái tim màu xanh

(Trích pháp thoại của Sư Ông Làng Mai trong khóa tu mùa hè, ngày 31.7.2007 tại Làng Mai)

Tình nghĩa

Trong tiếng Việt có chữ tình lại có chữ nghĩa. Chữ Nghĩa là chữ rất khó dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh. Chữ tình (amour, love) viết ra chữ Hán (情), bên trái có bộ tâm (心) tức là trái tim, bên phải có chữ thanh (青) là màu xanh lục. Trái tim màu xanh. Trái tim ban đầu thì màu xanh, sau có thể biến màu thành màu khác, nhưng làm sao để nó đừng thành màu đen. Cái tình lúc ban đầu thì rất bồng bột, nóng bỏng, có tính chất đam mê. Đó là bản chất của tình. Khi đang bị năng lượng tình chiếm cứ thì mình không được an ổn lắm. Ăn không an, mà ngủ cũng không an, giống như bị đốt cháy vậy. Đó là ngọn lửa. Người nào có đi qua rồi thì biết. Khó an trú trong hiện tại lắm, cứ nghĩ tới cái giây phút mình sẽ được gặp người đó, được ngắm nhìn người đó, chỉ ngồi ngắm không là đủ no rồi, khỏi cần ăn. Càng nhiều trở ngại chừng nào thì đam mê càng lớn chừng nấy. Sự trở ngại là một chất liệu làm cho tình yêu càng lớn mạnh (lễ giáo, công ước xã hội, v.v…). Hoàn cảnh dễ dàng quá thì nó không lớn mạnh.

 

 

Ngày xưa chưa có điện thư, điện thoại, đôi khi đợi một lá thư tình phải chờ từ tuần này sang tuần khác. Và mỗi ngày bồn chồn tự hỏi: Đáng lý ngày hôm qua lá thư đó phải tới rồi, nhưng sao nó chưa tới? Mình đợi cả hai mươi bốn giờ đồng hồ, cho tới cái giờ mà ông phát thư đi ngang qua trước ngõ. Ông phát thư thường đi qua lúc mười giờ sáng, lúc chín giờ mình đã bắt đầu đợi. Ông phát thư sáng nay sao mà đi trễ quá, đi chậm quá! Mình đếm từng bước của ông ta. Và nếu ông đi ngang qua mà không dừng lại thì mình buồn lắm. Phải đợi hai mươi bốn giờ đồng hồ nữa. Khi bị tình yêu chiếm cứ, mình không có khả năng an trú trong hiện tại.

Ai có qua cầu mới hay. Nó có sự bồng bột, sự đốt cháy. Nó không có được sự an ổn. Cho nên ở Tây phương, người ta nói khi yêu tức là mình bị té, bị ngã (tomber amoureux, falling in love). Đang đi bình thường tự nhiên té xuống. Người Việt Nam thay vì nói té thì nói ốm, nói cảm. Tây phương cũng nói ốm (love sick). Nguyễn Bính có viết hai câu thơ: “Gió mưa là bệnh của trời, tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. Trời tốt đẹp thì không bị bệnh, mà hễ có gió, có mưa là bị bệnh. Tương tư tức là cứ ngồi đó mà nhớ nhau, không làm ăn được gì hết. Và càng nhiều trở ngại chừng nào, thì cái tình càng mạnh chừng đó. Nó rất bồng bột, nó làm cho mình bất an. Nếu không được thỏa mãn, nó sẽ làm cho mình sầu, mình ốm tương tư. Ốm tương tư là nhớ quá thành bệnh, như nàng Mỵ Nương với chàng Trương Chi. Thành ra, tình yêu là một cơn bệnh (C’est une maladie). Tình yêu bùng lên rất mạnh nhưng nếu được dễ dàng thỏa mãn thì nó chết cũng rất mau. Đam mê như một ngọn lửa lên rất cao, khi tàn lụi cũng rất là mau.

Keo sơn ơn nghĩa

Một cặp vợ chồng ở được với nhau lâu dài, đó không phải là nhờ tình yêu mà nhờ cái thứ hai là nghĩa (義). Nếu mình biết yêu cho đàng hoàng thì tự nhiên từ cái tình đưa tới cái nghĩa. Và chính cái nghĩa đó là keo sơn gắn chặt hai người, để hai người có thể sống được lâu dài với nhau. Cho nên phải nuôi cái nghĩa. Người ta không thể sống trăm năm với nhau bằng tình được. Tình là một đam mê (passion), tàn lụi rất mau. Nghĩa là một cái gì bền chặt hơn nhiều. Nghĩa đi đôi với chữ ơn – ơn nghĩa. Ơn đầu tiên mình cảm nhận được của người kia là khi ý thức rằng: Có biết bao nhiêu người, tại sao anh ấy không chọn, mà lại chọn mình? Có biết bao nhiêu người con trai có bằng cấp, có địa vị, tại sao nàng không chọn, mà nàng chọn ta? Đó là cái ơn mà mình ý thức được. Ý thức đó làm mình có thể biết ơn suốt đời.

Và tình nghĩa này không phải chỉ giới hạn trong vấn đề nam nữ thôi. Cái nghĩa giữa bạn bè, cha mẹ, thầy trò cũng vậy. Mình sinh ra một đứa con, đứa con đã chọn mình làm mẹ, chọn mình làm cha. Tại sao nó không sinh ra ở nhà khác mà chọn nhà mình để sinh ra? Thành ra cha mẹ có thể biết ơn đứa con. Sự ra đời của đứa con nó có thể đem lại ánh sáng và hạnh phúc cho cặp vợ chồng đó. Vì vậy, cha mẹ có thể biết ơn đứa con. Tại sao có nhiều  người đến quy y với vị thầy này mà không tới quy y thầy khác? Thầy cũng phải biết ơn người đệ tử. Sự biết ơn là một yếu tố của hạnh phúc.

Chọn người tri kỷ

Tại sao anh đã không chọn người khác mà chọn mình? Sự lựa chọn đó do đâu mà có? Sự ham muốn bóng sắc tự nó không đủ. Phải có cái gì đó. Ở bên Mỹ, có anh chàng kia rất đẹp trai, tài ba, tốt nghiệp đại học thuộc hàng ưu tú, có việc làm lương rất lớn, và có rất nhiều cô bạn gái thật xinh đẹp. Bà mẹ rất ngạc nhiên khi thấy anh rất thân với một cô gái không phải là đẹp nhất. Cô này hơi thấp, nước da hơi đen, mà sao con trai mình có vẻ thích cô này hơn các cô khác? Bà cũng tò mò. Bữa đó hai mẹ con ngồi riêng với nhau, bà nói: “Má thấy mấy đứa kia ngó được quá mà sao con không chọn, con lại đi chọn con nhỏ này hơi đen mà lại thấp nữa?”Anh chàng không biết trả lời làm sao hết. Anh chàng chưa suy nghĩ thành ra bị hỏi bất ngờ quá không trả lời mẹ được.

Nhưng sau ba bốn ngày quán chiếu, anh ta tìm ra câu trả lời. Cô này mỗi khi anh nói chuyện, cô biết lắng nghe. Anh là nhà khoa học nhưng anh cũng ưa làm thơ. Mỗi khi anh đọc thơ, cô lắng nghe, và cô hỏi những câu hỏi chứng tỏ cô hiểu được thơ của anh. Còn những cô khác cũng nghe, nhưng nghe do lễ phép, bắt buộc phải nghe thơ nhưng không thích. Thành ra cái đặc biệt của cô này là cô thích thơ, cô hiểu thơ, cô lắng nghe thơ. Và cô trở thành tri kỷ của anh.

Tri kỷ là người hiểu được mình. Trên cuộc đời này mà tìm được một người có thể hiểu được mình thì mình là người có hạnh phúc. Món quà quý nhất mà người kia có thể tặng cho mình là khả năng hiểu được mình. Có những người sống trong cuộc đời này mà chưa bao giờ tìm được một người có thể gọi là hiểu mình cả. Dù là con trai hay con gái, trong cuộc sống này nếu mình có thể tìm được một người có khả năng lắng nghe mình, có thể hiểu được những khó khăn, những khổ đau, những ước vọng của mình thì tức là mình tìm thấy nơi người đó một tâm hồn tri kỷ. Tri kỷ là biết nhau, là hiểu nhau.

Con người đi tìm trong đời này một tri kỷ, một người biết được mình. Tìm ra được người đó thì hạnh phúc. Ngày xưa có một vị quan lớn chơi đàn thập lục huyền cầm rất tuyệt diệu. Trong giới quan quyền, bạn hữu không có ai hiểu được nghệ thuật, tài năng của ông cả. Vì vậy mỗi lần đánh đàn ông thường đem theo một vài người hầu cận lên trên núi, tìm một chỗ đẹp. Ông trải chiếu, pha trà rồi đốt trầm lên. Trong không khí trang nghiêm ông chơi đàn. Rất hạnh phúc. Và ông có cảm tưởng là chỉ có suối, cây, núi, mây mới hiểu được tiếng đàn của ông. Bữa đó, đang đàn thì tự nhiên một dây đàn bị đứt. Ông ta tháo dây đàn đứt đó ra, thay một dây mới. Vừa đàn thêm một câu nữa thì dây đàn bị đứt nữa, và cứ đứt như vậy ba lần. Ông ta nghĩ: “Chắc có người đang nghe trộm mình”. Ông đứng lên, nói lớn: “Có vị tri kỷ nào đang nghe trộm tiếng đàn của tôi xin cho gặp mặt”.

 

Tự nhiên có một anh tiều phu xuất hiện. Anh tiều phu này đã nghe lén, đã cảm được tất cả những cái hay, cái đẹp, cái tài ba của người đàn. Và vì vậy cho nên dây đàn đứt. Ông quan đánh đàn tên là Vương Bá Nha, người tiều phu tên là Chung Tử Kỳ. Hai người nói chuyện rất tâm đầu ý hợp. Bá Nha lần đầu tiên tìm ra được một tri kỷ, một người hiểu được nghệ thuật của mình. Tử Kỳ chấp nhận làm bạn tri kỷ của Bá Nha, nhưng không muốn về kinh đô nhận những cái chức như là thư ký văn phòng. Tử Kỳ chỉ muốn làm tiều phu thôi. Lâu lâu, Bá Nha nhớ tới bạn, sắp đặt công việc trong triều rồi hẹn với bạn, hai người cùng uống trà. Bá Nha hạnh phúc vô cùng vì Bá Nha đã tìm ra được một người tri kỷ, tri âm. Tình bạn đó lưu truyền cho tới ngày hôm nay.

Hồi mới mười tám tuổi, tôi đã làm một bài thơ ca tụng tình bạn của Bá Nha và Tử Kỳ. Trong cuộc đời mà có một người nghe được mình, hiểu được mình thì mình là một trong những người may mắn nhất ở trên đời rồi. Cho nên anh chàng ở Cali, ba ngày sau gặp lại mẹ, mới trả lời câu hỏi của mẹ: “Hôm trước má hỏi tại sao con thương cô đó. Tại sao má biết không? Tại vì người đó hiểu con. Thành ra dầu có hơi đen một chút, hơi thấp một chút, con thương cô đó hơn tất cả những cô xinh đẹp, cao ráo, sang trọng kia”.

Đời người mà tìm ra được một người hiểu mình đó là hạnh phúc vô cùng. Con mà hiểu cha, đệ tử mà hiểu thầy thì cũng làm cho cha, cho thầy rất hạnh phúc. Đó là nói ra từ kinh nghiệm. Thành ra mình biết ơn người đã hiểu được mình. Cảm ơn em đã hiểu được anh, cảm ơn con đã hiểu được cha, cảm ơn cha đã hiểu được con. Tu tập là làm thế nào để có thể có được cái hiểu. Muốn hiểu thì phải lắng nghe, phải quan sát mới hiểu được. Khi mình sống với một người có khả năng hiểu mình thì mình có hạnh phúc lắm. Vì cái hiểu là nền tảng của cái thương. Không hiểu thì không thể nào thương. Trong tình yêu đôi lứa người ta phải cẩn thận. Mình chỉ cần thử nghiệm vài cái là biết người đó có hiểu mình hay không. Mà nếu người đó không hiểu mình thì dù người đó có bằng cấp cao, lương nhiều, xe đẹp, nhà cửa sang trọng, bảnh trai, hay sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành đi nữa, khi cưới người đó thì mình cũng sẽ khổ suốt đời, như là khổ sai chung thân. Và tình yêu đó là một cái nhà tù.

Cái người mà khi mình nói cứ cắt lời mình, không để cho mình nói, cứ khoe cái của họ, không có khả năng hiểu được những khó khăn, những khổ đau của mình, không biết lắng nghe mình… muốn nhận ra người đó rất dễ, chỉ cần vài ba phút là được. Đừng để cho mình bị hấp dẫn bởi những cái bên ngoài: Sắc đẹp, địa vị, danh lợi, xe hơi, nhà cửa, lương tiền, bằng cấp… Đừng để cho những cái đó làm cho mình mờ mắt. Hai con mắt mình hãy tỉnh táo để có thể nhận rằng người con gái đó, hay người con trai đó là một người có thể hiểu được mình, và hiểu được mình thì có thể có khả năng thương mình. Rất rõ ràng như vậy. Đó là tiêu chuẩn của đạo Phật về hạnh phúc, về tình yêu. Những người yếu đuối thường bị hấp dẫn bởi những cái phù phiếm bên ngoài.

Trong xã hội Việt Nam mới phát triển, một cô gái có thể đánh mất tiết trinh của mình để đánh đổi lấy một chiếc xe gắn máy. Thật dễ sợ! Đạo đức đã suy đồi tới mức đó. Mình muốn thoát ra khỏi cái thân phận nghèo khổ, mình muốn có một chiếc xe giống như người ta, và mình đánh mất cái quý giá nhất của đời mình. Chuyện đó đã và đang xảy ra. Thành ra những cái hấp dẫn của vật chất, của bề ngoài phù phiếm mình không thể coi thường được. Mình sẽ dấn thân vào những nẻo đời khổ đau nếu mình không cẩn thận.

Có hiểu mới thương

Ở trong đạo Phật chúng ta thấy rất rõ cái thương đích thực được làm bằng cái hiểu, không có hiểu thì không có thương. Không hiểu con thì cha càng thương, con càng khổ. Vợ không hiểu chồng thì càng thương chồng, chồng càng khổ. Hiểu là nền tảng của tình thương. Sống với nhau như thế nào để càng ngày mình càng hiểu được nhau nhiều hơn và để cho người kia càng ngày càng hiểu được mình nhiều hơn. Nếu cái hiểu không lớn lên, thì cái thương cũng không lớn lên mà dậm chân tại chỗ. Nếu quý vị thấy tình thương của mình đang dậm chân tại chỗ thì quý vị biết rằng quý vị thiếu tu.

Cái hiểu không lớn thêm và cái thương không lớn thêm thì chúng có thể từ từ co rút. Tình yêu có thể co rút lại cho đến khi thành ra một cục cứng ngắc không còn sinh khí. Tình yêu có thể chết nếu mình không biết nuôi dưỡng nó bằng cái hiểu và cái thương. Và khi người kia hiểu mình thì mình biết ơn người đó, biết ơn suốt đời. Chính sự biết ơn đó là chất liệu nuôi dưỡng liên hệ giữa mình và người đó cho đến suốt đời. Đó là nghĩa, không phải là cái bồng bột lúc ban đầu nữa, không phải là ngọn lửa nhất thời nữa.

Kinh nghiệm nuôi lửa

Ở Việt Nam ngày xưa người ta không nấu cơm bằng gas hay bằng điện mà nấu bằng rơm. Ngày xưa tôi cũng đã từng nấu cơm bằng rơm. Rơm cháy rất mau. Có cách để làm cho rơm cháy chậm lại: mình đặt một nắm rơm vào và lấy cái đũa bếp đè xuống thì nắm rơm sẽ cháy từ từ, được lâu hơn. Ở nhà quê Việt Nam ngày xưa còn nấu bằng trấu. Trấu tức là vỏ lúa. Không có hộp quẹt vì vậy người ta phải nuôi lửa. Nuôi lửa hay nhất là nuôi bằng lửa trấu: mình đổ vào một vài bát trấu, thì trấu cháy ngún rất lâu. Lửa trấu không cháy phừng phừng như lửa rơm mà cháy chầm chậm. Chầm chậm thôi mà cháy cả đêm. Sáng dậy mình khơi ra thì còn lửa trong bếp.

Tình là ngọn lửa rơm mau tàn. Còn Nghĩa là lửa trấu, cháy suốt đêm. Ngày xưa Việt Nam có truyền thống đi xin lửa, vì không có hộp quẹt, cũng không có đèn dầu. Mỗi khi nấu cơm, nếu nhà mình không có trấu để giữ lửa thì mình phải qua hàng xóm xin lửa. Các cháu có thể là chưa bao giờ thấy Con Cúi. Con Cúi không phải là một sinh vật mà mình vẫn gọi là con. Mình lấy rơm bện lại thành một con Cúi bằng rơm thật chặt, đốt một đầu và nó cứ cháy ngún từ từ, được năm bảy giờ đồng hồ. Mỗi khi cần lửa nấu cơm thì mình tới Con Cúi lấy lửa. Nếu mình không có Con Cúi và cũng không có lửa trấu thì mình phải đi xin thôi. Thế hệ của quý vị bây giờ không biết đi xin lửa là gì. Ngày xưa tôi có làm một bài thơ về chuyện đi xin lửa:

Xóm Mới

Sáng hôm nay hộp diêm của tôi hết rồi
Bếp lạnh như trời cuối thu ướt lạnh
Tác phẩm dở dang còn đó
Tôi qua nhà láng giềng xin lửa
(hồi bé chúng tôi thường hai đứa chạy xin)
Em hỏi tôi sẽ làm sao nếu nhà láng giềng không còn lửa
Chúng tôi sẽ họp hai người hát ca
Nhớ lời em dặn “là những bông hoa”.
Chúng tôi sẽ cầm đuốc đi bên nhau hướng về Xóm Mới
Em cũng cứ hát ca đi, trong khi chờ đợi,
Thế nào trong xóm ta cũng có nhà còn lửa
Thôi tôi xin mọi người đưa tay nói thực:
Có phải tất cả chúng ta
Đang tin ở điều đó như đang tin hôm nay
Ở hiện hữu nhiệm mầu?
Tôi biết có những nhà nghèo,
nhưng trấu hồng ngún cháy
ngày đêm trong bếp hồng âm ỉ
Tôi sẽ nhớ lời em không khuấy động bếp lành
Một nắm rơm đặt vào
Đợi khói tỏa mầu xanh,
Em nhìn xem:
chỉ một hơi thở nhẹ của hồn tôi thôi
Cũng đủ gọi về lửa đỏ.

Đi xin lửa mình phải cầm một nắm rơm dài. Tới bếp của người ta thì mình đừng nên quấy động cái bếp, vì người ta đang nuôi lửa trong đó. Mình lấy nắm rơm của mình, dúi vào chỗ lửa trấu đang còn cháy, và mình đợi độ chừng hai, ba chục giây. Trong khi đó mình thở. Từ từ khi thấy khói lên thì mình biết nắm rơm của mình đã được lửa bén vào rồi. Khi đó mình chỉ cần thổi một hơi thở nhẹ là lửa cháy lên. Mình lấy một nắm rơm khác, nắm nó lại, đem về thì nó tiếp tục cháy. Ngày xưa đi xin lửa là chuyện mỗi ngày.

Lửa rơm cháy mau được ví dụ cho tình yêu. Lửa trấu ngún cháy cả ngày đêm được tượng trưng cho Nghĩa. Ân Nghĩa là cái phải tiếp nối cái Tình. Tình phải được bắt đầu cho khéo để từ từ đưa tới cái Nghĩa. Ân Nghĩa là cái nuôi dưỡng một cặp vợ chồng cho tới khi đầu bạc răng long. Răng long thì đi làm răng giả, còn đầu bạc thì đi mua thuốc nhuộm. Và nuôi dưỡng Nghĩa là nuôi dưỡng thương yêu. Mỗi ngày mình phải làm cho cái tình của mình lớn lên và biến thành nghĩa. Mình phải biết lợi dụng cái ngọn lửa đầu tiên. Ban đầu mình dúi nắm rơm vô lửa trấu là để cho ngún cháy, khói đi lên, mình thổi phù nhè nhẹ thì lửa bốc lên. Nhưng mình đem lửa đó về nhà không được, nửa đường sẽ tắt. Và vì vậy khi lửa rơm cháy lớn rồi thì mình phải ủ nó vào trong nắm rơm khác cho lửa cháy ngún từ từ mà đem về.

Mỗi ngày mình phải xây dựng cái ơn và cái nghĩa. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ săn sóc đều là tạo ra ơn và nghĩa. Chính cái đó nó là keo sơn giúp cho một cặp vợ chồng sống với nhau suốt đời. Tình bạn cũng vậy. Tình bạn thì không có sự cháy bùng, đam mê như là tình yêu, cho nên tình bạn dễ hơn nhiều. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói rất rõ là tình bạn thì lâu dài, bền chắc, và nuôi dưỡng mình nhiều hơn tình yêu. Cho nên bí quyết là mình phải biến tình yêu lúc ban đầu trở thành tình bạn. Hai người ban đầu là hai người yêu, nhưng từ từ sẽ trở thành hai người bạn.

Khi trở thành hai người bạn thì đó là tình yêu đang còn. Còn nếu tình yêu không trở thành được tình bạn thì nó sẽ chết, nó không thành công. Mà sở dĩ tình yêu trở thành tình bạn được là vì mình phát khởi được cái ơn và cái nghĩa. Cái ơn nghĩa đó bắt đầu từ chỗ ý thức được rằng tại sao giữa bao nhiêu người mà người đó lại chọn mình. Và mình biết ơn người đó đã chọn mình. Cái chọn của mình không phải là nhất thời. Sự chọn này phải xảy ra trong một quá trình nào đó, với trí tuệ chứ không phải chỉ với đam mê mà thôi. Nếu chỉ có đam mê thì mình sẽ hối hận. Phải có trí tuệ và phải biết lắng nghe, Lắng nghe bạn bè của mình, lắng nghe cha mẹ của mình, lắng nghe các em của mình. Vì họ cũng có cái thấy, mà cái thấy của họ đôi khi khách quan hơn, chắc chắn là khách quan hơn mình, tại vì mình chủ quan quá. Mình đam mê rồi thì mình không thấy được sự thật rõ ràng bằng những người khác.