Pháp thoại theo chủ đề

Gia sản văn hóa Việt Nam đóng góp được gì cho hòa bình thế giới – phần II

(Trích Pháp thoại của Thiền sư Nhất Hạnh ngày 10.03.2005 tại Trung tâm văn hóa Liễu Quán, Huế)

https://www.youtube.com/watch?v=F4hue0yC7Jk&list=PLMG8i-w8rYWm-hwFeM-HD9YE02FNqLty2&index=8

Tuệ giác của đạo Phật

Khi nghiên cứu văn hóa Việt Nam, chúng ta thấy rằng giáo lý của đạo Phật đã đi đôi một cách tuyệt hảo với truyền thống thờ cúng tổ tiên. Truyền thống thờ cúng tổ tiên đã có mặt tại đất nước này trước khi Phật giáo được du nhập, nghĩa là trên hai ngàn năm. Vào đầu thế kỷ thứ ba của kỷ nguyên Tây lịch, chúng ta có được một vị thiền sư lỗi lạc là thiền sư Tăng Hội.

Thiền sư Tăng Hội hành đạo ở Luy Lâu cho đến giữa thế kỷ thứ ba mới rời Giao Châu để đi qua Trung Quốc, ba trăm năm trước khi Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Quốc. Vì vậy ở Việt Nam, nếu chúng ta biết lịch sử thì thay vì thờ tổ Bồ Đề Đạt Ma trong các thiền viện, ta phải thờ tổ Tăng Hội, tại vì tổ Tăng Hội chính là người sáng lập thiền tông Việt Nam, tổ cũng chính là người đã đem thiền sang truyền dạy bên Trung quốc và tổ Tăng Hội lớn hơn tổ Bồ Đề Đạt Ma tới ba trăm tuổi.

Chúng ta trở lại vấn đề hạt bắp đã sinh ra cây bắp. Hạt bắp đó với cây bắp đó là một thực tại, một thực thể hay là hai thực thể khác nhau? Chúng ta nói một cũng không đúng, mà nói hai cũng không đúng. Chúng ta biết rất rõ là cây bắp từ hạt bắp mà sinh khởi, cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp. Nhưng nói cây bắp là hạt bắp thì có gì đó còn lấn cấn, nói cây bắp là một thực thể hoàn toàn khác với hạt bắp thì cũng không đúng.

Trong hệ thống văn học trung quán, chúng ta có giáo lý gọi là phi nhất phi dị. “Phi nhất” là không phải một, “phi dị” nghĩa là không phải khác nhau. Không phải một, không phải khác là sự thật liên hệ tới hạt bắp và cây bắp. Cây bắp với hạt bắp không phải là một mà cũng không phải là hai thực thể khác nhau. Đứa con với người cha cũng vậy. Đứa con là từ người cha sinh ra, nhưng nói đứa con với người cha là một người cũng không đúng, mà nói hai người khác nhau cũng không đúng. Phi nhất phi dị là giáo lý thậm thâm vi diệu của Trung quán.

Khi chúng ta nhìn một đám mây chúng ta có thể nghĩ rằng đám mây đó có sinh, có diệt . Sinh nghĩa là từ chỗ không có gì hết mà tự nhiên có một cái gì. Diệt nghĩa là đang là cái gì đó tự nhiên trở thành không có gì cả. Ta hiểu về sinh và diệt là như vậy. Nếu chúng ta quán chiếu về đám mây, chúng ta sẽ thấy rằng đám mây không phải từ chỗ không mà trở thành có được. Trước khi là đám mây, đám mây đã là nước sông, nước hồ, nước ao, nước biển và sức nóng của mặt trời. Trong tiền kiếp của nó, đám mây đã từng là nước và đã từng là hơi nóng. Vì vậy đám mây không phải sinh ra, chẳng qua là một sự tiếp nối của nước sông, nước hồ, nước ao, nước biển và sức nóng của mặt trời.

Cũng như tờ giấy này, không phải là từ không mà sanh . Trước khi mang tướng của tờ giấy, nó đã là cây rừng, nó là sự tiếp nối của cây rừng. Vì vậy tự tánh của đám mây là vô sinh, nghĩa là đám mây chưa bao giờ từng sinh ra. Giờ phút ta gọi là giờ sinh của đám mây, chẳng qua là giờ phút của một sự tiếp nối. Tiếp nối dưới một hình thái khác. Khi đám mây biến thành mưa, đám mây không chết vì chết có nghĩa là từ có trở thành không mà một đám mây không bao giờ có thể chết được. Đám mây chỉ có thể trở thành tuyết, trở thành mưa hay trở thành băng, thành nước đá.

Nếu có con mắt vô tướng thì khi nhìn cơn mưa chúng ta thấy đám mây ở trong đó. Nếu có cảm tình với một đám mây và  khi thấy đám mây không còn ở trên trời nữa thì chúng ta có thể than khóc, trong khi đó cơn mưa đang là sự tiếp nối của đám mây, nó nói rằng: Anh ơi, chị ơi tại sao khóc, em đây này, em đang còn đây này, em đang có mặt dưới một hình tướng mới. Như vậy chúng ta thấy rõ ràng cơn mưa là sự tiếp nối của đám mây. Đám mây không thể nào chết được. Đám mây chỉ có thể được tiếp nối giữa những hình thái khác. Đó gọi là luân hồi và luân hồi là một sự thật, rất khoa học.

Lavoisier (1743-1794) nhà khoa học Pháp nói rằng: Không có cái gì sinh mà cũng không có cái gì diệt. Ông ta dùng đúng những chữ trong Tâm Kinh Bát Nhã: Thị chư pháp bất sinh bất diệt. Tự tánh của vạn hữu là vô sinh bất diệt, không phải một cũng không phải hai cái khác nhau. Khi mình nhìn vào đứa con và nhìn cho kỹ, thấy rất rõ đứa con là sự tiếp nối của người cha. Nếu đứa con có cơ hội tu tập, để chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau mà cha trao truyền lại là một đứa con có hiếu vì nó sẽ không trao truyền lại nỗi khổ, niềm đau đó cho thế hệ tương lai nữa.

Sám pháp địa xúc

Xin liệt vị tưởng tượng, trên một ngọn đồi có năm ngàn thiền sinh Âu châu hay là Hoa Kỳ đang thực tập lạy. Ở Tây phương chúng tôi thực tập thiền lạy, chúng tôi gọi là địa xúc, chứ không dùng chữ lạy. Khi năm vóc mình chạm đất, năm vóc tức là đầu, hai tay và hai chân mình, thì mình có cơ hội tiếp xúc được với tất cả tổ tiên của mình. Khi mình đang ở trong tư thế ngũ thể đầu địa, năm vóc sát đất, mình quán chiếu trở lại, mình thấy dòng máu mình luân lưu với sự có mặt của bao nhiêu tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh.

Các bạn trẻ Tây phương tiếp nhận 5 Giới trong khóa tu Wake Up Earth 2017

Chúng ta có những tổ tiên huyết thống rất là hào hùng nhưng thỉnh thoảng chúng ta cũng có những tổ tiên huyết thống rất là kém cỏi. Chúng ta có Lý Thường Kiệt, có Trần Hưng Đạo nhưng chúng ta cũng có Trần Ích Tắc. Họ đều có mặt trong từng tế bào trong cơ thể ta, dù hào hùng như là Trần Hưng Đạo, dù yếu kém như là Trần Ích Tắc, chúng ta phải chấp nhận tất cả đều là tổ tiên của chúng ta.

Chúng ta là ai? Chính trong tự thân của chúng ta cũng còn những cái yếu kém, những lên xuống, những trồi sụt. Ta là ai mà dám không chấp nhận tổ tiên của ta? Thấy được điều đó, ta chấp nhận các tổ tiên, không những các vị hào hùng mà cả những vị còn yếu kém. Sau khi đã chấp nhận rồi, tự nhiên trong lòng mình bình an. Cha mẹ mình cũng là tổ tiên, thế hệ tổ tiên trẻ nhất. Nếu cha mẹ mình có những yếu kém, có những bạo động, có những buồn đau và đã làm khổ mình, mình không thể nào từ khước cha mẹ mình, tổ tiên mình.

Mình quán chiếu cho kỹ, mình thấy cha mẹ mình đã không có cơ hội, không có sự may mắn, không có được đời sống tâm linh, không được hướng dẫn để chuyển hóa, trị liệu những nỗi khổ, niềm đau. Đến thế hệ mình, mình phải làm hay hơn cha mẹ, để mình chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau mà mình đã tiếp nhận. Trở lui, mình độ cho cha, mình độ cho mẹ. Những người thanh niên khi lạy xuống, họ thấy được điều đó.

Đây là văn hóa mà chúng tôi sử dụng để hướng dẫn cho những thanh niên Tây phương. Chúng tôi có pháp môn thiền lạy, có ba cái lạy và có năm cái lạy. Tất cả những pháp môn đem ra để giáo dục, hướng dẫn cho người Tây phương tu học hoàn toàn lấy từ gia sản văn hóa Việt Nam.

Năm vóc sát đất, con tiếp xúc với tổ tiên và con cháu của con trong hai dòng tâm linh và huyết thống. Con có tổ tiên tâm linh của con là Bụt và các vị Bồ Tát, các vị Thánh Tăng và các vị Tổ sư qua các thời đại. Trong đó có các bậc sư trưởng của con đã qua đời hay là còn tại thế. Các vị đang có mặt trong con, các vị đã trao truyền cho con những hạt giống bình an trí tuệ, tình thương và hạnh phúc. Nhờ liệt vị mà con có được một ít vốn liếng của an lạc, của tuệ giác và của từ bi. Trong dòng tổ tiên tâm linh của con, có những vị mà giới hạnh trí tuệ và từ bi rất là viên mãn nhưng cũng có những vị mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi còn khiếm khuyết. Tuy nhiên con cúi đầu, nhận chịu tất cả là tổ tiên tâm linh của con vì chính trong con cũng còn có những yếu đuối, những khiếm khuyết về giới hạnh, trí tuệ và từ bi. Và cũng vì con biết trong con còn có những yếu đuối và những khiếm khuyết ấy, cho nên con mở lòng chấp nhận tất cả các con cháu của con. Trong đó có những người mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi đáng cho con kính ngưỡng. Nhưng cũng có những người còn đang chật vật, khó khăn hoặc trồi sụt không ngừng trên con đường tu đạo. Đây là mình mới chỉ nói về phía gia đình tâm linh mà thôi.

Ở Tây phương có những người thuộc truyền thống Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo. Họ đã không cảm thấy thoải mái trong truyền thống của họ. Họ bỏ nhà thờ, họ bỏ giáo đường mà đi. Họ giận các vị linh mục, họ giận các vị mục sư. Họ phủ nhận những vị đó là tổ tiên tâm linh của họ. Trong khi đó những thế hệ cha, anh của họ đều hành trì, đều công nhận các thế hệ tổ tiên tâm linh đó là tổ tiên của họ. Nhưng những thanh niên bây giờ, họ giận cha, giận mục sư, giận nhà thờ và thề không trở lại nhà thờ nữa. Những người đó không có khả năng hiểu họ. Những người đó ép họ phải làm những điều họ không hiểu hoặc họ không muốn làm.

Cũng như có những thanh niên Việt Nam bị mẹ ép đi chùa, tới chùa nghe đọc kinh tiếng Phạn chẳng hiểu gì hết, đọc kinh tiếng Hán Việt chẳng hiểu gì hết. Lạy hết lạy này sang lạy khác và một hồi thì họ chán đi chùa, họ cảm thấy không có dính líu gì tới thầy, tới sư cô ở trong chùa cả, họ cảm thấy rằng khung cảnh ở trong nhà chùa không phải là khung cảnh của họ. Ở bên Tây phương cũng vậy, có những giáo đường mà cách học hỏi, cách thực tập nghi lễ không còn phù hợp với người trẻ bây giờ nhưng người trẻ bị bắt ép phải làm theo, phải học theo những điều đó thì họ rất đau khổ.

Hiện đại hóa Đạo Phật

Những nhà lãnh đạo tâm linh, không có khả năng làm mới, đổi mới, hiện đại hóa cách dạy dỗ và thực tập. Một truyền thống mà không có khả năng tự làm mới sẽ đánh mất con cháu. Đạo Phật cũng vậy thôi. Nếu quý vị là những Phật tử, những vị giáo thọ, những vị trụ trì thì quý vị nên biết rằng nếu không hiện đại hóa đạo Phật, nếu không cung cấp được những giáo lý và phương cách hành trì phù hợp với tinh thần, tâm lý của người trẻ, những người trẻ sẽ cảm thấy lạc lõng mỗi khi họ tới chùa.

Nhu yếu hiện đại hóa Phật pháp, hiện đại hóa Phật giáo, hiện đại hóa nền sinh hoạt tâm linh của mình rất quan trọng. Chúng ta phải giảng dạy như thế nào để người trẻ thấy rõ ràng những điều đó đang đáp ứng những đau khổ, bức xúc, những khó khăn, tuyệt vọng của họ. Chúng ta phải cung cấp cho họ những phương pháp tu học để họ có khả năng tháo gỡ, chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau của họ thì họ mới cảm thấy họ thuộc về gia đình tâm linh này. Đây không phải chỉ là vấn đề của Cơ Đốc giáo hay của Hồi giáo mà cũng là vấn đề của Phật giáo. Phật giáo ở Trung quốc, ở Đại Hàn, ở Việt Nam rất cần những nỗ lực của chúng ta để hiện đại hóa, nếu không sẽ không có tương lai và con cháu chúng ta sẽ rất bơ vơ.

Trong truyền thống tâm linh này có rất nhiều châu báu mà nếu chúng ta dùng những hình thức học hỏi và thực tập quá xưa cũ thì chúng ta không chỉ bày được cho thế hệ trẻ những châu báu đó. Chúng ta cũng không thể nào khai thị cho người trẻ thấy rằng đây là truyền thống rất sâu sắc, rất nhiệm mầu mà cha ông của chúng ta qua bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu thời đại đã nương tựa, học hỏi và đã thành công trong sự nghiệp của họ, sự nghiệp xã hội cũng như sự nghiệp chính trị.

Xin các Thượng tọa, xin các vị Sư trưởng lắng nghe những người trẻ. Phải làm thế nào để cung cấp cho những người trẻ, những người trí thức những giáo lý và phương pháp thực tập hữu hiệu nhằm đáp ứng lại được nhu cầu đích thực của họ trong thời đại mới, nghĩa là phải hiện đại hóa đạo Phật. Khi khai thị cho những người trẻ Tây phương thì chúng tôi sử dụng những yếu tố của nền văn hóa Việt Nam trong đó có đạo Phật, chúng tôi đã hướng dẫn họ trở về với truyền thống của họ để chấp nhận tổ tiên của họ, dù tổ tiên của họ còn những yếu kém, còn những khiếm khuyết về giới hạnh cũng như về đạo đức. Như vậy mới có cơ hội để làm mới, đổi mới truyền thống của họ. Có hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn, hàng triệu người trẻ Tây phương đang đi như những con ma đói, tại vì họ không cảm thấy liên hệ gì với truyền thống tâm linh và truyền thống huyết thống của họ.

Trong gia đình tâm linh, thỉnh thoảng chúng ta thấy những vị lãnh đạo giới hạnh rất nghiêm minh, đạo đức rất cao viễn nhưng thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy có những ông thầy, có những sư cô phạm giới làm chúng ta nản chí. Chúng ta nên biết rằng, ông thầy đó, sư cô đó chưa may mắn gặp được minh sư, chưa gặp được một đoàn thể tu học có khả năng bảo hộ, nâng đỡ và che chở cho nên họ mới lâm vào tình trạng phải phá giới hay chạy theo danh lợi. Điều này chứng tỏ rằng những vị đó thiếu may mắn, chứ không phải là truyền thống chúng ta không có châu báu.

Từ ngàn xưa cho đến bây giờ truyền thống của chúng ta đã sản xuất được không biết bao nhiêu vị cao tăng, có vị  đã từng làm quốc sư cho các vị vua lớn, có vị đã từng cứu nước, cứu dân ra khỏi những tình trạng hiểm nghèo. Trong quá khứ chúng ta đã làm như vậy được thì tại sao trong hiện tại và trong tương lai chúng ta sẽ không đóng vai trò đó được? Vì vậy chúng ta phải khuyên những người trẻ đó trở về và chấp nhận những tổ tiên tâm linh của họ. Nếu tổ tiên tâm linh còn yếu kém, ta phải làm đủ sức để giúp cho các vị đó vượt thoát cái tình trạng khó khăn, yếu kém của họ. Khi mà chấp nhận được rồi thì trong lòng có một sự bình an rất lớn.

Đứng về phương diện tổ tiên huyết thống cũng vậy. Chúng ta có những vị tổ tiên huyết thống rất hào hùng, đạo đức, trí tuệ. Thỉnh thoảng chúng ta cũng có những vị tổ tiên huyết thống không xứng đáng, đã phản nước, phản dân nhưng dù sao họ cũng là tổ tiên của chúng ta. Họ không có cơ hội, không có may mắn cho nên đã không nhận được một nền giáo dục thích hợp. Họ không có bạn hiền, thầy giỏi cho nên họ mới cư xử như vậy. Họ là những người đáng thương hơn là đáng ghét, đáng trừng phạt. Khi mà người thanh niên thấy được như vậy thì những nỗi buồn, cơn giận của họ dịu lại và họ bắt đầu chấp nhận được những vị tổ tiên huyết thống hay tâm linh còn yếu kém của họ. Chính trong lòng họ cũng đang có những yếu kém, những trồi sụt. Con là ai mà con dám không chấp nhận tổ tiên tâm linh và huyết thống của con? Tôi xin đọc lại, trong tư thế phủ phục thì người thực tập quán chiếu như thế này: Con có tổ tiên tâm linh của con là Bụt, là các vị Bồ Tát, là các vị Thánh Tăng, là các vị Tổ sư qua các thời đại.

Khi tôi dạy cho người Cơ Đốc giáo, tôi nói: Con có tổ tiên tâm linh là chúa Ky Tô, là các vị Thánh. Ngôn ngữ khác nhưng nội dung chỉ là một. Mình đưa họ về với gốc rễ của họ, chứ mình không làm như những vị giáo sĩ ngày xưa tới Việt Nam, khuyên người ta đừng thờ cúng tổ tiên để theo đạo của họ, rất tội nghiệp. Ở Tây phương, chúng tôi hoàn toàn làm ngược lại với điều mà các giáo sĩ Thiên chúa giáo đã từng làm ở Việt Nam trong những thế kỷ trước. Chúng tôi khuyên họ trở về truyền thống tâm linh của họ, chấp nhận tổ tiên tâm linh của họ và chấp nhận tổ tiên huyết thống của họ. Chúng tôi biết rằng một con người mất gốc là một con người không bao giờ có hạnh phúc được. Điều đó chứng tỏ đạo Phật có một lượng bao dung rất lớn và làm cho họ càng kính phục mà càng kính phục thì họ càng thương mến đạo Phật nhiều hơn vì lượng bao dung vĩ đại đó của đạo Phật. Không kỳ thị, không xúi người ta bỏ nguồn gốc của người ta, trái lại, đưa người ta trở về cắm rễ vào trong truyền thống của người ta. Các vị cứ thực tập đạo Phật đi và những sự thành công của quý vị sẽ giúp cho quý vị trở lại xây dựng lại truyền thống của quý vị cho những người trẻ đừng có tiếp tục bỏ truyền thống đó để trở thành những con ma đói.

Con có tổ tiên tâm linh của con là Bụt, các vị Bồ Tát, các vị Thánh Tăng và các vị Tổ sư qua các thời đại. Trong đó có các bậc sư trưởng của con đã qua đời hay là còn tại thế. Các vị đang có mặt trong con, các vị đã trao truyền cho con những hạt giống bình an trí tuệ, tình thương và hạnh phúc. Nhờ liệt vị mà con có được một ít vốn liếng của an lạc, của tuệ giác và của từ bi. Trong dòng tổ tiên tâm linh của con, có những vị mà giới hạnh trí tuệ và từ bi viên mãn, tuyệt hảo. Nhưng cũng có những vị mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi còn khiếm khuyết. Tuy nhiên con cúi đầu, nhận chịu tất cả là tổ tiên tâm linh của con vì chính trong con cũng còn những yếu đuối, những khiếm khuyết về giới hạnh về trí tuệ và về từ bi. Và cũng vì con biết trong con còn có những yếu đuối và khiếm khuyết ấy cho nên con mở lòng chấp nhận tất cả các con cháu của con. Trong đó có những người mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi đáng cho con kính ngưỡng. Nhưng cũng có những người còn đang chật vật, khó khăn hoặc trồi sụt không ngừng trên con đường tu đạo. Điều này cũng đúng về phương diện huyết thống. Con chấp nhận tất cả các vị tổ tiên huyết thống của con về cả hai phía nội ngoại với tất cả những đức độ công hạnh và khiếm khuyết của các vị. Cũng như con mở lòng chấp nhận tất cả các con cháu của con với những đức độ tài năng, khiếm khuyết của từng người. Tổ tiên tâm linh và tổ tiên huyết thống của con cũng như con cháu tâm linh và huyết thống của con đều đang có mặt trong con. Con là họ, họ là con. Con không có một cái ta riêng biệt. Tất cả đều có mặt trong một dòng sinh mệnh đang diễn biến một cách mầu nhiệm.

Thưa quý vị,

Quý vị đã từng làm cha mẹ, quý vị đã từng thấy, có những đứa con rất dễ thương, những đứa con đức độ, ngoan ngoãn, tài ba xứng đáng sự tiếp nối của tổ tiên mình nhưng thỉnh thoảng mình có những đứa con rất khó dạy, những đứa con cứng đầu, những đứa con giống như không phải là con của mình. Mình có khuynh hướng muốn từ bỏ những đứa con đó vì mình đã từng đau khổ với những đứa con như vậy. Cũng như là các thầy, các sư cô, các vị sư trưởng đã từng có những vị đệ tử rất dễ thương, rất ngoan ngoãn, tu hành rất đàng hoàng nhưng thỉnh thoảng các thầy, các sư cô cũng có những người đệ tử khó chịu, cứng đầu, có những khiếm khuyết, không xứng đáng làm con cháu, làm đệ tử của mình. Khi quán chiếu thì mình thấy rõ ràng rằng chính tổ tiên mình cũng có những vị có những khiếm khuyết, tổ tiên tâm linh cũng như tổ tiên huyết thống.

Chính mình đây, làm cha, làm mẹ, làm thầy mà mình cũng còn những khiếm khuyết, những yếu đuối thì mình là ai mà không chấp nhận những khiếm khuyết, những yếu đuối của những đứa con của mình hay những đệ tử của mình. Khi thấy được như vậy rồi thì mình chấp nhận những đứa con khó thương của mình một cách dễ dàng và trong mình có một sự bình an. Chưa chấp nhận thì mình còn đau khổ, chấp nhận được rồi, tự nhiên có một niềm bình an rất lớn. Đối với các vị sư trưởng cũng vậy, đối với những vị đệ tử từng làm cho mình đau khổ đó, nếu nhìn cho kỹ thì mình thấy họ vì đã nhận chịu những hạt giống từ phía nội, từ phía ngoại, từ xã hội, nên có những trồi sụt, những khó khăn, những lao đao. Chính những người đệ tử này mình phải cho họ nhiều thì giờ, nhiều thương yêu, nhiều chăm sóc hơn mới phải còn những người đệ tử giỏi rồi, mình đâu cần phải phí nhiều thì giờ, nhiều công lao, nhiều công phu. Khi thấy được như vậy rồi thì mình chấp nhận được người đệ tử yếu kém, còn lao đao, còn lên xuống. Khi chấp nhận được rồi thì tự nhiên trong lòng mình có niềm bình an rất lớn.

Khi lạy xuống lạy đầu tiên, mục đích của mình là nhìn cho rõ bản thân của mình để thấy được sự có mặt của tất cả các vị tổ tiên tâm linh và huyết thống trong người mình, thấy được tất cả các thế hệ con cháu đang có mặt ở trong từng tế bào cơ thể mình. Khi mình chấp nhận được tổ tiên và con cháu thì tự nhiên trong mình yêu thương dâng lên tràn ngập, trong lòng mình có một niềm bình an rất lớn và mình buông bỏ tất cả những hận thù, tuyệt vọng. Khi đứng dậy, mình là một con người mới. Đó gọi là thiền lạy. Quý vị thử tưởng tượng, năm ngàn người Hoa kỳ cùng lạy xuống như vậy dưới sự hướng dẫn của một thầy hay là một sư cô Việt Nam thì năng lượng rất hùng hậu. Có nhiều người sau khi lạy ba cái lạy đã trở thành một con người khác, tại vì trong những cái lạy đó họ đã buông bỏ tất cả những hận thù, khổ đau, tuyệt vọng và họ trở thành một con người có hiểu và có thương.

Nếu có thì giờ, xin mời các vị Sư trưởng, xin mời các vị quan khách đọc những dẫn giải về sự thực tập ba cái lạy và năm cái lạy trong cuốn Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000  mới được nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành. Chúng ta không có thì giờ để nói nhiều về những cái lạy nhưng đây là phương pháp thực tập rất là hay. Có những người họ mới tới trung tâm tu tập lần đầu mà chỉ sau một giờ đồng hồ thực tập ba cái lạy, họ đã buông bỏ được hầu hết những khổ đau, tuyệt vọng của họ để trở thành một con người mới. Tôi xin thưa với quý vị, những pháp môn mà chúng tôi cung cấp cho người Tây phương hoàn toàn rút ra từ gia tài văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Cái một được làm bằng cái tất cả

Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Thế Tôn có dạy rằng: Cái một được làm bằng cái tất cả, cái tất cả được làm bằng cái một (nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất). Giáo lý đó của kinh Hoa Nghiêm, một hạt bụi chứa đựng cả tam thiên đại thiên thế giới, ngày nay đã được khoa học chứng minh là một sự thật. Cái một nó chứa đựng cái tất cả. David Bohm (1917-1992),nhà vật lý học nguyên tử gốc Do Thái, có nói một câu rất gần giáo lý trong kinh Hoa Nghiêm: Một điện tử nó được tất cả các điện tử khác làm ra. Khoa học bây giờ có khả năng lấy ra một tế bào của cơ thể mình, một tế bào thôi và làm thành ra một cơ thể toàn vẹn, gọi là cloning.

Làm sao làm được như vậy? Họ lấy một cái trứng trong noãn sào của người phụ nữ, họ nạo sạch tất cả nội dung của cái trứng đó, nghĩa là không còn dấu vết nào thuộc về gia tài di truyền của người phụ nữ. Họ chỉ mượn vỏ của cái trứng, rồi họ lấy một tế bào trong cơ thể một người nào đó (hoặc đàn ông hoặc đàn bà), một tế bào gan, một tế bào bắp chân hoặc bất cứ tế bào nào của thân thể và họ bỏ đói tế bào đó trong vòng hai hoặc ba ngày thì tế bào đó trở thành tế bào mầm mà trước đó nó là một tế bào chuyên môn. Tế bào chuyên môn là một tế bào có phận sự chuyên môn trong cơ thể, như tế bào óc làm việc của tế bào óc, tế bào gan làm việc của tế bào gan. Khi mình bỏ đói tế bào chuyên môn hai ba ngày thì nó trở thành tế bào mầm và nó có khả năng sinh hóa trở lại. Họ lấy tế bào đó để vào cái vỏ trứng của người phụ nữ và cho một lượng điện chạy qua thì nó khép lại. Họ nuôi cái vỏ trứng đó trong tử cung của người phụ nữ, cho đến khi cái thai đó lớn và người phụ nữ đó sinh con.

Người phụ nữ đó không phải là mẹ, người phụ nữ đó chỉ mang dùm cái thai đó mà thôi. Khi đứa bé sinh ra, nó giống hoàn toàn cái nguyên bản của người mà mình lấy tế bào kia ra, gọi là một sinh hóa thân, một clone. Nếu lấy một trăm tế bào ra thì mình sẽ làm thành một trăm con người y hệt con người nguyên bản. Hiện bây giờ luật pháp trên thế giới cấm không được làm điều đó nhưng mà đứng về phương diện kỹ thuật thì các nhà khoa học có khả năng làm được như vậy và họ đang thí nghiệm với các loài thú vật. Điều đó có nghĩa là trong một tế bào nó chứa đựng tất cả gia tài huyết thống, gia tài tâm linh, tất cả gia tài di truyền của tất cả các thế hệ tổ tiên. Cái một nó chứa đựng cái tất cả, đó là giáo lý của kinh Hoa Nghiêm và đã được khoa học chứng minh.

Ngày xưa có một vị Thiền sư đời Lý nói rằng: Trời đất có thể đặt gọn vào trong một hột cải. Đó là một hình ảnh thi ca để nói về sự thật: Cái tất cả có thể tìm thấy trong cái một. Trong cái một ta có thể có đủ những tư liệu về cái tất cả và cái tất cả nó nằm trong cái một. Vì vậy chúng ta nói rằng đạo Phật và truyền thống thờ cúng tổ tiên của Việt Nam đã đi đôi với nhau trong 2000 năm. Cái này đã làm giàu cho cái kia và cái kia đã làm giàu cho cái này. Giờ đây, đạo Phật và truyền thống thờ cúng tổ tiên Việt Nam đi đôi với nhau một cách tuyệt hảo.

Chúng ta có thể làm được gì?

Xã hội Tây phương đã và đang sản xuất ra hàng triệu con ma đói. Xã hội Việt Nam ngày hôm nay cũng bắt đầu sản xuất ra những con ma đói. Những người thanh niên đi trong cuộc đời, không biết mình thuộc về truyền thống nào? Không có gốc rễ trong gia đình, không thấy được liên hệ giữa mình với cha mẹ với tổ tiên với ông bà. Hiện nhà nước đang có một chính sách thành lập những tổ văn hóa, những khu phố văn hóa, những thôn văn hóa mà trong đó không có những tệ nạn xã hội như xì ke ma túy, đĩ điếm, băng đảng. Những tệ nạn xã hội sinh ra trong một nền kinh tế đang phát triển, đó là điều không thể tránh được.

Chúng ta có thể làm được gì để xây dựng những tổ văn hóa, những khu văn hóa, những khu phố văn hóa? Chúng ta có thể kiểm soát, chúng ta có thể trừng phạt nhưng kiểm soát và trừng phạt không phải là giải pháp gốc. Sở dĩ người thanh niên đi ra ngoài và sa vào hầm hố của ma túy, xì ke, của tội ác, của băng đảng, của sắc dục là vì trong gia đình họ không cảm thấy có hạnh phúc, họ không có niềm tin nơi hạnh phúc gia đình, hạnh phúc gia đình đối với họ là một cái gì chưa bao giờ từng có. Cha mẹ làm khổ nhau, cha con không truyền thông được với nhau, không nhìn mặt được nhau. Người thanh niên không muốn trở về gia đình vì không khí gia đình là không khí của bão tố, của địa ngục. Vậy các thầy, các sư cô, các bậc phụ huynh đã nắm được tư tưởng, giáo lý, sự thực tập để giúp cho con người có thể tìm lại gốc rễ của mình chưa?

Quý vị phải làm thế nào để giúp cho những người thanh niên đó thiết lập lại được truyền thông với cha, với mẹ, giúp cho vợ thiết lập lại được truyền thông với chồng, dựng lại tình thâm và đem hạnh phúc trở lại gia đình. Chỉ khi đó thì chúng ta mới thật sự bài trừ được những tệ đoan của xã hội như là đĩ điếm, ma túy, băng đảng và tội phạm. Pháp luật không đủ để giải quyết những tệ nạn xã hội, phải có đạo đức mới được. Ai là người nắm giềng mối của đạo đức? Các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục, các nhà nghệ sĩ? Chúng ta có phận sự phải giáo dục, phải chỉ đường, phải có khả năng giúp cho những gia đình trong thôn xóm, trong khu phố. Làm thế nào để cho con với cha có thể hòa giải với nhau được, sự truyền thông giữa con và cha được phục hồi, vợ chồng có thể trở về với nhau, hòa giải được với nhau và biết làm hạnh phúc cho nhau.

Tôi đã làm việc với những người trẻ trong bốn mươi năm và thường nghe người trẻ nói với nhau rằng: Cái quý giá nhất mà cha mẹ có thể để lại cho con cháu là hạnh phúc của chính cha mẹ. Nếu cha mẹ có hạnh phúc với nhau, cha mẹ biết săn sóc cho nhau, làm cho nhau hạnh phúc thì đó là cái gia tài lớn nhất mà con cháu có thể tiếp thu. Nếu cha mẹ làm khổ nhau mỗi ngày thì cha mẹ không có gì để trao truyền lại cho con cháu hết. Chúng ta là những vị xuất gia, những người tại gia, những nhà giáo dục, những nhà chính trị, những nhà kinh tế, những nhà nghệ sĩ thì chúng ta có thể đóng góp được gì vào công việc phục hồi lại hạnh phúc gia đình, phục hồi được sự truyền thông giữa vợ và chồng, giữa cha và con. Đó là công tác căn bản để có thể thành công thật sự trong sự xây dựng những tổ văn hóa, những khu phố văn hóa, những thôn văn hóa. Vai trò của Phật giáo cũng như vai trò của các nhà giáo dục, của các văn nghệ sĩ rất quan trọng. Trong gia sản văn hóa của chúng ta, chúng ta có đủ những yếu tố để có thể làm được việc đó.

Đóng góp của đạo Phật

Khi rời quê hương năm 1966 chúng tôi đâu có ý muốn đi sang Tây phương để truyền bá Phật pháp đâu. Chúng tôi chỉ muốn ở bên đó chừng ba tháng để kêu gọi thế giới góp một tay để chấm dứt cuộc chiến tranh thảm khốc ở Việt Nam nhưng vì thời thế xảy ra như vậy cho nên chúng tôi đã không được về nước trong ba mươi chín năm. Cố nhiên chúng tôi phải làm đủ mọi cách để có thể cống hiến những gì mình có thể cống hiến được cho thế giới Tây phương. Chúng tôi đã tu tập, chúng tôi đã sử dụng những yếu tố của nền văn hóa Việt Nam để giúp cho người Tây phương. Đạo Phật cũng vậy, truyền thống thờ cúng tổ tiên cũng vậy, chúng ta phải nhào nặn, phải trau chuốt, phải chế tác trở lại để cho những sản phẩm của Việt Nam có thể xuất khẩu và được chấp nhận được ở thế giới Tây phương.

Trong bốn mươi năm, chúng tôi làm việc như một đại sứ văn hóa cho đất nước. Chúng tôi đã cống hiến đạo Phật, chúng tôi đã cống hiến sự thực tập thờ cúng tổ tiên, cố nhiên là có những cái khác nữa nhưng hai điều này là hai điều mà chúng tôi muốn chia sẻ với quý vị đêm nay. Chúng tôi đã tinh luyện, đã chế biến những yếu tố đó của nền văn hóa dân tộc nhằm giúp cho người thanh niên, người trí thức Tây phương có thể hiểu được, chấp nhận được cũng như để chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau và tháo gỡ được những khó khăn để có thể trở về với gia đình, với truyền thống tâm linh của họ. Chúng tôi giúp họ tái lập truyền thông, xây dựng lại hạnh phúc gia đình và chúng tôi đã thành công.

Trong chuyến về viếng thăm Việt Nam lần này, chúng tôi có một niềm tin rất lớn. Nếu những pháp môn đó hữu hiệu với thanh niên và trí thức Tây phương thì tại sao nó không hữu hiệu với thanh niên và trí thức Việt Nam, một khi những pháp môn đó hoàn toàn có gốc rễ văn hóa Việt Nam.

Bài viết có liên quan: Gia sản văn hóa Việt Nam đóng góp được gì cho hòa binh thế giới – phần I