Giữ khu vườn em cho tươi mát
(trích pháp thoại ngày 19/2/1995 tại xóm Hạ, Làng Mai)
Trong Kinh Pháp Hoa, chúng ta có câu:
Từ nhãn thị chúng sanh
Phước tụ hải vô lượng
Hai câu này nói về tình thương và hạnh phúc. Dịch ra tiếng Việt:
Mắt thương nhìn thế gian
Biển phúc chứa vô cùng
Nếu ta biết nhìn mọi người bằng con mắt thương yêu thì hạnh phúc của ta sẽ lớn như đại dương mênh mông. Chữ từ đã được dịch là thương. Chữ phước có nghĩa là hạnh phúc.
Các danh từ thương và yêu dùng ở ngoài đời không có nghĩa rõ rệt. Trong khi đó thương và yêu trong đạo Bụt có ý nghĩa rất chính xác. Phương pháp thương yêu cũng rất chính xác. Chúng ta đã biết rằng trong đạo Bụt cái thương phải đi đôi với cái hiểu. Nếu không hiểu được thì không thể thương. Hiểu là một phép thực tập và thương cũng là một phép thực tập. Chúng ta có thể bắt đầu bằng thương một người. Qua người đó chúng ta sẽ học thương được tất cả mọi người và mọi loài.
Thương được một người và thương đúng cách thì chúng ta có khả năng thương được người thứ hai, thứ ba rồi thương được tất cả mọi người và mọi loài. Danh từ dùng trong đạo Bụt để chỉ cho năng lượng thương yêu là từ và bi. Từ là hiến tặng niềm vui và hạnh phúc. Bi là làm vơi nỗi khổ. Từ và Bi là thứ tình thương chỉ đem lại hạnh phúc mà không gây khổ đau và hệ lụy. Hệ là ràng buộc, dính mắc. Lụy là chìm xuống, vương vấn, sầu khổ. Từ và bi là thứ tình thương có tự do, có thảnh thơi và hạnh phúc.
Con đường tu cũng là con đường thương. Thương cho đúng. Chúng ta nên tập thương một người cho đúng. Nếu thương được một người, chúng ta sẽ có thể thương được nhiều người. Người đó có thể là cha, là mẹ, là anh, là chị, là em hay là bạn. Khi thương được người đó một cách đúng pháp thì người đó sẽ có hạnh phúc. Muốn cho người đó có hạnh phúc thì ta phải làm sao cho chất liệu của thương yêu ứa ra được từ trái tim của ta.
Ta phải làm sao cho ta trở thành một khu vườn tươi mát có hoa thơm cỏ lạ, có trái ngọt cây lành, thì ta mới có cái để hiến tặng người ta thương. Nếu ta là một vùng đất hoang vu, không có suối, không có cây, không có chim, không có trái, không có hoa, thì ta khó làm cho người kia có hạnh phúc. Vì vậy cho nên quá trình thương yêu là quá trình của sự vun xới, trồng trọt và nuôi dưỡng. Những người khổ đau, những người chưa hề được thương và những người không có khả năng thương được người khác, tất cả những người đó đều có thể được ví với một vùng đất khô cằn, không suối, không cây, không chim, không bướm. Nếu ta biết thương, ta sẽ biến được vùng đất khô cằn đó trở thành ra một vùng đất tươi mát, có suối, có chim.
Có câu chuyện thật của một người Pháp tên là Elzéard Bouffier. Ông sống ở miền Haute Provence. Ông đã trồng nên hàng ngàn mẫu rừng bằng công sức một mình ông thôi. Có hàng chục ngàn mẫu đất khô cằn ở miền Nam nước Pháp, không có suối, không có cây. Mỗi ngày, ông đã xách một chiếc bao bố trong đó có đựng những hạt cây sồi mà tối hôm trước ông đã chọn, và ông mang theo một chiếc gậy bọc sắt. Ông đào những lỗ nhỏ và gửi gắm những hạt sồi đó vào. Một mình thôi, ông đã biến những vùng hoang vu của miền Nam nước Pháp thành ra những vùng có suối, có chim, có sự sống. Người ta đã tìm tới các vùng ấy để sinh sống. Trước kia những vùng đó hoàn toàn hoang vu, không ai dám tới. Câu chuyện này đã được ghi trong một cuốn sách với tựa đề Líhomne Qui Plantait Les Arbres. Tác giả là Jean Giono.
Thương yêu cũng vậy. Thương yêu là làm thế nào để những mảnh đất khô cằn kia trở thành ra những mảnh vườn xanh tươi, có cây, có suối. Mảnh vườn đó có thể là chính mình. Khi mảnh vườn của mình đã có cây, có suối, có chim, có trái thì những con chim, con bướm sẽ tìm tới và chúng sẽ có hạnh phúc. Ngày xưa tôi có làm một bài thơ với tựa đề là Duy Thị Nhất Tâm, có những câu sau đây:
Thành trì của em năm xưa
Ai đã hứa sẽ xây cho vững chãi?
Sáng hôm nay
Bỗng thấy những người cũ bập bềnh
trên sóng gió đại dương
Khổ đau xây cho loài người một trú địa cuối cùng
Và nơi ấy
Em có thể ẩn náu qua đêm dài độc địa
Hãy nhắc lại cho tôi
những lời năm xưa tôi đã hứa
Để tôi có thể còn có mặt hôm nay
mà làm chứng cho em
những mũi tên cắm vào cơ thể tôi
tôi chưa hề giao trả
Hãy sửa soạn khu vườn em
Thành một nơi có cỏ hoa tươi mát
tôi cũng chỉ là một con chim như những con chim khác
Suốt đời chỉ muốn tìm tới những chốn
có suối ngọt cây lành
Làm thế nào để cho khu vườn của ta trở thành một khu vườn có cỏ hoa thơm ngát, có suối ngọt, cây lành để cho những người xung quanh được nương náu? Đó sự thực tập của yêu thương. Làm thế nào để cho bản thân mình không còn là một mảnh đất khô cằn, không suối, không chim?
Bụt đã dạy chúng ta những phương pháp thực tập để làm cho cam lộ tươm ra từ trái tim của chúng ta. Nếu thương được một người và làm cho người đó hạnh phúc thì chúng ta cũng sẽ có hạnh phúc. Hạnh phúc đó sẽ là vốn liếng cho ta lên đường như một vị bồ tát và ta sẽ đem lại trái ngọt cây lành cho biết bao nhiêu loài chúng sanh. Người ta thương có thể tự nhiên tìm tới hoặc do may mắn mà ta được gặp. Nếu người đó là một người dễ thương thì thương người đó không khó lắm. Người đó đã là một khu vườn có trái ngọt cây lành. Nhưng nếu chúng ta không biết bảo trì thì trong khu vườn đó, cây sẽ khô, suối sẽ cạn và chúng ta sẽ không được thừa hưởng những mầu nhiệm của khu vườn đó. Nghệ thuật là bảo trì.
Nếu ta không có khả năng bảo trì một khu vườn tươi mát, chúng ta sẽ đánh mất khu vườn tươi mát đó. Bảo trì một khu vườn tươi mát còn không được thì làm sao ta có thể biến một vùng đất hoang vu trở nên một vùng đất tươi mát được đây? Cho nên chúng ta nên bắt đầu bằng cách học bảo trì những khu vườn, trong đó có khu vườn của chính chúng ta. Trong ta có những hạt giống, có những cây cối, có những dòng suối mà chúng ta phải giữ gìn để làm cho khu vườn của chúng ta giữ được tính tươi mát và mầu nhiệm.
Người ta thương cũng có những dòng suối, cũng có những hàng cây, cũng có những hoa cả mà chúng ta phải nhận diện và bảo trì. Quá trình thương yêu là quá trình nhận diện, săn sóc và bảo trì những yếu tố tươi mát có mặt trong ta và trong người ta thương. Vì vụng dại và thất niệm, chúng ta có thể làm khô đi những dòng suối đó và làm chết đi hàng cây đó. Sau đó, chim và bướm không tới nữa.
Chúng ta thường nghĩ rằng anh em trong một nhà thì dễ thương yêu hơn là thương yêu người ngoài đường. Sinh ra trong một gia đình, chúng ta là anh em với nhau. Theo nguyên tắc, chúng ta thương nhau như là hai tay và hai chân của cùng một cơ thể. Chúng ta ai cũng thuộc lòng câu anh em như thể tay chân (brothers and sisters are the limbs of the same body). Nhưng sự thật nhiều khi chúng ta không thương người anh chúng ta được. Không thương người em, người chị, người cha hay người mẹ chúng ta được. Trong số những người đó, nếu chúng ta thương được một người và làm cho người đó có hạnh phúc, thì đồng thời ta có thể bảo trì được sự tươi mát của khu vườn ta. Rồi dựa vào cơ bản đó mà chúng ta có thể thương được những người khác.
Khi cha mẹ sinh ra cho ta một đứa em hay một người anh, chúng ta đâu có quyền chọn lựa. Chúng ta không chọn lựa vì người đó là anh của ta, em của ta hay chị của ta, và chúng ta phải học thương, phải tập thương. Nếu không thương được người đó thì ta thất bại và đời ta sẽ không hạnh phúc. Anh bắt buộc phải thương cho được người đó, phải học sống hạnh phúc cho được với người đó, nếu không thì đời anh sẽ khó mà có hạnh phúc. gia đình là môi trường để học thương. Thất bại trong môi trường gia đình thì khó mong sẽ thành công trong xã hội.
Người đi tu cũng vậy. Chúng ta sống trong một gia đình, gia đình của những người xuất gia, trong đó có sư anh, sư chị, sư em. Khi thầy sinh ra một sư em hay một sư chị thì đó là cơ hội cho ta thực tập thương yêu. Trong gia đình tu học này, chúng ta có quyền chọn lựa nhiều hơn trong gia đình huyết thống. Tại vì sư em của ta phải ở ít nhất là sáu tháng hay một năm, đến khi nhận thấy người này có thể hòa chúng, có thể thành công trong sự tu học thì ta mới thưa thầy: em này chắc là có thể tu được, có thể sống hạnh phúc được với tăng thân. Vì khả năng thương yêu của tăng thân chưa đủ lớn để có thể chấp nhận được bất cứ một đứa con mới nào. Nhưng khi một người đã trở thành sư em, sư anh hay sư chị của mình rồi thì người đó phải trở nên đối tượng thương yêu của mình. Nhờ thực tập thương yêu, ta giúp cho người kia phát triển và bảo trì những trái ngọt, cây lành trong bản thân người đó. Đồng thời ta cũng thực tập bảo trì những dòng suối, những hàng cây trong khu vườn của ta. Có suối và có cây thì tự nhiên sẽ có chim, có bướm, có trái, có hoa.
Ở Làng Mai, chúng ta đã và đang học những phương pháp cụ thể. Nếu áp dụng những phương pháp ấy, ta có thể làm hạnh phúc cho nhau và cho bản thân. Những hành động, những cái nhìn và những câu nói của ta, nếu được thực hiện trong chánh niệm, đều có thể là những hành động vun xới cho khu vườn. Còn nếu không được soi sáng bởi chánh niệm thì ba nghiệp sẽ có tác dụng phá hoại khu vườn của ta và của những người ta thương. Nghĩ, chúng ta phải biết ta đang nghĩ gì và nghĩ như thế nào. Nói, chúng ta phải biết chúng ta đang nói những gì, sẽ nói những gì và đã nói những gì. Và hành động, chúng ta biết chúng ta đang làm gì. Một cử chỉ không có chánh niệm soi sáng có thể có công dụng tàn phá như một nhát búa có thể đốn ngã một thân cây trong khu vườn. Nếu khu vườn tan hoang thì chính ta phải chịu trách nhiệm.