Tâm tình người tu sĩ
Các sư em thương,
Có một sư em hỏi chị: “Sư cô ơi, sư cô đi tu năm nào, làm sao sư cô giữ vững bồ đề tâm để còn tu và sống trong tăng thân cho tới ngày hôm nay?” Khi nghe sư em hỏi vậy, chị nhìn vào mắt của sư em rồi nói: “À, câu hỏi này rất hay. Chị không chỉ trả lời cho một mình sư em, mà chị dành tâm tình này cho tất cả các sư em trẻ đang mang đầy nhiệt huyết, muốn được tu tập, muốn được chuyển hóa thân tâm, muốn nuôi lớn hoài bão yêu thương để thực hiện ước mơ sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ”.
Chị đến Làng mùa đông năm 1995, tham dự được năm tuần của khóa An cư kiết đông năm ấy. Làng hồi đó còn nghèo, đơn sơ và mộc mạc như làng quê nghèo, chân phương ở Việt Nam vậy. Đời sống của quý sư cô, cũng như các vị thiền sinh đến tu học rất ư là khiêm tốn. Chỗ ngủ chỉ là một tấm ván ép mỏng được kê bằng bốn cục gạch to. Đêm đông sưởi ấm bằng lò củi chứ chưa có sưởi gas, sưởi điện như bây giờ. Ngủ nửa đêm lỡ hết củi là lạnh cóng cả người. Tuy đời sống đơn giản và thiếu thốn như vậy, nhưng khi nhìn quý sư cô trẻ, là sư chị của chị bây giờ, vị nào cũng tươi mát, rạng rỡ niềm tin và đầy hỷ lạc. Và chính bản thân chị cũng được ướp mình trong nguồn năng lượng tươi khỏe, an vui đó.
Mở lối yêu thương
Thời đó chị chưa biết làm thơ. Nhưng đối cảnh, tâm an, chị xúc cảm nên đã ra được một bài thơ. Cho đến bây giờ mỗi khi đọc lại những dòng thơ ấy, chị thấy niềm vui và niềm tin vẫn còn tinh khôi với hai câu cuối của bài thơ:
“Ôi! Tuyệt diệu tình thương Vô ngã,
Đến với tôi tất cả niềm tin.”
Chính hai câu thơ đó là động lực sâu sắc cho chị bước vào tăng thân. Bởi chị thấy được môi trường tu học ở Làng là nơi mà chị đã trông chờ từ lâu. Chị đã gọi về Mỹ xin gia đình cho ở lại Làng tu luôn, nhưng không được sự đồng ý của ba má chị. Thế là chị phải trở về nhà, mang theo nguồn năng lượng an lạc, nhẹ nhàng mà chị đã nuôi dưỡng được trong thời gian tu học ở Làng. Về nhà, chị xin phép gia đình đàng hoàng rồi trở lại Làng xin tập sự và được xuất gia vào cuối tháng Sáu năm 1996.
Xuất gia chưa đầy một năm chị phải về lại Mỹ để thi quốc tịch thành công dân Mỹ. Các sư em biết đó, chị mới tu, còn nhỏ mà phải rời Thầy và tăng thân nên có tâm trạng không muốn về. Nhưng Thầy dạy: “Giấy tờ cần thiết, quan trọng lâu dài về sau. Con về Mỹ, thầy sẽ gởi con cho Sư bà Đức Viên. Bốn tháng sau, thầy qua Mỹ dạy, con sẽ gặp lại thầy và các sư chị, sư anh của con”. Lời chỉ dạy ân cần của Thầy là động lực cho chị yên lòng, mạnh mẽ để về Mỹ lo giấy tờ và ở với Sư bà Đức Viên.
Nhân duyên biểu hiện
Quả thật, bốn tháng sau, vào thượng tuần tháng Tám năm 1997, Thầy cùng ba mươi hai thầy và sư cô qua Mỹ dạy. Năng lượng chánh niệm của một tăng đoàn tươi trẻ tỏa ra đã tạo ấn tượng và gây cảm hứng cho nhiều người hướng về tu tập. Ngay trong chuyến đi này có một số người trẻ phát tâm xuất gia, trong đó có thầy Pháp Ân, thầy Pháp Lạc và sư cô Hằng Nghiêm. Một số sư cô, sư chú trẻ lúc đó chưa có quốc tịch Mỹ để qua Pháp, nên Thầy mới nói với một vị cư sĩ kiếm nơi nào đó để thành lập tu viện. Thế là hội đủ nhân duyên, tu viện Rừng Phong được thành lập ở Vermont vào cuối thu năm 1997. Thầy đưa các sư con mới xuất gia cùng hai sư em khác và chị về tu viện Rừng Phong ngày 11 tháng 11 năm 1997.
Về nơi này, sáng sớm hôm sau là có tuyết rơi, cảnh núi rừng bên đồi tuyết trắng, đẹp tinh khiết như cảnh tiên bồng vậy. Mỗi sáng, thầy trò ngồi thiền, tụng kinh với nhau, năng lượng tu học liền được thiết lập ngay. Thầy trực tiếp dạy thỉnh chuông mõ cho các sư con trẻ. Trước khi về lại Làng, Thầy nhắn nhủ với các sư con rằng: “Này các con, các con là những người đệ tử nhỏ nhất của thầy. Thông thường, người học trò nào cũng muốn được làm thị giả cho thầy, thời Đức Thế Tôn cũng vậy. Nếu các con muốn được gần thầy, ở đây các con hãy chăm sóc cho nhau. Khi các con chăm sóc cho nhau được, thì thầy luôn có mặt bên các con. Thầy sẽ gởi Sư cô Chân Đức qua chăm sóc và dạy dỗ cho các con”. Nhân duyên ban đầu thành lập tu viện ở Mỹ cho đến nay thấm thoát đã tròn 20 năm. Thầy Pháp Ân, thầy Pháp Lạc, sư cô Hằng Nghiêm nay cũng đã xuất gia tròn 20 năm, bàn chân của các vị cũng đã bao lần giẫm lên vô sinh của lá thu qua bốn mùa thay lá.
Trăng tỏ gió nâng hương đồng nội
Các sư em thương, thỉnh thoảng chị có những tư duy ngộ nghĩnh như thế này: “Mình đi xuất gia cũng giống như một chàng hiệp sĩ vào trận, trước mặt là bao mạo hiểm, thách đố với nội tâm”. Cũng giống như những bạn trẻ ở đời kết hôn với nhau, có lẽ hôn nhân cũng là một cuộc mạo hiểm đầy thử thách. Mới gặp, cảm mến nhau, vội vã tìm hiểu về nhau, thể hiện cho nhau những gì đẹp và yêu kiều nhất. Họ cảm thấy người này hiểu, thương, hợp với mình, họ đồng ý cưới nhau. Nhưng khi về sống với nhau, mới vỡ lẽ ra có quá nhiều khác biệt. Là người phát tâm xuất gia cũng vậy, mình cũng có những cái tưởng. Mới đầu mình bắt gặp và tiếp xúc với hình ảnh của các vị xuất sĩ, trái tim mình bị đánh động, rung cảm trước sự thanh thoát, đẹp và thánh thiện. Mình muốn phát tâm sống như các vị xuất sĩ kia. Nhưng khi vào sống trong tăng thân, thực tế không như mình tưởng nên mình thất vọng, buồn khổ, đòi hỏi, tủi hờn. Chẳng ai có cái nhìn giống ai nhưng mình cho cái “cho là” của mình mới đúng hơn cái “cho là” của người khác. Trong đời sống hằng ngày, nếu mình thiếu đi công phu hàm dưỡng thì chắc hẳn mình sẽ gặp phải những khó khăn, chùn bước trước mọi khác biệt. Có khác gì cặp vợ chồng trẻ ở ngoài kia, phải không các sư em?
Sống trong tăng thân, anh chị lớp trước nuôi dưỡng lớp sau, nuôi nhau mà đi tới. Chúng ta sống trong một tăng thân đa văn hóa, dĩ nhiên cũng song hành với nhiều sự khác biệt. Chỉ có công phu tu tập của mỗi tự thân, hành trì uy nghi và giới luật là chất keo đem tới sự hòa hợp, kết lại với nhau, giúp nhau chuyển hóa, cùng tăng thân mang yêu thương đến cho mọi người. Các sư em đừng quên nắm lấy cơ hội, biết mình có nhiều may mắn, để sau này không hối tiếc là mình đã không biết nắm lấy cơ hội mà tăng thân đã cho mình.
Mặc cảm xây thành chợt vỡ tung
Các sư em có biết không? Sống trong tăng thân, chị có cơ hội lưu chuyển nhiều trung tâm. Sinh hoạt với các sư em, chị thường được hỏi một câu hỏi giống nhau là: “Làm sao để chuyển hóa năng lượng mặc cảm trong con, vì con thấy con không giỏi”. Lạ lắm các sư em à, có bao giờ các sư em nhận ra rằng mặc cảm tự ti cũng chính là mặc cảm tự tôn không? Cả hai năng lượng này đều khống chế mình, làm cho mình không hài lòng và không chấp nhận những yếu kém, đồng thời cũng thiếu luôn khả năng nhận diện những tài năng của mình. Chính mình không có khả năng chấp nhận mình mà chờ đợi người khác công nhận mình thì khổ lắm. Hồi chị mới vào tu, phải học vi tính để làm việc, chỉ số thông minh để học vi tính của chị khiêm tốn quá nên học hoài vẫn thấy mình “ngu”. Nhờ thấy mình “ngu” nên mới đi tu. Và cho tới bây giờ, chị vẫn thấy mình còn “ngu”, nên mới còn hứng thú để tiếp tục tu. Khi nào mình thấy mình “ngu” thì mình mới kiên nhẫn, mở lòng khiêm cung trước mọi vấn đề sư em ạ. Chỉ khi nào mình biết mình, niềm tin đong đầy, và còn một tấm lòng muốn tu, muốn cống hiến thì các sư em sẽ thực hiện được chí nguyện ban đầu của mình. Các sư em hãy luôn nhớ quay về tự hỏi lòng mình bây giờ đang ở đâu? Niềm tin của mình còn tròn đầy và mạnh mẽ không? Các sư em đừng chờ đợi và đòi hỏi phải được công nhận mới thỏa mãn và hạnh phúc. Hãy thành thật với những yếu kém, vụng về của mình. Hãy nuôi mình bằng những bước chân an lạc, đầu tư cho mình qua hơi thở miên mật. Mỗi buổi ngồi thiền, tụng kinh là một cơ hội. Tất cả những yếu tố này sẽ giúp các sư em vượt thoát mặc cảm. Đừng để cơ hội của mình tuột khỏi tầm tay nha các sư em.
Thương ai mấy dặm đoạn trường
Vòng quanh lên xuống vấn vương buộc ràng
Hôm nay em bước thênh thang
Giữa hoa đồng nội tâm an cõi trần.
Thủy chung vẫn một niềm tin
Chị đã kể cho các sư em nghe bước ngoặt đi xuất gia của chị, với sự tiếp xúc dung dị ban đầu nhưng lại sâu sắc, đọng lại trong chị nhiều ấn tượng, để rồi “đến với tôi tất cả niềm tin”. Niềm tin đó của chị bây giờ còn lớn hơn xưa, thấy mình có nhiều may mắn còn được ở trong tăng thân. Vẫn còn nhiều cảm hứng và yêu quý sự thực tập. Dù lắm lúc gặp phải nhiều khó khăn và đối diện với những thử thách chông gai, nhưng chị vẫn chưa sờn lòng. Đó là nhờ chị luôn thắp sáng niềm tin nơi tự thân.
Đôi khi tôi thích trở về
Nhìn em thấy rõ chưa hề đổi thay
Nâng niu từng chút hiển bày
Vào ra sâu chậm bậc thầy hiểu thương.
(Chân Hỷ Nghiêm)