Khi nào hoa mai nở
Cửa đã đóng, xe lăn bánh rời chùa Cao Linh chỉ mươi bước mà bỗng thấy lòng buồn nao nao. Sao lạ vậy! Chỉ trong khoảnh khắc mà nỗi buồn sao sâu đến vậy. Bất chợt muốn gửi một tin nhắn cho người huynh đệ trên xe:“Tự nhiên ở lại một mình thấy buồn buồn rứa!” Nếu là một em bé chắc tôi đã khóc và chạy theo. Trong thoáng chốc, tôi thở một hơi thật sâu. À! Mình ở lại đây mấy hôm, có mặt với tăng thân Hải Phòng cũng vui mà. May mà tôi đã không gửi tin nhắn đi, chắc các bạn sẽ cười tôi mất.
Thú thật, đã lâu rồi tôi không khóc được. Có lúc cũng thèm khóc lắm, thấy người khác khóc mà thèm một chút. Có một cô giáo trẻ chia sẻ: “Con nặng về tình cảm lắm thầy ạ, nhiều lúc thấy học trò của con có chuyện gì là con đồng cảm và khóc, làm sao để tâm con mạnh mẽ hơn?” Sợi dây tình cảm là ông trời phú cho mỗi người. Nhờ đó mà mình có thể hiểu, thương và cảm được nỗi lòng của những người chung quanh. Ngày xưa, mỗi lần gặp chuyện mà không biết làm gì thì cô Tấm thường ngồi úp mặt khóc, rồi Bụt xuất hiện, dùng phép thần thông cứu giúp. Bây giờ nếu gặp chuyện, chuyện của lòng mình hay chuyện mình thấy, nghe từ bên ngoài thì mình phải ngồi yên và trở về nương tựa Bụt trong mình. Khi hơi thở đã an thì Bụt lòng sẽ xuất hiện và mình sẽ thưa Bụt là con nên làm gì trong giờ phút này. Thế nào Bụt cũng chỉ cho mình lối đi ra. Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm. Phải học cách trở về với lòng mình thì mới biết cách để đi ra khỏi những tình trạng mà mình đang gặp phải.
Tôi nhớ có một lần nọ, Thầy đưa một người học trò vào thất Ngồi Yên, người học trò có nhiều khó khăn và cần được lắng nghe. Nghe xong, Thầy không nói gì, pha một ấm trà, nhẹ rót vào ly, mời sư chú thị giả một ly, mời người học trò một ly, nhưng tay áo của Thầy đã làm đổ ly trà còn lại, nước chảy làm ướt mặt sàn. Sư chú thị giả định đứng lên, Thầy đưa tay ngăn lại và Người tự mình lấy khăn lau sàn, rót một ly trà mới và thầy trò cùng thưởng thức. Thầy nói: “Mình ngã xuống thì mình hãy tự đứng lên, cũng như thầy làm đổ nước trà thì thầy phải tự lau lấy”. Câu chuyện chỉ có vậy mà tôi nhớ lâu ghê. Thầy thật khéo dạy học trò. Tôi tự nghĩ về lời Thầy dạy trong câu chuyện: Thầy chỉ giúp con được chừng đó, con phải tự mình tháo gỡ, đừng ỷ lại, nhưng Người đã không nói thẳng, qua thân giáo thì học trò sẽ nhớ lâu hơn. Tôi cũng tự rút ra bài học cho mình, phải có trách nhiệm với bản thân mình, không phải lúc nào cũng chạy theo cái vui của hoàn cảnh, đến khi ngã thì chỉ biết khóc.
Năm 2017 là một năm tôi phải đối diện với chính mình và đưa ra nhiều quyết định cho bản thân. Dù rằng không được ở với huynh đệ nhưng trong lòng lúc nào cũng muốn về với đại chúng, có lúc cái ước muốn đó thật lớn trong lòng. Tôi thấy cuộc đời mình có phước nhất là niềm tin Tam Bảo chưa bao giờ mất, lúc nào cũng nghĩ về Thầy và tăng thân. Ở đây, quý thầy không nhiều, sự có mặt của mình chỉ nhỏ nhoi nhưng mình cũng muốn đóng góp. Ở lâu một chỗ nào thì cũng biết cách để phụng sự và thực tập. Ở một môi trường thuận lợi thì dễ thực tập, nhưng có lẽ tôi thích khám phá, thích khó một chút để tìm ra một cái nhìn mới.
Có sư em nói: “Thấy sư anh cười bình an lắm nhưng lắm lúc nét mặt có nỗi buồn chi lạ”. “Ồ! Vậy à, lâu ni có biết mô!” Khi soi gương thấy mình đâu có nhăn nhó gì, lúc nào cũng cười với người trong gương. Ai gặp mình cũng mỉm cười, rồi mình cũng mỉm cười chào lại. Nỗi buồn ấy từ đâu ra nhỉ? Hình như có một sự ưu tư nằm đâu đó, có một sự suy nghĩ xa xôi nằm đâu đó… Vậy là mình vẫn còn chưa giỏi để an trú trong hiện tại. Có khi nét mặt buồn là cách bảo vệ mình không chừng. Không muốn tiếp xúc với bên ngoài, muốn trở về ôm ấp và chuyển hóa mình, mà người ta cứ mỉm cười hoài bắt mình phải mỉm cười theo, có khi chỉ chúm chím cho có lệ. Có lần tôi gặp một bạn trẻ, bạn này đến tu viện thực tập một tuần rồi mà không buông thư khuôn mặt được, không cười được, đến khi hỏi thì em nói rằng:“Cuộc đời này quá nhiều đau khổ, có chi để cười đâu ạ”. Tôi thì chưa đến nỗi nào. Mỗi ngày ít ra cũng mỉm cười đến mấy mươi bận.
Tôi nghe kể rằng, có một bà mẹ Việt Nam rời quê hương đến xứ người, bà làm rất vất vả mười sáu giờ đồng hồ mỗi ngày để kiếm sống và nuôi bốn đứa con ăn học, thêm một người chồng và mẹ chồng. Bà có một nghị lực phi thường, chỉ khổ là vì lúc nào cũng bị chồng khiển trách, không bằng lòng cái này cái kia. Đã từng thực tập và tham vấn nhiều lần với quý thầy quý sư cô, nhưng bà vẫn chưa chọn được một con đường thoát. Một lần nọ, quá khổ đau, bà tìm đến Làng Mai và may mắn gặp được Sư Ông:
– Bạch Thầy! Con khổ quá, xin Thầy giúp con với.
Nhìn thấy căn cơ của người mẹ này, Thầy đã sử dụng “cây gậy của thiền sư Lâm Tế”:
– Nếu khổ quá thì thử chia tay đi!
– Dạ bạch Thầy! Con làm không được, nếu con chia tay thì bốn đứa con của con sẽ khổ, ai nuôi tụi nó, con khổ một mình đủ rồi.
Thầy nhắp miếng trà rồi nói tiếp:
– Nếu không chia tay được thì con về kiếm cho thầy miếng đất để làm vườn.
– Dạ bạch Thầy! Sau nhà con có một mảnh vườn, con cũng trồng được ít rau cải.
Thầy nhẹ nhàng:
– Trong vườn, chỗ nào nhiều rác, nhiều phân thì chỗ ấy cây cối xanh tươi hơn những chỗ khác phải không con?
Bà im lặng, có lẽ bà đã thấy được điều gì đó. Trong bà nhen nhúm một niềm tin nơi Thầy. Lòng bà an hơn vì cửa lòng bà đã mở.
Công việc vẫn không thay đổi gì, ông chồng cũng không thay đổi gì, nhưng bà đã biết im lặng thở vào, thở ra mỗi khi thấy lòng bực bội, bà tập thương yêu từng chút một. Thế rồi hoàn cảnh cũng thay đổi dần, bà bây giờ đã khác xưa… Bà biết rằng vấn đề không phải là chia tay hay không chia tay, mà là sự thực tập hiểu thương và niềm bình an bà nuôi dưỡng trong lòng.
Sư chú thị giả ngày trước giờ đã là một thầy tỳ khưu vững chãi. Ngồi uống trà, được nghe thầy kể lại những câu chuyện như trên mà lòng tôi vui lạ. Mỗi câu chuyện về Thầy như cho tôi được nhớ về Người nhiều hơn. Nhớ lại ngày trước, lúc mới tới tăng thân, hầu như tôi nhớ đến Thầy mỗi ngày, mỗi giờ. Nào là được nghe pháp, nghe Đường xưa mây trắng, đọc sách của Thầy, thiền hành, nghe chuông, ăn cơm, ngồi thiền… lúc nào lòng cũng nhớ nghĩ về lời Thầy dạy để thực tập. Bây giờ hình như tôi có nhiều thứ để ưu tư, để nghĩ về, để băn khoăn hơn! Thèm được trở về như ngày trước. Đơn giản thôi mà bền chắc.
Có lẽ em bé trong tôi, cũng như những em bé khác, lúc nào cũng cần một người để nương tựa. Lúc nhỏ có ba mẹ, đến khi đi học thì có thầy cô, vào chùa có Bụt, có Thầy Tổ… cảm thấy như lòng ấm hơn khi được quay về nương tựa các vị. Thở vào, con mời Thầy cùng thở vào với con. Thở ra, con mời Thầy trong con buông thư. Thấy lòng an hơn khi mời Thầy cùng thực tập với mình. Càng lớn tuổi thấy mình như nhỏ bé, muốn quay về, muốn được nương tựa vào bên trong.
Năm mới hứa với lòng sẽ mời Thầy, mời Bụt trong mình cùng thực tập nhiều hơn nữa.
Chỉ đi về một hướng để gặp Thầy, gặp tăng thân, quyết làm nên một mùa xuân thôi, không còn mong gì khác.
Chân Minh Hy