Đường về nhà

(Phiên tả pháp thoại của Sư Ông Làng Mai vào đêm Giao thừa Tết Mậu Tý – ngày 06.02.2008)

 

Hôm nay là ngày 30 Tết. Bây giờ tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng là 3 giờ 8 phút chiều. Ngày Tết Việt Nam có giá trị tương đương với ngày Giáng sinh ở Tây phương. Ở Tây phương trong ngày Giáng sinh, người nào cũng tìm cách về với gia đình. Tuần trước bên Trung Quốc có bão tuyết rất nhiều. Hàng trăm ngàn người bị giữ lại phi trường vì máy bay không cất cánh. Xe lửa ở nhà ga cũng không chạy được. Rất nhiều người lo lắng mình sẽ không về nhà kịp để ăn Tết. Hôm nay không biết đã có bao nhiêu người về được tới nhà?

Trong chúng ta ai cũng có niềm thao thức muốn về nhà. Nhà là một nơi mà ở đó chúng ta cảm thấy đầm ấm, hạnh phúc và được ôm ấp bởi tình thương. Có những người chưa bao giờ từng có nhà, tại vì tuổi thơ của họ có nhiều sóng gió. Bố mẹ chưa bao giờ thương nhau, làm khổ nhau và gia đình tan vỡ. Có những người trong chúng ta may mắn tìm được tới tăng thân và tìm thấy nhà của mình nơi tăng thân. Cũng có nhiều người trong chúng ta vừa có gia đình huyết thống vừa có gia đình tâm linh. Hai gia đình đó nâng đỡ nhau, nương tựa nhau. Gia đình huyết thống nâng đỡ, giúp xây dựng gia đình tâm linh và gia đình tâm linh nâng đỡ, giúp xây dựng lại gia đình huyết thống.

Việt Nam có câu ca dao:

“Chim bay về núi tối rồi

Sao không lo liệu còn ngồi chi đây?”

Trời đã tối, những con chim bay về núi vì ở đó có nhà của chúng. Còn anh, tại sao lại ngồi thơ thẩn mà chưa lo về nhà đi thôi?

 

Vua Trần Thái Tông là một người thực tập Thiền rất sâu sắc. Ngài là một nhà Phật học đã sáng tác những tác phẩm về Thiền được truyền lại cho đến nay. Vua đã nói tới sự tu tập như là để về được nhà của mình. Vua đã chú giải Kinh Kim Cương Tam Muội và trong bài tựa Vua đã viết như thế này:

“Chỉ vì sự tập hợp huân nhiễm lâu đời của chúng sanh mà phát ra sóng gió tri kiến của thần thức (tức là hành duyên thức). Vì chúng sanh buông mình theo con đường ô trược che lấp nên không biết đem ánh sáng tuệ giác để chiếu soi, khiến cho bốn phương thành ra xứ lạ, mơ hồ cho nên không biết rõ lối về nhà”.

Nếu chúng ta cảm thấy chung quanh ta xa lạ, cảm thấy bơ vơ không nơi nương tựa, ta cảm thấy mình không có quê hương là tại vì ta không biết dùng ánh sáng của tuệ giác để chiếu soi. Khi chiếu soi được thì ta biết ngay con đường về nhà. Con đường về nhà không xa, ta không cần lâu ngày để đi về. Trong bốn mươi ba công án của vua Trần Thái Tông, có công án liên hệ tới vấn đề “về nhà’’.

Cử (chủ đề của công án): Một vị xuất gia hỏi Đức Văn Thù: “Nếu tất cả vạn pháp quay về một pháp thì pháp đó quay về đâu?” (Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?) Đó là câu hỏi, là một công án. Tất cả đi về một, vậy một đi về đâu? Đức Văn Thù trả lời: “Chín khúc sông Hoàng Hà”.

Sông Hoàng Hà (Yellow River) là một con sông rất dài, có những đoạn có thác có ghềnh, mà chín khúc thì con đường về cũng khá xa.

Vua Trần Thái Tông đưa ra lời Niêm (lời nhận xét ý nghĩa của công án):

“Hữu thời nhân hảo nguyệt

Bất giác quá Thương Châu.”

Có nghĩa là: Gặp lúc vui trăng sáng, không ngờ vượt Thương Châu. May mắn mình tiếp xúc được và vui với ánh trăng thì mình vượt qua được chín khúc sông Hoàng Hà trong giây lát.

Bài Kệ (kệ tụng hướng dẫn để nhìn sâu vào công án) là:

“Hoàng hà cửu khúc vị quân cử

Một thiệp đồ trình tự đáo gia

Bạch trú kỷ đa khai nhãn vọng

Bất tri Diêu tử quá Tân La.”

Trong Sử Luận dịch:

“Chín khúc sông Hoàng khai tuệ nhãn

Đường xa không bước vẫn về nhà

Mở mắt bao lần quan sát lưới

Không dè chim hạc đã bay qua.”

Nếu có tuệ nhãn thì con đường không phải là chín khúc sông Hoàng Hà nữa mà ta về nhà ngay trong một khoảnh khắc. Đâu cũng là nhà. Vì vậy tuệ giác rất quan trọng!

 

 

Trong bài kệ mà vua Trần Thái Tông viết về bốn ngọn núi cũng có một bài nói đến chuyện ‘‘về nhà”. Đối với vua thì mỗi người trong chúng ta đều có sự thao thức muốn về nhà. Có thể vì những nguyên do nào đó mà ta bị lưu lạc, ta cảm thấy không có gốc rễ, không có quê hương. “Tứ sơn” tức là bốn ngọn núi. Đây là hình ảnh Đức Thế Tôn đưa ra khi thuyết pháp cho vua Ba Tư Nặc (Pasenadi). Một hôm, Đức Thế Tôn nói với vua Ba Tư Nặc:

– Giả dụ trong lúc Bệ hạ đang ngồi chơi thì quân tình báo tới nói với Bệ hạ là ở phương Bắc có một ngọn núi lớn đang từ từ di chuyển lại gần. Một đoàn thám tử khác lại đến báo cáo rằng ở phương Nam có một ngọn núi rất lớn đang di chuyển tới gần, và phương Tây, phương Đông cũng vậy. Mỗi phương có một ngọn núi đang di chuyển tới gần, áp lại và mình không còn không gian để sống nữa. Nếu vua nghe tin đó thì sẽ phản ứng như thế nào? Bốn ngọn núi đó tượng trưng cho sinh, lão, bệnh, tử, tức bốn tai nạn của con người.

Sinh, lão, bệnh, tử là bốn tai họa, bốn sự thật. Chúng đang vây quanh, đang xáp lại từ từ. Trong khi đó thì ta không thấy mà cứ nhởn nhơ. Như vậy thì làm sao mà một ngày nào đó ta có thể thoát được?

Vua Ba Tư Nặc nói:

– Nếu biết bốn tai nạn (sinh, lão, bệnh, tử) đang vây quanh và đang siết chặt thì con đường duy nhất là phải tu tập trong giây phút hiện tại để có thể thoát ra.

Bụt nói:

– Hay lắm!

Vua Trần Thái Tông khi đọc tới đoạn kinh về bốn ngọn núi đó thì có cảm hứng. Vua đã ngồi thiền về bốn núi và đã chứng ngộ. Vua ngồi xuống viết một bài về bốn núi sinh-lão-bệnh-tử, và đây là bài kệ thứ nhất trong bốn bài kệ đó (Nhất Sơn Kệ). Trong bài kệ này, vua Trần Thái Tông muốn nói: Hãy tỉnh dậy và tìm đường về nhà lập tức.

“Chân tể huân đào vạn tượng thành

Bản lai phi triệu hựu phi manh

Chỉ sai hữu niệm vong vô niệm

Khước bội vô sinh thụ hữu sinh

Tị trước chư hương thiệt tham vị

Nhãn manh chúng sắc nhĩ văn thanh

Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách

Nhật viễn gia hương vạn lý trình.”

Bản dịch của Thầy Làng Mai:

“Chân như huân đúc vạn muôn hình

Vốn không tướng trạng diệt và sinh

Cũng do hữu niệm quên vô niệm

Nên bỏ vô sinh chuốc hữu sinh

Mũi vướng hương thơm lưỡi vướng vị

Mắt mờ sắc tướng tai âm thanh

Lênh đênh làm khách phong trần mãi

Ngày hết quê xa vạn dặm trình.”

Hai câu cuối có nghĩa là cứ đi lang thang suốt đời (Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách), trong khi đó thì ngày tháng đã hết và quê hương thì còn rất xa (Nhật viễn gia hương vạn lý trình). “Gia hương” là quê nhà, còn “vạn lý trình” là xa ngàn vạn dặm.

Bài kệ nói: Vì không có tuệ giác, vì vọng tưởng nên đánh mất vô sinh mà vướng vào hữu sinh, đánh mất vô niệm mà vướng vào hữu niệm. Triết lý của bài kệ rất sâu sắc, chứng tỏ kiến thức về Phật học của vua Trần Thái Tông rất thâm uyên.

Hai câu “Lênh đênh làm khách phong trần mãi, ngày hết quê xa vạn dặm trình” một lần nữa cho ta thấy: Đối với vua Trần Thái Tông, sự tu tập hàng ngày là để có thể trở về quê hương đích thực của mình.

Xây dựng quê hương mới để trị liệu và chuyển hóa

Trong mấy tuần qua, khi học Hoa Nghiêm kim sư tử chương, chúng ta có nói về tinh cầu nhỏ của Hoàng tử bé. Hoàng tử bé đã tới từ tinh cầu của mình. Mỗi chúng ta đều có một tinh cầu riêng. Đó là thế giới của tuổi thơ, của kỷ niệm, của cái gì rất riêng biệt của mình. Ta đến với tăng thân từ tinh cầu của riêng ta. Trong tinh cầu riêng của ta có thể có sóng gió, có nỗi buồn đau, có những kỷ niệm, những thương yêu và hạnh phúc. Nơi đó có thể là nhà, là quê hương của ta, quê hương tuổi thơ. Nơi đó cũng có thể có những vết thương sâu đậm chưa lành mà ta còn đang mang trong lòng. Khi tới với nhau như một tăng thân chúng ta thành lập một tinh cầu mới, một tinh cầu tập thể. Từ những tinh cầu cá nhân, chúng ta tới với nhau để lập ra một quê hương mới có tính cách tập thể. Đó là gia đình tâm linh của chúng ta. Chúng ta đã xây dựng tinh cầu đó. Tăng thân là một nơi nương tựa. Nếu tạo được tình huynh đệ, tạo được kỷ niệm đẹp và tình thương thì tinh cầu đó sẽ là quê hương mới của chúng ta và cũng là nơi nương tựa cho những người khác.

 

 

Ta hãy tưởng tượng có một số tinh cầu nhỏ sắp thành vòng tròn và ở giữa là tinh cầu mới, tinh cầu chung của tất cả mọi người. Chúng ta đang cùng xây dựng tinh cầu mới đó. Ta đang học cách xây dựng. Có thể trong quá khứ vì lỡ lầm nên ta đã gây ra khổ đau và tan vỡ. Những kỷ niệm đó còn trong ta. Khi tới với nhau như một tăng thân, chúng ta tạo ra một thế giới mới. Vì được thừa hưởng tuệ giác của cha ông nên ta biết cách xây dựng trở lại. Những cái ta xây dựng trong tinh cầu mới có tác dụng chữa trị những đổ vỡ, những vết thương trong tinh cầu bé nhỏ của ta. Chúng ta có một quá khứ. Quá khứ đó có thể có những kỷ niệm êm đẹp, có tình thương và sự ấm áp. Quá khứ đó cũng có thể có những vết thương rất nặng, những tan vỡ, những buồn đau. Nhưng ta không thể từ chối quá khứ đó, tại vì đó là gia tài, là tinh cầu của ta. Ta đem quá khứ đó tới trong hiện tại. Và nhờ tiếp xúc được với tăng thân, với pháp Bụt mà ta biết cách để trở về dọn dẹp, tái thiết và xây dựng lại tinh cầu riêng của mình.

Có những sư cô, sư chú hay những Phật tử cư sĩ đã đạt tới sự chuyển hóa sau khi tu học một thời gian. Họ đã đem hạnh phúc đó về nhà để giúp cho bố mẹ và anh chị em chuyển hóa. Như vậy quá khứ vẫn còn trong hiện tại. Sự tu tập của chúng ta có khả năng thay đổi cả quá khứ. Pháp Bụt rất cao siêu, rất mầu nhiệm. Ta có thể sử dụng mỗi giây phút để làm mới lại, trị liệu và chuyển hóa. Trong khi xây dựng tăng thân trong giây phút hiện tại thì ta cũng đồng thời xây dựng lại quá khứ của mình. Tại vì ta có hiện tại và có quá khứ cho nên ta cũng có một tương lai, như ý trong một bài hát của Tịnh Thủy: “Ta vẫn có ngày mai, ta vẫn còn quá khứ”. Biết rằng mình vẫn còn quá khứ, mình vẫn có ngày mai nên hôm nay mình có thể sống an lạc, nhịp nhàng trong tình huynh đệ.

Nét đặc biệt trong văn hóa Việt Nam

Trong văn hóa Việt Nam có những yếu tố rất lạ kỳ. Ta sẽ không tìm ra được chữ trong ngôn ngữ Việt Nam để dịch từ “I” và “You”. Người ngoại quốc rất ngạc nhiên, họ hỏi làm sao mà ta có thể nói chuyện được nếu không dùng từ “I” và “You”? Vậy mà người Việt vẫn nói chuyện được. Chữ “tôi” mà ta dùng để dịch chữ “I” có nghĩa là mình chỉ đáng làm tôi tớ của người kia thôi. “Tôi” là chữ dùng để xưng đối với vua, với chủ của mình như “vua-tôi”, “quân-thần”. Vua tức là “quân”, “thần” tức là tôi. Chữ “tôi” từ đó mà ra. “Tôi” là tôi tớ, dịch cho đúng nghĩa là: your servant (À votre service, je suis votre servant). Chữ “ông” có nghĩa là my grandfather.

Lúc gặp nhau, trước khi nói chuyện thì người Việt phải thiết lập một sự liên hệ gia đình. Nếu người kia trẻ hơn thì mình gọi người đó là “em”, nếu người kia trẻ lắm thì mình gọi là “cháu” hay là “con”. Nếu người kia lớn hơn thì ta gọi là “chị”, là “anh”. Nếu người kia lớn lắm thì ta có thể gọi là “cô” hay “dì”. Nhưng bất kỳ chữ nào được sử dụng để gọi người kia cũng phải định rõ được chức vị trong gia đình. Gặp người lớn thì mình thưa “chú” hay thưa “bác”, thưa “ông” hay thưa “cụ”. Tất cả đều không phải là “you”. Trước khi nói chuyện với một người thì ta phải thiết lập sự liên hệ thân tộc với người đó. Gặp một em bé chưa quen ta gọi nó là “em” (younger brother, younger sister) hay “cháu” (nephew, niece). Trong tiếng Việt không có chữ “I” hay chữ “you”. Đó là một nét rất đặc biệt, khi ra đường mình chỉ gặp toàn là người thân trong gia đình.

Ngày xưa, người trong gia đình ra ngoài lập làng, cho nên lên xóm trên, xuống xóm dưới gì ta cũng gặp người trong gia đình, không có người xa lạ. Xã hội cũng được tổ chức như vậy, người nào cũng là em hoặc cháu, chị hoặc anh, ông hoặc bà mà không thể là một cái “you” lạnh ngắt và không có vị trí. Đó là một nét rất đặc biệt của văn hóa Việt Nam.

Có một điều lạ là khi hai vợ chồng gọi nhau thì cũng xưng là “anh” (big brother) và “em” (younger sister). Người chồng hay người vợ nói về vợ hay chồng mình thì gọi đó là “nhà tôi” (my home). Muốn giới thiệu vợ (chồng) với bạn thì nói: “Đây là nhà tôi” (This is my home). Người kia là nhà của mình, là quê hương, là chỗ mình nương náu. Khi cưới nhau thì người kia chính là ngôi nhà rất êm ấm của mình. Các bà, tuy có rất nhiều quyền, nhưng cũng nói rất khiêm nhượng: “Bác ơi, ở đây cái gì nhà tôi cũng lo hết! Tôi đâu có biết làm gì đâu.” Ông chồng cũng trả lời như vậy. Khi người ta hỏi:

  • Chị có ở nhà không anh?

Thì anh trả lời:

  • Nhà tôi có ở nhà.

Câu trên dịch ra tiếng Anh là “My home is at home”, rất là buồn cười! Người vợ hay người chồng, người bạn lứa đôi của mình chính là nhà của mình. Nếu cơm không ngon, canh không ngọt thì rất khó ở nhà. Vì vậy sự thực tập của một cặp vợ chồng là phải làm thế nào để mình mãi mãi còn là nhà của người kia và người kia vĩnh viễn là nhà của mình. Trong văn hóa có những dấu hiệu, những hướng đi như vậy.

Tăng thân cũng là nhà của mình. Mỗi khi rời xa tăng thân thì mình thương, mình nhớ. Ngày xưa trong Phật học đường, tôi đã từng ở với các sư chú và tôi chăm sóc, thương yêu họ rất nhiều. Khi ra ngoại quốc có những đêm tôi nằm mơ thấy toàn là các sư chú. Họ ở trong cư xá, một phòng có năm bảy người, mỗi người có một cái rương nhỏ dưới gầm giường để đựng sách vở, áo quần. Đời sống trong Phật học đường là như vậy, mình sống với nhau và làm phát hiện ra tình huynh đệ. Chính tình huynh đệ đã nuôi dưỡng mình trong thời gian đó. Sau này lỡ có phải rời xa thì mình thương nhớ tăng thân, đó là nhà của mình.

Làng Mai có xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Mới và Sơn Hạ. Nếu được đề nghị sang Hoa Kỳ hay về Việt Nam thì mình hơi buồn tại vì mình phải xa tăng thân. Nhưng mình sang Bích Nham hay Lộc Uyển cũng là để xây dựng tăng thân. Sang đó ở được ba bốn tháng, có sự lưu luyến thì nơi đó sẽ trở thành nhà của mình. Bên này là nhà mà bên kia cũng là nhà!

 

 

Thân thể cũng là nhà

Nhà, hay quê hương là kết quả của sự tạo dựng, sự tu tập. Nếu trong quá khứ, trong thời thơ ấu mình không có phước được có nhà, được có quê hương đầm ấm của tuổi thơ thì bây giờ bằng sự tu tập, mình xây dựng cho mình một quê hương, một tổ ấm ngay trong giây phút hiện tại. Thân thể cũng là nhà của mình, mình trở về thân thể của mình. Ta đã được học là thân ta có những căng thẳng, đau nhức, bất an. Trở về với thân thể để lấy đi những căng thẳng, đau nhức, bất an cũng là một cách xây dựng nhà của mình.

Đức Thế Tôn dạy ta kinh Niệm Thân, dùng hơi thở để trở về với thân thể của mình, buông thư những căng thẳng, làm dịu đi những đau nhức nơi cơ thể. Đem tâm trở về với thân để cho thân tâm nhất như (thân hợp nhất với tâm), để thân có cơ hội nghỉ ngơi, đó cũng là một hành động “về nhà”. Điều này rất cần thiết, rất cơ bản! Nhà trước hết là cơ thể của mình. Nếu ta oán hận, thù ghét thân thể mình thì làm sao ta có được nhà? Nhà trước hết là cơ thể bằng xương bằng thịt. Trong giáo lý của Đức Thế Tôn, ta thấy rất rõ những phương pháp đem tâm trở về với thân để làm cho thân êm dịu. Chúng ta có bài thực tập “Quay về nương tựa hải đảo tự thân”. Thân mình là một phần của hải đảo đó. Đó là nhà của mình!

Lúc 3 giờ chiều nay chúng ta đã ngồi với nhau, đã ý thức được rằng trong thân thể mình có bố mẹ, có tổ tiên, có quê hương. Trong từng tế bào cơ thể mình có sự có mặt của bố mẹ, của tổ tiên. Về với cơ thể cũng là về với tổ tiên, với đất nước và văn hóa của mình. Đi đâu ta cũng mang tổ tiên, mang đất nước và văn hóa đi theo. Về với hình hài là về nhà rồi, mình có thể thoải mái được. Vì vậy kinh Niệm Thân rất quan trọng (Contemplation on the body in the body). Ta phải làm cho tâm được thoải mái trong thân, tâm hòa giải với thân và thân tâm nhất như.

Có những chủ thuyết hay những tôn giáo phân biệt thân và tâm, cho thân và tâm là hai cái hoàn toàn khác biệt. Nhưng đạo Bụt không có cái thấy lưỡng nguyên về thân và tâm. Thân và tâm nhất như. Hành động về nhà trước hết là về với thân của mình trong tư thế đi, đứng, nằm hay ngồi. Làng Mai có pháp môn thiền hành rất mầu nhiệm, mỗi bước chân đều đưa mình về nhà. Mỗi bước chân phải là một bước về nhà. Chỉ cần một bước thôi là ta có thể về nhà.

“Gió vẫn còn bay con biết không

Khi mưa xa tiếp áng mây gần

Hạt nắng từ cao rơi xuống thấp

Cho lòng đất thấy bầu trời trong

Ta vẫn còn đến đi thong dong

Có không còn mất chẳng băn khoăn

Bước chân con hãy về thanh thản

Không tròn không khuyết một vầng trăng.”  

(Đến đi thong dong – Sư Ông Làng Mai)

Mỗi bước chân của ta đều là để trở về nhà. Ta không cần nhiều bước, một bước thôi là có thể trở về. Vì mỗi ngày phải bước đi nhiều bước nên ta có nhiều cơ hội để về nhà. Nếu thực tập giỏi thì mỗi bước chân là một cơ hội để ta trở về quê hương của mình, về với thân tâm để tìm thấy sự an bình. Có được sự an bình thì ta có thể xây dựng tăng thân thành một ngôi nhà lớn làm niềm vui và nơi nương tựa cho rất nhiều người.

 

 

“Bước chân con hãy về thanh thản”, trong câu thơ đó thầy đã nhắn nhủ, gởi gắm không biết bao nhiêu là tình thương, bao nhiêu là kỳ vọng nơi đệ tử: Mỗi bước chân là một cơ hội cho con trở về được với quê hương, với tổ tiên.

Sự trở về trong từng giây từng phút để chăm sóc nhà của chúng ta là công trình để xây dựng quê hương. Khi trở về với cơ thể, không những ta làm lắng dịu những đau nhức, buông bỏ những căng thẳng và làm cho thân tâm hợp nhất mà ta còn nhận diện được những tâm hành, nhất là những cảm thọ như cảm thọ buồn đau, lo lắng của mình. Người không tu thường tìm cách trốn tránh những cảm thọ không dễ chịu đó và tìm những vui nhộn bên ngoài để khỏa lấp và che giấu nỗi khổ niềm đau. Là người tu, ta không làm như vậy. Ta biết là ta phải trở về để chăm sóc và chuyển hóa. Sự thực tập hàng ngày là để cho ta có đủ năng lượng niệm và định để trở về nhận diện và ôm ấp nỗi khổ niềm đau hay những cảm giác lẻ loi, lạc loài trong con người mình.

Trong năm mới chúng ta phải tập ngồi cho giỏi, tập ngồi cho cha mẹ, tổ tiên. Ta tập ngồi cho yên. Ta ngồi yên được thì thế giới sẽ yên, tổ tiên và con cháu sẽ yên. Sang năm mới chúng ta hãy tập đi thiền hành cho giỏi, mỗi bước chân đưa ta trở về được quê hương. “Bước chân con hãy về thanh thản”, đó là thông điệp của thầy gởi cho tất cả các đệ tử. Mỗi bước chân trở về như vậy thì mình sẽ gặp thầy, gặp Bụt, gặp cha mẹ, gặp tổ tiên, gặp quê hương trong đó. Rất là mầu nhiệm! Niệm lực càng hùng tráng thì sự trở về của mình càng sâu sắc.

Xin chúc đại chúng năm mới có nhiều thành công trong sự tu tập và xây dựng tăng thân.