Con gái ông Tư cua
Ngày tháng trôi qua thật nhanh, mới đây mà tôi đã đi tu được tám năm rồi. Đối với tôi, những ký ức về tuổi thơ là những khung ảnh đẹp. Những kỷ niệm về gia đình là gia tài và hành trang giúp tôi vững bước hơn trên đường đạo. Quá khứ trở thành hiện tại và hiện tại lại trở thành quá khứ. Nhờ vậy mà tôi thấm hiểu hơn về câu thư pháp Thầy tôi thường dạy: “Không có bùn làm sao có sen” hay “Khổ đau là chất liệu làm nên hạnh phúc”. Nhận ra mình, thấy được mình, nói được những gì mình muốn nói là hạnh phúc lớn nhất đối với tôi. Tôi thuộc ban A nên khó viết xuống những nỗi lòng, những ray rứt trong trái tim mình. Tôi chấp nhận điểm yếu của chính tôi vì tôi là “hiệp sĩ” mà. Nhưng khi nghĩ tới những gì muốn chia sẻ cùng ba, tôi có thêm nhiều sức mạnh. Và câu chuyện của tôi được bắt đầu như thế này:
Xa quê
Tôi là một cô bé tóc quăn, da phèn, “chân tay gầy ốm như những ống sậy”. Ngoài đôi mắt đen ngơ ngơ, dại dại, trên khuôn mặt không thấy một điểm sáng gì. Ba tôi không có tài làm nông, mẹ tôi không có duyên làm ruộng nên cả gia đình phải tạm xa miền Tây lam lũ, cắp giỏ đệm lên “xì phố” để tìm kế sinh nhai. Không một đồng xu dính túi, gia đình đành ở nhờ nhà ngoại nhưng tôi thấy vui và hạnh phúc lắm. Nhà được dựng tạm trên ống cống thoát nước, căn nhà lá nho nhỏ với dòng nước chảy liu riu. Nhất là khi mưa về, đường mương ống cống trở thành một dòng sông thơ mộng đối với tôi lúc nhỏ.
Thời gian đó, đường mương rất thoáng vì ngày nào nhà tôi cũng quét dọn sạch sẽ. Hồi đó ống cống vừa là chỗ mát mẻ để ngủ trưa khi trời nắng, vừa là chỗ yên ổn để chúng tôi chơi trò trốn tìm, còn đường mương ống cống trở thành “bể bơi” lý tưởng của tôi. Vào mùa mưa đường mương tràn ngập nước, tôi cùng các em và những bạn hàng xóm thay nhau nhảy xuống đó để bơi. Khỏi phải nói là tôi vui tới cỡ nào. May mà ba mẹ đều đi bán hàng nên không biết chuyện gì xảy ra tại nhà, nếu không, chắc tôi sẽ không thực hiện được kỳ tích có một không hai này. Vì vậy, dòng sông ống cống trở thành một người bạn mà tôi không tài nào quên được. Còn người bạn thứ hai của tôi là cây me. Cây me ấy, mặc dầu hơi chua một chút nhưng tán rất rộng, cành thấp, nên tôi tha hồ leo trèo và nghịch phá. Do đó, tôi ăn trên cây me, chơi trên cây me, học trên cây me, ngủ trên cây me và tắm cũng trên cây me. Nghe có vẻ là lạ nhưng thiệt 100% đấy. Tôi thường chơi trò nhảy từ cây me xuống dòng sông liu riu vào những lúc mưa to. Thật tuyệt! Từ trên cây me ùm một cái, nước bắn tung tóe, rưới mát cả lòng tôi, rưới mát cả sự nhớ quê của tôi. Đối với tôi, có thể tạm gọi đó là cõi “Tịnh độ tuổi thơ”.
Nói về chuyện bơi lội thì tôi chợt nhớ lúc ở quê, tôi rất thích bơi nhưng mẹ không cho vì sợ tôi hụt nước. Tôi phải nhờ thằng em giả đò xô tôi xuống sông. Quần áo ướt hết cả rồi nên tôi đành bơi vậy, tôi bơi tới, bơi lui, khá gấp gáp vì sợ hết giờ. Lúc đó tôi thấy cảnh các anh trèo lên cây tràm để nhảy xuống sông thật là thích thú. Tôi cũng muốn thử cảm giác mạnh ấy nhưng vì tôi nhỏ quá nên không dám nhảy. Bơi xong, lên bờ quần áo ướt sũng, hỉ hửng về nhà nhưng ngờ đâu vừa gặp tôi, mẹ liền hỏi: “Con tắm bơi à?” Tôi ngại ngùng, cúi mặt xuống đất và đáp lí nhí: “Dạ, tại thằng Linh đẩy con xuống sông, lỡ ướt đồ rồi nên con mới bơi ạ”. Hic… tôi giả đò hay thiệt đó nhưng liếc thấy thằng em đứng im lìm không nói gì, cũng dán mặt xuống đất, tôi chợt hối hận và thấy thương em ghê. Nhờ chiêu giả bộ ấy mà mẹ không đánh đòn tôi nữa. Sau này, mỗi lần nghĩ tới chuyện đó tôi thấy áy náy vô cùng. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ không làm như vậy nữa. Và tôi đâu ngờ rằng trò bơi bất đắc dĩ đó cũng là kỷ niệm cuối cùng của tôi ở vùng quê.
Vì vậy khi lên thành phố, tôi nhớ quê nhưng chưa bao giờ nói cho ba mẹ nghe cả. Tôi biết ba mẹ không có đủ kinh phí để gia đình về thăm quê. Tôi lên thành phố năm tám tuổi nhưng mãi tới lúc học cấp 2 tôi mới được về quê vì ông nội mất, bảo sao tôi không nhớ quê cho được. Nhưng ngồi yên nghĩ lại, có lẽ người nhớ quê nhất phải là ba tôi mới đúng. Tôi im lặng thở và nhìn vào nỗi lòng của ba.
Mẹ về
Ngày qua ngày, gia đình tôi mua được một căn nhà nho nhỏ gần một nghĩa trang cũng nho nhỏ. Lúc đầu, tôi sợ lắm vì mỗi lần về nhà là phải qua nghĩa trang đó. Năm giờ chiều là giờ giới nghiêm của tôi, tôi không dám ra khỏi nhà hay nhìn ra nghĩa địa. Một ngày nọ, hơn năm giờ mà ba mẹ vẫn chưa về. Tôi và em gái sợ quá không biết làm gì cả. Với đầu óc trẻ con, tôi nghĩ: “Khi con ma xuất hiện, nếu tôi ở trong nhà thì không thể chạy ra ngoài được vì lỡ con ma khóa cửa, nhốt hai chị em bên trong thì sao?” Thế là tôi khiêng cái thúng đựng gạo khá to, đặt trước cửa nhà và hai chị em ngồi im trong thúng, không dám nhúc nhích gì. Tôi đợi tiếng xe đạp của mẹ, đợi hoài, đợi mãi mà chẳng thấy. Lâu lâu tôi lén nhìn ra nghĩa trang, xem có bóng dáng gì không? Vô vọng và sợ hãi. Nhưng khi màn sương đang dần dần buông xuống phủ từng ngôi mộ cổ thì tiếng xe đạp mỗi lúc một gần. Sau khi dựng chân chống xe, mẹ ngạc nhiên nhìn hai chị em tôi đang ngồi co ro trong thúng. Biết ý, mẹ nở một nụ cười thật hiền. Thật lạ! Từ lúc mẹ về thì niềm hạnh phúc và bình an của tôi cũng về theo. Tôi chạy ra khỏi thúng, mếu máo và ôm chầm lấy mẹ, nước mắt cứ thế lã chã rơi. Cho tới giờ phút này, chỉ cần được thấy mẹ, ngồi bên mẹ hay chỉ nghe tiếng mẹ là tôi cảm ngay được niềm hạnh phúc và bình an của ngày xưa đó. Tình thương của mẹ là tình thương an lành nhất, mẹ sẵn sàng ôm tôi vào lòng khi tôi cần, mẹ hết lòng lắng nghe khi tôi chia sẻ hay mẹ lặng lẽ thức thâu đêm, đơn giản chỉ để làm quà tặng tôi. Mỗi lần nghĩ tới mẹ là tình thương trong lòng tôi như được ứa ra, rất ngọt ngào và ấm dịu. Tôi không hiểu tại sao nữa nhưng tôi biết một điều: “Mẹ là người bạn tuyệt vời nhất của tôi”. Còn ba tôi thì sao?
Những gì con chưa thấy
Nhà thơ Nguyễn Bính có một bài thơ khá nổi tiếng, đó là bài “Hoa và rượu”. Ba tôi cũng có một bài ca khá nổi xóm, ca suốt mười mấy năm nhưng luôn luôn còn mới, đó là bài “Lá và rượu”. Tôi chỉ muốn ba đổi bài hát mới nhưng hầu như đó chỉ là giấc chiêm bao và tôi đã thất vọng nhiều lần. Chính vì vậy mà tôi ghét chiều về. Hễ ánh sáng bắt đầu chập choạng thì ba hay sai tôi đi mua rượu. Ba nói mua một lít thì tôi mua ba xị, mua một gói thuốc lá thì tôi bảo ngoài tiệm hết rồi nên chỉ còn vài điếu. Có lần khi mua rượu cho ba, về đến giữa đường, tôi đứng lại thử bịt mũi, nhắm mắt, uống liều hai ngụm đầy. Sau vài phút, khuôn mặt tôi dần đỏ lên, tim đập loạn xạ rồi say bí tỉ. Thế là tôi phải nằm bẹp cả một buổi chiều. Hic… tôi tức lắm. Rượu có ngon gì đâu sao người lớn lại thích uống đến thế!
Vì vậy, khi nhìn cảnh mẹ làm quần quật từ sáng đến tối, còn ba khi đi bán hàng về lại uống rượu, tôi không buồn cũng lạ. Tôi càng thương mẹ bao nhiêu thì tình cảm tôi dành cho ba càng xa cách bấy nhiêu. Mặc dù tôi biết ba là người hiền lành, thật thà, hay giúp đỡ người khác. Thậm chí, những người ở quê thường gọi ba bằng một cái tên khá thân thuộc là “Hội đồng chùa”. Dưới quê, ai cũng thương ba cả, ba là một ngôi sao sáng đối với bà con. Còn với riêng tôi, tôi thấy lờ mờ sao ấy. Hay tôi chưa thấy được ánh sáng từ ba? Khi lớn lên, có lúc tôi cũng tự hỏi chính mình: “Sao cái nhìn của tôi lại chật hẹp đến thế, có thể tôi đã để cho những hình ảnh khác chiếm ngự trái tim nên không thấy những điểm sáng từ ba?” Đã có lúc tôi lập nguyện: “Sau này, nếu quen ai mà người đó uống rượu thì tôi sẽ nghỉ chơi ngay lập tức”. Cái đầu của một đứa trẻ thật khủng khiếp, tôi huân tập cái ý nghĩ đó từ ngày này qua ngày khác và trở thành một khối cứng ngắc như đá cuội. Tôi ghét RƯỢU… Do đó, cũng có lúc tôi ghét luôn cả ba (không chánh niệm một tý nào… hì… tôi giận luôn cả ba). Vì đó là bản chất tự nhiên của tính bắc cầu mà. Nói chung, những gì có liên quan tới rượu là kẻ thù của tôi. (Nhờ sống trong hoàn cảnh ấy, sau này em trai tôi không bao giờ uống rượu. Đó là niềm an ủi lớn nhất đối với tôi).
Bài học quý
Tuy tâm trạng tôi như vậy, nhưng sáng nào tôi cũng cùng các em thay phiên nhau ra chợ phụ ba mẹ bán hàng. Ba ở nhà xay cua, mẹ có sạp khác bán trái cây. Gian hàng của gia đình tôi chủ yếu là: cua – còng còn sống, cua xay, mắm tôm và thỉnh thoảng có bày bán trái cây. Khoảng chín giờ sáng, ba mới ra thay ca, tôi về nhà ăn cơm rồi đi học. Ngồi bán hàng, tôi không mời mọc gì, rảnh là tôi lấy tập ra học. Chắc vì vậy mà các cô chú bác ai cũng thương nên chị em tôi bán hàng khá được. Còn ba bán hàng rất có uy tín vì ba chưa bao giờ cân thiếu mà còn bán dư cho bà con nữa nên ai cũng quý ba. Tôi nhớ có lần, người bạn hàng kế bên lấn sạp của ba, những cô bán hàng khác liền mách với tôi. Sau đó, tôi nói nhỏ với ba nhưng ba rất bình tĩnh và nói: “Người ta nghèo mới lấn sạp của mình con ạ. Mình chỉ có vài mặt hàng nên không cần sạp rộng. Họ còn lo cho con cái đi học ở dưới quê nữa”. Nghe ba nói như vậy, tôi thấy xấu hổ và xúc động. Ba biết nhưng ba vẫn để yên vì ba có cái nhìn sâu hơn tôi. Kể từ đó, tôi thấy thương ba hơn và tôi cũng thương được cô chú bán tôm gian hàng kế bên. Vì tôi cảm được cảnh nghèo khó và chật vật của những người vùng quê. Tôi nghĩ đến nụ cười của hai đứa con cô chú, chợt lòng tôi được mở ra. Tôi thích đi học vì tôi muốn đổi đời. Chắc hai đứa nhỏ kia cũng vậy. Xóm chợ đó đã đem đến cho tôi nhiều tiếng cười và nhiều tình thương từ người bán lẫn người mua. Nhờ những tháng ngày buôn bán đó mà tôi đã lớn lên và phấn đấu cho tương lai hơn.
Thấu hiểu tận nguồn cơn
Khi học cấp ba, tôi bắt đầu tiếp xúc với pháp môn Làng Mai. Trong đó, có một bài pháp thoại mà tôi chỉ nhớ vỏn vẹn vài câu: “Bao tử mình cũng là một nghĩa trang thu nhỏ. Chúng ta có thật sự từ bi không? Bao nhiêu con vật đều ở trong bao tử đó. Ta có khác gì những loài vật khác”. Khi nghe câu này xong, tâm tôi thực sự bị đánh động, tôi khẽ khóc. Kể từ lúc ấy, tôi không muốn bán cua giúp ba nữa. Có lần tôi nói với ba: “Ba ơi! Hay mình đổi nghề khác nha ba, mình bán rau cũng được”. Ba tôi lẳng lặng một lúc rồi nói: “Có nhiều lần ba cũng muốn đổi nghề nhưng mình lỡ có mối mang khá nhiều. Ba đổi hàng khác thì không đủ tiền lo cho các con đi học”. Tôi nghẹn ngào và tiếp tục bán cua. Nhưng lần này thì khác, tâm ý tôi đã hoàn toàn thay đổi. Ngày trước tôi ước gì tôi bán thật nhiều cua, bây giờ tôi lại thầm niệm: “Mong rằng đừng ai mua cua về ăn cả. Và cũng đừng ai nhờ tôi xay cua”. Tôi cứ ngồi yên và cầu mong như vậy, trong tôi có một sự đối nghịch rất lớn. Một nửa, tôi mong cho ba bán được hàng nhưng hơn một nửa thì mong đừng ai mua cả. Cho tới bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác của ngày xưa ấy. Có một cô ngồi lựa từng con cua sống. Sau đó nhờ tôi rửa, xé mai và xay cua. Tôi đã xé số cua đó trong nước mắt, tôi không dám khóc ra ngoài nhưng nước mắt cứ chảy ngược vào trong, xé cua tới đâu lòng tôi thắt lại tới đó. Tôi thấy thương tôi và thương cả con cua nữa. Tôi không biết làm cách nào cho lòng được an, tôi đành thầm niệm: “Nam mô Đức Bồ tát lắng nghe Quan Thế Âm hãy tha lỗi cho con”, và mong những con cua đó hãy tha thứ cho gia đình. Vì sự sống còn trên Sài Gòn nên chúng tôi mới làm như vậy.
Nhưng khi lên cấp ba, tôi không còn đi bán nữa vì phải học xa nhà, tôi mừng lắm. Sau một thời gian, ba tôi cũng đổi nghề, không còn nhãn hiệu là ông “Tư cua” nữa mà thay vào đó là ông “Tư bắp”. Tôi vui quá, cười ra nước mắt. Tôi thầm biết ơn “Đức Bồ tát” và biết ơn ba đã thấu hiểu tấm lòng của chị em tôi.
Ấm lòng tình cha
Trước khi đi xuất gia, tôi bắt đầu đến chơi và tìm hiểu ba nhiều hơn trước. Nhờ những buổi uống cà phê tại Nét Xưa, tôi mới hiểu thêm một điều là không phải vì ba muốn uống rượu mà vì ba buồn nhiều, không biết chia sẻ cùng ai nên mượn rượu để lãng quên. Ba sống dưới quê quen rồi nên khi lên Sài Gòn không sánh kịp với người thành phố vì ba hiền lành quá. Mẹ tôi phải đứng ra gánh vác và là nguồn kinh tế chính của gia đình, vì mẹ đã từng sống ở Sài Gòn. Qua những buổi chiều cà phê đó, ba đã tâm sự cho tôi nghe rất nhiều về quá khứ của ba. Có những chuyện thầm kín nhất mà ba cũng kể cho tôi nghe. Tự nhiên tôi thấy thương ba tôi quá! Vậy mà hồi nào tới giờ tôi đã trách ba quá nhiều. Kể từ lúc đó, dường như ba bớt uống rượu hơn một chút.
Trước khi lên Bát Nhã tập sự, vào ngày cuối cùng ở nhà, tôi thỏ thẻ với ba: “Ba ơi! Ngày mai ba nghỉ bán được không? Hai tía con mình đi uống cà phê nha ba”. Ba đồng ý liền, tôi vui biết mấy. Sáng sớm, ba chở tôi trên chiếc xe máy thường ngày chở hàng. Tiếng sên bị khô dầu, quét vào máng kêu lộc cộc. Xe chạy rì rì, mỗi lần lên dốc tôi phải thở hồng hộc cùng xe. Tôi chợt nhói tim, nhưng nghĩ sau này ba sẽ đi chiếc xe của mình nên cũng an tâm hơn. Hai cha con ngồi uống cà phê tại một cái quán lụp xụp trước nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Bà chủ hay mở nhạc vàng và thỉnh thoảng lại có nhạc Trịnh Công Sơn mà ba thích. Hai cha con ngồi yên chờ cà phê nhỏ giọt, ngắm đường phố, ngắm người qua lại, ngắm sự sống của một đời người. Sương đã giăng đầy vai áo. Mặc dù xung quanh là nghĩa địa nhưng tôi thấy bình an và ấm áp lắm vì biết rằng bên tôi đang có ba. Ngày đó, tôi nói cho ba biết ý định đi xuất gia của tôi. Ba lặng lẽ một lúc rồi nói: “Mấy hôm nay ba biết được tâm ý của con. Con hãy chọn con đường mà con thấy hạnh phúc. Nhưng con nên biết rằng dù con ở đâu thì ba vẫn luôn ở cạnh con”. Thế là nước mắt tôi lại rơi vì chỉ có ba mới hiểu được nỗi lòng của tôi. Trong đại gia đình, ai cũng phản đối việc tôi đi xuất gia, chỉ riêng ba là người duy nhất yểm trợ tôi mà thôi. Câu cuối cùng ba dặn tôi: “Con à! Trong cuộc sống, học hơn người thì dễ nhưng học để thua người thì rất khó. Mình phải nhẫn được những gì mà người khác không nhẫn được thì mới gọi là kiên nhẫn nha con”. Tôi cảm động và thấy ấm trong lòng. Sau đó, tôi tâm sự với ba: “Ba ơi! Một ngày nào đó nếu ba không thấy con ở nhà thì ba đừng lo nhé. Vì lúc đó con đã ở chùa. Có một điều cuối cùng ba giúp con nha ba. Khi con đi xuất gia, ba chăm sóc bàn thờ giúp con nhé. Ba có biết không? Ước mơ lớn nhất của chị em con là mong cho ba bớt uống rượu để gia đình mình được hạnh phúc hơn”. Ba lại im lặng và nhìn vào khoảng không xa xăm. Ba không nói gì nhưng tôi hiểu ba cảm được nỗi lòng của tôi. Tôi nói vậy, vì biết rằng nếu ba không uống rượu thì ba mới thắp nhang lên bàn thờ được.
Lời của con
Thời gian trôi… Sau hai năm đi xuất gia, tôi được mẹ báo một tin vui: “Ba con không còn uống rượu nhiều nữa. Một ngày chỉ uống ba chung (ly) và xem tivi thôi”. Giọt nước mắt hạnh phúc chợt rơi trên má tôi vì đó là ước mơ chung của cả gia đình, mãi tới hôm nay mới trở thành hiện thực. Tôi biết người vui nhất chính là mẹ. Tôi vui vì khi tôi đi tu, ba tôi không còn “tu chai” nữa mà chuyển thành “tu chay”, dù chỉ được 50%.
Giờ đây, tôi cảm thấy sung sướng và may mắn khi tôi được làm “con gái của ông Tư cua”. Tôi chưa bao giờ mặc cảm vì phải bán hàng ngoài chợ, tôi chưa bao giờ mặc cảm vì nhà nghèo hay vì làn da phèn, mốc mốc của tôi. Tôi thấy tôi giàu có vô cùng vì tôi khám phá được kho tình thương mà ba mẹ dành tặng chị em tôi thật bao la vô tận. Cả cuộc đời của ba mẹ lam lũ, cực khổ cũng vì muốn đem đến cho tôi và các em những gì tốt đẹp nhất. Ba mẹ là nơi bình an nhất mỗi khi tôi nghĩ về. Giờ đây, tôi có thể chia sẻ những nỗi lòng ấp ủ này bởi vì tôi ý thức là ba đang còn đó cho tôi. Và tôi muốn gởi tới ba những lời sám hối chân thành: “Ba ơi! Con xin lỗi ba vì có những lúc khờ dại con đã từng giận ba hay đã từng khởi niệm không thích ba. Ai cũng có những góc khuất phải không ba? Con đã không sáng suốt nhận ra mà còn trách ba nữa. Con thấy hối hận vì những ý niệm nhỏ hẹp của con lắm. Ba hãy tha lỗi cho con nghen ba. Kể từ khi đi tu, con mới hiểu những việc âm thầm mà ba đã làm cho gia đình. Con được trở thành người tu như hôm nay cũng nhờ phước đức mà ba mẹ để lại. Con đang đi theo hướng đi của ba. Ba hãy nắm tay con cùng đi ba nhé!”
Con gái thương của ba
Bé Đen của cả nhà
(Chân Hiệp Nghiêm)