Có nhau nơi mỗi nụ cười

Bạn hiền thân quý,

“Thầy đi thì trò cũng đi thôi”, tôi đã từng viết như vậy. Thế là đã một năm Thầy ở Thái Lan. Và tôi, một năm khăn gói đi nhiều lần mà không ngờ. Nhìn lại một năm đi qua, tôi mỉm cười.  Bao nhiêu chuyện đã xảy ra mà mình quên lãng đi, đến khi ghi lại mới chợt nhớ như vừa xảy ra ngày hôm qua.

Tháng Giêng

Chúc mừng năm mới, chúc mừng năm mới!

Ngày đầu năm của Thái Lan, trời lạnh như mùa thu ở Pháp và không khí rất trong lành. Buổi sáng tôi dậy sớm, tươi tỉnh đầy năng lượng, lên thiền đường lạy Bụt xong rồi đem bình bát qua phòng sư em Hạnh Liên ăn sáng, tíu tít với nhau. Mấy khi có giờ chị em ngồi với nhau như những ngày cũ. Về lại cốc Thầy, gặp sư cô Quy Nghiêm dẫn các y chỉ muội người Thái lên đảnh lễ nên tôi rủ mấy sư em đang có mặt lên thăm Thầy luôn. Thầy khỏe, nên các sư em Như Hiếu, Thư Nghiêm, Trăng An Lạc và tôi cũng được Thầy sờ đầu. Năm nay hên rồi bạn hiền ơi.

Vậy đó, nhưng sức khỏe Thầy vô thường, khi được khi không. Có những ngày Thầy bỏ cả thuốc, bỏ cả ăn, không ngủ được. Khi nào Thầy chịu ngồi trước mâm cơm là ban thị giả vui quá chừng. Bà con ở Việt Nam nghe tin Thầy về Thái Lan, rủ nhau qua rất đông để được gặp Thầy. Những giọt nước mắt nhớ thương, những chắp tay chờ mong rất cảm động.

Giữa tháng, Thầy lên bệnh viện ở Bangkok để tái khám. Thầy ở lại nhà thương Bumrungrad International, ban thị giả thì ở một khách sạn cũ đối diện nhà thương để tiện việc qua trực và đem cơm cho Thầy. Phòng Thầy ở bệnh viện có chỗ tiếp khách và để bác sĩ ngồi bàn luận nên khá thoải mái. Bác sĩ thì rất là lễ độ, vị nào vào cũng lạy Thầy rồi mới làm việc. Bác sĩ làm tất cả các khám nghiệm cần thiết cho Thầy và mời ban thị giả họp chung để cho biết kết quả rồi cùng bàn cách chữa trị. Thị giả nấu ăn thì sẽ gặp chuyên gia dinh dưỡng để biết nên cho Thầy ăn và không ăn những gì. Chế độ ăn kiêng theo bác sĩ Hyman cũng đã một năm rồi nên phải kiểm tra lại. Thầy nghe báo cáo, hài lòng, giơ tay lên ngực như đồng ý và cám ơn mỗi khi nghe báo cáo về tình hình và cách chữa trị của mỗi phần: vật lý trị liệu, thuốc men, ăn uống… Thầy ăn ngon trở lại nên thị giả nấu ăn vui quá.

Sau một tuần ở Bangkok, Thầy về lại Làng, nghỉ ngơi, có vẻ không mệt lắm nhưng ăn ít lại. Tuy nhiên sau đó Thầy ra dự lễ dựng nêu và tụng kinh. Thậm chí buổi tối nấu bánh chưng Thầy cũng ra dự. Trời ơi, Thầy mới không khỏe đó mà cũng khoác áo ấm ra ngoài. Tôi đang đi lơn tơn thì gặp xe Thầy đang được đẩy qua cái cổng tam quan treo đèn sáng choang mà ban chăm sóc dựng lên đón Tết ở khu vực các sư cô. Thế là được tháp tùng Thầy đi thăm phòng ở ni xá 1. Ở phòng đầu tiên có không gian, Thầy xuống xe nhờ thị giả đỡ để đi bộ một vòng nên Phật tử cư sĩ đi theo (không vào cư xá được nhưng đều thấy được Thầy từ bên ngoài), quá hạnh phúc. Sau đó, các sư em gia đình Sồi Đỏ được lại gần chào Thầy. Thầy vui lắm, có lúc mỉm cười nên ai cũng cảm động.

Tết Tết Tết

Mùa Tết cũng là mùa hoa. Tôi mê quá những cây lan nghinh xuân đủ màu vì ở Pháp làm gì có. Thế là đi chợ hoa suốt. Tôi mua được khoảng chục chậu nghinh xuân trắng, nhờ sư em Đáo Nghiêm ghép vào cây gỗ rất nghệ thuật đem treo trên cốc Thầy. Tôi cũng mua được một chậu tiểu quỳnh màu trắng nở hoa thơm ngát cho phòng mình. Các thầy chở tới hai cây mai khá to và hai cây đào Việt Nam mua ở Lao Bảo. Bao năm rồi không thấy mai thật, đào thật, tôi hớn hở: “Tết này ăn to rồi”.

Sức khỏe Thầy vẫn không ổn định, Thầy không ăn được mà cũng không uống thuốc. Nhưng đêm ba mươi Thầy ra dự lễ đón Giao thừa, ngồi rất bình an và dự nguyên buổi lễ, sau đó dẫn mọi người tới chỗ đốt lời khấn nguyện đầu năm.

Tôi khai bút trên giường. Viết lại những niềm vui nho nhỏ trên đất Thái. Niềm vui lớn nhất là Thầy vẫn còn đó, dù mồng một Tết Thầy không khỏe đủ để ra thiền đường cho chúng đệ tử làm lễ chúc Tết đầu năm.

Tôi dự buổi bói Kiều xong về lại cốc Thầy, mở quà Tết của tăng thân ra cho Thầy xem, rồi xin phép đi thăm tăng xá và thế là đi chơi cả ngày. Có cơ hội chơi với các sư em quá vui. Phòng nào cũng thăm, cũng ăn một chút kẻo phụ lòng người nấu nên cái bụng muốn đình công. Mà công nhận các thầy, các sư chú nấu ăn ngon quá. Có phòng cho người ra “mời vào” giống mình đi xe đò giữa đường có người ra mời vào quán ăn. Ban chăm sóc làm sẵn cho tôi bao lì xì, chu đáo cho mượn trước tiền lẻ nữa để bảo đảm tôi có đủ lì xì cho mọi người, không sót ai. Thiệt là vui, một cách nhắc nhở vô cùng khéo léo. Nên tôi đi lòng vòng xài cho hết, nhưng có phòng tôi còn được mừng tuổi lại nữa chứ. Tôi đi thăm hai cư xá nữ vào mồng 2 và mồng 3, cũng ăn, chơi, lì xì, đủ ba ngày Tết rộn ràng.

Thầy đau suốt từ mồng 1 tới mồng 4 mới đỡ. Không muốn ăn, không ngủ được. Ai cũng lo và căng thẳng. May sao tới mồng 5 Thầy khoẻ lại, ăn lại được chút chút. Nhưng sức khỏe sa sút hẳn.

Mồng 4, thiền sinh Việt Nam bắt đầu tới cho khóa tu, tôi theo tri khố Thuần Minh đi chợ vựa trái cây cho biết. Xe chạy gần ba tiếng mới tới nơi. Chợ gồm nhiều dãy nhà, mỗi dãy lớn gấp đôi chợ Hòa Bình ở Đà Lạt, và bán chuyên vài thứ là đã hết chỗ. Trong mỗi nhà có nhiều sạp, khoảng cách lớn đủ cho xe tải chạy qua. Tôi hoa mắt với cả chục loại xoài, cả chục loại chuối, gần chục loại thơm khác nhau. Chỉ đi nếm thử trái cây là no. Nhưng ở đây cũng có bán trái cây Trung Quốc, nên phải biết chỗ để mua cho đúng trái cây Thái Lan. Đi có mấy dãy là tôi mỏi chân rồi. Đúng là chợ bán sỉ, sư em Thuần Minh chỉ việc chọn, cho số xe, trả tiền rồi kéo tôi đi chỗ khác, còn hàng sẽ được người bán đóng gói và đem thẳng ra xe tải của mình.

Mồng 5, khóa tu cho người Việt bắt đầu. Tôi bước xuống cầu thang bị hụt chân nên té… trặc chân. Đầu năm rồi, đâu còn xả xui nữa? Thế là nhảy lò cò, băng chân, xức thuốc, nằm trên giường đọc sách. Nghe nói Thầy khỏe hơn, đi ra được, vui vẻ, đi vòng quanh thiền đường tới ba lần, thiên hạ đang pháp đàm quanh khu vực đó quá là hạnh phúc.

Cuối khóa có hội chợ và văn nghệ, thấy thị giả ra tham gia hết, tôi hỏi thăm thì nghe nói Thầy lại không ăn và không uống. Cứ bữa khỏe bữa không. May có bác sĩ Quốc từ Mỹ qua. Bác sĩ Quốc chỉnh đủ chỗ hết. Thầy khỏe nên lại đi chơi ni xá 1, và tối ra sân cho các sư em Diệu Trạm cầm tay, hát và chào. Sau đó Thầy vào nhà bếp, không ăn, nhưng “an ủi” hai đầu bếp, hết nắm tay lại sờ đầu.

Mấy ngày sau, Thầy khỏe đủ để đi thăm tăng xá, cười hoài với các sư em nhỏ. Ai nghe tin Thầy cười là vui.

Đại Giới Đàn

Ngày 22.02, Thầy ra dự lễ truyền giới nam khất sĩ và đắp y nữa. Ai cũng cảm động. Nhưng Thầy mệt hơn năm ngoái nên chưa làm lễ xong đã ra hiệu cho thị giả đẩy xe rời khỏi bàn. Buổi chiều Thầy mệt, không ra chứng minh cho lễ truyền giới nữ khất sĩ được.

Hôm sau, Thầy xuống ni xá 1 thăm chư tôn túc ni tới từ Việt Nam. Thầy ngồi ăn sáng với quý sư bà. Thầy ra dấu mời ăn, và thậm chí nhận miếng bánh mì một sư bà mời để tiếp quý ngài. Thầy có vẻ thú vị lắm. Thấy tôi ló đầu vào nhìn, Thầy làm dấu khoe: “Thầy ăn bánh mì nè” (vì biết tôi hạn chế món này trong thực đơn của Thầy theo lời dặn của bác sĩ). Sau đó có quý Ôn xuống chào từ giã, được chụp hình lưu niệm với Thầy. Thầy dễ thương lắm. Khỏe đủ là ra tiếp khách, ra thăm quý ngài đã lặn lội từ Việt Nam qua chứng minh cho Đại Giới Đàn. Thấy sự có mặt của Thầy rất trọn vẹn dù Thầy không nói.

Bốn ngày sau, Thầy chịu lên Saohai hospital, một nhà thương đông y của huyện. Ở đây có một dãy phòng dành riêng cho tu sĩ. Theo truyền thống Thái Lan, các vị khất sĩ nếu có bịnh ghé lại sẽ có chỗ ở và được chữa trị miễn phí. Phái đoàn thị giả thì ở ngoài: nam ở trong nhà của giám đốc bệnh viện, còn nữ ở ngay trong một phòng khách mà họ đã sắp xếp lại thành phòng ngủ và bếp để nấu cho Thầy. Thầy đi quanh, thăm mọi nơi, xong vào bếp dùng cơm ngon với các sư con bao quanh. Ai cũng hạnh phúc vì Thầy ăn được, ăn đủ, ăn ngon.

Vậy mà ai ngờ hôm sau Thầy muốn về lại Làng Mai Thái khi chưa được chữa trị gì hết. Nên bác sĩ sẽ đem thuốc đến tận Làng làm cho Thầy.

Hồng Kông

Tháng ba, tôi có duyên sự bay qua Hồng Kông mấy ngày. Tôi được dự một ngày quán niệm ở chùa Liên Trì, nghe sư em Thuận Nghiêm thuyết pháp hay quá. Ở đây bắt buộc phải nói tiếng Anh nên các sư em đầu tư nhiều cho việc giảng dạy bằng tiếng Anh. Tôi nhìn những cuốn kinh tiếng Anh dầy cộm trên bàn học của sư em Trang Nghiêm mà phục lăn. Nói gì thì nói chứ tiếng Việt vẫn lọt vào đầu tôi dễ hơn nên tôi lười đọc tiếng Anh quá chừng. Nghe nói sư em Lương Nghiêm tính về thăm Thầy cuối tháng, tôi rủ rê sư em đi về chung cho có bạn mà trong bụng biết rằng nếu sư em chịu ở Thái là Thái lời to, có thêm một giáo thọ dạy bằng tiếng Anh.

Tháng ba, tôi bận rộn đi mua hoa và trồng hoa cho ni xá 2 khởi sắc một chút. Nắng nóng và đất khô. Nói về phong thủy thì đúng là thừa phong thiếu thuỷ. Có được mấy cái hồ trong vườn thì ếch nhái kêu um sùm không ai ngủ được nên bị lấp lại hết cả. Sức khỏe Thầy cũng vẫn ngày khỏe ngày không. Có hôm khỏe nên đứng lâu được trên máy tập đứng, hai tay được tự do không phải nhờ vào tay thị giả nên giơ tay chào mọi người, cười vui. Hôm sau lại không khỏe phải đi nhà thương Pak Chong để xét nghiệm máu và truyền đạm. Mùa này có những cơn giông to nên trời nóng hầm hập. Và một ngày mưa to, tôi từ cốc Thầy đi xuống bị trượt chân, không chụp ếch vì chụp kịp cầu thang, nhưng nguyên một bên người bị xây xát và bầm tím. May có sư cô Ngọc Đông chườm muối gừng cho tan máu. Ôi, ở Thái mới có ba tháng mà tai nạn hai lần. Chắc mình sắp thuộc dạng tay yếu chân run rồi…

Cuối tháng, thầy Pháp Niệm đi Việt Nam về, kể chuyện khóa tu ở Việt Nam. Thầy đang nằm trên võng bỗng ra dấu muốn đi Việt Nam làm ai nấy giật mình nhìn nhau. Ban thị giả đoán là Thầy hơi chán ở nhà rồi nên sư cô Linh Nghiêm tổ chức mời Thầy đi thăm núi Khao Yai. Thầy vẫn đi bằng xe cứu thương như thường lệ, còn ban thị giả ngồi trên hai xe van khác. Đi được một chút thì lạc mất xe Thầy. Tôi liên lạc chú tài xế lái xe thì mới biết xe Thầy tụt lại phía sau vì Thầy bảo đi chậm để ngắm cảnh. Chúng tôi cười khúc khích. Chắc trong đời lái xe cứu thương, đây là lần duy nhất chú tài không phải chạy hết cỡ để đi cấp cứu, mà lại chở bệnh nhân đi chậm chậm để ngắm cảnh.

Xóm Mới mùa xuân

Cuối tháng ba, tôi quay về Pháp để làm lại thẻ tạm trú, sẵn dịp kiểm soát hồ sơ kế toán luôn. Mùa này hoa nở quá đẹp, nhưng trời lạnh như mùa đông. Xóm Mới ngổn ngang vì đang xây mấy con đường cho người đi xe lăn theo yêu cầu của chính quyền. Khu nhà vệ sinh công cộng cũng gần hoàn thành. Các sư em vui vẻ và đầy năng lượng. Chị lớn đi hết thì các em lớn lên thôi. Trời ở Pháp mùa xuân đẹp lạ lùng. Nên tôi cứ đi vòng vòng ngắm hoa lá cỏ cây và đi chơi với các sư em, mấy ngày sau mới chịu làm việc. Các sư em thương, cứ để trên bàn học khi thì trái bơ, khi thì hũ yogurt. Sư em Hoằng Nghiêm ở chung phòng còn tình nguyện mỗi đêm rang muối với gừng cho tôi chườm chân cho đỡ đau nữa. Sướng chưa, ở trong tăng thân là được cưng vậy đó. Tôi dọn dẹp lại khu vực ở của mình. Đi theo Thầy miết nên phòng cũng để trống bao lâu nay. Nhìn cuốn lịch treo tường còn giữ nguyên tờ lịch tháng Mười một năm 2014, bỗng thấy hơi xốn xang. May là Thầy qua khỏi, chứ nếu không nhìn cuốn lịch như bị dừng lại từ ngày đó chắc đau lòng lắm. Dẹp bớt đồ, bỏ đi mấy thứ mà thấy như có thêm rất nhiều chỗ. Nghĩ tới tâm mình, muốn có không gian thì cũng phải dẹp bớt, bỏ bớt đi thôi.

Tin tức từ Thái qua cũng rất vui là Thầy muốn tập nói lại, và chịu đi Resort Wangree dự khóa tu gia đình dành cho người Thái sắp tới.

Biển Hua Hin

Cuối tháng tư tôi về lại Thái Lan, nhập vào ban thị giả đang cùng Thầy ở Bangkok. Sau khi dự khóa tu ở Wangree, Thầy không về Làng mà ở lại thêm cả tuần rồi đi tiếp lên Bangkok để làm khám nghiệm. Sư cô Linh Nghiêm mời Thầy sau đó đi biển Hua Hin đổi gió. Có một thiền sinh Thái cúng dường chỗ để Thầy ở, đó là nhà nghỉ hè của gia đình cô và ban thị giả thì ở nhà các bạn cô. Thầy đồng ý. Thế là cả nhà náo loạn vì sắp xếp vali, giặt đồ, dọn dẹp. Thị giả nấu ăn mới là vất vả, đóng gói từ cái nồi cái chén đến đồ khô đồ tươi… Lại không biết chỗ ở mới bếp núc ra sao, nấu nướng thế nào. Từ Bangkok đến Hua Hin cũng phải hai tiếng đồng hồ.

Bảy ngày ở biển đổi gió cho cả Thầy lẫn trò. Nhà cô thiền sinh trong một chung cư sát biển nên Thầy ở một căn, thị giả nấu ăn một căn, còn thị giả trực ở trong một chung cư kế đó. Ai rảnh là ra biển nên người nào cũng đen mặn mòi. Thầy cũng ra biển được một ngày. Biển ấm và lặng. Các thị giả đẩy xe tới biển và đỡ Thầy xuống nước luôn. Thầy Đồng Trí đỡ đầu Thầy khỏi mặt nước và Thầy cứ chỉ tay ra biển để đi xa thêm. Một hồi Thầy ôm đầu thầy Đồng Trí cám ơn. Ai cũng quá vui. Thầy tắm khá lâu, lên bờ bị lạnh dù khăn quấn rất kỹ, bởi vì tuy nói nhà sát biển nhưng đẩy xe vào cũng mất thời gian. Buổi chiều không ai ngờ Thầy lại ra biển. Chúng tôi sắp xếp để dựng cái lều ngay trên bãi cát cho Thầy đỡ bị gió, nhưng mấy ngày sau Thầy chỉ nằm trong phòng ngắm biển, không ra ngoài nữa cho tới ngày muốn về lại Làng.

Việt Nam

Sức khỏe người lớn tuổi rất thất thường, nên Thầy khỏe đó lại không khỏe đó. Thầy nằm nghỉ nhiều, ăn ít, cũng ít tập vật lý trị liệu. Bác sĩ đổi thuốc nên càng làm Thầy biếng ăn. Tôi uống nước chanh súc ruột, không mệt mà lại có nhiều năng lượng để làm vườn. Tôi chăm sóc giàn lan, làm cái hàng rào bằng hoa giấy cho khu vực đi vào quán sách đẹp hơn. Và tìm hiểu thêm về dinh dưỡng cũng như món ăn thích hợp cho Thầy. Loay hoay là hết giờ. Nhưng lòng đỡ chộn rộn lên xuống theo sức khỏe Thầy.

Hôm qua trên đường về ngắt một nụ ngọc lan, lòng bâng khuâng nhớ tới bà ngoại là người ưa giắt hoa ngọc lan nơi tai. Buổi tối, đóa hoa nở to trên chiếc dĩa bỗng dưng làm tôi vui vô cớ.

Các thầy làm một cái hồ trước cốc Thầy thật đẹp. Có ba cây đại và một bầy cá tung tăng là có chỗ để Thầy ngắm rồi. Thầy mệt, ăn ít, sức khỏe lại sút. Lại đi Bangkok khám nghiệm, chụp hình. Nhưng cũng có ngày Thầy khỏe được chút ít lại đi vòng vòng, xoa đầu thị giả làm ai nấy cười hớn hở.

Tháng Sáu, tôi có cơ hội về Việt Nam vì phải làm visa tạm trú một năm ở Thái. Có cơ hội thăm nhà và thăm các sư em. Cô nhân viên quầy vé tôn trọng người tu nên cho tôi ngồi ghế số nhỏ, gần như một mình với những hàng ghế vắng tanh, ra thì được đi trước nên khỏe quá. Nhưng chờ làm visa và xếp hàng qua hải quan tới hơn một tiếng vì người đi du lịch rất đông. Có hề gì, đứng đâu cũng là thiền nên tôi cứ theo dõi hơi thở và cười. Bay tới nơi bình an là tốt rồi. Cô Xuân đưa tôi về nhà. Hôm sau tôi đi nộp giấy tờ, ghé thăm các sư em ở Trạm Tịch thật vui. Thời gian gặp ngắn nhưng tình đầy.

Ngày kế là giỗ bà ngoại, tôi phụ dì Diệu Hảo nấu cúng giỗ, gặp được gia đình anh chị Tô và gia đình Đô. Gia đình ngoại ở Việt Nam chỉ còn chừng đó. Ngày hôm sau đóng cửa nhà: dì Diệu Hảo bay đi Hồng Kông, tôi bay ra Huế. Diệu Trạm ngày càng khang trang và cân đối hơn nhờ miếng đất vườn bên. Đi đâu cũng là nhà, tôi thoải mái trong tình thương của chị em, trong ly trà sen rất thơm buổi sáng tiễn tôi vào Đà Nẵng. Tôi đi một mình, hành lý thì quá ký vì xách bao nhiêu là quà quê hương về cho Thầy nhưng cô tiếp viên Air Asia dễ thương quá đi thôi, chẳng những không nói chi mà còn cố gắng xếp cho tôi ngồi ghế hàng đầu, và một mình một dãy. Kiểu này chắc sẽ chọn Air Asia dài dài.

Cuối tháng, từ khi tôi về lại Làng thì Thầy bịnh suốt, càng ngày càng yếu, không ăn mà cũng không uống. Thầy đuối sức nên cuối cùng chịu truyền nước biển. Nhưng tới lúc sức khỏe Thầy khá hơn nhờ sư em Thao Nghiêm đem được đúng thuốc từ Pháp về thì tới lúc tôi làm vườn bị ong đốt. Tuần trước tôi cũng bị đốt nhưng chỉ hai ngày là hết. Kỳ này chắc trúng ong độc nên tay tôi sưng vù, nhức nhối, dùng mấy loại thảo dược tự nhiên không kết quả mà khi dùng thuốc xức vết cắn côn trùng (rất hiệu nghiệm khi mới bị cắn) thì da bị phỏng luôn. Tôi phải ra nhà thương chích thuốc kháng sinh, thuốc tenanus, rồi thay băng mỗi ngày và uống trụ sinh luôn năm ngày mới bình thường trở lại. Dễ sợ thiệt. Thôi thì cũng phải có chút tai nạn nghề nghiệp chứ, tôi tự bảo vậy. Nhưng chỗ bị phỏng thành sẹo luôn.

Ngày Đối thú an cư đến, tôi tự dưng thành người lớn nhất vì sư cô Đoan Nghiêm đi chưa về, Sư cô Chân Không thì còn ở Pháp. Ngày đếm thẻ tôi ngồi chuông mà thấy như lúc ở Bát Nhã. Trời, vậy mà tăng thân đi qua được gần chục năm, dìu nhau mà đi, mà lớn. Vẫn cái cảm giác người nhỏ thì quá đông mà người lớn thì ít.

Tháng Bảy

Hợp thuốc nên Thầy ăn lại được, ăn nhiều và ăn ngon nên mấy thị giả nấu bếp mừng quá. Thầy ăn như trả bữa, như bù lại cho những lúc muốn mà không ăn được. Hay là Thầy ý thức lúc nào ăn được thì ăn để phòng cho những khi cơ thể không chịu tiếp nhận thức ăn? Nhưng tôi thấy Thầy ăn nhiều bữa thì rất tốt cho người già, nhất là đồ ăn của Thầy dễ tiêu hóa vô cùng. Thầy khỏe lại từ từ. Tới gần cuối tháng Thầy ăn trở lại ngày ba bữa. Đã có sức hơn, tập đi nhiều hơn, tăng cân, uống thuốc đều. Trời ơi mừng dễ sợ.

Thầy đi Việt Nam

Tháng Tám, bác sĩ Quốc qua. Bác sĩ chỉnh xương lại cho Thầy từ chân tới đầu, nên hệ thống tiêu hóa khá hơn. Bác sĩ nhận thấy dây thần kinh ở chân phải của Thầy đã sống lại cho đến bắp chân. Sự hồi phục tuy chậm nhưng có là quá vui rồi, lúc ở Pháp thì chỉ mới sống lại đến bắp đùi thôi. Hôm 5 tây, bác sĩ Quốc nói là tay phải Thầy đã tự duỗi ra (trong lúc Thầy đang ngủ). Thật là một tin mừng. Tàng thức Thầy “le” quá. Thần sắc Thầy tươi hơn, sáng hơn. Thầy ăn được và ăn nhiều. Có sức thì ngồi lâu xem pháp thoại, tập phát âm.

Giữa tháng, không hiểu vì sao Thầy lại không ăn được nhiều, người yếu trở lại. Và Thầy ra dấu muốn đi Việt Nam. Năm tháng rồi, không ngờ Thầy vẫn còn ý đó. Sư cô Chân Không thì còn đang ở Pháp cho khóa tu mùa Hè, ban thị giả bàn tán, tính toán. Hai sư cô Định Nghiêm và Linh Nghiêm sắp xếp để Thầy đi “chơi xa” trước xem Thầy có còn giữ ý đi Việt Nam hay chỉ đơn thuần là muốn đi xa thôi.

Thế là tối đó, ban thị giả và Thầy tới Khao Yai, ở một resort của cô Phật tử người Thái. Ban thị giả nấu ăn chọn ở nhà để tiện nấu nướng vì đem cơm tới chỉ mất có 20 phút. Không ngờ tới nơi Thầy ra dấu rất rõ ràng là Thầy-muốn-đi-Việt-Nam chứ không phải chỗ này. Sáng hôm sau, ba chị em chúng tôi lên thăm để xác nhận lại ý muốn của Thầy. Tôi e-mail cho Sư cô Chân Không: “…ý Thầy rất rõ và rất quả quyết. Nói gì Thầy cũng cắt ngang, giơ tay ngăn không cho nói, chỉ đến khi chúng con hỏi là: “Có nghĩa là tụi con muốn làm gì thì làm, miễn sao đưa Thầy về Việt Nam thôi phải không?” thì Thầy mới gật đầu. Thầy thì không nói mà chúng con thì không được nói, chỉ nhìn nhau thở dài…”  Tôi nghĩ bụng: “Thầy là con cháu thiền sư Vô Ngôn Thông mà”.

Tin tức báo ra, mỗi người một việc để chuẩn bị. Ai cũng nghĩ là sau đó có thể Thầy ở luôn Việt Nam, hay không về lại Thái mà đi thẳng Mỹ hay Pháp gì đó.

Ngày 22, Sư cô Chân Không từ Pháp về, tôi rủ Sư cô sẵn xin visa đi Việt Nam thì về Việt Nam trước ít ngày để đi thăm Sư thúc Chí Mãn vì Sư thúc đang bệnh nặng và thăm chỗ ở của các sư em gái luôn. Sư cô cũng rất “chịu chơi”, ngày 24 lại tiếp tục ra phi trường đi với tôi và 26 về lại Thái. Trong khi đó ở Thái, Thầy đi bệnh viện kiểm tra lại sức khỏe trước khi lên đường.

Cuối tháng Tám, Thầy về Việt Nam, một chuyến đi chỉ được chuẩn bị trong vòng mấy ngày. Một số thị giả đã về trước để chuẩn bị chỗ ở và bếp núc cho Thầy. Bác sĩ bệnh viện Thái để Thầy đi chuyên cơ chở bịnh nhân của bệnh viện, và bác sĩ đích thân đi theo cho yên tâm. Sau đó ông theo máy bay trở về liền. Thầy trò được sắp xếp ở trong ba căn hộ của Ocean Village. Về tới quê hương, Thầy vui, nhưng sau đó thì nằm mẹp. Tôi không nằm mẹp nhưng bị cảm và tắt tiếng vì cả tuần lễ ăn ngủ thất thường, lo tổ chức cho chuyến đi. Ai cho gì cũng uống, chỉ mong mau lành bịnh. Khách kéo tới tấp nập nhưng không mấy ai được gặp Thầy. Có một hôm Thầy khỏe, qua khu nhà thị giả ở ăn trưa, các Phật tử tình cờ có mặt ngày hôm đó hạnh phúc quá chừng. Sư thúc Chí Mãn cũng tới thăm Thầy dù đang không khỏe. Ngày 03.09, Thầy ra dấu muốn đi về chùa Tổ. Buổi sáng, Thầy đồng ý để hôm sau đi nên ban nhà bếp còn tình tang, buổi trưa Thầy muốn đi liền, thế là… chạy. Tôi thu xếp cho xe nhà bếp về thẳng Diệu Trạm để nấu nướng cho kịp buổi ăn tối, còn xe Thầy và ban thị giả đi qua Từ Hiếu. Thầy đi lễ các nơi, vào phòng rồi thì tôi mới qua lễ Bụt ở thiền đường Trăng Rằm. Các anh chị em Diệu Trạm, Từ Hiếu vui quá chừng chừng vì có ai ngờ lại có ngày được gặp Thầy ở Việt Nam.

Sáng hôm sau, tôi qua chùa Từ Hiếu thì gặp lúc Thầy đi thăm các nơi. Tôi được tháp tùng theo, bước từng bước chân trên đất Tổ mà nhớ tới mười hai năm trước đón Thầy ở cổng Tam Quan, Thầy đã hỏi tôi: “Đây là mộng hay là thực hả con?” Bây giờ với sự hiện diện bất ngờ của Thầy ở chùa Tổ, chắc cũng có lắm người đang tự hỏi là mộng hay là thực. Đi thiền hành với Thầy xong, tôi về lại Diệu Trạm ăn trưa trong tâm trạng rất thảnh thơi. Ngồi chơi với các sư em, bao nhiêu là chuyện để mà hàn huyên thì được điện thoại của sư cô Hỷ Nghiêm là Thầy đã lên xe rời Huế. Ôi trời, tôi lên khu vực nấu ăn báo tin cho thị giả nấu ăn biết rồi đi sắp xếp xe. Tội nghiệp, các sư em nấu ăn vừa soạn vali ra, sắp xếp xong mọi thứ để chuẩn bị nấu ăn lâu dài thì lại đóng gói bỏ vào vali.

Về lại Đà Nẵng được hai ngày, dưỡng sức xong Thầy muốn về lại Thái. Ngạc nhiên nhưng ai cũng vui, vì ở Thái có đầy đủ phương tiện để Thầy tiếp tục chữa bệnh, và vì Thầy muốn về Thái chứ không phải về lại Pháp hay đi Mỹ.

“Walk With Me” (Bước chân an lạc)

Thầy rời Việt Nam đột ngột nên nhiều đoàn kéo đến thăm Thầy mà không kịp. Ban thị giả cũng về, chỉ còn hai sư cô nấu ăn dọn dẹp giờ chót và tôi về ngày hôm sau. Vì còn ở lại nên tôi tiếp các đoàn “tới trễ” vì đã “lỡ đi rồi mới nghe tin Thầy đã rời Việt Nam”. Ngày cuối trước khi ra phi trường còn tranh thủ lên núi Sơn Trà ngắm cái cây ngàn tuổi. Từ trên núi nhìn xuống biển thấy cảnh thật đẹp và bình yên.

Ngày 07.09, tôi rời Việt Nam mà không ngờ là mấy tiếng sau đó thì có tin sư thúc Chí Mãn tịch. Thật đột ngột! Như vậy là Thầy lại mất thêm một người em thân thiết. Đại chúng ở các đạo tràng các nước đều làm lễ hộ niệm cho Sư thúc. Không ai dám cho Thầy biết tin.

Giữa tháng Chín, Thầy đi Bangkok dự buổi công chiếu phim “Walk with me”. Thầy đi có mấy ngày nên hai đội nấu ăn là đủ, tôi xin ở nhà để dọn dẹp và giải quyết công chuyện còn tồn đọng. Nghe nói Thầy vui, ăn nhiều, ngủ được. Hai hôm sau tôi theo xe lên xem phim, lại còn tranh thủ đi tới hai chợ để mua đồ ăn cho Thầy nên vào rạp trễ năm phút. Vì vào trễ nên thấy ghế nào trống thì ngồi đại xuống, ai dè nhìn quanh mới biết tôi đang ngồi ở hàng ghế cuối cùng dành cho thị giả (còn thị giả thì mắc ngồi quanh Thầy dưới đất), cách Thầy hai cái ghế. Phim coi trong rạp có không khí khác hẳn phim chiếu trên màn hình rộng ở thiền đường. Đầu buổi có màn đứng dậy chào Vua Thái nữa. Rồi sau vài hôm thì Thầy về, mệt, ăn ít, cả tuần sau mới lại sức.

Đầu tháng Mười, ‘có tin’ phim sẽ được công chiếu ở Việt Nam. Tôi đem bản dịch kịch bản đối chiếu với những đoạn trong Nẻo về của ý để sửa lại và đọc cho Thầy nghe. “Thầy cũng tham gia vào việc chỉnh sửa văn Thầy nhé”, Thầy gật đầu.

Ngày nào có tin về các buổi công chiếu ở các thành phố tôi cũng lên kể Thầy nghe. Dự kiến là đầu tháng 11 đã có thể ra mắt buổi chiếu phim đầu tiên. Để xem sao, nhanh quá không biết có làm kịp không. Nhưng ban tổ chức rất hết lòng. Thời tiết khó chịu quá, vừa hầm lại vừa ẩm nên nhiều người bịnh. Thầy cũng không khỏe đã mấy ngày, từ hôm trung thu ra hành lang xem các sư con rước đèn. Sư cô Chân Không phải đi bệnh viện vì ho quá.

Ngày 11.10, ngày Tiếp nối của Thầy mà Thầy không khỏe lắm. Tứ chúng họp lại dưới sân rồi nên rốt cuộc Thầy cũng chịu đi xuống sân cho tứ chúng đảnh lễ. Thầy Pháp Niệm mở cuốn Vườn Ươm ra cho Thầy xem. Đại chúng tác bạch, lạy xong, thị giả đang không biết làm sao để Thầy được vào nghỉ ngơi sớm thì trời bỗng đổ mưa, tuyệt vời. Thầy cười. Mọi người tìm chỗ tránh mưa. Thị giả đưa Thầy lên gác. Cơn mưa đổ xuống thật nhanh và gần như dứt hạt liền nên Thầy ra ngoài hành lang ngồi cho mọi người đứng dưới nhìn lên chắp tay, và sau đó là màn vũ theo kiểu thái cực quyền của các sư em Diệu Trạm dưới mưa rất dễ thương. Buổi chiều sư em Kỳ Nghiêm đem sách của Thầy in ở Việt Nam lên để đầy cả phòng như đang triển lãm, Thầy rất vui.

Chúc Thầy mau khỏe lại và sống lâu với tụi con Thầy nhé!

Mùa thu xóm Mới

Giữa tháng Mười, tôi lại về Pháp vì có cái hẹn khai thuế. Xóm Mới đã làm xong những con đường đẩy xe lăn nên trông rộng hẳn ra, do có khoanh vùng các gốc cây lớn. Bây giờ xóm Mới khang trang quá. Nhỏ nhưng gọn gàng, ấm cúng. Khu nhà vệ sinh công cộng xây rất khéo, diện tích sử dụng thì nhỏ mà rất đầy đủ, tiện nghi. Quán sách chưa xong, dãy phòng trên nhà bếp chưa xong, nhưng vì đang làm nên không bị áp lực của chính quyền nữa. Tháng này không còn nhiều hoa, nhưng thược dược quanh cái hồ nhỏ vẫn rất đẹp và hàng cây phong gần đường đã đổi màu đỏ. Cũng là trồng cùng lần mà có cây cao lớn vững vàng, có cây lùn và đẹt như mới trồng. Mặt trời và mưa thì đâu có kỳ thị cây nào, mà sự khác biệt rất là xa. Tôi nghĩ tới con người cũng vậy. Mọi yếu tố và y báo giống nhau nhưng mỗi người mỗi khác.

Mùa thu cũng là mùa lượm hạt. Các sư em đi lượm hạt phỉ (hazel nut) về chất đống giữa sân. Nghe nói có người hàng xóm cho lượm trong vườn của ông ta và vườn thì rộng bao la nên lượm hoài vẫn không hết. Ai rảnh thì ngồi xuống đập vỏ lấy hạt. Một công việc vô cùng tự nguyện mà lúc nào cũng đông vui người làm. Buổi ăn sáng nào trên bàn ăn cũng có hai hộp hạt phỉ rang thơm phức cho mọi người ăn thoải mái. Tôi đi ra đi vào, chuẩn bị hồ sơ đi khai thuế, và cho thiền sinh tham vấn. Có một hôm, nghe các sư em quảng cáo và thấy các sư em bỏ cả ngày làm biếng để ôn bài, tôi ra dự buổi “Dharma quiz” (kiểm tra trình độ học trong lớp Phật pháp) mà phục các em quá chừng. Buổi kiểm tra đúng là vừa học vừa chơi, cười cũng nhiều mà hồi hộp cũng lắm. Năng lượng trẻ tươi mát và đầy tính sáng tạo. Ôi tu mà vui như vầy thì hỏi sao người trẻ chẳng ham tu? Hai sư em dẫn chương trình là Sắc Nghiêm và Thể Nghiêm rất linh động và khéo léo, còn các sư em tham dự thì hết lòng hóa trang và trình diễn. Thậm chí có em là giáo thọ mấy năm rồi mà còn trẻ quá, thuộc U40 vẫn chỉ muốn nằm trong đội thi chứ không chịu làm trọng tài. Nên trọng tài “rớt” vào tay ba người ít trẻ hơn là các sư cô Bảo Nghiêm, Từ Nghiêm và tôi!!!


Tháng Mười Một

Về lại Thái. Hai vali đầy đồ ăn thức uống cho Thầy. Cho luôn một chậu cúc đại đoá mini vào túi xách đi xuất ngoại, đem về như đem cả mùa thu của Làng về cho Thầy. Mỗi lần đi xa về tôi lại gặp lúc Thầy mệt, không khỏe, nằm nhiều, ăn ít. Nhưng cứ như vậy, Thầy lại gượng dậy từ từ, và tới giữa tháng thì Thầy ăn lại được và ăn nhiều trở lại. Tôi thấy sự cố gắng của Thầy mà cảm động. Các sư cô nấu ăn thì quá hạnh phúc khi thấy Thầy lại ăn được những món mình nấu.

Cuối tháng, Thầy lại lên Bangkok tái khám. Kỳ này Thầy khỏe, làm mọi xét nghiệm rất trôi chảy. Xong mấy ngày ở Bangkok thì mọi người về lại Làng. Tuy nhiên cốc Thầy ở đang phải sửa lại vì lớp tranh đã mục và làm thêm hành lang để đẩy xe đi cho tiện, khỏi phải khiêng Thầy lên xuống cầu thang, nên Thầy tá túc ở tăng xá. Phòng Thầy ở hồi xưa (bây giờ được ngăn ra làm chỗ ở của thầy Pháp Niệm và một phòng khác) được sắp xếp lại để Thầy tạm trú. Nhà bếp của Thầy cũng phải làm lại nóc nên ban thị giả nấu ăn phải làm bếp tạm trong kho của nhà bếp chúng. Thầy rất là thoải mái với chỗ ở này vì con cái bao quanh, hễ khỏe là Thầy lên xe đi vòng quanh tăng xá, ngắm sinh hoạt của các thầy.

Nhớ tới cái ghế xích đu Thầy hay nằm ở Sơn Cốc, tôi đi chung với sư em Trăng Trúc Lâm (người Thái) kiếm một chỗ đặt ghế xích đu mà dài đủ để Thầy nằm nghỉ. Đầu tháng Mười hai, ngày thầy Pháp Tánh đem về ráp, Thầy thích quá, lên ghế nằm hoài dù trời bắt đầu lạnh. Thầy nằm trên cái ghế xích đu ngoài hiên phòng thầy Pháp Niệm, ai cũng vui vì thấy được Thầy, vì Thầy có mặt đó, vì cảm giác gần gũi thầy trò hơn là lúc Thầy ở trong thất, dù chẳng mấy ai dám tới làm rộn Thầy. Thầy nằm đó, ngắm lồng đèn kéo quân các thầy làm từ hôm trung thu, nghe tiếng nước chảy róc rách trong hồ cá nhỏ trước phòng và nhìn những chậu lan nhiệt đới treo rải rác rất bình yên. Năng lượng nhẹ nhàng và an lạc thấm đẫm cả một vùng.

Xứ sở Kangaroo

Đang rất hạnh phúc khi Thầy như thế nhưng tôi phải đi vì gặp dịp vé rẻ, đã mua vé cùng với thầy Pháp Nguyện đi khám bịnh ở một ông bác sĩ Tàu nổi tiếng ở New Zealand. Sư cô Thuần Tiến, người giới thiệu ông thầy thuốc này, đón chúng tôi về ở chùa của thầy Quảng Phúc. Thầy chất phác, đơn giản mà chân tình nên chúng tôi rất thoải mái. Sư cô đệ tử của thầy thì hết lòng chở chúng tôi đi khám bịnh, và cúng dường tiền thuốc cho mấy chị em. Ở lại đó nghỉ ngơi có một tuần mà chúng tôi thấy thân thuộc vô cùng. Cuối tuần chúng tôi chia sẻ với Phật tử về cách tu ở Làng. Thầy đưa chúng tôi đi thăm Rotorua, nơi nổi tiếng với những hồ bùn nóng phập phồng bong bóng sôi trên mặt và những tia nước phun hơi nước trắng xóa cao cả mấy mét từ hồ nước nóng. Đây là vùng núi lửa nên hồ nước nóng rất nhiều, có nơi chỉ nghe mùi khoáng chất.

Sau một tuần, thầy Pháp Nguyện thấy có vẻ khỏe hơn nên chúng tôi đi khám lấy toa uống thuốc tiếp và cũng xin toa để chữa trị cho Thầy. Nghe chị Hà, người bạn của sư cô Thuần Tiến, kể những trường hợp ông thầy này đã trị được cho người thân của chị trong vòng 15 năm, tôi cũng hy vọng toa thuốc của ông giúp được phần nào cho Thầy khỏe hơn.

Giữa tháng Mười hai, chúng tôi về tới tu viện Nhập Lưu. Tu viện đơn sơ nhưng đất rộng thênh thang và bao quanh bởi rừng khuynh diệp. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là nhớ Lộc Uyển dù ở đây không có núi đá, có lẽ vì khí hậu khô và những cây khuynh diệp, những bụi cây hoang sơ như núi rừng Lộc Uyển. Khí hậu mùa hè ở Úc rất mát mẻ, dễ chịu. Căn nhà đá các sư cô ở thì gợi nhớ căn nhà đá ngày xưa ở Làng vì nền gạch đá cũ kỹ nhưng căn gác thì lại làm tôi liên tưởng tới cái nhà của quý thầy ở Rừng Phong. Đứng trên căn gác nhìn xuống là một cảnh tượng êm đềm với bãi cỏ xanh rộng và xa xa là một cái hồ nước mà mặt hồ rất tĩnh mặc, thoáng giống cái hồ đầu dốc lên xóm Thượng mà bao năm qua, khi nào xe đi ngang tôi cũng phải nhìn một chút.

Trên đường từ nhà các sư cô lên nhà bếp là một cái hồ nhỏ nhưng có khá nhiều hoa súng đang nở, nhiều nhất là màu hồng, màu trắng, một ít màu vàng và màu hồng đậm. Tôi không thích hoa súng bằng hoa sen nhưng mỗi đóa hoa vẫn là một kỳ diệu của tạo hóa mà tôi đi ngang vẫn hay ngừng lại, ngơ ngẩn. Thỉnh thoảng có hai mẹ con kangaroo thơ thẩn kế hồ, thấy tôi đi ngang liền đứng sựng lại nhìn. Nếu tôi mà nhìn lại thì bé kangaroo cuống cuồng nhảy vào cái túi trong bụng mẹ, lòi ra cái đuôi và hai cái chân vắt vẻo ở ngoài. Chắc bé nghĩ chỉ cần chúi đầu vào trốn không thấy gì là an toàn rồi. Hai sư em Phát Nghiêm và Trăng Sông Hồng bảo tôi lấy nón che để nó không thấy mắt mình là nó yên tâm đứng yên. Quả thật có lần tôi đi cách con kangaroo chỉ có khoảng một thước mà nó vẫn điềm nhiên ăn cỏ, chắc nhờ cái nón lá che mặt nên nó coi tôi… chỉ như một cụm cỏ lăn qua.

Bãi cỏ xanh trước phòng học của căn nhà các sư cô ở chiều nào cũng là nơi cả bầy kangaroo ra ăn cỏ. Nhìn xa xa tôi cứ nghĩ tới “công viên khủng long” vì cái tướng khom lưng ăn cỏ của bầy kangaroo này có vẻ giống giống như vậy. Nhưng mắc cười nhất là khi di chuyển, con kangaroo nhảy tưng tưng trên hai chân sau, hai chân trước ngắn ngủn như hai cái tay, không cân xứng chút nào với cái tướng cao nghệu ấy. Có một con kangaroo màu trắng rất đặc biệt trong bầy. Nó trắng như một con thỏ bạch khổng lồ và rất nhát. Chẳng bao giờ nó xuất hiện đầu tiên mà chỉ ra ăn khi bãi cỏ đã rải rác nhiều con, và luôn luôn bỏ về trước khi những con khác ăn xong. Các chú Phật tử có làm một cái nhà sàn trên cây (tree house) khá cao, ngồi đó uống trà và nhìn ra hồ thì tuyệt vời luôn. Thầy Pháp Nguyện phải lên đó ngồi rình một buổi mới gặp được con kangaroo trắng dễ thương này trước khi rời Nhập Lưu.

Có một buổi mưa xong rồi nắng, tôi đi từ bếp về nhà bỗng giật mình vì bãi cỏ mới cắt quanh “ni xá” rực hoa vàng như mùa xuân ở Pháp, nên lại thấy Nhập Lưu cũng giống Pháp. Hay là ở đâu mình cũng có cảm giác là nhà, nên cái gì hơi giống cũng thấy thân quen?

Nhập Lưu không chỉ có kangaroo mà còn có con wallaby, một loại chuột túi nhỏ hơn kangaroo nhưng không ăn cỏ mà lại ăn lá cây. Vì ăn lá cây nên chàng ta phá quá chừng, mấy cây thông bị cào xước vỏ cây tươm nhựa ra rồi héo từ từ. Trong khi kangaroo sống thành đàn thì wallaby lại chỉ đi một mình, nên ở Nhập Lưu cả tháng mà tôi cũng không sao biết được là chỉ có một con wallaby hay cả một gia đình vì chưa bao giờ thấy hai con cùng lúc.

Một tháng ở Nhập Lưu trôi qua nhanh. Chúng ở đây ít người nhưng ai cũng sinh hoạt hết lòng nên thầy Pháp Nguyện và tôi cũng đầy việc. Dự tính của tôi là chỉ ghé qua Nhập Lưu rồi về Mỹ thăm mẹ vì mẹ tôi mới bị té gãy tay. Nhưng đúng là “nói trước bước không tới”, khi tôi tin chắc mình sẽ về Mỹ lúc thu xếp hành lý rời Thái Lan thì qua tới Úc, gọi điện thoại về mẹ tôi bảo không cần vì mẹ đã khá hơn, đã xoay xở được hơn, để dành “thời gian thăm nhà” vào lúc khác nguy cấp hơn, và nhất là nghe tin tôi đang uống thuốc Bắc, mẹ tôi lại càng không muốn tôi bay đi bay về. Tôi hơi chưng hửng, nhưng cũng vui vì như vậy có nghĩa là tay mẹ tôi không bị nặng lắm như lúc mới bị gãy. Tôi thầm biết ơn mẹ tôi đã rất dũng cảm và trên hết, tôi biết mẹ thương tôi vô cùng. Báo tin cho bạn hiền mừng, khi tôi đang đánh máy những dòng chữ này thì mẹ tôi đã được tháo cái băng bột ra, tay đã cử động lại được dù còn hơi yếu.

Gần cuối tháng Mười hai, có các Phật tử từ Sydney xuống dự ngày tu cuối tuần, rồi hôm sau đi thăm thắng cảnh trên con đường Great Ocean Road. Thế là sư cô Thuần Tiến rủ mọi người đi chơi cùng nhưng hai sư em Phát Nghiêm và Trăng Sông Hồng xin ở nhà vì đã từng đi, chỉ có tôi và thầy Pháp Nguyện rảnh rang nhập cuộc. Cảnh thật tuyệt vời. Nước biển rất xanh và những tảng đá hùng vĩ nhiều hình dạng thật là đẹp. Đúng là kỳ công của tạo hóa. Tôi đứng đó, choáng ngợp trong những cảm xúc bất chợt, thấy sao mình quá may mắn.

Cuối năm, tôi chia sẻ với Phật tử Úc và Việt cách thực tập để đón năm mới. Tại sao mình hay chúc nhau “Happy New Year”, và làm sao để lời chúc có thể thành hiện thực mà không là lời nói xã giao sáo rỗng. Bạn hiền biết câu trả lời mà, phải không?

Trúng ngày cuối tuần nên cả trăm người lên Nhập Lưu. Chúng thường trú (chỉ vỏn vẹn còn bốn người trong thời gian chờ nhóm mới qua) khá bận rộn. Nhưng tôi nhìn thấy Nhập Lưu có một tiềm năng rất lớn trong tương lai. Đất Úc như một mảnh đất màu mỡ mà hạt giống Phật pháp bắt đầu nảy mầm, chậm nhưng rồi cũng sẽ có ngày nở hoa kết trái.

Bạn hiền ơi, tôi dừng ở đây thôi. Lá thư cuối năm đã dài lắm rồi. Năm nay câu đối để thực tập là An khi thở, Lạc khi đi, làm được là mình có một năm an lạc mà không cần phải chúc nhau gì cả. Bạn hiền có nghĩ như tôi không?

Thân quý.
Chân Thoại Nghiêm