Tu học là công trình không của một cá nhân
Thầy kính thương!
Lời đầu tiên con muốn nói, muốn thưa với Thầy là con rất biết ơn và mang ơn Thầy, mang ơn Tăng thân, mang ơn Đại chúng Từ Hiếu – Diệu Trạm đã cho con được thỏa ước mơ. Đã từ lâu con cũng nhớ nhà lắm, con cũng muốn về thăm nhà nhưng con chẳng muốn về một mình, con chỉ muốn về cùng Đại chúng thôi. Biết được ước mơ đó của con nên quý sư mạ đã tạo điều kiện để con được về nhà cùng Đại chúng. Mỗi lần nghĩ tới, nhớ tới niềm hạnh phúc vô bờ này con thấy con nói lời cám ơn hay mang ơn cũng đâu có hết, có chăng con chỉ có thể đền đáp được bằng chính sự tu học chuyên cần của con mà thôi.
Để lại một cái gì đó đẹp và thơm cho đời.
Cái tin Sư Thầy Đàm Nguyện tịch đến với Đại chúng làm cho chị em chúng con ai cũng lặng người. Sư Thầy mới vô chơi với chị em chúng con đó mà, sao nhanh quá. Ngay trong ngày nhận được tin thì sư cô Tịnh Hằng đi máy bay ra trước, tới 5h chiều cùng ngày thì 4 chị em chúng con đi ô tô ra sau. Cùng đi với chị em chúng con có sư Như Hải. Sư tuổi đã cao mà sư chẳng say xe gì cả, còn con, con gần say. Sư còn trả tiền xe taxi cho chị em chúng con nữa.
Sau một chặng đường khá dài thì 5 thầy trò chúng con ra thấu Đình Quán. Ngay từ ngoài đường quốc lộ, cờ tang, băng rôn được treo lên để báo cho mọi người biết chùa Đình Quán ở đây. Không khí buồn của đám tang ai cũng cảm nhận ngay được từ khi mới bước xuống xe. Vô đến sân chùa con thấy tâm mình lắng yên lại và con tin là ai cũng thế. Vừa thấy sư Như Hải thì sư cô Tịnh Quán và sư cô Tịnh Thủy đã chạy lại ôm chầm lấy sư mà khóc. Sư khóc, con cũng khóc theo. Sau khi cất ba lô xong thì 5 thầy trò cùng đắp y ra lạy trước bàn thờ Sư Thầy. Đây là lần thứ ba con được biết đến tang lễ của người xuất gia nhưng hai lần trước là ở Huế, đây là lần đầu tiên ngoài đất Bắc. Con xúc động lắm. Một người không lấy vợ lấy chồng, không có con đẻ mà khi chết đi đám tang còn ấm cúng hơn, hạnh phúc hơn rất nhiều đám tang của người phàm tục. Con ý thức được là mình phải tu học cho đàng hoàng, đi cho trọn con đường thì đến khi chết đi mới để lại một cái gì đó đẹp và thơm cho đời.
Trong những ngày diễn ra Tang Lễ, chị em chúng con làm việc trong tri trà nước. Một số chị em khác thì làm thị giả cho quý Sư Bà. Con chỉ đứng rửa ly và giặt khăn. Vì chỗ chế trà gần ngay cổng chính nên con thấy được khách ra vào đông quá. Có quý Ôn, quý ni sư từ nơi xa tới. Lần đầu tiên con được tiếp xúc với đông đảo phật tử miền Bắc. Con nhận thấy là nơi quý vị có một niềm tin lớn đối với Bụt – Pháp – Tăng. Điều này đã giúp con, cho con thêm sức mạnh và niềm tin vào con đường con đã chọn. Con có một niềm tin lớn vào đạo Bụt quê nhà. Cái thấy của chị em con giống nhau là ai cũng thấy phật tử ngoài Bắc rất kính trọng người tu. Chị em chúng con ra Đình Quán thì ai cũng được gọi là Thầy. Khi các bà, các bác, các chị muốn hỏi chị em chúng con điều gì đều chắp tay búp sen và nói:
– Dạ, bạch thầy, thầy cho con hỏi…
Hôm đưa Sư Thầy ra nghĩa trang Văn Điển để làm lễ hỏa thiêu, do người đông quá nên rất nhiều cô bác, do mải niệm Bụt nên cứ đi tràn lên, không có nhìn hàng lối thì có một bác trai đi lên và nói:
– Các bà đi chẳng nhìn đường gì cả, các bà phải đi sau các thầy. Con mời thầy đi lên trước ạ.
Nghe vậy nên các bác, các bà đi dạt ra hai bên nhường đường cho chị em chúng con đi trước.
Trong những ngày ở Đình Quán, nếu như nhà con gần đó thì con sẽ làm mọi cách để cho bố mẹ hay anh chị của con đến Đình Quán, để được tiếp xúc sâu sắc với Tăng thân. Con tin rằng nếu bố con cũng có mặt trong đám tang của Sư Thầy thì thế nào bố con cũng nói:
– Tưởng đi tu sao chứ đi tu như thế thì tu cũng được! Con biết tính bố con mà.
Sau khi đám tang của Sư Thầy đã hoàn tất thì chị em chúng con được đến chơi tại nhà của một số chị nhóm Về Nguồn. Nhà các chị cũng ở gần đấy nhưng nhìn chung thì người dân ở đây còn lạ với người xuất gia. Khi ở nhà anh trai chị Huyền thì vợ chồng anh trai chị Huyền rất thoải mái. Tối hôm đầu tiên ở nhà chị Huyền thì có anh Toàn, huynh trưởng của nhóm Về Nguồn cũng đến sau đó thì có thêm nhiều anh chị khác. Con không nhớ chính xác là bao nhiêu người nhưng đông lắm, có lẽ phải hơn 13 người. Có 4 anh chị cùng ăn cơm với quý sư cô còn những thành viên khác thì sau giờ ăn cơm mới tới. Sau khi ăn cơm xong thì tất cả lên sân thượng uống trà.
Nơi phố thị ồn ào như vậy mà vẫn có một chỗ ngồi yên để trở về
Ngồi uống trà cùng anh chị em chúng con có hai sư cô lớn là sư cô Hạnh Liên và sư cô Tịnh Hằng. Đây là lần đầu tiên con được ngồi uống trà cùng với nhóm Về Nguồn tại Hà Nội còn ở Diệu Trạm thì cũng đã có vài ba lần. Ngồi lắng nghe sự chia sẻ của quý sư cô và của anh chị Về Nguồn con thấy lòng mình vui sướng quá. Nơi phố thị ồn ào như vậy mà vẫn có một chỗ ngồi yên để trở về. Con rất cảm phục các anh các chị vì các anh các chị là những người có công ăn việc làm ổn định, vừa hoàn thành công việc trong công ty vừa sinh hoạt cùng tăng thân để giữ được sự truyền thông tốt giữa các thành viên. Con vui lắm khi được nghe lại giọng nói thân thương của miền Bắc quê mình. Cái thấy của con cũng như cái thấy của nhiều người khác là anh huynh trưởng của Về Nguồn là một người hoạt bát, thông minh. Anh rất hết lòng cho Về Nguồn. Qua đám tang của Sư Thầy Đàm Nguyện, chỉ cần nhìn thấy sự làm việc, sự có mặt hết lòng của Về Nguồn thôi là người khác nhìn vào cũng đủ hiểu Về Nguồn là một Tăng thân như thế nào, sự lãnh đạo của anh huynh trưởng giỏi giang ra sao. Buổi thiền trà sẽ còn dài nếu như ngày mai các anh chị được nghỉ làm, nghỉ học. Nhưng không, ngày mai các anh các chị còn phải đến sở làm nên Đại chúng kết thúc buổi thiền trà vào lúc 10h20 phút, mọi người hẹn nhau là sáng mai sẽ cùng đi uống trà với nhau tại bờ sông Hồng.
Sáng hôm sau, chị em chúng con thức dậy khi trời đã sáng, lúc ấy đã hơn 6h sáng. Chị Huyền nói: Con thấy các sư cô ngủ ngon quá nên không nỡ gọi. Chị đã chuẩn bị đủ hết trà, ly và nước nóng. Khi mọi người đã sẵn sàng để lên đường thì anh Toàn và anh Bình cũng vừa tới, Đại chúng cùng nhau đi về điểm hẹn.
Sông Hồng giờ đã khô nước, lòng sông cạn, có thể đi qua được, nó chỉ đầy nước khi mùa mưa về. Đi chơi mà quên mang theo chiếu để ngồi, anh huynh trưởng đã nhanh tay lấy được tàu lá chuối tươi trải ra để quý sư cô ngồi đỡ, còn lại những người khác thì ngồi bằng dép. Anh huynh trưởng nói: Giữa lòng Hà Nội mà vẫn tìm được chỗ yên tĩnh như thế này, tránh xa sự tắc đường, sự ồn ào của xe cộ thật là hạnh phúc biết bao. Trên đường đi về, các sư cô đã chỉ cho các anh chị biết là rau dại mọc ở hai bên đường đều ăn được. Nghe vậy các anh chị nói là Về Nguồn có vườn rau, mai mốt khỏi mua, mà rau mình đi hái như thế này mới là rau sạch.
Đến 8h mọi người mới ra về, các anh chị nói: Lâu lâu đi làm trễ một buổi cũng không sao sư cô à, sư cô cứ yên tâm. Mà có không yên tâm cũng đâu được – chị em chúng con nói rồi mọi người cùng cười vui vẻ. Bữa tối hôm đó chị em chúng con cùng nhau nấu món bún chả cá chay. Cần mua gì thì ghi ra giấy để chị Huyền đi mua. Bữa cơm tối hôm đó vui quá, Đại chúng ai cũng khen ngon, các anh chị còn nói: sư cô phải ghi lại cho con công thức nấu món bún này mới được. Mai mốt không có quý sư cô thì Về Nguồn mình tự biên tự diễn.
Nhưng em tin chắc là không ngon như thế này đâu – Chị Liên nói.
Nhưng dù sao thì mình cũng đã thêm được một món vào thực đơn đồ chay của mình – anh huynh trưởng nói.
Bữa tối hôm đó, sau giờ ăn cơm, tất cả cùng ngồi thiền 30 phút. Chị Liên nói: Chỉ thích nghe sư cô Thánh Nghiêm hô canh thôi, sư cô hô canh hay lắm. Vừa ngồi thiền được chừng 10 phút thì Quang, cháu của chị Huyền đi học về, Quang bấm còi cổng inh ỏi, chị Huyền nhẹ nhàng đi ra để mở cổng. Quang mới học lớp 3 nhưng thông minh lắm, khi bước vô nhà Quang thấy mọi người đang ngồi yên thì anh chàng đi qua rất khẽ.
Hết giờ ngồi thiền, các anh chị rủ mấy chị em con đi chơi Hồ Hoàn Kiếm nhưng đã trễ nên thôi, ai cũng muốn ở nhà uống trà, có mặt cho nhau. Đã hơn 10h rồi nhưng hình như ai cũng muốn ngồi chơi thêm, anh huynh trưởng nói: Thôi mình ngồi thêm 15 phút nữa chứ sáng mai quý sư cô đi hết rồi còn đâu? Vậy là lại thêm được 15 phút nữa. Lúc này con chỉ mong đồng hồ đừng chạy nữa để được ngồi chơi, nhưng đâu có được.
Ra Hà Nội lần này vui quá, các anh chị Về Nguồn ai cũng dễ thương. Khi rời nhà chị Huyền các anh chị còn chúc quý sư cô mai lên đường mạnh khỏe. Con chỉ muốn nói: Về Nguồn ơi, sao Về Nguồn dễ thương rứa. Nếu được làm lại từ đầu thì con cũng tìm đến Về Nguồn để mà chơi, mà sinh hoạt vì đó là một môi trường đẹp và lành.
Quê nhà
Chị em chúng con ở nhà chị Huyền 2 đêm, sư cô Hạnh Liên thì ra Huế trước. Khi rời nhà chị Huyền con được sư cô cho con về thăm nhà. Cùng đi với con có 2 sư chị và 1 sư em. Trước khi ra Hà Nội thì sư cô Hương Châu đã nói với con:
– Về thăm má, cho chị gửi lời thăm ba má.
Khi nghe sư cô nói như vậy con thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng vì con xúc động trước tình thương mà Đại chúng dành cho con, cho gia đình con. Khác với lần trước, lần này về nhà con thấy con bình an từ khi bước lên xe. Con không thấy lo lắng gì hết. Con tin vào năng lượng của Tăng thân. Sau hai chặng xe ô tô, thêm một chặng xe thồ thì về đến nhà.
Còn ngồi trên xe nhưng con đã nhìn thấy bố con đang buộc bờ dậu (bờ rào) ngoài bờ sông, con gọi lớn: Bố ơi con về chơi. Sau khi sư chị con trả tiền xe xong thì con nhảy chân sáo ra đến chỗ bố con để gọi bố con về, con muốn bố con về ngay. Con vui quá nên con không đi bình tĩnh được, con chạy nhảy như một chú chim non. Mẹ con đang nấu cơm trong bếp cũng đi ra. Thím con cũng vừa đi tới, thằng Hải bạn con cũng dừng xe. Con chào mẹ, chào thím con rồi con quay qua hỏi Hải:
– Hải hả, lấy vợ chưa?
– Dạ, cháu lấy vợ rồi.
Nghe con hỏi cháu con như vậy, sư chị sư em con buồn cười quá nhưng con thì không, vì Hải vừa là cháu họ, vừa là bạn học của con hồi nhỏ. Lấy vợ hay lấy chồng là một điều phải xảy ra đối với một người đời. Thím con thấy con về lần này thì vui hơn lần trước, không có nói là đi tu phí tuổi trẻ như lần trước nữa. Thím con còn khen: Mấy chị ai cũng xinh (bố mẹ con cũng như thím con chưa có biết gọi chị em con là sư cô hay cô, hồi con ở nhà mọi người hay gọi con là chị nên bây giờ vẫn quen như vậy). Mẹ con thì vui vẻ làm con rất bất ngờ.( Lần trước con về mẹ con nói: Về rồi đấy à, ăn mặc gì mà lôi thôi). Mẹ con còn nói:
– Về mà không báo trước để mẹ mua cái gì về nấu cơm. Thế giờ “các chị” (các sư cô) ăn gì để mẹ mua?
– Có dễ mua đậu phụ (đậu khuôn) không hở mẹ?
– Dễ, để mẹ đi mua.
Mẹ con nói rồi lấy chiếc xe đạp để trong chuồng heo cũ ra. Chiếc xe đạp ngày xưa gắn bó với con trong mấy năm đi học, giờ nó vẫn còn. Mẹ con đi mua đậu ở nhà một chị gần đó. Bố con cũng vừa về tới. Con lại gần và vuốt má bố con, con nói:
– Bố dạo này gầy và già quá.
– Ừ, bố già rồi. Chẳng biết sống được bao lâu nữa !?
Nghe bố con nói vậy con thương bố con quá. Cả một đời vất vả nuôi con, bao nhiêu khó khăn khổ cực bố mẹ con đã dành hết. Ngày trước nhà con nghèo lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thế nhưng bố mẹ con vẫn cố gắng chắt chiu để cho anh chị em chúng con được cắp sách tới trường. Bố con hay nói là mấy anh em phải học cho bằng được, học cho có nghề có nghiệp thì mới thoát ra được cái nghèo khổ. Bao tháng năm làm lụng vất vả để nuôi con nên sự nghèo khổ đã bào mòn xác thịt con người.
Con nhìn quanh thấy nhà con vẫn như xưa. Vẫn cái ao ấy, cái vườn ấy, cái ngõ ấy, cái cầu ao có cây dừa và cây dừa ấy giờ đã cao tít, ngọn dừa như muốn chọc thủng trời xanh. Ao nhà bố con thả đầy bèo tây (lục bình), có mấy chú vịt đang luồn lách giữa những cây bèo để kiếm mồi. Ngày trước con toàn phải đi vớt những cây bèo lục bình trôi ở sông về để nuôi heo. Hoa lục bình có lẽ Thầy cũng biết, nó màu tím rất dễ thương. Nhìn ra vườn con thấy mấy cây bưởi giờ đã trưởng thành, ra trái. Chị gái con đi lấy chồng xa nhà nhưng khi hay tin con về thì cả hai anh chị đều lên chơi. Chị con ra ngoài vườn hái bưởi để mấy chị em con ăn cho biết mùi vị của bưởi nhà. Nhưng bưởi còn non, ăn dở quá. Mẹ con nói bưởi này đến Tết mới ăn được. Ngõ vào nhà mẹ con trồng rau cải, rau dấp cá, rau ngót (bù ngót). Ngoài “thoi” bố mẹ con cũng có trồng rau thơm xen lẫn chè xanh. Những cây chè xanh mấy năm trước đây còn thấp lè tè mà giờ đây nó đã cao hơn cả tường bao. (Thoi là đất xung quanh bờ ao, chiều ngang khoảng 1 mét hay hơn, nó bao quanh bờ ao). Mẹ con cũng trồng cây từ (cây khoai từ) xen vô chè xanh và rau cải, những khóm từ, nhìn nó xấu xấu vậy thôi chứ khi bới thì nhiều củ lắm, mỗi khóm phải được hơn 15 củ, củ to nhất cũng phải bằng nắm tay của em bé lên 10.
Ăn chay thì ăn chứ có gì đâu mà ăn không được.
Bữa cơm trưa đãi khách đầu tiên của gia đình con chỉ có đậu và rau luộc. Vừa ăn cơm, chị em con cùng nói chuyện với bố mẹ con. Xung quanh câu chuyện chị em con chỉ hướng bố mẹ con tới ăn chay. Bố con thì ậm ừ vẻ xuôi xuôi còn mẹ con thì nói:
– Ăn chay thì ăn chứ có gì đâu mà ăn không được.
– Nhưng bố mẹ cũng nên ăn chay vào ngày rằm và mồng một. Mình không ăn chay được cả tháng thì cố gắng ăn vào 2 ngày đó.
Chị em con biết nói thì nói vậy thôi chứ chẳng biết khi chị em con không ở nhà thì bố mẹ con có làm được không nữa. Cơm trưa xong, đến 2h chiều thì có các chị, các bác cùng xóm hay tin mấy chị em con về nên qua chơi. Con rất vui khi cả mấy chị em con cùng ngồi chơi với các bác. Con biết là thế nào các bác cũng hỏi những câu hỏi xung quanh việc tu học của mấy chị em con. Sư chị Thánh Nghiêm con đã trả lời hết những câu hỏi mà các bác hỏi. Mợ con thì nói:
– Ăn chay cả tháng cả năm thì chúng tôi không làm được nhưng chỉ ăn 2 ngày là ngày rằm và mồng một thì chúng tôi làm được.
Mọi người vô chơi đông lắm, ngồi hết cả ghế, phải ngồi cả lên giường. Ở quê thì nhà nào cũng có 2 chiếc giường lớn, mỗi cái phải ngủ được 4 người. Nó cũng có thể là chỗ ngồi ăn cơm vào những ngày giỗ chạp. Mọi người ngồi chơi nói chuyện vui quá. Một lúc sau thì con nhận được điện thoại của cô Thư cùng quê với con, cô nói là cô đi Nam Định đang trên đường về, cô hỏi địa chỉ nhà con để ghé vô chơi. Cô Thư đã hơn 60 tuổi nhưng cô còn khỏe mạnh và cô cũng là một trong những người phật tử dễ thương nhất của Đại chúng. Cô ghé vô nhà con chơi và gặp cả bố mẹ con cũng đang có mặt đó. Nhân đây cô cũng nói cho bố mẹ con hiểu đôi điều về đạo Phật. Nhờ đó mà bố mẹ con mềm ra một cách bất ngờ.
Sau khi mọi người ra về con nói các chị em con đi chơi ngoài cánh đồng lúa trước cửa nhà để con nấu cơm chiều một mình cũng được vì ít món. Nhưng sư em Thoát Nghiêm thì thích bắc cơm (nấu cơm), sư em nói con là để em bắc cơm, chị đừng bắc. Con hướng dẫn em con bắc cơm như thế nào để không bị bụi vô nồi cơm. Con lấy chổi quét hết tro bếp ra rồi sư em con lấy “que dẽ” để nhấc nồi cơm lên ( que dẽ là một cái cây dùng để đưa rơm vô bếp cho khỏi nóng tay). Từ trước đến nay bố mẹ con vẫn nấu cơm bằng rơm rạ nên than hồng đó để dành mà vùi cơm thì ngon biết mấy. Nhưng nấu cơm kiểu đó thì cũng có cái khó của nó, nếu không khéo, không có sự để ý đủ thì cơm sẽ bị sống hoặc cháy quá. Khi đun cơm bằng rơm thì mình phải dùng cái dầm (cái dầm là một cái gần giống như cái tay chèo của người chèo thuyền, mình dặt dặt tro bếp xuống, có như vậy thì mới có than hồng, nếu để không thì nó mau tàn, tro nguội, như vậy thì mình sẽ không có than nóng để vùi cơm). Sư em con rất hạnh phúc khi được bắc cơm như vậy. Cái mái bếp nhà con thấp lắm, đi qua thì phải cúi đầu xuống nếu không thì sẽ bị đụng đầu. Sư em con còn nói là ấn tượng nhất là cái bếp nhà chị. Con nói: Ừ, cái bếp này đã hơn 30 năm, từ khi chị còn chưa chào đời nó đã có rồi. Nhìn xấu vậy chứ nó đứng rất vững trước mọi cơn bão. Tường bếp được bố con làm bằng đất trộn với rơm rồi đắp lên. Mái bếp thì bố con lợp bằng ngói, bố con nói là nếu lợp bằng rạ hay tranh thì sẽ dễ bị cháy bếp. Nhờ vậy mà nó còn tồn tại cho đến tận ngày nay.
Mấy chị em con chỉ ở nhà con được một tối nên bữa cơm tối hôm ấy sư em con thích được ngồi ăn cơm ở ngoài sân. Bố con cũng đồng ý với ý kiến đó của mấy chị em. Vậy là mấy chị em con khiêng bàn ghế ra đặt ở cạnh bờ ao. Trời đã tối hẳn, tiếng ếch nhái và tiếng côn trùng đã vang lên như một bản tình ca. Con ngửi thấy mùi lúa mới. Lúa đã đỏ đuôi, chừng nửa tháng nữa là được đi cắt lúa về. Bữa cơm chiều cũng chỉ có rau và đậu nhưng chị em con ai cũng thấy vui. Mẹ con thì nói:
– Các chị về chơi mà chẳng có gì ăn, chỉ có rau với đậu. Có cá ở dưới ao nhưng các chị lại không ăn được.
Chị em con nghe mẹ con nói vậy chỉ biết cười.
Đến 7h tối thì anh chị con lại lên chơi. Bố con ra mở cổng và con nói bố con là để cổng mở vì con đã hẹn với các bác là tối qua chơi chứ sáng mai mấy chị em con đi rồi. Bố con cũng để luôn điện sáng ngoài cổng. Quả nhiên, một lúc sau các bác, các chị ẵm cả cháu nhỏ qua chơi. Chị Nơ gần nhà con thì nói:
– Chẳng mấy khi các cô về chơi nên qua thăm các cô chứ sáng mai các cô đi rồi.
Thế là khách cứ mỗi lúc một đông. Hết ghế ngồi, mẹ con đi lấy thêm chiếu để ngồi thay ghế. Một lần nữa sư chị Thánh Nghiêm con trả lời hết mọi thắc mắc của mọi người. Trong khi trả lời sư chị con không quên hướng mọi người đến với cái đẹp và lành, sư chị con khuyên mọi người nên thực tập ăn chay vào những ngày đầu tháng và giữa tháng. Các bác, các chị hỏi nhiều lắm, cho đến 10h đêm thì chị dâu họ của con nhắc khéo mấy bác:
– Có lẽ các cô đi xe cũng mệt rồi nên các ông các bà có hỏi gì thì hỏi cho ngắn gọn rồi về cho các cô nghỉ chứ 10h rồi đấy.
– Tôi chỉ hỏi thầy 1 câu nữa rồi thôi, có gì thì dịp khác các thầy về rồi hỏi tiếp.
– Vâng, các bác cứ hỏi. Sư chị con trả lời.
Cuộc nói chuyện kể ra còn kéo dài nhưng đã 10h10 phút nên thím con lại hối mấy bác ra về.
Con tu học có tăng thân
Chị em con cũng sắp xếp thời gian sao cho thuận lợi nhất. Sau vài ba phút tính toán thì chị em con quyết định cho con ở nhà thêm một ngày nữa còn 2 sư chị và 1 sư em của con đi trước, ra nhà Cô Thư ngoài Hải Phòng, cũng là đi thăm thành phố Hải Phòng luôn chứ cơ hội về được như thế này hiếm lắm. Khi mấy chị em con đi rồi chỉ còn mình con ở nhà con tranh thủ đi thăm bà và bác dưới quê ngoại. Con xuống nhà bà thì chỉ gặp bà, cô đi thăm lúa. Bà kể lúa năm nay xấu lắm, nó vỗ bị trúng gió xấu nên hạt bị đen hết. Bà năm nay đã 89 tuổi nhưng bà còn minh mẫn, bà nói là đúng ra bà phải gọi con là Thầy xưng con nhưng thôi bà cứ gọi con là con cho thân thiện. Con ngồi chơi với bà 20 phút rồi con xin phép bà con đi qua nhà bác. Con vừa vô thấu sân thì bác con đang khóa cửa để chuẩn bị đi đâu đó. Con chào bác con thì bác quay ra, thấy con bác mở cửa ra lại. Bác nói:
– Thế mày về bao giờ, có ở đây ăn cơm với bác được không? Bác gái đi cắt rau lợn, chắc cũng sắp về rồi đấy.
Bác con vừa nói đến đó thì bác gái đội một bó môn ngứa về tới sân. Bác thả bó môn xuống và chắp tay xá chào con:
– Chào Thầy, thế Thầy về bao giờ thế?
– Dạ, con về sáng hôm qua.
Con chạy lại nắm tay bác, con nói: bác cứ gọi con là Lập như ngày trước. Nhưng bác con có đi chùa nên bác vẫn cứ gọi con là Thầy xưng con, bác trai thì vẫn gọi con là mày xưng bác. Ngồi nói chuyện với bác chừng 20 phút con xin phép 2 bác ra về. Bác gái thì cứ một mực muốn con ở lại ăn cơm. Bác nói là bác nấu cơm sớm để con ăn rồi về kẻo tối. Nhưng con còn đi thăm một vài nhà khác nữa nên con chào 2 bác để ra về.
Con đi chơi nhà bạn con, nhà anh chị họ, con muốn về sớm để nấu cơm chiều cho bố mẹ. Bố mẹ con đi làm vườn trong xóm chưa về. Con đang nấu cơm thì nhận được điện thoại của chị gái. Chị con nói là đi dạy học về sẽ ghé đón con lên nhà chị ăn cơm cho vui. Nấu cơm vừa xong thì chị gái con cũng vừa về tới. Con chào bố mẹ để đi lên nhà chị gái. Đến nhà chị gái thì con gặp ông lão – bố chồng của chị đang ngồi ăn cơm, uống rượu với cá, bên cạnh có con mèo đen, có lẽ nó chờ ông lão bỏ cho nó một vài khúc xương. Con bước vô nhà chào ông lão thì ông lão ngưng uống rượu.
– Dạ, con chào ông.
– Chào cô, thế cô về bao giờ?
– Con về hôm qua và sáng mai đi lại.
– Sao mau thế, về chơi mà được có một hôm.
– Con về ba, bốn ngày nay rồi nhưng chị em chúng con ở Hà Nội, ghé qua nhà chơi một hai bữa ông à.
Con ngồi nói chuyện với ông lão mà mùi cá, mùi rượu khiến con khó chịu quá nhưng con cố gắng chứ chẳng nhẽ nói là mùi đó làm con khó chịu, con sợ mất lòng ông lão. Sau vài ba phút nói chuyện cuối cùng ông lão nói với con là :
– Nói thực với cô, nay có cô về đây thì tôi hỏi cô điều này.
– Dạ, ông cứ nói.
– Gần đây có chùa mà chưa có ai, tôi có nói với thầy ở đó là tôi có đứa cháu ở Đồng Minh gần đây, cũng đi tu được mấy năm rồi, chắc đã lên thầy, hay tôi nói cô ấy về chùa này cho thầy đỡ vất vả chứ mình thầy 2 chùa cứ đi đi về về, với lại chùa vắng lắm, buồn. Nếu cô đồng ý về đây thì giấy tờ cô không phải lo, tôi sẽ nói người lo giấy tờ cho cô. (Con cũng quên hỏi ông lão là thầy nam hay nữ)
Con không quên cám ơn lòng tốt của ông lão nhưng con đã nói lời từ chối. Con biết, nếu nhận lời về đó chỉ có một mình thì những tai nạn xảy ra với mình con không thể lường trước được. Con không nói với ông lão là chúng con tu học có tăng thân, có pháp môn vì nói tới những danh từ đó con tin chắc là ông lão sẽ không thể hiểu được, con chỉ nói là chùa con đông người lắm, có tới 44 người và còn đông thêm nữa nên giờ về ở đây một mình con buồn lắm. Ông lão nói :
– Vậy là cô không về được hả ?
– Dạ vâng.
Con cố gắng nói cho cứng rắn để ông lão đừng mong đợi gì nơi con.
Sao dì không có điện thoại di động?
Chị gái con đã chuẩn bị cơm nước xong, chị con kêu con xuống ăn cơm. Con xin phép ông lão con đi. Ngồi ăn cơm cùng anh chị, anh chị hỏi con :
– Sao dì không có điện thoại di động?
– Dạ, chỗ em tu không có dùng điện thoại di động, chỉ có điện thoại bàn.
– Nhưng điện thoại chỉ để liên lạc thôi mà. Chị gái con nói.
Nhân đây con giải thích cho anh chị con hiểu là vì sao không dùng điện thoại di động, không xem ti vi, không có xe riêng… Chị con nghe và hiểu ra nên không có thắc mắc nữa.
Sáng hôm sau con chào bố mẹ con để lên đường.
Sức mạnh của Tăng thân
Sau lần về chơi này con tin là bố mẹ con cũng như làng xóm sẽ có một sự thay đổi lớn vì đó là tiếng chuông đầu tiên thức tỉnh mọi người dậy sau một giấc ngủ dài. Con tin vào sức mạnh của Tăng thân vì nếu như con về một mình thì đâu có kết quả tốt đẹp như vậy. Sáng hôm con đi, vì còn 20 phút nữa mới đi nên con tranh thủ đạp xe sang nhà bạn con gần đó để thăm bố mẹ của Chiên – bạn học của con. May cho con, gặp cả cô chú ở nhà, chú thì ốm quá vì mới mổ ruột thừa và cắt bỏ túi mật. Giờ chú là người không có túi mật. Chú yếu lắm, giọng nói thều thào. Con chỉ biết động viên, an ủi chú sống sao cho thoải mái, đừng lo lắng quá, còn nợ nần thì Chiên nó học xong rồi, phải lo đi làm mà trả chứ cô chú đã nuôi cho ăn học rồi. Cô thì hỏi con :
– Có phải mấy cô về để giao lưu với Thầy Minh chùa Miễu nhà mình đây hở ?
– Dạ không, mấy chị em con ra Hà Nội có việc rồi ghé qua nhà thôi ạ.
– Tôi tưởng mấy cô về giao lưu với thầy Minh để rồi về đây ở ?
– Dạ không.
Vì thời gian không còn nhiều nên con chỉ nói chuyện qua qua rồi xin phép cô chú ra về kẻo trễ giờ xe chạy.
Xa chúng 9 ngày mà con thấy thời gian sao dài quá. Trên đường vô lại Huế con chỉ mong xe chạy cho mau. Mới về tới cổng ni xá con thấy lòng mình vui như hội. Đúng là nhà mình, về tới phòng con thấy thoải mái vô cùng. Năng lượng tu học của Đại chúng hùng hậu vẫn hùng hậu như ngày nào. Chị em chúng con về đúng ngày chấp tác để chuẩn bị cho ngày kỵ sư Tổ Huệ Minh, Đại chúng đi chấp tác bên Từ Hiếu hết, chị em con mới về nên được ưu tiên ở nhà. Nhìn Đại chúng đi chấp tác con chỉ muốn nói : Đại chúng ơi, con thương Đại chúng lắm.
Thiền trà cùng cô giáo tình thương và các bạn sinh viên
Thầy kính thương !
Thời gian qua Đại chúng tu học tinh tấn lắm. Ngày Quán Niệm Chủ Nhật vừa rồi có đại thiền trà tại Thiền Đường Trăng Rằm, Đại chúng ngồi chật cả thiền đường. Chủ yếu là các cô giáo có nhận lương của Tăng thân. Trong buổi thiền trà, các cô giáo đã chia sẻ rất thực lòng, ai cũng nói lên lòng biết ơn của mình đối với Sư Ông và tăng thân. Có cô giáo chia sẻ bằng cả một bài thơ. Cho đến mấy ngày sau thì Đại chúng có tổ chức thiền trà cho sinh viên tại thiền đường Hương Cau. Con được giao nhiệm vụ nấu nước chế trà. Cứ tưởng sinh viên chỉ có một số nên con chỉ chế nước có một xô nhỏ đầy nhưng ai ngờ sinh viên đông quá. Thấy được như vậy 2 chị em con mới nhanh chóng đi nấu thêm nước, lấy thêm ly. Khi đã ngồi trong vòng tròn của buổi thiền trà con đưa mắt nhìn quanh thì thấy các bạn ngồi hết cả thiền đường. Sư cô Thuần Khánh ngồi chuông. Vì trước kia sư cô cũng là một sinh viên nên sư cô thấu hiểu tâm trạng của các bạn sinh viên lúc này. Cô dẫn dắt các bạn đi vào sự chia sẻ. Và các bạn chia sẻ cũng rất thực lòng. Có một bạn nam sinh viên, từ nhỏ tới lớn rất thích làm lớp trưởng, là sinh viên đại học rồi mà vẫn thích làm lớp trưởng, giờ làm sao để đi ra ham muốn đó. Có bạn nữ là sinh viên năm thứ hai, lần đầu đến chùa, cứ ngỡ các sư cô là không bao giờ cười, bạn cứ nghĩ rằng đến chùa là phải trang nghiêm lắm nhưng sự thực thì không, khi đến chùa rồi bạn ấy thấy các sư cô sao mà dễ thương quá, có lẽ là bạn sẽ đến chùa nhiều hơn nữa.
Không khí của buổi thiền trà rất ấm cúng, các bạn chia sẻ liên tục, không có giờ để trống. Buổi thiền trà kết thúc vào lúc 3h15 phút để các bạn sinh viên còn nhận học bổng. Nhìn nét mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc con biết là các bạn ấy hạnh phúc lắm. Buổi thiền trà đã giúp các bạn phá được cái tưởng là đến chùa thì phải trang nghiêm, không được cười đùa. Các bạn nói quý sư thầy, sư cô dễ thương dễ mến, con cũng muốn đi tu nhưng để học xong cái đã. Con thấy tâm trạng ngày đầu đến Bát Nhã của con cũng vậy. Con cũng cứ tưởng thế này, tưởng thế kia nhưng sự thực là không phải như vậy. Đúng như Thầy nói : cái tưởng của mình khi nào cũng là tri giác sai lầm.
Tu Học Là Công Trình Không Của Một Cá Nhân
Thầy kính thương !
Huế đang giữa mùa đông, cái lạnh đến tê tái nhưng con nghe quý anh chị em của con gọi điện về nói là bên đó lạnh đến 2oC và còn có thể xuống nữa. Chao ôi, con chưa biết cái cảm giác lạnh tới 2oC nó như thế nào, nhưng con biết chắc là nó lạnh thấu xương. Những ai mới qua chắc chịu không nổi, và con tin là sang mùa đông sang năm thì mọi người sẽ quen. Con nhớ Út Đôn Nghiêm cây con lắm, sư em con nhỏ mà giỏi giang, em nó luôn là tấm gương sáng cho con noi theo.
Thầy ơi, ở bên ni Đại chúng đang học lớp Du Già Sư Địa Luận vào mỗi chiều thứ bảy để theo kịp chương trình bên Làng. Mỗi khi có chuông đi học là ai cũng vui tươi phấn khởi, nghe chuông khởi sự đi liền. Con thấy con giống con chuột rớt vào hũ gạo nếp. Hạnh phúc này đâu phải ai cũng dễ dàng có được. Con thấy sức mạnh của Tăng thân là một sức mạnh vô hình, chỉ có những người trong cuộc mới cảm nhận được mà thôi. Con không biết nói sao cho hết điều kỳ diệu về hai chữ Tăng thân nhưng con luôn khẳng định rằng: Tu Học Là Công Trình Không Của Một Cá Nhân. Có Tăng thân thì khó khăn nào cũng dễ dàng vượt qua, chỉ cần mình mở lòng nói cho Tăng thân biết mình đang gặp khó khăn gì, mình đang có ước muốn gì. Như con đây, con muốn được về nhà cùng Đại chúng nên con không có ngại nói ra những gì ấp ủ trong lòng và con cũng đã được Đại chúng yểm trợ 100%. Mỗi lần lên trai đường, nhìn lên bức thư pháp Thầy viết: “Ta Đã Làm Gì Hôm Nay Cho Tăng Thân Hạnh Phúc?” thì con biết con cần phải làm gì cho Tăng thân. Và con thấy con chỉ cần nghe theo sự sắp xếp của Tăng thân, chỉ cần như vậy thôi cũng đủ lắm rồi.
Hôm quý sư chị con ở bên Làng mới về, lúc ấy con đang bón phân cho hoa nên không có chào quý sư chị con luôn được. Nhưng khi bước vô, con gặp sư chị Lĩnh Nghiêm và con đã chào và hỏi ngay :
– Em chào sư chị, sư chị là sư chị Lĩnh Nghiêm?
– Ừ, còn em là Chuẩn Nghiêm phải không ?
– Dạ phải, sao chị em mình chưa một lần gặp nhau mà đã biết nhau thế nhỉ? Sư chị con hỏi ?
– Thì em đoán.
– Chị cũng đoán em là Chuẩn Nghiêm.
Thế là hai chị em con cùng cười với nhau. Chị con nói với con là:
– Mai mốt ra Bắc với mấy chị nhé.
– Dạ vâng.
Con trả lời sư chị con. Chỉ cần nói đến ra Bắc thôi là con đã thích rồi nhưng ở Huế con cũng thích lắm, con yêu Huế thật rồi, mà ở đâu con yêu đó, chỉ cần ở cùng Tăng thân thôi thì con ở đâu cũng được. Con luôn nhớ lời Thầy trong một buổi vấn đáp, Thầy nói là muốn xây dựng Tăng thân miền Bắc thì mình phải xây dựng ngay từ bây giờ và ở đây.
Thầy kính thương !
Thư con viết cũng đã dài, con xin phép Thầy cho con được dừng bút ở đây. Con viết còn có nhiều vụng về và thiếu xót, Thầy hoan hỷ cho con Thầy nhé.
Con sẽ mãi là con ngoan của Thầy, của Tăng Thân thân.
Diệu trạm, ngày 19 tháng 12 năm 2011
Kính thư
Con: Chân Chuẩn Nghiêm
Và đây là những thao thức của sư cô Chuẩn Nghiêm trong chuyến về thăm nhà lần đầu sau 3 năm xuất gia
Kính bạch Thầy! Con thương mọi người ở quê con quá nhưng con biết phải làm sao đây? Một mình con làm sao con đứng được giữa dòng chảy của cuộc đời, con sẽ bị nuốt chửng. Tết này con được cùng Đại Chúng đi về nhà quý thầy và quý sư cô ở Huế; con sao thấy thèm khát quá. Con thèm được theo Đại Chúng về nhà con. Giá như có được ngày ấy thì con hạnh phúc biết bao. Con muốn lắm nhưng con chẳng làm gì được. Tất cả con đành nhờ vào Tăng thân hết.
Cuộc sống trong Chúng làm con lúc nào cũng tràn đầy hạnh phúc. Con có viết bài thơ để cám ơn Tăng thân Thầy ạ. Bài thơ đó được viết như sau:
Cám Ơn
Cám ơn cuộc đời đầy mầu nhiệm
Đã cho con biểu hiện trong Tăng thân
Tình thương yêu là một cái rất gần
Rất giản đơn, dễ tìm, dễ kiếm
Đường đi dù chông gai, nguy hiểm
Đã có tình huynh đệ
Luôn tiếp sức cho con.
Cuộc sống trong chùa tuy giản đơn nhưng con luôn thấy bình an và hạnh phúc, bởi thế con chẳng cần tìm cầu chi nữa. Đó là cảm giác đầu tiên con cảm nhận được khi con mới bước chân vào Bát Nhã, con tìm được hạnh phúc ở mỗi bước chân nên con đã viết bài thơ như vầy:
Bước Chân
Cuộc sống trong chùa bình an quá
Hoa rơi nhè nhẹ, lá bên thềm
Mỗi bước chân đi lòng thanh thản
Tịnh độ là đây, cần chi thêm.
Bạch Thầy! Trong suốt thời gian qua biết bao nhiêu khó khăn đến với Thầy, với Tăng thân mà sao con vẫn được bình an. Bởi vì con là một con chim nhỏ được chim mẹ ấp ủ dưới đôi cánh của mình, nên trời có mưa bão thì con chim nhỏ cũng chẳng bị ướt, dù chỉ là một sợi lông. Con thấy, sao Thầy và Tăng thân giỏi quá. Sự việc Bát Nhã vừa qua, nội tiền vé máy bay để di chuyển thôi đã là rất nhiều rồi, chưa kể các khoản chi tiêu khác. Cho dù con không cầm tiền để lo việc cho Chúng nhưng con hiểu tiền đó từ đâu ra. Tăng thân mình sao giỏi quá, phải không Thầy? Ai cũng dễ thương, mỗi người có một nét dễ thương khác nhau. Con chỉ ước mong sao có một ngày nào đó Tăng thân mình về nhà con để bố mẹ con cũng như mọi người quê con được “chiêm ngưỡng” nét đẹp từ màu áo nâu mà con đang mang. Chứ hôm con về, bố con nói là mặc quần áo gì mà đen thui. Quê con tội lắm Thầy ơi.