Trước năm 2016

Khát vọng

Bạch Thầy kính thương!

Lại một mùa xuân nữa đến với mọi người, với muôn loài. Mùa xuân này là mùa xuân thứ hai con được đón xuân cùng Đại Chúng. Bao nhiêu niềm hạnh phúc đến với con, con chẳng biết viết sao cho hết, con chỉ ước ao mọi người, ai ai cũng được hạnh phúc như con. Nhưng Thầy ơi, bao nhiêu ước ao con dành trọn cho quê hương, cho gia đình, dòng họ con hết. Bởi vì quê hương con còn chưa biết gì về người tu. Sau đợt về quê vừa rồi con biết con phải có trách nhiệm với quê hương con hơn nữa.

Sau hơn ba năm xa nhà, xa quê hương, ngày về lại quê con mừng mừng, tủi tủi. Con vẫn chuẩn bị cho mình những tình huống có thể xảy ra nhưng con vẫn bị “sốc” nhẹ. Con về nhà vào lúc hoàng hôn đang buông xuống. Cảnh vật quê hương con vẫn như ngày xưa, chẳng thay đổi là bao nhưng bố mẹ con thì có già đi chút ít. Con vẫn là con của quê hương nhưng con có thay đổi bởi hình tướng bên ngoài. Bản thân con rất hạnh phúc khi được mặc chiếc áo nhật bình để “khoe” với mọi người, nhưng ngược lại mọi người nhìn con với ánh mắt lạ lùng, nhìn con như con là người ngoài trái đất.

Chị gái con sợ con lâu ngày nay mới về sẽ bị lạc lối nên ra đón con. Hai chị em con vừa về đến sân nhà, con xúc động đến nghẹn ngào, con nhanh nhản nói, “Bố, mẹ! Con chào bố, con chào mẹ!” Cứ tưởng rằng bố mẹ con mừng lắm nhưng khi vừa thấy con mẹ con đã nói ngay, “ Về rồi đấy à, quần áo gì mà lôi thôi, luộm thuộm, lấy quần áo của chị nó mà mặc, mặc thế ra ngoài đường người ta cười cho.” Bố con cũng nói, “Ôi giời, tưởng nó làm sao, như ông thầy cúng. Mẹ nó nói đúng đấy, về nhà thì đừng mặc quần áo ấy nữa con ạ, ở chùa khác, về nhà khác.” Lúc mới về, con có ý định rằng con sẽ làm thiền ôm với mẹ con, nhưng giờ thi thôi rồi. Con được bố mẹ con phán cho vài câu như vậy nên con đã ‘nước mắt chảy vào trong’. Đã bao lần con viết thư về cho bố mẹ con, lần nào con cũng nói là con đi tu thì ăn chay nhưng bố mẹ con quên điều đó hay sao, thấy con về bố con đã vội đi bắt gà, bố con nói với mẹ con, “Lâu ngày con nó mới về thì làm thịt gà cho con nó ăn.” Con can vội, “Con ăn chay bố mẹ à!” Nhưng bố con nói, “Thì làm thịt cho mẹ con ăn, bố ăn, mai em nó về thì cho em nó ăn.” Vậy là hết cách. Con chẳng trách gì bố mẹ con bởi quê con là như vậy. Tuy xa nhà bao ngày nhưng con vẫn nhớ những việc như nấu cơm bằng bếp rạ và khi nấu cơm thì phải đun (nấu) theo những nồi gì. Con bắc (đặt) ấm nước, rồi cám heo (lợn) bên bếp kiềng (kiềng bốn chân) rồi đun luôn một thể (lần). Bố con khen con, “Chị Tú (tên con) giỏi gớm (ghê), xa nhà mấy năm mà vẫn nhớ việc ghê.” Con chỉ nói, “Dạ!”

Bữa cơm đầu tiên sau bao ngày xa nhà cùng bố mẹ con có đầy đủ thịt heo, thịt gà. Bố con nói, “Ở chùa thì khác về nhà thì cứ ăn thịt gà đi con ạ cho đỡ nhớ, ai biết.” Rồi bố con quay sang nói với mẹ con, “Đi tu khổ nhỉ, thịt gà ngon thế mà không được ăn. Ăn rau đậu không thế thì thiếu chất sao hở con?” Con nói, “Dạ, không thiếu chất đâu bố à. Hay bố mẹ ăn chay cùng con đi cho vui.” Bố mẹ con nói, “Ăn rau đậu thế ai mà ăn được, bố mẹ già rồi ăn chay cho thiếu chất, mà tội gì phải ăn chay cơ chứ.” Mẹ con hỏi, “Thế chị không ăn được thịt heo, thịt gà thì có ăn được thịt mèo không? Nhà có con mèo gần cả ký, làm thịt mà ăn đi chứ để rồi cũng mất, phí (uổng) cả đi. Con gàn, “Thôi bố mẹ à, để mai mốt con đi rồi thì bố mẹ làm gì cũng được.” Con nói thì nói vậy chứ mạnh ai nấy làm. Con cứ cơm rau đậu còn bố con cứ mua thịt heo về. Em con đi học xa về nhà, bố con thả cần câu xuống ao, câu được một con cá trê gần một ký. Mẹ con còn hỏi con, “Thế chị có làm được cá trê không?” Con nói, “Dạ không. Nếu bố mẹ bận (mắc) đi làm thì mẹ cứ làm sẵn ra đó, mẹ cho gia vị cho đầy đủ, khi nào con nấu cơm thì con đun luôn thể.” Vậy là con nấu cơm trưa cho bố mẹ con, con đun cả nồi cá kho giúp mẹ con. Con cũng đành vậy thôi chứ biết làm sao được. Bố mẹ con không biết ăn chay, bản thân con ở nhà, nghe nói ăn chay thì con cứ nghĩ là ăn cơm với quả chay (một loại quả rất chua, dùng để nấu canh chua mùa hè, quả này khi chín thì lại rất ngọt.”

Con ở nhà cùng bố con được hai ngày rưỡi. Trong hơn hai ngày này con cũng tranh thủ đi thăm bà, thăm bác. Đến thăm bà con rồi con mới biết là bố con giấu kín chuyện con đi tu. Ai hỏi đến con thì bố mẹ con nói con đi học, đi làm trong Nam. Đến khi con về nhà với bộ đồ tu thì mọi người mới biết. Các em học sinh đi học về, gặp con ở đường thì chúng gọi nhau, “Chúng mày ơi, sư, sư. Sư kia chúng mày ơi.” Các em nhìn con như nhìn người ngoài trái đất. Lúc ấy con chợt nhận ra rằng các em bây giờ cũng như con ngày xưa. 24 năm ở ngoài đời con chẳng biết lên chùa lễ Bụt mà con cũng chẳng biết Bụt là chi. Cũng chỉ tại mọi người, ai ai cũng vậy nên các em nhỏ cũng vậy, các em chẳng có gì đáng trách. Con chỉ mong sao một ngày nào đó có tu viện để các em cùng mọi người biết lên chùa tu học.

Hay tin con về với màu áo nâu sồng thì mọi người đến để thăm (đúng hơn là xem) con. Mấy bà, mấy bác rờ áo, rờ đầu con, nói rằng, “Cháu tôi là sư thật rồi.” Thím con thì hỏi con, “Chị Tú về rồi đấy hở, thế đi vậy thì tháng mấy triệu?” Con có giải thích cho thím con hiểu nhưng thiếm con vẫn nói, “Thế thì đi làm gì. Đang tuổi xuân phơi phới, không đi làm ăn lấy ít vốn rồi lấy chồng, đi không không thế, về già một thân một mình thì làm sao, dở hơi.” Con biết con có nói thì thím con cũng chẳng hiểu nên con không nói. Lúc này không phải là lúc tranh luận.

Rời gia đình con lên thành phố, con ở nhà cậu mợ để đi đến chỗ làm hộ chiếu cho tiện. Tại đây con cũng phải trả lời những câu hỏi mà cậu mợ, các bác hỏi con. Con cũng không hiểu sao lúc ấy con nói năng lưu loát đến vậy. Có lẽ Bụt, Tổ đã trả lời giúp con. Con cũng nhận được những câu ‘an ủi’ rằng, “Thôi, đừng đi tu nữa, ở nhà lấy chồng.” Nghe các bác, các anh, các chị nói vậy con chỉ cười. Trong thời gian chờ lấy hộ chiếu con có đi đến các tỉnh lân cận như Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Giang để thăm bạn học cùng người thân. Sau bao ngày không liên lạc được nên lúc gặp nhau con cùng bạn con mừng lắm. Ăn cơm ở nhà bạn con, đồ ăn chay cho riêng con cũng chỉ có rau và đậu. Bà của bạn con nói, “Tội nghiệp con bé, lâu ngày nay mới về thăm bà, thăm bác mà chẳng ăn được gì ngoài rau và đậu. Khi trước nghe tin cháu đi tu bà không tin nhưng giờ cháu về thì bà tin, có gàn cũng chẳng được nữa. Thôi thì mỗi người có một con đường để chọn lựa, bà chẳng biết nói gì ngoài lời chúc cháu tu hành tinh tấn.” Mẹ của bạn con còn hỏi con, “Thế thấy thịt cá Tú có thèm không? Hay cứ ăn đi, ai biết.” Con chỉ biết cười. Gần nhà bạn con có ngôi chùa mới được tu sửa lại, bạn con nói rằng chùa cũng nhỏ nhỏ thôi nhưng đẹp lắm, toàn bằng gỗ, tu sửa hết 21 tỷ. Con thốt lên, “21 tỷ? Trời, đúng là mỗi người có một ý thích, hôm nào anh cho em đến thăm ngôi chùa đó với.” (Anh ấy là chồng của bạn gái con.) Thế nhưng bạn con chưa có đưa con đi thăm ngôi chùa đó được thì con đã phải rời Lạng Sơn để đi Cao Bằng. Cách đây mấy năm con học trên đó nên còn thời gian con tranh thủ đến đó để thăm bạn con. Con sững người khi thấy mẹ bạn con nằm liệt giường. Trước kia bác ấy còn khỏe mạnh thế mà giờ đây bác là một con người hoàn toàn khác.

Con đến nhà bác ấy lúc 12 giờ trưa. Bác trai ra mở cửa cho con, bác nói rằng bác gái nằm nghỉ ở giường trong, con cứ nghĩ rằng bác nằm nghỉ trưa thôi nhưng bác gái kêu con vào, con nhìn thấy bác nằm đó mà cổ họng con nghèn nghẹn. Nhìn bác già và gầy (ốm) hơn trước nhiều. Hai con mắt thâm quầng, cánh tay phải còn cử động được, mọi sinh hoạt phải có người phụ giúp. Bác kể rằng mới đầu chỉ là một cái u nhỏ ở nách, ai cũng cho rằng đó chỉ là u xơ nhưng về sau u di căn và không thể chữa trị được nữa. Bác nói với con rằng, “Sao lại như vậy, học xong không đi làm mà lại vô chùa?” Nhưng sau khi nghe con nói đôi chút về Tăng thân, nói về đường hướng của Tăng thân thì bác nói rằng, “Thôi, tu cũng được con à, đời người chẳng biết đâu được, như bác đây.” Con ở chơi với bác, với bạn con đến sáng hôm sau con về. À, con quên mất, khi ăn cơm chiều cùng gia đình bác, bác trai hỏi con rằng, “Thế cháu có ăn được xôi thịt không?” Con trả lời bác ấy rằng, “Dạ, con ăn chay bác à.” Bác lại hỏi, “Thế sao chùa ở đây lại ăn xôi thịt?” Con cũng bất ngờ nhưng con vẫn nói, “Đa số chùa ngoài Bắc mình là ăn mặn bác ạ.” Chị dâu của bạn con còn hỏi, “Thế đậu phụ chiên mỡ heo em có ăn không?” Con nói, “Dạ không!” Chị ấy đã nói rằng, “Vậy thì ăn uống hơi cầu kỳ nhỉ?” Con chẳng biết nói sao. Chị ấy còn kể rằng, “Chị cũng thích đi chùa nhưng sư ở đó khó tính lắm nên chị cũng ít đến chùa.” Biết chị ấy chưa có biết gì về người tu hết nên con cũng chẳng giải thích gì thêm. Còn mẹ của bạn con ở Lạng Sơn đã nói rằng, “Tú đi tu rồi nói năng nhỏ nhẹ hơn trước nhỉ?” Con nói, “Dạ vâng, ở chỗ con tu, ai cũng nói nhỏ nhẹ nên con cũng phải nhỏ nhẹ theo.” Mẹ của bạn con còn kể, “Sư ở gần nhà cô còn cãi nhau, chửi nhau rồi xé cả quần áo của nhau ra nữa, ghê lắm.” Nghe vậy con thấy mình thật may mắn vì con được gặp Tăng thân, con được tu học theo những pháp môn mà Thầy đã mở ra.

Khi rời Cao Bằng, vẫn còn hai ngày nữa thì mới đến ngày hẹn lấy hộ chiếu nên con qua Hà Giang thăm bà con, họ hàng. Con đến bất ngờ nên cậu mợ, các bác, các chú…mừng lắm nhưng mọi người lại nhìn con bằng ánh mắt lạ lùng. Mợ con nói con mặc váy trong khi đó thì con mặc áo nhật bình—mợ con đã tưởng áo nhật bình là váy. Ai cũng hỏi con rằng chùa con tu bao nhiêu người. Con nói rằng 400 người. Ai cũng nói, “Sao chùa mà đông thế, chắc chùa lớn lắm?” Vậy là lại một lần nữa con phải nói cho mọi người biết và hiểu về Tăng thân. Mợ con nói rằng, “Chùa Móng Cái lớn lắm mà chỉ có một bà sư, hay cháu xin về đấy tu.” (Móng Cái là đỉnh đầu của Tổ Quốc.) Con nói, “Dạ không, ít người tu như vậy thì buồn lắm, con không thích.” Con có nói, có giải thích bao nhiêu thì mợ con cùng mọi người cũng chẳng hiểu được là bao nên con không nói nhiều nữa. Con nhận ra rằng ai ai cũng nghĩ mai mốt con sẽ hành nghề thầy cúng như mọi thầy tu khác ở địa phương.

Hải Ninh quê con có tất cả là 108 ngôi chùa nhưng chỉ mới có 25 vị sư, bởi thế nên công an huyện họ cứ vận động cho con về quê tu, đừng đi nữa. Những vị sư mới về chùa gần nhà con thì họ giàu lắm, họ chuyên đi niệm đám chết và đi cúng đám 49 hay 100 ngày (có trả giá), bởi vậy ai cũng nghĩ rằng con là thầy tu và cũng tu như thế. Nguyên khu vực miền Bắc—quê con còn chưa biết nhiều về pháp môn Làng Mai, thầy tu còn ăn mặn và coi trọng vật chất, tiền bạc… Thấy vậy sao con thương quê hương, thương bố mẹ con quá, tình thương lẫn sự xót xa. Ngay chính bố mẹ con còn chưa biết gì về người tu, còn vận động con ăn mặn rồi còn nói, “Hay ở nhà lấy chồng, đừng đi nữa…”

Kính bạch Thầy! Con thương mọi người ở quê con quá nhưng con biết phải làm sao đây? Một mình con làm sao con đứng được giữa dòng chảy của cuộc đời, con sẽ bị nuốt chửng. Tết này con được cùng Đại Chúng đi về nhà quý thầy và quý sư cô ở Huế; con sao thấy thèm khát quá. Con thèm được theo Đại Chúng về nhà con. Giá như có được ngày ấy thì con hạnh phúc biết bao. Con muốn lắm nhưng con chẳng làm gì được. Tất cả con đành nhờ vào Tăng thân hết.

Cuộc sống trong Chúng làm con lúc nào cũng tràn đầy hạnh phúc. Con có viết bài thơ để cám ơn Tăng thân Thầy ạ. Bài thơ đó được viết như sau:

Cám Ơn

Cám ơn cuộc đời đầy mầu nhiệm
Đã cho con biểu hiện trong Tăng thân
Tình thương yêu là một cái rất gần
Rất giản đơn, dễ tìm, dễ kiếm
Đường đi dù chông gai, nguy hiểm
Đã có tình huynh đệ
Luôn tiếp sức cho con.

Cuộc sống trong chùa tuy giản đơn nhưng con luôn thấy bình an và hạnh phúc, bởi thế con chẳng cần tìm cầu chi nữa. Đó là cảm giác đầu tiên con cảm nhận được khi con mới bước chân vào Bát Nhã, con tìm được hạnh phúc ở mỗi bước chân nên con đã viết bài thơ như vầy:

Bước Chân

Cuộc sống trong chùa bình an quá
Hoa rơi nhè nhẹ, lá bên thềm
Mỗi bước chân đi lòng thanh thản
Tịnh độ là đây, cần chi thêm.

Bạch Thầy! Trong suốt thời gian qua biết bao nhiêu khó khăn đến với Thầy, với Tăng thân mà sao con vẫn được bình an. Bởi vì con là một con chim nhỏ được chim mẹ ấp ủ dưới đôi cánh của mình, nên trời có mưa bão thì con chim nhỏ cũng chẳng bị ướt, dù chỉ là một sợi lông. Con thấy, sao Thầy và Tăng thân giỏi quá. Sự việc Bát Nhã vừa qua, nội tiền vé máy bay để di chuyển thôi đã là rất nhiều rồi, chưa kể các khoản chi tiêu khác. Cho dù con không cầm tiền để lo việc cho Chúng nhưng con hiểu tiền đó từ đâu ra. Tăng thân mình sao giỏi quá, phải không Thầy? Ai cũng dễ thương, mỗi người có một nét dễ thương khác nhau. Con chỉ ước mong sao có một ngày nào đó Tăng thân mình về nhà con để bố mẹ con cũng như mọi người quê con được “chiêm ngưỡng” nét đẹp từ màu áo nâu mà con đang mang. Chứ hôm con về, bố con nói là mặc quần áo gì mà đen thui. Quê con tội lắm Thầy ơi.

Hôm con ở chùa ở Hà Nội, con có tâm sự với một sư chị con như vầy, “Sao nhà mình nhiều tiền thế, một vé máy bay từ đây bay qua Pháp là bao nhiêu tiền mà mỗi năm nhà mình đi đi, về về không biết bao nhiêu lần, chị nhỉ?” Sư chị con đã nói rằng, “Thực ra thì nhà mình đang nợ rất nhiều, sư cô Chân Không giỏi lắm…” Chao ôi, nghe sư chị con nói vậy con mới xúc động làm sao. Khi còn ở Bát Nhã, con ở cùng phòng với sư chị Trình Nghiêm, sư chị con kể rằng sư cô Chân Không dễ thương lắm. Tết đến, sư cô lì xì các sư em bao nhiêu cũng được, miễn là các sư em đừng bỏ tu. Sự thực thì mỗi khi nghe tin ai đó, cho dù là sư anh, sư chị, hay sư em rời Chúng ra đi vì bất cứ lý do gì con đều sững sờ, con đau, đau như thân thể mình mất đi một bộ phận. Con biết rằng dù có khó khăn như thế nào đi chăng nữa thì Thầy cùng Tăng thân cũng chẳng để cho chúng con thiếu thốn.

Ngày trước, nhà con đói khổ lắm nhưng bố mẹ con vẫn quyết tâm cho bốn anh em con đi  học. Bố mẹ con chẳng thiết xây nhà, xây bếp. Tất cả đều là ‘nhà tranh,vách đất.’ Khi mùa bão về mái nhà bị gió cuốn đi, mưa dột ướt giường nên bố mẹ con phải thức trắng đêm để che áo mưa cho bốn anh em con ngủ. Khi con lớn lên một chút thì biết phụ bố mẹ con những công việc nhỏ, như lo hái rau dại về để nấu canh, lo nhặt lá, kiếm củi về để nấu cơm. Bữa cơm thì đạm bạc hết sức. Chỉ có rau luộc và nước mắm chay (nước mắm làm bằng muối và mì chính, có chút đường thì thắng lên để tạo màu). Ấy vậy mà anh em con vẫn học giỏi, đi học về mà có cơm để ăn là con hạnh phúc lắm rồi. Con còn nhớ năm con học lớp năm, nhà con buộc phải làm nhà mới vì căn nhà tranh đổ nát lắm rồi. Những người thợ hồ họ đòi tiền công dữ quá mà bố mẹ con chưa biết chạy đâu ra tiền để trả họ. Thương bố mẹ con, Tết được tiền lì xì (mừng tuổi) anh chị em con dồn hết vào để đưa cho mẹ con. Dẫu rằng số tiền chẳng đáng là bao nhưng con biết bố mẹ con vui lắm. Bây giờ cũng vậy, con cứ tưởng tượng ra cảnh Thầy là cha ngồi ăn cơm với một đàn con, đứa nào cũng ngoan hiền thì chao ôi, hạnh phúc làm sao–mặc cho gánh nặng còn đè nặng trên vai, phải không Thầy?

Hôm còn ở chùa Phước Huệ, ngày đó Đại Chúng được nghe pháp thoại của Thầy, có cả hình Thầy nữa, nhìn Thầy già và ốm đi nhiều tự nhiên hai hàng nước mắt con cứ trào ra. Có lẽ do Thầy lo việc cho Đại Chúng nhiều quá. Con chỉ muốn mình lớn nhanh để gánh bớt giúp Thầy phần nào gánh nặng, để đôi vai Thầy đỡ được phần nào.

Bạch Thầy kính thương! Tết này, tuy Đại Chúng ít hơn nhiều so với hồi còn ở Bát Nhã nhưng con vẫn thấy rất hạnh phúc. Có phải sau một thời gian về nhà, vô lại Chúng thì con thấy hạnh phúc hơn chăng? Dạ không, nghĩ tới quê hương con con chỉ thấy thương. Ở nhà có mấy ngày thôi mà con nhớ Đại Chúng quá đi thôi. Khi ra chùa ở Hà Nội, gặp được ai con cũng mừng. Ở đây có tới hơn trăm người. Nhất là cái Tết đầu tiên con được ăn Tết ở chùa Tổ–đất Huế yêu thương. Lúc còn ở Hà Nội con cứ nghĩ rằng con sẽ được đón Tết ở Hà Nội, đến ngày 21 Tết con được cho biết sẽ vô Huế. Sư chị con hỏi con rằng, “Em có thích vô Huế không?” Con trả lời sư chị con rằng, “Em đi đâu cũng được. Lúc nào em cũng sẵn sàng đón nhận tất cả những gì mà Tăng thân ban tặng cho em.”

Ở đất Huế, gặp anh chị em nhà mình con mừng lắm. Đôi lúc đi ra ngoài con cũng hơi ngại, vì đụng người Huế nói con nghe không được. Anh chị em con người Huế nói con nghe được, bởi vì anh chị em con ở ba miền, sống chung với nhau nên giọng nói bị lai hết. Bản thân con khi ra Bắc ai cũng nói là con nói giọng miền Nam. Con hào hứng khoe với mọi người rằng, “Chị em chúng con đến từ mọi miền đất nước nên giọng nói bị lai cũng là chuyện bình thường. Và điều hạnh phúc nhất là con được ăn các món ăn của nhiều miền.” Nghe con kể vậy chị con nói rằng, “Thích nhỉ!” Nghe chị con nói rằng đi tu “thích nhỉ”, như vậy con mừng lắm. Chỉ tiếc rằng mọi người quê con cũng như bố mẹ con chưa một lần lên Bát Nhã. Ước gì con mang được Bát Nhã về quê.

Khi con từ Hà Nội vô Huế thì Đại Chúng bên ni không có qua chùa Tổ vào thứ Năm và Chủ Nhật nữa, vì Chúng phải ở nhà để chấp tác cho ‘xanh vườn, sạch chùa’, chuẩn bị đón Tết. Ngày Tết được đi thăm phòng, được đi chúc Tết quý sư, được đi chơi chợ hoa…con hạnh phúc lắm. Tuy việc Chúng thì nhiều nhưng quý sư cô lớn vẫn tươi mát làm cho con cảm động, con thương Thầy, thương Đại Chúng nhiều hơn. Ở bên Từ Hiếu, bên Diệu Trạm còn có nhiều phòng chứ ở bên chùa con ở chỉ có ba phòng. Đại Chúng Từ Hiếu và Diệu Trạm qua chùa con thì cứ tha hồ ngồi chơi, chẳng lo hết giờ mà chưa đi hết phòng. Cứ ngồi chơi ở phòng này một lúc lâu thì lại qua phòng khác. Một phòng có thể đi ra, đi vô lại tới bốn lần nhưng chính nhờ thế mà anh chị em chúng con hiến tặng cho nhau nhiều hạnh phúc hơn. Chúng con ngồi hát, đàn cho nhau nghe. Đến chiều thầy Từ Giác ‘mời’ Đại Chúng Từ Hiếu về thì nhận được phản hồi là, “Nhưng chưa có chơi lô tô mà, thôi, chơi lô tô một ván rồi về.” (Lời thầy Pháp Tịnh) Vậy là Chúng Diệu Trạm phải ra về trước. Chơi Tết không phân biệt ai già, ai trẻ nên con thấy các thầy tuy tuổi đã hơi nhiều nhiều nhưng rất ‘baby’–giúp con có thêm nhiều hạnh phúc.

Năm nay Đại Chúng (ở Huế) không có buổi sáng mồng một ngồi ngâm Kiều như ở Bát Nhã nhưng bù lại, con được cùng Đại Chúng qua Từ Hiếu lạy Tổ, lạy Bụt, lạy Sư Thúc và hát cho Sư Thúc nghe những bài hát mà Sư Thúc thích. Tuy Sư Thúc mất rồi nhưng với con và Đại Chúng thì Sư Thúc vẫn còn đó đấy thôi.

Kính bạch Thầy! Càng ngày con càng có cái thấy của con về pháp môn cũng như tình huynh đệ càng sâu sắc hơn. Với một Đại Chúng đông như vầy thì làm sao để có sự hòa hợp? Con luôn nhớ lời Thầy dạy là, “Ý Hòa Đồng Duyệt.” Mỗi khi con viết thư về cho bố mẹ con thì con cũng hay trích đoạn lời Thầy dạy. Lá thư nào bố mẹ con cũng giữ lại, khi công an đến nhà nói con thế này thế nọ thì bố con đã đưa những lá thư của con gửi về ra, họ đọc xong rồi họ nói, “Thư em nó viết như thế thì chẳng có gì gọi là ‘chính trị’ ở đó hết…” Con thở phào nhẹ nhõm. Trước khi ra Bắc con có ghé vô Cam Ranh thăm Sư Bá và gia đình anh trai con. Nhà thầy Pháp Thiên ở gần nhà anh con nên con có qua nhà thầy, con có gặp má của thầy. Ngồi nói chuyện với má thầy được hơn 30 phút thì đã 11 giờ trưa nên con phải về ăn cơm, má thầy cứ khóc khi tâm sự với con rằng, “Vụ việc Bát Nhã như vậy rồi thì làm sao?” Con nói, “Mợ cứ giữ tâm cho an, như vậy tụi con sẽ được hưởng năng lượng bình an từ mợ. Chẳng có gì để mợ phải lo lắng hết, mợ nhé.” Lúc về con đã nắm tay mợ mà thở. Con coi má của thầy Pháp Thiên cũng như má của con vậy (con gọi má thầy là mợ vì chị dâu con gọi như vậy, như thế con gọi theo). Sáng hôm sau mợ lại gửi cho con 50,000 đồng, con không nhận thì mợ buồn. Mợ nói rằng, “Tôi coi cô như con trai tôi, tôi thương lắm. Đã đi tu rồi mà còn không được yên…” Nhận tiền của má thầy Pháp Thiên mà con thấy lòng mình ấm lại.

Hàng tháng cứ nhận được tiền của Thầy, của Chúng cho, con ý thức rằng mình phải sống sao cho xứng đáng là con của Thầy, của Tâng thân. Ngày trước, khi con còn ở nhà, con cũng đã đi bán rau giúp mẹ con. Tuy bố mẹ con có lương hưu hàng tháng nhưng nhà con vườn đất nhiều nên bố mẹ con trồng rau để cho, để bán. Hôm nào có rau đem đi chợ bán thì hôm đó con phải dậy sớm để hái rau (rau mới hái thì dễ bán Thầy ạ). Một buổi đi chợ bán rau (con bán) nhiều nhất là 10,000 đồng. Về sau, con bày cho bố mẹ con trồng cây khoai nước để lấy bồng bán. “Bồng bồng mà nấu canh khoai. Ăn vào mát ruột sáng mai lại bồng.” Con không biết Thầy có biết canh bồng khoai không? Nhà con cũng có làm ruộng, chủ yếu là bố mẹ con làm. Con vừa học vừa phụ bố mẹ con làm ruộng nữa nên con cũng biết cấy lúa, nhổ mạ. Hôm rồi con được một ngày đi dặm lúa cùng Đại Chúng. Đã hơn bốn năm rồi nay con mới được lội ruộng lại, con thích lắm. Nhìn ruộng lúa xanh tươi mơn mởn, đang thì con gái, tất cả đang hứa hẹn một mùa lúa bội thu nhưng cũng còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngày trước, lúa quê con đã đỏ đuôi, sắp được thu hoạch rồi thì một trận bão ập đến, vậy là vụ lúa đó thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Thế nhưng tiền hàng tháng cho con vẫn đầy đủ, cho dù như thế nào thì Thầy và Tăng thân chẳng để cho con thiếu thứ gì. Con thương Thầy, thương Tăng thân nhiều lắm—thương như thương bố mẹ con vậy.

Lúc còn ở Phước Huệ, sau khi cây Sen Hồng ra đời con đã làm một bài thơ để nhắn nhủ các em nhưng cũng là để nhắc nhở chính con, con xin phép Thầy cho con được viết lại ra đây. Con không biết là Thầy đã biết bài thơ này chưa? Con chẳng làm thơ bao giờ nhưng có cảm xúc thực thì tự nhiên con viết được.

Lời Nhắn Nhủ
(Sen Hồng)

Sen Hồng ơi sao mà thương em quá
Em ra đời trong bão gió mưa sa
Vì nghịch duyên nên chẳng có mẹ cha
Đến với em trong ngày em đổi áo
Cũng chẳng sao đã có tình đồng đạo
Bao bọc em và nâng đỡ cho em

Vẫn muôn đời em là loài sen quý
Dâng hương thơm tinh túy nhất cho đời
Ngày mai đây sen sẽ mọc muôn nơi
Mặc cho gian nguy phơi đầy muôn lối
Em cùng tôi nguyện đi trọn con đường
Của Hiểu Thương, của Từ Bi Hỷ Xả

Dẫu ngày mai ở phương trời xa lạ
Em vẫn mãi là Sen Hồng em nhé
Ơi Sen Hồng yêu quý của Tăng thân!

Kính bạch Thầy! Lúc con ở Bát Nhã, con đang làm trong văn phòng Bếp Lửa Hồng thì thầy Pháp Duệ vô để sửa máy tính giúp văn phòng. Sau đó sư cô Thư Nghiêm vô và thầy Pháp Duệ nói với sư cô là, “Em tính xin tiền sư cô Chân Không để làm Từ Điển Làng Mai…” Nghe thầy Pháp Duệ nói vậy sao con thấy thương sư cô Chân Không quá. Bao nhiêu việc lớn trong Chúng sư cô đều lo hết. Con còn nhỏ chẳng làm được việc gì. Lúc con còn là học sinh, sinh viên, mỗi lần phải xin tiền bố mẹ con để đóng tiền học con rất ngại. Đôi lúc tiền lương không đủ bố mẹ con phải bán con lợn, con gà hay thóc gạo. Nhà có cái gì bán được thì bán hết miễn sao có tiền cho đàn con có tiền đóng tiền học là bố mẹ con mừng rồi. Khi rời Phước Huệ, nhận được tiền của chúng là 1,000,000 đồng, con thấy số tiền sao lớn quá. Rồi thì số tiền ấy con tiêu không hết, con đem cho sư chị, sư em, những ai thiếu tiền. Mỗi tháng, tiền ăn, tiền điện, tiền nước, tiền chi tiêu này nọ đã là một số tiền lớn lắm rồi, ấy vậy mà con vẫn được nhận mỗi tháng 50,000 đồng, với con số tiền này lớn lắm.

Con thấy con chỉ là một bông hoa nhỏ trong một vườn hoa. Vườn hoa Tăng thân đẹp lắm bởi thế một bông hoa dại như con cũng được đẹp lây. Con đang được hưởng phước từ Thầy, từ Tăng thân. Con thấy mình thật may mắn vì con được gặp Tăng thân, con thấy người Hải Ninh như con được có hai người trong chúng.

Con thấy con chẳng lẻ loi khi một mình con là nữ, là người Hải Ninh bởi vì Tăng thân là gia đình của con. Con quá hạnh phúc khi con có nhiều anh chị em đến từ nhiều miền khác nhau. Hôm con về quê, công an huyện có nói chuyện với con, chung quy lại ý họ chỉ là muốn con về quê tu thôi, bởi vì quê con (Hải Ninh) có tới 108 ngồi chùa và chỉ mới có 25 vị sư. Nhưng chùa quê con buồn lắm, con chẳng muốn về cho dù họ có cho con một mình làm trụ trì tới vài cái chùa. Giờ đây, làm sao con có thể sống thiếu Tăng thân. Nếu sống thiếu Tăng thân thì con như cá thiếu nước, như cây thiếu đất. Về nhà có mấy hôm để làm hộ chiếu thôi mà con nhớ Đại Chúng, nhớ sao mà nhớ. Tăng thân có biểu con đi đâu cũng được, miễn là đừng đi một mình, rứa là con mừng lắm rồi.

Xuân về Thầy lại thêm một tuổi, con lại lớn thêm, con chẳng biết viết gì nữa vì thư con viết hơi dài. Con kính cám ơn Thầy đã dành thời gian để đọc thư con. Con cầu chúc Thầy luôn có nhiều sức khỏe để chúng con được nương tựa. Thầy mãi là bóng mát để che chở cho chúng con. Con sẽ mãi là con ngoan của Thầy, của Tăng thân.

Con của Thầy,
Con của Tăng Thân,
Kính thư
Con:  Chân Chuẩn Nghiêm

T.B. Kính bạch Thầy! Vì chưa gửi thư đi cho Thầy được nên con kính chép tặng Thầy bài thơ mà con mới viết:


Tình Huế

Dòng sông Hương lóng lánh ánh mặt trời
Con yêu Huế có đôi lời muốn nói
Đã có lần trong lòng con tự hỏi
Con yêu Huế rồi hỏi Huế có yêu con?
Sẽ chẳng bao giờ tình Huế bị hao mòn
Dẫu cho con lớn dần theo năm tháng
Huế vẫn luôn với vòng tay dang rộng
Ôm lấy con, ôm lấy cả đất trời
Tình yêu đâu thể nói bằng lời
Chỉ có sống, cảm nhận rồi mới hiểu
Con yêu Huế, yêu nhiều, yêu yêu lắm
Yêu huynh đệ, yêu mến cả Tăng thân
Để đền đáp con chuyên cần tu học
Chẳng phụ lòng Huế đã yêu con.

 

 

Lần về thăm nhà lần này con muốn được về nhà cùng Đại chúng nên con không có ngại nói ra những gì ấp ủ trong lòng và con cũng đã được Đại chúng yểm trợ 100%.>>

Thầy kính thương !

Huế đang giữa mùa đông, cái lạnh đến tê tái nhưng con nghe quý anh chị em của con gọi điện về nói là bên đó lạnh đến 2oC và còn có thể xuống nữa. Chao ôi, con chưa biết cái cảm giác lạnh tới 2oC nó như thế nào, nhưng con biết chắc là nó lạnh thấu xương. Những ai mới qua chắc chịu không nổi, và con tin là sang mùa đông sang năm thì mọi người sẽ quen. Con nhớ Út Đôn Nghiêm cây con lắm, sư em con nhỏ mà giỏi giang, em nó luôn là tấm gương sáng cho con noi theo.

Thầy ơi, ở bên ni Đại chúng đang học lớp Du Già Sư Địa Luận vào mỗi chiều thứ bảy để theo kịp chương trình bên Làng. Mỗi khi có chuông đi học là ai cũng vui tươi phấn khởi, nghe chuông khởi sự đi liền. Con thấy con giống con chuột rớt vào hũ gạo nếp. Hạnh phúc này đâu phải ai  cũng dễ dàng có được. Con thấy sức mạnh của Tăng thân là một sức mạnh vô hình, chỉ có những người trong cuộc mới cảm nhận được mà thôi. Con không biết nói sao cho hết điều kỳ diệu về hai chữ Tăng thân nhưng con luôn khẳng định rằng: Tu Học Là Công Trình Không Của Một Cá Nhân. Có Tăng thân thì khó khăn nào cũng dễ dàng vượt qua, chỉ cần mình mở lòng nói cho Tăng thân biết mình đang gặp khó khăn gì, mình đang có ước muốn gì. Như con đây, con muốn được về nhà cùng Đại chúng nên con không có ngại nói ra những gì ấp ủ trong lòng và con cũng đã được Đại chúng yểm trợ 100%.  Mỗi lần lên trai đường, nhìn lên bức thư pháp Thầy viết: “Ta Đã Làm Gì Hôm Nay Cho Tăng Thân Hạnh Phúc?” thì  con biết con cần phải làm gì cho Tăng thân. Và con thấy con chỉ cần nghe theo sự sắp xếp của Tăng thân, chỉ cần như vậy thôi cũng đủ lắm rồi.