Trên đỉnh non cao
Thầy Pháp Biểu là người Ý, xuất gia năm 2008 trong gia đình Cây Sen Trắng lúc 19 tuổi. Ngoài tiếng mẹ đẻ, thầy còn sử dụng được tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt, và rất thích học hỏi chữ Hán để có thể hiểu được kinh điển từ Hán tạng. Dưới đây là bài chia sẻ của thầy về ba bài thơ của Thiền sư Hám Sơn, đời nhà Minh ở Trung Quốc. BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh. Ba bài thơ của Thiền sư Hám Sơn do thầy Nguyên Tịnh chuyển ngữ từ bản chữ Hán.
Chúng ta thường nói rằng giáo pháp là không thể nghĩ bàn, ấy vậy mà chúng ta lại bỏ ra hầu hết thời gian để cố gắng tìm hiểu nó qua ngôn từ và khái niệm. Đôi lúc ta cố gắng quá nhiều nhưng vẫn không nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa của những lời dạy kia. Chúng ta trở nên bực bội và thoái chí. Thế nhưng giây phút nản lòng ấy lại có thể là giây phút mà chúng ta đến gần nhất với sự đột phá, sự giác ngộ. Khoảng cách giữa ta và cái mà ta bấy lâu tìm kiếm có thể chỉ cách nhau một nụ cười! Những ngôn từ mà ta sử dụng để diễn bày giáo lý có thể giúp ta xác định được hướng đi, nhưng nếu không cẩn trọng, ngôn từ có thể nhanh chóng trở thành một chiếc áo mưa dày, ngăn không cho những hạt mưa pháp thấm vào trong tâm ta.
Tôi đoán đây có thể là lý do mà các vị thiền sư thường dạy đệ tử của mình qua văn thơ thay vì qua phương pháp biện chứng khô cứng. Văn thơ được sử dụng để nhắm tới một cái gì đó vượt lên trên ngôn ngữ. Ngôn từ và khái niệm thường được dùng để phân loại, phân biệt sự vật, sự việc và bỏ thực tại vào trong những cái hộp nhỏ cho gọn gàng. Nhưng một người thực tập thiền thực thụ biết rõ rằng thực tại không thể nào gọn gàng như ý muốn của mình và vẻ đẹp đích thực nằm ngay trong bản chất hữu cơ và hỗn tạp của thực tại.
Một bài thơ hay có khả năng giúp chúng ta vượt thoát được giới hạn của ngôn ngữ và đây chính là lý do mà bài thơ ấy không nhất thiết phải có nghĩa. Nó có thể không hợp lý, lạ và không giải thích được, tuy vậy nó vẫn cho chúng ta nếm được kinh nghiệm của tác giả. Kinh nghiệm chính là tinh túy của tất cả mọi truyền thống tâm linh, nhưng nó không bao giờ là cái mà ta nghĩ. Nó thường có tính cách mâu thuẫn và không thể diễn đạt được bằng ngôn ngữ thông thường, vậy thì chúng ta cố gắng nắm bắt nó để làm gì? Có lẽ sẽ hay hơn nếu chúng ta không đi theo lối tư duy thông thường và cùng nhau “phung phí thời gian” để viết, để chia sẻ cho nhau những bài thơ về sự sống. Tôi có cảm giác rằng một khi gánh nặng của lý lẽ được buông xuống, sẽ không còn bất cứ cái gì có thể cột chặt chúng ta xuống đất được nữa.
Ba bài thơ dưới đây do Thiền sư Hám Sơn (1546-1623) sáng tác. Thiền sư là một trong những vị thầy có tầm ảnh hưởng lớn rộng ở Trung Quốc vào thời nhà Minh. Ngài có một niềm đam mê thi ca sâu sắc và đã để lại cho đời hàng trăm bài thơ. Ngài đã dành cả cuộc đời mình cho những thời tham thiền trên núi tuyết và những hoạt động xã hội dấn thân tại các kinh thành lớn. Ba bài thơ này đơn giản phác họa bức tranh cuộc sống của ngài như một ẩn sĩ. Những lời bình mà tôi đưa vào thực ra không có nghĩa gì cả, cho nên bạn cũng không nhất thiết phải hiểu chúng. Lý do duy nhất khiến tôi viết xuống là để thách thức mình tham gia vào một cuộc khiêu vũ ngắn với Thiền sư Hám Sơn. Và mặc dù những bước chân của tôi còn vụng về hơn của ngài rất nhiều, nó đã đem đến cho tôi một niềm vui rất lớn!
Tạm dịch:
Tôi thường nhớ về những ngày leo núi Pyrenees, cùng chơi với các huynh đệ giữa mây trắng, núi xanh. Một khi bạn leo lên khỏi độ cao mà cây cối có thể mọc, bạn sẽ được chào đón bởi một không gian lạ kỳ và quyến rũ. Ở đó không khí rất trong lành và các hồ nước đều có một màu xanh thẳm làm bạn tự hỏi rằng không biết nước hồ có bị nhuộm màu hay không. Các vách đá cheo leo vượt lên trên những triền núi mọc đầy cỏ dại. Loại cỏ này mới trông qua có vẻ mềm mại, nhưng nếu ngồi lên, chúng sẽ đâm xuyên qua quần áo và da thịt làm bạn phải nhảy dựng lên. Thỉnh thoảng, một đám mây thình lình xuất hiện bao trùm cả ngọn núi trong một vài phút. Khi đám mây ấy trôi đi, nó để lại vô lượng những hạt nước nhỏ trên các ngọn cỏ, và khi mặt trời xuất hiện trở lại, bạn sẽ thấy mình như đang đứng trên một đỉnh núi châu báu trong kinh Pháp Hoa. Cảnh tượng ấy nguy nga và hùng vĩ đến nỗi gần như bạn có cảm giác hổ thẹn chỉ vì bạn thấy quá thản nhiên. Đối diện với một cảnh tượng như thế, có lẽ là bạn phải hét lên, xé bỏ áo quần và tung mình khỏi mỏm đá cao để bay vào hư vô. Nhưng rốt cuộc, bạn chỉ mỉm cười và tiếp tục bước đi. Mà chẳng phải những đám mây kia cũng luôn làm như thế hay sao?
Tạm dịch:
Bạn có bao giờ tận hưởng một ngày làm biếng thực sự chưa? Ngay khi thức dậy thật sớm, bạn không dự tính gì cả. Bạn chỉ đơn giản chuẩn bị một bình trà nhỏ và nước nóng để đem theo, và khi đã sẵn sàng, bạn lập tức rời bỏ khung cảnh an toàn của ngôi nhà mình. Nơi bạn sống trước giờ đã đầy ngập những tư tưởng và thói quen của bạn, vì vậy trong cuộc sống hàng ngày, bạn không thể suy tư hay tìm thấy được điều gì mới mẻ. Nhưng giây phút mà bạn đóng cánh cửa sau lưng lại, thế giới phía trước trở thành một sân khấu nơi những phép lạ bất chợt có thể hiển lộ. Dòng suối đang chảy êm đềm là một thi sĩ tài tình có thể làm mê hoặc bạn với nhiều mẩu chuyện khác nhau, đám mây trắng là một người bạn cũ mà bạn phải xa lìa trong quyến luyến. Khi bạn bước đi trong không gian thiên nhiên, bạn nên học hỏi từ rừng cây và muông thú. Đừng mang theo cái bản ngã con người nặng nề của bạn vì nó sẽ chỉ làm bạn thêm mệt nhọc mà thôi. Tin tôi đi, bạn sẽ không cần sử dụng nó đâu. Hãy làm một thân cây ở giữa những thân cây khác, hoặc một luồng gió giữa trời đông. Nếu bạn hỏi: “Tôi phải làm điều này như thế nào?” thì bạn sẽ chẳng đi đến đâu cả. Nhưng nếu cứ làm thì bạn sẽ cảm nhận trong hình hài mình có một loại tuệ giác không ngờ tới. Tôi tin chắc rằng ít nhất thì bạn cũng có thể để cho đôi chân bạn làm hướng đạo và đưa bạn đến bất cứ nơi nào chúng thích. Điều này nghe hơi lạ, nhưng đôi chân gần trái tim hơn là cái đầu của bạn!
Tạm dịch:
Thời gian và không gian va vào nhau và nổ tung ra thành hàng triệu mảnh. Một tia sáng du hành hàng tỉ năm từ bên kia vũ trụ và đáp xuống mặt đất trước khi nó khởi hành. Tôi không còn có thể cảm nhận một cách thông suốt những gì đang xảy ra, có phải đây là ngày đầu tiên tôi đến trường, ngày tôi thế phát xuất gia hay là ngày tôi lìa đời? Khi tôi đặt lưng xuống giường, có phải đó chỉ là một buổi nghỉ trưa hay là tôi đang thở những hơi thở cuối cùng? Tôi quyết định rằng nếu tâm tôi là một họa sư thì tôi sẽ đặt họa sư ấy vẽ một bức tranh toàn những ngọn đồi xanh thẳm, những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực và một bầu trời xanh biếc. Tôi sẽ bảo tâm tôi họa thêm một cái gì đó bất ngờ ngay phía sau những cảnh kia để cho cuộc sống của tôi không bao giờ buồn tẻ. Tôi cũng sẽ bảo tâm tôi làm cho tất cả mọi vật đều sống động và có tâm hồn, để dù phải đi cùng trời cuối đất, tôi cũng sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn. Chim chóc, cây cối và những cơn gió đều sẽ trở thành pháp lữ của tôi.
Đâu có nghĩa lý gì nếu chỉ họa những cảnh tối tăm và xám xịt, những chiếc áo mưa, cà vạt, xe cộ chỉ để làm tròn bổn phận đối với xã hội? Khi chúng ta nằm trên giường hấp hối thì cái xã hội mà chúng ta theo đuổi một cách trung thành có đến an ủi, vỗ về chúng ta không? Trên con đường tu học, đôi lúc tôi gặp phải những chuyện không đâu. Chúng dường như không có một chức năng gì đặc biệt, ngoại trừ việc làm cho cuộc sống của tôi thêm lạ lùng và thú vị. Nhiều lúc ngồi thiền định, tôi thấy hình hài mình là một thực thể đầy bất ngờ như thế. Nó có đó nhưng mỗi khi tôi tập trung quán chiếu vào những giới hạn của nó thì nó lại biến mất như thể chưa từng có mặt. Nó như là một đám mây hơn là một pho tượng đồng và tuy nó dung túng cái tánh đam mê làm ông chủ của tôi, khi nó cần cái gì thì nó sẽ có bằng được cái ấy, dù tôi có thích hay không. Nếu tôi có thể làm bạn với hình hài của mình và chỉ cần nhớ lắng nghe người bạn này hơn một chút thì cuộc sống của tôi sẽ đỡ phức tạp hơn rất nhiều!