Thầy tin con làm được mà
Sau hơn hai năm ở tu viện Lộc Uyển, tháng chạp năm 2002, tôi về lại Làng Mai Pháp. Đầu tháng giêng năm 2003, Làng tổ chức Đại giới đàn Đã Về Đã Tới. Tôi được dịp cùng Thầy và các thị giả đi thăm các thầy và sư cô trong ban Kiến đàn đang sửa soạn cho buổi lễ. Thầy hỏi tôi: “Con thấy tổ chức như vậy đã hay chưa?” Tôi không chuyên về lãnh vực này, nên cũng chưa biết trả lời ra sao thì Thầy cười và nói tiếp: “Nếu chưa hay, lần sau mình sẽ làm hay hơn!” Thầy thường nói nhiệm vụ của người thầy là tạo cảm hứng cho học trò. Khi học trò đã có cảm hứng rồi thì người đó sẽ làm được nhiều điều kỳ diệu. Chúng ta cũng thường được Thầy trao truyền cảm hứng qua những lời khuyến khích nhẹ nhàng như thế.
Tôi rất được nuôi dưỡng khi đọc hàng chữ “Thầy tin con làm được mà” thường thấy ở phần cuối của email ban giáo thọ xóm Hạ. Mà làm cái gì đây? Câu “Con đang làm gì đó?” Thầy thường hỏi (vào những năm cuối của thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI) đã làm cho nhiều học trò lúng túng. Tháng 05 năm 2001, tôi ở trong ban tổ chức các khóa tu và sinh hoạt tại miền Tây nước Mỹ. Có nhiều việc để làm nên tôi khá bận rộn. Thấy tôi đang gởi một văn kiện bằng máy truyền chân (facsimile), Thầy hỏi tôi đang làm gì. Tôi nói là tôi đang gởi fax. Trả lời xong thì mới nhận ra là mình không thuộc bài. Tôi đã được mách là khi được hỏi như vậy, thì mình chỉ cần quay về với hơi thở và mỉm cười thôi. Câu hỏi như là tiếng chuông chánh niệm mời mình trở về với giây phút hiện tại. Dĩ nhiên là Thầy biết học trò đang làm gì, nhưng Thầy muốn giúp cho học trò đừng suy nghĩ và không bị lôi kéo vào công việc quá mà quên đi việc tiếp xúc với sự sống trong giây phút hiện tại. Dừng lại một vài giây để thở thôi mà!
Hồi đó, một số thầy và sư cô xem câu hỏi ấy như là một công án. Nếu trả lời đúng, nghĩa là chỉ quay về với hơi thở và mỉm cười, là coi như đã giải được công án thì rất vui. Nếu trả lời sai, như trường hợp của tôi, thì cũng muốn có cơ hội để được Thầy hỏi trở lại, để thở và cười và xem như được Thầy ấn chứng. Một buổi sáng, trong thời gian đại chúng Lộc Uyển nghỉ ngơi và sửa soạn cho khóa tu, Thầy và đại chúng đi thiền hành dạo chơi ở xóm Vững Chãi. Đi ngang qua văn phòng, biết tôi đang ở trong đó, Thầy bảo thị giả gõ cửa mời tôi đi thiền hành chung. Tôi nói không đi được vì phải lấy thời gian đó để giải quyết một ít công việc. Tôi lại nắm hụt sợi dây Thầy đưa ra một lần nữa. Đúng là lúc đó tôi bị công việc lôi kéo thật. Nhưng chẳng lẽ cứ hụt dây như vậy hoài? Người đưa dây cho tôi lần kế tiếp là các thầy. Trong thời gian làm biếng, một vài thầy đi thiền hành ngang qua văn phòng, thấy tôi đang ở trong đó thì giơ tay chào, mời tôi ra đi chung. Tôi mỉm cười vẫy tay lại, tắt máy tính và đi ra ngoài để cùng đi chơi.
Sự tương tức giữa công việc, thực tập, học và chơi là căn bản cho việc tạo cân bằng trong các lãnh vực trên. Tăng thân ngày càng lớn thì nhu cầu đào tạo, học hỏi, hoằng pháp… ngày càng nhiều. Cho nên có thể chúng ta thấy là mình càng ngày càng bận rộn. “Bất tác bất thực” là một yếu tố chính của đời sống thiền môn từ thời Thiền sư Bách Trượng. Thời còn là sa di, Thầy cũng đã vừa giữ bò vừa lấy thì giở rảnh trong lúc chăn bò để học. Cho nên sự thực tập của chúng ta là làm cho công việc trở thành một niềm vui (It is a joy, not a job). Tôi may mắn là làm việc nhiều nhưng rất ít khi mệt. Khi nào mệt, phần nhiều là do thiếu ngủ, thì chỉ cần ngủ thêm là phục hồi liền. Tôi cũng tập thể dục thường xuyên, sáng nào cũng phải có 30 phút tập gậy. Giấc ngủ trưa thì ít khi nào thiếu. Nhờ biết chăm sóc sức khỏe, tôi thấy mình không bận rộn lắm. Bận rộn thường là do bận tâm nhiều hơn. Mà hay bận tâm thì dẫn đến mệt tâm. Tôi có nhiều niềm vui khi làm việc. Tôi là người làm nhiều việc chớ không phải là người bận rộn. Mà chưa chắc người không làm gì là không bận rộn. Thần kinh học cho biết là khi rỗi rảnh không làm gì hết thì con người có khuynh hướng suy nghĩ lung tung. Điều họ suy nghĩ nhiều nhất là so sánh hơn thua với người khác và thường lo sợ người khác đánh giá về mình. Tâm hành tà kiến (惡見), một trong sáu đại phiền não trong Duy biểu học, chữ tà được viết tiếng Hoa là 惡 , dưới là chữ tâm (心), trên là chữ á (亞), tức là hạng nhì, ngụ ý là mặc cảm thua người. Khi có mặc cảm thua người thì những tâm hành xấu khác có cơ hội biểu hiện nhiều hơn. Cho nên, mình cần thực tập xả để có cái nhìn không phân biệt và để thấy tính tương tức của các hiện tượng.
Mình không cần phải đợi Thầy hỏi “Con đang làm gì đó?” để trở về với giây phút hiện tại. Tiếng chuông chánh niệm mời mình trở về với giây phút hiện tại có thể được biểu hiện qua nhiều dạng khác nhau. Năm 1999, trong một lần ghi danh cho thiền sinh đến tu tập tại Làng trong khóa tu Giáng sinh, tôi định là sáng hôm đó cần phải dành thời giờ để làm cho hết hồ sơ tồn đọng. Một thiền sinh vào làm thủ tục ghi danh, nhưng sau đó còn nấn ná hỏi chuyện này chuyện kia mà không chịu rời văn phòng. Tôi nghĩ anh ghi danh xong thì ra ngoài để tôi có thời giờ làm việc nên cũng hơi cảm thấy khó chịu. Thấy anh hỏi vòng vo thêm mười phút nữa, tôi nhận ra là anh cần được lắng nghe nên mới dừng lại mọi công việc và ngồi nói chuyện với anh hết hai tiếng đồng hồ. Anh ta vừa mới ly dị vợ, nên cô đơn không biết là sau khóa tu sẽ đi đâu. Tôi thấy hai tiếng đồng hồ ấy đã được sử dụng xứng đáng. Làm văn phòng ghi danh cho thiền sinh đến tu học, mình có thể giúp đỡ họ. Chữ “làm” ở đây là có mặt cho người và lắng nghe nỗi khổ niềm đau của người. Trong môi trường Làng Mai, làm việc văn phòng có thể mệt hơn nấu ăn và rửa dọn, nhưng cơ hội tiếp xúc với thiền sinh để giúp họ thì cũng nhiều hơn. Phía sau những mã số hồ sơ có thể là những con người với những âu lo cần được chuyển hóa. Những việc mình làm, thay vì chỉ coi đó là công việc, lại là một sự thực tập thương yêu.
Những việc đó, trên phương diện công việc, chính là công việc. Nhưng chẳng lẽ đi tu mà mình chỉ nói chuyện tổ chức khóa tu, làm việc văn phòng, làm sách… Để đến một giai đoạn nào đó, làm nhiều quá mà không biết nuôi dưỡng mình rồi bị kiệt sức, làm đời tu bị ảnh hưởng thì rất uổng. Trong chuyến đi Việt Nam lần thứ ba năm 2008, tôi có thưa với Thầy là trong mùa An cư tại Bát Nhã, tôi sẽ cố gắng ở tại Tu viện Bát Nhã và sinh hoạt với đại chúng nhiều hơn, với lý do là mấy năm trước vì lo làm tiền trạm các chuyến về Việt Nam, tôi ít có dịp ở với huynh đệ. Thầy dạy tôi là không cần phải cố gắng cực nhọc như vậy, cứ tu nhẹ nhàng và thảnh thơi. Lời dạy đó có ý nhắc tôi là cần phải an trú trong hiện tại, có hạnh phúc trong hoàn cảnh mình đang sống, và trong việc mình đang làm. Có lẽ Thầy nhận thấy một mặc cảm nơi tôi là đi việc tăng sai hơi nhiều. An cư đâu chưa thấy, chỉ biết vài ngày sau tôi phải rời Bát Nhã. Mặc dù tôi thường hay đi nhưng tôi luôn ở với tăng thân, ngoại trừ khi đi máy bay, bởi tôi chỉ đi từ tăng thân này đến tăng thân khác thôi. Ai cũng có vai trò và trách nhiệm trong tăng thân và theo đó mà thực tập và tu học cho hết lòng. Quan trọng là biết nương tựa tăng thân và lấy sự nghiệp tăng thân làm sự nghiệp của mình. Làm được như vậy thì mình thấy rõ là cả tăng thân đang cùng đồng hành với mình. Nếu sự nghiệp của mình tách rời với sự nghiệp của tăng thân thì mình sẽ rất dễ dàng bị chế ngự bởi cảm giác cô đơn và cảm nghĩ bị cô lập.
Trả lời cho câu hỏi “Làm cái gì?” đối với tôi là an trú trong hiện tại, xây dựng và nương tựa tăng thân. Đời sống tăng thân là một dòng chảy. Các thế hệ nối tiếp nhau mà đi tới. Trong các chuyến đi hoằng pháp tại châu Á, tôi có nhiều cơ hội đi cùng với các thầy, các sư cô trẻ. Tôi rất vui khi thấy các thầy, sư cô trẻ từ từ nhận trách nhiệm hướng dẫn tu học và điều chúng. Thỉnh thoảng nếu có thầy hay sư cô nào còn ngại chưa dám nhận trách nhiệm, thì tôi lại nhớ đến câu “Nếu chưa hay thì lần sau mình sẽ làm hay hơn” của Thầy và khuyến khích họ. Quan trọng là có mặt cho nhau và nâng đỡ nhau.
Chân Pháp Khâm