Thanh lương dòng cam lộ

(Bài viết của sư cô Chân Đức, được chuyển ngữ từ tiếng Anh)

 

Bài viết này ghi lại lòng biết ơn của con đối với Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (Học viện). Nếu không có lòng biết ơn thì sẽ không thể có hạnh phúc, và bày tỏ lòng biết ơn chính là một cách chia sẻ hạnh phúc của con.

 

 

Với tổ tiên đất đai

Trước tiên, con xin bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên đất đai của Học viện, đặc biệt là với Mục sư Hollenberg và bác sĩ Karl Venn. Hơn 100 năm về trước, hai vị đã thành lập một bệnh viện dành cho những người nghèo bị khuyết tật cả về thể chất lẫn tinh thần trên khu đất mà bây giờ Học viện đang tọa lạc. Động cơ thành lập bệnh viện của quý vị dựa trên lòng hảo tâm đối với những người không nhận được sự giúp đỡ từ bất cứ nơi nào khác. Với tuệ giác của mình, Thầy đã dạy đại chúng vinh danh hai vị ấy và Thầy đã viết tên của họ để đặt cùng với di ảnh trên bàn thờ tổ tiên tại Học viện. Hành động từ bi của quý vị đang tiếp tục yểm trợ chúng con.

Năm 1938, Đức quốc xã có kế hoạch đem 700 tù nhân – bệnh nhân khuyết tật của bệnh viện đi thủ tiêu, một phần trong chính sách thanh lọc hóa giống dân Aryan. Có những vị bác sĩ đầy can đảm và từ bi, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng, đã tìm cách cứu mạng bệnh nhân bằng cách không khai báo, hoặc không chứng nhận là họ có khuyết tật. Chúng con không rõ tên của những vị bác sĩ này nhưng lòng từ bi và sự can đảm của họ vẫn đang tiếp tục yểm trợ chúng con.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, tòa nhà vốn được Đức quốc xã xây dựng ngay trên nền của bệnh viện cũ đã trở thành bệnh viện cho thành phố Waldbroel (nay chính là Học viện). Sự chăm sóc từng ngày đầy từ bi của các bác sĩ và y tá đối với bệnh nhân nơi đây vẫn đang tiếp tục yểm trợ chúng con.

Khi một bệnh viện khác được thành lập cho thành phố Waldbroel, tòa nhà này đã trở thành học viện quân sự, chuyên nghiên cứu về chiến tranh hóa học. Con rất biết ơn những người dân địa phương đã từng đến đây biểu tình chống chiến tranh hóa học. Hành động đầy tình thương ấy của họ vẫn đang tiếp tục yểm trợ chúng con.

Tổ tiên đất đai của chúng con ở đây bao gồm cả cây cối, những chú sóc và chim muông. Con rất biết ơn những thân cây cổ thụ đứng bao quanh Học viện như là những vị Hộ pháp. Học viện được tách khỏi con đường náo nhiệt phía dưới bằng một công viên, nơi mà Thầy thường thích đến mắc võng nằm mỗi khi rảnh rỗi. Trong công viên ấy có một cây sồi và một cây dẻ gai hơn 100 năm tuổi. Công viên đã từng là một phần của bệnh viện ngày xưa và ngay lối vào vẫn còn lưu giữ một biển báo nhắc nhở mọi người rằng đây là nơi nghỉ dưỡng và trị liệu nên không gian yên tĩnh cần được tôn trọng. Xung quanh Học viện, nơi đâu cũng có những tàng cây to lớn và xum xuê. Tầm vóc mà cây cối ở đây có được chắc hẳn là nhờ lượng nước mưa mà thành phố Waldbroel thường xuyên được hưởng. Những cội cây ấy là nơi cư trú của rất nhiều sóc và chim. Thầy đã từng nhắc tới tiếng chim hót tại Học viện trong một bài pháp thoại. Chim ở đây hót rất to, rất vui tươi, thường là trước lúc bình minh. Chúng đã tìm được một nơi nương tựa an lành xa thành phố và đem niềm vui đến cho chúng con. Chứng kiến một chú sóc đỏ chuyền từ cành này sang cành khác hoặc đứng gặm hạt, ta có thể thấy được thế nào là biết cách thưởng thức phút giây hiện tại.

 

 

Với tổ tiên tâm linh

Thầy đã đem đến cho Waldbroel một dòng chảy tâm linh vốn đã được trao truyền qua nhiều thế hệ. Chúng con xin tri ân tuệ giác và lòng từ bi của Thầy. Nhiều người Đức không thể hiểu tại sao Thầy lại đồng ý đến Waldbroel để thành lập Học viện. Họ nghĩ rằng chọn tòa nhà của Đức quốc xã đồng nghĩa với sự yểm trợ chế độ Đức quốc xã. Theo họ thì Học viện phải được thiết lập ở một nơi có đủ năng lượng bình an và một lịch sử lành mạnh. Họ không muốn bị nhắc nhở về quá khứ đen tối ấy.

Thầy dạy rằng: chúng ta đã không chọn Waldbroel, chính Waldbroel đã chọn chúng ta. Chư vị tổ tiên đất đai ở đây đã chấp nhận và yểm trợ cho chúng ta, và dĩ nhiên tất cả chư vị tổ tiên tâm linh cũng thế. Chúng ta cần phải đến đây để giúp chuyển hóa sự tàn bạo, thiếu bao dung và kỳ thị của quá khứ bằng sự hiểu biết và thương yêu. Thầy kính thương, chính Thầy, và nhiều người khác nữa, đã nhận xét rằng sau một vài năm chúng con tu tập ở đây, không khí nặng nề và u uất của tòa nhà đã bắt đầu trở nên nhẹ nhàng hơn. Dân cư trong vùng, trên đường đến nơi làm việc thường phải đi ngang qua khuôn viên Học viện, đã cho biết rằng họ cảm thấy năng lượng bây giờ đã khác, bình an hơn. Những thiền sinh lúc trước không muốn mình thành lập Học viện tại Waldbroel, nay đã rất cảm động vì sự chuyển hóa của nơi này. Chúng con kính cảm ơn Thầy đã viết một bức thư cho các hương linh – những bệnh nhân đã từng bị làm mất đi khả năng sinh sản, bị đối xử tàn nhẫn hoặc bị giết hại. Lá thư cũng dành cho những người đã gây nên những hành động ấy trong thập niên 1930. Chúng con đã đọc lá thư này trong buổi lễ cúng thí thực. Lá thư luôn tưới tẩm hạt giống từ bi và tha thứ trong tâm của mỗi chúng con.

 

 

Xin tri ân Thầy đã sang đây vào tháng 9 năm 2008 nhân dịp EIAB bắt đầu mở cửa, và đã lần lượt đi vào tất cả 400 phòng, niệm danh hiệu Đức Bồ tát Quán Thế Âm để tẩy tịnh tòa nhà bằng nước Cam Lộ, bằng năng lượng thiền định và từ bi của Thầy.

Xin tri ân tất cả những bức thư pháp của Thầy được triển lãm dọc theo 500 mét hành lang bên trong Học viện; đặc biệt là bức thư pháp “Với chất bùn của sự cuồng tín và thiếu bao dung, chúng ta nuôi lớn đóa sen của tính không kỳ thị và lòng độ lượng” (With the mud of fanaticism and intolerance we grow the lotus of non-discrimination and inclusiveness). Bức thư pháp luôn nhắc nhở chúng con về nguyên do vì sao chúng con có mặt tại nơi này. Các bức thư pháp thực sự đã giúp cho quá trình chuyển hóa năng lượng của tòa nhà và luôn nhắc nhở chúng con về bản chất của sự thực tập.

Thầy kính thương, thường thì mỗi lần Thầy qua Học viện, nhất là những năm gần đây, sức khỏe của Thầy không được tốt cho mấy. Tuy thế Thầy vẫn cho pháp thoại trong các khóa tu dành cho người nói tiếng Đức và tiếng Hà Lan, đem niềm vui và sự chuyển hóa đến cho rất nhiều người. Tháng 8 năm 2014, dù chỉ sống bằng tư niệm thực, Thầy đã tân tu Tâm Kinh Bát Nhã một cách thật tuyệt vời trong căn phòng nhỏ trên tầng thứ ba của Viện Vô Ưu. Văn bản Tâm Kinh Bát Nhã tân tu rất thiết yếu cho sự hiểu biết và sự thực tập đạo Bụt một cách đúng đắn và chúng con thật vinh dự vì văn bản ấy đã ra đời tại Học viện.

Kính bạch Thầy, Thầy dạy chúng con an vị các bức tượng Bụt (được làm ở Indonesia), trong tư thế thiền tọa, trên đồi táo ở hướng nam của Học viện để được nâng đỡ và bảo hộ. Ba tượng Bụt đã được đặt ở đó. Đáng tiếc là một số thanh niên địa phương đã vô tâm bẻ gãy một ngón tay của một trong ba bức tượng ấy. Một vị thiền sinh, chuyên tu sửa tượng, đã đắp lại ngón tay cho tượng Bụt, sau đó nó lại bị bẻ gãy. Bạn thiền sinh phải đắp ngón tay lại một lần nữa. Hiện giờ thì mọi việc đã ổn, ngón tay vẫn còn đó. Chúng con không dám đặt thêm tượng Bụt ở đó vì sợ sẽ bị đập vỡ, tuy trong thâm tâm, chúng con vẫn muốn đặt hết các tượng Bụt trên đồi ấy như lời Thầy dạy. Thật là tuyệt diệu mỗi khi được đi thiền hành lên đồi và được ngồi một cách bình an quanh các tượng Bụt thật đẹp, tỏa rạng năng lượng an lạc.

 

 

Với tăng thân bốn chúng

Nhiều thiền sinh được gây cảm hứng bởi sự có mặt của Học viện, đã dọn nhà đến ở gần bên để tham gia thiền tọa, thiền hành với các thầy các sư cô, đồng thời tham gia sinh hoạt hàng tuần với tăng thân cư sĩ của Waldbroel. Thầy đã dạy chúng con nên hiến tặng sự thực tập cho người dân địa phương Waldbroel. Vì vậy lúc ban đầu chúng con tổ chức cho họ sinh hoạt trong một căn phòng trên lầu của thư viện thành phố. Hiện nay tăng thân đang thực tập tại Học viện với sự yểm trợ của quý thầy và quý sư cô. Không những các bạn thiền sinh này đóng góp cho năng lượng thực tập, họ còn tình nguyện làm việc cho văn phòng và giúp chăm sóc vườn rau của Học viện.

Con rất biết ơn quý thầy, quý sư cô, tuy còn rất trẻ tuổi đời và tuổi đạo, đã tự tổ chức các chương trình tu học cho chính mình. Điều này rất hợp với ý của Thầy. Thầy đã dạy rằng bốn chúng của Học viện có thể được tượng trưng bằng hình ảnh của một trái đào. Quý thầy và quý sư cô là phần hạt đào và các vị cư sĩ là phần thịt đào. Phần hạt có chương trình tu học riêng. Các vị giáo thọ cùng bốn hoặc năm thầy và sư cô trẻ luân phiên hướng dẫn sự thực tập cho thiền sinh, rời phần hạt để qua phần thịt một thời gian rồi lại trở về phần hạt để hướng dẫn quý thầy, quý sư cô trẻ. Thầy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc phần hạt.

Đã có một số quý thầy, quý sư cô học được tiếng Đức và điều này đã đem lại rất nhiều niềm vui cho thiền sinh người Đức. Tiếng Đức không phải là một ngôn ngữ dễ học vì rất khác với tiếng Việt, phải cần rất nhiều thời gian và sự quyết tâm mới có thể học được. Các bạn thiền sinh có chia sẻ rằng trong năm đầu tiên của Học viện, họ không cảm thấy được chào đón thân tình. Con nghĩ rằng lúc ấy, chúng con đang bận rộn để thích ứng với môi trường mới. Bây giờ thì thiền sinh rất hoan hỷ khi luôn được quý thầy và quý sư cô đón chào một cách ấm áp.

Con rất biết ơn quý thầy, quý sư cô lớn đã cáng đáng những công việc nặng nhọc như điều hành và tài chánh, tham dự những buổi họp dài và rất kiên nhẫn trước sự phức tạp của giấy tờ hành chánh tại nước Đức. Thật không dễ tránh khỏi lo lắng khi làm những công việc này nếu không có sự thực tập vững vàng trong hơi thở, bước chân và nụ cười chánh niệm. Trong những năm đầu của Học viện, con cũng có tham dự những buổi họp như vậy nhưng đã không kham nổi. Nếu không có quý thầy và quý sư cô lớn đảm đương thì Học viện đã không thể tiếp tục hoạt động. Đôi lúc chúng con may mắn gặp được một viên chức dễ thương, bỏ qua vài việc chưa đáp ứng đủ với những tiêu chuẩn gắt gao của nước Đức, nhưng một người như vậy rất hiếm có. Quý thầy, quý sư cô lớn là gương mặt đối ngoại của Học viện, trực tiếp làm việc với luật pháp và chính quyền. Đây là một công việc không ai thích làm nhưng lại cần thiết và cần phải làm như thế nào để cho những người không biết thực tập thiền càng lúc càng có thêm niềm tin vào đời sống tâm linh. Con rất biết ơn sự hy sinh của quý thầy, quý sư cô làm việc trong lĩnh vực này.

Trong 10 năm qua, Học viện đã đi qua nhiều sự đổi thay. Tòa nhà đồ sộ này đang dần dần được sửa sang lại. Nhiều thầy, nhiều sư cô đã đến và đã ra đi, nhưng ai cũng đã để lại đây một cái gì thật quý giá và ai cũng có một cái gì đó để tri ân. Có lẽ điều mà chúng con ghi nhớ nhất chính là tình huynh đệ mà chúng con đã thưởng thức khi cùng có mặt với nhau trong thời gian ở đây. Chừng nào còn tình huynh đệ, chừng đó Học viện vẫn còn có thể tiếp tục hiến tặng năng lượng chuyển hóa cho thành phố Waldbroel, nước Đức, cho châu Âu và cho thế giới.