Tản mạn mùa xuân
Buổi sáng. Nhìn qua cửa sổ thấy bầu trời trong xanh, không một gợn mây. Mùa xuân, bãi cỏ xanh đầy hoa bồ công anh vàng và hoa cúc trắng, trải đầy như một sự hào phóng của đất Mẹ. Tôi khoác thêm áo, bước ra vườn, nhủ thầm nắng đẹp như thế này mà ở trong nhà rồi sau đó phải uống vitamin D thì vô lý quá.
Sáng sớm chưa có bước chân nào khuấy động sự tinh khôi. Sương đầy lối cỏ. Sương trên đầu ngọn cỏ, mong manh và tinh khiết. Chợt có tiếng thì thầm: “Thương yêu muôn đời vẫn hạt sương trong”. Sáng nay tôi mới nghe pháp thoại của Thầy. Tình thương thật đẹp, nếu đó là một tình thương không phân biệt và không điều kiện. Như giọt sương trong, như nắng sớm, như mưa rơi. Trên cỏ úa vàng hay trên chồi non óng biếc, đều cũng như nhau. Tôi mơ mình có một tình thương như thế. Để khi cần thì tôi vẫn có thể đưa hai bàn tay cho người ta nghiến nát *.
Cỏ mời gọi bước chân, sương tưới hạt mầm chánh niệm. Tôi đi trên hoa trắng hoa vàng, trên cỏ biếc, thấy tịnh độ hiện tiền, thấy ngoài giọt sương trong, mình không cần tìm cầu gì nữa. Buổi mai mùa xuân tĩnh lặng, gió gọi hơi thở tôi mầu nhiệm, hoa tím dại nở trên từng bước chân. Tôi thầm gọi bước chân Thầy.
Chiếc cầu tre bắc ngang hồ sen hình bán nguyệt mời mọc. Tôi bỏ dép bước lên cầu. Thoáng đâu đây hình ảnh mùa Bụt đản sanh năm nào khi chiếc cầu còn là cầu gỗ. Chuẩn bị cho ngày đản Bụt nó đã được mặc áo mới bằng tre. Chiếc cầu gỗ được đóng lớp tre xanh mướt, đón bước chân Thầy và tăng thân lên tắm Bụt sơ sinh. Năm tháng qua đi, áo tre xanh thành áo tre nâu, rồi bây giờ là một màu xám bạc, đây đó lốm đốm mốc đen. Tôi ngạc nhiên trước sự bền bỉ của chiếc áo tre. Tôi thán phục. Tre cũ nhưng sạch sẽ và chắc chắn. Thật là mầu nhiệm.
Hồ mùa này vẫn còn vương vài lá sen tàn của mùa sen năm ngoái. Nước trong vắt nên có thể thấy rất rõ những đám rêu xanh, những chú cá con tung tăng bơi lội và cả những con nòng nọc đủ các “thế hệ”. Đứa mới có hai chân, đứa đã có đủ bốn chân. Đại chúng chưa vào thời khóa, chưa chấp tác, nên chưa cho nước vào, hồ còn nông lắm. Các cư dân của hồ sen bình thản sinh hoạt thời khóa hàng ngày của chúng. Thiên nhiên thật mầu nhiệm, các loài sinh vật thật là thông minh. Các bậc cha mẹ cá và nhái xanh đã tính toán thời gian rất chính xác. Chúng đã tính sao cho khi mùa xuân vừa đến thì trứng cũng vừa nở ra những con cá con và những con nòng nọc để chúng tung tăng bơi lội trong cái hồ vừa tan đá. Mấy nhóc con này thật là ngây thơ, chúng đâu có biết gì chắc vì chưa có kinh nghiệm. Chúng nó bơi thật sát mặt nước, nhởn nhơ không hề lo sợ. Nhiều đứa lên chỗ nước cạn chỗ có đá để phơi nắng. Đôi lúc tôi đưa bàn tay lên sửa lại cái mũ, bóng tay tôi phản chiếu trên mặt nước làm chúng giật mình, quẫy đuôi một phát làm cả vùng nước xao động. Thì ra chúng nó vẫn “thấy” tôi. Sau đó thì mọi việc trở lại bình thường.
Ngồi đây, tôi có thể nhìn thấy thiền đường Trăng Rằm, thấy khu nhà Mây Thong Dong mà tầng trên đã được dùng làm nơi triển lãm sách và các pháp khí Thầy dùng trong mấy mươi năm hoằng pháp của Người. Thấy bãi cỏ xanh phía hông thiền đường nối dài đến tháp chuông rồi dẫn thẳng qua đồi mận, thấy rừng bạch dương của hàng xóm. Mùa xuân, cỏ mướt xanh, hoa tím, hoa vàng, hoa trắng, chồi non. Gió reo vui, trời xanh, chim hót. Một thoáng bâng khuâng. Những ngọn cỏ non mơn mởn của mùa xuân này, chắc chúng cũng là những ngọn cỏ của mùa xuân năm cũ. Những ngọn cỏ đã từng đón bước chân thầy trò trong bao lần Thầy dẫn đại chúng đi thiền hành. Đếm bao nhiêu cho xuể. Những ngọn cỏ không bao giờ bỏ cuộc dù mưa dù nắng. Mùa hè, chúng xơ xác. Mùa đông, có khi chúng khô cằn, héo hắt, hầu như biến mất làm lộ ra mặt đất đông cứng trong cái lạnh mà ẩm ướt của mùa đông miền Tây Nam nước Pháp. Rồi mùa xuân chúng lại xuất đầu lộ diện. Sức mạnh tiềm tàng, sức sống dẻo dai của cỏ. Lại làm xanh mặt đất, lại lả lướt khi gió đùa. Tôi nghiêng mình trước chúng, cũng như tôi đã ao ước được có khả năng đưa hai bàn tay mình ra hết lần này đến lần khác *. Như Thầy tôi.
Vừa qua trong khóa tu xuất sĩ chúng tôi đã được xem một phim tài liệu có tên là “One life” (“Sống còn nơi hoang dã”). Gây ấn tượng nhất cho tôi là một con mực đỏ khổng lồ. Nó đã chuẩn bị cho đàn hậu thế bằng cách đánh đổi cả tánh mạng của nó. Hình ảnh thật cảm động. Suốt sáu tháng ròng rã, nó hoàn toàn không ăn một chút gì, chỉ tập trung thổi nước lên trứng không ngừng. Màu đỏ của nó dần phai nhạt đi. Đến khi trứng nở thì nó cũng mỏi mòn và chết. Bỗng dưng tôi thấy mình là một con mực non mới nở, đang bơi lội tung tăng theo đàn trong dòng nước mùa xuân ấm áp. Con mực mẹ đầy dũng khí đâu rồi? Con mực mẹ nhạt màu dần, nhưng vẫn đầy dũng khí, vẫn tiếp tục thổi nước và không bao giờ bỏ cuộc. Màu đỏ trên mình những con mực non, những cánh hoa đỏ nở bừng, lan toả.
Mùa xuân. Tôi lại tập nhìn và thưởng thức bằng đôi mắt của Thầy, đi bằng những bước chân Thầy, thở bằng lá phổi của Thầy, như bao nhiêu người thương Thầy, sống những lời dạy của Thầy, đang làm, đã làm và tiếp tục làm. Tôi đưa tay lên dụi mắt. Có phải tôi đang hoa mắt không? Không phải, màu đỏ trên con mực mẹ vẫn còn đang đỏ thắm, lan ra khắp đại dương mênh mông.
(Chân Trăng Mai Thôn)
* Lấy ý trong bài thơ “Xin cúi đầu đưa về” của Sư Ông Làng Mai