Ngọn lửa hồng trong tim
Thầy kính thương của chúng con,
Đã lâu rồi con không ngồi yên như thế này để viết thư chia sẻ với Thầy sự thực tập của con. Nhân mùa Giáng sinh về, Tết đến, con cũng muốn ngồi cho thật yên, nhìn lại những gì đã qua, những niềm vui con có, là ngọn lửa mà con còn giữ để sưởi ấm tâm bồ đề.
Tuy an cư năm nay có nhiều thứ đến với con hơn hai năm đầu, nhưng bên trong con lại thấy mình cảm nhận sâu sắc và có nhiều bình an. Đây cũng là năm đầu tiên của con từ khi con nhận giới lớn, con có nhiều thay đổi trong suy nghĩ và tư duy. Con tiếp nhận mọi thứ đến với mình, tuy lúc đầu có lo lắng một chút nhưng con cũng buông bỏ nhanh hơn mọi khi. Có một cái gì đó sẵn sàng, điềm tĩnh để cho con có khả năng thưởng thức, vì vậy mà con thấy hạnh phúc đến cũng rất lâu và rất sâu trong lòng.
Niềm vui của con là được làm thị giả cho Sư mẹ, một việc mà con luôn thấy lo lắng khi được nêu tên để làm. Con thấy mình vụng về, ít biết quan sát, để ý, lại còn hay quên… con sợ mình sẽ gây nhiều lầm lỗi. Con lo, rồi run khi gặp Sư mẹ, và cứ luôn bận rộn với những thứ diễn ra trong đầu, nên đôi khi con không để ý được nhiều đến những hành động, lời nói của mình nữa. Đó là thời gian đầu con làm thị giả.
Trong một bài pháp thoại, Thầy có dạy: “Mình nên thử hết, phải biết tạo cảm hứng cho mình và vừa làm vừa phải biết thưởng thức cái mình đang làm”. Con cũng để ý thực tập điều Thầy dạy. Con biết làm thị giả cũng như những trách nhiệm khác, tất cả sẽ trở nên dễ dàng nếu xuất phát từ tình thương thật sự. Khi con có tình thương, thấy sư chị hay sư em con bệnh, phản xạ tự nhiên của con là hỏi han, chăm sóc… Con thực tập mang sự tự nhiên đó vào những gì con đang làm cho Sư mẹ. Con thương Sư mẹ nhưng vì lúc đầu con nghĩ đây là công việc, nên con lo lắng và đánh mất tình thương có sẵn trong mình.
Qua tuần thứ hai, con bắt đầu thấy mình có thể buông thư và tận hưởng. Con nhìn Sư mẹ kỹ hơn, không còn rụt rè, sợ sệt và căng thẳng khi gặp Sư mẹ nữa. Cái cảm giác ngộp ở trên sống mũi và trên đầu như rớt tõm hết xuống bụng rồi, con thở phào nhẹ nhõm. Thế là con đã vượt qua cái cảm thọ nặng nề. Giờ đây con thấy mình thảnh thơi hơn, dù con cũng vẫn tiếp tục làm những gì quý sư cô chỉ bày tự ban đầu. Con biết cách sắp xếp hơn, đi cũng thảnh thơi hơn, không còn có cảm giác mình sẽ bị trễ nữa. Con thực tập buông xuống ý nghĩ nếu làm sai mình sẽ bị Sư mẹ la, Sư mẹ sẽ phiền lòng. Con biết Sư mẹ rất bao dung, chưa la con bao giờ, nhưng sự lo lắng làm con cứ suy diễn ra như vậy.
Niềm vui của con là trang trí và chuẩn bị khay thức ăn cho Sư mẹ. Con ý thức mình đang làm điều đó bằng tất cả tấm lòng, bằng tình thương và sự quý trọng đối với những đức hạnh của Sư mẹ qua pháp thoại, qua lớp giới và qua thân giáo của Sư mẹ. Nhờ vậy, con có tự do. Con hay cười tủm tỉm vì cách con trang trí thật vụng về, nhưng nhìn bằng “mắt thương” thì con thấy nó cũng “dễ thương” lắm.
Thời gian này, con hay có những niềm vui nhỏ nhỏ thường ngày và hay cười khi những niềm vui đó đi lên. Có lẽ quý sư cô sẽ thấy con hơi lạ vì cứ cười tủm tỉm một mình như vậy, nhưng niềm vui của con đến lạ như vậy đó.
Niềm vui của con là nhận diện những gì đang có trong con khi đi từ nhà ăn về ni xá. Con đường không mấy gần, cho con nhiều cảm giác, vui có, sợ có, tủi, buồn hay tung tăng… Tất cả những cảm thọ ấy đều có hết với con trên đoạn đường này. Vì ni xá thì xa và con thường đi qua lại, nên con cảm nhận từng cảm thọ, tâm hành đi lên trong con rất sâu sắc. Đôi khi chỉ là đi thôi, nhưng cũng là một điều thú vị, vì con thấy mình hạnh phúc khi còn được đi qua lại trên con đường này. Con nhớ có lần con rửa dọn sau bữa tối và về trễ, trời mùa đông tối thui, mưa rơi khá nặng hạt, không khí se lạnh, ẩm ướt, không có dù cũng không có đèn pin, không bạn đồng hành… Con thấy hạt giống sợ, có chút tủi tủi, bùi ngùi len lỏi đi lên. Bước chân con như không còn được kiểm soát nữa, con cứ vội vã đi vậy thôi, chỉ mong được về tới ni xá. Bao nhiêu cảm thọ tiêu cực tuôn lên cùng một lúc, đoạn đường đã dài nay còn dài hơn, bước chân tuy nhanh nhưng sao cứ đi hoài chưa tới. Niềm vui trào lên khi con mở cánh cửa bước vào ni xá. Lần đầu tiên con hiểu niềm hạnh phúc thật sự khi trở về đúng ngôi nhà của mình. Con như muốn chực trào nước mắt khi cánh cửa được mở ra và thấy các sư chị đang ngồi bình an, vui vẻ đón con trở về. Cánh cửa ấy, mỗi ngày con đã tự tay mở nó ra vào không biết bao nhiêu lần, nhưng chưa bao giờ con thấy trân quý và biết ơn như lúc ấy. Các sư chị con ngồi đó cũng vậy, chưa bao giờ con thấy thương quý các sư chị như thế. Ai cũng thân thiện, ai cũng trở nên sáng hẳn lên, nhìn ai cũng thấy cứ như những thiên thần xuất hiện để giúp con vậy đó. Con muốn nói rằng, con rất hạnh phúc khi còn được thấy và sống chung với quý sư cô.
Nếu con không đi vào cái giờ đó, nếu con không đi trên con đường này, nếu con không có những tâm hành đi lên như đêm ấy, thì con sẽ không bắt gặp được niềm hạnh phúc thâm sâu bấy lâu nay có đó mà con không cảm nhận ra. Bây giờ, cứ mỗi lần đi trên con đường ấy, dù con còn suy nghĩ chuyện này chuyện nọ, nhưng cái cảm giác tối hôm đó thường trở về trong con, không phải là sự lo lắng mà là niềm biết ơn. Chính vì vậy, mỗi lần đưa tay mở cánh cửa mầu nhiệm đó, con luôn ý thức, mỉm cười, hạnh phúc… Con có niềm tin cứ cầm tay nắm mở cửa thì niềm hạnh phúc sẽ trở về như lần đầu con bắt gặp.
Niềm vui là khi con được đi thiền hành cùng đại chúng. Có một lần, trong giờ thiền hành, đại chúng đang thực tập rất yên, rất đẹp, có một sư chị tới thỏ thẻ với con rằng: “Chị sẽ nhắm mắt và nắm lấy tay em, để em dẫn chị đi nhé”. Khá thú vị! “Ok, em sẽ dẫn chị”. Trong lòng con có chút ngại ngần, mình đi một mình còn không đủ vững, dẫn sư chị đi khi sư chị đang nhắm mắt thì mình phải là người lái giỏi, chứ không thôi hai chị em sẽ “cùng đi xuống ổ voi”. Ngay lúc đó, con biết con phải có niềm tin ở chính mình, con phải có bình an đủ thì sư chị mới bình an và tin con đủ. “Thôi thì chị em mình cùng chơi, cùng thực tập với nhau. Chị cứ thưởng thức cái thanh thản khi không cần phải làm gì hết, chỉ đi vậy thôi, đã có người dẫn đường cho sư chị rồi. Sư chị hãy tin vào ‘leader’ – người dẫn đường này nhé!”, con thầm nghĩ và bắt đầu đi.
Cái cảm giác vui vui lạ, thú vị lạ ấy cứ đi lên trong lòng con. Càng lúc con càng buông thư hơn, và bình an bắt đầu có mặt, con có cảm giác sư chị đã có nó và truyền qua cho con. Ánh nắng rực rỡ hòa với khí trời se se lạnh, con đường và đại chúng hòa quyện, yên nhưng cũng thật sống động. Hai chị em con cứ đi như vậy, nương vào nhau mà tận hưởng cái mình đang có. Đến khi dừng lại, sư chị thỏ thẻ với con rằng: “Chị có 100% niềm tin, chị đặt hết nó vào em trong suốt đoạn đường này luôn rồi. Chị đi chánh niệm được 80% thôi, đôi khi còn suy nghĩ nhưng trở về cũng kịp thời lắm. Cảm ơn sư em”.
Con cũng thấy vui nữa, con cũng có những lợi lạc không kém sư chị. Vì biết mình đang có một sứ mệnh đặc biệt, mình đang đi cho hai người nên con thật sự phải rất chánh niệm, không suy nghĩ lung tung được. Con vừa được bình an, vừa để ý đến cử động của mình hơn, mà còn làm sư chị mình có niềm vui nữa. Quả là lợi lạc lớn.
Niềm vui của con là khi thực tập ngày làm biếng cùng với đại chúng mỗi thứ hai trong tuần. Con thấy ngày làm biếng đến như số tiền lời mà chúng con có được sau một tuần tu học. Đối với con, nó không đơn thuần chỉ là sự nghỉ ngơi, nó sâu sắc và đáng quý hơn thế nhiều. Giống như người kinh doanh, số tiền lời đó không đơn thuần là tiền để tiêu xài phung phí cho những ham muốn thường nhật. Nó có thể dùng để đầu tư thêm cho sản phẩm, cho công việc trở nên phong phú hơn, có nhiều lợi nhuận hơn. Hay đơn giản là mua thức ăn, thực phẩm bổ dưỡng để bảo đảm cho sức khoẻ tốt, để tận hưởng những gì có trong cuộc sống, như vậy mình mới có khả năng đi lâu dài trên đường sự nghiệp. Hay dùng số tiền đó mua một vé đi du lịch đây đó, thưởng thức những vẻ đẹp bên ngoài, giảm căng thẳng. Thường ngày mình đã bận rộn quá rồi, cần một chút hương vị mới để có thêm tinh thần trong công việc sắp tới. Hoặc lấy số tiền đó sắm sửa cho ngôi nhà mình thêm đẹp, hoặc tỏ lòng biết ơn, thông cảm đến những người nghèo khổ… Đó là cách mà người kinh doanh sử dụng tiền lời, con cũng dùng “số tiền lời” của con làm những điều tương tự như vậy.
Niềm vui của con là mỗi ngày làm biếng được trau dồi thêm những gì mình còn thiếu trong tuần. Con thích học nghi lễ lắm. Con đã đi thỉnh sư chị dạy cho con và rất vui khi thấy phần nghi lễ của mình có tiến bộ hơn. Ngày làm biếng của con trôi qua không uổng phí chút nào. Đôi khi con thấy mình mệt, trong tuần còn lăng xăng, ngày thứ hai sẽ là ngày con dùng để trở về vun bón thêm những gì mát mẻ hơn vào đất tâm mình. Con được ngồi lắng yên làm những gì mình thích và nhìn rõ hơn cái mình đang cần. Cũng có thể chỉ là ngồi chơi, có mặt với các chị em, lắng nghe hay chia sẻ những niềm vui, khó khăn với nhau, xây dựng thêm tình huynh đệ. Hay đơn giản là vác ba lô lên vai và đi đâu đó để thưởng thức thiên nhiên bên ngoài, có cơ hội hưởng những gì tươi mát nhất mà thiên nhiên ban tặng.
Niềm vui của con là cùng các chị em quây quần bên nhau, trang trí nhà cửa và cây thông cho Giáng sinh. Bên bếp lửa hồng, hơi ấm của lò củi cùng hơi ấm của tình huynh đệ làm chúng con thêm gắn kết, yêu thương nhau. Niềm vui của con là được làm sư em nhỏ trong nhà, có sư mẹ, sư chị luôn đồng hành với những cảm thọ lên xuống của người mới tập tu như con. Con không còn thấy nó là của riêng con nữa mà mở lòng để quý sư mẹ, quý sư chị góp ý cho con được đẹp hơn. Không biết sao cứ nhìn hình ảnh các chị em sống vui với nhau, mỗi ngày góp nhặt thêm nhiều viên gạch tình thương bồi đắp cho ngôi nhà của tình huynh đệ thêm vững chắc, con lại thấy lòng mình trào dâng niềm hạnh phúc và biết ơn khôn xiết. Con nhớ bài hát Vui giấc đại đồng có đoạn: “Mỗi người là một bài thơ, say mê đọc hoài đọc mãi, vẫn không hết những bất ngờ…” Niềm vui của con là được đọc những “bài thơ” ấy, có lẽ đọc hoài đọc mãi vẫn còn thấy rất thú vị. Những người trẻ đầy nhiệt huyết với niềm vui phụng sự, sống chan hòa thương yêu nhau dù từ những văn hóa khác nhau, có lối sống và sự trao truyền khác nhau, nhưng vẫn vui cười, xem nhau như chị em một nhà.
Thầy ơi, con thấy mình may mắn và hạnh phúc quá! Niềm hạnh phúc của con là được nói ra những điều này cho Thầy nghe. Niềm hạnh phúc của con là những điều nho nhỏ đó.
Còn rất nhiều điều con thấy trân quý, hạnh phúc nữa, con chỉ kính dâng lên Thầy vài đóa hoa tươi mát mà con đang có trong đất tâm con, trong mùa An cư này. Con sẽ để dành lại một ít loài hoa để chăm sóc, vun bón cho đến khi nó đủ đẹp, đủ thơm, con sẽ dâng lên Thầy nữa. Con kính chúc Thầy có một mùa Giáng sinh ấm áp bên các sư con dễ thương và đón một năm mới với nhiều sức khỏe. Chúng con ở đây rất nhớ Thầy, chỉ cần Thầy luôn khoẻ là chúng con vui rồi ạ.