Nam Mỹ, hành trình trở về
Ngày 14 tháng 12 năm 2017, sư chú Trời Đức Trí, người Mexico, vừa tròn một tuổi xuất gia. Trong năm qua, sư chú đã cùng quý thầy ở xóm Thượng tu tập, học hành, vui chơi và phụng sự thật hết lòng. Sư chú đã được “tháp tùng” tăng đoàn trong chuyến hướng dẫn tu tập tại Ecuador và Columbia vào tháng 10 năm 2017. Nam Mỹ là miền đất nói tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ của sư chú, nên sư chú đã có dịp cống hiến thật nhiều cho chuyến hoằng pháp. Sư chú đã chia sẻ niềm vui của mình về chuyến đi đó trong bài viết sau đây – BBT chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh.
Thánh địa của những chú rùa
Ngày 4 tháng 10 năm 2017, sư cô Lan Nghiêm, sư cô Tảo Nghiêm, cùng thầy Pháp Tiến, thầy Trời Đại Dụng và con đã lên đường đi Ecuador và Columbia để hướng dẫn tu học.
Sinh hoạt đầu tiên của tăng đoàn diễn ra tại quần đảo Galápagos thuộc Ecuador. Rất nhiều người địa phương đang cố gắng hết sức mình để bảo tồn môi sinh ở quần đảo này. Quần đảo Galápagos là vườn quốc gia, đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Năm vừa qua, dân số trên quần đảo này đã tăng lên đáng kể, nhưng phần lớn những người mới tới nhập cư không hoàn toàn ý thức là họ đang được sống ở thiên đường. Đây là một trong những lý do mà nhiều người dân ở Galápagos mong muốn mời tăng đoàn Làng Mai về hoằng pháp tại đây. Người dân địa phương hy vọng quý thầy, quý sư cô sẽ giúp mọi người sống trên quần đảo ý thức hơn về mối liên hệ giữa con người với đất Mẹ để người dân đảo biết trân quý cũng như chăm sóc, giữ gìn sự xinh đẹp và đa dạng môi sinh mà Mẹ thiên nhiên ưu đãi cho nơi đây.
Anh chị Reyna và Roberto là những người tiếp đón khi đoàn đến thăm đảo Santa Cruz thuộc quần đảo Galápagos. Đây là một gia đình rất dễ thương. Hai anh chị đều có hạnh nguyện rất đẹp, đó là chứng minh cho mọi người thấy rằng con người có thể sống một cách hài hòa với đất Mẹ bằng cách tái chế, ăn chay, sử dụng nước và các tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm, sử dụng năng lượng mặt trời, bằng việc tiêu thụ có ý thức và lành mạnh để đối trị với lối sống tiêu thụ, làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Reyna và Roberto mong muốn cách sống của chính mình trở thành một thông điệp cho thế giới. Thật ra trước khi gặp tăng đoàn, anh chị chưa hề biết gì về Sư Ông hay về Làng Mai. Nhưng với lòng cởi mở và mong muốn tìm hiểu về pháp môn của Làng, anh chị đã phát tâm dành ngôi nhà của mình làm nơi xây dựng tăng thân. Vì vậy, trong thời gian hướng dẫn tu tập tại đây, quý thầy quý sư cô đã mời những ai muốn sinh hoạt tăng thân lâu dài cùng ngồi lại để bàn bạc cách bắt đầu một tăng thân và yểm trợ nhau như thế nào trong sự tu học.
Gia đình Reyna và Roberto ở một nơi có tên là Montemar, nằm trong một cánh rừng trên núi, nơi mà cả mấy trăm con rùa (loại rùa cạn khổng lồ đặc trưng của quần đảo này, còn có tên là rùa Galápagos) sống thảnh thơi, không bị bất cứ ai quấy rầy. Theo con thì loài rùa mới chính là chủ nhân thật sự của mảnh đất này, bởi chúng đã có mặt ở đây không biết từ mấy ngàn năm rồi. Gia đình Roberto và Reyna rất ý thức về điều đó nên đã đối xử với những con rùa một cách rất kính trọng và biết ơn, vì những con rùa này đã chia sẻ không gian sống của mình với gia đình anh chị.
Trong thời gian ở quần đảo Galápagos, chúng con phát hiện ra rằng nếu ta quan sát những con rùa trong một thời gian dài và tiếp xúc một cách sâu sắc, gần như là trở thành một với chúng thì ta sẽ đạt được một cái gọi là “tính rùa” (Turtlehood). Có thể nói rằng “tính rùa” là phẩm chất làm cho loài rùa trở thành những người thầy tuyệt vời. “Tính rùa” chính là khả năng “đã về đã tới” ở bất cứ nơi nào ta có mặt.
Những con rùa không cần đi đến một nơi cụ thể nào đó gọi là nhà, bởi chúng đã có sẵn ngôi nhà ở trên lưng. Bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào chúng cũng đang “ở nhà” cả.
Những con rùa cũng đi rất chậm rãi và khoan thai, không hề vội vã, cứ như thể chúng đang thực tập “kinh hành”. Và khi chúng hoảng sợ, bạn có thể nghe những tiếng thở ra thật sâu của chúng nhằm làm cho phổi nhỏ lại để có thể rút vào trong vỏ, nơi mà chúng cảm thấy an toàn và được bảo hộ. Rùa là một động vật rất bình an, không hề bạo động, dữ dằn hay thù địch. Chúng không giết các con vật khác để nuôi thân vì chúng ăn thuần chay, thức ăn chính của chúng là rau trái, cỏ cây. Có con nặng đến 300 ký lô gam, nhìn cứ như một tảng đá khổng lồ, làm cho ta có ấn tượng là mình không thể nào di dời hay lay chuyển một sinh vật vững chãi và chắc chắn như vậy. Loài rùa đã sống sót qua thời gian là nhờ những phẩm chất ấy. Con cảm thấy rất may mắn là đã có cơ hội viếng thăm những người thầy lớn – những con rùa – và rất vinh hạnh được bước vào thánh địa của chúng.
Triết học – Tình yêu dành cho trí tuệ
Trạm dừng thứ hai của tăng đoàn là Quito, thủ đô của Ecuador. Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ đối với con là chuyến viếng thăm trường đại học San Francisco. Giáo sư Andrés Proaño, người đã mời tăng đoàn đến Eduador, đồng thời cũng mời chúng con đến dự giờ giảng của ông và chia sẻ đôi lời với sinh viên trong lớp. Đây là một điều rất đặc biệt đối với con bởi vì trước khi xuất gia, con là sinh viên khoa Triết của trường đại học quốc gia tại thành phố Mexico (National University in Mexico City – UNAM) và đó là một trong những kinh nghiệm tuyệt vời trong cuộc đời con.
Nhiều người cho rằng Triết học là một cái gì rất trừu tượng và thiên về trí năng, không có liên hệ gì với cuộc sống hằng ngày. Nhưng đối với con, Triết học không có gì khác hơn là “Tình yêu dành cho Trí tuệ” (Love for Wisdom). Tình yêu đâu phải là một cái gì trừu tượng hay thiên về trí năng, tình yêu là một cái gì ta có thể cảm được, trải nghiệm được và có thể sống với nó. Khi con nghĩ về Triết học, con nghĩ đến những điều như: tự do, hiểu biết về bản thân, trí tuệ, ước muốn tìm kiếm sự thật, sự tĩnh lặng nội tại, tình thương không điều kiện, một cuộc sống có ý nghĩa, là người chủ của chính mình, v.v.
Vì vậy con rất vui khi được cùng quý thầy quý sư cô đến thăm trường đại học, được gặp gỡ các sinh viên trẻ 18 – 19 tuổi. Con có cơ hội được chia sẻ với các nam sinh viên trẻ tuổi tại sao Triết học là quan trọng nhất trong đời con, và Triết học đã đem con đến với Làng Mai thế nào. Văn hóa và xã hội nơi con lớn lên đã áp đặt lên con một số niềm tin và quan niệm. Trong một cách thức nhất định nào đó, tâm con như đã bị giam cầm trong một nhà tù bởi những niềm tin và quan niệm đó. Con đã không có tự do để tự mình tìm tòi, khám phá, thay vào đó con đã được dạy là phải chấp nhận cách suy nghĩ theo lối mòn dưới sự đe dọa là nếu không như thế thì con sẽ sa vào địa ngục.
Trong thẳm sâu, con cảm nhận thật nguy hiểm khi bị thuyết phục phải tin vào một cái gì đó mà không hề có căn cứ và vâng lời một cách mù quáng. Đồng thời, cách suy nghĩ của con rất khác và không được chấp nhận bởi vì nó không tuân theo lề lối thông thường của xã hội. Trong rất nhiều năm, con có cảm giác như tâm mình là một tù nhân, không được tự do nhưng con chưa bao giờ từ bỏ niềm tin của chính mình.
Năm 21 tuổi, khi đang học tại đại học luật của thành phố Durango, Mexico, lần đầu tiên trong đời con gặp một thầy giáo khuyên sinh viên phải tự mình suy nghĩ, cho phép tâm mình rộng mở, phải biết đặt câu hỏi về những gì mang tính cách giáo điều, về nhà nước, về luật pháp, về tất cả những những nhận thức đã được dựng lên sẵn, và phải để cho tâm mình thật tự do. Ông đã khuyến khích sinh viên có niềm tin vào chính tự thân và vào kinh nghiệm của chính mình. Tóm lại, ông khuyến khích chúng con đặt câu hỏi về mọi sự. Sự khuyến khích của ông không phải để chúng con gây rắc rối mà vì ông biết rằng sự nghi ngờ và tính hoài nghi chính là một cái máy lọc tuyệt vời nhất; và để tìm ra câu trả lời, chúng ta cần phải có một cái đầu có khả năng suy nghĩ thật phóng khoáng. Ông muốn chúng con có một sự liên hệ sâu sắc hơn với thực tại, với sự thật và với vũ trụ. Con rất mang ơn thầy Jose Hugo Martinez Ortiz. Thầy đã qua đời vào năm 2013 nhưng tinh thần của thầy vẫn còn đang rất sống động trong con. Thầy đã giải phóng con khỏi giáo điều và nhìn thế giới qua chính đôi mắt của mình. Đó thật sự là một cuộc cách mạng vĩ đại đối với con, rất sâu sắc và vô cùng ý nghĩa, cho nên một ngày kia con đã quyết định dành 100% cuộc đời mình cho việc rèn luyện, vun trồng và nuôi dưỡng tự thân để có thể giúp những người khác giống như thầy giáo đã giúp cho con.
Đó là lý do tại sao ngay sau khi bỏ nghề luật sư, con đã đến thành phố Mexico để theo học khoa Triết trường đại học Quốc gia. Tại sao lại là Triết học? Là vì như một người thầy khác của con đã nói: “Triết học là một liều thuốc giải độc chống lại những định kiến, sự xác quyết và các lời tuyên bố dựa trên quyền hành”.
Một hôm con tìm thấy quyển Muốn an được an (Being Peace) của Thầy Làng Mai trong thư viện trường đại học. Trong khi đứng đọc quyển sách, con vô cùng kinh ngạc trước sự đơn giản mà vô cùng sâu sắc của lời Thầy dạy. Con chưa bao giờ gặp ai như Thầy. Đến bây giờ con vẫn còn nhớ như in trái tim con đã đập mạnh đến thế nào khi con đọc ba giới đầu của 14 Giới Tiếp hiện trong sách (đây là ấn bản cũ của cuốn sách “Being Peace”, vì vậy giới bản trong cuốn sách này là giới bản cũ, hiện chúng ta đã có giới bản 14 Giới Tiếp hiện tân tu):
Giới thứ nhất: Con xin nguyện thực tập để không bị vướng mắc vào bất cứ một chủ nghĩa nào, một lý thuyết nào, một ý thức hệ nào, kể cả những chủ thuyết Phật Giáo. Con nguyện nhìn nhận những giáo nghĩa Bụt dạy như những pháp môn hướng dẫn thực tập để làm phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ.
Giới thứ hai: Con xin nguyện thực tập để phá bỏ thái độ hẹp hòi và cố chấp, để có thể cởi mở và đón nhận kinh nghiệm và tuệ giác của người khác. Con biết rằng những kiến thức hiện giờ con đang có không phải là những chân lý bất di bất dịch, và tuệ giác chân thật chỉ có thể đạt được do sự thực tập quán chiếu và lắng nghe, bằng sự buông bỏ tất cả mọi ý niệm mà không phải bằng sự chứa chất kiến thức khái niệm. Con nguyện suốt đời là một người đi tìm học và thường trực sử dụng chánh niệm để quán chiếu sự sống trong con và xung quanh con trong từng giây phút.
Giới thứ ba: Con nguyện không ép buộc người khác, kể cả trẻ em đi theo quan điểm của con, bằng bất cứ cách nào: uy quyền, sự mua chuộc, sự dọa nạt, sự tuyên truyền và giáo dục nhồi sọ. Con nguyện tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác và sự tự do nhận thức của họ. Tuy nhiên con biết con phải dùng những phương tiện đối thoại từ bi và ái ngữ để giúp người khác cởi bỏ cuồng tín và cố chấp.
Sau khi đọc quyển sách ấy, hạt giống xuất gia trong con đã được đánh động. Rồi một ngày kia, con bỗng thấy rất rõ ràng bước kế tiếp trong cuộc đời mình là sang Làng Mai và trở thành một người xuất sĩ.
Chính vì vậy con đã rất hạnh phúc được chia sẻ kinh nghiệm này của mình với các sinh viên trường đại học San Francisco ở Quito. Chúng con cũng nói với các em về chương trình xuất gia 5 năm và một số em rất quan tâm. Con nghĩ rất nhiều hạt giống lành đã được gieo xuống ở Quito.
Trái tim Bồ tát
Sau khi rời Quito, chúng con đến Medellin, Colombia. Điều làm cho con vô cùng xúc động là tấm lòng của Alejandra Ruiz, người đã cố gắng tìm mọi cách có thể để cho chuyến hoằng pháp của tăng đoàn tại Medellin được thành tựu. Dù rất bận rộn nhưng cô đã cố gắng sắp xếp thời gian để hết lòng yểm trợ và tham gia mọi sinh hoạt trong thời gian tăng đoàn ở Medellin. Cô đã về ở nhà mẹ, cùng với con gái, để nhường căn hộ của mình cho quý thầy, quý sư cô. Không có Alejandra, có lẽ chuyến hoằng pháp tại nơi đây khó có thể xảy ra. Ngày tăng đoàn rời Medellin, cô đã khóc và cảm ơn quý thầy, quý sư cô đã ở tại nhà cô. Cô cảm thấy rất vinh dự vì điều ấy. Tấm lòng trân quý và niềm tin mà Alejandra cũng như rất nhiều thiền sinh ở Nam Mỹ dành cho người xuất gia làm cho con thực sự xúc động. Chính điều đó đã tạo cảm hứng cho con tu tập hết lòng để xứng đáng với lòng quý trọng và niềm tin ấy.
Trường học dành cho trẻ em nghèo ở Bogotá
Điểm cuối cùng trong chuyến hoằng pháp của chúng con tại Nam Mỹ là Bogotá – thủ đô của Colombia. Chúng con đã có rất nhiều khoảnh khắc rất tuyệt vời ở đây. Một trong những khoảnh khắc đó là lần chúng con đến tham quan trung tâm thành phố mà không hề có một chương trình cụ thể nào. Ximena, Mariavé và Adriana – những thành viên rất tích cực của tăng thân địa phương là những hướng dẫn viên của đoàn. Sau khi tham quan rất lâu trong chợ trái cây, mọi người đã khá mệt, nhưng sư cô Tảo Nghiêm nhất định muốn đi thăm một số nơi nghèo nhất của thành phố. Vì vậy, chúng con đã đến thăm trường học nơi Ximena đang tổ chức các khoá dạy về chánh niệm cho thầy cô giáo. Ximena cho chúng con biết người dân ở Colombia đã phải cố gắng thuyết phục rất nhiều thì chính phủ mới đồng ý mở trường học này cho trẻ em nghèo. Thầy hiệu trưởng cho phép chúng con vào thăm một số lớp học.
Trước tiên là lớp dành cho các em thiếu niên (teens). Các em rất tò mò về người tu và đặt nhiều câu hỏi như: “Quý thầy, quý sư cô có tin vào Thượng đế hay không?”, “Quý thầy quý sư cô tin vào cái gì?”, “Tại sao lại cạo sạch mái tóc?”, “Cái gì xảy ra sau khi ta chết?”…
Chúng con cũng đi thăm lớp học của các em nhỏ năm tuổi, hát và chơi với các em. Các em rất thích. Có những em khi về nhà có thể sẽ không có gì để ăn cả nhưng các em vẫn vui khi đến chia sẻ với chúng con những trái cây và bánh – khẩu phần ăn mà nhà trường dành cho các em. Các em cũng chia sẻ đồ chơi, tặng những món quà nhỏ, những nụ cười và những cái ôm với chúng con. Con rất xúc động trước tấm lòng của các em. Thầy Pháp Tiến cũng rất cảm động nên đã khuyên tăng thân Bogotá thường xuyên thăm viếng và giúp đỡ các em. Sau khi trở về Làng, thầy đã nhờ con dịch một số câu trích từ sách Sư Ông ra tiếng Tây Ban Nha để thầy viết thư pháp gửi cho tăng thân Bogotá gây quỹ giúp trẻ em nghèo ở Colombia.
Chúng con sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để hết lòng yểm trợ các tăng thân ở Ecuador và Colombia. Hy vọng chúng con sẽ cơ hội đến thăm lại những nơi này trong tương lai. Hẹn gặp lại!
Chân Trời Đức Trí