Mở lối trời cao rộng
(Phỏng vấn cây Bạch Dương tại Làng Mai, Pháp)
Những mầm non đang vươn lên trong mùa tuôn dậy. Trang nhà Làng Mai xin giới thiệu Bài ghi chép sau đây được BBT chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh, ghi lại cuộc trò chuyện với 9 cây Bạch Dương mới biểu hiện trong khoá An cư kiết đông tại Pháp vừa qua.
BBT: Các sư em có thể chia sẻ một vài nhân duyên khiến các sư em đến với con đường xuất gia và chọn Làng Mai làm ngôi nhà tâm linh của mình?
Sư chú Chân Trời Khiết Lâm (người Đức):
Trước đây, con từng làm công việc vật lý trị liệu trong một thời gian khá lâu. Con sống vui vẻ, năng động nhưng vẫn thấy bất an một chút. Rồi con bị bệnh, cũng nhẹ thôi nhưng con muốn tìm một cách trị liệu khác mà không phải đến bác sĩ. Cũng từ đó, con bắt đầu có những băn khoăn về cuộc đời mình. Con thấy nói chuyện với những người lớn tuổi rất có ích, con hỏi họ những câu như: Con phải làm gì để có hạnh phúc trong cuộc sống? Con thấy hình như rất nhiều người không thật sự có hạnh phúc.
Nhiều người nói với con: “Anh phải kiếm thêm nhiều tiền thì mới có hạnh phúc!” Vậy là con bắt đầu làm việc nhiều hơn để kiếm thêm tiền. Nhưng sau một thời gian ngắn, con thấy làm việc nhiều để kiếm tiền không phù hợp với tính cách của con, con thích một cuộc sống thảnh thơi hơn. Vì vậy con bắt đầu làm việc ít lại. Nhưng câu hỏi về hạnh phúc vẫn còn đó trong con. Có một ông khá giàu nói với con rằng nếu mình có tiền, mình phải tiêu xài ngay bởi vì mình có thể bị bệnh ung thư hay một bệnh gì đó, bị bệnh như vậy rồi thì mình đâu có làm gì được.
Con thấy mình bế tắc, không có lối ra. Làm việc trong một viện dưỡng lão, khi quan sát những người cao tuổi ở đây con thấy rất buồn. Có những người không có gia đình. Có những người có gia đình nhưng vẫn bị gửi vào đây. Trong thời gian đó, con hơi bị trầm cảm nhưng đó lại là một điều tốt, bởi vì nó giúp con suy nghĩ một cách nghiêm túc về hướng đi của cuộc đời mình. Nhìn những người cao niên được chăm sóc ở viện dưỡng lão, con nhận ra rằng rồi một ngày kia con cũng sẽ trở thành như họ.
Tình cờ con được tặng cuốn sách Siddhartha (Câu chuyện dòng sông) của nhà văn Hermann Hesse. Khi đọc xong cuốn sách này, con đã khóc. Con không thể tin rằng có một người đã có thể sống hạnh phúc với nếp sống thiểu dục, không chạy theo sự tiêu thụ. Vậy là con tìm được đường đi, con đường tâm linh! Rồi con được đọc tác phẩm Đường xưa mây trắng của Thầy. Đó là khi con bắt đầu tu tập – năm ấy con 29 tuổi, năm năm về trước.
Con có rất nhiều lên xuống trong thời gian đó. Con đã thực tập buông bỏ và ít tiêu thụ lại. Con cho một người bạn cái ti-vi của mình, thay đổi thói quen ăn uống, đi chơi ít hơn. Tuy vậy con vẫn hơi hoang mang. Nghĩ là mình phải tu một mình ở chốn thiên nhiên, con lên mạng Internet để tìm hiểu thêm. Con tìm thấy bài viết của một người đã tu một năm trong hang động gần bờ biển. Con tưởng tượng ra hình ảnh rất đẹp của mình ngồi trên núi thiền tập một mình trong hạnh phúc. Và con quyết tâm thực hiện. Khó khăn duy nhất là thức ăn. Người đàn ông tu một năm trong hang động có cả một kho thức ăn lớn. Nhưng con thì không thể, vậy con phải làm gì đây?
Vậy là con đi học một khóa kỹ năng sinh tồn. Vấn đề là trong các khóa học loại này, phần lớn người ta dạy cách bẫy thú. Con đã là người ăn chay, là người tu tập, con không thể làm việc đó được. Con nhận ra đây là một ý tưởng ngu ngơ, con sẽ không ngồi tu trong một cái động, ngoài thiên nhiên hay những chỗ tương tự.
Con nản lòng và không biết phải làm gì nữa. Tiếp tục tìm trên mạng, con không thấy có tu viện nào như ý. Con đi dự khóa tu do một sư cô người Đức từ Myanmar hướng dẫn. Sư cô có rất nhiều kinh nghiệm với 30 năm tu tập. Năng lượng của sư cô rất bình an. Sư cô khiến con thấy cần phải tìm tòi, nỗ lực hơn trong sự thực tập và con nhận ra mình cần phải đến một tu viện, dù không biết mình nên xuất gia hay tiếp tục làm cư sĩ.
Theo lời giới thiệu của sư cô về một tu viện ở Myanmar, con dự định sang đó để tu tập. Nhưng con muốn ở lâu hơn một năm nên có lẽ một nơi nào ở châu Âu sẽ thuận tiện hơn. Vì vậy con tiếp tục tìm kiếm trên mạng và cuối cùng con đã tìm ra Viện Phật học Ứng dụng Châu Âu (EIAB) ở Đức, chỉ cách nhà con một giờ đi xe lửa.
Con đến EIAB năm 2015 và ngay lập tức thấy thích, có một cái gì đó trong con đã được đánh động. Và sau hai tuần thì con biết đây là nơi con muốn đi tìm. Sau đó, con được về Làng để tập sự.
Dù vẫn còn có những lên xuống trong sự thực tập nhưng con hạnh phúc khi sống ở Làng. Con cảm nhận được năng lượng của tăng thân rất hùng hậu. Khi trở thành người tu thì việc đối diện với những lên xuống đó trở nên dễ dàng hơn so với khi con còn tập sự hay còn cư sĩ. Con chưa hạnh phúc 100%, nhưng không sao. Con vẫn thích được tu tập ở Làng và sống cùng tăng thân.
Sư cô Chân Trăng Giác Hòa (người Pháp, xuất gia theo chương trình 5 năm):
Năm 2011, con đến Làng Mai lần đầu tiên. Con đến với bạn trai. Anh ấy ở xóm Thượng, còn con ở xóm Hạ. Đó có lẽ cũng là một nhân duyên, vì con sẽ không nghĩ đến chuyện tham dự khóa tu tại một tu viện Phật giáo nếu chỉ có một mình.
Lần thứ hai (cũng trong năm 2011), con trở lại Làng một mình và ở lâu hơn nên mọi người bắt đầu hỏi con có muốn đi xuất gia không. Con nghĩ thầm: “Ừ, mình sẽ đi lúc bốn mươi tuổi”.
Sau đó, con ra nước ngoài một năm để thực hiện một dự án giáo dục về môi trường cho trẻ em. Dự án đó có thời hạn là ba năm. Nơi con đến không có tăng thân, cũng không có trung tâm tu học. Bây giờ nhìn lại, con thấy những năm đó mình đã bắt đầu rèn luyện cho cuộc sống xuất gia bằng cách buông bỏ bớt những vật dụng, sống đơn giản, bởi vì con luôn thích sống như vậy.
Con bắt đầu tìm hiểu và đi thăm các cộng đồng khác nhau nhưng chưa thấy thật sự hài lòng. Mọi người ai cũng có thiện chí nhưng lại không có những phương pháp thực tập chung. Con đã thọ trì Năm giới nhưng thật khó thực hành. Con ước ao mình có thể thực tập giới cùng với những người khác nhưng thật không dễ chút nào. Ngoài ra còn có những mâu thuẫn, những vấn đề trong sự liên hệ giữa người với người, những vấn đề thường gặp khi sống tập thể, thế nhưng lại không có một phương pháp nào thực tiễn để đối trị với chúng. Chúng con không có khả năng buông bỏ, cũng không biết rằng tình thương và sự hòa hợp phải là những ưu tiên hàng đầu.
Sau ba năm xa Làng, con quyết định trở lại tham gia một khóa An cư kiết đông. Con thấy rất rõ là con cần phải trở lại đây. Con không biết vì lý do gì, chỉ biết là có một cái gì đó kéo con trở lại. Con nhớ khi mình bước chân vào cái cổng nhỏ của xóm Mới, con cảm thấy ngay là mình đã về nhà. Rất nhiều thiền sinh cũng đã nói như thế. Bước chân con chậm lại. Con đã thực sự tận hưởng mùa An cư ấy.
Trong khi con thực hiện dự án giáo dục và môi trường, con thấy mình không đủ mạnh, cảm xúc không đủ ổn định để có năng lượng cho công việc. Con hiểu ra rằng trong vai trò một cư sĩ hay một cá nhân đơn độc, con không thể thật sự làm những điều mà con muốn làm cho thế giới. Và con bắt đầu thấy mình không giúp được gì. Vì vậy khi con tới Làng Mai trong mùa An cư kiết đông, ước nguyện xuất gia của con đã lớn lên. Quý sư cô và cả quý thầy đã giúp con tưới tẩm tâm nguyện đó.
Sư chú Chân Trời Khiết Anh (người Ý, xuất gia theo chương trình 5 năm):
Con đã đi qua một hành trình rất dài trước khi đến Làng Mai, để rồi sau đó trở thành một vị xuất sĩ. Con đã đến Làng rất nhiều lần nên chơi thân với rất nhiều sư chú trong các gia đình xuất gia. Tuy thế lúc nào con cũng thấy phân vân. Lần đầu tiên con có ước muốn đi xuất gia là vào năm 23 tuổi (năm nay con đã 28, vậy là con chờ đợi đã khá lâu). Con không biết nó phát khởi từ đâu, nhưng ý nghĩ “mình phải đi tu” cứ đi lên trong con, rất sống động, rõ ràng. Nhưng con chỉ giữ ý nghĩ đó cho riêng mình. Con không hề nói với ai về ước muốn xuất gia trong một thời gian dài cho dù con vẫn luôn nghĩ: “Mình muốn đi tu, mình muốn đi tu, mình muốn đi tu…” Rồi con bị lôi cuốn vào chuyện thường tình như là có bạn gái.
Thực ra con đã bắt đầu tu tập từ năm 21 tuổi, theo truyền thống Theravada. Con đã cố gắng thường xuyên theo dõi hơi thở và khi thấy mình mất ý thức về hơi thở, con vô cùng buồn bực. Con đã dụng công quá sức nên trở thành trầm cảm nặng. Khi đó con biết là mình đã gặp rắc rối, bị trầm cảm chính vì sự thực tập. Con phải làm gì đây? Con cần phải đi tới một trung tâm thực tập, có bạn cùng tu thì sẽ dễ dàng hơn cho con.
Khi tới Làng, con ở trong một tình trạng rất tệ. Con đến đây để nương tựa. Tuy nhiên, lúc đó con không thích Làng Mai chút nào. Nào là đông người, nào là mọi người hay cười, hay hát… (con vốn quen với truyền thống Theravada). Nhưng trực giác bảo rằng con cần phải ở đây. Có những điều con muốn khám phá, dù rằng trong con vẫn còn nhiều phản kháng. Đôi khi, có những điều trong chiều sâu tâm thức mà con chưa hiểu hết được.
Con nhớ lần đầu tiên con tới Làng Mai mùa hè năm 2014. Đêm đầu tiên, trời mưa như trút nước, con phải ngủ trong thiền đường Chuyển hóa của xóm Thượng. Quá mệt mỏi sau một chuyến đi dài nên con đã ngủ ngay lập tức và chỉ một lát sau, con có một giấc mơ rất sống động… Con mơ thấy nước dâng đầy trong thiền đường Chuyển hóa, phía trước tượng Bụt. Con lấy tay khỏa nước và thấy rất vui. Ánh sáng từ dưới đáy nước chiếu lên giống như trong một hồ bơi. Đó là một giấc mơ đẹp và rất rõ ràng, rất thực làm con nhớ mãi.
Và bây giờ thì con đã trở thành một vị xuất sĩ của Làng Mai!!! Vào lúc đó con không hề nghĩ là mình sẽ xuất gia ở đây. Bây giờ thì con rất hạnh phúc được làm một người tu. Cứ như một giấc mơ đã trở thành hiện thực!
Sư chú Chân Trời Khiết Hỷ (người Colombia):
Con đến Làng lần đầu tiên vào Giáng sinh 2006, đúng lúc Thầy đang cho pháp thoại. Từ hôm ấy, con đã ước mong được sống cùng tăng thân. Hồi còn nhỏ, mỗi lần đọc Kinh Thánh là con cảm thấy như được gặp Chúa Ki-tô. Và khi đến Làng, con thấy mình tiếp xúc được với Chúa qua những lời giảng của Thầy, dù là Thầy giảng về Bụt.
Thực tình thì con không thấy có gì khó khăn khi sống và tu tập ở Làng Mai. Con đã đi qua đau khổ cùng cực trong quá khứ nên hôm nay con trân quý hạnh phúc mà mình đang có. Con hạnh phúc vì đã gặp được Thầy và tăng thân. Con hạnh phúc được buông bỏ tất cả những khổ đau. Con không đòi hỏi gì hơn ở cuộc đời. Hạnh phúc đơn sơ của con là thưởng thức từng giây từng phút và đi theo bước chân của Thầy vì Thầy là một tấm gương lớn trong việc sống hạnh phúc trong hiện tại.
Sư cô Chân Trăng Giác Ân (người Singapore):
Khoảng năm hay sáu năm trước con bắt đầu nghĩ đến việc xuất gia. Con thường tới tu viện Lộc Uyển (một trung tâm của Làng Mai tại California, Mỹ) vì con sống và làm việc ở Hawaii. Con tới Lộc Uyển để tìm hiểu xem đây có phải là con đường đúng đắn cho con không. Trong ba tuần ở đó, con đã thực tập rất hết lòng.
Một ngày kia, con ngồi trong thư quán và đọc sách của Thầy. Trong cuốn sách đó, Thầy kể về những cô gái bị đẩy vào con đường mãi dâm ở Thái Lan. Thầy dạy rằng những cô gái ấy có mặt đó bởi vì chúng ta có mặt ở đây. Bất chợt thế giới mở òa ra với con. Con thấy được thế giới bằng con mắt hoàn toàn khác trước. Đó là một khoảnh khắc, một trải nghiệm vô cùng mạnh mẽ. Con cảm thấy mình phải kể ngay với ai đó về điều này mới được. Con tìm thấy thầy Pháp Hộ đang có mặt ở ngay đó. Thầy nói: “À, đó là tuệ giác”. Con nói: “Con không muốn đi ngủ, bởi vì con không muốn đánh mất nó!” Con gắng ngồi suốt cả đêm. Con tránh nói chuyện với mọi người và tránh làm mọi chuyện khác. Nhưng thầy nói với con rằng con không thể giữ khư khư theo cách như vậy được.
Thầy Pháp Hộ có nói một điều thật có ích cho con, thầy nói: “Mặt trời mọc, rồi mặt trời lặn, và chị phải đi ăn sáng”. Thực sự con được chạm đất. Con vẫn còn nhớ điều đó cho đến hôm nay, mỗi lần con có chút ít ánh sáng gì khác mà con cứ cố bám giữ lấy.
Trải nghiệm vừa kể trên đã giúp con thấy được thế giới bên trong có thể rộng lớn đến thế nào, tuyệt vời đến thế nào. Nó vượt lên trên những gì mà con có thể tưởng tượng. Con trở lại Lộc Uyển vào dịp Phật đản. Ký ức về hôm đó vẫn còn sống động trong con. Khi ngắm mặt trăng tròn đầy con đã phát đại nguyện và xin cuộc đời cho con được trở thành một người tu.
Khóa tu đầu tiên con được tham dự là ở Singapore. Thầy từng kể trong những cuốn sách của Thầy về thời gian Thầy ở Singapore, Thầy đã mua một con tàu chở hàng để đi cứu những thuyền nhân trên biển. Chính phủ Singapore thời đó đã trục xuất Thầy. Ở khóa tu, con đã khóc rất nhiều, và cũng được trị liệu rất nhiều. Con cảm thấy, là một công dân Singapore, mình phải chịu trách nhiệm cho cách đối xử lạnh lùng này đối với những thuyền nhân Việt Nam. Con đã xin sư cô phụ trách gia đình pháp đàm thay con thưa với Thầy, xin được Thầy tha thứ.
Con không được nói chuyện trực tiếp với Thầy, nhưng ngày hôm sau có một vài biểu hiện và ánh mắt của Thầy làm con có cảm giác rằng con có thể buông bỏ cảm xúc trên được rồi. Đó là lần đầu tiên con thấy được tình thương vô bờ bến của Thầy. Đó là thứ tình thương mà khi có nó bạn có thể giúp đỡ ngay cả những người đã từng làm bạn tổn thương hoặc đau đớn. Điều đó đã động đến một cái gì sâu thẳm trong con.
Sư cô Chân Trăng Giác Hiếu (người Úc gốc Việt):
Điều thực sự đánh động và làm cho con quyết tâm trở thành người tu là khi con được tham vấn với một sư cô Làng Mai về những khó khăn trong lòng mình. Vừa mới bắt đầu câu chuyện là con đã khóc như mưa. Còn sư cô thì ngồi đó, thật đẹp, thật bình an, rất tươi mát và rất yên. Tối đó, trở về nhà, con chỉ thấy hình ảnh của sư cô trong tâm trí: vững chãi, bình an và đầy từ bi. Thật là thanh thản, tràn đầy năng lượng tâm linh và sức sống. Con tự nói với mình: “Mình muốn trở thành một người như vậy”. Thế là con đến tu viện Nhập Lưu thực tập trong ba tháng mùa đông và sau đó con đến Làng Mai, Pháp. Con đã đi qua nhiều thử thách nhưng con vẫn thật sự muốn được theo đuổi con đường này.
BBT: Một trong những cái mà các sư em cảm thấy khó buông bỏ nhất để trở thành một người xuất gia là gì?
Sư cô Chân Trăng Giác Ân:
Cái con thấy khó buông bỏ nhất là chiếc tàu của mình. Ở Hawaii con có một chiếc tàu, chiếc tàu mà con mơ ước. Khi mua một chiếc tàu, mình cũng đồng thời mua một ước mơ. Đó là ước mơ của tự do, tự tại, của đại dương và sóng vỗ. Ở chỗ con làm việc, đồng nghiệp hay đùa là nếu bắt con làm việc vất vả quá con sẽ lên tàu và đi về phía mặt trời lặn. Đúng vậy, chắc là con sẽ làm như thế.
Sống trên tàu cũng là một cách để con góp phần giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, với một “dấu ấn carbon” (carbon footprint) thật nhỏ. Đó không chỉ đơn thuần là cái con thích làm, mà nó còn đi đôi với quan niệm sống của con. Vì vậy buông bỏ con tàu là một điều khá khó khăn cho con.
Cuối cùng con đã tặng lại chiếc tàu cho con trai người chủ trước. Chiếc tàu đã gắn bó với gia đình đó trong hai mươi năm nên con biết chắc là nó đã trở về một nơi tốt đẹp. Đối với con, điều đó quan trọng hơn là tiền bạc. Giờ thì con rất hạnh phúc được ở Làng. Nhưng giấc mơ được sống trong một tu viện cạnh bờ biển vẫn đang tiếp tục được ấp ủ trong con (cười).
Sư cô Chân Trăng Giác Hiếu:
Vào mùa hè con thường ra bãi biển, chạy, đi bộ hay bơi. Dù con có làm việc nhiều thế nào, dù gặp phải khó khăn gì, nhưng chỉ cần được nhảy xuống nước và bơi là con được “sạc pin” trở lại. Vì vậy một trong những thứ mà con hơi khó buông bỏ là bơi lội và cuộc sống bên bờ biển.
Tuy nhiên con thực sự yêu thích nếp sống xuất gia nên con thường nhận diện những điều may mắn mà mình có khi được là một sư cô để bù lại cho niềm đam mê bơi lội của mình. Một trong rất nhiều những điều may mắn đó là con thực sự thấy mình có thật nhiều tự do. Con có thời gian để chăm sóc bản thân, lắng nghe và có mặt cho chính mình. Con thương và chấp nhận được mình mà không còn ganh đua và bỏ chạy nữa. Con không cần phải mang một cái mặt nạ hoặc chơi trò đóng kịch (mà khi trước con cảm thấy mình phải làm như vậy). Con thấy mình được phép có không gian và thời gian để chơi, học và chuyển hóa. Mỗi buổi sáng thức dậy, con thực tập quán từ bi và bày tỏ lòng biết ơn vì những gì con đang có được trong giây phút hiện tại. Con cảm thấy mình thật giàu có và may mắn trên con đường này.
BBT: Sau khi xuất gia được chuyển vào ở tăng xá/ ni xá, các sư em cảm thấy như thế nào? Có khác biệt gì nhiều so với lúc tập sự không?
Sư chú Chân Trời Khiết Minh (người Úc gốc Việt, xuất gia theo chương trình 5 năm):
Trước khi xuất gia, con không có một khái niệm rõ ràng về cuộc sống của một vị xuất sĩ Làng Mai. Thoạt đầu con chỉ đơn giản nghĩ rằng mọi thứ cũng sẽ giống như lúc con làm tập sự, cũng ngồi thiền hai thời, thiền hành, chấp tác, ăn cơm ba bữa… Sự khác biệt mà con hình dung lúc đó là mình sẽ nhận và hành trì các giới pháp khác, mặc pháp phục khác, được gọi bằng một cái tên có vẻ “ngầu” hơn, đầu thì bóng loáng hơn, không còn dùng lược và keo xịt tóc, và chắc chắn là nằm trên một cái giường khác “êm” hơn. Vì thế con cũng không quá háo hức về những vấn đề khác ngoại trừ việc mình trở thành con của Bụt và thành đệ tử của Sư Ông.
Sau khi dọn vào tăng xá, con cảm thấy bất ngờ với sự dồi dào, chân thật của tình huynh đệ và sự thương yêu đùm bọc sẻ chia cho nhau, từ nụ cười niềm vui, miếng ăn và đôi lúc cả những khó khăn, khổ đau. Một trong những hình ảnh nuôi dưỡng con mỗi ngày là nhìn thấy một hàng dài những tà áo nâu đi từ tăng xá đến thiền đường vào giờ ngồi thiền lúc sớm mai. Đó là một hình ảnh rất đẹp!
Con cảm thấy rất ấm áp và gắn kết với tăng thân. Tuy nhiên, khoảng thời gian đầu con cảm nhận thời gian trôi qua rất nhanh. Trong khi đó chất lượng của sự thực tập, sự tinh tấn trong con dường như không có. Rồi một hôm con dừng lại và quán chiếu thì con nhận ra rằng mình đang bị cuốn trôi theo những cuộc đối thoại hơi dài và không có một thời khóa tu tập riêng cho chính mình ngoài thời khóa chung với đại chúng. Thế là con tự làm ra một bảng kế hoạch mà con tự cho là “hoàn mỹ, trên cả tuyệt vời”.
Ở Làng Mai, con thấy mình có thể học bất cứ điều gì, miễn là điều ấy đem lại sự nuôi dưỡng. Âm nhạc, khoa học, những nghiên cứu y khoa, toàn là những cái con thích. Con ghi xuống những cái mình cần học: Piano, ghi-ta, bóng đá, bóng bàn, các ngoại ngữ (tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, chữ Hán, tiếng Nhật, tiếng Hàn quốc…) Nhưng rồi tâm con chợt đọng lại như một tiếng chuông chánh niệm với câu hỏi: “Thế còn tôi thì sao? Chừng nào bạn mới dành thời gian cho tôi? Mục đích xuất gia của bạn là gì?” Từ những câu hỏi này, con đã nhìn ra rằng mình nên dành nhiều thời gian cho việc học nội điển và cho chính mình nhiều hơn. Một trong những cái mà con phải học, đó là không chất chứa thêm mà cần phải buông bỏ bớt.
Nguyện ước sâu xa nhất của con là giúp người bớt khổ. Đó là mục tiêu của đời con, là nguồn cảm hứng và động lực cho con đi trên con đường này. Nói tóm lại, hiện tại con cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn khi được sống và tu tập cùng tăng thân.
BBT: Các sư em cảm thấy như thế nào khi mình không có nhiều cơ hội được gần Thầy trong suốt thời gian các sư em tập sự xuất gia? Sự vắng mặt của Thầy ở Làng có ảnh hưởng gì đến sự thực tập hay chí nguyện của các sư em không?
Sư cô Chân Trăng Giác Minh (người Indonesia):
Khi con tới Làng thì Thầy đã bị bệnh. Con chỉ được gặp Thầy tất cả có ba lần, nhưng chỉ từ xa. Trong lễ khai mạc khóa An cư kiết đông 2016 – 2017 ở xóm Thượng, Thầy xuất hiện ở thiền đường Nước Tĩnh một cách bất ngờ. Khi con nhìn thấy Thầy, con muốn mỉm cười với Thầy nhưng vì con hay mắc cỡ nên con mỉm cười và nhìn xuống, rồi con lại nhìn Thầy, cười rồi nhìn xuống một lần nữa. Con nghĩ Thầy đã mỉm cười với con, làm con càng thấy rụt rè, bẽn lẽn hơn. Đó là một giây phút rất đẹp đối với con!
Dù con chỉ nhìn thấy Thầy có ba lần nhưng qua những bài pháp thoại mà con được nghe bằng DVD, con thấy mình có liên hệ mật thiết với Thầy. Đôi khi quý thầy, quý sư cô lớn chia sẻ về kỷ niệm với Thầy, con có thể cảm được Thầy là một người rất vui và hạnh phúc đến thế nào.
Có lần thầy Pháp Dung kể một câu chuyện khi được đi hướng dẫn khóa tu với Thầy. Trên đường đi, xe buýt dừng lại ở một trạm có siêu thị và Thầy đã mua kem cho tất cả các thầy và sư cô cùng ăn. Con nghĩ dù là một thiền sư, Thầy vẫn thưởng thức kem, và điều đó làm con rất vui.
BBT: Khi gia nhập vào một tăng thân đa dạng về văn hóa như Làng Mai, các sư em cảm thấy như thế nào? Có nhiều khó khăn không?
Sư chú Chân Trời Khiết Lâm:
Con rất biết ơn là tăng thân Làng Mai có rất nhiều văn hóa khác nhau, đó là cơ hội cho con được nhìn lại chính mình, để thấy tại sao có khi mình không hợp với người này hay người khác. Nếu chỉ có một nhóm người duy nhất cùng văn hóa, con sẽ không bao giờ có cơ hội đó.
Vì vậy sự đa dạng ở Làng Mai đối với con rất quan trọng. Dĩ nhiên đó cũng là thử thách, nhưng đó là một điều tốt bởi vì con phải cố gắng tu tập hơn. Khi có khó khăn, việc đầu tiên con làm là nhìn sâu để thấy nó đến từ đâu thay vì muốn thay đổi môi trường, tìm cách sống khác dễ dàng hơn hay trốn chạy.
Sư chú Chân Trời Khiết Tâm (người Áo):
Trở thành một vị xuất gia ở Làng Mai là điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời của con. Trước đây con đã bắt đầu thiền tập một mình. Rồi tới một lúc con cảm thấy mình cần có bạn đồng tu, vì vậy con đến Làng Mai. Ngay khi đến đây con nghĩ có lẽ đây là một chỗ rất tốt cho mình vì ở đây tăng thân có hạnh phúc, sống đơn giản, thực tế, cởi mở và không bị kẹt vào hình thức.
Làng Mai cũng như tất cả mọi nơi trên thế giới ngày nay, cũng hội tụ đủ mọi văn hoá. Bởi vì bây giờ sự di chuyển rất dễ dàng, lại có mạng lưới internet. Mọi thứ đều trộn lẫn với nhau.
Con rất hạnh phúc khi nhận được quyển sách Tâm tình với đất Mẹ. Trong đó Thầy có nói là chúng ta là một phần của gia đình nhân loại, cũng là một phần của gia đình động thực vật và toàn vũ trụ. Điều này làm con được đánh động! Trung tâm thực tập của chúng ta chính là một cơ hội để ứng dụng cái thấy đó.
Và dưới đây là bài thơ mang tên các sư chú, sư cô trong gia đình cây Bạch Dương, được ba sư chú Khiết Minh làm để kỷ niệm ngày biểu hiện cây Bạch Dương, tại Làng Mai, Pháp.