Đi như một dòng sông
Khởi nguồn
Chúng tôi, những người con sinh ra và lớn lên từ những vùng quê khác nhau của miền Bắc Việt Nam, không hẹn mà cùng xuất gia, về sống chung dưới mái chùa có tên Làng Mai. Tuy xa gia đình và người thân nhưng sống trong chùa chúng tôi luôn có đầy ắp niềm vui và tiếng cười. Chúng tôi coi nhau như anh chị em ruột thịt, cùng nâng đỡ, chăm sóc nhau, coi niềm vui nỗi buồn của người khác cũng chính là niềm vui nỗi buồn của mình. Và một ngày chúng tôi cùng nhau, cả đoàn về thăm lần lượt gia đình từng người.
Tới nhà mỗi sư anh, sư chị, sư em, chúng tôi coi đó như nhà của mình, coi bố mẹ của người đó như bố mẹ của mình, và những người thân như những người thân của chính mình. Chúng tôi không làm gì nhiều ngoài nhiệm vụ của những người con, có mặt ở đó – trọn vẹn – cho bố, cho mẹ, cho các anh chị em. Sau bao năm tháng tu học ở chùa, món quà quý nhất mà chúng tôi mang về dâng tặng cho những người thân yêu là năng lượng bình an, là tình thương và lòng chân thành từ sâu thẳm trong tim mỗi người.
Dòng nước mát trong
Trong những buổi ngồi chơi, tất cả mọi thành viên trong gia đình cùng ngồi quây quần thành vòng tròn bên nhau, có hoa, có trà, có bánh. Thường thường những người ở nhà chưa quen với cách ngồi chơi như vậy nên ban đầu hơi lúng túng và có phần gượng ép. Từ từ chúng tôi chia sẻ và mời mọi người ngồi cho yên, cùng lắng nghe tiếng chuông, cùng thưởng thức trà và bánh trong im lặng, cùng trân quý sự có mặt của từng thành viên trong gia đình. Mọi người dần quen hơn và không khí trở nên thân mật hơn.
Những người con cùng gia đình ôn lại kỷ niệm vui buồn ngày xưa, chia sẻ niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại, và bày tỏ lòng biết ơn đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ và người thân. Thậm chí những hiểu lầm và đổ vỡ trong quá khứ cũng có thể được nói lên để mọi người cùng nhìn lại, hiểu nhau hơn và hàn gắn lại chuyện cũ. Một sư cô trong niềm xúc động nghẹn ngào, đã tới bên người em trai của mình để nói lời xin lỗi: “Trong quá khứ, đã nhiều lúc chị không hiểu được những tâm tư của em, chị lo lắng cho em nhưng chị hành động theo cảm tính, chị chỉ biết trách mắng em khiến em bị tổn thương. Chị rất biết ơn em đã không giận chị nhiều, mà trong thời gian chị đi xa, em đã giúp chị trông nom việc nhà và còn thay chị chăm sóc mẹ”. Trong không khí tràn đầy năng lượng thương yêu, lòng chân thành có khả năng chạm tới những tình cảm sâu sắc trong lòng người, những giận hờn được chuyển hóa, tình thương được bồi đắp thêm.
Một ngày, chúng tôi cùng về thăm gia đình một thầy trong đoàn. Mẹ thầy mất sớm, bố thầy đi bước nữa. Người mẹ thứ hai của thầy có những khó khăn trong việc truyền thông với mọi người trong gia đình do chịu khá nhiều sức ép từ phía gia đình bên nội. Trong buổi ngồi chơi, mẹ ngồi khá trầm lặng, và có lẽ do tủi thân nên giữa buổi mẹ đứng dậy bỏ vào trong phòng. Cuối cùng mẹ cũng chịu ra trở lại, tuy nhiên khi được mời thực tập thiền ôm thì mẹ nhất định không đứng lên. Thầy chủ tọa đã mời thầy – người con của gia đình ra quỳ trước mặt mẹ, chắp tay búp sen trong khi thầy chủ tọa chia sẻ như một người con:
“Thưa mẹ, con xin chân thành cảm ơn mẹ đã thay anh em chúng con chăm lo việc nhà khi chúng con đi xa. Cảm ơn mẹ đã chăm sóc bố của con thay chúng con. Con biết mẹ rất thương anh em chúng con nhưng nhiều khi mẹ không nói ra được thành lời. Và chúng con, do rất nhiều vụng về nên ít khi thể hiện được tình thương đối với mẹ. Dù mẹ không phải là người dứt ruột sinh ra chúng con, nhưng chúng con muốn mẹ biết rằng chúng con luôn thương và kính mẹ như người mẹ ruột của chúng con. Bây giờ con mời mẹ cùng thực tập thiền ôm với chúng con, nhưng nếu mẹ không muốn thì con mời mẹ ngồi đó, để chúng con được lạy mẹ thay lời tri ân của chúng con”.
Sau lời chia sẻ đó, mẹ đứng dậy thực tập thiền ôm với hai người con của chồng và tiếp đó là thiền ôm với người em gái chồng. Lòng người mẹ đã mở ra. Sau buổi sinh hoạt, mẹ còn tiếp tục chia sẻ về những tâm sự của mình và hứa sẽ thực tập sâu hơn nữa về tình thương và lòng bao dung. Thực tập thiền ôm là những giây phút xúc động nhất của những buổi sinh hoạt gia đình, hầu như ai cũng rưng rưng nước mắt – những giọt nước mắt của tình thương và hạnh phúc.
Nhìn sâu vào giọt nước
Anh chị em chúng tôi, hầu hết là những người trẻ, được học hành, được lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, cùng với đó là kỳ vọng của gia đình về một tương lai tươi sáng như nếp nghĩ thông thường của cuộc đời. Nhưng chúng tôi lại chọn con đường xuất gia, hoàn toàn khác xa với trông đợi của những người thân yêu. Điều đó khiến gia đình chúng tôi bất ngờ, hụt hẫng đến thất vọng, đau khổ, có cảm tưởng như mất hẳn một người con, rằng bao nhiêu công lao nuôi nấng dạy dỗ đều trở thành số không. Thực tế khi vào chùa, mỗi người đều có cơ hội phát huy hết tài năng của mình để cống hiến cho xã hội. Một thầy có chuyên môn về ngành y vẫn có thể chăm sóc sức khỏe cho các sư anh, sư chị, sư em. Một sư cô trước đây học ngành kế toán vẫn có thể giúp nhà chùa trong việc quản lý sổ sách tài chính. Người có kiến thức về xây dựng có cơ hội thi triển tài năng trong việc kiến thiết nhà chùa. Nhưng hơn thế nữa, thiền sinh đến với vị bác sĩ áo nâu không những được tư vấn chăm sóc sức khỏe thân thể mà còn được học phương pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần, đặc biệt trong môi trường xã hội ngày nay đầy sức ép và căng thẳng. Những tư vấn của vị tu sĩ có kinh nghiệm về mặt tài chính – kế toán còn hướng về sự phát triển bền vững của xã hội, cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, không để những mặt trái của vòng xoáy kinh tế cuốn con người theo những nẻo đường bất thiện.
Tới mỗi nhà, chúng tôi đều xin phép thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, cùng tụng một bài kinh và cầu nguyện cho mọi người trong gia đình được mạnh khỏe, an vui. Một sư chú đã mời cả đoàn đến thăm ông bà của mình. Sư chú quỳ trước ông bà, thay bố mẹ nói lời biết ơn với ông bà và lạy xuống ba lạy để tỏ lòng thành kính của những người con, người cháu. Ông bà đã cảm động trào nước mắt, nói không nên lời, bày tỏ niềm vui khi người cháu của mình về thăm cùng với rất đông các thầy, các sư cô khác. Mỗi chúng tôi đều là con, là cháu trong gia đình, và bố mẹ chúng tôi thấy rằng gia đình không những không mất đi một người con, trái lại còn có thêm rất nhiều người con khác nữa.
Chúng tôi mỗi người có một hoàn cảnh gia đình khác nhau. Nhiều người sau nhiều năm xuất gia mà gia đình vẫn còn phản đối rất gay gắt. Với năng lượng bình an, bằng những chia sẻ rất chân thành của những người con, chúng tôi đã giúp bố mẹ hiểu được con đường mình đang đi. Gia đình đã có những chuyển hóa rất lớn, rồi dần dần chấp nhận và ủng hộ sự lựa chọn của chúng tôi. Có người bố ban đầu rất giận vì con trai đi tu, không muốn chúng tôi tới chơi nhà, cũng không muốn nhìn mặt chúng tôi, nhất định giữ con ở lại không cho quay lại chùa. Sau một buổi ngồi chơi và chia sẻ thân tình với những người con áo nâu, bố thấy rằng con trai mình đang được sống trong một môi trường rất thiện, rất lành, xung quanh là những người con khác đầy nhiệt huyết và lý tưởng của tuổi trẻ. Thế là bố chấp nhận và ngỏ lời gửi gắm đứa con ruột của mình. Quả là một niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với chúng tôi khi đi xuất gia và nhận được sự yểm trợ về mặt tinh thần từ gia đình.
Hạnh phúc về với cánh đồng xưa
Trong hành trình về thăm quê hương, những buổi sinh hoạt, ngồi chơi chia sẻ của quý thầy, quý sư cô với bà con làng xóm, với những vị cư sĩ ở địa phương cũng đem lại rất nhiều niềm vui và hạnh phúc. Hình ảnh những người tu còn rất trẻ, nụ cười rạng rỡ luôn nở trên môi cùng phong cách nhẹ nhàng, giản dị đã đem lại rất nhiều chất liệu nuôi dưỡng cho bà con. Thông điệp chính chúng tôi muốn nhắn nhủ là thông điệp của tình thương. Tình thương là món quà quý nhất chúng ta có thể hiến tặng cho nhau. Cho dù cuộc sống có thể còn nhiều khó khăn, khó khăn về đời sống cơm áo gạo tiền, hay khó khăn trong việc truyền thông khiến mọi người không hiểu được nhau, nhưng bằng tình thương chân thành, mọi khó khăn đều có thể được hóa giải để người với người có thể tới với nhau mà thương nhau.
Chúng tôi trở về không chỉ làm một việc là đem hoa trái sự thực tập của mình làm quà cho gia đình và những người xung quanh. Chúng tôi trở về còn để chính bản thân mình được nuôi dưỡng bằng tình thương của gia đình và bằng truyền thống tâm linh đã có từ ngàn đời.
Những người con đi xa lâu ngày, trở về được đón tiếp bằng tình cảm nồng hậu của người thân và bà con xóm giềng cùng những đặc sản của quê hương. Chúng tôi vô cùng thích thú khi được thưởng thức lại những món ăn đã gắn bó với tuổi thơ như kẹo lạc, bánh gai, bánh giò chay hay bánh đúc chấm tương. Chúng tôi được tắm mình trong không khí đậm chất văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, về Bắc Ninh được nghe hát quan họ, về Hải Dương được thưởng thức màn múa rối nước cùng những làn điệu chèo do chính những nghệ nhân của quê hương trình diễn. Chúng tôi tung tăng đi dạo trên con đường làng trong một đêm trăng sáng với hàng ngàn, hàng ngàn ánh đom đóm nhấp nháy, hít căng lồng ngực không khí của đồng quê đang mùa gặt còn thơm nức mùi rơm tươi.
Hạnh phúc biết bao khi lần này trở về, được ngồi quây quần bên gia đình, cùng nhắc lại những kỷ niệm thuở ấu thơ. Những bữa cơm chiều mùa hè có khi kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Cả nhà không ai có việc gì phải vội vã, ăn xong rồi để bát đũa đó, cùng ngắm những vì sao lấp lánh và nghe bố ân cần kể lại những câu chuyện ngày xưa. Những món ăn tinh thần đó vẫn còn đi theo chúng tôi, vẫn luôn là những chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi dù đã lớn khôn.
Nguồn cội tâm linh
Trở về quê hương, nơi có truyền thống văn hiến mấy nghìn năm, chúng tôi được đi thăm lại những ngôi chùa cổ như chùa Dâu, chùa Thầy, thăm lại đỉnh thiêng Yên Tử… để được tiếp xúc với gốc rễ tâm linh của chính mình. Tới mỗi miền quê, chúng tôi còn được thăm những ngôi chùa làng. Chùa nào may mắn thì có vị tu sĩ về chăm sóc, có chùa không có thầy tu cũng được dân làng cử người quét dọn, trông coi nhang đèn. Có mái chùa cổ kính, tường đất dù đã nát nhưng còn được giữ vững bằng những chiếc rễ to khỏe của một cây đa cổ thụ ôm từ đỉnh nóc chùa phủ xuống. Tất cả những điều đó đều là những chứng tích cho một đời sống tâm linh sâu sắc và phong phú của tổ tiên từ bao đời – những thời đại của các Tổ Tăng Hội, Vạn Hạnh, Trúc Lâm… Chúng tôi chia sẻ với gia đình rằng chúng tôi không làm điều gì mới mẻ hay khác thường cả. Con đường tâm linh đó đã có tự ngàn đời, đã hun đúc nên tâm hồn của con người Việt Nam. Chúng tôi, thế hệ ngày nay chỉ làm một việc đơn giản là tiếp nối con đường của các bậc tiền nhân đã đi qua. Chúng tôi chỉ góp phần đánh thức lại những tinh hoa văn hóa của dân tộc vốn đã rất giàu và đẹp, nay bị vùi lấp do những biến động lịch sử – xã hội hay những cơn bão của nền văn minh vật chất từ phương Tây tràn tới.
Tới thăm một ngôi chùa làng ở Vĩnh Phúc, tuy không có vị xuất gia trông nom nhưng các cụ trong làng vẫn chăm sóc chùa khá chu đáo. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi được gần trăm cụ tới tiếp đón. Chúng tôi còn hạnh phúc hơn nữa khi được biết số lượng các cụ ở làng còn nhiều gấp mấy lần, cụ nào cũng sống rất thọ, trên 80, 90 tuổi và rất khỏe mạnh. Chúng tôi thấy dân làng thật có phúc đức, mà đám con cháu chúng tôi cũng thật có phúc đức khi được gặp các cụ. Buổi ngồi chơi với các cụ rất thân mật và ấm áp. Chúng tôi được các cụ hát cho nghe theo lối hát kể hạnh, vốn là một sinh hoạt truyền thống rất phổ biến ngày xưa, lời ca ghi lại những sự tích, đức hạnh của những vị Thánh nhân, Cao tăng… thời trước.
Thảnh thơi
Thầy chúng tôi thường dạy “Xuất gia là để trở về”. Trước hết là trở về với chính bản thân, sống một cuộc sống có nhiều niềm vui, nhiều hạnh phúc hơn, có thể cống hiến được nhiều hơn cho cuộc đời. Trở về với gia đình huyết thống, chúng tôi học được cách kết nối, truyền thông lại với bố mẹ và những người thân. Học cách lắng nghe nhau, học nói lời hòa ái để tránh gây đổ vỡ, để hiểu nhau và thương nhau nhiều hơn. Trở về kết nối lại với truyền thống tâm linh, chúng tôi được nuôi dưỡng từ những nét đẹp văn hóa, những tinh hoa của ông cha ngàn đời để lại. Lần trở về này, chúng tôi đã không đi riêng lẻ như những giọt nước mà đã đi như một dòng sông. Dòng sông đó, sau khi đi qua bao nhiêu chặng đường – trắc trở gập ghềnh cũng có mà dịu mát hiền hòa cũng có, trở nên lớn hơn mà cũng đằm thắm hơn, nay chảy về quê hương, tưới nhuần những vùng đất dòng sông đi qua, đồng thời đón nhận những chất liệu nuôi dưỡng từ những vùng đất ấy.
Chân Trời Đại Đồng