Chồi non khẽ cựa mình
Ngày tôi sắp lên đường để qua Làng, anh trai tôi cười đọc tặng tôi bốn câu thơ:
Và dặn dò tôi sâu sắc cũng có mà chọc ghẹo cũng có, rồi cười ha ha tiễn tôi, chúc tôi chân cứng đá mềm.
Tôi đến Làng vào một chiều đông xám xịt, tuyết đang tan thành những vũng nước nhỏ. Ba giờ sáng hôm sau tuyết lại rơi, quý sư cô gọi tôi dậy, bật đèn cho tôi ngắm tuyết, rồi vào ngủ tiếp. Sáng mai ra, tuyết rơi ngập cả rừng mai xóm Hạ, tôi được gặp Thầy lần đầu tiên và lạ lẫm đi thiền hành cùng với đại chúng dưới trời tuyết rơi. Tuyết phủ gần tới đầu gối mà tôi lại mang giày vải, thế là từ hôm đó tôi ngã bệnh. Từ từ tôi ám ảnh mùa đông, tôi sợ tuyết!
Năm ấy xui làm sao mùa đông lại kéo dài tới sáu tháng, lạnh thấu xương. Tôi tìm mọi cách để trốn chạy cái lạnh. Cái áo nào tôi cũng thấy không đủ ấm, vớ tôi mang đến ba đôi mà bàn chân vẫn lạnh ngắt. Chao ôi, chân cứng không phải để cho đá mềm mà vì tuyết lạnh. Có lần tôi cảm thấy tường đá trong phòng ngủ sao mà lạnh quá, tôi nghĩ: “Hay là tối nay mình chui vào đơn ngủ cho đỡ lạnh nhỉ? Ít ra thì có ván che chắn bốn bề, mình chỉ chừa tấm ván phía trên để thở thôi.” Nghĩ là làm, tôi bắt tay dọn mền vô đơn để ngủ. Quý sư cô cùng phòng về đến, ngạc nhiên tròn xoe mắt hỏi: “Em làm gì vậy?” Tôi cười cười: “Dạ, để ngủ cho đỡ lạnh.”
Cứ tưởng không ai biết vì chuyện đó chỉ xảy ra vài hôm thôi, sau khi thấy chẳng đỡ lạnh chút nào, tôi lại khệ nệ chuyển đồ về vị trí cũ. Vậy mà tới ngày quán niệm ở xóm Thượng, đang đứng lơ ngơ trước thất Ngồi Yên, tôi thấy Sư cô Chân Không dừng xe, mở cửa hỏi: “Con là Trăng Hương Tích hả? Nghe nói con lạnh quá nên chui vào đơn ngủ luôn phải không? Sư cô có đem áo cho con nè!” Tôi ‘tá hoả’! (bây giờ tôi vẫn còn giữ một cái áo Sư cô cho để làm kỷ niệm). Ngày hôm sau, hôm sau nữa vẫn còn quý sư cô hỏi thăm về chuyện ngủ trong đơn, quý thầy thì cười cười hỏi: “Sao, nghe nói lạnh lắm hả?” Ôi, sao làng trên xóm dưới ai cũng biết!
Tôi đâu có biết tôi bị sốc nhiệt, bị thấm lạnh quá sớm, cái lạnh đi vào trong xương tủy, nên có lúc tôi cảm thấy cái lạnh từ trong đi ra nhiều hơn, cộng thêm những khổ đau từ xưa trong tâm nay thừa lúc cùng nhau trỗi dậy. Tôi bệnh cả thân lẫn tâm.
Làng với tôi lúc đó là gió, là mưa, là lạnh, nhìn ai cũng thấy lạ (vì tôi mới xuất gia có một năm). Nhìn Thầy – người mà tôi thương kính ngay buổi đầu đọc bài Nói với người xuất gia trẻ, cảm động tình thầy trò, tôi đã “chọn” Thầy làm thầy cho tôi, vậy mà lúc đó nhìn Thầy sao xa lạ quá chừng. Tôi tự hỏi: “Tại sao lúc ở Diệu Trạm mình thấy Thầy gần gũi vậy mà? Bước chân nào mình cũng thấy Thầy. Sao bây giờ thầy mình đang ở gần, rất gần mà mình không tiếp xúc được?” Tôi đau khổ vô cùng. Tối nào vào lúc ba giờ sáng tôi cũng trở dậy và khóc, vì không ngủ được và vì khổ, vì lạnh. Tôi khóc, nhưng không để ai biết, trời mưa mà khóc thì không ai nghe cả. Đó là tập khí, không muốn người khác biết mình yếu đuối.
Tôi phải học lại tất cả, cứ như công phu tu tập một năm của tôi ở Diệu Trạm bay đâu mất hết. Tôi tập mỉm cười trở lại vì khi dễ buồn, dễ tủi thân mỗi lúc bệnh, tôi đánh mất nụ cười lúc nào không hay. Chén trà thơm và nóng mỗi buổi sáng giúp cho cơ thể tôi ấm lên và đỡ đau đầu. Ngồi yên, tôi thực tập mỉm cười bất cứ lúc nào tôi có ý thức để giúp cho sự có mặt của mình với thực tại dễ dàng hơn. Lúc đầu tôi có cảm giác mình hơi khùng khùng nhưng tôi tin tưởng Thầy và pháp môn nên cứ tiếp tục làm.
Những ngày đi bộ đường dài, lúc đầu tôi chỉ đi cho cơ thể được khoẻ mạnh, nhưng tôi phát hiện ra mình bị trôi theo những suy nghĩ trong lúc đi khá nhiều. Cùng lúc cơ thể tôi không khoẻ nên khi đi dọc đường, mỗi khi nghe tiếng động cơ xe hơi ù ù sắp tới sau lưng và vượt qua là tôi giật mình hoảng hốt, tim đập thình thịch. Sư cô đệ nhị thân đi cùng đã bày tôi cách trở về với hơi thở mỗi khi bị giật mình và tôi làm theo. Ngày này qua ngày khác, với sự thực tập trở về ấy tôi đã mỉm cười được và bình tĩnh mỗi khi có chiếc xe phía sau chạy vụt qua. Tôi cũng đã tập bước đi cùng với các cảm thọ trôi qua trong tôi mỗi khi đi bộ. Cơ thể tôi mỗi ngày một khá lên thì sự có mặt với các cảm thọ trong tôi cũng khá dần lên.
Có lần, đi bộ về tới cổng xóm Hạ, một câu nói đi lên trong tâm thức tôi: “Cố lên, mình sẽ làm được mà!” Cảm động và mừng vui, tôi đứng lặng một hồi để cảm nhận niềm hạnh phúc đang có mặt. Đã từ lâu lắm, từ hồi còn nhỏ, tôi đã không có sự tự tin, tôi luôn sợ mình làm hỏng mọi thứ. Tham gia vào nhóm làm việc nào tôi cũng sợ, sợ mình không có khả năng. Sợ hãi mọi thứ, cứ mỗi lần bối rối, mất tự tin, tôi hay tìm tới hỏi một sư cô: “Sư cô ơi, con phải làm sao?” Sư cô chỉ cười và nói: “Em làm được mà, làm đi.” Sư cô phải lặp lại vài lần như vậy tôi mới yên tâm chào sư cô để về. Lúc nào tôi cũng cần sư cô động viên, nếu không tôi luôn thấy những việc trước mắt tôi là mây mù xám xịt. Vậy mà tới một ngày tôi lại có thể tự động viên chính mình, lời nói từ tận trong sâu thẳm tâm thức phát ra mà không phải tôi tác ý. Giây phút ấy tôi thấy mình mạnh mẽ xiết bao. Mọi người sẽ không thấy tôi thay đổi gì mấy nhưng tôi biết, trong mảnh đất tâm mình có một hạt giống tốt vừa nứt mầm.
Điều chật vật nhất với tôi là theo kịp với nhịp độ thời khoá, nào là khoá tu mùa Xuân, khoá tu tiếng Pháp, tiếng Ý, khóa tu 21 ngày, khóa tu mùa Hè… Khi bệnh nặng thì không kể làm gì nữa, nhưng bệnh sơ sơ thì tôi phải quyết tâm, phải đấu tranh với các cảm thọ khó chịu trong tôi và thường thì tôi quyết định đi thời khóa bởi vì tôi biết, đến đó với đại chúng và ngồi đó, tôi sẽ có thay đổi. Tôi đã trải nghiệm qua chuyện này. Có những lúc tưởng không bắt chéo chân nổi để ngồi, nhưng có những điều mầu nhiệm đã xảy ra. Ngồi xuống được rồi, ngồi đúng tư thế thì tự nhiên mọi thứ trong thân và tâm lắng xuống… lắng xuống… và tôi có thể đi vào sự buông thư và tĩnh lặng đến không ngờ. Tôi theo thời khóa vì tin vào những phút giây mầu nhiệm xảy ra trong sự thực tập, tôi tin Thầy, tin năng lượng hùng hậu của đại chúng, đó là tập khí tốt giúp tôi đi qua từng giai đoạn.
Và cũng đã có nhiều duyên lành nâng đỡ tôi. Những bài pháp thoại trực tiếp của Thầy đã thực sự ghi sâu vào tâm thức tôi. Có một câu nói của Thầy đã giúp tôi nhiều nhất: “Mình là một vũ trụ nhỏ, mình có tất cả quyền năng của vũ trụ.” Điều đó làm tôi phấn chấn và tự tin để sống và công phu. Có đôi khi tôi cứ nghĩ khả năng của mình đến đó thôi, đó là giới hạn của mình, nhưng cũng có lúc tôi cảm thấy rằng có những sức mạnh vô hạn mà mình chưa chạm vào hết.
Lúc Thầy chưa bệnh, vào mùa An cư, thỉnh thoảng anh chị em chúng tôi được dùng bữa tối chung với Thầy. Thời gian đó Thầy đang giảng về Duy biểu. Lần đó tôi và các sư cô được dùng cơm chung với Thầy ở thất Ngồi Yên. Ăn xong, Thầy nhìn kỹ từng người học trò và mỉm cười, rồi Thầy hỏi: “Thầy giảng Duy biểu các con có hiểu được không?” Quý sư cô trả lời: “Dạ hơi khó, thưa Thầy”. Thầy quay sang tôi: “Còn con thấy sao?” Tôi trả lời nhanh như cái máy: “Dạ, con cũng tiếp nhận được thưa Thầy”. Thầy nói: “Ừ, dễ mà phải không, dễ hiểu mà, đâu có gì khó đâu”. “Ôi, ý con không phải như vậy”, tôi định đính chính, nhưng không hiểu sao tôi chỉ ngồi im và dán hai mắt xuống đất vì xấu hổ với mọi người ở đó. Tôi đâu có ý xem Duy biểu là dễ, nhưng có lần Thầy giảng về cách tạo một lối mòn tư duy mới làm tôi tâm đắc quá nên tôi mới bật ra câu trả lời đó. Tôi nhớ Thầy nói: “Khổ đau là một tập khí, nó như một con đường mòn. Nếu có chuyện gì xảy ra làm mình khổ là mình suy nghĩ về cái hướng tiêu cực đó liền. Nhưng hạnh phúc cũng là một tập khí, bây giờ nó chưa có lối mòn thì mình bắt đầu đi cho có lối mòn. Mình đi nhiều lần trên con đường đó thế nào cũng sẽ trở thành lối mòn…” Tôi đã rất hân hoan để thực tập và tôi được hưởng những niềm hạnh phúc nhỏ nhỏ trong nếp sống thường ngày. Lời dạy đó nằm lòng trong tôi nên khi Thầy hỏi, tôi đã vụt trả lời mà không kịp suy nghĩ. Ôi, tôi xấu hổ quá chừng chừng, làm sao mà tôi dám nghĩ Duy biểu là dễ chứ!
Tôi đã cùng tăng thân đi qua những giai đoạn chuyển tiếp. Những buổi tăng thân ngồi im lặng để lắng nghe từng nỗi lòng mà không hề phản hồi lại, chỉ có lắng nghe để hiểu mà thôi. Những lúc được chơi trò chơi như hồi còn nhỏ xíu, những buổi ngồi với nhau để cùng lên một thời khoá thích hợp, rồi những lớp thuyết trình, pháp đàm… Những ngày được lên thăm Sơn Cốc, được chơi bóng chuyền, đá cầu, cắt cỏ, đốt lửa… cùng với nhau. Tất cả đi vào đời sống của tôi một cách tự nhiên và thân thương lúc nào không hay. Tôi đã không còn đòi đi bộ về Diệu Trạm nữa (tôi chỉ nghĩ thầm vậy thôi).
Những ngày đầu tới xóm Hạ, tôi thường than thở với một sư cô: “Xóm Hạ lạnh quá, gió độc quá, trúng gió hoài luôn. Chắc là con không hợp với nơi đây rồi”. Sư cô nói với tôi: “Sư em phải thực tập lạy xuống với tổ tiên đất đai ở đây để được chấp nhận, được ôm ấp”. Lúc đầu tôi không hiểu được câu nói của sư cô nên tôi đâu có lạy. Tôi không muốn cầu xin những điều mà mình không chắc chắn có được, mà tôi không biết đấng mà tôi phải cầu xin là ai. Nhưng qua từng năm tháng, những khoảng lặng, những không gian, cỏ cây, đất đá, rồi mùa xuân, hạ, thu, đông, những khoảnh khắc giao mùa đáng nhớ, những làn nắng ấm và những trận giông bão, những con người nơi tôi đang sống… đi vào tôi. Bây giờ thì tôi biết mình thuộc về mảnh đất này, hay mảnh đất này thuộc về tôi, trở thành tôi.
Rồi một chiều nắng vàng lấp lánh, cả một cánh đồng lúa non xanh mướt chạy dài tít tắp đến tận chân đồi, tôi đã phủ phục xuống đất Mẹ và khóc, lòng biết ơn dâng trào. Tôi đã học được cách tiếp xúc với sự sống, với thực tại nơi đây. Có một buổi sớm cách đây hai năm, bất chợt tuyết rơi, chị em tôi mừng reo lên chạy nhảy giữa trời tuyết. Tôi xòe tay hứng từng bông tuyết rơi trắng xóa, cảm nhận mình đang có một cơ thể khỏe mạnh, đôi tay mình ấm áp và bông tuyết mát lạnh giữa bàn tay. Nước mắt tôi lặng lẽ rơi. Hạnh phúc này làm sao tôi có thể quên. Tôi đã biết thế nào là hạnh phúc khi đi qua khổ đau. Kỳ lạ là mảnh đất này đã khiến tôi khổ đau tới nhường nào, nhưng giờ cũng chính nơi này đã cho tôi những mầm xanh quý giá. Bài thơ đầu tiên tôi viết trở lại, hôm ấy có lẽ là vừa chớm xuân:
Đó là kinh nghiệm đầu tiên tôi thấy mình “sống lại”. Tôi chạm vào sự sống mầu nhiệm kia với tất cả bốn mùa. Thiên nhiên ở đây đã dạy tôi cách sống. Nó thực quá đến nỗi tôi cảm giác mình ngửi thấy được, nghe thấy được. Nơi đây đã làm hồi sinh sự sống trong tôi, để tôi trở về làm lại tuổi thơ mà ngày xưa tôi chưa làm được hoặc chưa ý thức đầy đủ. Tôi vừa là một em bé nhưng cũng là một người chị có ý thức để dìu dắt em bé trong tôi biết ôm ấp khổ đau và nuôi dưỡng hạnh phúc.
Chiều nay, khi đứng bên khung cửa kính nhà Bạch Dương nhìn lên ngọn đồi phía xa xa, ráng chiều nhuộm vàng cả khung trời trước mắt, tôi ngắm hoàng hôn qua cánh rừng thưa. Rừng đã rụng hết lá, còn trơ những cành gầy khúc khuỷu, nhưng sao mạnh mẽ và hùng vĩ quá chừng. Mùa đông cũng dạy tôi trở về giữ lửa và rụng bớt những chiếc lá không cần thiết để đứng vững giữa trời đông. Đã bao lần tôi đứng ngắm cảnh tượng huy hoàng này, nhưng lần nào tôi cũng cảm tưởng rằng đây là lần đầu tiên. Thiên nhiên ở đây rất dễ làm lòng người xúc động, hoàng hôn giữa chiều đông sao mà ấm áp và dịu dàng quá, tự dưng tôi thấy tôi cũng là một phần của bức tranh mầu nhiệm chiều nay. Tôi thực sự thấy mình đang sống với sự sống ngoài kia. Tôi cảm được từng hơi thở đang lưu nhuận giữa tôi và đất trời, tôi thấy năm uẩn của tôi đang sống động hơn bao giờ hết mà cũng tĩnh lặng đến lạ kỳ.
Tôi rất muốn gởi lời cảm ơn ngôi nhà Bạch Dương xinh đẹp và những “vị tiên” dễ thương đang sống trong ngôi nhà này, đã cho tôi một cảm hứng để viết những dòng tâm sự nho nhỏ này. Tôi nghe tiếng thì thầm của những chồi hoa thủy tiên đang gọi mùa xuân. Tôi thích nghĩ rằng: “Những con người nơi đây – ở cung Mây Tím, chốn rừng Mai (Đồi Mận), vườn Anh Đào (Cherry house) – dễ thương như những thiên thần hay những vị tiên trong truyện cổ tích. Ai muốn tiếp xúc với họ phải có những bước chân thảnh thơi và những hơi thở nhẹ nhàng”. Khi tiếng chuông khuya khua người tỉnh mộng bạn sẽ thấy họ để lộ những nét tài hoa, với những công phu âm thầm từ văn phòng, tri may, tri vườn, tri rác, tri thiền đường,… Họ có mặt ở nhà bếp thì bạn sẽ có những bàn tiệc vừa đẹp vừa ngon lành, họ bước ra vườn hoa thì vườn hoa rực rỡ sắc hương, họ bước vào nơi góc nhỏ học tập thì bạn sẽ thấy cả thiên nhiên sống động ngoài kia như được gom vào đó một cách tự nhiên, đầy sức sống, bàn tay của họ đang làm ra những phép mầu…
Được có một nếp sống thật đẹp cùng với các vị tiên ở đây, con xin tri ân tất cả sức sống này, tuổi trẻ này. Con xin được cúng dường lên Thầy với vô vàn niềm thương kính, cầu mong Bụt, Tổ gia hộ để Thầy sớm phục hồi sức khoẻ, và dìu dắt anh chị em chúng con bước tiếp trên con đường sáng đẹp này.
Chân Trăng Hương Tích