Thêm một lần tái sinh
“Sống cho đáng một kiếp người” là như thế nào? Là gầy dựng tình thương giữa con người với nhau và với muôn loài, giảm bớt đau khổ cho cuộc đời. Muốn thế giới hòa bình, con người rộng mở, thương yêu bất bạo động, trước hết con phải làm cho tâm mình bình an trước đã, rồi mới có thể khơi dậy sự bình an trong những người mà con tiếp xúc. Con tin như vậy! Con tin đây là con đường mà mình cần… Nguyễn Thị Bảo Nguyên (Tâm Diệu Khai)
(BBT xin giới thiệu lá thư xin xuất gia của Nguyễn Thị Bảo Nguyên – nay là sư cô Trăng Nến Ngọc. Sư cô được xuất gia trong gia đình Cây Đoàn vào ngày 8.12.2013 tại Trung tâm Làng Mai quốc tế Thái Lan).
Nam mô Đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni
Con kính bạch Sư Ông!
Con kính xin dâng lên Sư Ông bức Tâm thư của con.
Con tên là Nguyễn Thị Bảo Nguyên, pháp danh là Tâm Diệu Khai, năm nay con 17 tuổi, hiện con đang tập sự xuất gia tại ni xá Diệu Trạm – Huế.
Gia đình huyết thống của con có ba, mẹ và bảy anh chị em, con là con út. Vì là con út nên con đã nhận được rất nhiều tình thương yêu. Cuộc sống từ nhỏ đến lớn êm đềm, sướng và ít gặp phải khó khăn nên con chịu khó cũng dỡ lắm. Ba con là người theo đạo Công giáo, làm nghề nuôi tôm cá và hiện giờ cũng đang gặp nhiều trở ngại trong công việc. Ba con có nhiều tính tốt như: rất thương con cái, có trách nhiệm, chu đáo, v.v…Chỉ có điều là ba con không chấp nhận cho chị em con tu học theo đạo Bụt.
Từ nhỏ cả nhà con đều đi lễ nhà thờ. Ngay chính con cũng có rất nhiều thành kiến với chùa chiền, với các sư thầy, sư cô. Mà đi lễ nhà thờ con cũng hờ hững lắm, chỉ nghĩ là nhiệm vụ mình phải làm theo thôi. Nói chung là con không thích thú gì mấy với bất kì nền tảng tôn giáo, đạo đức nào.
Mẹ con lại là một Phật tử thường đi chùa, nghe kinh và pháp thoại. Từ khi lấy ba, mẹ chỉ đi chùa vài lần và nghe đĩa pháp thoại khi không có ba ở nhà. Lỡ ba về bất chợt mà thấy mẹ đang nghe đĩa Phật Pháp là ba đập đầu đĩa, la mắng và có khi còn dọa đánh. Con nhớ có những lần mẹ lén dẫn tụi con lên chùa chơi (dù con không thích). Cũng có những lần ba cầm dao rượt, khiến mẹ té chảy máu đầu và bất tỉnh. Ba khóc, ba xin lỗi, ba nói ba sẽ nghe lời mẹ, nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy. Con thấy ba rất đau khổ, phản ứng mạnh, còn mẹ thì lúc nào cũng bình tĩnh nghe chửi và “dạ.dạ,”. Con nghĩ tại mẹ đi chùa nên nhà mình mới xào xáo. Vì vậy mà khi mẹ bật băng đĩa Phật thì con không bao giờ coi. Nếu có lỡ coi mà thấy hay thì cũng không chịu thừa nhận. Con nghĩ rằng: “Ai chứ mình đã theo đạo Chúa rồi thì phải trung thành với Chúa”. Bây giờ nghĩ lại mình lúc đó con thấy mắc cười. Còn nhỏ mà tư tưởng, suy nghĩ ràng buộc, mắc kẹt hơn bây giờ nữa.
Trong bảy anh chị em, con có chị đầu (chị Hai) đã là một sư cô hiện đang tu học tại Trung tâm Làng Mai quốc tế Thái Lan, rồi đến bốn anh trai chưa vợ đang đi làm và đi học, đến chị tiếp theo cũng xuất gia theo pháp môn của Sư Ông hiện đang tu học ở Long Thành và cuối cùng là đến con. Các anh chị em biết thương yêu nhau nhưng cũng có lúc bất đồng ý kiến, cũng cãi nhau, đánh nhau và giận hờn. Lúc còn ở nhà, con giận các anh con lắm, có khi con còn hỗn với các anh nữa. Nhưng cứ mỗi lần được nói chuyện với chị Hai con (sư cô ở Thái Lan) là con được nguôi bớt. Nhờ chị Hai về thăm nhà, con với anh con mới hiểu và thương nhau, nói được những câu yêu thương nhau – chuyện khó xảy ra trong 5 năm ở chung nhà. Mỗi lần được gặp chị Hai, được nói chuyện với chị Hai, con đều được tưới tẩm những hạt giống lành, lắng dịu, bớt trách móc, đòi hỏi và không hơn thua với người khác. Hình ảnh của chị Hai bây giờ rất đẹp trong con.
Lúc còn sống ở nhà, con thích ăn thịt gà. Có lần đi học về, con thấy ba mua hai con gà còn sống về chuẩn bị cắt tiết làm thịt. Thấy con xuống bếp nhìn, ba cười và nói rất thương: “Ba làm thịt gà cho con ăn nha” Có thịt gà ăn thì vui nhưng hai con gà đó phải chết, con thấy hình như có cái gì đó không đúng, hình như mình không nên làm như vậy. Dù đắn đo trong lòng nhưng con đã không hành động gì cả. Rồi đến những lần khác là con cua còn sống nằm trong nồi nước dần sôi lên, nắp nồi đã bị cái cối nặng đè. Con cua không biết kêu, bò qua bò lại trong cái nồi kêu lục cục lục cục. Con hỏi: “Con cua còn sống hở ba?” Ba nói không phải. Nếu con không thích ăn thịt như rứa thì ba đâu phải nói dối. Rồi tới mấy con cá còn sống, ba lấy kéo cắt mang, vây. Nó giãy đành đạch rớt khỏi tay ba, ba chụp lại rồi cắt tiếp. Tất cả các con vật con đã ăn: tôm, heo, vịt,… nếu con không có nhu cầu thì đáng ra tụi nó không chết. Nhiều lần con cứ nhắm mắt làm ngơ: “Nó chết rồi, người ta giết nó chứ đâu phải mình đâu!”
Từ khi được ở Diệu Trạm với đại chúng – một môi trường rất an lành và bình an, con mới biết nhìn lại cái sai và cái cố chấp của mình. Ăn chay ngon và vui hơn ăn mặn nhiều! Ăn mặn chết mấy con vật và tội cho người làm nghề giết mấy con đó. Tại sao phải lấy sinh mạng của tụi nó trong khi mình ăn chay vẫn sống vui, sống khỏe? Tại ham ăn ngon, nếu ai cũng bớt cái ham ăn thịt và hiểu cho hoàn cảnh những con vật đó thì sẽ không có nhiều đau khổ như vậy.
Lúc còn đi học, sống trong môi trường vô lo cùng với bạn bè. Con và những đứa bạn con chỉ đi học theo trường lớp một cách thụ động, không ý thức được có trường, có thầy cô, bạn bè là may mắn. Con thấy nhiều lúc chỉ vì không vừa lòng một quyết định của trường, học sinh chúng con cũng buông những lời bất kính.
Nhiều người trong chúng con sống trong môi trường điều kiện đầy đủ, tưởng là có sẵn nên không biết quý. Cứ hưởng thụ ngày đêm, cho việc hưởng thụ mới là hạnh phúc. Vì quá đầy đủ, quá bận rộn với cái hưởng thụ đó nên sống không có ước mơ, không có mục đích.
Nhưng con may mắn hơn rất nhiều bạn bè của con vì được sống với tăng thân trong thời gian qua. Con được học cách sống bình an, có cơ hội nhìn lại và khơi dậy những trăn trở cũng như tình thương trong lòng mình, dù là nhỏ bé.
“Sống cho đáng một kiếp người” là như thế nào? Là gầy dựng tình thương giữa con người với nhau và với muôn loài, giảm bớt đau khổ cho cuộc đời. Muốn thế giới hòa bình, con người rộng mở, thương yêu bất bạo động, trước hết con phải làm cho tâm mình bình an trước đã rồi mới có thể khơi dậy sự bình an trong những người mà con tiếp xúc. Con tin như vậy! Con tin đây là con đường mà mình cần.
Nhờ sống với tăng thân, con nhận ra mình ích kỷ, thiếu hiểu biết, thụ động trong suy nghĩ như thế nào. Nhờ tăng thân, con khơi dậy được ước mơ, lý tưởng của mình. Và con tin tưởng rằng những con người đang lòng vòng, lẩn quẩn ngoài kia cũng có ước mơ sâu thẳm, có cái hướng thiện, chỉ là chưa có cơ hội được tưới tẩm mà thôi.
Nhờ tăng thân, quý sư cô lớn mà con được thảnh thơi, chỉ lo tu học chế tác bình an và chuyển hóa những tập khí của mình. Nhiều lúc con quên mất, con thất niệm, lại để thời gian trôi qua uổng phí, phụ lòng quý sư cô và đại chúng. Mỗi ngày con cần phải thực tập nhận diện tập khí, chế tác bình an, sống hòa hợp và thương yêu nhau, con phải nhớ điều này.
Con được sống và tu tập cùng đại chúng đã tám tháng rưỡi. Con không mặc cảm vì tập sự lâu. Thời gian đầu, con chỉ tu nửa vời, chưa hết lòng. Nhưng con cứ tưới tẩm ngày tháng. Tưới đến bây giờ và sau này vẫn tiếp tục tưới. Chỉ cần nhớ đến ước mơ của mình thường xuyên, con tin là mình sẽ thực hiện được.
Thời gian qua, con học cách đi, đứng, nằm, ngồi đẹp hơn, ý tứ hơn. Con chú ý hơn đến lời nói của mình để tránh gây đổ vỡ. Con thấy nói gì để gầy dựng thương yêu có ích hơn và hát gì để gầy dựng bình an có ích hơn. Con học cách chân thật với bản thân mình, chấp nhận mình mà không đòi hỏi nữa. Con cũng học buông cái ý “phải nhớ cho hết, phải hiều cho được” mỗi khi nghe pháp thoại, tụng kinh. Học lắng nghe một cách bình tĩnh khi tiếp nhận những lời nhắc nhở. Học bết ơn những gì biểu hiện chung quanh mình. Học buông bỏ cái “muốn lấy điểm” trong mắt quý sư cô lớn, đồng thời buông bỏ những tri giác, suy đoán của mình về người khác, về những cử chỉ và hành động mà họ làm. Học không kết luận những điều mà mình chưa tường tận. Những điều này con đã thực tập được và vẫn đang tiếp tục thực tập.
Từ khi xa nhà, sống ở Diệu Trạm, con mới nhìn nhận lại công lao và tình thương của ba mẹ. Con thấy mình đã quá hờ hững với ba mẹ cũng như những người bạn của con. Khi lần đầu tiên được nghe chị Hai nói đến Sư Bá và pháp thoại của Sư Ông, con thấy mình chuyển biến được nhiều cái trong tâm. Đó là: con thấy thoải mái hơn, được khai mở và thấy được những hẹp hòi trong nhận thức mình. Con rất là hạnh phúc! Con ước gì thầy cô, bạn bè con và những người đang chưa thấy mục đích sống cũng được nghe những lời này. Và con muốn được ở gần sư Hai, gần Sư Bá. Nhưng chính con phải hành động cho ước mơ của mình, chính con phải thực tập và thấy được lợi ích của pháp môn một cách rõ ràng thì mới có thể giúp được người khác.
Con cảm ơn Sư Ông đã gây dựng nên Tăng thân, đã đem đạo Bụt đến với mọi người, tạo được nhiều bình an, làm vơi bớt khổ đau để những người thụ động và mê muội như con được có cơ hội gia nhập vào con đường thương yêu và tỉnh thức. Sư Ông là tấm gương vượt khó, giữ vững ý chí mà con suốt đời con phải noi theo. Nhờ đó mà cuộc đời một con người sắp bước qua một trang mới, rực rỡ và đầy hữu ích, đó là con. Con xin đem hết tấm lòng để nói rằng con biết ơn Sư Ông, biết ơn tăng thân và những người đã và đang dành cuộc đời cho sự nghiệp gây dựng hòa bình và thương yêu.
Con kính xin sư Ông cho con gia nhập tăng đoàn, được cùng đi chung với những người cùng lý tưởng, để cùng nhau vượt khó, giúp đỡ lẫn nhau, thực hiện cho được lý tưởng chung. Xin cho con được có môi trường, có cơ hội học hỏi, bồi đắp và sống cho đáng một kiếp người.
Con xin cảm ơn Sư Ông đã lắng nghe nỗi lòng của con.
Con kính thư
Con Tâm Diệu Khai (Bảo Nguyên)
Huế, ngày 19 tháng 11 năm 2013.
Cả nhà bên nhau