Thầy hãy tu giùm cho mạ!
Kính dâng lên mẹ vào mùa Vu Lan!
Mẹ là chiếc áo nâu
Đẹp hoài áo nâu
Ánh trăng theo núi phiêu bồng,
Trăm năm thoáng chớp ánh hồng phôi phai,
Vườn xưa thơm ngát hoa mai,
Lòng xuân mấy độ đẹp hoài áo nâu,
Trăng non đón giọt nắng đầu,
Sớm hôm tha thiết nguyện cầu Như Lai,
Buồn vui theo nắng trải dài,
Đường đi thanh thản chớ hoài nhớ thương.
Đây là bài thơ con làm lúc nhớ về mẹ. Mấy năm gần đây, bỗng nhiên, mẹ trở nên già yếu, vì thế con thường hay lo lắng, băn khoăn. Nhìn ánh trăng trôi bềnh bồng qua đồi núi, con lại nhớ về mẹ. Nỗi nhớ này mang theo một chút bồi hồi, một phần bất an, lo sợ. Cuộc đời này sao ngắn ngủi quá! Mới ngày nào đây, mẹ còn trẻ đẹp và khỏe mạnh. Mẹ có thể leo núi Lộc Uyển rất cừ. Vậy sao, giờ đây mẹ đã già đi nhiều lắm, hai bàn tay nhăn nheo, hơi thở yếu dần và sức khỏe thật mong manh. Ngày trước, lúc còn bé thơ, con được mẹ nâng niu, chăm sóc và yêu thương. Thế mà, thời gian thấm thoát trôi qua. Nay con đã bốn mươi bốn tuổi. Và mẹ đã ngoài bảy mươi tuổi. Đúng là trăm năm như ánh chớp, như nắng hồng phôi phai.
“Vườn xưa thơm ngát hoa mai” là nơi con xuất gia, có rất nhiều hoa mai trắng như tuyết, có hương thơm ngào ngạt. Nhớ tới Làng Mai là nhớ tới một trời kỷ niệm tươi đẹp nhất đời con. Một bên thương mẹ; một bên thương Thầy, thương tăng thân và nhớ vườn xưa hoa trắng. Con như là một mặt trăng bị xẻ làm đôi, và bên nào cũng đều thương thắm thiết cả. Cố nhiên, khi mẹ bị bệnh, thì mẹ luôn được ưu tiên hơn hết. Nhưng xa Thầy và tăng thân thì con lại mơ trở về với mảnh vườn xưa ấy. Con đi tu lúc còn trẻ cho nên đối với con chiếc áo nâu đẹp mãi, thương hoài.
“Lòng xuân mấy độ đẹp hoài áo nâu.”
Ở bên mẹ, chăm sóc cho mẹ, làm người con hiếu thảo thật là diễm phúc cho con, nhưng sự thực tập của con không được bền vững và sâu sắc. Bởi thế, con suy nghĩ rất nhiều nên ở lại bên mẹ trong lúc này hay trở về với tăng thân. Lúc mẹ mới ngã bệnh, con và em Hạnh chăm lo hết lòng, cho tới lúc xin trở về tu viện thì mẹ nói “không cho”. Mẹ bảo: “Thầy đi rồi, mạ sẽ đau khổ lắm! Ai sẽ dẫn mạ đi bộ, ai sẽ xoa bóp hai chân cho mạ, ai sẽ đắp mền cho mạ, ai sẽ tụng kinh cho mạ nghe mỗi chiều?” Nghe như thế, tuy bề ngoài con giữ vững được vẻ bình thản nhờ vào hơi thở ý thức, nhưng lòng con xúc động mạnh lắm. Và con muốn khóc! Nhưng làm sao con có thể khóc được trong lúc này? Con tiếp tục thở, tiếp tục bước từng bước chân để ôm ấp cảm xúc cho con và cho mẹ. Mẹ đi theo con vừa năn nỉ như muốn khóc. Sau cơn tai biến mẹ như là một em bé. Con cảm thấy thương mẹ quá. Con vẫn giữ được sự bình tĩnh và cứng cỏi của người tu. Con thưa rằng mẹ cho phép con trở về tu viện. Chỉ có môi trường tu viện và tăng thân mới nuôi dưỡng thân tâm con được nhẹ nhàng, thanh thoát. Từ đó con mới đủ khả năng cầu nguyện cho mẹ. Suy nghĩ một hồi lâu, mẹ đổi ý và dạy rằng: “Thôi, thầy hãy về tu viện mà tu giùm cho mạ. ‘Tu là cõi phúc, tình là giây oan.’” Mẹ ơi! Trong cơn tai biến, thế mà, mẹ vẫn đủ sáng suốt yểm trợ cho con, lại còn thốt lên câu Kiều bất hủ mà mẹ thường ưa đọc cho người khác nghe. Lần nữa, mẹ làm cho con cảm động đến thấm thía cả tâm hồn! Chiếc áo nâu này là của mẹ. Mẹ sinh con ra đời, nuôi nấng con, giáo dưỡng con và cho phép con đi tu. Tuy rằng, mẹ thương nhớ con đến đứt ruột cũng cam lòng.
Lúc này, mẹ cần tình thương, sự chăm sóc và sự gần gũi của những đứa con. Tình thương, sự chăm sóc và sự gần gũi đã có hai chị, anh và các cháu. Mọi người, ai cũng thương mẹ bằng một tình thương vô điều kiện. Vì vậy con mới cảm thấy an tâm trở về tu viện. Tuy vậy, con vẫn cảm thấy buồn vời vợi cả tâm hồn. Nỗi buồn này cứ kéo dài dăng dẳng, và con đang thực tập mỉm cười để nuôi dưỡng niềm vui sống. Con dành nhiều thì giờ đi thiền hành dọc hai bên sườn núi, ngắm mây trắng bay, nhìn bầu trời xanh ngắt, nói chuyện với bông hoa dại bên đường. Con mong các bông hoa bé nhỏ gửi năng lượng an lành cho mẹ mau mạnh khỏe. Khi màn đêm về, con leo lên ngồi yên trên đỉnh núi để tâm sự với trăng sao. Con cầu với trăng sao gửi ánh sáng cho tâm mẹ thêm tỉnh táo.
“Trăng non đón giọt nắng đầu,
Sớm hôm tha thiết nguyện cầu Như Lai,
Buồn vui theo nắng trải dài,
Đường đi thanh thản chớ hoài nhớ thương.”
Thầy Pháp Đăng trong lễ Vu Lan tại xóm Trung Làng Mai năm 2013
Bây giờ, con đã trở về với Làng Mai. Nơi đây con có Thầy, có tăng thân, có mảnh vườn hoa thơm ngát. Con tìm lại được một chút bình an và thanh thản trong tâm hồn. Con thường nhớ đi thiền hành cho mẹ, thở cho mẹ, ngồi thiền cho mẹ và cầu nguyện cho mẹ. Con đường ở rừng thông này sao mà mát mẻ và yên tĩnh quá, mẹ ạ! Con tự an ủi rằng hãy đi từng bước chân thanh thản cho mẹ, chớ có nên thương nhớ hoài làm chi. Mẹ có biết hay không? Sư Ông thường ưa đi thiền hành trên con đường này. Từ cốc ngồi yên đi xuống chùa Sơn Hạ, Sư Ông ngồi chơi trong ngôi nhà đá trắng bên bếp lửa hồng. Một hôm, đầu mùa an cư, Sư Ông đi tìm con để cùng với Người đi dạo chơi ở rừng thông này. Đi sau lưng Sư Ông, con cảm nhận rõ ràng sự an lạc, thanh tịnh toát ra từ con người của Sư Ông, và đồng thời rừng thông cũng trở nên thanh tịnh đến một cách lạ kỳ. Ngay giây phút ấy, con liền nghĩ tới mẹ. Con cầu nguyện cho mẹ bằng cách mời mẹ đi từng bước an nhiên, nhẹ nhàng với con. Con cảm thấy sung sướng lắm! Những ngày sau đó, con thường trở về đi trên con đường này để tiếp tục cầu nguyện cho mẹ. Rừng tùng mãi luôn thanh tịnh, con đường mòn vẫn in dấu chân an lạc của Sư Ông, con xin thành tâm gửi năng lượng này về cho mẹ. Mẹ hãy mở lòng ra để tiếp nhận và mỉm cười vui sướng đi.
Mẹ ơi! Tình thương là sự cầu nguyện, là hơi thở nhẹ, là bước chân an, là con đường thiền hành. Đạt được bình an thì tình thương cho mẹ sẽ trở nên trọn vẹn và đẹp hoài như chiếc áo nâu của con.
ThạchLang
Chân Pháp Đăng