Nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa
Thầy Nguyên Tịnh
“… Nguyên Hưng cho cái này là xấu, cái kia là tốt, cái này là thiện, cái kia là bất thiện, cái này là chân, cái kia là ngụy. Nhưng mà những tiêu chuẩn để đoán định ấy vốn không phải là của Nguyên Hưng. Nguyên Hưng đi mượn thước đo. Những cái thước đi mượn không bao giờ có thể gọi là chân lý cả. Chân lý không thể đi mượn, chân lý chỉ có thể thực chứng. Chân lý là trái của thực nghiệm tâm linh, của khổ đau, của sự xúc tiếp giữa tâm linh và thực tại, thực tại hôm nay cũng như thực tại muôn đời. May mắn lắm, hoặc rủi ro lắm con người mới bắt được nó”. (Trích từ tác phẩm “Nẻo về của ý” – Nhất Hạnh)
Bạn hiền ơi,
Chủ nhật, quán niệm ở xóm Hạ về, tôi đi một mình lên xóm Thượng. Con đường một ngày cuối thu rất đẹp, đầy lá vàng trong những khu rừng rậm. Đi đến xóm Trung thì cơn mưa bắt đầu kéo đến. Xóm Trung nằm giữa xóm Thượng và xóm Hạ, cũng rất đẹp với những vách tường nhà cổ kính và đạm bạc. Tôi không có dù, không có áo mưa, chỉ có cái áo ấm không thấm mưa. Cơn mưa không lớn lắm. Tôi đi giữa mưa và giữa những cơn gió. Trời mưa thì không khí lại không lạnh lắm. Con đường thật vắng, chỉ còn bao nhiêu cây cối. Những cây bạch dương đã rụng hết lá, đứng trơ mình khổ hạnh với gió mưa. Chúng rụng lá để chờ đợi mùa đông sắp đến.
Sáng nay trên con đường thiền hành, đi dưới những hàng bạch dương ấy, tự nhiên tôi thấy một nỗi xúc động trải ngập cả tâm hồn. Những hàng cây trơ trụi, lặng yên, ốm khẳng khiu đầy chịu đựng. Những chiếc lá hình trái tim đã rụng, rụng sạch rồi, trải khắp cả mặt đất, và cành cây ốm gầy ấy vươn lên, cứ vươn lên chứ không có cành nào đưa ngang ra cả, trông không có chút cúi đầu an phận.
Đi một đoạn, đến khoảng rừng hai bên đường đi, cơn gió kéo tới, những chiếc lá phe phẩy như những bàn tay bé bỏng màu vàng. Tôi dừng lại, ngước nhìn, ghi vào trong mắt, trong lòng cảnh tượng ấy. Những bước chân đi, tôi tri ân Sư Ông, tri ân Tăng thân, tri ân những người đã tạo cho tôi cơ hội để đến được nơi này. Tôi đi bằng những đôi chân trong suốt tháng ngày Sư Ông mới bị vô hiệu hóa chiếu khán không được về quê hương. Đi như vậy, tôi thấy lòng tràn ngập niềm biết ơn. Để có hôm nay cho chúng ta bước những bước tưởng như đơn giản thế này, biết bao người đã phải trải qua những tháng ngày gian khó trong thầm lặng.
Buổi trưa ăn cơm trong chánh niệm thật đông người xuất sĩ, những cư sĩ Việt Nam và phương Tây. Họ thực tập giỏi lắm bạn hiền à. Xóm Hạ đang sửa, không có chỗ trú mưa, vậy mà họ tới thực tập chánh niệm rất đông, đứng uống nước ngoài gió lạnh, đi thiền hành trong mưa, khất thực giữa mưa. Họ nghiêm túc lắm, im lặng được tuyệt đối tôn trọng. Họ dắt những đứa con nhỏ tới, bọn trẻ cũng giỏi lắm, biết dừng lại khi nghe chuông, im lặng, và mặc những bộ áo quần rất đẹp, nhìn là thấy lòng bình an liền. Trong lúc thiền hành trên con đường nhựa, có những chiếc xe hơi chạy tới, thấy đoàn người, họ dừng lại, chạy xe lui, qua hướng khác nhường đường, cử chỉ ấy đẹp quá. Họ đâu phải là Phật tử, mà hành xử rất lịch sự.
Tôi đi về, trong mưa gió, lòng rất nhẹ nhàng, rất thanh thản, rất yên, thưởng thức từng góc rừng, từng bước chân, từng khóm lá, từng cụm hoa bên đường. Tôi nhớ những người bạn ở Huế. Cái nhớ đó khiến tôi mỉm cười, và nghĩ rằng, có các bạn ở đây, chắc là vui lắm.
Hiện tôi đang ngồi ở xóm Thượng để viết cho bạn, cảm giác của buổi chiều cuối thu ấy vẫn ngập đầy trong tôi. Một đạo Phật đang lan tỏa rất xa, đầy tin tưởng, đầy hy vọng. Sư Ông đã rót một sức sống hiểu biết và thương yêu lên sự tuyệt vọng, bạo động, khủng hoảng tâm thức và sinh môi, để đời sống của người thực tập có nhiều bình yên hơn, lắng dịu hơn. Ngồi đây, tôi nhớ lại những kỷ niệm sinh động bên Sư Ông, thật may mắn cho tôi biết chừng nào. Qua xóm Thượng, tôi chưa được trực tiếp gặp Sư Ông, nhưng trong lòng tôi, Sư Ông là một thực tại rất tự nhiên, tôi có thể nhìn thấy Sư Ông rõ ràng như nhìn thấy lá vàng mùa thu, nhìn thấy cội tùng cổ thụ, nhìn thấy những bước chân thiền hành của các thế hệ học trò đang tiếp nối.
Cuối năm 2012 đầu năm 2013 là tháng ngày rất đáng nhớ trong cuộc đời tôi. Tôi thấy rõ mình được tái sinh, được pháp sinh ra rất thật. Sau một thời gian xin qua tu học tại Làng Mai Thái Lan, tôi đã được duyên gặp Sư Ông. Kỷ niệm lần đầu tiên gặp Sư Ông vừa buồn cười vừa thú vị. Hôm đó có buổi pháp thoại công cộng, chúng tôi được lên Bangkok tham dự. Chúng tôi được mời vào một phòng nghỉ rất rộng ở tầng 2. Quanh phòng là những cửa kính. Tôi thích quá, tới bên một cửa kính để được nhìn thấy bao nhiêu đám mây trắng giữa nền trời rất xanh đầy nắng bên ngoài, đang mơ mộng và ngước mắt qua trái, thì, trời ơi, Sư Ông đang ở phòng bên cạnh, đang ngồi gần cửa sổ bằng kính, đang nhìn tôi bên này, rồi đưa tay lên vẫy chào với ánh mắt rất thân thiện. Giây phút bất ngờ quá, tôi hơi luýnh quýnh, nhưng cũng giữ chánh niệm và chấp tay cúi đầu chào, rồi êm êm tôi rút lui luôn. Một lúc sau, thị giả đi qua, nhìn tôi cười và nói, thầy Nguyên Tịnh bị Sư Ông bắt quả tang đang mơ mộng, Sư Ông biết thầy rồi đó. Tôi thú thật hơi quê, nhưng trong lòng rất vui, rất ấm.
Vài ngày sau, tôi lại có cơ hội cùng với vài ba anh em lên Bangkok trang trí cho phòng triển lãm thư pháp. Đây là lần đầu tiên ở Thái Lan tổ chức triển lãm những bức thư pháp của Sư Ông. Huynh đệ làm việc với nhau rất vui. Tối đến, chúng tôi ở lại tại một khách sạn. Tôi được tin là Sư Ông cũng đang ở phòng bên cạnh. Sáng hôm sau, thị giả thông báo là sẽ được đi bộ chơi trên phố với Sư Ông. Chỉ vài người thôi nên đi rất yên. Tôi gặp Sư Ông trong phòng và chấp tay chào, Sư Ông ôm đầu tôi, hỏi vài câu, rồi đi bộ qua các con đường. Bước chân Người thanh thản lạ kỳ giữa sự tấp nập của phố thị. Về phòng, tôi được gọi qua ăn sáng chung với Sư Ông và quý thầy quý sư cô thị giả. Buổi ăn rất ấm áp. Khi biết tôi xuất gia ở Kim Sơn, nơi có thầy Trí Thuyên từng là bạn thân của Sư Ông mà Sư Ông hay nhắc tên trong sách, tôi thấy Sư Ông rất vui. Hỏi thêm một chút chuyện về Huế, tôi có dịp thưa với Sư Ông, Sư Ông dạy, con nên viết những thứ đó thành bài, rất cần cho người tu trẻ. Về tu viện, tôi lại có dịp vào phòng Sư Ông chụp hình, được thiền ôm, được ngồi nghe Sư Ông dạy bên chiếc võng rất quê hương. Sư Ông nhìn tôi, nói, Thầy chưa bao giờ mất niềm tin nơi người trẻ. Huế còn nhiều cơ hội, và các con phải tiếp nối Thầy để làm. Tôi cảm động lắm. Những lời dạy ngắn ngủi ấy cứ theo chúng tôi, trở thành tư niệm thực rất vững chãi để chúng tôi làm hành trang trên con đường đang chọn.
Bạn hiền ơi, những ngày mới qua đây, tôi thấy nhớ Kim Sơn, và nhớ núi rừng Phương Bối quá. Bạn hiền đừng cười. Tôi chưa một lần đặt chân đến Phương Bối thì nhớ cái gì, nhớ làm gì? Với tôi, Phương Bối là một thực tại, một nơi tôi đã đặt chân rong chơi đến hàng mấy mươi lần khi đọc cuốn Nẻo Về Của Ý. Cuốn sách ấy, tôi đã học hỏi được rất nhiều thứ, văn chương, giáo lý, xã hội, nhận thức và tình huynh đệ. Sư Ông đã viết tác phẩm ấy rất đơn giản, cái đơn giản ấy tạo nên một sức cuốn hút lạ kỳ. Từ từ, mỗi lần đọc, tâm hồn tôi lại có một sự xúc cảm mới. Những Nguyên Hưng, Thanh Tuệ, Châu Toàn, Lý, Diệu Âm,…, và nhân vật “Tôi” có mặt với nhau đầy tình thương quý, tình huynh đệ. Họ đã đi qua với nhau những ngày khốn khó, từ lúc tờ báo Phật giáo Việt Nam đóng cửa, cho đến khi tạo dựng Phương Bối, rồi Phương Bối bất an, nguy hiểm, nhân vật “Tôi” lên đường vận động chấm dứt cuộc chiến huynh đệ ở Việt Nam… Cả chặng đường ấy là những chuyển biến tư tưởng, tâm thức, những hoa trái của sự thực tập được truyền tải rõ nét trên con chữ. Nhân vật “Tôi” ấy chính là Sư Ông Làng Mai. Những câu văn trong ấy chấn động tôi rất nhiều, gây cho tôi bao xúc cảm, tạo cho tôi nhiều động lực trên con đường tu tập. Tôi bắt đầu có nhiều cái thấy khi trầm tư những đoạn văn như sau:
“… Nguyên Hưng, khi bão tố đã gây xong tan nát, khi những lớp vôi hồ rã xuống thì quang cảnh cũ cũng vừa tàn. Trong hoang vắng có một vài tia nắng xuất hiện từ chân trời xa rọi tới. Những tia nắng đó đã không sưởi ấm được cảnh tượng chút nào mà còn làm tăng thêm tính chất cô đơn và hoang tàn của mặt đất. Tôi xuất hiện trầm lặng, mình mang đầy thương tích và rất cô đơn, một thứ cô đơn tuy có sức mạnh nhưng vẫn là cô đơn. Trong hình thể mới, tôi biết Nguyên Hưng không nhìn ra được tôi. Và những người tôi nghĩ là thân yêu cũng không nhìn ra được tôi. Mọi người muốn tôi nguyên vẹn như chú bé ngày xưa. Làm sao mà có thể như thế được? Tôi không thể vừa sống cuộc sống của con người vừa làm một đối tượng bất biến cho sự thương yêu, cho sự ghét bỏ, cho sự nhàm chán, cho sự chiêm ngưỡng. Tôi phải lớn, và vì vậy những chiếc áo mẹ tôi may cho tôi ngày trước đã phải rách ở những đường chỉ. Tôi có thể cất kỹ vào rương kỷ niệm những chiếc áo còn thơm mùi trẻ thơ và phảng phất tình thương của mẹ, nhưng tôi phải có áo khác để mặc cho vừa kích thước. Áo của tôi, tôi muốn tôi được tự may lấy. Tôi không tìm ra được thứ áo mà xã hội may sẵn. Chiếc áo tôi, trước mắt xã hội, sẽ có vẻ dị kỳ, sẽ không được chấp nhận. Tôi biết điều đó. Mà đây không phải chỉ là vấn đề một chiếc áo – đây là vấn đề của cả con người của tôi. Tôi từ chối tất cả những thứ thước đo người ta bắt buộc chúng ta phải dùng. Tôi nghĩ rằng tôi có một thước đo riêng của rôi, do tôi tìm ra. Và như vậy là tôi phải khai chiến với thiên hạ rồi, phải không Nguyên Hưng. Tôi khai chiến với xã hội, tôi khai chiến với tất cả những ai xâm phạm nhận thức độc lập của tôi. Nhưng mà còn Nguyên Hưng, còn những người thân yêu thì sao? Tôi bắt buộc phải khai chiến với em, với tất cả mọi người – bởi vì tôi không thể không là tôi, bởi vì tôi không thể lại chui vào trong cái vỏ cứng mà tôi vừa phá vỡ để thoát ra. Đó là nguyên do của sự cô đơn”.
Những dòng chữ ấy bắt đầu quyết định một hướng đi triệt để và mới lạ trong tâm thức Sư Ông. Quả trứng gà đã bắt đầu nở trong những tháng ngày ấy của Người.
“… Tuổi trẻ là tuổi đi tìm chân lý. Ngày xưa tôi viết trong nhật ký rằng, dù sự thực có thiêu hủy anh, anh cũng phải bám víu vào sự thực. Như thế là tôi đã biết rất sớm rằng, tìm thấy sự thực không phải là tìm thấy hạnh phúc. Anh ao ước trông thấy nó, nhưng hễ trông thấy nó rồi là anh không thể không khổ đau”.
“… Xã hội sẽ trả thù Nguyên Hưng một cách đích đáng vì Nguyên Hưng đã dám cãi lại trật tự của nó. Lịch sử nhân loại đã chứng kiến những cuộc trả thù ấy. Bao nhiêu thảm kịch xảy ra, thầm lặng, bi thiết. Lịch sử nói ‘mi sẽ chết nếu mi cãi lại’. Vậy mà bao nhiêu người dám, tuy nhận thức sự yếu đuối của mình, cãi lại bóng tối. Bất cứ ai lỡ trông thấy sự thực, lỡ chia sẻ nhận thức về sự thực ấy với những bậc vĩ nhân thì dù ít dù nhiều phải chịu chung số phận của họ. Chịu chung số phận mà không chịu chung danh vọng”.
“… Nhưng mà không lẽ chúng ta không đứng dậy? Không lẽ chúng ta để cho rêu phủ chúng ta như phủ một ngôi tháp cổ? Không lẽ chúng ta bơi theo một bản ngã giả tạo không là ta?”.
Những câu văn ấy khiến tình thương Sư Ông trong tôi có mặt từ rất sớm. Và đó mới là kỷ niệm đầu tiên đẹp nhất. Tôi nhớ bao lần đã được nghe Sư Ông kể những ngày đầu ra nước ngoài để vận động hòa bình cho Việt Nam. Tưởng đâu chỉ đi ít tháng thôi, ai ngờ nghe tin chiếu khán mình bị vô hiệu hóa, sẽ không được trở về nơi nhau rốn quê hương nữa. Sư Ông kể, đêm đêm thường nằm mơ thấy mình đi chơi trên những ngọn đồi ở Dương Xuân chùa Từ Hiếu, hay ở Phương Bối. Nhưng cứ leo nửa lưng chừng đồi là thức giấc, vì thế mà chưa có lần nào về đến nơi cả. Và luôn luôn thức dậy trong nỗi nhớ thương suốt mấy tháng trường như vậy. Hôm nay, tôi và Tăng thân được bước chân đi trên những ngọn đồi thật xanh, đầy hoa thơm cỏ dại, đầy tình thương và chánh niệm ở khắp nơi trên thế giới với tất cả sự tự do, bình an, thanh thản, tôi cảm nhận rõ ràng rằng chúng tôi đang đón nhận những phước đức từ Sư Ông để lại. Sự lên đường đầy bão tố chông gai của Người là hoa trái thơm ngọt hôm nay chúng tôi được thừa hưởng. Dù đi qua bao biến cố, Sư Ông vẫn luôn đủ bình yên để hiến tặng cho cuộc đời. Sư Ông làm tất cả những gì có thể để tạo môi trường cho chúng tôi tu tập.
Sư Ông có một giấc mơ bình dị mà đẹp lạ kỳ bạn hiền à, đó là mong học trò mình thực tập và đạt tới tự do, sống chung với nhau hạnh phúc, có thời giờ để đi những bước chân thảnh thơi, ngồi với nhau vẹn tròn nghĩa đệ huynh, nuôi dưỡng nhau bằng sự thực tập mà làm vốn liếng độ đời hiện tại và tương lai, chứ không phải là xây những ngôi chùa thật to mà ngắm nghía như một công trình thành công của đời mình. Làm được điều đó là chúng ta đã gởi đến Sư Ông món quà và lời tri ân chân thành nhất.
Nhìn lại, suốt cuộc đời, Sư Ông luôn rong chơi được trong hơi thở chánh niệm và bước chân ý thức. Những gì Sư Ông chỉ dạy lại, kho tàng dù đồ sộ đến đâu, cũng chỉ để đưa nhân loại an trú trong bước chân chánh niệm và hơi thở ý thức, an trú được trong lãnh thổ bình yên và chuyển hóa những hận thù, bạo động, nghi ngờ, tiêu cực, làm xấu sự sống nhiệm mầu. Chúng ta kiếm tiền để làm gì? Câu trả lời là để có hạnh phúc? Chức vụ để làm gì? – Hạnh phúc. Học để làm gì? – Hạnh phúc. Xây dựng gia đình để làm gì? – Hạnh phúc… Nhưng mấy ai có được sự hạnh phúc thật sự. Và chúng ta tiếp tục rơi vào cuộc khủng hoảng nội tâm. Bước chân và hơi thở, nếu chúng ta thực tập có phẩm chất, thì hạnh phúc không còn là trò trốn tìm viễn vông nữa. Sư Ông đã chỉ cho chúng ta thấy điều đó rất rõ phải không bạn hiền.
Hôm nay, chúng ta bước đi trong cuộc đời này, là đang tiếp nối Sư Ông. Sư Ông thích đi bộ, thích hoa cúc như tổ Huyền Quang, thích thở những hơi thở ý thức, thích thưởng thức mặt trời mọc và lặn mỗi ngày, thắp sáng ý thức trong từng hành động để biến mỗi hành động dù nhỏ nhặt cũng thành một lễ nghi đẹp, chúng ta có thể tiếp nối được những công vệc ấy từ bậc Thầy kính mến và để Thầy được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức.
Tôi viết vài dòng cho bạn, cũng như lời tri ân tôi gởi đến với cuộc đời này. Tôi thấy mình bắt đầu được sống nhiều hơn trong những hơi thở yên lành. Có phải chăng, đó là điều Sư Ông đã truyền trao cho tôi, như bức thư pháp đầu tiên tôi nhận từ Người: “Nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa”.
Xóm Thượng, 20.11.2014