Người nghệ sĩ với hành trình tâm linh
Thầy mở đầu lời chia sẻ đầy ấn tượng bằng câu nói: “Âm nhạc là lời thơ, là tiếng hát của trái tim…” Rồi Thầy tiếp tục trao truyền cái thấy của mình về khả năng làm thay đổi trái tim và tâm hồn của thế giới bằng năng lượng tỉnh thức, khi mà sự sáng tạo nghệ thuật được kết tinh, được thoát thai từ nguồn năng lượng từ bi, hiểu biết, năng lượng của niệm, của định.
Thầy kính thương,
Con là Christopher Bono, một nhà soạn nhạc. Con đã được gặp và thiền ôm với Thầy trước đây! Cách đây bốn năm, con đã hỏi Thầy một câu hỏi: một người nghệ sĩ cần phải thực tập như thế nào khi người đó cảm thấy phần lớn những nỗ lực sáng tạo nghệ thuật của mình mang tính biệt lập, khép kín, chỉ dành cho riêng mình mà không chia sẻ với cuộc đời. Người đó có cảm giác những gì mình làm đều xuất phát từ sự ích kỷ trong chiều sâu tâm hồn.
Thầy mở đầu lời chia sẻ đầy ấn tượng bằng câu nói: “Âm nhạc là lời thơ, là tiếng hát của trái tim…” Rồi Thầy tiếp tục trao truyền cái thấy của mình về khả năng làm thay đổi trái tim và tâm hồn của thế giới bằng năng lượng tỉnh thức, khi mà sự sáng tạo nghệ thuật được kết tinh, được thoát thai từ nguồn năng lượng từ bi, hiểu biết, năng lượng của niệm, của định.
Con cũng tìm thấy câu trả lời tương tự trong trái tim mình. Nhưng được nghe những lời chia sẻ trực tiếp từ Thầy giúp con thêm vững tin và quyết tâm thiết lập một sự liên hệ mới, sâu sắc hơn với âm nhạc và với thế giới.
Kể từ đó, âm nhạc mà con sáng tác đã thay đổi rất nhiều. Con vô cùng ngạc nhiên và hạnh phúc, đồng thời cảm thấy mình thật nhỏ bé, khiêm nhường trước sức mạnh của âm nhạc, trước khả năng trị liệu và mang lại niềm vui, niềm cảm hứng cho mọi người.
Con sắp sửa hoàn thành xong một album nhạc có tựa đề “Bardo” (Thân trung ấm). Nội dung của album là một lời cầu nguyện và một câu chuyện kể về cuộc hành trình tâm linh của một người bạn thân của con đã tự tử ở tuổi 25. Khi đó con cũng mới 25 tuổi.
Chính vì cái chết của bạn con mà con đã khám phá ra được một con đường tích cực hơn, con đường của chánh niệm và hạnh phúc. Một năm sau cái chết của bạn, con rơi vào tình trạng tối tăm và tuyệt vọng. Thực ra, đã từ lâu con luôn sống trong tâm trạng tối tăm và bế tắc này, nhưng chính sau cái chết của bạn con, con cảm thấy mình gần như muốn tự tử theo. Nhưng lạ thay, trong một khoảnh khắc rất đặc biệt, tự nhiên trong con đi lên một ý nghĩ: “Phải có một cách nào đó để cảm nhận thế giới này khác với cách mà con đã sống trong 25 năm qua”. Chính trong giây phút mầu nhiệm đó, con đã đi tới giá sách của mình và tìm được cuốn sách “Không diệt không sinh, đừng sợ hãi” (No Death, No Fear) của Thầy. Con không nhớ bằng cách nào con có được quyển sách này, có lẽ là con đã mua nó 4 – 5 năm trước, vì thầy giáo dạy nhạc đầu tiên của con, một người mà con rất kính ngưỡng, lại đặc biệt yêu thích thiền tập. Nhưng trước lúc đó, con chưa bao giờ nghe đến tên Thầy.
Khi con bắt đầu đọc cuốn sách của Thầy, cuộc đời con hoàn toàn chuyển sang một hướng đi mới. Ngọn lửa thực tập bắt đầu được nhen nhóm từ ngày đó và được tiếp tục duy trì cho đến hôm nay, tính ra là đã được 8 năm rồi. Những lời dạy của Thầy đã thổi nguồn sinh khí mới vào cuộc đời con và con mãi mãi biết ơn Thầy – người đưa đường, dẫn lối cho con đến với bình an và thương yêu.
Con mong ước một ngày nào đó được chia sẻ album “Bardo” với Thầy, nhưng phải đến mùa xuân năm 2014 thì album này mới thực hiện xong. Trong lúc chờ đợi, con xin gửi đến Thầy hai tác phẩm hợp xướng mà con đã sáng tác: tác phẩm đầu tiên là bản hợp xướng The Heart Sutra’s Unexcelled Mantra (Linh chú Vô Thượng trong Bát Nhã Tâm Kinh). Nó hơi khác so những gì mà ta thường nghe, nhưng con hy vọng là Thầy sẽ thích sự mới lạ này.
Tác phẩm thứ hai là bản hợp xướng cho một trích đoạn trong tác phẩm Cộng hòa (Republic) của nhà triết học vĩ đại Plato. Con rất thích thú khi thấy rằng dù có sự khác biệt giữa các nền văn hóa nhưng cái thấy về thực tại giữa các nền văn hóa không hề có sự khác biệt. Con tìm được một trích đoạn khá thú vị trong tác phẩm Cộng hòa của Plato như sau: “Nhất thể tuyệt đối (Absolute Unity) là gì? Đó là con đường mà khi nghiên cứu cái Một sẽ làm chuyển đổi tâm ý ta và hướng toàn bộ tâm ý vào sự quán chiếu về Thực tại (True Being)[1].” Trong tác phẩm Cộng hòa, Plato viết ra những tư tưởng này khi đang tranh luận về Toán học. Tuy nhiên, đoạn văn này cũng có thể dễ dàng được nhìn nhận như một đoạn văn mô tả về cách thức đạt đến trạng thái Định (Samadhi) trong thiền.
Con hy vọng là Thầy sẽ thích những tác phẩm này. Con muốn cảm ơn Thầy về những niềm vui và sự tỉnh thức mà Thầy đã mang lại cho cuộc đời con. Con xin nguyện tiếp tục nỗ lực để đem năng lượng chánh niệm mà con chế tác được nhờ những lời dạy của Thầy đến với mọi người trên thế giới, thông qua mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi nốt nhạc, mỗi thanh âm. Con sẽ làm điều đó suốt cuộc đời này với tất cả con người của con.
Cảm ơn Thầy vì đã là một vị Thầy tuyệt vời của con! Con mãi mãi biết ơn và kính ngưỡng trước sức mạnh của chánh niệm và từ bi trong Thầy – đó luôn là niềm cảm hứng đối với con.
Với tất cả thương yêu trong trái tim mình,
Christopher Bono.
[1] “What is Absolute Unity? This is the way in which the study of one has the power of drawing and converting the mind to the contemplation of True Being.” – Plato’s “The Republic”
Dưới đây là nguyên bản tiếng Anh của lá thư: