Trước năm 2016

Nguyện tiếp bước chân Thầy

Sư cô Chân Không

Nội  Viện Thái Bình Dương, ngày 11 tháng 10 năm 2015.

Thầy kính thương  của chúng con!

89 năm Thầy biểu hiện trên cõi đời nầy nhưng 82 năm Thầy có ý thức biết mình phải đi tìm  con người bình an đó – Đức Thế Tôn. Chú bé bảy tuổi đã đã yêu Đức Thế Tôn qua bức ảnh Bụt ngồi trên bãi cỏ ở bìa một tạp chí Phật Giáo. Chú bé 9 tuổi biết đi tìm ông đạo ngồi yên trên đỉnh núi Na, chú bé 12 tuổi ở Nông Cống – Thanh Hóa biết ngoéo tay giao hẹn với năm người bạn nhỏ là khi lớn lên sẽ cùng đi tu. Chàng thiếu niên 16 tuổi ôm túi xách đi bộ lên đồi Dương Xuân, chùa Từ Hiếu, vừa đi vừa niệm Bụt để đường tu thành tựu. Rồi bên vị Thầy hiền lành và đức hạnh, bên các bạn đồng tu, Thầy chỉ có khái niệm là đạo Bụt này sẽ chỉ đường cho toàn dân giải phóng đất nước khỏi cảnh đô hộ của Pháp, khỏi sự nồi da xáo thịt giữa anh em cùng là con của mẹ Việt Nam. Trên đường đi, Thầy đã được sự hưởng ứng nồng nhiệt của bao nhiêu là bạn trẻ, có người cùng lứa tuổi, có người nhỏ hơn hoặc lớn tuổi hơn Thầy. Con đường thật dài, chỉ có mình Thầy là không bỏ cuộc.

Trái ý thức đã chín muồi khi Thầy cho phép con – sư cô Chân Không chính thức xuống tóc trên núi Linh Thứu. Ba người trẻ rũ sạch mái tóc đi theo Thầy ngày ấy: Chân Không, Chân Đức, Chân Vị vẫn còn nguyên; rồi Chân Tu*,  Đoan Nghiêm, rồi Bảo Nghiêm, Nguyện Hải*,  Pháp Đăng, Vô Ngại* , Hoa Nghiêm , Từ Nghiêm,  Pháp Ấn, Tịnh Nghiêm, Hương Nghiêm. Các con cá: Pháp Ứng, Thoại Nghiêm, Định Nghiêm,Tuệ Nghiêm. Bốn con cá này vừa biết lội mà cũng vừa biết bay để rồi sà xuống lội tiếp dẫn dắt đàn em nhỏ thay Thầy. Rồi cây sồi: Pháp Niệm, cây dừa: Hỷ Nghiêm, hai cây tùng: Pháp Hải, Pháp Hội, cây cam: Pháp Độ… làm vững chãi thêm Làng Hồng bé nhỏ, biến Làng Hồng thành Làng Mai -Viện Cao Đẳng Phật Học, với hai chùa xuất sĩ nam: Pháp Vân và Sơn Hạ; hai chùa xuất sĩ nữ: Cam Lộ và Từ Nghiêm. (*: những vị này không còn ở trong tăng thân Làng Mai)

Thầy về lại Việt Nam năm 2005, một trăm người trẻ quyết chí bỏ những phù phiếm cuộc đời để theo Thầy xuất gia. Rồi hai trăm, ba trăm, bốn trăm người trẻ nghe theo tiếng gọi của cái đẹp lý tưởng vừa thâm sâu mà vừa cao vời vợi của Thầy.

Huyền thoại 400 người trẻ bị đuổi ta khỏi nơi chôn nhau cắt rốn tâm linh của họ – chùa Bát Nhã. 400 người trẻ có lý tưởng phục vụ con người và đất nước Lạc Việt bị đánh bật ra khỏi Việt Nam để nay thành 900 người con xuất sĩ của Thầy sẽ dấn thân thật tình cho lý tưởng, càng bị đẩy ra càng bám rễ thật sâu trên đất nước của Lý, Trần, càng vươn ra bao nhiều cành lá lạ, đẹp. Tu viện Thanh Sơn ở tiểu bang Vermont – Hoa Kỳ; tu viện Lộc Uyển- tiểu bang California; tu viện Bích Nham – tiểu bang New York; tu viện Mộc Lan – Mississipi, Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (EIAB) tại Đức, Viện Phật Học Ứng dụng Châu Á (AIAB) tại Hồng Kông và tu viện Làng Mai Quốc Tế Thái Lan tỉnh Nakhon Ratchasima, càng làm vững mạnh thêm cho tăng thân xuất sĩ – các con của Thầy. Một triệu ba trăm chín mươi ba ngàn hai trăm bảy mươi tư người (1.393 274) trên thế giới  đã hết lòng quy ngưỡng Thầy qua  Facebook.

80 năm qua bao nhiêu người đã theo gót chân Thầy, có người giữa đường phải bỏ cuộc nhưng theo chân Thầy cách khác, có người bị Tây bắn, có người bị ám sát bỏ thân trên con đường phụng sự.

Năm 80 tuổi, một hôm, Thầy cho các con biết và sau đó qua nhiều bài pháp thoại Thầy nói là Thầy thấy sáng nay ngồi thiền cùng với cha của Thầy và Thầy nắm tay cha nói: “Cha ơi! Cha con mình đã về đã tới rồi. Con và cha và ông bà ta lúc nào cũng chạy nhưng nay cùng với con, cha con mình đã thành công. Không thành công vì danh vì lợi mà thành công vì trong cha con mình không còn bất cứ một mong cầu nào. Lúc nào cũng thấy tròn đầy, bình an, trọn vẹn. Hạnh phúc nhẹ nhàng, trọn vẹn – Vô Nguyện. Cha con mình đã về đã tới chốn bình an nhất, bây giờ và ở đây. Không cần danh nào nữa, lợi nào nữa, dù là vật chất, dù là chức vụ tâm linh trong chùa, trong xã hội cũng không còn lay động được mình nữa. Thật là Vô Nguyện, thật là  khỏe phải không cha?”

Thầy kính thương ơi! Thầy trò mình đã thành công đi như một dòng sông với bốn chúng hòa hợp, có tình anh chị em kính trên nhường dưới, có bình an, có thảnh thơi, vững chãi, dù những lúc phong ba nhất như vụ đánh đập ở Bát Nhã, các con của  thầy vẫn giữ được tình thương, tinh khôi và thuần hậu với cả những người đuổi mình ra khỏi những cư xá trong  chùa mà chính mình bỏ công, bỏ tiền ra xây cất. Không có em nào giận thầy Đồng Hạnh, thầy Đức Nghi và các anh công an hết. Ôi! Sao mà Thầy mầu nhiệm thế. Mỗi tuần Thầy chỉ viết thư về nói chuyện huyền thoại Bát Nhã và 400 sư em  được nuôi bằng những dòng sữa pháp đó thì làm sao mà không lớn nhanh và không là sự tiếp nối nhiệm mầu  của Thầy được.

Mình đã thành công rồi Thầy ơi, các con Thầy vẫn giữ tâm không dao động, vẫn ở chung, cùng nhau thành một khối. Cũng có một số em bỏ đi vì chuyển hóa không nổi tập khí của mình, nhưng con số đó không đáng kể.

Mỗi khi có khó khăn giữa anh chị em, chúng con đã nhớ trở về hơi thở và không hành xử không nói năng, không viết thư trách móc và cũng tập không suy luận về chuyện đó, chúng con cứ để cho cơn bão cảm xúc qua vài ngày, vài tuần, vài tháng và rồi anh chị em cũng tha thứ cho nhau và trân quý nhau. Tám chín trăm  đứa  con mà  Thầy từng banh thịt xẻ da  mà sinh chúng con ra, đã thành công vì Thầy vẫn còn các con,  tay trong tay,  đứng bên nhau tiếp tục leo đồi thế kỷ với Thầy. Dù leo bằng đôi chân nhỏ bé của chú tiểu leo đồi Dương Xuân-Từ Hiếu hay đi xe lăn thì chúng con vẫn đi theo Thầy trên đại dương của sự sống nhiều hoa hương của tình người, tình chúng sinh trên Đất mẹ Trời cha. Nam Mô Bồ Tát Lắng Nghe Đại Bi Quan Thế Âm .

Sư cô Chân Không trước bức tượng của Mục sư Luther King và Sư Ông Làng Mai tại tu viện Mộc Lan, Mỹ
(hình chụp: Paul Davis)

 

Sư cô Chân Không tường thuật ngày Tiếp nối bên Thầy

Suốt từ tối ngày 10/10 có nhiều gia đình thức khuya làm bánh chưng, bánh nậm, bánh bột lọc. Sư cô Trung Chính cũng thức từ ba giờ sáng làm bánh pa-tê sô (tiếng Pháp: Pâté chaud) với sư cô Hoa Nghiêm, sư cô Định Nghiêm  và sư cô Lăng Nghiêm thức khuya làm món ăn sáng thật đẹp cho Thầy.

Hồi 9 giờ 30 sáng, chưa bắt đầu thì Thầy đã đòi ra thăm. Một bàn đầy hoa, một chiếc bánh sinh nhật thật to với dòng chữ Happy Continuation Day to Thay. Sư cô không dám làm trịnh trọng, chỉ cúi xuống chắp tay thưa Thầy nhưng đó là  sư cô đọc diễn văn rất informal (không hình thức) nhưng sống động, chỉ nói những nét chính bài mà sư cô thay mặt các con của Thầy viết cho Thầy (bài viết đã được đăng ở phần trên). Khi sư cô nói đến đoạn “Vì muốn noi gương Thầy, vì muốn được tiếp nối tron vẹn Thầy nên các con của Thầy cũng sẽ  cùng đi như một dòng sông, có tình huynh đệ, tình chị  em,  lúc nào cũng ĐÃ VỀ ĐÃ TỚI như Thầy”, Thầy đưa tay lên cười mỉm, chu miệng và đồng ý lắm, mắt sáng rực, tay nắm lại, đưa lên cao, giơ qua giơ lại rất là hào hứng.

Khi bài “diễn văn” chấm dứt, sư cô mời mọi người Niệm Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokiteshvara). Niệm một lượt xong, sư cô Trai Nghiêm đàn vĩ cầm solo đệm theo ghi ta của thầy Pháp Biểu môt bản tặng Thầy. Kế đó, mọi người đem bánh ra để Thầy thổi nến. Chỉ có một ngọn nến, sư cô e rằng cây nến cắm trên chiếc bánh này xa quá vì cái bánh bự cả 50×60 phân. Sợ Thầy thổi không tới, sư cô liền rút cây nến ra đem tới gần, Thầy thổi một cái tắt phụt liền. Ôi là mừng, mọi cười nở hoa tay, vui quá. Thế là cái nguyện Thầy bình phục thế nào cũng được chư Tổ giúp cho thành tựu. Thầy chắp tay chào mọi người và thị giả đẩy xe Thầy vào phòng ăn bánh táo (apple pie) và nghỉ trưa. Các sư con của Thầy vào thăm và giã từ. Người đi Lộc Uyển rồi về Việt Nam luôn. Các sư em sắp về Việt Nam thì buồn lắm. Sư cô an ủi: Đừng lo, Thầy có chương trình của chư Tổ sắp xếp. Chư Tổ muốn Thầy về thì Thầy sẽ về Việt Nam thăm các con và 90 triệu dân Việt Nam”.